Dịch giả: Lê Minh
Chương 13
Người hủy diệt

7.Quảng cáo của hãng Pepsi "Sống động cùng thế hệ pepsi" dịch sang tiếng Trung Quốc thành "Pepsi khiến tổ tiên của bạn đội mồ sống lại."
8. Khẩu hiệu bán thịt gà của Frank perdue "Cần một người khỏe mạnh mới chế biến được món gà mềm mại" được dịch sang tiếng Tây Ban Nha thành "Cần có người đàn ông hứng khởi để khiến cho một con gà xiêu lòng."
9. Tên Coca-Cola ở Trung Quốc lúc đầu được đọc thành "Ke-kou-ke-la", dịch nghĩa "Cắn vào một con nòng nọc nặn bằng sáp," hoặc "một con ngựa cái bị nhồi sáp," tùy theo khẩu ngữ. Hãng Coca-Cola sau đó đã nghiên cứu 40.000 ký tự Trung văn để tìm một lối gọi mới: "Ko-kou-ko-le," dịch ra là "niềm hạnh phúc trong miệng."
10. Khi công ty bút máy Parker tiếp thị một loại bút bi mới ở Mexico, quảng cáo của họ lẽ ra là, "Bút sẽ không đổ mực trong túi và khiến bạn xấu hổ." Nhưng khi bị dịch sai, quảng cáo trở thành, "Bút sẽ không vấy mực trong túi và khiến bạn mang thai."
Trích từ danh sách
Mười lỗi lầm trong tiếp thị toàn cầu, đăng trên Sarasota Herald-Tribune, 19/1/1998.
 
Năm 1993 hai diễn viên Sylvester Stallone và Wesley Snipes cùng đóng trong một bộ phim ít ai biết hay nhớ đến nhưng rất hay - phim Người Hủy Diệt. Cảnh trong phim viễn tưởng này là năm 2032 khi toàn cầu hóa thống trị đời sống nước Mỹ, khi đó chửi bậy, hút thuốc, dùng muối, nghèo đói, truyền máu, chửi thề, uống bia rượu, và sinh con không giấy phép, tất cả bị đặt ngoài vòng pháp luật. Trùm tội phạm Simon Phoenix (Snipes đóng) ra khỏi tù sau hơn 30 năm bị giam trong nhà tù đông lạnh, loại nhà tù dùng kỹ thuật đông lạnh để giữ tất cả tù nhân. Khi ra tù, nhân vật này tìm đến vùng nam California để sống, một nơi yên tĩnh, hiền hòa và an toàn - thật lý tưởng cho tay này sống theo lối ngựa quen đường cũ - hắn muốn gây tội ác trở lại theo lối xưa kia. Và các viên chức ở đó, những người không còn quen thuộc với nạn tội phạm, đã nhanh chóng hiểu rằng để đối phó, họ cần một loại cảnh sát lối cổ điển. Và họ đã rã đông cho John Spartan (Stallone đóng), người cũng bị giam đông lạnh trong cùng một nhà tù với Phoenix. Spartan và Phoenix trước kia đã từng đụng độ trong nhiều vụ khiến nhiều dân thường bị giết oan. Chuyện phim không can hệ nhiều. Nhưng gây ấn tượng chính là cảnh sống ở vùng nam California trong tương lai giả tưởng, nơi chỉ có một loại tiệm ăn mang tên: Taco Bell.
Stallone đã khám phá ra điều đó sau khi được hâm nóng sống lại, khi một viên chức địa phương tổ chức một bữa tiệc mừng, cám ơn Stallone đã cứu ông ta. Stallone sửng sốt khi biết rằng tiệc mừng được tổ chức trong tiệm ăn Taco Bell. Anh ta có cuộc trò chuyện sau đây với đồng nghiệp cảnh sát (do Sandra Bullock đóng) trên đường tới tiệm:
Stallone: "Ông ta nói tôi đã cứu mạng ông ta, nhưng tôi không dám chắc đã làm điều đó, phần thưởng cho tôi là một bữa tối và nhảy đầm ở Taco Bell? Ý tôi muốn nói, mặc dù tôi thích món ăn Mexico, nhưng sao lại thế?"
Bullock: "Cứ nói bông lơn làm gì, anh không hiểu à? Taco Bell là tiệm ăn duy nhất còn lại sau những cuộc chiến giữa các chuỗi nhà hàng."
Stallone: "Thế thì sao?"
Bullock: "Thế thì giờ đây tất cả các nhà hàng đều mang tên Taco Bell."
Stallone: "Không thể tin được."
Sau đó hai người bước và nhà hàng Taco Bell tráng lệ, nơi người chơi đàn piano, nói giọng rất giống Barry Manilow, đang hát một điệu nhạc quảng cáo cho hãng rau quả Người khổng lồ màu xanh:
Những điều kỳ lạ đến từ thửa vườn.
Trong thung lũng
Trong lũng của người khổng lồ màu xanh.
Đấy là vì vào năm 2032 những ca khúc những ca khúc chỉ còn là những bảng quảng cáo thương mại. Khi mọi người ngồi vào bàn ăn, Stallone nhờ một người nào đó chuyển cho anh ta lọ muối thì Bullock cản lại: "Muối không tốt cho con người, vật nó là của phi pháp."
Theo Hollywood thì đó chính là cảnh nước Mỹ một khi toàn cầu hóa thống lĩnh, trong đó văn hóa và môi trường được đồng hóa, tiêu chuẩn hóa và được giữ vệ sinh sạch sẽ. Đó là một bức tranh khoa học giả tưởng đáng sợ. Những điều làm tôi lo ngại là có khi nó cũng phản ánh chút ít sự thật.
Khi sang Doha, Qatar, vào mùa Đông năm 1997, tôi trọ ở khách sạn Sheraton, nằm trên một con đê Doha, nhìn ra vịnh Ba Tư. Con đê Doha là một con đường đi bộ dọc bờ biển dài 10 dặm, lát đá trắng và dọc đường có những vườn hoa và cây cọ. Phụ nữ Qatar mặc áo choàng truyền thống, một số đeo mặt nạ đen, chỉ hở mắt, đi dạo trên con đường đó. Đàn ông Qatar nhìn chòng chọc và trêu ghẹo họ, những bà mẹ đẩy con cái trong những xe đẩy và những gia đình cùng dạo chơi hóng gió biển. Buổi sáng đầu tiên đến đó, tôi xuống đi dạo trên con đường này, và khi đang thưởng thức cảnh quan và hình ảnh người dân tôi thầm nhủ: "Cảnh này được tạo dựng thật lý tưởng. Nếu có một cảnh thật sự độc đáo đại diện cho văn hóa và thắng cảnh vùng vịnh Ba Tư, thì chính là đây." Tôi đi tiếp, thưởng thức say đắm, cho tới khúc quanh thì nó sừng sững xuất hiện:
Tiệm ăn Taco Bell.
Vâng, đúng thế, ngay giữa con đê Doha là tiệm Taco Bell, với một bức tranh tiểu vương Qatar cao 6,4 mét dựng trên nóc nhà. Tôi tự hỏi: "Cái thứ này đang làm gì ở đây vậy? Vì sao họ lại dựng một tiệm Taco Bell ngay giữa con đường đẹp như thế này? Tôi đang thưởng thức một Qatar độc đáo, vậy mà lại phải gặp một tiệm ăn Taco Bell." Và tồi tệ hơn nữa là: Trong tiệm có rất đông khách!
Nhà văn Thomes Wolfe đã nói, "Bạn không thể quay về nhà nữa," nhưng tôi sợ rằng ông ta đã sai lầm. Trong toàn cầu hóa, bạn sẽ không thể rời khỏi nhà để đi ra bên ngoài được nữa. Vì toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường đơn chiếc - với những nền kinh tế mở theo quy mô cho phép một thương vụ và sản phẩm có thể đồng loạt được bán ở mọi nơi trên thế giới - toàn cầu hóa có thể đồng hóa sức tiêu thụ đồng loạt và gặm nhấm môi trường, toàn cầu hóa đang đến thật nhanh, và chỉ trong vài thập niên, nó có thể xóa đi sự đa dạng về môi sinh và văn hóa, những thành tựu phải mất hàng triệu năm tiến hóa của con người và sinh vật mới xây dựng được.
Chỉ có một hy vọng để có thể ngưng nó lại hoặc ít nhất cản đường, buộc nó đi chậm lại. Đó là việc các nước cần phát triển các loại bảo vệ điện áp và phần mềm để họ vừa có thể tận dụng lợi thế từ Bầy Thú Điện Tử vừa tránh được khả năng bị chúng giày xéo. Trong lãnh vực văn hóa và môi trường cũng cần làm điều tương tự. Các nước cần xây dựng cho được những công cụ để lọc lựa về văn hóa và môi trường để họ có thể giao thiệp với bầy thú mà không bị chúng bắt nạt và nghiền nát bản sắc văn hóa và môi trường của họ. Nếu các nước, đặc biệt trong thế giới đang phát triển, không làm được điều đó thì chúng ta sẽ trở nên nghèo đi. Nơi nào cũng sẽ giống nơi nào, đâu đâu cũng dày đặc Taco Bell, KFC, và khách sạn marriott với những siêu thị giống hệt nhau, MTV và hình tượng những nhân vật hoạt hình Disney, phim ảnh giống nhau, âm nhạc giống nhau và Muzak, với những vùng rừng trọc lóc và những thung lũng phủ bê tông. Lúc đó du lịch trên thế giới sẽ giống như đến vườn thú để xem cũng từng ấy con thú mỗi ngày - loài thú được nhồi bông.
Khi sang Bangkok hồi tháng 3/1996, tôi vẫn nghe người ta nói về vụ việc được gọi là "Bà chúa của nạn kẹt xe."
Hôm đó bắt đầu bốn ngày nghỉ Quốc Khánh Thái Lan và mở đầu mùa mưa ở nước này, tháng tư năm 1995. Richard Frankel, một kỹ sư về môi trường tại Bangkok tả lại với tôi: "Đêm thứ tư, chúng tôi tính toán làm sao đưa cả nhà, lợi dụng lúc giao thông vắng vẻ sẽ đi thoát khỏi thành phố. Chúng tôi định lên Chiang Mai, 200 dặm về phía Bắc để nghỉ mát. Vậy là xếp đồ lên xe, ăn uống đầy đủ và ra khỏi nhà. Kế hoạch là ra cho được con đường cao tốc, đi qua sân bay rồi lên thẳng phía Bắc. Chúng tôi rời khỏi nhà lúc 10 giờ đêm. Trẻ con ngủ trong xe, mọi sự rất hoàn hảo - cho đến khi ra tới đường cao tốc. Giao thông ngừng trệ suốt 60 dặm, xe cộ chỉ nhích lên ít một. 10 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới tới được sân bay. Một số người bỏ xe đi bộ quay lại. Chúng tôi cũng cố gắng quay về nhà, nghỉ ở nhà."
Bangkok là điển hình chính xác nhất của những hậu quả khi một nước đang phát triển mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhưng không xây dựng được những bộ lọc và bảo hiểm chống sự quá tải trong tăng trưởng. Hãy nghĩ về sự quá tải như sau: Năm 2000, có khoảng 5,8 tỷ dân sống trên hành tinh. Giả sử 1,5 tỷ sống lối sống gọi là toàn cầu hóa: có nghĩa là trong xã hội, họ thuộc tầng lớp trung lưu lớp dưới, lớp giữa hoặc thượng lưu, có TV, có thể có điện thoại, một loại xe, có nhà, có tủ lạnh, máy giặt. Nói cách khác, lối sống của họ dựa trên sự tiêu thụ sản phẩm hóa dầu ( từ đồ nhựa cho tới phân hóa học), sản phẩm khí cacbon (than, ga và dầu lửa) và thép cán (xe hơi, tủ lạnh và máy bay). Trong thập niên tiếp theo, nếu toàn cầu hóa tiếp tục cho phép thêm nhiều người nhập vào lối sống này, và nếu chúng ta không học cách sản xuất thì chúng ta sẽ đốt, nung, trải bê tông, gây ô nhiễm cho những khu vực hoang sơ, rừng rậm, sông ngòi. Và tốc độ đó sẽ tăng chóng mặt.
