Chương 11


Chương 3

Tiếng ông Lộc gắt vang lên phá tan bầu không khí yên lặng ở bàn cơm:
- Bữa nay em phải trả lời dứt khoát việc đi làm của mình. Công ty không thể chờ lâu hơn nữa.
Mặc bao nhiêu ánh mắt hướng về mình, Kiên thản nhiên nhai nhóp nhép. Ông Trường nhăn mặt:
- Trời đánh tránh bữa ăn. Chuyện đó để lúc khác hãy nói.
Ông Lộc cương quyết:
- Con không chờ được nữa.
Kiên buông đũa xuống:
- Vậy thì em trả lời. Anh cứ thử người khác đi, em không làm việc đó đâu.
Ông Lộc cười nhạt:
- Ba nghe rõ rồi đấy. Sau này đừng trách con không nhận em mình vào làm.
Giọng bà Thư ngọt ngào:
- Chú ấy còn trẻ, cứ để chú ấy chơi cho thoải mái một thời gian, rồi làm việc cũng đâu có muộn.
Ông Lộc cau có:
- Hèm! Nó chơi đã mấy năm chưa đã sao?
Lúc này Kiên mới có phản ứng:
- Ai bảo với anh chị là tôi chơi? Hừ! Dưới mắt của các người, phải ngồi vào một cái ghế ở công ty hay cơ quan nào đó mới là làm việc. Còn trái lại là thất nghiệp là vô công rỗi nghề.
Bà Thư nhỏ nhẹ:
- Vậy lâu nay em đã làm những việc gì? Em không nói gia đình làm sao hiểu.
Kiên nhún vai:
- Có nói rành rẽ gia đình cũng không hiểu. Miễn sao em tự nuôi bản thân, không vòi tiền ba, không làm phiền anh chị là được rồi.
Dứt lời Kiên bỏ lên phòng trên mở tivi coi đá banh. Tiếng người tường thuật hào hứng vang lên làm Lam nôn nao. Nhưng nếu bây giờ buông chén, chạy lên coi tivi thì dì Thư sẽ bực, nên cô ráng nén cơn ghiền bóng đá xuống bằng cách uống cạn một chén canh y như trong phim Hồng Kông cho giải nhiệt.
Dù không muốn nghe, giọng ông Lộc cũng vọng vào tai Lam:
- Đàn ông con trai gì mà không có chí lập thân, tối ngày cứ theo đuôi đàn bà. Con chả hiểu sao ba cứ dung túng cho nó.
Ông Trường bênh vực cậu quý tử:
- Con nói thế chưa hẳn đúng. Kiên có con đường đi riêng khác con. Ba tin tưởng nó.
Ông Lộc cười nhạt:
- Dựa trên cơ sở nào ba tin nó chớ?
Ông Trường nghiêm mặt:
- Vậy dựa trên cơ sở nào con giao chức trưởng phòng kế hoạch cho một đứa nít ranh mới tốt nghiệp đại học như thằng Phi?
Ông Lộc liếc vội cậu quý tử đang đưa mặt ra vì bị ông nội nhắc tới tên, rồi thong thả đáp:
- Vì thằng Phi có năng lực.
Ông Trường gật gù:
- Câu trả lời của ba cũng vậy. Thằng Kiên không những có năng lực mà còn có bản lãnh nữa. Nó không muốn dựa vào cha, vào anh để đi lên đâu.
Bà Thư có vẻ không hài lòng:
- Ba nói vậy chả lẽ có cha làm giám đốc là một cái tội cho thằng Phi?
Ông Trường lắc đầu:
- Ý ba không phải thế, mà chỉ muốn nhắc chồng bây nghĩ cho kỹ khi đánh giá em trai mình.
Nói dứt lời ông dằn cái chén còn lưng cơm xuống bàn rồi giận dữ bước lên nhà trên.
Ông Lộc hất hàm nhìn Trâm Anh:
- Rót trà cho ổng đi.
Nãy giờ vẫn ngồi im im, Trâm Anh vội lên tiếng:
- Lại là con. Nội có ưa gì con đâu mà cứ trà với lá.
Lam mau mắn đứng dậy:
- Để cho con.
Rồi không cần biết bà Thư đồng ý không, cô đến bàn rót trà vào tách và bưng lên nhà trên nơi tivi đang tường thuật lại trận M.United thua đau trên thánh địa Old Traphphord của mình.
Để tách trà xuống bàn salon, Lam mỉm cười:
- Mời ông uống trà.
Ông Trường cau mày ái ngại:
- Chà! Mất công cháu quá! Trâm Anh đâu? Mai mốt cháu đừng làm việc này nữa.
