Dịch giả: Mộng Bình Sơn
hồi thứ hai mươi mốt
Mã Bàng sơn bị loài cường đạo
Báo ân tự gặp đấng thánh tăng

Địch Thanh nghe mẹ nói như vậy thì từ giã mẹ và hai anh chị rồi lên đường. Trước khi đi còn dặn Trương Văn:
- Nếu Lưu Khánh có đến đây thì bảo Lưu Khánh ra Tam Quan mà tìm tôi.
Trương Văn y lời, tiễn đưa Địch Thanh ra khỏi vài dặm rồi mới trở lại.
Bấy giờ Địch Thanh cùng với Trương Trung và Lý Nghĩa đốc quân đi rất nhanh, nhưng đi chưa được vài mươi dặm thì trời sa tuyết, gió lạnh thấy xương, quân sĩ đi không nổi nên Địch Thanh phải truyền quân hạ trại để dưỡng sức.
Trương Trung nói:
- Chỗ này trống trải và ẩm thấp lắm, dẫu có đồn binh cho nghỉ ngơi thì quân sĩ cũng không trốn khỏi lạnh.
Địch Thanh nói:
- Thôi thì cứ dồn quân đỡ nơi đây, để ra đi tìm chỗ nào cao hơn, ấm áp hơn sẽ thay đổi.
Nói rồi liền giục ngựa ra đi, quanh quẩn khắp nơi thấy có một ngôi chùa rất nguy nga và chỗ đất thì cao ráo.
Địch Thanh nghĩ thầm:
- Chùa này trông rộng rãi, vậy ta vào xem thử rồi đem quân lại đây mà trú đóng.
Nghĩ rồi liền giục ngựa đến nơi thì thấy trước cửa chùa có đề ba chữ lớn: BÁO ÂN TỰ. Địch Thanh liền xuống ngựa bước vào chùa, xảy thấy có một vị sãi ra cửa đón và nói:
- Xin mời Địch vương thân vào phương trượng đàm đạo.
Địch Thanh nghe nói lấy làm lạ hỏi:
- Sao thầy biết tôi là Địch vương thân?
Thầy sãi thưa:
- Hòa thương chúng tôi mọi việc đều tiên tri.
Địch Thanh nghe nói nghĩ thầm:
- Nếu vậy hoà thượng này không phải người phàm.
Nghĩ rồi liền theo mấy sãi vào thẳng phương truợng. Ở đó đã có một hòa thượng mắt đen, mình cao, mặc áo bá nạp, chân đi thảo hài, bước ra đón Địch Thanh.
Địch Thanh hỏi:
- Hòa thượng đây danh hiệu là gì?
Hòa thượng nói:
- Tôi là Uất Trì Bửu Lâm, con của Uất Trì Cung đời nhà Đường pháp danh là Thánh Giác trưởng lão, hưởng thọ 385 tuổi.
Địch Thanh nghe nói thất kinh nghĩ thầm:
- Té ra hòa thượng cũng là con cháu của công thần. Nhưng là con cháu công thần sao lại bỏ đời đi tu?
Hòa thượng hiểu ý nói tiếp:
- Nguyên khi Đường Thái Tôn vượt biển đi chinh đông, thấy gió lớn, sóng to nên có lời nguyện sau này dẹp giặc xong, nếu bình an vô sự sẽ cạo đầu đi tu. Đến khi ban sư, vua muốn làm theo lời nguyện ước, nhưng đình thần can gián. Khi ấy tôi thấy vậy xin cho tôi được thay  thế nhà vua mà tu hành. Bởi vậy nhà vua lập nên cảnh chùa này cho tôi tu, gọi là chùa BÁO ÂN TỰ.
Địch Thanh nói:
- Nếu vậy hòa thượng đi tu đây cũng là vì đáp đền lòng trung nghĩa. Nay tôi vâng lệnh thiên tử giải chinh y ra Tam Quan, gặp lúc tuyết rơi gió lạnh, quân sĩ đi không nổi, mà không nơi đồn trú, nên đến xin hòa thượng cho tôi đóng nhờ binh trong chùa vài hôm, chờ bớt lạnh sẽ đi.
