Chương Hai Mươi Bốn

Vẫy tay chào con bé Lisa trên chiếc xe gắn máy của cậu Bình, bà Kim Cúc dõi mắt trông theo hai chiếc xe của ông Thanh và cậu Bình khuất dần nơi đầu hẻm đưa ra đường lớn Lê Văn Sỹ. Bức tường của căn lầu hướng mặt về phía con đường lớn, những căn nhà nối liền nhau trước nhà và ngã tư của con hẻm ngay trước góc nhà bà Bạch Mai đã gợi lên cho bà biết bao kỷ niệm ngày xưa. Cũng trong những buổi chiều năm nào, tại cái góc quen thuộc của lan can này bà thường đứng ngắm những tia nắng nhạt dần từ ngã tư của con hẻm đến những cánh cổng sắt của các căn nhà kề cận nhau ở các con đường trong xóm, lên  tới các giàn  dây leo đầy các loại hoa đủ màu, tận đến các vòm cây rồi từ từ biến mất trên các nóc nhà lầu. Trong những buổi chiều nhạt nắng như thế bà thường mơ mộng nhiều điều xa xôi khó hiểu nhưng rõ ràng nhất là sự an ổn của đất nước để gia đình bà có được sự hiện diện của ông Đức, người cha đáng kính của bà.
“Giờ ta còn đứng đây, giữa trời hắt hiu. Trời không một chút mây đã khô cằn như trái tim. Sao ta còn đứng mãi như người tình mong đợi ai. Sao ta còn đứng mãi để nghe tâm hồn tê tái...”
Tiếng nhạc êm dịu vang lên từ chiếc cát sét trong căn gác đàng sau lưng cho bà hiểu người chị ruột của mình đã cố tình gợi thêm cho bà  những  kỷ niệm cũ bằng những bài hát mà bà thường nghe trước năm 1975. Không những chỉ là thế, những lẵng hoa mười giờ đủ màu treo lủng lẳng quanh trước hiên gác, chậu hoa cúc vàng cạnh chậu rau quế là những vật kỷ niệm có lẽ được tạo dựng lại trước ngày bà về nước nhằm gợi cho bà những gì bà đã mất sau hai mươi lăm năm.
Bâng khuâng sờ các lẵng hoa bằng vỏ trái dừa treo ngang đầu, nhè nhẹ mơn man những búp cúc vàng dưới chân rồi nồng nàn ngửi mùi lá quế, bà Kim Cúc lâng lâng với tâm trạng trở về thời gian yêu dấu xưa. Bà nhớ ngày đi chơi Bình Dương năm nào đã nằng nặc xin người em trai họ những chiếc vỏ dừa do anh ta chạm khắc để trồng các loại hoa mười giờ trang điểm quanh trước hiên gác. Bà nhớ buổi tối dạo chợ tết Nguyên Đán đã vòi bà Bạch Mai mua cho bằng được hai chậu hoa cúc màu vàng tươi mát. Bà nhớ những buổi chiều đã chăm chút chậu rau quế đầy um những ngọn lá xanh tốt cho món bánh cuốn mà mẹ, chị và bà thường làm trong những ngày chủ nhật. Bà nhớ rõ những ngày chủ nhật trước năm 1975 ba mẹ con bà, bà cụ Đức, bà Bạch Mai và bà, thường xúm xít khuấy bột, xắt thịt, lột hành tím, cắt nấm mèo, làm nước mắm xôn xao chờ đón ông cụ Đức về dùng. Bà nhớ những lúc như thế, xuyên qua vách tường mỏng với các nhà bên, bà thường nghe những tiếng nước máy chảy, và tiếng chén bát rửa loảng xoảng. Cũng qua các bức tường sát chung với nhau ấy, bà, và có lẽ những người khác trong xóm, thường nghe những tiếng gọi, tiếng nói, tiếng cằn nhằn, và tiếng than thở của nhau. Ngoài ra những người trong xóm còn có thể nghe những tiếng hát cải lương, tiếng hát vọng cổ, tiếng ca của những bài  tân cổ đã được phổ biến hoặc mới được lưu hành của thời ấy như “Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà”, “Chuyện Tình Lan và Điệp”, “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi” hay “Cô Thắm Về Làng”.  