Xoa hai tay vào nhau, mắt không rời tivi, Lam vui vẻ nói:
- Ở ngoài nhà, cháu vẫn pha trà, pha cà phê cho nội cháu mỗi ngày mà. Vào đây không được làm, cháu thấy buồn vì hết uống ké cà phê của nội.
Ông Trường mỉm cười:
- Nội cháu ghiền cà phê à!
- Dạ! Thế ông bác không thích cà phê sao?
- Có chứ! Nhưng ông lười pha lắm!
- Bắt đầu ngày mai trước khi đi học, cháu sẽ pha cà phê cho ông.
Đang ngồi khoanh tay xem đá banh, Kiên bỗng chen vào.
- Coi chừng bà dì của em trách ba tôi đó.
Lam đáp lại ngay:
- Chú làm như dì Thư nhỏ mọn lắm không bằng.
Kiên thản nhiên:
- Đánh tiếng trước vẫn tốt hơn mà.
Dứt lời Kiên châm thuốc hút, mắt vẫn dán chặt trên tivi. Lam cũng tự nhiên ngồi xuống theo dõi trận bóng đang hồi gay cấn. Tiếc rằng đã tới phút chót, nên cô xem chẳng được lâu đành tiếc nuối đứng dậy.
Thay vì trở về phòng, Lam bước ra vườn. Cô muốn thăm đám hoa mà cô chăm sóc lâu nay. Dạo này trời mưa nhiều nên những cây hoa như sung sức hẳn lên. Cạnh dàn tường vi trĩu nụ, cây trâm ổi đơm dầy đặc hoa trông thật sặc sỡ làm bồn bông đẹp hẳn lên. Lam chợt thấy vui, cô nhìn vạt đồng thảo tím nhạt, rồi thích thú hái một bó. Lam sẽ có một lọ hoa đồng thảo và dã quỳ trên bàn học. Nhìn chúng cô sẽ bớt lẻ loi hơn.
Bước về cuối vườn, Lam nhón chân hái những hoa hướng dương rừng vút trên cao. Mùa mưa hướng dương ít hoa, cô tìm mãi mới được vài cái. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Lam ngắm nghía chúng trong tay với vẻ hài lòng. Ngay lúc ấy cô thấy Kiên ngồi trên lan can. Vẫn với điếu thuốc trên tay, anh duỗi chân, dựa cột, phì phà khói và mắt mơ màng như đang chìm vào cõi riêng.
Sau lần đầu gặp Kiên cũng ở ngoài vườn này, Lam chưa bao giờ trò chuyện với anh vì Kiên rất ít ở nhà. Nếu có, anh cũng nằm lì trong phòng riêng và mở nhạc suốt. Dù chưa khi nào ghé mắt nhìn vào giang sơn của Kiên, Lam cũng mơ hồ đoán được trong đó có gì, qua cái mép luôn bảo mình không nhiều chuyện của Mai.
Theo chị ấy, ông Trường rất cưng Kiên nên không tiếc tiền mua cho anh đủ mọi thứ. Tivi đầu máy, dàn compac, máy vi tính hiện đại nhất để có thể nối mạng đi khắp nơi. Nhưng những thứ ấy hình như không trói được cái chân đi của cậu lãng tử.
Ở nhà vài ba hôm, Kiên lại biến tới vài ba tuần mới về, Lam đôi lúc quên rằng trong nhà này còn có ông chú Kiên ấy.
Phớt lờ như không thấy ai, Lam vờ săm soi bó hoa trong tay và đi phớt ngang chỗ Kiên ngồi với điệu bộ hết sức lý lắc. Tưởng Kiên không thèm để ý tới mình, ai ngờ cô nghe anh gọi:
- Nè cô bé.
Lam quay lại cười thật tươi:
- Chú Kiên gọi cháu à?
Không trả lời cô, Kiên nghiêng đầu gật gù:
- Chờ ở đây một chút nhé
 Nói xong Kiên nhảy khỏi lan can đi như chạy vào nhà.
Lam ngồi xuống bật thềm đá, nơi có những bông cỏ li ti vươn cao đang lắt lay theo gió với một dấu hỏi to tướng trong đầu. Chả biết chú ấy bảo mình chờ làm chi đâu nữa. Nhưng vốn là con nhỏ tò mò, Lam đâu dễ bỏ qua dịp, tiếp cận người cô đang muốn tìm hiểu.
Lam không phải thắc mắc lâu vì Kiên đã trở ra với một cái máy ảnh.
Giọng anh hồ hởi:
- Lần đầu thấy Lam, tôi đã nghĩ tới việc chụp hình. Nhưng mãi tới hôm nay mới có dịp đề nghị. Cô bé sẽ là người mẫu cho tôi, chịu không?
