Chương 16

Đập điện thoại xuốn bàn thiệt mạnh, bà Liên ngồi cười ha hả một mình như người điên. Nghe bà cười, Năng hốt hoảng nhảy từ lầu xuống cầu thang. Anh thảng thốt:
- Mẹ làm sao vậy?
Bà Liên vẫn ôm bụng cười ngặt nghẽo:
- Tao cười chớ có sao đâu. Mẹ đang vui như chưa bao giờ vui như vầy. Nhưng con muốn biết lý do khiến mẹ hả hê đến thế không?
Năng nhíu mày:
- Mẹ trúng số hay trúng đề hả?
Bà Liên lắc đầu:
- Không. Mẹ hả hê chuyện người ta.
Nhìn vẻ tò mò của Năng, bà lại bật cười:
- Hà, hà! Cuối cùng lời cầu khấn của mẹ cũng thấu tai trời. Con mụ Tường Vân trắng tay rồi. Mụ ta sắp cạp đất mà sống rồi.
Năng sững sờ:
- Mẹ bảo sao? Bác Vân phá... phá sản à?
Bà Liên gật đầu:
- Ờ. Phá sản. Mày dùng từ nghe sang quá. Tao chỉ biết là con mụ Vân đã sạt nghiệp thôi.
Năng kêu lên:
- Tại sao vậy mẹ?
Bà Liên tựa lưng vào ghế với tất cả thoải mái. Chưa vội trả lời Năng, bà bảo:
- Phải mày còn cặp kè với con Thư thì bây giờ khổ vì " Bỏ thì thương, vương thì tội " rồi.
Năng gắt:
- Nhưng tại sao bác Vân sạt nghiệp?
Bà Liên hí hửng:
- Bị lừa.
- Mà ai lừa bác ấy chứ?
Bà Liên sựng lại một chút rồi buông thõng:
- Người tình cũ.
- Hả Người tình cũ? Đạo đức như bác ấy mà... mà...
Bà Liên nhếch môi đắc ý:
- Thế mới có chuyện để kể chớ. Bạn mẹ vừa điện thoại cho hay mụ Vân tung vốn nhờ người yêu cũ đầu tư vào một công ty, ai ngờ đó là công ty ma. Hiện tại công ty sắp bốc hơi, mụ ta đến tìm người xưa mới hay chàng cũng biến. Ngôi nhà hai tầng chàng từng ở té ra chỉ là nhà thuê trả tiền theo tháng.
Năng tò mò:
- Bác Vân mất nhiều không mẹ?
- Chắc chắn là nhiều.
Năng so vai:
- Bác Tuyển vẫn còn vốn, lo gì?
Bà Liên bĩu môi:
- Người ta nói " Họa vô đơn chí. Phước bất trùng lai ", xem ra đúng với trường hợp mụ Vân. Nợ ngân hàng ông Tuyển vay đã đáo hạn, nhà cửa tiếp tục giậm chân không bán được. Một là ông ta vào tù, hai là nhà cửa sẽ bị tích thu, nhưng căn nhà ở quận Bảy ấy giá có bao nhiêu. Bởi vậy, trước sau gì rồi cũng tan hoang tất cả. Ha, ha!
Năng nhìn mẹ trân trối. Từ xưa đến giờ, mẹ anh nổi tiếng dữ. Người dữ chưa hẳn là người tàn nhẫn, độc ác trước nửi đau của kẻ khác. Nhưng mẹ Năng hình như là như thế. Năng nhìn bà cười và thấy sợ.
Không nỡ tỏ thái độ cũng không thể đồng tình, anh trở về phòng mình. Căn phòng mới còn hôi mùi sơn khiến Năng càng khó chịu hơn. Anh thở dài khi nhớ tới Tường Thư.
Từ hôm gặp cô đi với Truyền tới nay, Năng lánh mặt Thư. Anh biết điều đó làm cô buồn khổ, nhưng anh muốn cô phải nếm mùi vị ấy để thỏa mãn tự ái. Có thể Năng nhỏ mọn, nhưng anh không làm khác được vì ghen. Anh phải thú thật với bản thân rằng anh rất ghen.