Thăm Bangkok mà thấy tương lai: thành phố giàu có nhưng cuộc sống thì nghèo kém. Do nạn kẹt xe mà các tài xế sẽ không ra khỏi nhà nếu không mang điện thoại di động, và trên xe của họ thường có thùng tiểu tiện cá nhân. Bangkok có 10 triệu dân, không được quy hoạch toàn diện nên đến cuối những năm 90, thành phố vẫn không có đường ngầm và thậm chí cũng không có làn đường dành cho xe hơi. Nhiều người dân ở Bangkok không còn muốn mời khách đến ăn tối vì không thể biết khách sẽ đến muộn tới mức nào. "Tất cả những niềm ngẫu hứng của cuộc sống không còn nữa," James Fahn, phóng viên môi trường phàn nàn với tôi vào một buổi chiều khi đang ngồi trong một công viên xơ xác trong trung tâm thành phố, "bạn không thể gọi điện cho người bạn nói, gặp nhau trong tiệm ăn trong 15 phút nữa nhé."
Lập luận truyền thống thường nghe trong các nước đang phát triển là: "Giờ đây chúng tôi bày biện bừa bộn, sau này khi nào có tiền, chúng tôi sẽ dọn." Và trường hợp Bangkok đã chứng tỏ, nếu một thành phố phát triển quá nhanh và quá bừa bộn kiểu đó, thì sẽ không còn ngày mai để dọn rửa nữa. Những lối đi bộ biến mất rồi, không còn đất để xây công viên mới. Kênh rạch đã bị lấp xi măng để xây nhà phía trên. Cá dưới sông chết hết rồi. Một nửa số cảnh sát giao thông bị bệnh đường hô hấp. Ở Bangkok, Bầy Thú Điện Tử và thị trường tự do đã lũng đoạn chính quyền, hoặc chúng trở nên giàu có hơn chính quyền, giúp cho các nhà đầu tư đút lót và tránh né được hầu hết các luật định liên quan đến môi trường. Một nhà ngoại giao Mỹ ở Bangkok nhận xét với tôi hồi năm 1996: "Chúng tôi vừa mở cửa một loạt các đại sứ quán ở khu vực Liên Xô cũ, và nhiệm vụ của chúng tôi ở đó là giải thích cho dân chúng biết về khái niệm "thị trường." Còn ở đây, Bangkok, chúng tôi phải giải thích cho dân chúng tất cả các khái niệm, trừ "thị trường".
Ở Jakarta một lần tôi gặp Agus Purnomo, người đứng đầu chi nhánh của Quỹ Thiên Nhiên Hoang dã, WWF. Tôi hỏi ông ta: "Là một nhà môi trường hoạt động trong một thị trường mới nổi, ông thấy thế nào? Có giống như người thợ sửa chữa Maytag, con người cô đơn nhất?"
"Chúng tôi đang liên tục chơi đuổi bắt với sự phát triển." Ông ta thở dài. "Trước khi chúng tôi có dịp thuyết phục mọi người rằng cần phải có sự phát triển đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì những dự án làm đường, dựng nhà máy hay nhà máy điện đã được duyệt rồi. Chúng tôi đang chị nạn thất nghiệp cao, vì thế những nhà xây dựng, một khi hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm, thì họ thường được ủng hộ. Khi đó, chúng tôi bị chụp mũ là những kẻ chống việc tạo công ăn việc làm và bị tẩ chay."
Nhưng những sự tàn phá giờ đây xảy ra nhanh chóng quá và thường không thể đảo ngược được, ông nói. "Nếu bạn mất một quả núi tức là mất hẳn, không tài nào nặn lại được nó nữa. Nếu bạn mất đi một khu rừng, bạn có thể trồng lại nhưng như thế sẽ làm mất vĩnh viễn sự đa dạng sinh thái - cây cối và động vật. Tôi lo rằng trong một thập niên nữa, những nhà môi trường như chúng tôi sẽ không còn gì để bảo vệ nữa."
Làm gì bây giờ? Liệu chúng ta có xây dựng được một phương thức toàn cầu hóa bền vững về môi trường? Một hy vọng đó là kỹ thuật sẽ phát triển để giúp chúng ta bảo vệ những khu vực xanh tươi nhanh hơn là mức giày xéo của Bầy Thú Điện Tử. Robert Shapiro của công ty Monsanton đã nói: "Dân số nhân với niềm háo hức được sống mức sống trung lưu, chia cho số công cụ kỹ thuật hiện có hiện đang gây sức ép không chịu nổi đối với hệ sinh thái trên hành tinh. Khi ba người sống gần một hồ nước ném rác xuống hồ thì vẫn chưa sao. Nhưng khi 30 ngàn người cùng ném rác, thì bạn sẽ phải tính kế để không sản sinh ra từng đó rác rưởi, hay xử lý rác rưởi, hay giảm số người tạo ra rác - nếu không thì cái hồ dó sẽ không còn ở đó nữa."
Như vậy cần phải có sự khai thông thực sự trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano (phân chia vật chất thành những mô hay hạt nhân, xử lý tạo những nguồn năng lượng mới gọn nhẹ ít chất thải - tạo năng lượng từ kỹ thuật phân hủy) nhờ đó chúng ta có thể tạo giá trị trong phạm vi hay kích cỡ nhỏ hơn và dùng ít nguyên-nhiên liệu hơn. Chẳng hạn, nhờ có công nghệ sinh học, chúng ta có thể thay đổi cấu trúc ADN để cây cối có thể tự thân chống sâu rầy, và nông dân không cần đến phân hóa học hay thuốc chống rầy. Nhờ có công nghệ thông tin, những thứ như băng nhựa hay phim nhựa giời đây đã được cải biến thành kỹ thuật số, các nhó ký tự 1 và 0, và giảm bớt lượng rác rưởi và biến rác rưởi trở thành có khả năng tái sinh.
Nhưng chỉ những khai thông trong công nghệ không thể áp đặt những ý tưởng môi trường cho bầy thú, đơn giản vì sáng tạo khoa học kh6ng thể nào nhanh kịp - so với tốc độ sinh sôi và gặm nhấm của bầy thú. Bạn có thể thấy điều đó trong những thống kê môi trường mới được công bố. Tạp chí Times đưa tin là năm 1998, 50 phần trăm trong số 233 sinh vật quý hiếm của thế giới đang bị đe dọa diệt chủng, và cứ mỗi phút sẽ có 52 mẫu rừng của thế giới bị tàn phá.
Vì thế, các nhà môi trường cần phải học cách hành động nhanh hơn. Họ cần phải nhanh chóng phát triển các loại phần mềm và những thủ tục giám sát về môi sinh để đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn những khu môi sinh. Họ cần kết hợp chặt chẽ hơn với nông dân và dân bản xứ, những người mà nguồn sống lệ thuộc nhiều vào núi rừng và hệ thiên nhiên. Họ cần phải đào tạo những tầng lớp thượng lưu bản xứ để phát triển các công viên và khu bảo tồn tự nhiên, không cho phép những kẻ giàu có và dân nghèo thành thị có được phương tiện và ý thức phá hoại. Và tất nhiên, ngay lập tức, họ cần xúc tiến các chương trình dân số kế hoạch hóa, sự bùng nổ dân số sẽ làm tan vỡ những hệ thống sàng lọc bảo vệ môi trường. Howard Youth viết trong tạp chí World Watch về phương thức Công hòa Honduras ở vùng Caribe cho ra một chương trình đào tạo tri thức xanh trong nhiều năm. Anh cho biết chương trình này đã bị ngưng trệ do sự thiếu thốn một số lượng bao cao su. "Bay trên vùng nông thôn của Honduras," anh viết, "bạn gần như thấy được đất nước này phát triển ra sao: cháy rừng tràn lan, thị trấn mới mọc lên, đường sá mới làm, những mảng rừng bị đốn trọc để con người có chỗ vào khai thác... Mức tăng dân số lớn nhất đã diễn ra trong vùng nông thôn - trong những làng bản lẻ tẻ trong rừng - và trong nhiều khu vực ở đó hiện chưa có các phương tiện phòng tránh thai... "
Ý tưởng thật là hay nếu các nhà môi sinh có thể hoạt động khẩn cấp hơn, nhưng điều đó chưa có nghĩa là họ sẽ hành động. Vậy thì chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta sẽ phải đương đầu với một thực tế: Để di chuyển cùng tốc độ với bầy thú, chúng ta cần phải cưỡi lên chúng và điều khiển chúng. Chúng ta cần chứng cho chúng biết rằng bảo vệ môi trường, hoạt động toàn cầu và kiếm lợi đều có thể thực hiện cùng một lúc. Nếu muốn cứu vùng Amazon thì mời bạn đến trường thương mại để học cách đàm phán.
Rất khó có thể kiểm được người có thể kết hợp được lợi ích thương mại và môi trường, nhưng điển hình gần nhất mà tôi tìm thấy đó là Keith Alger.
Tôi gặp Alger, 44 tuổi, trong một chuyến đi trong vùng rừng bên bờ Đại Tây Dương của Brazil, lúc đó anh ta là một trong những lãnh đạo của một liên minh có công cứu những phần còn lại của vùng rừng nhiệt đới của bang Bahia, phía đông bắc Brazil, đồng thời đã giúp tìm việc làm mới cho những người thợ đốn gỗ ở đó. Là một nhà nghiên cứu khoa học chính trị, kết hôn với một chuyên gia người Brazil về khỉ, Alger sang sống ở đó với mục đích sẽ cứu rừng bằng cách đào tạo cho dân bản xứ về tầm quan trọng của môi sinh. Nhưng anh ta đã nhanh chóng hiểu ra rằng nếu không tìm ra công ăn việc làm mới cho những người thợ đốn gỗ thất nghiệp khi rừng được cứu, thì thật vô ích. Alger miêu tả cho tôi: "Nghèo khó là chuyện khó chịu đựng và cũng thật xấu hổ nếu dân chúng không bảo tồn được rừng của họ. Những nông dân ở đây nói rằng chính họ cũng muốn bảo vệ rừng nhưng làm như thế thì nghề nghiệp của họ cũng mất luôn. Nếu muốn mua một chiếc xe hơi hay kiếm tiền cho con cái đi học đại học thì họ chỉ có việc thuê thợ đốn một vài hec ta trong khu rừng của họ, rừng của họ cũng giống như nhà băng. Vậy thì nếu tôi muốn giúp họ giữ rừng thì tôi phải kiếm việc cho họ kiếm tiền."
Và alger, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường ở nam Bahia, cộng tác với tổ chức Bảo tồn Quốc tế có trụ sở ở Washington và một nhóm các nhà môi trường ở địa phương, trở thành những thương gia môi trường với nhiệm vụ cứu rừng. Một mặt, nhóm của Alger tranh đấu trong nghị trường suốt bảy năm chống nạn đốn gỗ, cho tới năm 1998, rốt cuộc chính phủ Brazil ra được luật cấm đốn gỗ trong các khu rừng bên bờ Đại Tây Dương phía nam Bahia. Mặc khác, nhóm của Alger cùng các đồng nghiệp địa phương cho xây dựng một công viên môi sinh trong một khu vực của vùng rừng đó. Họ thuê một nhóm người leo núi chuyên nghiệp, dùng cung tên để bắn dây thừng, đan thừng, tạo ra những lối đi trên những ngọn cây cao chót vót, nối với những nhà lá làm trên cây. Những lối đi rộng khoảng 40 phân và hơi rung rinh khi bạn dạo bước từ ngọn cây nọ sang ngọn cây kia trong khu vực bên ngoài thị trấn Una, nơi rừng nhiệt đới một thời che phủ toàn bộ vùng duyên hải. Ngày nay, chỉ còn có bảy phần trăm vùng này được gìn giữ, tránh được dân đốn gỗ và những nông dân đốt nương làm rẫy.