Lam tròn mắt chỉ vào mình:
- Người mẫu hả? Hổng dám đâu!
Kiên bật cười:
- Sao lại không dám? Chỉ làm mẫu để chụp hình thôi mà!
- Nhưng... nhưng cháu xấu hoắc hà.
Kiên tủm tỉm:
- Xấu hay đẹp nên để người khác nhận xét.
Chỉ vào máy ảnh, Kiên nháy mắt:
- Mà người nhận xét khách quan nhất là nói đó. Lam để chú chụp thử vài pô xem. Biết đâu sau này em sẽ trở thành người mẫu thật.
Lam ngờ vực nhìn máy ảnh trên tay Kiên. Là con gái đứa nào không khoái chụp hình. Năm rồi, Lam đã nhịn ăn mấy tháng trời để có tiền vào các Studio chụp hình chân dung. Mấy ông thợ vẫn khen cô ăn ảnh, nên lần nào Lam đến chụp họ cũng kỷ niệm thêm cho cô một pô để làm mẫu trưng bày ở tiệm mình. Điều này khiến Lam hỉnh mũi với bạn bè, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ mình là người mẫu hết. Bây giờ nghe Kiên gợi ý, Lam bỗng dè dặt khi nhớ tới những lời mẹ đã dặn hơn là phấn khởi với ảo tượng người mẫu.
Vừa lúc đó, Lam nghe tiếng lách cách rất nhỏ của máy ảnh. Cô ngước lên nhìn và thấy Kiên đang chĩa máy về phía mình. Có lẽ anh đã bấm ít nhất ba pô.
Với điếu thuốc xề xệ dính trên môi, Kiên vừa bập bập vừa nói:
- Xin lỗi! Chưa được em đồng ý mà tôi đã chụp. Nhưng vừa rồi trông em rất xuất thần không chụp uổng lắm!
Lam chớp mắt. Cô hoàn toàn bị cái từ “Xuất thần” của Kiên chinh phục. Ngập ngừng mãi, Lam mới hạ giọng:
- Chỉ sợ hình chụp ra làm chú thất vọng.
Rít một hơi thuốc nữa, Kiên đẩy đưa:
- Nói vậy là Lam không tin tưởng vào tay nghề của chú Kiên này rồi. Là bà con trong nhà cả, chả lẽ tôi nói dối em sao.
Lam yết ớt:
- Mặc quần áo này được à?
Kiên cười toe:
- Được quá nữa là khác. Màu áo đỏ rất tươi rồi thiên hạ sẽ nổ đom đóm mắt khi nhìn thấy ảnh của em. Nào ra đây bé con.
Lam ngượng ngùng đứng dậy. Kiên ra lệnh:
- Em tới bụi hướng dương rồi đi ngược về phía tôi với điệu bộ như lúc nãy em đã đi. Bí quyết để có được ảnh đẹp là tự nhiên. Cứ vừa đi vừa nâng niu những bông hoa trong tay. Nào ta bắt đầu nhé!
Lam làm theo yêu cầu của Kiên. Cô vẫn đi như cũ, nhưng lần này Lam có cảm giác bước chân mình nhẹ tênh như bay. Chắc tại hồn cô đang hưng phấn ấy mà!
Bỗng dưng Lam cười. Cô nhẹ nhàng từ tốn tung đóa hoa lên rồi ngồi xuống nhặt từng cành rơi tung tóe trên mặt đất.
Cô nghe Kiên bảo:
- Ngước lên từ từ và nhìn vào ống kính.
Khi Lam nhặt hết những đóa hoa trên sân thì Kiên đã đến bên cô, giọng hài lòng:
- Khá lắm! Cái ngẫu hứng tung hoa của em sẽ cho những ảnh lạ. Tôi hy vọng là như vậy.
Lam xót xa:
- Chỉ tội nghiệp mấy bông dã quỳ. Nó dập hết rồi.
Kiên an ủi:
- Nhưng bù lại nó sẽ sống mãi trong những tấm ảnh. Còn những bông ở trên cây rồi sẽ héo tàn và không ai biết đến nó.
Anh đưa tay gỡ một cánh đồng thảo vương trên tóc Lam và nghe giọng bà Thư gầm lên the thé:
- Lam! Con làm gì ở đó vậy?
Lam giật bắn cả người vì hết hồn. Nhìn gương mặt đỏ ửng của dì Thư, cô có cảm giác mình vừa làm điều gì đó hết sức tội lỗi. Cô ấp úng giơ cao bó đồng thảo lên:
- Con... con hái bông.