Anh có thể quen " sơ cua " một cô gái khác, nhưng Tường Thư không thể được, dù cô chỉ đi với người khác vì công chuyện chớ chẳng hề có ý tình gì. Chính cái máu ghen khiến anh trở nên nhẫn tâm với người mình từng thề thốt yêu thương. Tường Thư đáng bị anh... xù như thế.
Đã có lần Năng chở Bích Tuyên và gặp Thư trên đường, lúc đó mặt cô tái xanh. Năng hả hê làm sao, dầu tối đấy anh có khó ngủ.
Bây giờ nghĩ lại, Năng thấy mình tồi thế nào ấy. Thở dài, anh ngồi đốt thuốc. Anh đã học thuốc khi " tạm trú " nhà Bích Tuyên. Ở đó bao giờ cũng sẵn thuốc lá, bia, rượu tây. Anh thoải mái.... xài trước sự khích lệ của Bích Tuyên lẫn dì Ái. Anh không muốn bị chê cù lần. Hậu quả là lúc này anh thường nhạt miệng nếu không hút vài ba hơi thuốc
Đang chờ kết quả thi, Năng rảnh rang đến phát buồn nên đêm nào cũng đi nhảy với Tuyên. Nhảy bằng tiền con gái cũng hơi bị nhục, nhưng Tuyên mê anh một cách điên cuồng, cô không tiếc bất cứ thứ gì với Năng, vậy sao anh cứ nghĩ ngợi rồi dằn vặt mình cơ chứ.
Búng điếu thuốc qua cửa sổ, Năng chụp điện thoại gọi đến nhà Thư.
Giọng thằng quỷ nhỏ Lân vang lên đầy uể oải. Năng liếm môi:
- Cho tôi gặp Tường Thư.
- Xin lửi. Ai ở đầu dây vậy?
Năng không trả lời, thằng quỷ nhỏ đanh giọng:
- Là anh à? Hừ! Chị Thư không rảnh đâu.
Dứt lời, nó gác máy thật mạnh. Cái thằng chó ấy...
Năng lầu bầu chửi:
- Cả nhà mày sắp ra gầm cầu ở mà bày đặt. Đúng là... là...
Cửa phòng anh xịch mở. Bích Tuyên lao vào với nụ cười tươi rói. Năng bỗng ghét mọi tiếng cười. Anh gay gắt:
- Lần sau nhớ gõ cửa giùm một cái.
Bích Tuyên xìu xuống như bong bóng xì hơi:
- Sao lại quạu với em?
Năng xẵng:
- Đang bực.
Bích Tuyên ngồi xuống kế bên Năng:
- Em biết anh bực chuyện gì rồi. Nhưng không nên như thế.
Năng cộc cằn:
- Em về đi. Anh muốn một mình.
Tuyên nhướng mày:
- Hừ! Vẫn còn bênh dì cháu bà Ái. Thấy ghét!
Truyền nhíu mày:
- Nói lén gì cậu đó?
Su Su lém lỉnh:
- Cháu hỏi chị Thư có đói không, cháu xung phong đi mua bột chiên cho cả shop ăn.
Thư nói:
- Chị không đói. Để chị về quầy.
Thật nhanh, Tường Thư đi như lướt trên sàn. Truyền chậm rãi bước theo. Anh hỏi:
- Em ổn chứ Thư?
Thư xếp những chiếc bóp lại cho ngay ngắn.
- Bộ anh thấy tôi có vấn đề sao?
- Không. Ít ra là bề ngoài em vẫn thường, nhưng em có bị nội thương không, tôi thật sự hổng biết.
Tường Thư trầm giọng:
- Cám ơn anh lúc nãy đã đứng quầy hộ tôi.
Truyền nói:
- Tôi thật sự ngại khi người quen của mình cố tình làm khó em. Thái độ của Bích Tuyên dù vì Thúy Ái hay vì Năng cũng khó có thể chấp nhận được.
Tường Thư thản nhiên:
- Tôi lại thấy tội nghiệp. Chẳng qua Tuyên ghen nên mới như thế.
- Điều đó chứng tỏ Năng vẫn còn nghĩ tới em. Phần em thì thế nào?
Thư lau mặt quầy, dù nó đang sạch bóng.