Các đoản khúc như “Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ dành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà...”, hay “Điệp ơi mai này lên chốn phồn hoa nhà xe lộng lẫy xin anh đừng quên bến đò xưa con sông nhỏ chốn quê xưa em 'vò võ' mong chờ” hay “Thi ơi, Thi ơi, Thi. Thi biết, biết không Thi? Khi con tim yêu đương là sống với đau thương, khi con tim yêu đương là chết với u sầu thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn” hay “Ô kìa ai như cô Thắm trông dáng hoa gấm hoa trang đài. Thế mà hôm nay cô Thắm không khác chi các cô nàng ta. Nón bài thơ nghiêng trong nắng tà. Áo bà ba duyên quê ấy mà cùng chị em chân dép cô đi chợ xa. Thì ra cô thắm ăn ở theo thưở theo thời. Bao người thương, bao chàng mê. Làng trên xóm nô nức xa gần. Bà con cô bác ai nấy khen thầm: Ước chi ta có dâu là nàng....” lập đi lập lại ngày này qua ngày khác khiến cho bà thuộc lòng và biết thêm các nhân vật Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Lan, Điệp, Thi và Thắm. Cũng ngày xưa, ngoài những bài ca mộc mạc từ những chiếc máy thu thanh và cát sét của các nhà trong xóm, bà còn nghe những tiếng rao hàng khác nhau, liên tục và không thôi từ lúc sáng sớm đến tận chiều tối. Nào là “Bánh mì, bánh mì Sài Gòn nóng dòn đây!”, rồi “Ai ăn khoai mì, khoai lang, khoai tím, khoai mỡ, khoai sọ hôn?” rồi “Xôi mỡ, xôi dừa, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi đậu phụng với xôi thập cẩm đây!”, rồi “Ai ăn chè đậu đỏ, bánh lọt, chè bà ba, chè đậu xanh nước dừa hôn?”, rồi “ Bò bía, bò bía đây mại dô, mại dô!” và còn nhiều món rao mời hấp dẫn khác. Thêm vào đó, những tiếng xắp xắp của những chiếc xe gỏi đu đủ xanh có bò khô và tương ớt đỏ, tiếng lục lạc của xe mì hủ tiếu, tiếng chuông leng keng của xe kem dạo, và những tiếng gõ cửa lộc cộc cùng những tiếng gọi mua hàng của những bà bán dạo quen biết đã thường nhắc nhở bà vòi tiền mẹ để được ăn hàng như một cô gái nhỏ.
-  Bạch Mai ơi, Bạch Mai!
Tiếng kêu khá lớn từ dưới hiên gác vọng lên cắt giòng tư tưởng của bà Kim Cúc và khiến bà nhìn xuống. Cốt gây sự chú ý của người đàn bà đang đứng trước hai  cánh cửa khép kín trước nhà, bà nói lớn:
- Chị Mai của em đã đi rồi chị ạ.
Người đàn bà bước lùi ra sau, tựa lưng vào chiếc xe máy đang dựng sẵn rồi hỏi với giọng nghi ngại:
- Kim Cúc? Chèn đét ơi!Có phải em về đó không?
- Phải, em đây. Trời ơi, chị Quyên! Em nghe chị đã dọn đi chỗ khác không ngờ còn được gặp chị!
Bà Kim Cúc reo lên trong khi vội vàng bước nhanh xuống thang gác. Mở cửa cho khách, bà rối rít nói thêm:
- Chị trông khác xưa nhiều quá đi! Ngày trước chị luôn luôn để tóc dài đen mướt thả dài xuống áo dài xanh đậm, áo dài cam và áo dài trắng  chứ em đâu ngờ chị cắt tóc ngắn và mặc đồ Âu như vầy?
- Lớn tuổi thì trang phục theo cách người lớn tuổi thôi! Bà Quyên mỉm cười trả lời rồi xuýt xoa thêm - Chị cứ tưởng em không bao giờ trở về Việt Nam nữa chớ! Dữ “hôn”, mãi đến hai mươi lăm năm mới được gặp lại nhau!