Liếc Kiên một cái bằng đôi mắt rất hình sự, bà Thư cau có:
- Hừ! Bông với hoa gì lúc giữa trưa như vầy? Nói ngay, hai chú cháu làm trò khỉ gì thế?
Bà chưa dứt lời, Kiên đã giơ máy lên bấm liên tục mấy pô rồi cười hì hì:
- Thấy Lam có nét, em chụp con bé vài kiểu chơi cho vui mà. Sẵn đây em chụp cho chị thêm vài pô nữa nghe.
Đưa tay lên che mặt, bà Thư gắt:
- Thôi! Thôi! Tôi không đùa đâu.
Quay sang phía Lam đứng xớ rớ, bà nói như hét:
- Về phòng chưa đồ nhãi ranh nhí nhảnh?
Mặt Lam đỏ ửng lên rồi chuyển sang tái mét, cô ấm ức chạy vù về phòng riêng của mình và đóng sầm cửa lại với cảm giác hụt hẫng. Lam không ngờ dì Thư lại tỏ thái độ quá khích đến thế trước chuyện rất bình thường. Dì ấy không xem cô ra gì hết. Mà cô có làm chi sai đâu?
Nằm úp mặt vào gối, Lam nghe mũi cay cay, cô khóc vì tức hơn vì sợ. Dù mẹ đã bảo dì Thư sẽ thay mẹ quản lý Lam về mọi mặt, nhưng Lam không phải là con gái dì, cũng chả phải là cháu của chú Kiên. Dì Thư quát mắng cô trước mặt Kiên như thế đúng là quá đáng. Đã vậy dì ấy còn bảo Lam làm: “Đồ nhãi ranh nhí nhảnh” mới ê mặt chứ!
Nằm sụt sùi, trăn trở một hồi, Lam nhìn đồng hồ rồi nhổm dậy. Chiều nay cô được nghỉ học, nhưng tội vạ gì phải giam mình trong căn phòng luôn u ám này, khi ngoài phố có muôn ngàn điều cô muốn khám phá. Mím môi thay quần áo, cô đeo ba lô, đội nón kết mỏ vịt vào rồi bước xuống nhà bằng những bước chân hăm hở, mạnh dạn.
Tới phòng khách, cô đụng phải bà Thư đang chuẩn bị đi làm. Vừa đeo găng tay vào, bà vừa soi mói:
- Ủa! Đi đâu vậy?
Lam thản nhiên:
- Con đi học.
Bà Thư nhíu mày:
- Mấy tuần trước, con nghỉ vào chiều thứ ba và thứ bảy mà?
Giọng Lam nghiêm nghị:
- Nhưng kể từ tuần này, con hết được nghỉ rồi.
Bà Thư có vẻ nghi ngờ:
- Sao hổm rày dì không nghe con nói?
Lam xốc cái ba lô sau lưng:
- Chuyện không quan trọng, con sợ phiền dì.
Bà Thư làm thinh, Lam mỉm cười:
- Thưa dì con đi học.
- Khoan đã!
Lam hơi khựng lại khi nghĩ chắc bể mánh rồi. Cô đang rầu rĩ kéo kéo cái nón thì bà Thư đã nói:
- Dì không thích con thân mật với chú Kiên. Con vào đây để học chớ không phải để đua đòi. Ở thành phố này khối đứa hư hỏng vì mê chụp hình, mê làm người mẫu đấy.
Lam thấy tự ái, cô hơi xẵng giọng:
- Con không mê chụp hình, cũng không thích làm người mẫu. Lúc nãy vì xã giao con phải chụp vài ba tấm, dù sao chú Kiên cũng là chú của anh Phi và chị Trâm Anh. Con muốn giữ mối quan hệ tốt với chú Kiên, cũng như với ông bác Trường.
Mặt bà Thư sầm xuống:
- Điều này không quan trọng. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, đừng làm dì phải bận tâm lo lắng là tốt rồi. Trong nhà này ngoài dì dượng, anh chị ra, không ai thật lòng tốt với con đâu.
Định buột miệng hỏi: “Kể cả ông bác sao? “ Nhưng Lam đã ngưng được. Cô gật đầu cho qua chuyện.
- Vâng! Con hiểu.
Dứt lời ra sân dắt chiếc xe đạp đi. Buổi trưa nắng chang chang, Lam chẳng biết sẽ đạp xe tới đâu, nhưng với cô lúc này thoát khỏi nhà là đã hạnh phúc lắm rồi.
Chạy vòng vòng dưới cái nắng trưa Sài Gòn, Lam bắt đầu thấy oải. Cô tấp xe vào lề lục trong ba lô tìm địa chỉ của Ngọc Hương, con nhỏ nói nhà nó ở gần trường, nhưng Lam chả nhớ số mấy, đường gì.
