Chương 13

Bà Nhẫn nhìn Viễn chăm chú, ngây dại khiến anh vô cùng bối rối. Vừa nhìn, bà vừa lẩm nhẩm:
- Đúng là con của tôi rồi... không thể nào lầm lẫn được. Triều ơi là Triều!
Quay sang bà Cẩm và bà Từ, mẹ chồng mình, bà thổn thức:
- Cô và má nhìn thằng bé đi, nó là máu mủ ruột rà của hai người đó.
Bà Cẩm vội nói:
- Bình tĩnh lại chị Hai... Đây là cậu Viễn, cháu đích tôn của bà Bảy Diệu Linh. Cậu ấy tới thăm nhà mình vì nghe em nói chị không được khoẻ.
Viễn mỉm cười. Dù được bà Cẩm báo trước trạng thái tâm thần của bà Nhẫn hiện giờ đang tạm ổn, anh vẫn thấy khó xử khi bà cứ gọi anh là Triều. Anh ân cần:
- Cô đã khoẻ chưa ạ?
Bà Nhẫn như phật ý:
- Sao lại gọi mẹ là cô?
Viễn không biết trả lời ra sao cho bà Nhẫn đừng thất vọng. Anh thấy tội nghiệp người phụ nữ này nên đã nhận lời tới đây để an ủi bà, giúp bà bình tâm trở lại. Vậy thì câu nệ gì một lời xưng hô chứ. Viễn đành trở thành diễn viên bất đắc dĩ.
- Con xin lỗi mẹ ạ
Mặt bà Nhẫn tươi hẳn lên, bà hí hửng nhìn bà Cẩm và bà Từ:
- Cô và má thấy chưa. Đây đúng là bé Triều mà. Rồi ba nó và thằng Lĩnh sẽ vui mừng biết chừng nào.
Bà Cẩm vội bảo:
- Nhưng tạm thời chị không được nói chuyện đã tìm ra bé Triều với anh Tuân và thằng Lĩnh.
Mặt bà Nhẫn ngơ ngác:
- Sao vậy? Phải nói để mọi người cùng vui chứ.
Giọng bà Cẩm hạ xuống thật bí mật:
- Chị không sợ kẻ xấu lại bắt thằng bé lần nữa à? Phải giấu thằng bé đi chứ.
Bà Nhẫn thoắt rùng mình:
- Phải rồi, cô không nhắc chắc tôi quên mất. Lần này tôi sẽ không bỏ thằng bé vào cái cũi cây ấy nữa. Tôi sẽ ngủ chung với nó. Tôi sẽ không bỏ mặc thằng Triều để xuống bếp nấu cơm, vì tôi có cực nhọc nấu cơm, ông ấy cũng không màng ăn, ông ấy mải bám theo Hồng Loan... Tôi không cho ổng biết đâu.
Viễn khẽ cau mày. Mối quan hệ của bà Hồng Loan và gia đình bà Nhẫn là đây. Vậy mối quan hệ của bà Loan với gia đình anh là gì? Sao ba mẹ anh không chút nào thân thiện khi nhắc tới bà tả trái lại, bà nội thì có vẻ rất cảm tình thế nhỉ?
Viễn đang suy nghĩ thì giọng bà cụ Từ bỗng cất lên ngắt dòng suy nghĩ của anh:
- Càng nhìn cháu càng thấy giống ông nội của bọn nhỏ. Cẩm con mang cuốn album ra đây.
Viễn bỗng hết sức tò mò. Anh muốn biết mình giống ông cụ đến cỡ nào mà hôm trước bà Cẩm cũng có nhận xét như thế. Mở quyển album hết sức cũ kỹ ra, bà Cẩm chỉ cho Viễn xem bức chân dung của một người đàn ông mà mới vừa nhìn vào, Viễn đã nổi ốc khi thấy đúng là ông ta rất giống anh. Viễn cũng có một bức chân dung như thế. Đó là tấm hình anh mặc veston chụp để dán vào bằng tốt nghiệp đại học. Chỉ có khác chăng hình của anh là hình màu, còn hình này là hình trắng đen.
Giọng bà Từ run run:
- Tấm ảnh này chụp lúc ông cụ hai mươi bốn tuổi. Chắc trạc tuổi cháu bây giờ.