Vừa đặt chân vào căn phòng lớn trên gác, bà Quyên bước ngay đến chiếc giường nơi bà cụ Đức nằm im lìm với đôi mắt nhắm nghiền, hạ giọng nói nhỏ hơn:
- Bác gái sa sút đến vầy sao? Hôm trước đến thăm bác, chị thấy bác còn đỡ chứ đâu đến nỗi như vầy?
- Mẹ em mới xuất viện đó chị nhưng bác sĩ vẫn còn yêu cầu đưa mẹ em vào bệnh viện tái khám cho nên gia đình em phải thay phiên nhau chăm sóc mẹ em hàng ngày.
- Bác trai đâu?
- Bố của em đang nằm nghỉ trong phòng, chị khỏi cần chào.
- Em về một mình?
- Không, em về với cả gia đình nhưng vì thấy tình trạng sức khỏe của mẹ em cùng kiệt quá nên xin ông xã ở lại đây để chăm sóc mẹ em.
- Để ông xã và các cháu ở khách sạn không sợ sao?
- Sợ gì ạ?
Bà Quyên kéo chiếc ghế cạnh giường bà cụ Đức vừa ngồi vừa nói nhỏ:
- Mấy ông Việt Kiều về đây thường bị các cô “bắt cóc” lắm đó! Coi chừng!
- Ông xã và hai cháu lớn của em đang ở nhà em gái của ảnh chứ đâu có ở khách sạn. Hơn nữa, xưa nay ảnh rất đàng hoàng, nếu có gì thì đã có ở Mỹ rồi không cần phải chờ về đây cho nên em không cần phải sợ gì cả.
Bà Quyên cười:
- Chị chỉ nói đùa vậy thôi chứ người chồng nào có thể bỏ người đàn bà đẹp và giỏi như em. Em không thấy già chút nào, trẻ và đẹp như xưa, nhưng mà không  giống Việt Kiều thôi!
- Thế nào mới  làViệt Kiều hả chị?
- Mấy cô Việt kiều thường có tóc nhuộm, mặt tô điểm xanh đỏ, và nhai kẹo cao su luôn miệng chứ không như em đây.
Bà Kim Cúc đứng dậy, vẫy tay ra hiệu cho bà Quyên:
- Ra ngoài hiên gác với em để hiểu vì sao em khác với những người Việt Kiều mà chị vừa nói và vì sao em thích ở trong căn nhà cũ như vầy!
Bà Quyên đứng dậy đi theo bà Kim Cúc đến tựa lan can của hiên gác rồi cùng nhìn xuống đường. Bà nói nhỏ:
- Chị hiểu em muốn nói gì! Chúng ta đã mất đi một thời dễ thương bên nhau, một thời gian đẹp nhất trong cuộc đời.
Im lặng trong giây lát, bà Quyên nói tiếp với giọng xa vắng như đang bị xúc động trong khi tường thuật một cuốn phim đầy cảm động:
- Em có còn nhớ mỗi buổi chiều chủ nhật cũng ở chỗ này chị thường đứng đây với em để nghe tiếng đàn dương cầm của con bé Tường Anh từ trong căn nhà lầu  kia không? Còn nhớ anh chàng Trực “hiền như bụt” ở cái nhà có cây ổi đàng kia không? Nhớ lần hai chị em mình chạy sang nhờ ảnh sửa dùm dây sên xe đạp chứ? Lúc đó, trước hiên nhà em, ba “bà con gái” tụi mình ngồi chăm bẳm nhìn anh ta sửa xe làm cho anh chàng lính quýnh sửa hơn cả tiếng đồng hồ mà không xong đó, nhớ không? Em có nhớ anh chàng để tóc dài mới đến xóm mình ở trong căn nhà “ngày xưa” có trồng lá trầu bà um tùm kia không? Anh chàng mà tụi mình cố tìm hiểu tên gì mà tìm không ra đó nhớ không? Có nhớ mình thường quở mấy lá trầu bà xanh tốt của nhà anh ta nhờ bóng rập của cây ổi nhà anh Trực không? Cây ổi bị chặt từ lúc nào cho nên cái bụi trầu bà cũng chết theo, nay chỉ còn trơ trọi bức tường ngăn. Những căn nhà trong xóm bây giờ cũng bị đổi chủ cả, chẳng biết những người xưa ở những nơi nào, mà ngay cả gia đình chị cũng không còn ở đây! Lâu lâu đến thăm Bạch Mai, chị cũng thường đứng ở cái góc này để ngậm ngùi với những đổi thay như lúc này.