Những lối đi thật là đẹp. Không phải ở đâu người ta cũng tìm thấy một héc ta rừng có tới 450 loài động thực vật, cố tranh nhau để hưởng nắng. Nhón gón trên lối đi bện bằng thừng, bạn có thể thấy những con khỉ quý hiếm, loài khỉ đầu sư tử lông vàng di chuyển từ cây nọ sang cây kia. Bạn cũng có thể xem những tổ mối to như những quả bí đao trên trên những nhánh cây cao sau đang rỉ nhựa. Đi vào khu này trên con đường đất, cũng thuộc khu công viên, bạn có thể sánh bước bên cạnh đoàn quân kiến đỏ khổng lồ, đang dọn quang những cành lá để mang về đắp những tổ kiến lớn.
Với sự giúp đỡ của Bảo tồn Quốc tế, nhóm của Alger đã tìm được tài trợ của công ty xe hơi Ford và hãng bia Anheuser-Busch (Budweiser) để dựng nên công viên sinh thái đó. Hai hãng này đang làm ăn ở Brazil. Tiền cũng đến từ cơ quan viện trợ của Mỹ USAID và Banco Real, Ngân hàng Brazil, Ngân hàng sở hữu khách sạn Transmerica gần đó. Chủ tịch Ngân hàng đã nói với các viên chức Brazil: "Tôi muốn khách của tôi ở khách sạn có thể chiêm ngưỡng vùng rừng Brazil từ cửa sổ của họ, thay vì chỉ thấy những vùng đồi trọc như trên mặt trăng." Anheuser-Busch đã cử các nhà thiết kế công viên của họ từ Florida đến để giúp thiết kế công viên môi sinh này.
Cùng với việc xây dựng công viên, Alger đã phối hợp cùng thị trưởng Una, bản thân vị này cũng vốn là dân đốn gỗ, để tạo việc làm mới. Chẳng hạn dự án khách sạn Transamerica đã tuyển dụng 600 người, rồi nay khu công viên cần người đi hướng dẫn du lịch. Nhóm của Alger cũng hoạt động để tăng cường kinh tế đồn điền, trồng cây công nghiệp như cacao và cà phê trong một số nơi, những nhóm cây này có thể tồn tại dưới tán các loại đại thụ. Nhóm của Alger còn giúp chính quyền Una đề nghị chính phủ trung ương tài trợ cho việc đào tạo các giáo viên của các trường trong địa phương. Alger nói: "Tôi đã khiến cho ông thị trưởng bản thân là thợ đốn gỗ hết đường làm ăn. Và tôi biết sẽ phải thực hiện lời hứa kiếm việc khác cho họ, nếu không họ sẽ trách là chúng tôi đem con bỏ chợ.'
Một nơi khác mà Alger đã để mắt đến, đó là cộng đồng công nghệ cao, một cộng đồng được coi trọng ở các nước đang phát triển. Các thống đốc và các thị trưởng ở các nước này đang mơ tới việc sẽ có một nhà máy sản xuất chip vi tính được xây dựng trên đất nước của họ. Intel, được Gordon Moore là một trong những người sáng lập của hãng đồng thời trong ban quản trị của Bảo tồn Quốc tế thúc giục, đã tài trợ về vốn và máy tính cho nhóm của Alger trong việc lập bản đồ các cánh rừng và chú trọng lựa chọn để cứu từng khu vực. Sử dụng phương tiện gọi là Hệ thống Thông tin địa lý [GIS], nhóm của Alger có thể nạp dữ liệu các cánh rừng vào máy tính rồi phân tích chúng.
"Điều quan trọng nhất chúng tôi muốn phân tích bằng máy tính là tìm xem những đoạn tắc nghẽn và những hành lang chia cắt các cánh rừng nằm ở đâu," Alger cho biết. "GIS sẽ chỉ ra ngay những nơi đó. Vì những hành lang có tác dụng nối hai vạt rừng lớn với nhau, chúng cần được bảo tồn, thì mới giữ được các dạng động thực vật ở lại trong rừng, nếu không có các hành lang được bảo tồn thì các loại động thực vật sẽ bị cô lập và dễ bị diệt vong. Chúng tôi đã xây dựng Công viên Môi sinh Una trên một hàng lang mà trước đây vị thị trưởng đã cho phép khai thác gỗ."
Alger cũng tìm đến George St. Laurent, một thương gia người Mỹ lập dị và ham phiêu lưu, người đã xây một nhà máy sản xuất máy vi tính cho thị trường Brazil trên khu đất gần Una, nơi trước kia có nhà máy sản xuất ca cao. St. Laurent đã được hưởng các ưu đãi về thuế của chính phủ bang để xây dựng nhà máy, nhưng ông ta nói với chính phủ rằng ông cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa thì mới lôi kéo được các kỹ sư máy tính từ Sao Paulo và Thung lũng Silicon sang làm việc ở đó. Ông ta đòi thêm màu xanh của cây lá chứ không phải màu xanh của đô-la. Duy trì một môi trường sạch đẹp thật quan trọng trong việc thu hút nhân lực tri thức, những người thường dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Chẳng có thế mà Thung lũng Silicon lại được đặt ở California. "Tôi nói với ông thống đốc là chúng tôi cần một môi trường sạch đẹp," St. Laurent nói. "Tôi nói với ông ta rằng các kỹ sư máy tính muốn sống ở đâu cũng được. Họ muốn có điều kiện sống thật tốt và những nơi đi nghỉ vào cuối tuần. Nếu họ tình cờ đến làm việc ở một môi trường sinh thái đa dạng, thì họ muốn bảo tồn và gắn bó với nó, hơn là phải thấy nó bị tàn phá." Để giúp Alger lấy lòng được chính phủ địa phương, St. Laurent đã hứa sẽ tặng một số máy tính cho các trường học ở đó.
Và rốt cuộc thì do những áp lực từ chính phủ Brazil và của nhóm Alger, Thị trưởng Una đã phải miễn cưỡng nhượng bộ. Ông ta nói với tôi:
"Khi mới nghe về những tay môi trường đó, tôi nghĩ họ định truy tố chúng tôi. Cách đây hai năm tôi bắt đầu hiểu rằng chính họ đang lo giúp vùng này phát triển. Una có 32.000 dân sống trên 1.700 km2. Ba cơ sở chính để tạo việc làm ở đây là khách sạn Transameria, Unacaw (một đồn điền ca cao) và cơ quan thị chính. Cuộc sống ở đây khó khăn khủng khiếp. Khoảng 40 phần trăn dân sống trong những nhà gỗ, và từ ngày nghành ca cao đổ bể, mọi sự trở nên tồi tệ hơn... Tôi không trách cứ gì chuyện Keith [Alger] nói với chúng tôi về sự thật - rằng đốn gỗ không phải là giải pháp bền vững. Phía chúng tôi phải tự tạo công ăn việc làm. Nhưng Keith cũng phải ra tay cống hiến."
Bài học mà Alger rút ra từ việc đó là cung cách cứu sống rừng rậm cũng giống như phương pháp cứu nguy một hệ thống tài chính yếu kém của một đất nước - phải coi đó là một xã hội đang đi lên chứ không phải là một thị trường mới trỗi dậy. Cứu giúp xã hội sẽ hỗ trợ cho việc cứu giúp cây cối.
Alger nói: "Chúng tôi bắt đầu bằng việc quy tụ các sinh viên đại học người Brazil ở vùng này rồi thành lập Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường Nam Bahia. Sau đó chúng tôi đào tạo và trang bị cho họ để trở thành những nhà bảo tồn môi sinh hiện đại. Có nghĩa là đào tạo những nhà sinh vật học về những chủ đề thương mại và dạy cho những nhà kinh tế biếc các dùng kỹ thuật đồ bản hiện đại trong địa lý học. Cho tới gần đây không một trường đại học nào của Brazil giảng dạy những chủ đề mang tính hội nhập đó hay những kỹ năng cho nhiều ngành mà bạn cần biất để có thể trở thành những thương gia về môi trường. Chúng tôi đang đào tạo một thế hệ mới về cách thức tận dụng tiền bạc, trong việc bảo tồn môi trường và loài vật và xây dựng được những cơ hội kinh tế và xã hội cho những con người đang sống gần thiên nhiên. Nếu không kết hợp được hai việc đó thì chúng tôi chẳng thể nào cứu được cây cối."
Một phương pháp nữa để duy trì toàn cầu hóa màu xanh là chứng minh cho các công ty và những cổ đông của chúng rằng giá cổ phiếu và cổ tức của họ sẽ tăng nếu họ thực hiện các biện pháp sản xuất hợp môi trường.
Jim Levine, một kỹ sư ngành môi trường là thành viên quản trị của Ủy bản Bảo tồn và Phát triển Vịnh San Francisco đồng thời đang huấn luyện cho các công ty về lợi ích của việc kết hợp môi trường và lợi nhuận. Anh ta giải thích cho tôi về khái niệm này: "Nhiệm vụ của bạn là thuyết phục các công ty, cổ đông và những nhà phân tích chứng khoán ở phố Wall rằng những hoạt động ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ dẫn tới lãng phí về lợi nhuận. Cho tới cách đây 10 năm, bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành một trong những mục tiêu của các công ty. Giờ đây, với việc chính phủ đang giáng xuống đầu các công ty với những luật lệ mới và những ưu đãi về thuế để họ quan tâm đến môi trường hơn, và với việc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán tuyên bố sẽ công bố mức ảnh hưởng của hoạt động của công ty tới môi trường cho các cổ đông - ví dụ họ đổ rác ở đâu và chi phí dọn rửa sẽ lên đến đâu - đã xuất hiện những thay đổi lớn. Các công ty nhận thấy rằng nếu họ sang Bangkok, xây một nhà máy gây ô nhiễm ở đó, trong khi chính phủ ở đó đang cho ra đời những đạo luật bảo vệ môi trường, và ra lệnh cho họ phải chi phí để dọn rửa môi trường - như vậy chi phí cho nhà máy này sẽ rất đắt đỏ, so với việc tổ chức xây dựng và tuân thủ các quy chế môi trường ngay từ ban đầu."
Một trong những công ty hàng đầu sử dụng mô hình mới là Baxter International, Inc., một hãng dược có trụ sở tại Chicago. năm 1997, Baxter đạt doanh số 6,1 tỷ đô-la, hàng hóa sản xuất từ 60 nhà máy trên thế giới. Trong báo cáo hàng năm trước cổ đông, Baxter đã ghi riêng một mục mới - báo cáo về tài chính liên quan đến môi trường của các hoạt động của công ty. Báo cáo năm 1997 cho biết các hoạt động sản xuất tuân thủ việc bảo vệ môi trường đã tiết kiệm cho công ty được 14 triệu đô-la, thừa trang trải cho chi phí vào chương trình môi trường. Hơn nữa, theo báo cáo, chương trình môi trường đã giảm chi phí hoạt động sản xuất và tiết kiệm được 86 triệu đô-la tính từ năm 1990. "Điều này cho thấy," báo cáo cho biết, "Baxter đáng nhẽ sẽ phải chi thêm 100 triệu đô-la cho năm 1997 để sơ chế nguyên liệu, chi phí rác thải và đóng gói, nếu họ không có những hành động bảo vệ môi trường từ năm 1990."
Hầu hết các quốc gia ngày nay vẫn chưa có luật "người gây ô nhiễm phải bỏ tiền đền". Rồi một ngày tới nhiều nước sẽ có luật này. Chính vì thế báo cáo của baxter năm 1997 cho biết "tốt nhất là rác rưởi của chúng ta ngày nay cần được chuyển tối những cơ sở xử lý đảm bảo. Làm như thế sẽ tránh được khả năng phải đền bù trong tương lai. "Nếu không làm được điều đó, thì chứng tỏ những quản trị công ty không quan tâm gì tới cổ đông và sẽ bỏ phí những phần thưởng giành cho chính họ.
Tuy nhiên có những khi mô hình lợi nhuận này đã tỏ ra thiếu hữu hiệu Đôi khi người ta chỉ muốn tận dụng kiệt cùng đất đai để rồi bán sản phẩm ra toàn cầu rồi kiếm đầy túi tham. Vậy để đối phó, chỉ còn một phương thức cuối cùng, rất mạnh mẽ - đó là học cách dùng toàn cầu hóa để chống lại chính nó.
