Chương Hai Mươi Lăm

Buổi trưa hôm ấy, khu vườn Bình Dương um tùm cây trái của ông cụ Phúc thấp thoáng bóng dáng của các thanh niên nam nữ từ thành phố về. Họ tụ họp nhau lại do đề nghị của cậu Thanh và bởi ước muốn thay đổi vị trí tham quan du lịch của cậu Phụng và cô Loan.
Khu vườn rộng hơn bốn mẫu này nguyên thủy là nơi ông cố Quang, cậu ruột của ông cụ Đức và ông cụ Phúc, tạo dựng cơ nghiệp đầu tiên khi vào Nam. Ông cố Quang là người cậu duy nhất của ông cụ Đức và ông cụ Phúc và là người dày công dưỡng dục hai cụ sau khi bố mẹ của hai cụ này gặp tai họa tại Nam Định. Trong phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc, thân sinh của hai cụ Đức và Phúc bị đấu tố và bị đày đi tù. Chưa đầy một tuần nơi rừng thiêng nước độc, ông cụ bị mắc phải chứng sốt rét ngã nước trầm trọng và được tha về nhà. Ngày cụ về được đến nhà là ngày cụ từ giã cõi đời và là ngày mà toàn bộ tài sản đất, vườn, ruộng của cụ bị tịch thu. Mất chồng, mất tài sản lại bị đuổi ra đồng, thân mẫu của hai cụ Đức và Phúc trở nên điên loạn, lang thang rày đây mai đó. Khi ông cố Quang, em ruột của thân mẫu hai cụ Đức và Phúc tìm lại bà chị, chỉ thấy tấm thân tàn tạ, rách rưới của một thân xác còm cõi nằm chết bên vệ đường. Ám ảnh với hai cái chết thảm của anh rể và chị ruột, ông cố Quang đã hết lòng thay thế họ chăm hai người cháu ruột, cháu dâu và cháu gái, đồng thời đưa toàn bộ cháu chắt của ông theo dòng người di cư vào Nam năm 1954. An cư lạc nghiệp ở vùng đất tự do tại Bình Dương, ông cố Quang đã cùng cháu chắt cần mẫn làm việc, chắt chiu từng đồng kiếm được để vừa nuôi sống vừa tậu được khu đất rộng làm nơi định cư. Xuất thân là nông dân và là người từng nếm qua cảnh đói nghèo khổ sở, ông cố Quang chăm lo làm lụng cho tương lai cho con cháu đến độ quên cả bản thân mình. Cho đến ngày lâm chung vì bạo bệnh, ông chưa một lần quan hệ hay lập gia đình với người đàn bà nào. May mắn cho ông là năm 1978, sau khi ông mất, căn nhà và cả khu vườn rộng mà ông tậu nên không bị chính quyền tịch thu. Toàn bộ căn nhà và vườn đất thuộc về vợ chồng ông cụ Phúc một cách chính thức và hiển nhiên bởi vì các thành viên trong gia đình của ông cụ Phúc đều có tên trong hộ khẩu gia đình đúng như trong giấy ủy quyền thừa kế mà ông cố Quang đã ghi rõ trước khi lìa đời. Chính quyền mới không có một lý cớ nào để tịch thu tài sản của ông cụ Phúc khi mà vợ chồng ông cụ này và người con trai độc nhất của họ không hề làm việc gì dính dự đến quân đội của chính quyền miền Nam trước năm 1975. Ông cụ Đức, dù là anh cả, dù không được chút tài sản gì do cậu ruột để lại cho, không hề phật lòng vì chuyện em mình có tất cả. Ông cụ đã từng lý luận với bà cụ Đức là nếu ông cố Quang giao đất và nhà cho ông cụ thì toàn bộ sở hữu và sản nghiệp sẽ bị tịch thâu ngay khi mà ông là người có liên quan sâu đậm đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi thôi dạy tại Sài Gòn vào năm 1972, ông cụ là thành viên tích cực cho ban chiêu hồi của Quốc Gia tại M.T. Trong thời gian đó vì sự học của hai người con gái mình, bà cụ Đức nhất định bám nghề dạy của mình, bám thành phố Sài Gòn và cư ngụ trong căn nhà do bà đứng tên làm chủ thay cho chồng chứ không chịu dời về sống ở M.T nơi công tác của chồng bà hay ở lại Bình Dương nơi gia đình bà đặt chân đến và nhập cư đầu tiên vào năm 1954. Khu vườn Bình Dương là nơi bà Bạch Mai đặt chân vào Nam khi bà còn là cô gái nhỏ vừa đúng một tuổi mà còn là nơi chứa chấp mối tình vụng trộm và ngang trái của bà với ông Thanh. Nó cũng là nơi bà Bạch Mai sinh cậu Bình và là nơi vợ chồng bà tìm kế sinh nhai qua công việc làm rẫy, trồng mì và làm bánh ướt bán. Sinh ra và lớn lên trong khu đất vườn Bình Dương yên bình và thanh tịnh từ bé là lý do cậu Bình quyến luyến với nó hơn là căn nhà ở Sài gòn nơi mà gia đình cậu hiện đang sinh sống và là căn nhà mà mẹ cậu thừa hưởng sau khi ông cụ Đức và bà cụ Đức đi Mỹ do được bà Kim Cúc bảo lãnh. Thường thường, mỗi ngày chủ nhật, cậu Bình thường lái xe máy trở về thăm ông bà cụ Phúc, vợ chồng ông Tuấn và con cháu của họ chứ không phải chỉ vì có sự hiện diện của những người Việt Kiều.