Bà Kim Cúc lặng người nghe bà Quyên nói trong khi tiếp tục nghe lời ca vọng ra từ chiếc máy cát sét trong nhà. Bà chép miệng nói:
- Em không ngờ bây giờ “họ” cho nghe lại nhạc xưa! Càng nghe, càng nhớ những bài hát ngoại quốc mà ngày xưa kia chị thường hát!
- Nếu không còn được nghe nhạc xưa thì chị cũng không thể nào quên được dù cho đến phút cuối của cuộc đời. Nhưng mà mỗi lần nghe những bài nhạc xưa như thế này thì các bài như J'entends Siffler Le Train, Et Pourtant, La Femme De Mon Amie, Adieu Joly Candy, Mal hay Love Me With All Your Heart, hay If You Go Away lần lượt vang vọng trong tiềm thức của chị và khiến cho chị buồn day dứt cả ngày.
Bà Kim Cúc trầm ngâm với vẻ bi sầu trên mi:
- Em hiểu mất mát trong lòng chị như thế nào! Những ngày ở đây, nhìn lại những cơn mưa bóng mây, em nhớ cái dù nhựa chấm bi đỏ mà em thường đi dưới những cơn mưa. Chị còn nhớ lần hai chị em mình nhìn những giọt mưa rơi trên nóc dù bi đỏ rồi sau đó lại nhìn những tia nắng gắt của mặt trời không? Em còn nhớ lúc đó mình thường nói với nhau  là “Mưa nắng Sài Gòn bất chợt như  tính tình con gái “.
Thay cho câu trả lời, bà Quyên hát nho nhỏ theo tiếng nhạc: “Như mưa ngày nào thấm ướt vai em, như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm, thương em ngày nào khóc ướt vai mềm. Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu, cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh, xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau, thương nhau, thương nhau, thương nhau...”
Thở dài trong tiếng hát còn rơi rớt trong không gian, bà Quyên nói:
- Bây giờ “chế độ” có cho chúng ta nghe lại nhạc xưa thì tóc của chúng ta cũng đã bạc màu! Mới đó mà chúng ta đã trải qua hơn nửa đời người! Mất mát một thời gian đẹp của nửa đời người, có đáng buồn không?
Bà  Kim Cúc ngẩn ngơ:
- Không hiểu sao “ngày xưa” chị cứ thường hát cho em nghe ghê đi! “ Hồi đó” chị thân với em với hơn chị Bạch Mai nữa đó!
- Bởi vì tuy học chung với Bạch Mai trong trường trung học Gia Long, nhưng cùng đi học chung với em ở đại học M. Đ nhiều nên chị gần gũi em hơn Bạch Mai là vậy. Mà lúc đó chị với em thân nhau thật! Cái gì riêng tư thầm kín chị  em  mình kể cho nhau nghe chứ không hề với Bạch Mai. Đó là hai mươi lăm năm về trước, còn bây giờ  em có còn muốn tâm sự với chị nữa không? Em sống ở Mỹ ra sao? Hạnh phúc  tràn trề khi được sinh sống ở thiên đàng tự do chứ?
- Tất nhiên là sau cuộc mạo hiểm tìm tự do em đã được đền bù và được làm việc ổn định trong xứ sở vừa có tự do vừa có luật lệ hẳn hoi, tuy nhiên không phải như vậy là không còn lo lắng. Trước 1975, Việt Nam Cộng Hòa mình cũng tự do vậy! Cũng vì quá tự do nên mình mới bị mất nước. Bởi vậy mà dù được sống ở xứ tự do nhất toàn cầu, em vẫn thường có những cơn ác mộng về cảnh trốn chui trốn nhủi lén lút ven bìển. Trong những cơn ác mộng như thế, em không xác định mình đang trốn ra khỏi Việt Nam hay ra khỏi Mỹ.