Lẩm nhẩm số nhà, tên đường, Lam bắt đầu cuộc truy tìm.
“Đường đi ở trong miệng mình.” Mẹ đã dặn thế để phòng khi Lam lạc đường. Bữa nay Lam không lạc, nhưng nếu mở miệng hỏi đường thì chua lắm! Cô đâu muốn lòi đuôi dân quê ra tỉnh, nên dù phải đi loanh quanh, Lam cũng cố tận dụng đầu óc sinh viên của mình để tìm cho được nhà Ngọc Hương.
Cuối cùng cô cũng thành công, Lam hí hửng bấm chuông căn nhà có rào cao bao quanh, và nôn nóng chờ nhỏ Hương ló đầu ra cười. Nhưng cô chờ hơn một phút cũng chả thấy động tịch gì. Lam mím môi bấm một hồi chuông nữa.
Lần này tín hiệu đã được đáp trả. Cánh cửa chưa mở hết, Lam đã lên giọng chị:
- Ê! Sao lâu dữ vậy nhóc?
Để rồi hết hồn khi thấy một cặp kính cận khác dầy xuất hiện.
Lão cận sửa lại mục kỉnh rồi nhìn Lam từ đầu tới đuôi. Lúc cô còn quê độ chưa từng có, thì lão đã ồm ồm hỏi:
- Vừa nói quái gì vậy hả?
Lam thầm rủa tật bộp chộp của mình, cô khổ sở phân bua:
- Dạ, cho em hỏi thăm Ngọc Hương, sinh viên đại học Kinh Tế...
Lão cận nhếch mép cười ví cái chức vụ sinh viên Lam vừa lỡ buột miệng khoe.
- Hương người Nha Trang phải không?
Lam gật đầu:
- Dạ phải!
Mở rộng cánh cổng sắt ra, lão cận dịu dàng hơn một chút:
- Mời vào!
Nhìn khoảng sân rộng im ắng, Lam ớn ớn, cô lắc đầu thật nhanh:
- Dạ được rồi! Nhờ anh gọi Hương giùm em.
Lão cận nhún vai buông một câu chỉ một tiếng:
- Tùy!
Rồi bước vào trong với thái độ kẻ cả. Lão ta là ai vậy kìa? Sao nhỏ Hương nói chỉ có nó ở với ông bà ngoại thôi? Hừm! Con nhỏ này làm cô lỡ bộ, tội nó đáng xử trảm lắm!
Hương bước ra với nụ cười toe toét:
- Ủa! Sao không vào nhà?
Lam ngọt nhạt:
- Tao sợ ông 4 mắt đó quá, nên đâu dám vô... biệt thự của mày.
Hương tròn mắt:
- Xời! Ổng hiền khô hà, sợ quái gì!
Lam bĩu môi:
- Không dám hiền đâu! Nhưng ai vậy?
Hương nói:
- À! Anh Long, con dì Hai tao. Mấy bữa nay dì đi ra Hà Nội chơi, nên gởi ảnh qua đây ké cơm nước.
Lam dựng xe đạp, giọng chì chiết:
- Anh hèn chi oai ghê!
Hương gật đầu tán đồng:
- Ờ! Anh Long oai thật đó. Dầu gì cũng là sư huynh của mình mà!
Lam tò mò:
- Ổng cũng là dân Kinh tế à?
- Đúng vậy! Hôm qua ổng mới chuyển giao công nghệ cho tao bài vở, tài liệu ổng đã học. Từ giờ trở đi vào giảng đường có thể nghe lơ mơ lời thầy mà không sợ mất bài, vì trong vở anh Long ghi chép đầy đủ lắm!
- Vậy thì mày ngon rồi!
Hương lại cười toe:
- Mầy là bạn tao nên cũng ngon lây. Ờ! Sao bữa nay mày được xổng chuồng vậy?
Lam không thấy tự ái trước cái từ khá phô Hương dành hỏi mình. Cô thản nhiên đáp:
- Tao nói dối là bây giờ ngày nào cũng phải học hai buổi, nên mới ra khỏi nhà được.
Hương kêu lên:
- Mày mà cũng dám nói láo, thật là động trời!
Lam ray rứt:
- Tao đâu muốn vậy. Nhưng để được xổng chuồng như mày nói, láo một tý cũng chả sao. Tao không ngờ dì Thư khó quá. Dì muốn kiểm soát từ hành động đến suy nghĩ của con cái. Tao là cháu chớ nào phải con, mà dì ấy muốn tao phải răm rắp làm theo ý mình. Tao hoàn toàn thất vọng vì dì Thư khác xa mẹ. Khổ nỗi chị em xa cách lâu ngày, mẹ tao đâu biết dì Thư đã thay đổi. Bà vẫn nghĩ đơn giản là chị mình có hơi khó tính một tý. Thật ra dì Thư rất cố chấp và độc đoán.