Hòa thượng nói:
- Ôi thôi! Chinh y còn đâu mà giải đi.
Địch Thanh kinh hãi hỏi:
- Chinh của triều đình, nếu mất đi thì mạng tôi còn gì?
Hoà thượng nói:
- Xin ngài chớ lo, ấy cũng là số trời đã định cho ngài nhờ cái họa ấy mà hóa ra gặp phước.
Địch Thanh nghe nói lòng rất nghi ngờ, liền từ giã ra đi.
Hoà thượng nói:
- Trời đã tối mà tuyết rơi lạnh lẽo, xin ngài ở lại đây một đêm chờ sáng sẽ đi.
 Địch Thanh thấy hòa thượng nói như vậy cũng phải chiều lòng lưu lại nơi chùa một đêm.
Bấy giờ tại  Ma Bàng Sơn có ba vị đại vương là Ngưu Kiện, Ngưu Cang và Lý Kế Anh.
(Nguyên Lý Kế Anh là người lúc trước cứu Địch Thanh rồi bỏ trốn cùng Bàng Hưng và Bàng Hỷ lên Thiên Cái sơn mà ẩn tích. Sau đó Lý Kế Anh thấy Bàng Hưng, Bàng Hỷ tàn bạo nên bỏ mà đi đến Ma Bàng sơn gia nhập với Ngưu Cang và Ngưu Kiện).
Ngày kia, có Tôn Thông là gia tướng của Tôn Tú sai đem đến dâng cho Ngưu Kiện 500 lượng vàng, 4 hột minh châu và viết thơ nhờ bọn này cướp đoạt chinh y của Địch Thanh giải đến để cho Địch Thanh bị hại.
Ngưu Kiện vì tham tiền và của quý nên thương nghị vớ Ngưu Cang và Lý Kế Anh.
Lý Kế Anh can:
- Việc này không nên. Chúng ta chiếm cứ sơn đầu là chuyện bất đắc dĩ mà thôi. Vả lại nơi đây gần Tam Quan là nơi Dương nguyên soái trấn giữ, nếu họ đem binh đến đây đánh dẹp thì chúng ta cự sao lại.
Ngưu Cang nói:
- Đại ca chớ nên nghe lời ấy. Mấy thuở mà gặp cơ hội tốt như vầy, nếu bỏ qua rất uổng.
 Ngưu Kiện không nghe lời Lý Kế Anh, cứ kiểm điểm lâu la kéo xuống núi đi cướp chinh y. Lý Kế Anh can không được, bất bình than:
- Ta ở với bọn này không đặng, mà nếu bỏ đi nơi khác thì Địch Thanh cũng mang hại, chi bằng ta đến đó tìm Địch Thanh mà báo tin để kịp đề phòng thì hay hơn.
Nghĩ như vậy, Lý Kế Anh xách roi lên ngựa ra đi.
Bấy giờ Trương Trung & Lý Nghĩa thấy trời đã hết tuyết rồi mà Địch Thanh chưa về nên bàn luận với nhau:
- Địch đại ca đi có một mình, không biết đàng xá thề mà mà đến bữa nay chưa về, vậy ta chỉ để một đứa ở lại giữ trại, còn một đứa phải đi tìm đại ca mới được.
Nói vừa dứt thì thấy quân sĩ vào báo:
- Chúng tôi thấy xa xa có một đạo binh kéo đến, không biết là binh của ai.
Lý Nghĩa nói:
- Chúng ta giải chinh y, lẻ nào lại có quân đến cướp làm gì thứ của đó.
Qua một lúc lại có quân vào báo:
- Đạo quân ấy đang xốc tới trại ta.
Lý Nghĩa lật đật bước ra cửa trại xem thử thì thấy có hai vị đại vương dẫn năm ngàn lâu la áp tới.
Trương Trung thấy vậy kinh hãi la lớn:
- Giặc tới! Giặc tới!
 Hai anh em lật đật chạy vào trại nai nịt lên ngựa chống cự, song không kịp nên phải rút kiếm trong lưng chống đỡ.