- Tôi vẫn nghĩ tới anh ấy, nhưng ở khía cạnh khác. À, vừa rồi anh có hỏi thăm gì chị Thúy Ái không?
Truyền lắc đầu:
- Không.
- Tiếc nhỉ!
- Tôi lại chả thấy gì tiếc.
Thư hơi nheo mắt:
- Anh không quan tâm xem " Người xưa " hiện giờ sống thế nào à?
Truyền nhún vai:
- Không. Có thể Thư cho rằng tôi vô thủy vô chung, nhưng tánh tôi là thế. Hết là hết.
Tường Thư dài giọng:
- Su Su bảo anh là người khô khan. Nghĩ cũng đúng.
Truyền bật cười:
- Không ngờ tôi có đứa cháu chuyên môn nói xấu cậu. Bộ nó muốn tôi ế dài hạn sao ấy mà.
Tường Thư châm chọc:
- Nghe Su kể mẹ con bé giới thiệu nhiều người lắm, sao lại sợ ế?
Truyền nói:
- Dù đã từng thất bại, tôi vẫn thích tự tìm phân nửa kia của mình hơn nhờ giới thiệu.
- Nhỡ lại thất bại nữa thì sao?
Truyền nhìn Thư:
- Hổng lẽ tôi vô duyên dữ vậy?
Tường Thư chớp mắt, cô hóm hỉnh:
- Chuyện tình yêu khó nói lắm... anh ơi.
Truyền chống tay lên mặt quầy:
- Đúng là khó nói. Bởi vậy có nhà thơ đã than thở rằng:
" Yêu thương mà chẳng nói năng
Nhớ nhung mà chẳng than rằng nhớ nhung. "
Thư tròn mắt:
- Trời ơi! Anh thuộc cả thơ tình. Vậy thì đâu phải người khô khan. Anh đang yêu ai, nhớ ai vậy? Bật mí một chút được chứ?
Truyền ung dung:
- Tôi sẽ thành thật khai báo, nhưng không phải lúc này.
Tường Thư bĩu môi:
- Chà! Bí mật quá nhỉ. Vậy thì xin nghiêng mình trước bí mật của anh.
Truyền buột miệng:
- Tôi thích cách nói chuyện của em.
Thư hơi ngỡ ngàng vì câu bất ngờ của anh:
- Vậy à?
Rồi hai người chợt rơi vào im lặng. Tường Thư lại nghe giọng Truyền vang lên:
- Đó không phải câu tán tỉnh đâu nghen.
- Nhưng chắc cũng không phải lời khen. Vì người ta có thể thích cái xấu...
Truyền chép miệng:
- Dường như em đánh mất sự tự tin rồi.
Tường Thư từ tốn nói:
- Vẫn còn, có điều tôi không phung phí nó.
Truyền nheo mắt:
- “ Ai nên khôn mà không dại một lần. “ Nhưng chẳng có sự dại dột nào giống nhau, dù người ta đã chuẩn bị thật kỹ, sau một lần rút kinh nghiệm.
Thư xụ mặt:
- Anh muốn ám chỉ điều gì chớ?
Truyền lơ lửng:
- Thư rất thông minh, lẽ nào không hiểu?
Thư càu nhàu:
- Có khách kìa! Anh cứ ám ở đây hoài, chả ma nào thèm mua hàng quầy này.
Truyền lắc đầu bước đi, anh nhẹ nhõm vì nghĩ Tường Thư không buồn nhiều lắm, khi gặp Bích Tuyên đi với Năng. Cô bé đã chứng tỏ mình vững vàng trước những tình huống dễ nhói tim như vừa rồi. Thư biết giấu tình cảm thật của mình. Điều đó tốt hay xấu nhỉ?
Sau nhiều biến cố xảy tới cho gia đình, Thư và Lân chững chạc hẳn lên. Nhờ chị em Thư, cha mẹ cô đã hàn gắn lại vết nứt khổng lồ. Dĩ nhiên chỗ hàn ấy vẫn còn vết sẹo to tướng, nhưng vẫn hạnh phúc hơn khi gia đình bị đổ vỡ hoàn toàn.