Viễn khen:
- Vâng ông đẹp quá.
Bà Cẩm nói thêm:
- Và giống cháu quá, đúng không?
Viễn chậm chạp đáp:
- Vâng quá là cháu có nét giống ông cụ. Chắc chỉ là ngẫu nhiên thôi ạ.
Bà Cẩm lật quyển album sang trang khác. Bà chỉ vào hình chụp một thằng bé con khoảng hai tuổi.
- Bé Hồng Triều hồi nhỏ đó...
Lần này Viễn không sao bình tĩnh khi nhận ra đứa bé trong ảnh rất giống với ảnh của anh ở nhà. Mà đúng là anh hồi bé chớ có phải ai khác đâu mà giống.
Viễn cảm thấy choáng thật sự. Anh ôm mặt khi nghe bà Cẩm nhấn mạnh:
- Hồng Triều có cái bớt màu đỏ trên vai trái, tấm hình này cái bớt rất rõ.
Liếm môi, Viễn khô khốc:
- Rất tiếc cháu chả có cái bớt nào cả, và cháu là Viễn, Trần Uy Viễn. Giờ cháu phải về. Rất mong... mẹ à không, cô Nhẫn cô Cẩm và cụ bà luôn vui vẻ.
Mặc bà Nhẫn ngơ ngác nhìn theo, bà Từ thẫn thờ ngồi ngây trên ghế, Viễn hấp tấp bước ra khỏi phòng khách. Bà Cẩm hối hả chạy theo:
- Sao cháu lại vội vàng thế?
Viễn đanh mặt:
- Cháu không muốn dấn sâu vào chuyện này nữa. Cháu không thích bị lợi dụng lòng tốt.
- Cô xin lỗi. Nhưng cô chỉ muốn biết rõ một sự thật, chớ không hề lợi dụng gì ở cháu.
- Sự thật gì đó chả hề liên quan tới cháu.
- Vậy sao cháu lại vội vàng cáo từ? có phải cháu cũng sợ.
Viễn lạnh lùng:
- Cháu không hiểu cô muốn nói gì. Cháu về đây. Đừng bao giờ tìm cháu nữa.
Phóng vút xe ra khỏi nhà bà Cẩm, Viễn mới thấy mồ hôi vã ra như tắm. Chuyện quái gì vừa xảy đến với anh thế? Thật ra anh và thằng bé Hồng Triều con của bà Nhẫn có liên quan gì không? Tại sao trên vai anh cũng rành rạnh cái bớt đỏ?
Trời ơi Viễn chợt muốn điên lên khi nghĩ mình là một người khác chớ không phải là Trần Uy Viễn như lâu nay anh vẫn vỗ ngực xưng tên.
Chạy xe ngoài đường, Viễn như người mất hồn, anh thấy mình ngốc khi hăng hái nhận lời của bà Cẩm để rồi bị rơi vào tình thế như hiện giờ, hoang mang, nghi ngờ nguồn cội của mình.
Về nhà, Viễn vào tủ lấy quyển album của gia đình ra lật tìm...
Anh thẫn thờ khi từng tấm ảnh hồi bé của anh hiện ra, hiện ra... Khởi đầu là hình chụp lúc anh đầy tháng, bé xíu lọt thỏm trong tay mẹ với cái mũ len to đùng che gần hết mặt nên trông chẳng rõ mặt mũi ra sao. Rồi một số tấm ảnh chụp lúc anh biết lẫy, biết bò, biết đi... Tất cả những hình ảnh này chứng minh anh là con của ba Đông, mẹ Hằng chớ không phải anh là Hồng Triều, con của ông Tuân bà Nhẫn.
Tạm nhẹ nhõm với suy nghĩ trên, Viễn tiếp tục lật album. Anh nhíu mày khi phát hiện đã có những cái hình đã bị gỡ mất chỉ còn khoảng trống. Đó là hình của anh lúc sáu bảy tuổi và cả lúc lớn. Ai đã lấy chúng và lấy để làm gì nhỉ?