Đánh được năm bảy hiệp, hai người không chống nổi hai tên tướng cướp nên phải bỏ chạy ra ngoài đồng vắng mà lánh nạn.
Ngưu Kiện và Ngưu Cang rượt theo, còn quân sĩ thấy Trương Trung và Lý Nghĩa bỏ chạy nên cũng vỏ trại chạy tứ tán.
Bọn lâu la vào trại thu đoạt hết chinh y và lương thảo chở về Ma Bàng sơn.
Lúc này Lý Kế Anh đến nơi gặp Trương Trung và Lý Nghĩa kể lại âm mưu của Ngưu Kiện và Ngưu Cang vừa rồi là âm mưu của Tôn Tú mua chuộc để làm hại Địch Thanh.
Lý Nghĩa nghe xong nổi giận nói:
- Té ra mưu này cũng là do Tôn Tú và Tôn Vân cả. Chúng ta không thể bỏ qua được.
Trương Trung nói:
- Bây giờ chúng ta phải đến Ma Bàng sơn mà đòi lại chinh y.
Lý Nghĩa nói:
- Chúng ta phải dồn lực lượng đánh một trận mới tiêu diệt nổi.
Lý Kế Anh nói:
- Việc chúng cướp chinh y thì đâu còn đó, hãy chờ Địch vương thân trở về sẽ toan liệu.
Trương Trung nói:
- Vậy chúng ta phải chia nhau đi tìm đại ca để sớ, lo liệu.
Lý Nghĩa nói:
- Thôi! Hai anh em ở nhà lo tập họp binh sĩ lại cho sẵn sàng để tôi đi tìm đại ca.
Nói rồi quày quả ra đi.
Còn Ngưu Cang và Ngưu Kiện lúc này cướp được va mươi muôn chinh y đem về Ma Bàng sơn thì mở tiệc ăn mừng.
Trong lúc ăn uống, Ngưu Kiện chớt nhớ ra điều gì, vỗ ghế nói:
- Chúng ta không nghe lời khuyên của Lý Kế Anh nên làm bậy rồi. Vả chinh y này là của Dương Tôn Bảo, nếu nó biết được chúng ta đoạt chinh y không khỏi cử đại binh đến, lúc ấy làm sao chúng ta cự lại.
Ngưu Cang sửng sốt hồi lâu rồi nói:
- Hay là chúng ta đem trả lại cho chúng nó?
- Ngưu Kiện nói:
- Bây giờ việc đã lỡ rồi, nếu đem trải lại cũng không khỏi chết, chi bằng đem vàng ngọc của Tôn Tú mướn và ba mươi muôn chinh y đến Đại lang sơn mà dâng cho Táng Thiên vương rồi anh em ta cùng ở đó mà nương tựa. Như ngày sau Táng Thiên vương có thâu được giang sơn nhà Tống thì chúng ta cũng có quyền cao lộc cả.
Ngưu Cang khen phải liền truyền lâu la sắm sửa xe cộ, dọn hết các đồ binh khí và lương thảo cùng ba mươi muôn chinh y kéo qua Đại lang sơn.
Lúc này Dương Tôn Bảo đóng quân tại Tam Quan, thấy trời đã lập đông mà chinh y chưa giải đến, bèn sai Tiêu Đinh Quý đi đón mà hối thúc quân binh giải đến cho mau.
Tiêu Đình Quý tuân lệnh đi đến Ma Bàng sơn thì dừng ngựa lại nghĩ thầm:
- Trên núi này có hai thằng chủ trại vốn có quen với ta đây đã hơn mười năm. Vậy ta ghé lên đó mà ăn uống một bữa cho no nê rồi sẽ đi.
Nghĩ như vậy liền giục ngựa lên núi, té ra sơn trại nay bỏ trống, không còn một tên lâu la. Tiêu Đình Quý vội trở xuống lấy cơm khô ra mà ăn, rồi nằm dựa gốc cây mà ngủ.
