Dịch giả: Mộng Bình Sơn
hồi thứ bốn mươi
Vương Bỉnh ham của hối lộ hại thân.
Bao Công đi tim bằng cớ diệt nịnh.

Trong khi ăn uống với Vương Bình thì Quách Hòe hỏi
- Bây giờ đại nhân tính tra xét thế nào xin cho tôi biết.
Vương Bình nói:
- Việc này nội trong trào tôi không nể ai hết duy có Bao Công có trí xét đoán tài tình, nếu sơ xuất không thể qua mắt ông ta được. Bây giờ tôi tính chọn một người giống hệt công công đem ra giữa pháp đường mà tra tấn, còn công công thì núp nơi chỗ kín vừa khóc than, vừa kêu oan. Như vậy thì che mắt thiên hạ mới được.
Quách Hòe mừng rỡ nói:
- Nếu đại nhân làm được như vậy thì tôi mang ơn đại nhân rất lớn mà Lưu Thái Hậu cũng mang ơn đại nhân không nhỏ.
Vương Bình nói:
- Cái khó khăn là tìm cho được người giống hình hài công công để thi hành kế ấy.
Quách Hòe nói:
- Tôi thấy trong ngục có một người hình dáng giống hệt như tôi, cũng mập mạp và đi đứng rất khó khăn. Tôi hỏi tên thì được biết người ấy tên Lam, thứ bảy, nên thường gọi  Bảy Lam quê quán vẫn ở Biện kinh, vì có tội sát nhân nên bị án xử tử song chưa đến ngày hành quyết. Nếu được người ấy chịu thế thì việc ắt xong.
Vương Bình mừng rỡ nói:
- Nếu vậy thì rất may mắn cho công công.
 Sáng hôm sau, Vương Bỉnh sai người đòi ngục quan là Châu Lễ đến, và tỏ hết ý muốn của mình cho ngục quan nghe, hứa thưởng nhiều vàng bạc, châu báu nếu xong việc.
 Ngục quan mừng rỡ vội vã về nơi ngục dẫn Lam Thất đến giao cho Vương Bỉnh.
 Vương Bình xem thấy Lam Thất quả nhiên hình hài giống hệt Quách Hòe, bèn tỏ hết ý mình cho Lam Thất nghe và dặn không được tiết lộ cơ mưu, nếu xong việc sẽ gỡ tội cho Lam Thất, lại ban thưởng vàng bạc nữa.
 Lam Thất nghe nói mừng rỡ thưa:
 - Thân tôi như con cá nằm trong chảo, chưa biết chết ngày nào, nếu lão gia tìm cách gỡ tội cho tôi được thì dù đau đớn, khổ cực đến đâu tôi cũng chịu được.
 Vương Bình nói:
 - Nếu ngươi đành như vậy thì rất tốt, thế nào ta cũng ráng mà giải tội cho ngươi.
 Nói rồi truyền lấy y phục mới thay cho Lam Thất, lại khiến đem rượu thịt thết đãi.
 Hôm sau, Vương Bình vào chầu, Thiên Tử hỏi:
- Việc tra khảo Quách Hòe ra thế nào?
 Vương Bình tâu:
- Việc ấy là việc quan trọng cho nên tôi không dám sơ suất xin Bệ hạ cho tôi kỳ thêm ba ngày nữa đặng tôi tra xét cho phân minh rồi sẽ phục chỉ.
 Thiên Tử nói:
 - Trẫm biết khanh là người công bình, chánh trực cho nên mới phú thác việc này. Vậy khanh hãy hết lòng tra xét cho phân minh chẳng nên phụ lòng trẫm.
Vương Bình tâu:
- Vả tôi là người mang ơi Bệ hạ rất trọng, nay có việc này, thì tôi phải hết sức làm cho ra lẽ để báo ơn.
Thiên  tử nghe tâu gật đầu khẽ, rồi truyền bãi chầu, các quan ai về dinh nấy.
  Khi Bao Công ra đến cửa triều thì kêu Vương Bình nói:
- Vả tôi với nhân huynh là nghĩa đồng môn lại tình đồng hương nữa, nên tôi tin cậy ở nhân huynh lắm. Xin nhân huynh phải lấy lòng ngay thẳng mà tra cho công minh. Nếu tra ra án này chẳng những có công với hoàng thượng mà tôi cũng mang ơn nữa.