Tôi khám phá ra điều này cũng là ở Brazil, không phải trong vùng rừng nhiệt đới mà là ở vùng sình lầy Pantanal, nơi tôi đã đến cùng một nhóm thuộc tổ chức Bảo tồn Thế giới. Chúng tôi đi trên một máy bay cánh quạt nhỏ đến Fazenda Rio Negro, một trang trại trên con sông Rio Negro, trang trại có một sân đổ máy ở đằng trước. Kế hoạch của chúng tôi là bước đầu sẽ phỏng vấn Nilson de barros, Chánh thanh tra về môi trường của bang Mato Grosso do Sul, Brazil. Tôi biết đây sẽ là một cuộc phỏng vấn lý thú khi ông Barros khăng khăng nói cứ lên thuyền đi vào sông rồi hỏi gì thì hỏi. Chúng tôi lên những chiếc xuồng máy từ Fazenda đến một địa điểm bên bờ thấp của con sông. Ở đó, Barros và nhóm của ông ta chờ đón chúng tôi, đứng trong nước ngập tới thắt lưng, bên cạnh là một chiếc thuyền chở đầy bia ướp lạnh.
"Uống bia trước, sau đó tắm, rồi chúng ta nói chuyện," ông ta nói, tay mở một lon Skol, ngay bên bờ sông.
Thế mà tôi từng nghĩ nghề mình là nghề sướng nhất thế giới!
De Barros giải thích vùng Pantanal nằm trên biên giới giữa Brazil, Bolivia và Paraguay, có địa bàn sông nước và sình lầy lớn nhất thế giới (diện tích tương đương với bang Wisconsin), là quê hương của loài báo và rất nhiều muông thú bị tiệt chủng đe dọa. Thiên nhiên Pantanal, nhìn từ nơi chúng tôi đang đứng, giữa sông, hoang dã như trong phim Công viên Kỷ khủng long, không có khủng long. Dọc theo bờ sông, chúng tôi đi qua những con cá sấu nằm sưởi nắng, chồn nước lặn ngụp, diệc trắng, vẹt đuôi dài, chim tu can, cò quăm, hươu,... đà điểu v.v. Không giống vùng sông Amazon, Barros giải thích, Pantanal không bị đe dọa từ những người dân nghèo bị buộc phải phá môi trường để chống đói. Văn hóa ở Pantanal cho thấy một ví dụ rất hiếm về việc con người và thiên nhiên cùng phát triển hòa thuận thông qua hoạt động đồn điền, đánh cá và giờ đây là du lịch sinh thái. Đe dọa đến với vùng này từ toàn cầu hóa: có những nông dân trồng đậu tương sống phía trên vùng lòng hồ Pantanal đang hăng hái muốn mở rộng canh tác để cung ứng cho các thị trường đậu tương trên thế giới. Thuốc trừ sâu và bùn từ những thửa đất của họ đang tràn xuống, xối vào những con sông và ảnh hưởng tới hệ động thực vật ở dưới. Đồng thời Brazil, Argentina, Uruguay và Bolivia đang hình thành một khối thương mại để cạnh tranh quốc tế. Và để chuyển đậu tương từ vùng này sang các thị trường toàn cầu nhanh chóng hơn, họ muốn nạo vét và nắn lại các con sông - để các loại xà lan có thể đi lại nhanh và thuận tiện hơn - nhưng như thế sẽ dễ dàng tàn phá hệ sinh thái ở đây. Và sau cùng, một tổ hợp các công ty năng lượng quốc tế, đứng đầu là Enron, đang xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ vựa khí đốt Bolivia đến Sao Paulo. vùng đang thiếu thốn năng lượng. Đường ống dẫn này có thể gây hại rất nhiều cho môi trường Pantanal.
Trong khi toàn cầy hóa là đe dọa chủ yếu đối với Pantanal, nó cũng là một hy vọng lớn đối với sự sống vùng này. Một mặt, những cư dân ở Pantanal hiện có một cơ hội gìn giữ lối sống truyền thống, dựa vào việc giữ nguyên thiên nhiên trên vùng đất, bán vé du lịch sinh thái và bán loại bò nuôi tự nhiên cho các thị trường toàn cầu, những nơi sẵn sàng trả giá cao cho những loại thịt bò đó. Hơn nữa, có những công ty kỹ thuật cao vào hoạt động ở vùng này cũng là một lợi thế. Thương vụ đậu tương đã thu hút những đội xà lan lớn, kỹ thuật cao trên toàn cầu, họ có khả năng dùng công nghệ cao để giảm thiểu các tác hại đối với môi trường - loại xà lan hiện đại có thể di chuyển hữu hiệu trên các luồng lạch khó đi, tránh được như cầu phải nắn lại sông ngòi.
Nhưng quan trọng hơn đó là toàn cầu hóa đã làm sản sinh ra một thế hệ những nhà môi trường được trang bị tốt, những người có thể tự thân chống lại ảnh hưởng của Bầy Thú Điện Tử và sức ép từ phía các chính phủ. Nhờ có Internet, những nhà môi trường trong một nước có thể nhanh chóng báo động cho đồng nghiệp của họ ở nhiều nước khác về hoạt động của một công ty đa quốc gia. Do đó khi đương đầu với các hoạt động trên Internet đó, các công ty đa quốc gia dần dần nhận thấy rằng để giữ gìn uy tín và thương hiệu toàn cầu, họ sẽ phải có trách nhiệm cao hơn về vấn đề môi trường. Điều xảy ra ở Pantanal là việc những nhà bảo tồn địa phương liên kết với những nhà hoạt động môi trường ở Hoa Kỳ để gây sức ép đối với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ. Ngân hàng đang chuẩn bị tài chợ cho các dự án nạo vét và uốn nắn sông ngòi vùng này. Ngân hàng này, do nhạy cảm với uy tín toàn cầu của nó, đã gây áp lực với chính quyền địa phương để họ thực hiện một đánh giá thật đầy đủ về yếu tố môi trường. Sau cùng chính quyền sở tại đã cho ra một phương pháp mới để cải tiến công tác hoa tiêu trên sông và tránh được việc phải uốn nắn lại lòng sông.
"Đây là điều tương phản với những gì có thể xảy ra cách đây chừng 15 năm," Glenn Prickett, Phó chủ tịch phụ trách đối tác doanh nghiệp của Tổ chức Bảo tồn Thế giới. "Hãy nghĩ về một đất nước như Brazil. Mười lăm năm trước có các tướng lĩnh nắm quyền, khi đó nếu những nhà môi trường nước ngoài chỉ trích sự phát triển kinh tế vùng Amazon thì các tướng lĩnh nói với họ: "Biến ngay! Đây là chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi. Chẳng dính dáng gì đến quý vị cả." Nhưng khi có toàn cầu hóa và Internet và chính phủ Brazil đã bắt đầu để cho, thậm chí mời các công ty lớn vào đầu tư, thì một động lực mới đã xuất hiện. Động cơ của sự phát triển đã được chuyển sang tay các công ty và định chế toàn cầu - những tay làm ăn và đi lại trên toàn cầu - chính những nhân tố đó phải lo lắng về uy tín toàn cầu của họ trong vấn đề môi trường. Nếu những nhà hoạt động vì môi trường người Brazil lên mạng và kể cho những đồng nghiệp của họ ở Mỹ và châu Âu rằng công ty toàn cầu đang phá môi trường Brazil, thì những đồng nghiệp đó sẽ hành động. Sớm muộn thì công ty toàn cầu đó sẽ phải đương đầu với một chiến dịch toàn cầu, gây hại cho công cuộc làm ăn của họ, không những ở Brazil, mà còn ở trên toàn thế giới."
Với việc có thêm nhiều chính thể dân chủ trên thế giới hiện nay đôi khi chỉ cần một người tranh đấu vì môi trường đi đến cửa quốc hội, vẫy một bức email thì cũng có thể chặn đứng một dự án nhà máy năng lượng hay những thương vụ có thể gây hại cho môi trường. Các tổng công ty lớn đang nhận thấy rằng nếu ủng hộ những hoạt động môi trường, họ có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu của họ trong giới tiêu dùng, những người ngày càng quan tâm hơn đến môi trường.
"Trong một thế giới các hoạt động được phối hợp toàn cầu thì không còn chốn ẩn núp nào nữa giành cho các công ty có hành vi gây hại đối với môi trường," Prickett nói. "Khách hàng, người giám sát và các cổ đông mọi nơi giờ đây có thể khen thưởng hay trừng phạt những công ty về những điều chúng gây ra ở những nơi hẻo lánh. Đối với những kẻ biết nghe lời, họ sẽ mở cửa tiếp đón, đối với những kẻ bất chính, thì họ sẽ đóng cửa lánh xa.'
Những công ty làm ăn giỏi nhất đã học được bài học đó. Charles O. Holliday Jr., Chủ tịch công ty DuPont, một lần đã giải thích cho tôi, "Ngày trước, nếu muốn xây một nhà máy trong một khu dân cư, chúng tôi nghĩ chỉ cần được sự chấp nhận của dân chúng sống quanh đó là được. Thời đó qua rồi. Với Internet và những thứ khác, giờ đây hình như bạn phải lấy lòng khoảng sáu tỷ dân láng giềng... Bạn có thể khiến chính phủ phê duyệt rất nhiều thứ, nhưng câu hỏi giờ đây là làm thế nào bạn phải xây dựng cho được một liên minh công chúng rộng khắp."
Điều này giải thích vì sao hãng xe Ford đang tài trợ cho nghiên cứu của Bảo tồn Thế giới về vùng Pantanal, về chương trình quản lý môi trường hoang dã của nó và việc chuyển giao các đồn điền gia súc vào tay tư nhân - và thậm chí còn vận động hành lang nơi chính phủ Brazil để trợ giúp việc bảo tồn Pantanla. Nói thẳng ra là Ford giúp Pantanal không phải vì họ yêu thích các loài muông thú đang chịu tuyệt chủng mà vì họ tin rằng họ có thể bán nhiều xe hơi hiệu con báo [Jaguar] hơn, khi người ta thấy họ đang cứu những con báo thật ở vùng Pantanal.
Nếu làm như vậy mà cứu được môi sinh và lối sống tuyệt diệu ở vùng này, thì xin Chúa trời phù hộ cho Henry Ford và Internet.
Nếu như cứu nguy được các khu rừng từ móng vuốt của Bầy Thú Điện Tử là một việc khó thì việc cứu nguy những vùng văn hóa xung quanh những khu rừng nhiệt đới đó là nhiệm vụ phức tạp hơn.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, chưa nói đến những thời kỳ trước đó, đất nước và các luồng văn hóa khác nhau không cọ xát thường xuyên, trực tiếp và cởi mở như hiện nay. Đi lại khó khăn hơn nhiều và có vô số những tường, rào, màn sắt, thung lũng và đường hào để che dấu và nuôi dưỡng những mảng văn hóa riêng. Nhưng ngày nay các nền văn hóa trở thành món ăn cho giới tiêu dùng thưởng thức, so sánh và đặt vào thế đối chọi nhau, thông qua Internet, TV đa hệ màu và việc mở cửa biên giới, theo phong cách tàn bạo của học thuyết Darwin. Đến thăm một địa phương hẻo lánh phía Đông Bắc Trung Quốc để xem nơi đó lạc lõng khỏi toàn cầu hóa ra sao, vậy mà tôi gặp các cô gái làng chơi trẻ chân đi giày ống. Dạo bước ở sân bay Singapore tôi thấy có hai phụ nữ Ấn Độ mặc trang phục truyền thống đang ngồi chăm chú xem cảnh đấu vật kiểu Mỹ trên kênh truyền hình cáp Sky TV của ông Rupert Murdoch. Tôi không thể không thầm nhủ khi thấy họ xem những đô vật mặc theo lối Tarzan đang quần thảo: không hiểu họ nghĩ gì trong đầu. Kết nối với toàn cầu hóa mà thiếu những hệ điều hành và phần mềm thích hợp thì trong nháy mắt nó sẽ làm kinh tế của nước bạn tan rã. Kết nối với toàn cầu hóa nếu không có những hệ thống bảo hiểm chống quá tải thì trong nháy mắt nó sẽ rải xi măng lên toàn bộ các vùng rừng của nước bạn. Mở cửa biên giới của bạn, cho phép văn hóa toàn cầu hóa tràn vào, mà nếu thiếu các thiết bị sàng lọc, bạn sẽ cảm thấy đêm nay, trước đi ngủ gia đình của bạn còn là người Ấn Độ, Ai Cập, Israel, trung Quốc hay Brazil, nhưng sáng hôm sau bạn sẽ thấy con gái bạn ăn mặc như ca sĩ Ginger Spice và con trai thì mặc giống như võ sĩ Hulk Hogan.