Thở dài ngao ngán, Lam nói tiếp:
- Tao sợ ngày nào đó tao sẽ giống ông anh bà chị họ, chỉ biết riu ríu nghe lời mà không làm chủ được bản thân, được cuộc đời của mình.
Hương ái ngại:
- Làm gì bi quan dữ vậy. Không thích ở đó thì tới đây ở với tao, nhà này rộng thênh thang.
Lam le lưỡi:
- Bỏ đó tới đây chắc cả ba mẹ tao cũng dì Thư mắng. Mà ông bà thì vô tội mày ạ!
Hương nhún vai:
- Vậy coi như huề.
Lam chép miệng:
- Thua chớ hề gì. Nhưng thây kệ! Sinh viên mà! Ráng chịu khổ vì tương lai rực rỡ vậy!
Hương cười khúc khích:
- Nói nghe cảm động thật. Vào nhà tao bồi dưỡng cho chai sữa đậu nành.
Hai đứa nằm lăn ra nệm. Hương lên tiếng:
- Mày thấy chỗ này thế nào?
Lam khen:
- Bá chấy thật!
Hương hỉnh mũi khoe:
- Ở đây tao là nhân vật số một, muốn gì được nấy, ngay cả anh Long còn phải nể nang mà.
Lam im lặng khi nghĩ tới mình. So với Hương, cô thua xa về mọi mặt. Gia đình nó giàu có, dòng họ toàn những người tiếng tăm. Vào Sài Gòn con bé sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là đương nhiên, Lam không hề ganh tị với những vật chất nhỏ Hương có được, cô chỉ thấy tủi vì tinh thần mình bị o ép, tù túng. Thật không ngờ dì Thư là người Sài Gòn nhưng còn cổ lỗ hơn dân tỉnh lẻ như mẹ. Cô mong muốn mình được sống thoải mái như nhỏ Hương, thích làm gì thì làm, đi đâu thì đi, bạn bè giao thiệp rộng rãi, chớ không phải khổ như Lam mỗi lần nghe điện thoại cũng bị dì Thư dò hỏi: “Ai? đứa nào? Bạn trai hay gái? Tên gì? Nhà ở đâu?”
Hương rủ rê:
- Ê! Lâu lâu xổng chuồng một lần, đi chơi chớ tội gì nằm nhà nhỏ?
Lam do dự:
- Nhưng đi đâu đây khi đường xá mình mù tịt.
Hương nháy mắt:
- Có anh Long hướng dẫn, đi đâu không được. Hê! Vào siêu thị cho biết. Mẹ tao mới gởi tiền, mình đi sắm sửa cho đã tay.
Lam nhăn mặt:
- Tao tha đồ về khác nào khoe với dì Thư là không có học.
Hương vỗ vào trán:
- Ờ há! Vậy mày đừng mua mà chỉ nhìn thôi.
Rồi chẳng đợi Lam ừ hử gì, Hương nhổm dậy:
- Để tao thay quần áo đã.
Lam đảo mắt nhìn căn phòng của Hương. Đúng là xinh xắn, gọn gàng và thơm nức mùi dầu xịt phòng, chả bù với căn phòng của cô. Nhưng thôi, so sánh làm gì. Đời vẫn có câu. “Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình “. An phận cũng là cách giúp người ta bớt sân si đấy Thanh Lam ạ!
Cô bước tới bàn và choáng ngợp với một chồng băng nhạc. Nhỏ Hương này giỏi thật, mới vào Sài Gòn chưa bao lâu mà đã có khối băng hay như vầy.
Cô hỏi ngay:
- Băng nhạc ở đâu mà chiến đấu vậy?
Hương vừa săm soi trước gương mặt vừa trả lời:
- Của anh Long. Dạo này ảnh chơi đĩa không hà, nên đã tống hết những thứ này cho tao. Mày thích thì đem về nghe đi.
Lam chọn ra một số băng ưng ý rồi nói:
- Lão 4 mắt này cũng biết nghe nhạc lắm!
Hương gật đầu:
- Nói chung mặt nào ổng cũng trội hết. Thôi! Ta đi nhé!
Lam bật cười vì câu nói như trong quảng cáo Strepsils của Hương. Con bé bước ra khỏi phòng mồm réo ầm ĩ:
- Anh Long! Anh Long ơi!