Bà Quyên cười với ánh mắt nhạo báng:
- Nhưng em đang về thăm lại Việt Nam đây mà?
- Vì bố mẹ em thôi. Mẹ em khăng khăng đòi về Việt Nam chữa bệnh và không chịu trở lại Mỹ nên em phải liều về nhân tiện đưa mấy cháu về thăm quê luôn! Thực ra là vì thấy nhiều người Việt bên ấy đi đi về về không bị trắc trở gì nên vợ chồng cũng muốn thử một chuyến thử  xem sao!
Bà Quyên thở dài:
- Bởi vậy mà những người còn lại như chị đây luôn luôn ở trong cảm giác bị bỏ rơi. Người người đua nhau làm giấy tờ đi ra khỏi nước, Việt Kiều chỉ về thăm chơi chứ chẳng có bao nhiêu người đoái hoài đây là quê hương nữa... Nhưng mà cũng chẳng trách ai được, vì cho dù có bao nhiêu thay đổi, chúng ta vẫn không có thực chất tự do của “ngày xưa”.
- A phải rồi! Nhắc đến ngày xưa, em mới nhớ Tuấn hay nhờ em đưa thư cho chị. Lúc đó em bị chị la quá chừng. Em nhớ chị hay nói với em là Tuấn nhỏ hơn chị ba tuổi chỉ đáng em của chị mà bày đặt yêu đương. Chị vẫn còn nhớ Tuấn, con chú thím Phúc của em chứ?
- Làm sao quên được! Lúc đó, chị vẫn thường đi chơi vườn với Bạch Mai và em vào mỗi ngày chủ nhật mà! Chị nhớ “ngày xưa” đi chơi ở Bình Dương, chị và em thường len lỏi dưới mấy giàn mướp, giàn bầu, hái chôm chôm, hái ổi, hái xoài, hít mùi thơm của hoa chanh, thưởng thức không khí trong lành của đồng nội vui ghê! Không như bọn trẻ bây giờ làm chuyện “bá láp bà xàm” gì đâu. Ảnh hưởng nước ngoài từ khi mở cửa, tụi “choai choai” đua đòi theo lối sống nước ngoài, quan niệm sống “nửa nạc nửa mỡ”, ăn mặc “nửa Tây nửa Ta” thấy mà chán thì thôi!
Với ánh mắt xa xăm, bà Quyên nói tiếp:
- Ngày xưa, đất nước mình nghèo không nghèo, giàu không giàu, mọi người đồng cảnh mà thương yêu nhau, bình an sống vui vẻ. Chị còn nhớ lúc đó,  mình có chiếc đồng hồ truyền từ đời cha đến đời con, có máy ra đi ô, cát sét, bút máy, xe máy, xe đạp hư thì cùng nhau mở tanh banh ra rồi chum đầu tìm tòi cách sửa để dùng lại. Trung Thu đến, tụi mình dạo bộ đường Trương Minh Giảng tha hồ nhìn lồng đèn treo, nhìn bánh dẻo bánh nướng. Trẻ con trong xóm thì họp nhau làm lồng đèn Trung Thu giấy, làm lồng đèn bằng lon Coca Cola.  Còn bây giờ, nhiều người được giúp đỡ của Việt Kiều hay lợi dụng được cơ hội tham nhũng hối lộ làm giàu nhanh cực độ trong khi những người khác thì nghèo ngóc đầu không nổi. Thiên hạ bây giờ chỉ lo tranh nhau sắm xe, tậu đất, xây nhà dữ lắm. Cái “tinh thần đua chen hơn người” lớn đến nỗi  mọi người thường gặp nhau hay thường xa lánh nhau cũng chỉ bởi khoe khoang hay ganh tị. Nếu có dịp đi chơi em sẽ thấy thành phố bây giờ ăn chơi quá hơn thời xưa nhiều lắm! Nhà hàng, cà phê, quán nhảy, quán nhậu, các loại quán “ôm” mở nhiều hơn trước đôi ba lần. Nông thôn thì không còn những mái nhà tranh đồng dạng và cân đối nữa đâu! Lâu lâu có vào cái nhà lầu cao lớn chênh vênh giữa mấy cái nhà lụp xụp làm mất hết vẻ đẹp chân chất của thiên nhiên. Và cũng vì mấy cái nhà lầu cao lớn chơi vơi giữa cái vùng đất nông thôn này mà mấy cô gái trẻ ngây thơ đánh mất hết cả những ý nghĩ chân chất hiền lương. Chúng đã gầy cho các cô ước vọng thoát khỏi cảnh nghèo khó, được ra nước ngoài và được đáp đền công ơn nuôi dưỡng của các bậc sinh thành của họ như người khác. Và cũng chính vì ước vọng muốn đưa gia đình lên cuộc sống cao hơn mà rất nhiều cô gái trẻ Việt không ngại khoe các bộ phận của thân thể như bày hàng để được chọn ra nước ngoài và “làm dâu” xứ người. Bởi vậy mới nói là đời bây giờ  hết còn màu hồng!