Một tháng sau khi ở Qatar khi nhìn thấy quán ăn Taco Bell, tôi sang Kuala Lumpur và ngụ tại khách sạn Shangri-La, một trong những khách sạn cổ nhất ở Đông Nam Á. Tôi rất thích cái tên "Singri-La." Nghe rất huyền bí. Tôi đến Kuala Lumpur vào lúc đêm khuya nên không nhìn thấy gì trên đường vào thành phố, vậy sáng hôm sau, thức dậy, mở màn cửa sổ và điều đầu tiên đập vào mắt tôi trên một cao ốc gần đó là bức quảng cáo khổng lồ cao bằng hai tầng nhà, hình ảnh của Đại tá Sander của hãng Kentucky Fried Chicken.
"Trời ơi," tôi tự nhủ, "tại sao nó lại ở đây? Tôi đi hơn 15 ngàn dặm để ngụ tại khách sạn Shangri-La vậy mà người đầu tiên tôi gặp lại là Đại tá Sander!"
Một lần khác, khi đến thăm một thương gia ở trung tâm Jakarta tôi nhờ ông ta chỉ đường cho tôi đến một cuộc hẹn khác. Lời chỉ dẫn nguyên văn của ông ta cho tôi là: "Đi tối một toà nhà trên lầu có cửa hàng Armani Emporium - anh có biết không, ở ngay phía trên Hard Rock Café - rồi rẽ phải ở chỗ có quán McDonald's." Tôi nhìn ông ta, cười phá, và hỏi: "Tôi đang ở đâu thế này?"
Ấn Độ là một đất nước đã tích cực rất nhiều trong việc kháng cự lại sự đồng hóa toàn cầu. Nhưng ngay cả ở đó, trong giới thượng lưu, bầy thú đang hoạt động nhộn nhịp. Vào một buổi chiều nóng đổ lửa ở Thủ đô Delhi, mùa Hè năm 1998, tôi đến phỏng vấn cựu Thủ tướng Ấn Độ, ông I. K. Gujral, 78 tuổi, một trong những vị thủ tướng thông minh nhất ở Ấn Độ. Ông ta mở đầu bằng cách gọi lại kỷ niệm trong một cuộc họp của UNESCO nơi ông đưa ra một nghị quyết về "trật tự thông tin mới", cho rằng trật tự này cho phép những trao đổi hai chiều về văn hóa và thông tin trên thế giới chứ không chỉ cho phép các nước phát triển áp đặt văn hóa của họ sang các nước đang phát triển. Và một đại biểu người Canada đã ủng hộ luận điểm đó, một điều khiến ông ngạc nhiên. "Tôi hỏi anh ta vì sao Canada lại hậu thuẫn cho luận điểm đó," Gujral nhớ lại. Anh ta nói, "vì chúng tôi đã trải qua cái điều mà quý vị đang lo lắng tiên liệu. Giờ đây không còn âm nhạc, nhà hát, phim, văn hóa hay ngôn ngữ Canada nữa." Tất cả đã bị Mỹ hóa.
Khi tôi hỏi vì sao chủ đề đó quan trọng đối với ông, Gujral, người đang bận một tấm áo truyền thống của Ấn Độ, nói rằng nếu không bảo tồn dù chỉ vài cây ô liu trong sân nhà bạn, thì bạn sẽ không bao giờ có cảm giác tổ ấm gia đình ngay khi bạn ở nhà. "Cội nguồn của tôi ở đâu?" ông ta hỏi to. "Cội nguồn của tôi chính là thực tế tôi đang sống ở đây, Ấn Độ. Cội nguồn của tôi là việc nghe thấy có ai đó đọc vài câu thơ bằng tiến bản xứ, tiếng hát bản xứ nghe được khi tôi dạo bước xuống phố. Khi tôi ngồi tiếp anh trong nhà tôi, mặc tấm áo truyền thống. Truyền thống của chúng tôi đã một ngàn năm. Không có chuyện xóa sổ nó nhanh như thế. Thế giới sẽ giàu đẹp hơn nếu duy trì được sự đa dạng và màu sắc, khuyến khích các bản sản văn hóa."
Tôi hoàn toàn đồng ý với Gujral, có lẽ vì tôi sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng tương đối nhỏ ở vùng Minnesota. Toàn cầu hóa có thể phân liệt sâu sắc mọi thứ. Để cho cây ô liu của bạn bị trốc rễ và nghiền nát thành một thứ bột giấy toàn cầu, sẽ đồng nghĩa với việc mất mát phương hướng trong cuộc sống.
Tôi nghiền ngẫm ý tưởng đó ở Jerusalem vào một buổi chiều cùng bạn tôi, Yaron Ezrahi, một nhà chính trị học và anh ta đã đưa ra một nhận xét: "Cậu có biết không, Tom, có hai cách để có thể khiến cho một người cảm thấy vô gia cư - thứ nhất là đốt nhà anh ta, và cách thứ hai là làm cho căn nhà của anh ta trông giống hệt và gây cảm giác giống hệt như nhà của tất cả những người khác."
Làm thế nào để phòng trừ được cảm giác vô gia cư đó? Điều đầu tiên là phải hiểu rằng Mỹ hóa - toàn cầu hóa không chỉ mang ý nghĩa xô đẩy mà còn mang ý nghĩa lôi kéo thu hút. Dân chúng trên thế giới bị lôi cuốn vào toàn cầu hóa do nhiều lý do. Những khách hàng người Qatar chen chân vào ăn ở quán Taco Bell ở Doha không đến từ những quán rượu cổ kính có bàn gỗ sồi và đồ dùng bóng bẩy bằng đồng. Trước khi Taco Bell được đặt vào đó thì có lẽ ở chỗ đó đã từng có nhiều những quầy bán đồ ăn di động, nơi có những anh chàng bán các món ăn nướng trên lò than thiếu vệ sinh, không có ánh đèn, không có nhà vệ sinh. Ngày nay cũng ở chính nơi đó, người Qatar được mời thưởng thức một món ăn mới - món của người Mexico, tiệm ăn có phòng vệ sinh sạch sẽ, tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế, dịch vụ vui vẻ và có kiểm tra chất lượng món ăn - tất cả với giá phải chăng. Chính vì thề mà người ta đến đông.
Và còn một thứ khác mà khách hàng được mời, một giá trị ít được nhìn thấy nhưng lại quý hơn nhiều. Tôi thấy điều đó lần đầu tiên ở Malaysia. Tôi đến gặp Bộ trưởng Tài chính nước này. Khi chờ ở phòng ngoài, người phụ tá báo chí giới thiệu tôi với một doanh nhân Malaysia, người cũng đang chờ gặp vị bộ trưởng. Người phụ tá giới thiệu: "Đây là ông Ishak Ismal, ông ta là chủ của tất cả các chi nhánh Kentecky Fried Chicken ở Malaysia." Ngay lập tức, tôi mở máy vi tính IBM của tôi và đề nghị được phỏng vấn ông ta.
"Xin ông cho biết," tôi mở đầu, "Vì sao KFC quyến rũ được người Malaysia?" Không những họ thích hương vị, ông trả lời, mà họ thích cả những gì món ăn này tượng trưng: hiện đại, Mỹ hóa, chịu chơi. "Dân ở đây thích bất cứ thứ gì mang tính phương Tây, đặc biệt là Mỹ," ông Ismal giải thích. "Họ muốn ăn, muốn thưởng thức và hội nhập với chúng. Tôi thấy những người dân vùng quê quanh đất nước đã xếp hàng để ăn món đó. Họ muốn được gần gũi với Mỹ. Họ muốn có những gì hiện đại. Ăn món ăn đó khiến họ cảm thấy hiện đại hơn." Đúng là bước chân vào quán KFC ở Malaysia cũng giống như được du lịch qua Mỹ giá rẻ vậy.
Người Malaysia đến tiệm KFC và người Qatar đến Taco Bell cũng giống như dân Mỹ đến phim trường Univeral vậy - để nhìn ngắm những gì họ mơ tưởng. ngày nay dù hay hay dở, toàn cầu hóa là một phương tiện đang truyền bá đi khắp thế giới niềm mơ mộng về nước Mỹ. Trên thế giới, dân chúng được biết dân nước khác, đặc biệt dân Mỹ có lối sống ra sao, và người ta muốn cắn một miếng lớn từ chiếc bánh đó. Một số đến Disney World thăm điều họ mộng mơ, trong khi số khác đến các tiệm KFC ở Bắc Malaysia, Ivy Josiah, một người hoạt động vì nhân quyền trẻ tuổi, một lần đã nói với tôi về tâm lý trong thế hệ của cô về điều này: "Tôi rất buồn khi thấy những quầy có món ăn truyền thống của chúng tôi bị các chuỗi tiệm ăn lớn như KFC, McDonald's và Chili's đè ép," cô nói. "Chúng tôi đang mất dần bản sắc. Chúng tôi lớn lên với những quầy ăn truyền thống. Nhưng giới trẻ hiện nay đã không như vậy. Chúng lớn lên, đến các quầy ăn truyền thống và thấy chuột gián và nước bẩn. Đối với một đứa trẻ người Malaysia ngày nay, niềm vui lớn nhất là được đến ăn ở một tiệm Pizza Hut. Toàn cầu hóa tức là Mỹ hóa. Giới thượng lưu ở đây nói, "Không nên có McDonald's," nhưng với những người dân thường ở đây thì, vì họ không được sang Mỹ nên họ đã có Mỹ sang với họ."
Với những lý do đó thì thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chúng ta có thể chặn được những tay tài phiệt chủ của McDonald's hay Taco Bell, không cho họ mở các chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Chúng trở nên phổ biến vì chúng mời mọi ngườ thưởng thức một thứ mà họ muốn. Và tuyên bố với dân chúng các nước đang phát triển rằng họ không được có những nhà hàng đó, vì như thế sẽ làm xấu đi cảnh đẹp hay tầm nhìn ngắm của các vị khách đến từ các nước phát triển, thì quả thực là ngạo mạn và vô ích.
Tuy nhiên, trên phương diện văn hóa, sẽ có những mất mát - đối với cả hai phía - khi mà những chi nhánh toàn cầu như trên mọc lên ở moị nơi, sân bay, hay ngóc ngách vùng thôn quê. Hy vọng duy nhất - và chỉ là hy vọng - là các nước học được cách thiết lập các hệ thống sàng lọc nhiều tầng để phòng ngừa khả năng bị chủ nghĩa tư bản toàn cầu xô đẩy và lôi kéo. Vì với sức mạnh và tốc độ của toàn cầu hóa ngày nay, những nền văn hóa nào không đủ mạnh để sàng lọc, sẽ bị xóa sổ cũng giống như những loài thú hiếm không thể thích nghi được với môi trường sống đang thay đổi.
Tôi cho rằng hệ thống sàng lọc quan trọng nhất là khả năng "địa phương hóa" toàn cầu. Tôi định nghĩa "địa phương hóa toàn cầu" là khả năng của một nền văn hóa, khi va chạm với một nền văn hóa mạnh mẽ khác, có thể hấp thụ những ảnh hưởng lành mạnh để tự làm giàu giá trị của nó, nhưng lại có thể kháng cự và cô lập những điều thực sự quái gở, không phù hợp, để hai thứ giá trị đó đều có thể cùng được thưởng thức. Mục đích duy nhất của sự địa phương hóa đó là hội nhập những khía cạnh của toàn cầu hóa vào đất nước và văn hóa của bạn theo hướng: nó phải giúp cho sự tăng trưởng và đa dạng, và không được đè bẹp giá trị nội địa.