Lần đó, bà Vân bị lão Thiều ở gần nhà Vịnh lừa một vố to. Bà tuyệt vọng đến mức suýt ngã gục. Khoảng thời gian đó nhìn Thư mới tội làm sao. Cô phờ phạc, rầu rĩ, suốt ngày cứ gằm mặt xuống đất như kẻ tội đồ. Truyền biết cô mặc cảm và xấu hổ vì lời ong tiếng ve xoay quanh câu chuyện của bà Vân.
Truyền biết cô bị áp lực tâm lý rất nặng nề. Áp lực ấy bị nhân lên gấp bội khi ngân hàng đòi nợ vì đã tới ngày hết hạn vay. Thư thơ thẩn đi trong sân nhà mình như người mộng du. Cô đã bật khóc khi nói với Truyền cô rất buồn nếu ngôi nhà chưa ở được bao lâu này sẽ bị phát mãi, gia đình sẽ dời tới nơi khác.
Chính những giọt nước mắt ấy đã khiến Truyền trằn trọc cả đêm. Anh cũng rất buồn nếu mất đi “ cô láng giềng “ dễ yêu. Sau khi chia tay với Thúy Ái, Truyền đã có một nơi để hướng trái tim mình mỗi lúc cô đơn. Anh tìm thấy nét dịu dàng ẩn trong vẻ hơi ngông đầy trẻ con của Thư, Truyền mơ ước một người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, cô ấy đang ở gần anh, nhưng Truyền còn đắn đo lắm. Cuộc tình vừa qua vẫn làm anh chua chát, Truyền không muốn mình vội vã để rồi lại thất vọng. Nhưng trước tình trạng nguy cập của gia đình Thư, anh đâu thể do dự, chậm chạp được.
Truyền không phải kẻ cơ hội, nhưng cơ hội đã đến với anh. Thế là bằng cả tấm lòng mình, Truyền mang chủ quyền nhà sang cho ông Tuyển mượn. Anh giúp gia đình Thư giải quyết những khó khăn trước mắt không kèm chút điều kiện nào.
Để giúp Thư nguôi ngoai bằng công việc, Truyền đã bảo mẹ Su Su gọi Thư đến giúp mình đứng bán cho một shop của gia đình. Thư tỏ ra thích việc này. Thế là ngoài những lúc đến lớp, cô đi làm và Truyền lại có cơ hội mỗi chiều chở Thư về nhà.
Giữa hai người đã nhen nhúm một tình cảm rất mơ hồ. Truyền không hề ảo tưởng khi nhận thấy thế, nhưng anh cũng không tự tin để tiến xa hơn khi biết Thư vẫn còn lao đao vì Năng, giữa hai người vẫn có những ràng buộc chưa dứt được.
Đứng ngoài cửa, rít chưa tàn điếu thuốc, Truyền đã nghe Su Su gọi. Anh bước vào, nhìn bộ mặt nhăn nhó của con bé.
- Sao cậu lại đứng ngay cửa thế? Lỡ vía của cậu nặng chắc ế dài dài.
Truyền chép miệng:
- Đứng đâu cũng bị đuổi. Chán!
- Chán, sao cậu không đi chỗ khác chơi. Tới giờ hãy về đón chị Thư?
Thấy Truyền làm thinh, Su Su dài giọng:
- A, cháu hiểu rồi. Cậu đứng đây để giữ món hàng quý giá nhất chớ gì. Nghĩ cũng phải, gã nào tới shop của mình cũng khoái ngắm chị Thư. Cậu cứ “ lặng lẽ nơi này “ hoài coi chừng bị phỗng tay trên “ một tâm hồn mong đợi đã từ lâu. “
Cốc vào cái đầu con nhỏ lắm mồm một cái, Truyền buông thõng:
- Liệu hồn đấy!
Xoa đầu, Su Su giận dỗi:
- Cháu làm ơn cảnh báo với cậu mà lại mắc oán. Đúng là... là...
Cái di động trong túi reo vang. Truyền vội lấy ra nghe. Giọng Vịnh oang oang:
- Có “tin nóng “ mày nghe không?
Truyền nhíu mày:
- Tin nóng gì?
Vịnh xù xì:
- Tao vừa thấy lão Thiều về nhà. Mày muốn tiếp tục lấy điểm với cô em láng giềng thi xin mời hành động. Nhưng nhanh lên đấy!