- Nhưng mà dù sao Việt Nam bây giờ thay đổi hơn mức tưởng tượng của em rất nhiều. Trước khi về đây em nghe  đã có nhiều đổi mới nhưng không hình dung ra cảnh nhà cửa mọc lên như nấm, phố xá đông đúc nhộn nhịp, và xe cộ đầy nghịt khắp đường.
Bà Kim Cúc nói một cách sôi nổi.
- Cũng nhờ Việt Kiều hết đó em! Hơn nữa, dân miền Nam lì thấy mồ, dễ gì bị tàn lụi được! Trước khi trốn ra khỏi nước em cũng biết rồi! Lo thì lo nhưng thiên hạ vẫn  tích trữ “Chuyện vui bộ đội” với “Chuyện cười sau 1975” để vui sống cho qua ngày chứ ngán ai.
- Nhưng nếu không dính dáng với chính quyền cũ thì cuộc sống người dân ở đây không đáng lo  ngại lắm! Ngày hôm qua  về thăm Bình Dương, em biết được vợ chồng Tuấn đều là giáo viên trường tiểu học gần nhà. Họ sống rất bình lặng chứ không đua tranh gì với bên ngoài. Ở chung với chú thím Phúc và hai đứa con, một trai một gái đang bậc trung học, em cảm thấy họ rất bằng lòng với hiện tại chứ không thắc mắc gì.
- Thì em cứ nghĩ là nếu em không trốn được khỏi nước em cũng phải tìm cách sống như thế nào phù hợp với ý thích của mình cho dù có tán thành hay không tán thành đường lối của chế độ.
- Còn chị bây giờ ra sao?
- Chị đã lập gia đình và có hai con. Ngày xưa chị cứ tưởng mình sẽ ở giá vì cái tính “già kén kẹn hom” ai ngờ cuối cùng cũng lập gia đình.
- Anh ấy cũng là người miền Nam hả chị?
- Ừ nhưng nhỏ hơn chị đến mười hai tuổi
- Nhỏ hơn cả một con giáp? Chị không nói đùa với em đó chứ? Giọng nói của bà Kim Cúc trở nên phấn khích khi hỏi thêm - Vậy sao ngày xưa chị nói là không bao giờ lấy người nhỏ tuổi hơn?
- Ngày xưa đâu phải chỉ có một mình chị mơ ước có một người yêu lớn tuổi hơn và được lập gia đình với người hiểu biết hơn mình. Đàn bà con gái thời nào chẳng muốn được thấy nhỏ bé hơn người đàn ông mà mình yêu nhưng mà chiến tranh hủy diệt tất cả những mơ ước đó thôi.
Bà Kim Cúc cắt ngang:
- Em đang nói chuyện của chị mà! Chị chưa trả lời câu hỏi của em!
- Thì bởi “Ghét của nào trời trao của đó” cho nên chị “bị” người nhỏ tuổi lấy mất lý trí.
- Tính tình của chị rất cứng rắn. Em không hiểu làm sao có thể như vậy?