Địa phương hóa thực ra là một quá trình có từ lâu, từ thời cổ, khi chẳng hạn, các nền văn hóa địa phương phải cọ xát với văn hóa cổ Hy Lạp, hấp thụ những điều tốt đẹp nhất nhưng không bị tư tưởng này quán triệt. Do thái giáo dòng Juda là một ví dụ cổ điển về một nền văn hóa mang nặng tôn giáo mà đã hấp thụ ảnh hưởng từ nhiều nước, qua nhiều thế hệ mà không bị mất đi giá trị trong cốt lõi. Thầy giáo của tôi, Tzvi Marx, một học giả Do Thái đó là tính biện chứng của người Hy Lạp, được khắc họa trong các kinh thánh và bài giảng thời đó.
"Sự hấp thụ những logic Hy Lạp đã là điều tương đối dễ dàng, vì chúng thực sự có quan hệ với hoạt động của các nhà truyền giáo và học giả thời đó, đó là làm thế nào vun trồng cho sự trung thực," Mark nói. "Dấu hiệu của một sự hấp thụ lành mạnh là khi một xã hội có thể lựa chọn một điều gì từ bên ngoài, nhận nó vào làm của riêng, đặt nó vào khuôn mẫu đối chiếu của họ và quên đi rằng chính đó là điều ngoại nhập. Điều này xuất hiện khi ảnh hưởng từ bên ngoài tiếp cận được với giá trị bẩm sinh, nhưng chưa hoàn toàn trưởng thành, trong nền văn hóa riêng của bạn, và kích thích cho giá trị đó sinh sôi nảy nở." Đó cũng chính là cách thức các nền văn hóa hay các giống sinh vật tiến hóa.
Đồng thời với việc tiếp cận các logic của người Hy Lạp, dân Do Thái cũng tiếp cận với cung cách lễ hội Hy Lạp, phơi bày thân thể, đó là chưa nói đến tư tưởng tình ái và đa thần của Hy Lạp. Người Do Thái đã không hấp thụ những giá trị đó. Chúng bị coi là dị biệt và mãi mãi vẫn bị coi là dị biệt. Người Hy Lạp rất thích ngắm nhìn những vận động viên thể dục dụng cụ cởi trần. Người Do Thái không thích thế, và không bao giờ tiếp thụ ý thích đó từ văn hóa Hy Lạp. Những ai chấp nhận văn hóa theo lối đó sẽ bị coi là đánh mất bản sắc. Sau cùng, những thứ mà người Hy Lạp ăn và kiểu cách quần áo của họ đã được người Do Thái du nhập và sử dụng có chọn lọc vì chúng khác lạ, chứ không biến chúng thành một phần văn hóa Do Thái. Nói cách khác: Người Do Thái không vứt đi món xúp matzo để ăn món souvlaki, nhưng họ ăn món souvlaki và rất thích, vì đó là món ăn lạ.
Địa phương hóa một cách lành mạnh bao giờ cũng là một quá trình thử nghiệm - sửa sai nhưng là quá trình cần thiết. Trong một thế giới và các hàng rào và tường phòng ngừa đang ngày càng bị phá bỏ, thì các nền văn hóa mang tính địa phương hóa mạnh mẽ sẽ có lợi thế, và những nền văn hóa khác cần phải học cách tồn tại và hấp thụ. Một số văn hóa rõ ràng không mang tính hấp thụ - ảnh hưởng mạnh, chính vì thế chúng dễ bị toàn cầu hóa làm cho suy yếu. Khi các quốc gia hay các nền văn hóa thiếu khả năng địa phương hóa, sẽ khiến xuất hiện sự phản ứng như những phần tử Hồi giáo Chính thống Taliban ở Afghanistan: họ lo sợ, không muốn có một qua trình thử nghiệm - sửa sai trong toàn cầu hóa vì làm như thế sẽ dẫn đến nhiều sai lầm và văn hóa của họ sẽ bị toàn cầu hóa chế ngự, chính vì thế họ đã kéo một tấm màn đen che phủ toàn bộ đất nước, hay dựng một tường rào che chắn, nội bất xuất ngoại bất nhập. Nhưng những bức tường đó trước sau rồi cũng bị bầy thú đạp đổ, và khi đó, dân chúng sẽ mất đi bản sắc. Họ bị đồng hóa ngay trong đất nước của họ. Đất nước của họ trở thành một chốn cho các nền văn hóa bên ngoài tự do qua lại.
Còn thêm một hiểm họa khác. Một số nền văn hóa cho rằng họ có khả năng địa phưong hóa một cách đúng đắn, nhưng thực tế cho thấy, chính chúng đang mất dần bản sắc một cách chậm rãi. Một ví dụ hay nhưng đã cũ nhàm đó là cung cách tiệm ăn McDonald's ở Nhật Bản đã được văn hóa và kiến trúc của Nhật hấp thụ. Với 2.000 tiệm ăn ở Nhật Bản, McDonald's, tên địa phương là "Makudonarudo," trở nên một mắt xích lớn nhất của McDonald's nằm bên ngoài Hoa Kỳ. McDonald's Nhật Bản đã được hội nhập thành công vào nước này đến mức: chuyển kể rằng có một cô bé người Nhật khi sang Los Angeles và nhìn thấy McDonald's đã lôi tay của bà mẹ và nói: "Nhìn xem, mẹ ơi, ở nước này người ta cũng có McDonald's." Bạn có thể thông cảm với sự ngạc nhiên của em bé đó khi được biết McDonald's bắt nguồn và là một công ty của Mỹ chứ không phải của Nhật (lãnh đạo của McDonald's ở Nhật đã không dùng đích danh Ronald McDonald, mà đổi lại là Donald McDonald cho tiện phát âm.) "Bạn không thể nào dựng được 2.000 tiệm McDonald's ở Nhật Bản nếu để cho ngườ sở tại biết được đó là một thương hiệu Mỹ," James Cantalupo, Chủ tịch McDonald's International nói với tôi. "Hãy xem McDonald's có món ăn bằng thịt, bánh mì và khoai tây. Mà trên thế giới thì hầu hết các vùng đều ăn những thứ đó. Điều quan trọng là cách đóng gói thế nào và tạo khung cảnh ăn uống khác biệt."
Việc cháu gái trong câu chuyện không biết rằng McDonald's bắt nguồn từ Chicago và được một người tên Ray Kroc sáng lập, không phải là người Nhật, khiến tôi nghĩ đó không phải là sự hấp thụ văn hóa đúng đắn. Trong môi trường Nhật Bản, McDonald's đáng nhẽ cần được coi là một mán ăn nước ngoài. Địa phương hóa một cách thiếu lành mạnh là khi bạn hấp thụ một thứ không can hệ gì tới bản sắc văn hóa của bạn, nhưng lại coi thứ đó là biểu hiện của văn hóa nước bạn - làm như vậy bạn đã mất liên hệ với chính bản sắc của bạn. Tzvi Marx nói: "Trong y tế, có một cách virus ung thư xâm nhập vào một tế bào nhưng lại hóa trang khiến cho tế bào đó không biết bị xâm nhập, cứ nghĩ virus ung thư chỉ là một bộ phận của nó - cho tới khi quá muộn, virus ung thư chiếm lấy hạt nhân và giết hại tế bào đó." Điều này tương tự như hiện tượng những thế lực địa phương hóa đóng vai trò của virus ung thư, khiến cho bạn ôm trọn lấy một giá trị ngoại lai nhưng lại cứ nghĩ đó là của bạn. Tôi rất mừng là McDonald's có mặt ở Nhật Bản, và tôi cũng rất thích là vùng tôi ở Bethesda có một quầy sushi. Tôi thấy khoái trá khi cháu bé người Nhật thích ăn McDonald's và con gái tôi thích ăn sushi. Nhưng điều quan trọng là cháu gái người Nhật phải hiểu McDonald's là một thức khác biệt chứ không được ngộ nhận nó là món của Nhật Bản. Khi những ngộ nhận như thế xuất hiện thì đồng hóa không chóng thì chầy sẽ xảy ra. Và khi đồng hóa xảy ra thì có nhiều khả năng cháu bé người Nhật sẽ mất liên hệ với những điều thực sự Nhật Bản, vì một ngày, cũng như tế bào kể trên, cháu sẽ thức dậy và thấy bị xâm lăng, và không còn gì là bản sắc văn hóa cho cháu nữa.
Địa phương hóa ngay cả khi có hình thức lành mạnh thì vẫn chưa đủ để bảo vệ các nền văn hóa bản xứ chống lại toàn cầu hóa. Cần phải có những hệ thống sàng lọc mạnh mẽ khác. Trước hết, bạn cần có luật phân khu vực, luật định những nơi cần bảo tồn và những chiến dịch giáo dục nhằm bảo tồn những vùng văn hóa độc đáo và những di sản văn hóa chống lại những sự phát triển theo lối hòa đồng. Điều đó không có nghĩa là cấm tiệt tất cả các tiệm McDonald's, nhưng có nghĩa là không cho McDonald's vào những khu dân cư nhất định. Điều này khiến các công chức chính phủ phải có các quy hoạch cứng rắn, họ phải bất khuất trước sức ép và sự mua chuộc của các nhà chính trị. Về phần các nhà chính trị thì họ phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa.
Miền Nam nước Pháp là nơi được bảo tồn, mang giá trị chỉ của miền Nam nước Pháp. Một phần là do nước Đức, thông qua Liên hiệp châu Âu, đã bao cấp cho nông nghiệp của Pháp, bao cấp đến tận những nông gia ở phía Nam, khiến cho các làng mạc và những tiệm bán lẻ nhỏ nhắn và xinh đẹp ở đó được tồn tại - chống lại được sức ép toàn cầu hóa, kẻ đang đòi hỏi xóa đi những làng mạc và nuốt chửng những tiệm tạp hóa thôn quê. Nói cách khác, nền chính trị ở miền Nam Pháp đã giữ vững được một giá trị thực sự - bảo tồn bản sắc văn hóa. Nền chính trị đó được xây dựng trên cơ sở một chính sách nông nghiệp chung của châu Âu, chuyển vốn hỗ trợ các cơ sở nông nghiệp cỡ nhỏ để giữ nguyên được các làng mạc, nơi được người ta coi là mang bề dày văn hóa. Chúng ta cần những mạng lưới bảo toàn xã hội như vậy để giữ vững được văn hóa của chúng ta. Các nhà chính trị phải giáo dục cho dân chúng về giá trị của những hệ thống đó và phải sẵn sàng thực hiện chúng.
Ở các nước đang phát triển, nơi tầng lớp trung lưu chưa đủ mạnh để vận động bảo tồn văn hóa, nơi luật quy hoạch và môi trường còn yếu hoặc dễ bị vi phạm, bạn cần một loại hệ thống lọc khác - thị trường. Nếu đến gặp một thợ đốn gỗ ở Indonesia, người có 12 miệng ăn phụ thuộc anh ta, mà nói anh ta không được phá rừng làm rẫy vì đó là một phần của di sản văn hóa - thì sẽ không được việc. Anh ta sẽ nói với bạn, "Nếu anh muốn bảo tồn nó - thì bỏ tiền mà mua." Dân chúng phải coi việc bảo tồn văn hóa gắn liền với giá trị cuộc sống của họ, và không được hy sinh vấn đề bảo tồn để sinh tồn. Ngành du lịch có vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cho các chính quyền địa phương bảo tồn bản sắc và truyền thống của địa phương. Du khách thường quan tâm rằng liệu không khí ở đó có trong lành không? Nguồn nước có sạch sẽ không? Đó là những vấn đề mà các khách sạn cần quan tâm nếu họ muốn thu tiền cao của du khách: chẳng hạn bán suất ăn tối giá là 20 đô-la cho du khách, thay vì 1 đô-la cho dân địa phương. Có khi cách tốt nhất để bảo tồn một kim tự tháp, một nơi khai quật khảo cổ hay một khu dân cư độc đáo là tìm cách cho dân chúng sống quanh đó kiếm tiền nhờ việc bảo tồn.