Viễn bâng khuâng nhìn tấm hình chân dung của mình. Quả thật tấm hình này giống tấm hình chồng bà cụ Từ quá sức. Trong thế giới hơn sáu tỷ người này chuyện người nọ giống người kia là điều phải có, nhưng sao lại ngẫu nhiên rơi vào Viễn chớ không là ai khác? Lật ngược trở lại, Viễn nhìn một tấm ảnh chụp lúc anh mới biết ngồi đang trần truồng trăm phần trăm và phát hiện một điểm khiến anh phải suy nghĩ. Trên vai phải của đứa bé trong ảnh không hề có cái bớt nào hết. Nó đã biến đi đâu rồi khi nó rất đậm, những tấm hình lúc lớn lên sau này của Viễn đều nhìn thấy nó nếu chụp khi anh ở trần.
Đây nữa. Cái hình Viễn ngồi tắm trong thau khoảng một tuổi cũng không thấy cái bớt.
Viễn lật tới lật lui quyển album, anh so sánh gương mặt của chính mình, từ một tháng tuổi cho đến ba năm tuổi để tìm những nét giống và khác nhau rồi thờ thẫn, hoang mang. Có thể đó là hình chụp của một đứa bé, cũng có thể là hai đứa bé vì trẻ con nào cũng có nhiều điểm na ná nhau. Nhưng chắc đây là hai đứa bé khác nhau chớ không phải một.
Nhận ra được điều đó, Viễn toát cả mồ hôi. Anh ngồi thừ trên ghế, đầu óc cứ mông lung, rối rắm. Viễn ngồi thế dường như lâu lắm, đến lúc nghe giọng bà nội vang lên, anh mới bừng tỉnh.
Bước ra phòng khách, Viễn sa sầm mặt ki thấy bà Hồng Loan. Bà ta vừa đi đâu về với nội và cả hai dường như vẫn còn rất vui vì cuộc đi này. Bà Loan reo lên:
- Kìa Viễn! Tới đây cháu! cô có quà cho cháu đây.
Viễn cau mày khó chịu. Anh không ưa sự thân mật một chiều này. Giọng lạnh lùng anh bảo:
- Cám ơn cô, nhưng khi không lại có quà, kỳ lắm, cháu không nhận đâu.
Bà Loan vẫn ngọt ngào:
- Không nhận, cô chẳng dám ép, nhưng cháu không ngồi lại với cô, cô buồn lắm đấy.
Bà Bảy cũng nói vào:
- Phải đó. Con ngồi chơi với cô Loan một chút.
Viễn miễn cưỡng nghe lời bà nội. Anh chợt nghĩ biết đâu mình có thể hiểu hơn về mình từ bà Hồng Loan. Mỉm cười Viễn tỏ ra thân thiện hơn:
- Là bạn của mẹ cháu, nhưng cô lại tới chơi với nội cháu nhiều hơn. Một già một trẻ lại thân nhau. Nghĩ cũng lạ, chắc giữa hai người phải có điểm chung nào đó?
Bà Loan nói:
- Mẹ cô mất sớm nên cô rất quý bác Bảy, hơn nữa hai bác cháu lại hợp nhau.
- Cô không hạp với mẹ cháu à?
- Đâu có, tại mẹ cháu bận rộn quá nên cô không gần gũi được.
Viễn gật gù:
- Thì ra là thế. Theo nhận xét của cháu cô giao thiệp rộng, quen biết nhiều người có tiếng tăm, ắt hẳn trong công việc cô cũng là người thành công?
Bà Loan nói:
- Cô chỉ buôn bán nhỏ tầm thường thôi cháu ơi.
- Sao từ nhỏ tới giờ cháu mới biết cô là chỗ thân thiết với gia đình nhỉ? Bao nhiêu năm qua, cô ở đâu?
Bà Bảy kêu lên:
- Chèn ơi! con hỏi gì dữ vậy con?
Bà Loan mỉm cười:
- Bác Bảy cứ để Viễn hỏi. Cháu sẽ trả lời hết mà.
Nhìn Viễn bà nói tiếp:
- Số cô lận đận lắm, nên chả ở chỗ nào lâu được. Chồng bỏ, con chết buồn quá, cô vượt biên nhưng không được phải bon ba nhiều nơi nên bặt tin bè bạn, người quen. Cô mới về Sài Gòn mấy năm nay. Hỏi thăm mãi mới tìm được gia đình cháu. Cô mừng biết bao nhiêu mà kể. Phải chi con cô còn sống chắc nó trạc tuổi cháu bây giờ. Bởi vậy cô rất quý cháu.