- Cũng tại tình yêu của anh ta quá chân thành cho nên anh ta đã lấy hết tính cứng cỏi của chị. Vào năm 1979, chị bị suyễn rất nặng phải nằm ở bệnh viện C.R mà gia đình đơn chiếc không có ai chăm sóc nên ảnh đã thường xuyên vào bệnh viện chăm sóc cho chị luôn. Trong lúc không còn đủ sức “đuổi” anh ta khỏi bệnh viện vì ống dưỡng khí, chị đã phải chứng kiến cảnh anh ta trải chiếu dưới đất cạnh giường bệnh nằm ngủ để chăm chị. Mà em biết bệnh viện ở Việt Nam vào thời gian ấy dơ như thế nào!
Bà Kim Cúc hỏi với giọng trầm trầm:
- Có phải đó là nguyên nhân làm trái tim của chị bị mềm đi không?
- Đúng vậy, nhưng chấp thuận tình yêu của anh ta không phải là vấn đề đơn giản. Trước đây, khi diện kiến với bà con bạn bè và người của gia đình anh ta hay của gia đình chị, chị mắc cở ghê lắm. Ai đời mẹ của anh ta cũng đáng bằng tuổi của chị hai chị chứ mấy! Cũng vì chấp nhận tình yêu của anh ta mà chị đã phải ráng vất đi cái mặc cảm khi nghĩ đến sự không cân xứng tuổi tác. Còn bây giờ, diện kiến với bản thân, chị cảm thấy sức lực của mình không thể nào đáp ứng được những tình cảm mà anh ta trao cho mình. Sức khỏe của một người đàn bà lớn hơn người đàn ông mười hai tuổi và sức lực của người đàn ông trẻ hơn người đàn bà  một con giáp không thể nào hài hòa và thích hợp bất kể là tình yêu của họ nồng nàn và chân thật đến bao nhiêu. Đôi khi chị cảm thấy đau lòng vì thương cho cái tình yêu oái ăm, thương cho anh ta và cũng thương cho bản thân mình. Tuy nhiên, khi nghĩ đến chuyện để anh ta lấy vợ bé thì chị cảm thấy rất đau lòng vì dù sao ảnh và chị cũng đã có hai đứa con với nhau rồi.
Bà Kim Cúc định hỏi thêm về hai đứa con của bà Quyên theo phép xã giao nhưng tâm trí của bà không được tập trung lắm. Hình ảnh người thanh niên nắm cánh tay của bà và tha thiết nói những lời yêu thương hôm nào trong tiệm  Bàn Tay Đẹp chợt hiện ra trong ý nghĩ của bà. Lắc đầu chối bỏ hình ảnh già nua tội nghiệp của mình và khuôn mặt thất vọng của người thanh niên trong tưởng tượng, bà  nghiêng đầu đưa mắt xa tận cuối hẻm.
Bà Quyên hỏi:
- Có phải chuyện của chị làm em suy nghĩ không? Xin lỗi là chị đã quá nhiều chuyện!
Bà Kim Cúc vội lắc đầu:
- Không, không đâu! Em biết tính chị chẳng bao giờ muốn thố lộ những nỗi niềm riêng của mình cho ai. Lâu qua không được nghe  chị nói, nay được chị tâm sự em rút kinh nghiệm nhiều lắm.
Bà Quyên đáp:
- Tuổi tụi mình không còn gì để mà cần đến sự rút kinh nghiệm về tình yêu hay hôn nhân! Lứa tuổi này chỉ dành cho con cái hay nghề nghiệp mà thôi!
Bà Kim Cúc hỏi lảng qua chuyện khác:
- Giờ chị làm gì?
Bà Quyên từ tốn trả lời:
- Bác sĩ nội khoa của bệnh viện T.N.
Bà Kim Cúc  ngạc nhiên:
- Em nhớ ngày trước, lúc chị đến chơi với chị Bạch Mai, em có nghe chị kể là ba chị trong quân đội Cộng Hòa và gia đình chị ở cư xá SQCH một thời gian cho đến khi ba chị mất mới ra ở nhà ngoại chị ở xóm này mà sao “họ” cho chị việc làm vậy?