Đang cầm quyển sách ngồi trên salon, Long lật đật đứng dậy:
- Có chuyện gì thế?
Hương nhõng nhẽo hết biết:
- Dắt em đi siêu thị.
Long sửa lại giọng kính:
- Ngay bây giờ hả?
- Đúng vậy. Vì em chỉ rảnh chiều nay thôi.
- Nhưng anh lại không rảnh.
Hương cong môi lên:
- Vậy em đi một mình, lỡ lạc đường hay có chuyện gì xảy ra, anh ráng chịu tội với ngoại.
Long ném về phía Lam cái nhìn khó chịu rồi lầu bầu:
- Chắc không tự nhiên em đòi đi siêu thị đâu.
Hương đỏng đảnh nói:
- Tại em muốn đưa nhỏ Lam đi chơi cho biết. Anh không galăng thì thôi!
Vừa kéo tay Lam ra sân, Hương vừa giậm chân như con nít:
- Làm người ta mất mặt với bạn bè. Anh gì thấy ghét.
Long nhăn nhó:
- Đi thì đi! Khổ quá!
Hương reo lên:
- Vậy mới đúng là đại ca chứ!
Rồi con nhỏ vui vẻ phán:
- Xe đạp cứ bỏ ở đây, tao sẽ chở mày, còn anh Long sẽ là hướng dẫn viên. Nếu lỡ cảnh sát giao thông có thổi, ảnh sẽ đóng tiền phạt.
Lam bỗng thấy ngại, cô rỉ tai Hương:
- Coi bộ anh mầy đang hầm tao.
Hương phớt tỉnh:
- Điều đó đâu quan trọng, miễn sao mình đạt mục đích là được rồi.
Ngồi sau lưng Hương, Lam thấy lo nhiều hơn thích. Cô vừa lo nhỏ Hương chạy xe bị công an thổi, lại vừa lo bị dì Thư trông thấy.
Dẫu biết Sài Gòn dân số bốn, năm triệu người nhưng biết đâu chừng. Bất chợt Lam kéo vành nón kết thấp xuống che khuất nửa mặt. Nón kiểu “Ace oph Base” này vậy mà tiện cho những người cần giấu mặt như Lam.
Xe ngưng ở Coop Mark, Long quay sang nhìn Hương và Lam, giọng thật ngọt:
- Anh không vào đâu, cứ dựng xe đây, anh trông cho. Nhưng đừng lâu quá đó!
Đẩy cửa kính bước vào trong siêu thị, Lam cười cười:
- Dường như ông cận này có cơn thì phải.
Hương nháy mắt:
- Ê! Ổng còn sôlô, mầy nghĩ sao?
Lam hét lên:
- Oh! N..o... N..o...
Hương cười ngặt nghẽo:
- Hơi mày dài hơn cả thằng cha trong quảng cáo. Nhưng chưa tìm hiểu kỹ ổng mà! Đâu cần phải “No” sớm vậy!
Quay lưng lại nhưng vẫn đi thụt lùi như các cầu thủ bóng đá, Lam chấp tay:
- Cho tao xin hai chữ bình yên đi mày.
- Được thôi! Tao không ép.
Hai người lơ ngơ dán mắt vào những gian hàng đèn sáng trưng nằm san sát nhau. Ở đây đúng là sang trọng, đẹp mắt và có lẽ giá cả cũng đặc biệt.
Lam chép miệng:
- Mua hàng trong siêu thị thì ngon thật, nhưng tao sợ bị chém quá!
Hương có vẻ tự phụ:
- Sợ thì nhìn tao mua mày đừng ầm ĩ nữa, lòi đuôi nhà quê ra bây giờ.
Hương kéo Lam vào một gian hàng bán quần áo. Nhìn những dãy quần áo treo dài dài kèm theo bảng giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Lam lè lưỡi khi nghĩ tới tiền lương giáo viên của mẹ.
Trái lại Hương có vẻ thích thú với rừng quần áo model dăng từ trên cao xuống dưới đất như thiên la địa võng.
Đang len lỏi giữa những giá treo quần Jean, Lam bỗng nghe giọng một phụ nữ nhão nhoẹt:
- A! Em mua cái Jupe này.
Rồi giọng một người đàn ông phụ họa:
- Em mua hết tiệm cũng được mà!
Cái giọng lạnh lạnh đều đều rất quen của ông ta làm Lam chú ý. Cô nhìn sang phía đối diện và thấy ông dượng Lộc. Đúng là dượng Lộc rồi. Ông ta đang đứng sát một cô gái trạc tuổi chị Trâm Anh với điệu bộ hết sức tình tứ.