Khi sang Bali, Indonesia, năm 1997, vợ tôi và tôi đến thăm Pura Tanah Lot, một trong những thắng cảnh tôn giáo đẹp nhất, ngôi đền xây trên một mỏm đá nhô ra ngoài biển. Khi thủy triều lên, nước tràn vào và ngôi đền bị cô lập trong sóng nước.Thắng cảnh tuyệt đẹp, hàng triệu du khách Indonesia đã đến và dâng hương hoa theo lối Ấn Độ giáo. Chúng tôi đến đó vào lúc mặt trời lặn, và khi tôi bước ra chụp ảnh vợ trong cảnh đền thờ, tôi thấy có một chiếc xe hơi đánh golf đi qua. Người ta đã xây một sân golf dọc bờ biển, cách đền khoảng vài trăm mét, chiếc xe đi qua một lỗ golf ngay bên bờ biển. Quả thực tôi cũng là người mê chơi golf, nhưng tôi cũng rất yêu cảnh đẹp thiên tạo và tôn trọng những đền thờ thiêng liêng. Ở đây ta thấy hai khả năng: hoặc một sự thiếu quy hoạch hoặc những quan chức quy hoạch địa phương đã bị mua đứt.
Chẳng lạ gì khi chúng tôi ở Bali, tờ Jakarta post đã đăng tin về một nhóm nghệ nhân vùng này đã tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật với mục đích chống lại những sự phá hoại, nhằm vào thiên đường của họ. Theo bài báo, trong triển lãm người ta trưng bày hình ảnh một trái bóng golf đang rơi vào một cuộc tuần hành Ấn Độ giáo; một hình ảnh khác cho thấy Bali như một trái bóng golf đang bị thế giới đánh quật; và một bức tranh một nông dân dùng gậy đánh trái bóng - mang hình tượng những nhà thầu xây dựng - đi nơi khác. Cuộc triển lãm có cái tên: "glo-BALI-zation." [Toàn cầu hóa - và Bali].
Nếu Bali tiếp tục con đường tự hủy hoại như vậy thì nó sẽ kết liễu luôn du lịch tới vùng này. Trong cuốn hướng dẫn về Bali của chúng tôi, do nhóm Knopf xuất bản cách đó hai năm có đoạn nói về Pura Tanah Lot: "Kế hoạch hối hả biến khu này thành nơi du lịch trở nên đáng lo ngại, nhưng nó vẫn chưa hoàn tất: một khách sạn sang trọng và một sân golf đã được quy hoạch gần đó. Nhưng trong thời gian này, ngồi đền vẫn đáng để cho bạn thăm viếng." Khi một sách hướng dẫn du lịch bắt đầu báo động cho bạn hay là đất nước đó đang bóc lột quá mức nền văn hóa của chính họ và mời bạn đến thăm thắng cảnh trước khi quá muộn - thì bạn biết đất nước đó đang vào một vùng nguy hiểm. Tôi sợ rằng ấn bản hướng dẫn của Knopf lần sau về Bali sẽ được viết: "Muộn rồi. Hãy sang nơi khác."
Chính vì thế, động cơ lợi nhuận, mặc dù thường là cần thiết nhưng vẫn không đủ, vì nó có thể dẫn tới sự thương mại hóa và bóc lột những điểm văn hóa. Bạn cần có một giai cấp trung lưu và thượng lưu hết lòng vì hoạt động xã hội, họ phải sẵn sàng tài trợ cho việc bảo tồn các điểm văn hóa, ngay cả khi không kiếm lợi riêng được - hay cũng chính vì những nơi đó không thể tự kiếm ra tiền. Khi bảo tồn những khía cạnh phi thương mại của cuộc sống, bạn không thể nhờ vào thị trường quá nhiều, và bạn cũng không muốn nhờ vào thị trường quá nhiều.
"Về lâu về dài, thật là một ảo tưởng nếu người ta cho rằng động cơ thị trường và lợi nhuận sẽ là đủ để bảo vệ tài sản văn hóa và môi trường của một đất nước," Fareed Zakaria, Tổng biên tập tạp chí Foreign Affairs, một người gốc Ấn Độ, lập luận. "Không thể thế được. Vì điều mà toàn cầu hóa đang làm là trang bị thế lực cho con người. Nó cho phép con người có những lựa chọn, họ sẽ tự do chọn lựa những giá trị cuốn hút nhất, hiện đại nhất, cám dỗ nhất, thuận tiện và mang tính thương mại nhiều nhất. Và khi đó con người có thể muốn lấp đầy các khu phố bằng những siêu thị và tiệm ăn Taco Bell - dẫu cho làm như thế có nghĩa là phải ủi đi những nền văn hóa địa phương và quốc gia. Chính vì thế cho nên cứ ôm vào thị trường thì sẽ không đủ; bạn phải kiểm soát thị trường bằng luật lệ. Và để kiểm soát thị trường thì giới lãnh đạo phải ra tay, không cho chúng rơi vào móng vuốt thị trường - tạo ra những môi trường mà thị trường không thể xâm lăng hay chế ngự. Và như vậy họ bảo vệ được những khía cạnh thuộc về bản sắc của đất nước của họ. Thông thường tầng lớp thượng lưu đầy đủ của cải là những người sẵn sàng lo tới điều đó. Như gia đình Rockefellers đã xây dựng một hệ thống công viên ở Mỹ. Viện Bảo tàng Thủ đô là một công trình do các đại gia tư bản lập nên, những người nói rằng chúng ta cần một bảo tàng mà không dính dáng gì tới thị trường.
Trên lý thuyết, những hệ thống lọc để bảo vệ văn hóa và môi trường nói trên là đúng đắn, nhưng bạn cần phải sử dụng chúng một cách đồng thời mới mong tạo ra kết quả. Đơn thuần một công viên rừng nhiệt đới sẽ không giúp cho việc giảm nạn đốn gỗ; công chức đơn thuần không thể có đủ nghị lực chính trị để áp dụng luật; chỉ các tập đoàn công ty mang ý thức môi trường không thôi sẽ không đủ sức để chặn sự băng hoại môi sinh; và nếu chỉ có các nhà hoạt động dùng Internet thôi thì cũng sẽ không tài nào ngăn được bầy thú.
Chính vì thế mà tôi hy vọng, và thực sự tin rằng khi chúng ta tiến vào thập niên toàn cầu hóa tiếp theo thì sẽ được thấy có ai đó, hay một chính đảng nào đó, sẽ xây dựng cương lĩnh của họ trên một lý thuyết kết hợp được tất cả những hệ thống sàng lọc nói trên. Tôi không có hàm ý chỉ tổ chức Hoà bình Xanh, ý tôi muốn nói đến các chính đảng và các nhà chính trị lớn mang tính quyết định.
Mọi sự bắt đầu từ các quốc gia phát triển rồi sẽ lan tỏa đi nơi khác. Tin mừng là trường phái chính trị này đã được đặt tên - "Vấn đề sống tốt." Ở Hoa Kỳ, Al Gore là người đưa ra vấn đề này. Khả năng sống tốt, ông ta lập luận, đòi hỏi "sự tăng trưởng thông minh" và tăng trưởng thông minh đòi hỏi có những nhà chính trị hình thành được một tập hợp các bộ luật, các ưu đãi và sáng kiến có thể giúp những hệ thống sàng lọc đó cùng phối hợp. Một yếu tố then chốt trong chiến lược của Al Gore là sự tạo dựng chương trình "Trái phiếu nước Mỹ tốt hơn." Thông qua việc ưu đãi thuế liên bang, chương trình này cho phép các cộng đồng cùng nhau phát hành được 9,5 tỷ đô-la trái phiếu, số tiền sẽ được dùng vào việc mua lại những khu vực còn xanh tươi, khôi phục những công viên khô cằn và cải tạo nhiều nơi, đặc biệt trong các nội đô, nơi môi trường đã bị phá hủy nhưng có thể phục hồi. Càng có nhiều các thành phố trung tâm được phục hồi thì càng giảm đi khả năng thành thị lấn chiếm nông thôn.
Chỉ có một nền chính trị nhất quán không ngừng nghỉ, tranh đấu cho khả năng sống còn, mới làm cho xã hội kết hợp được những hệ thống chọn lọc cần thiết để bảo tồn văn hóa và môi trường, đương đầu với những kế hoạch kinh doanh, dài hạn, nhiều vốn và đầy hiệu quả như của các hãng Nike, MTV, McDonald's, Pizza Hut, Enron và Taco Bell. Ngày nay, đó có lẽ chỉ là hy vọng hay lời cầu nguyện cần thiết - vì sẽ không có toàn cầu hóa bền vững nếu không có sự bảo tồn về văn hóa và môi trường.
Môi trường và văn hóa đi đôi với nhau. Các nền văn hóa được nuôi dưỡng và duy trì trong các môi trường bản địa. Những bộ lạc đa dạng và phong phú của Amazon sống trong những vùng hoang sơ, không bị ô nhiễm và chưa phát triển hiện đại. Và những thị trấn đa dạng và phong phú ở Mỹ, Qatar hay vùng Nam nước Pháp là những nơi mà môi trường chưa bị lát bê tông và bao phủ bởi những siêu thị - chúng tránh được hiểm họa trở thành những phiên bản của nước Mỹ.
Israel là một trường hợp thú vị để nghiên cứu về chủ đề này, vì nó có một nền văn hóa mạnh mẽ, có bề dày hàng ngàn năm và một môi trường độc đáo hơn nhiều nơi trên thế giới, với những mỏm đá hay ngọn đồi được ghi trong Kinh thánh. Ngày nay, cũng chính tại Israel, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Israel (SPNI) đang phải đấu tranh chống lại sự mở rộng lan tràn của đô thị về nông thôn. Nếu bạn trước đây đã trồng một cây xanh ở vùng giữa Tel Aviv và Jerusalem thì bạn hãy nhanh quay về mà thăm nó. Bởi vì không còn lâu nữa, vào năm 2020 theo quy hoạch, thì những địa phương từ Haifa tới Tel Aviv sẽ trở thành một giải đất nội đô lớn. Người Israel xây nhà cứ như thể họ đang ở Australia vậy - càng nhiều nhà càng tốt, nhà càng lớn càng hay, càng rộng càng đẹp. Nếu mức phát triển dân số hiện nay cứ tiếp túc thì Israel, ngoại trừ vùng sa mạc Negev, sẽ trở thành một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Buồn thay, những vòng cung vàng McDonald's giờ đây đang ngự ở một đỉnh đồi án ngữ lối ra vào Jerusalem từ hướng Tây.
Chính vì Israel không bao giờ có thể hạn chế được sự nhập cư của người Do Thái nên phải quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển bền vững; nếu không thì văn hóa Zion của Israel sẽ bị mất đi cái gốc mà từ đó nó ra đời và gắn bó sâu đậm. "Mỗi một dự án được cấp phép ngược với quy hoạch lớn của đất nước và làm xói mòn những miền đất mới sẽ hủy diệt di sản Do thái - danh lam thắng cảnh được ghi trong Kinh thánh từ thời David và Solomon," Avram Shaked, điều phối viên về vấn đề bảo tồn, thuộc SPNI, giải thích vào một buổi sáng khi chúng tôi thấy những chiếc máy ủi ngoạm vào vùng đồi Jude. "Trong Kinh thánh có nói đến những vườn nho của Ben Shemen. Ngày nay Ben Shemen là nút giao thông xa lộ lớn nhất trong nước. Chúng ta vẫn hay nói đến "đất của Israel" trên phương diện địa-vật lý nhưng chúng ta đã quên đi giá trị văn hóa thiên liêng của nó."
Yoav Sagi, Chủ tịch SPNI nói thêm vào: "Chúng ta phải thay đổi văn hóa ở đây từ chỗ khai phá đất đai thành bảo tồn đất đai. Bởi vì nếu ngày nào đó Israel trở thành một đất nước bình thường, không còn chiến tranh, thì những gì níu giữ chúng tôi ở lại đây sẽ chính là giá trị cuộc sống và những liên hệ với mảnh đất này. Nhưng nếu cứ tiếp tục cái đà hiện nay thì chúng tôi sẽ không còn giá trị cuộc sống và cũng chẳng còn đất đai cho chúng tôi gắn bó."