Viễn cười cười. Anh không xúc động nổi với những lời của bà Loan. Anh nói:
- Cô làm cháu nhớ tới chuyện xảy ra ở quán cơm Hạnh Duyên hôm trước. Cũng có người nhìn cháu thành đứa con đã chết từ hồi nhỏ của mình.
Mắt bà Loan như ánh lên những tia thích thú, bà ồ lên:
- À! Cháu muốn nói tới bà Nhẫn phải không? bà ấy điên mà! Ai bà không tưởng là con mình.
Viễn dò dẫm:
- Cô có vẻ biết nhiều về bà ta?
Bà Hồng Loan gật đầu, giọng dài ra:
- Cô rành bà ta quá rồi. Đó là một người chả ra gì. Đàn bà mà trông đứa con cũng không nên thân. Vì mãi mê cờ bạc, không để ý thằng con, nó mới té ao chết đuối.
Viễn hỏi gặng:
- Có thật thế không cô?
Bà Loan gật đầu:
- Thật chứ. Sao khi chết đứa con, bà Nhẫn giả ngây giả dại để trốn tránh trách nhiệm trước bản thân và gia đình.
- Thế theo cô hàng chục năm hơn bà Nhẫn giả điên à?
- Đúng vậy. Chỉ tội nghiệp ông Tuân phải chịu đựng một bà vợ xảo trá mà không thể ly dị vì sợ mang tiếng ruồng rẫy vợ.
Viễn nheo nheo mắt:
- Ông ấy chỉ chung thuỷ với vợ trên giấy tờ thôi, chớ thực tế ông Tuân có khối phụ nữ kế bên.
Bà Loan khựng lại:
- Sao cháu lại nói thế?
Viễn cười:
- Cháu chỉ lập lại câu thiên hạ nói về ông. Là chỗ thân quen với ông ấy, cô nhận xét thế nào về câu nói này?
Bà Hồng Loan nhún vai:
- Miệng thế gian hơi đâu nhận xét hả cháu.
Viễn mai mỉa:
- Cách cô nói y như mình là người trong cuộc vậy? Cháu nghe lạ tai ghê.
Bà Bảy cau mày:
- Viễn có thôi đi không? như vậy là xúc phạm người lớn đó.
Anh nhũn nhặn:
- Cháu xin lỗi.
Rồi anh chuyển đề tài:
- Cháu rất muốn biết mặt cô bé người mẫu cô định giới thiệu cho cháu.
Bà Loan nói ngay:
- Cô sẵn sàng tạo điều kiện cho hai đứa gặp nhau. Cháu định bao giờ nào?
Viễn chưa kịp trả lời, bà Bảy đã hắng giọng:
- Đã có Sao Khuê còn người mẫu người mèo gì. Nội không thích đàn ông đèo bồng đâu, dù chưa chắc nội ưng con bé Khuê đó.
Bà Hồng Loan kêu lên:
- Sao Khuê! Cái tên dễ thương và nghe quen quen. Nhất định cô đã nghe ở đâu đó rồi. Để cô nhớ xem nào...
Bà Loan nhìn VIễn:
- Lạ nhỉ! dường như con dâu tương lai của ông Tuân cũng tên Sao Khuê. Lý nào tên trùng tên.
Viễn sa sầm mặt. Bà Loan hỏi:
- Cháu biết Lĩnh, con trai ông Tuân chứ.
Viễn gật đầu:
- Vâng, cháu biết. Đó là một người thành đạt, dù còn trẻ.
Bà Loan hạ giọng:
- Sao Khuê chắc phải sắc nước hương trời nên mới được những hai đại công tử đeo đuổi. Nhưng dù thế nào cô cũng ủng hộ cháu. Đừng lo cậu bé của cô ạ.
Viễn chợt khó chịu bởi cách nói của bà Loan. Anh ngạo nghễ:
- Sao cháu phải lo khi Khuê chỉ yêu mỗi mình cháu?
Bà Loan cười nhẹ:
- Tự tin lắm. Cháu phải lo vì nghe nói bà mẹ của Sao Khuê rất quý Lĩnh, bà ta chỉ chọn Lĩnh làm rể thôi.