- Lúc trường đại học M.Đ bắt chị nộp lý lịch, chị đem bản lý lịch lên phường chờ ông chủ tịch ký nhưng không gặp đành đưa cho ông phó chủ tịch phường. Sau khi xem bản đơn của chị xong, ổng hỏi chị làm bản lý lịch để nộp ở đâu. Chị kể là chị nộp đơn cho đại học y M.Đ để ra trường. Nghe vậy, ổng nói chị khai cha chết năm nào là đủ không cần phải ghi chi tiết chết vì lý do gì, còn hai người anh trốn ra nước ngoài không biết ở đâu thì cũng không cần ghi vào đơn. Để giải thích thắc mắc của chị ông nói cái gì đã mất, đã chết và không biết thì không cần khai thêm. Lúc đó chị ngạc nhiên lắm nhưng cũng nghe theo lời ổng xé bản khai lý lịch cũ rồi điền vào bản khai mới mà ông cho để ổng ký ngay như ông yêu cầu. Cũng nhờ nghe theo lời ổng mà sau khi nộp bản lý lịch cho trường đại học M.Đ chị được nhận việc  y sĩ ngay sau khi ra trường. Làm công việc y sĩ khoảng bảy năm, chị xin học thêm ra bác sĩ cũng với  nội dung của bản lý lịch gốc này.
- Ông phó chủ tịch phường? Có phải chị muốn nói ông phó chủ tịch Phương không?
- Đúng rồi. Ông phó chủ tịch Phương, ba của anh Thanh chồng chị Bạch Mai của em chứ không phải ông phó chủ tịch mới hiện giờ đâu. Không hiểu sao lúc ấy ông ta bày chị như vậy nhưng chị đoán là có lẽ ông ta đã thấu hiểu một điều gì đó nên ngấm ngầm tìm cách giúp đỡ chị.
Bà Kim Cúc im lặng nhớ đến lời khẳng định của cậu Bình hôm nào về bản chất tốt của ông nội và ông ngoại của cậu ta. Tuy nhiên, khi nghĩ đến sự man khai lý lịch như cách ông phó chủ tịch Phương bày cho bà Quyên, bà Kim Cúc không bao giờ tin được là thân sinh của bà, ông cụ Đức, chấp thuận nếu được mách bảo như thế. Vốn là người bộc trực và thẳng thắn, ông cụ nhất quyết ghi đúng thời gian và công việc của mình trong công tác tuyên truyền trong ban Chiêu Hồi cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Bà Quyên  nói tiếp:
- Sau này vì một sự tình cờ chị biết rõ chuyện gia đình của ông phó chủ tịch Phương này. Em gái của ông ta là đại tư bản ở Sài Gòn, sợ tiếp xúc với anh mình sẽ bị sơ hở những việc làm cá nhân nên đã lẩn tránh ông cho đến khi vượt biển trốn ra nước ngoài. Đa số bà con của ông đều là dân giàu có ở Sài Gòn nhưng sản nghiệp đều bị tiêu tan sau vụ cải tạo công thương nghiệp cho nên càng ngày càng đâm ra oán trách và xa lánh ông. Có thể nói là sự trở về của ông rất chua chát vì ông không được gia đình bà con họ hàng đón tiếp nhiệt tình như ông mong muốn.
Trước khuôn mặt hoang mang của bà Kim Cúc, bà Quyên bình thản kết thúc ý nghĩ của bà:
- Nhưng mà bây giờ ông phó chủ tịch đã chết. Nghi kỵ, oán hờn, hay thù hận cũng chẳng để làm gì! Điều mà chúng ta luôn luôn  hoài tưởng là chúng ta xuất phát từ đâu, đã làm gì và đã có những gì trong thời gian đẹp trước biến cố 1975 tại miền Nam Việt Nam, nhưng trong lúc ao ước những điều nhiệm mầu xuất hiện trong hoàn cảnh thay đổi của đất nước thì chúng ta cũng không nên quên rằng mỗi người trong cuộc đời đều có một phần số khác nhau. Nếu chúng ta ở một nơi nào vào một thời gian nào, và trong một hoàn cảnh nào mà không được may mắn như chúng ta ao ước thì số phần chúng ta không khác gì hơn. Thử tưởng tượng nếu em phải sinh ra đời ở miền Bắc trước năm 1975, hay không được đến Mỹ sau năm 1975 thì em sẽ làm gì và sẽ ra sao?