Khi bạn làm cho những nhà cửa của dân chúng không còn tính độc đáo riêng biệt - bằng cách đồng hóa kiến trúc hay phá huỷ môi trường quanh các ngôi nhà - bạn sẽ làm băng hoại không những văn hóa mà còn sự nhất quán trong xã hội của họ. Văn hóa, với ảnh hưởng lớn nhất của nó, có thể trở thành yếu tố mạnh mẽ tự khắc kiềm chế hành vi con người. Nó mang lại cấu trúc và ý nghĩa cho cuộc sống. Văn hóa quy định một loạt các thói quen, sự kiềm chế, sự mong đợi và những truyền thống dệ nên những khuôn mẫu cuộc sống và gắn chặt các xã hội cốt lõi của chúng. Khi toàn cầu hóa không kiềm chế nhổ bật rễ văn hóa và môi trường, thì nó sẽ phá hủy kết cấu cơ bản cần thiết của cuộc sống cộng đồng.
Điều này đưa chúng ta trở lại với vấn đề toàn cầu hóa bền vững. Bạn không thể xây dựng một xã hội mới - điều kiện cốt lõi để ứng phó với hệ thống toàn cầu hóa - nếu bạn đồng thời phá đi những nền tảng văn hóa. Những nền tảng đó có nhiệm vụ gắn bó và tạo cho xã hội của bạn sự tự tin và sự kết dính để tương tác với thế giới. Chính vì thế nỗi lo của tôi về khả năng các nước đang phát triển sẽ bị toàn cầu hóa tàn phá, ủi bằng, vượt quá sự bận tâm hạn hẹp muốn duy trì những khu vực nhiều màu sắc cho du khách đến thăm quan. Sự lo ngại của tôi là ở chỗ nếu không còn môi trường thì sẽ không có văn hóa bền vững; và nếu không có văn hóa bền vững thì sẽ không có cộng đồng bền vững thì toàn cầu hóa bền vững sẽ không đến với chúng ta.
Tôi thấy quá trình này diễn ra rõ rệt trong vùng tôi đang sinh sống. Quán cà phê mà tôi ưa thích nhất ở cách nhà tôi, ở Bethesda, Maryland, vài dặm, được gọi là Corner Bakery. Trước hết, tôi thích cái tên Corner Bakery (Lò bánh ở góc phố). Cái tên đó gợi cho tôi sự ấm cúng và tình hàng xóm, trong quán người ta bán 30 loại bánh mỳ. Quán cũng có hương vị và kiểu cách của một lò bánh mỳ thời cũ, đồ gỗ màu tối, đánh bóng, đồ đồng sáng bóng và nhân viên thân thiện. Vâng, đó là Corner Bakery của tôi. Nhưng chỉ có một điều: thực ra nó không nằm ở một góc phố, nó nằm trong một khu thương xá mang tên Montgomery. Mặc dù cái tên và cảm giác trong quán gợi cho ta về một đường phố xưa nhà cổ, nhưng cái hồn xưa đó đã đi rồi. Khi bước vào quán, người ta không còn nghe thấy những câu "chào ông bạn hàng xóm - chào ông - chào bác sĩ." Trong quán chỉ có một lũ người lạ, nhân đi qua con đường cao tốc, dừng lại vào uống cà phê. Nói cách khác, khi vào quán, chúng ta có cảm giác của thời hậu McDonald's. Nhưng chúng ta dường như đang quay trở lại với cội rễ của chúng ta - nhưng cái cộng đồng và môi trường một thời nảy sinh những cửa tiệm góc phố, nay không còn nữa. Corner Bakery thời nay là một chi nhánh của chuỗi tiệm cà phê mang tên Corner Bakery. Giống như chiến hạm Potemkin của Nga nay không được thả neo trên biển - trong lòng cộng đồng Nga - mà là đang được tồn trữ trên một khối bê tông.
Điều tôi lo ngại là Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Israel, Qatar và Indonesia sẽ phát triển đến độ họ sẽ muốn quay lại bảo tồn những tiệm bán góc phố của họ - hình ảnh, mùi vị, màu sắc, quầy hàng trên phố, kiến trúc và danh lam thời xưa. Đó là những cái nôi trong đó bản sắc văn hóa, những cây ô liu của họ được vun trồng. Nhưng đến lúc đó các nước này sẽ chợt nhận ra rằng những giá trị đó đã bị xóa rồi, không phải được thay thế bằng các giá trị mới của chính văn hóa của riêng họ, mà bị thay thế bởi những giá trị của loại văn hóa toàn cầu láng bóng sạch bong đang nhanh chóng xâm nhập.
Chúng ta không thể hy vọng có thể bảo tồn toàn vẹn được tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Và chúng ta cũng không muốn một nền văn hóa được tồn tại nếu như nó không còn chất kết dính và sức mạnh tự thân để làm điều đó. Cũng giống như các loại muông thú, văn hóa ra đời, tiến hóa và bị đào thải tự nhiên. Nhưng trong toàn cầu hóa ngày nay, đó là quá trình tiến hóa siêu tốc độ. Không công bằng chút nào. Trong một thế giới không còn rào cản, thậm chí những nền văn hóa năng động nhất cũng đã phải nhường bước cho Bầy Thú Điện Tử. Văn hóa cần giúp đỡ để tồn tại, nếu không nó sẽ bị hủy diệt với tốc độ nhanh hơn là tốc độ cho chúng tiến hóa và rồi có khả năng chúng ta chỉ còn lại mỗi một loài vật trong vườn thú.
Tạp chí National Geographic trong ấn bản tháng 8/1999, cho biết, "Không một thước đo nào cho cuộc khủng hoảng này tốt hơn là thước đo mức độ các ngôn ngữ bị mất đi. Trong lịch sử đã từng tồn tại khoảng 10.000 ngôn ngữ khác nhau. Ngày nay chỉ còn khoảng sáu ngàn ngôn ngữ đang được sử dụng, rất nhiều trong số đó không được truyền lại cho trẻ - trên thực tế có thể coi những ngôn ngữ đó đã chết - và chỉ còn 300 thứ tiếng được trên một triệu người sử dụng. Và thế kỷ sau, phân nửa số ngôn ngữ, mà hiện nay đang được dùng trên thế giới, sẽ mất đi... Đối với hệ sinh thái cũng vậy. Sự đào thải cân đối với sự ra đời là điều bình thường. Nhưng làn sóng tiệt chủng hiện nay do hoạt động của con người gây ra cho những loài sinh vật là chưa từng có. Cũng tương tự, ngôn ngữ, văn hóa và các giống động thực vật đã và đang tiến hóa. Nhưng các loại ngôn ngữ ngày nay đang mất dần với tốc độ cao trông thấy, trong chu kỳ một hay hai thế hệ. "Khi chúng ta mất đi một thứ tiếng, thì không khác gì điện Louvre bị ném một trái bom," Ken Hale thuộc Học viện Kỹ thuật Massachusetts, than vãn. Khi ngôn ngữ mất đi thì văn hóa cũng bị diệt vong. Thế giới sẽ trở thành một nơi tẻ nhạt, nơi chúng ta hy sinh đi những tri thức xưa hiếm, những thành tựu mà cả ngàn năm mới có được."
Không ai hiểu được điều đó kỹ hơn James Wolfensohn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ông ta kể với tôi về một chuyến đi sang Guatemala không lâu sau khi nhậm chức. "Tôi lúc đó đang ở vùng cao nguyên và gặp những già làng của bộ tộc Maya. Đó là một làng nghèo đói, mọi thứ đều thiếu thốn. Dân chúng không có tài sản gì cả. Chúng tôi đến đó để xem xét có thể giúp đỡ họ về giáo dục và y tế. Và giáo dục là chủ đề mà người dân ở đó muốn bàn nhiều nhất. Hơn cả vấn đề nước. Họ muốn chúng tôi giúp bảo vệ nền giáo dục văn hóa Maya, đó là những truyền thống được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, có bề dày ba ngàn năm. Chúng ta thấy dân chúng rất nghèo nhưng họ có bề dày lịch sử và văn hóa - họ đã từng nghiên cứu toán học và thiên văn trước phương Tây rất nhiều - và họ muốn chúng tôi giúp đỡ để con cháu họ có thể kế thừa những di sản văn hóa đó. Thế giới sẽ tồi tệ hơn nếu chúng tôi không giúp gì được họ."
Và Wolfensohn đã cho bắt đầu một chương trình cho vay để bảo tồn văn hóa tại Ngân hàng Thế giới - song song với những trợ giúp phát triển nói chung - trong suy nghĩ rằng nếu để mất đi những tri thức và văn hóa của những vị trưởng lão của bộ tộc Maya thì cũng giống như đánh mất những phiên bản nhiễm sắc thể ADN của một loại cây hay thú quý hiếm. Trong số những khoản trợ giúp tài chính cho văn hóa của ngân hàng có dự án khôi phục Bảo tàng Quốc gia Brazil, khôi phục thánh đường Hồi giáo ở Samarkand, bảo tồn các điểm văn hóa ở Bethlehem, một cuốn từ điển cho Uganda, các dự án cho dân bản xứ ở Peru và Bolivia và giúp đỡ các nghệ nhân và thợ thủ công ở Marốc. Điều đáng buồn là cứ mỗi năm Wolfensohn đều phải đấu tranh với các thành viên ban quản trị ngân hàng, bao gồm các bộ trưởng tài chính, để duy trì cho được chương trình đó. Wolfensohn nói, "Tôi nói với họ: "Các vị cứ tưởng tượng nếy nước Anh không có lịch sử? Các vị thử tượng tưởng sang đến Pháp mà không thấy được văn hóa Pháp? Nếu không thể tưởng tượng được những điều đó thì vì sao lại không giúp các nước đang phát triển, những nước đang cần điều đó hơn nhiều? Không thể nào khiến được dân chúng các nước tiến lên nếu không làm cho họ hiểu được bản sắc, gốc rễ và quá khứ của họ." Điểm hay nhất trong chương trình của Wolfensohn là những nước nhận viện trợ văn hóa sẽ sử dụng 15 phần trăm tiềm quỹ để tài trợ cho các nghệ sĩ đương đại, họa sĩ, nghệ nhân và nhà thơ - ngân hàng không đưa văn hóa của họ vào các bảo tàng, mà là tiếp tục nuôi dưỡng cho văn hóa các nước này đâm chồi nảy lộc.
Toàn cầu hóa sẽ là bền vững tùy thuộc một phần vào mỗi chúng ta cùng nhau sử dụng những hệ thống sàng lọc để bảo vệ văn hóa và môi trường của chính chúng ta, trong khi hấp thụ những điều hay của văn hóa người khác. Nếu toàn cầu hóa chỉ là một phương cách hữu hiệu trong trao đổi văn hóa - cho tôi được nếm món sushi hay kabuki của em bé Nhật trong lúc em bé đó nếm món McDonald và Disney của tôi - để cho dân chúng có thể tự lựa chọn, nếu toàn cầu hóa trở thành một liên hiệp những văn hóa bản sắc mà không phải là một sự đồng hóa lấn án, và nếu toàn cầu hóa cho phép xuất hiện một môi trường đa dạng về văn hóa mà không phải là một hành tinh vô hồn và đồng phục..., thì toàn cầu hóa sẽ được bền vững. Yaron Ezrahi nói: "Hoặc là toàn cầu hóa đồng hóa chúng ta trên bề mặt nhưng ta vẫn giữ nguyên được gốc rễ về văn hóa, hoặc nó đồng hóa chúng ta tới tận gốc rễ - khi đó nó sẽ trở thành một yếu tố hủy diệt trên phương diện môi trường, văn hóa và chính trị."
Có thể chấp nhận việc Disney World cho xây dựng một phiên bản ở Trung Quốc, Pháp hay Mexico. Nhưng nếu để cho phiên bản Disney World ở Trung Quốc trở thành hình ảnh duy nhất của Trung Quốc một thời đã qua, hay vương quốc của loài vật ở Disney World sẽ trở hành hình ảnh duy nhất gợi lại những khu rừng nhiệt đới của một thời cũng đã qua, hay quán cà phê Rain Forest là hình ảnh khu rừng duy nhất mà con cái bạn có thể chứng kiến, thì... xin Thượng đế hãy phù hộ cho loài người.