Vương Bình nói:
- Nhân huynh lại nói chi lời ấy, anh em mình thuở nay đã cùng nhau tương đắc, lẽ nào nhân huynh lại không rõ lòng tôi sao?
Bao Công nói:
- Vả chăng việc này đối với tôi rất quan trọng, nếu nhân huynh để sơ sẩy thì tôi không khỏi phạm tội khi quân.
Vương Bình nói:
- Vả tôi với nhân huynh là người đồng hương, lại đồng liêu nữa, nếu nhân huynh bị tội khi quân thì tôi cũng lo phương kế mà gỡ, lẻ nào lại làm cho nhân huynh bị tội hay sao. Song còn một điều này: Như tôi tra xét không ra thì tôi cũng phải giao lại cho nhân huynh thẩm đoán lấy.
Bao Công nói:
- Ấy là lẽ tư nhiên. Nhưng nếu nhân huynh tra xét không ra thì cũng phải giao gấp lại cho tôi, kẻo để lâu ngày bọn gian thần âm mưu phá rối.
Vương Bình gật đầu đồng ý. Hai người giã từ nhau ra về.
Khi về đến dinh, Vương Bình vào thẳng hậu dinh đêm việc ấy nói cho phu nhân nghe. Phu nhân nói:
- Việc ấy tướng công đã sắp đặt xong rồi, sao không tra phứt đi để mà phục chỉ. Nếu để lâu ngày, tôi e Thái Hậu đem lòng lo sợ, hoặc tiết lộ cơ mưu thì cũng sanh khó dễ không ít.
 Vương Bình nói:
- Phu nhân chớ lo, Ta chẳng dại gì để cho công việc kéo dài, nội trong đêm nay ta tra một đêm rồi rạng ngày chầu vua mà phục chỉ.
Phu nhân nói:
- Thế thì rất tốt? Làm để mà không làm gì hết thì chẳng mất lòng ai, lại có lợi nữa.
Đêm ấy, Vương Bình ra giữa pháp đường, để Quách Hòe núp dưới ghế, rồi đem Lam Thất ra, khiến hai tên quân tâm phúc là Tiền Thành và Lý Xuân tra khảo.
  Lam Thất làm thinh chẳng nói chi hết, còn Quách Hòe núp dưới ghế thì kêu oan:
- Oan cho tôi lắm. Việc này Bao Chuẩn đặt điều mà nói láo chớ không có chuyện đó.
Vương Bình nạt lớn:
- Ngươi đừng có già hàm. Nếu ngươi không chịu khai, thì ta tra tới nước.
  Bèn khiến quân cứ việc tra khảo. Hễ đánh Lam Thất bao nhiêu thì Quách Hòe la khóc bấy nhiêu. Tội nghiệp cho Lam Thất bị tra khảo nặng nề mà không dám rên một tiếng nào. Còn Quách Hòe thì không ai đánh mà khóc la om sòm.
Đêm ấy Bao Công đi tuần với bốn tên quân tâm phúc. Khi gần đến dinh Vương Bình gặp hai người đi đường đang nói chuyện với nhau. Một người nói:
- Đêm nay là đêm quan hình bộ tra khảo Quách Hòe. Việc ấy quan trọng lắm, song không biết hình bộ tra khảo thế nào.
Người kia nói:
- Vì tôi nghe việc ấy nên muốn đến xem, té ra nơi ấy mở cửa mà không cho ai vào hết, lại nghe trong nhà có tiếng la hét om sòm.
Bao Công nghe nói sinh nghi, nghĩ thầm:
- Lạ thay! Vương hình bộ có nói với ta là đến mai sẽ tra khảo Quách Hòe, sao đêm nay lại tra khảo trước, chắc là có điều chi gian dối chớ chẳng không.
Bèn thẳng đến cửa dinh Vương Bình mà hỏi người giữ cửa:
- Đêm nay Vương Hình Bộ tra án Quách Hòe phải không?
Người giữ cửa thưa:
- Phải.
Bao Công hỏi:
- Vậy ta có thể vào xem được không?
Người giữ cửa thưa:
- Nếu lão gia muốn vào thì để tôi thưa với lão gia tôi đã.
Bao Công nói:
- Ta và quan Hình Bộ là chỗ thân thiết, muốn ra thì ra, muốn vào thì vào, không cần phải thông báo.