Bà Bẩy hậm hực:
- Hừ! Thằng Viễn có gì thua kém mà bà ta chê chứ? Hôm trước bà ta gọi điện tới nặng nhẹ thằng bé, may là bà gặp con Quế, chớ gặp nội thì biết tay.
Viễn vội nói:
- Nội đừng nóng. Tất cả chỉ là hiểu lầm.
- Mày còn bênh nữa à. Đúng là lú lẫn mất rồi vì con gái.
Bà Loan lại ngọt nhạt:
- Tại bà Hiệp chưa biết cháu Viễn đây là con cái nhà ai nên mới nói nhăng nói cuội như thế, chớ nếu biết con gái cưng quen với con trai ông Đông chắc bà ta lên máu vì mừng.
Bà Bảy cau mày:
- Nói như cô khác nào người đàn bà đó tham tiền tài danh vọng?
- Cháu không dám nghĩ thế.
Viễn tức điên lên khi thoáng thấy nụ cười nhếch mép của bà Loan. Dường như bà ta thích thú với câu chyện "tay ba" này. Tại sao vậy? Tại sao bà đâm bên này, thọc bên kia thế nhỉ?
Phải chi... Người Viễn như đông cứng lại với suy nghĩ vừa thoáng qua. Bị kích động mạnh, Viễn la lên:
- Thật ra cô là ai? Là ai trong cuộc đời tôi vậy cô Hồng Loan?
Bà Loan ngơ ngác nhìn bà Bảy ra vẻ không hiểu Viễn muốn nói gì, trong khi bà Bảy biến sắc hẳn. Bà ấp úng:
- Con hỏi cái gì vậy Viễn? Đã bảo cô Loan là bạn mẹ con cơ mà.
Giọng Viễn đanh lại:
- Mẹ con chả có điểm nào chung với cô Loan để hai người có thể là bạn nhau hết. Con muốn biết sự thật.
Bà Bảy trầm tĩnh lại:
- Chả có sự thật nào hết. Con quá đa nghi, lại hồ đồ nữa.
Bà Hồng Loan vội vã đứng dậy:
- Cháu xin phép về vậy.
Rồi không đợi bà Bảy nói thêm câu nào, bà ta hấp tấp bước ra cổng.
Bà Bẩy lo lắng nhình Viễn:
- Hôm nay con làm sao thế?
Viễn tựa lưng vào salon giọng chậm chạp, mệt mỏi:
- Con vừa phát hiện ra nhiều điều về chính mình. Những phát hiện đó khiến con muốn điên lên.
Bà Bảy nhỏ nhẹ:
- Chuyện gì cứ nói với nội!
- Con không muốn vì biết chắc nội, ba mẹ sẽ tiếp tục giấu kín sự thật.
Bà Bảy giả lả:
- Con muốn biết bà Hồng Loan là ai nữa chớ gì?
Viễn lầm lì:
- Con chỉ muốn biết con là ai thôi.
Bà Bảy cười to nhưng khá gượng gạo:
- Lại chướng lên rồi. Con có phải trẻ con đâu mà làm trò hả Viễn?
Viễn vào trong lôi quyển album ra, anh chỉ vào tấm hình chụp mình ở trần và hỏi:
- Đứa bé trong hình là ai vậy nội?
Bà Bảy gặng lại:
- Thế con nghĩ đó là ai?
- Con không biết, nhưng không phải là con.
Bà Bảy im lặng. Viễn thấy tức thở nhưng anh vẫn cố bình thản.
- Đã có hai đứa bé cùng mang tên Trần Uy Viễn phải không nội?
Bà Bảy ấp úng:
- Đúng vậy. Anh con là Trần Uy Viễn, nó chết khi gần tròn hai tuổi, sau này khi có con, ba mẹ con lại giữ lại tên đó...
- Sự thật không phải vậy. Nội đừng giấu con nữa. Không gì khổ sở hơn chuyện nghi ngờ về chính mình. Trong đầu con bây giờ rối beng với những câu hỏi liên quan tới bà Hồng Loan. Nếu nội không nói sự thật, con sẽ đi tìm bà ta.