Tự nhiên Lam quay ngoắt đi, cả người lạnh ngắt như trúng gió, mồ hôi rịn ra ướt trán dù gian hàng có máy điều hòa mát rượi.
Trời ơi! Dượng Lộc là người rất mẫu mực nghiêm khắc. Có lẽ nào...
Trái tim Lam thắt lại vì thương dì Thư. Cô len lén nhìn nữa và cố hy vọng lúc nãy mình đã lầm. Nhưng cô không lầm chút nào khi nhỏ bồ nhí của ông dượng ỏn ẻn:
- Lộc ơi! Em mua cái Jupe Jean này, cái váy đỏ kia và cái sắc tay bằng da cá sấu nha!
Giọng ông Lộc ngọt như kẹo mạch nha:
- Anh đã bảo cưng mua gì cũng được mà!
Hương bĩu môi:
- Trông bẩn mắt thiệt! Ê! Mình qua bên đó phá họ chơi.
Lam lắc đầu:
- Thôi thôi! Đây không phải Nha Trang đâu mà quậy.
Thấy Hương xăm xăm đi về phía ông Lộc, Lam hoảng hồn, cô vội thụt lùi lại và tót ra cửa bên phải, bỏ mặc Hương làm gì thì làm.
Người vẫn còn lâng lâng như vừa trên tàu hỏa bước xuống, Lam thẩn thờ rảo sang gian hàng nữ trang cao cấp kế bên. Ở đây tất cả mọi thứ đều hào nhoáng, kể cả những người đang say sưa mua sắm. Nhưng phía sau cái hào nhoáng ấy là gì?
Lam chợt nhớ đến gương mặt nghiêm nghị, đạo đức của ông Lộc khi cao giọng phê phán chú Kiên. Ông từng bảo chú ấy không có chí lập thân, tối ngày cứ theo đuổi đàn bà. Còn bản thân ông thì sao? Thật là giả dối, đáng khinh đến mức xấu hổ. Chỉ tội dì Thư, người luôn đề cao, tin tưởng chồng mình.
Tính ngang ngược, bướng bỉnh bỗng trỗi dậy trong Lam, cô trở lại gian hàng bán quần áo để đối mặt với ông Lộc. Người phải lo sợ, phải xấu hổ là ông ấy chớ đâu phải là cô. Hừ! Cứ ngây thơ cụ bước tới thưa dượng, thử xem thái độ ông ra sao.
Chân Lam chợt chùng lại. Mẹ từng dặn lớn rồi, trước khi làm việc gì phải suy nghĩ chín chắn. Làm bỉ mặt dượng Lộc thì quá dễ nhưng sao đó? Liệu trong nhà còn được yên không? Dì Thư sẽ chịu nổi cú sốc này không, khi dì ấy bị yếu tim?
Lam xìu xuống như bóng xì hơi. Cô chả còn hứng thú dán mắt vào những cái vòng cẩm thạch xanh biếc, những cái nhẫn, cái lắc đủ kiểu bày đầy trong tủ kiếng. Lòng cô bỗng nặng nề, khổ sở, vì một trách nhiệm vô hình. Nếu đừng so sánh với dì Thư, mà so với chị Trâm Anh, cô gái đó vẫn trẻ đẹp hơn nhiều. Dáng vóc y như người mẫu, bảo sao dượng Lộc không mê chứ! Lam phải làm sao cho dì Thư biết mà giữ vững hạnh phúc gia đình đây? Có lẽ phải điện thoại hỏi ý kiến mẹ trước quá.
Hương bước tới, giọng cằn nhằn:
- Sao tự nhiên bò ra đây?
- Không mua, ở trỏng làm gì cho bẩn mắt.
Hương lên giọng:
- Cuộc đời mà! Hơi đâu bất bình chứ! Cái lão già ấy đúng là tham lam, lúc mày bỏ đi ra, lão nhìn theo đến mức muốn tét mí mắt. Con bồ nhí không níu lại chắc lão đã chạy theo mày rồi.
Lam sững sờ:
- Th... ật hả?
- Tao láo làm gì.
- Thôi chết rồi! Mình về ngay đi!
Hương cười chế riễu:
- Sao lại cuống lên vậy? Cứ ở đây xem lão làm gì được mày.
Lam lắc đầu:
- Mày không hiểu đâu. Mình biến ngay thôi.
Vừa nói Lam vừa lôi Hương ra cổng. Cô thoáng thấy bóng ông Lộc và cô bồ nhí ở phía sau. Ông ta không phải là bậc chánh nhân quân tử kiểu như trong các phim võ hiệp hay đề cao. Từ giờ trở đi chắc chắn Lam khó sống yên ổn dưới mái nhà của ông ta rồi.