Nói rồi liền đi thẳng đến pháp đường, xem thấy sự tình như vậy, liền bước đến hỏi Vương Bình:
- Vậy chớ nhân huynh tra khảo người nào đó?
Vương Bình nghe hỏi ngước lên thấy Bao Công thì mất cả hồn vía, lật đật đứng dậy nói:
- Tôi tra khảo Quách Hòe việc ly miêu hoán chúa, thiêu hủy Bích Vân cung đó.
  Bao Công nói:
- Tôi xem người đó đâu phải Quách Hòe, mà tiếng nói thì lại giống Quách Hòe.
Nói rồi liền bưng đèn rọi dưới ghế thì thấy Quách Hòe đang ngồi núp trong ấy, liền kêu Trương Long, Triệu Hổ áp lại nắm đầu Quách Hòe lôi ra, còn Đổng Siêu, Tiết Bá thộp ngực Vương Bình trói lại.
Sau đó, Bao Công dẫn Lam Thất lại gần hỏi:
 - Vậy ngươi tên họ là chi? Sao lại đến đây mà chịu khảo tra thế cho Quách Hòe?
Lam Thất liệu bề không chối được nên phải khai rõ đầu đuôi câu chuyện.
Bao Công nghe xong cười lớn, nói:
 - Vương Bình thiệt là gian trá. Thôi, ta cũng chẳng nói chi cho nhiều, để mai vào triều sẽ tâu Thiên Tử rõ.
Vương Bình năn nỉ với Bao Công:
 - Tôi lầm lỡ một phen xin nhân huynh bỏ qua, từ đây tôi không làm điều gì quấy nữa.
Bao Công không nghe lời năn nỉ, truyền dẫn Vương Bình và Quách Hòe về dinh mình, đợi ngày mai vào tâu với Thiên Tử.
Bọn gia đinh thấy vậy, lật đật chạy vào hậu đường báo tin cho Mã thị hay. Mã thị run rẩy, đinh ninh biết là chồng mình sắp bị tội nặng, nhưng không biết kế chi để giải cứu cứ ngồi khoanh tay mà khóc.
Rạng ngày, Bao Công dẫn Vương Bình và Quách Hòe đến trước sân triều, các quan trông thấy ai nấy đều ngạc nhiên, nhưng không rõ việc chi.
Bao Công quỳ tâu:
- Hồi hôm tôi đi tuần ở các nẻo đường, đi gần đến dinh Vương Bình thì nghe có tiếng khóc than. Người đi qua đường nói là Vương Bình tra án ban đêm mà lại không cho ai vào.Tôi nghe mấy lời ấy thì sanh nghi nên vào xem thì thấy
Vương Bình làm điều tệ hại, đem dạ khi quân nên phải bắt Vương Bình và Quách Hoè về đây tâu lại cho Bệ hạ rõ.
Thiên Tử nghe tâu liền hỏi:
- Vậy chớ Vương Bình làm điều tệ hại thế nào?
Bao Công đem hết các việc thuật lại một hồi.
Thiên Tử nổi giận mắng:
 - Loài súc sanh làm điều gian trá, chẳng kiêng Trẫm chút nào.
Liền khiến võ sĩ dẫn Vương Bình vào tra hỏi.
Lời bàn.
Bao Công và Vương Bình là người đồng hương, đồng trào, tình cảm quyến luyến với nhau rất nặng. Trong lúc Vương Bình dự tính làm sai ý định của Bao Công thì Bao Công đã gặp mà dặn dò, thế mà trước mặt Bao Công Vương Bình lại dùng lời nói đưa đẩy cho qua chuyện, còn việc làm thì không thay đổi.
Như vậy tình cảm với nhau phải bằng tâm hồn, bằng tấm lòng, chớ không phải đưa đẩy bằng lời nói. Kẻ nào giao tiếp với nhau bằng đầu môi chót lưỡi thì tình cảm không chân thật mà chỉ cho qua chuyện. Việc làm ăn với nhau trong cuộc sống cũng vậy, kẻ nào càng đưa đẩy bao nhiêu thì càng không chân thật bấy nhiêu.
Lời nói để làm hài lòng người khác trong một lúc nào đó thì dễ, mà để bảo vệ danh dự mình thì thật là khó.
Những kẻ tinh đời nhận xét qua lời ăn tiếng nói của mỗi người thường hiểu được bản chất của người ấy.