Bà Bảy im lặng. Một lát sau, bà nói:
- Muốn biết gì con cứ hỏi thẳng ba mẹ mình, chớ nội không thể giải thích.
Viễn gục mặt vào hai tay. Anh mệt nhọc lê từng bước về phòng mình, nằm vật xuống giường. Anh thật sự hụt hẫng, bàng hoàng trước mớ bòng bong trong đầu.
- Tôi là ai? tôi là ai?
Viễn khổ sở với câu hỏi chừng như vô lý này.
Nếu chấp vá những câu chuyện rời rạc mà Viễn được biết thì hết chín mươi phần trăm anh là Hồng Triều. Đã có người nhẫn tâm bắt cóc anh rồi dựng lên một hiện trường giống như anh đã bị rơi xuống nước... Kẻ vô lương tàn nhẫn ấy là ai? Tâm trí anh lại hướng ngày vào bà Hồng Loan. Thù hận, ghen tuông có thể khiến người đàn bà biến thành quỹ dử. Nếu tất cả những suy nghĩ của Viễn đúng thì thật tội nghiệp cho anh và những người thân thích ruột rà.
Có tiếng gõ cữa và giọng bà Hằng:
- Mẹ vào nhé Viễn?
- Vâng ạ.
Vừa đáp lời, Viễn vừa bật dậy. Bà Hằng ngồi xuống giường kế bên anh. Hai người ngồi như thế lâu lắm bà Hằng mới lên tiếng:
- Con đã lớn, đã bước vào đời, đã gánh vác những công việc của xã hội, mẹ muốn con thật thoải mái, thật tự tin với bản thân, với cuộc sống. Có như thế con mới thành đạt được. Cổ nhân dạy:"biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Mẹ sẽ nói để con rõ nguồn gốc của mình.
Im lặng một lúc bà Hằng nói:
- Đúng là con đã hỏi nội. Có những hai đứa bé tên Trần Uy Viễn. Đứa đã chết vì bệnh là con ruột do mẹ sanh ra. Khi thằng bé mất rồi mẹ như điên như dại. Lúc đó nội con có biết một phụ nữ, cô ta muốn cho một đứa con trai vì quá nghèo, lại bị chồng ruồng bỏ, không đủ điều kiện nuôi con...
Viễn buột miệng:
- Bà Hồng Loan.
Bà Hăng gật đầu:
- Đúng vậy, chính nội đã mang con về với mẹ. Kể từ hôm đó, mẹ đã xem con như con đẻ, ba con cũng thế. Nếu bà Loan không xuất hiện để xa xôi, bóng gió mọi điều cho con hoài nghi về bản thân, ba mẹ và nội không đời nào lộ ra chuyện này. Mẹ biết con không thích bà Loan, nhưng mẹ tin đó chỉ là cảm giác ban đầu, chớ Hồng Loan chính là mẹ đẻ của con, tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Sau cú sốc này, rồi con cũng sẽ yêu quý bà ấy.
Giọng Viễn khàn đặc:
- Bà Loan không phải là mẹ con...
- Dù con buồn giận cỡ nào cũng đừng nói vậy. Tội lắm con à.
- Có rất nhiều điều mẹ chưa biết về người đàn bà này. Rồi con sẽ đưa mẹ và nội đến gặp một phụ nữ đáng thương là nạn nhân của bà Hồng Loan.
Bà Hằng nhíu mày:
- Con muốn nói ai vậy?
Viễn nhìn bà rồi chậm rãi đáp:
- Một người có nhiều khả năng là mẹ đẻ của con.
Bà Hằng ngạc nhiên nhìn Viễn, anh liền kể cho bà nghe những chuyện đã xảy đến với mình.
Bà Hằng nghẹn ngào:
- Tội nghiệp con tôi. Dù thế nào đi nữa, ba mẹ vẫn mong con tìm lại đúng những người thân, ruột thịt của mình. Con nên nhớ lúc nào con cũng là con trai của ba mẹ.
Viễn chớp mắt. Từ nhỏ anh đã được học tập làm người, học cách đối nhân xử thế, vậy mà hm nay trước vấn đề của mình, anh thấy khó xử quá.
Nhất định Viễn phải sống làm sao cho xứng với công ơn của những người sinh ra mình và những người dưỡng dục mình đến lúc trưởng thành.