Truyền hối hả:
- Có gì mày giữ chân lão hộ.Tao sẽ báo cho ba mẹ Tường Thư ngay.
Điện thoại được nhấn liên tục để truyền đi tin quan trọng này. Mười phút sau, Truyền đã đưa Thư tới căn nhà ông Thiều từng ở ngay lúc ông ta đang thuê chở tivi, tủ lạnh cùng những vật dụng trong nhà.
Tường Thư chợt run lên khi ánh mắt gian xảo của ông ta ném về cô cái nhìn đểu cáng.
- A! Cháu gái xinh đẹp đi đâu thế nhỉ?
Thư nhìn Truyền như cầu cứu. Anh thản nhiên bước tới, giọng điềm tĩnh:
- Chúng tôi tới để gặp ông.
Xoa cằm, ông Thiều câng câng mặt.
- Tôi không quen biết anh. Xéo đi!
Truyền gằn giọng:
- Nhưng tôi lại rất rõ ông. Chúng ta phải nói chuyện với nhau.
Ông Thiều lạnh lùng:
- Tôi không có thời gian và cũng chả có gì để nói.
Hất mặt cho người tài xế xe ba bánh, ông ta bảo:
- Chú chạy đi. Tôi sẽ theo ngay.
Truyền cương quyết:
- Không được. Bác tôi sẽ tới liền bây giờ. Ông không đi được đâu. Nếu chưa làm rõ chuyện vay vốn...
Ông Thiều sa sầm mặt:
- Mày thích xen vào chuyện người khác quá nhỉ. Tao cóc biết bác mày là ai, vay vốn liếng gì, đừng cản đường tao mà rộn chuyện đấy.
Vừa nói, ông Thiều vừa leo lên chiếc Dream lùn, Truyền giữ tay lái xe lại:
- Ở xóm này ai cũng biết ông lừa đảo. Tôi sẽ hô hoán lên, nếu ông muốn thế.
Ông Thiều lầm bầm văng tục trong miệng. Tường Thư sốt ruột chờ ba mẹ mình. Vừa chờ cô vừa nhìn lão Thiều với tất cả căm hận.
Bỗng dưng ông ta đề xe rồi vào số, chiếc xe vọt đi thật nhanh làm Truyền gần như bị hất sang một bên, nhưng anh vẫn cố chồm theo ghịt chiếc xe lại.
Tường Thư hét đại:
- Cướp! Cướp!
Dân hai bên phố túa ra chận chiếc xe của ông Thiều lại.
Vừa hổn hển thở, Truyền vừa nói:
- Ông ta là kẻ lừa đảo. Ông ta đã lừa cả gia đình tôi một số tiền rất lớn. Rất mong bà con giữ ông ta lại để giao cho công an, gia đình chúng tôi đã gởi đơn tố cáo rồi.
Vịnh bước tới bỏ nhỏ vào tai Truyền:
- Sẽ mời công an khu vực tới giải quyết vấn đề này. Ông ta không thoát đâu.
Ngay lúc đó, Lân chở bà Vân tới, Thư thấy mặt mẹ tái xanh. Bà chẳng nói được lời nào, nhưng ánh mắt hiện rõ sự căm ghét, khinh bỉ.
Cô đến bên cạnh và nghe bà nói nhỏ:
- Ba sắp đến. Ông sẽ làm ra lẽ vụ này. Người đàn ông kia không xứng đáng để mẹ trông thấy mặt.
Dứt lời bà quay đi. Thư xót xa nhìn theo mẹ, tóc bà hôm nay nhiều sợi bạc quá. Đó là cái giá mẹ phải trả cho việc mình đã làm. Tường Thư không có quyền phán xét.
Cô còn quá trẻ để biết trong cuộc đời ai khôn ai dại, ai biết được mình sẽ phạm những sai lầm gì. Nhưng bi kịch của mẹ là bài học đầy nước mắt dành cho cô, giúp cô nhận ra thế nào là một tình yêu chân thật. Hiện giờ tình yêu ấy đang phiêu lãng nơi nao, Tường Thư đưa mắt tìm Truyền và lòng chợt bâng khuâng.