Còn Ngưu Kiện và Ngưu Cang đến Đại Lang sơn vào ra mắt Táng Thiên vương dâng vàng ngọc và chinh y. Táng Thiên vương hỏi:
- Vậy chinh y ở đâu mà hai ngươi đem đến đây?
Ngưu Kiện liền thuật hết việc đoạt chinh y của Địch Thanh cho Táng Thiên vương nghe cà xin đầu hàng làm bộ hạ.
Táng Thiên vương mừng rỡ thâu các vật ấy và cho Ngưu Kiện và Ngưu Cang làm bộ hạ.
Nhắc lại Địch Thanh ngủ nhờ nơi chùa BÁO ÂN TỰ một đêm, sáng ra từ giã hòa thượng trở về trại. Hòa thượng nói:
- Bây giờ chinh y đã mất rồi, song ngài đừng buồn rầu, chẳng bao lâu thì chinh y cũng có lại đủ số.
Nói rồi hòa thượng móc một tấm giấy trong túi trao cho Địch Thanh, trong đó cho bài kệ như vầy:
 
Một ngựa một người vượt cõi tây
Chinh y tuy mất rủi mà may
Phải ngừa thích khách nơi đường sá
Sau sẽ thành công hết hiểm nguy.
Địch Thanh xem rồi chắp tay thưa với hòa thượng:
- Tôi đi lần này dữ nhiều lành ít, vậy xin hòa thượng mách bảo cho tôi một đôi điều về việc ngày sau.
Hòa thượng nói:
- Ngài là một người tôi lương đống của nhà Tống, dẫu có gì nguy hiểm rồi cũng qua khỏi, không can chi mà sợ.
Địch Thanh lạy tạ hòa thượng rồi từ giã ra đi.
Lúc này Tiêu Đình Quý ngủ một giấc, khi thức dậy thấy mặt trời đã lên cao thì lật đật lên ngựa trở về Tam Quan. Lúc đang đi lại gặp một người mặt đen từ đầu kia đi lại, và kêu lớn hỏi:
- Thằng mặt đen kia! Ngươi đi đâu đó có gặp Địch khâm sai ở đâu không?
Tiêu Đình Quý nghe nói nói rằng: nạt:
- Ngươi là ai sao dám cả gan gọi ta là thằng mặt đen? Vậy mặt ngươi không đen sao?
Lý Nghĩa đáp:
- Tôi là bộ hạ của Địch khâm sai, họ Lý tên Nghĩa đây.
Tiêu Đình Quý nói:
- À! Té ra ngươi là Lý Nghĩa có danh hiệu là Ly Sơn hổ, tức là cọp ra khỏi núi. Vậy thì đánh với ta vài hiệp chơi, để ta xem thử con cọp này có phải là cọp thật không, hay là loại mèo nằm bếp.
Nói rồi liền vung roi xốc tới đánh với Lý Nghĩa.
Lời bàn:
Giữa hai lớp người văn nhân và võ tướng tâm trạng thường khác nhau. Từ ngàn xưa, xã hội nào cũng gieo bất mãn cho một số người không chịu nổi thời cuộc.
Chế độ xã hội dù tốt đẹp đến đâu cũng không phục vụ trọn vẹn cho mọi tâm tư trong cuộc sống. Chính vì vậy mà có một lớp người bỏ ra ngoài, tức là ra khỏi ràng buộc xã hội.
Nhưng nếu là một văn nhân thì họ vào rừng núi lấy văn thơ làm bạn với gió trăng, sống cuộc đời thanh nhã, không đua chen vào thế sự, gọi là mai danh ẩn tích.
Còn nếu là võ tướng, gặp trường hợp phải rời thế sự thì họ cũng lên chốn núi rừng, nhưng họ lại chiêu tập lâu la, chiếm lãnh một vùng để thỏa mãn chí dọc ngang trong một cõi.
Như vậy, từ xưa những quan niệm lánh đời đều mãi mãi tồn tại nhưng nếu là văn nhân thì hành động theo thú vui khác, mà võ tướng thì hành động theo thú vui khác. Cốt cũng chỉ bộc lộ sư thích thú của mình trong cõi sống mà thôi.

°

°