- Đây là nơi anh sinh ra không có mặt của ông bà ngoại và không được bàn tay ôm ấp của dì ba! Cậu Bình vừa đi vừa nói với cô Loan.
Sóng bước bên cạnh cậu, cô Loan hỏi với giọng đầy ngạc nhiên:
- Hôm nọ nghe anh nói nhưng em không biết vì sao. Có phải lúc đó ông bà ngoại và mẹ em đã đi ra khỏi nước rồi không?
- Chưa, nhưng tại lúc ấy ông bà ngoại và dì ba không chấp thuận mối tình của bố mẹ anh.
- Vì sao vậy? Cậu Phụng đi phía sau, hỏi với giọng bán tin bán nghi.
- Tại bố anh là con của cán bộ.
Cậu Bình trả lời khi cậu dừng bước tại một gốc cây chôm chôm đầy quả và cả đám thánh niên cũng dừng lại nhìn cậu trong im lặng.
Chợt, cô Loan  lên tiếng hỏi:
- Cán bộ là gì?
- Là người làm việc cho chính quyền Việt Nam hiện nay. Cậu Bình trả lời.
- Chính quyền của Việt Nam bây giờ? Chính quyền cộng Sản? Nói vậy ông nội của anh là Việt Cộng hả? Cô Loan hỏi với giọng thất thanh.
- Đúng vậy, nếu em muốn gọi như thế. Cậu Bình gật đầu.
Cô Loan chau mày, ái ngại:
- Nếu vậy thì ông bà ngoại và mẹ em không chấp nhận ba anh là đúng rồi. Em nghe ông bà ngoại và ba mẹ em kể là vì Việt Cộng chiếm miền Nam nên rất nhiều người ở miền Nam mất nhà, mất của, đi tù cải tạo, đi kinh tế mới và chết biển trên đường tìm tự do.
Cậu Bình lên giọng nói lớn:
- Khi chiến đấu, ông nội anh không nghĩ sẽ gây ra những việc mà em kể đâu. Với nhiệt huyết yêu nước của thanh niên thời ấy, ông chỉ nghĩ đến chuyện hy sinh tính mạng trong chiến trường cho sự nghiệp hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước thôi! Nếu không có sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước chúng ta sẽ tiếp tục ở vào tình trạng khốc liệt, đổ máu và tương tàn.
Cậu Vũ, im lặng từ lúc đặt chân vào khu vườn, lên tiếng chen vào:
- Đáng buồn là những cái mà ông cụ nghĩ khác hẳn với thực tế. Tại sao phải là cuộc nội chiến bắn giết lẫn nhau mà không phải là sự tôn trọng tự do chế độ chính trị của mỗi bên như nước Đức hay Đại Hàn?... nhưng chúng ta đang đi chơi vui vẻ đừng nhắc đến chuyện chiến tranh xưa cũ nữa.
Cậu Phụng nói:
- Nếu một đất nước có vận mệnh may mắn thì được thống nhất một cách êm đẹp sau thời gian các phe phái bất đồng quan điểm. Còn lâm vào tình trạng nội chiến thì  phải ở  tình trạng huynh đệ tương tàn, hết bắn giết lẫn nhau lại hủy hoại tinh thần nhau. Bất cứ phe nào, dù thắng hay thua, đều khăng khăng lý tưởng mà họ đã từng chiến đấu trong chiến tranh là đúng là tốt. Không ai chịu đầu hàng và khuất phục với phe đối lập một cách dễ dàng dù cho ngọn cờ họ phất lên trong chiến đấu bị tước đi. Người thắng luôn cho mình là những người làm cách mạng và gọi kẻ thua là phản động nhưng nếu họ bị thua thì họ cũng lâm vào tình trạng như thế, không khác gì.
Ngạc nhiên nhìn cậu Phụng, vì lần đầu tiên nghe cậu này nói khá nhiều và đồng thời vì tiếng Việt của cậu khá chuẩn đối với một người sinh ra và lớn lên tại Mỹ, cậu Minh thích thú nói vào:
- Đúng vậy! Bởi vì bất cứ phe nào sau khi thắng trận cũng đều cho rằng cuộc chiến tranh của họ theo đuổi là cuộc chiến tranh chính nghĩa với lý do “chính nghĩa thắng hung tàn”.
Cậu Nam bàn thêm:
- Theo tôi thì những người tự cho mình là quân giải phóng phải nhức đầu khi vào Sài Gòn. Họ cảm thấy hố vì không biết giải phóng cho ai. Dân Sài Gòn lúc đó giàu có, sống tự do và sung sướng quá cần ai giải phóng? Còn những người lính Cộng Hòa ngày xưa cũng phải ân hận vì thua trận bởi vì thật ra quân đội miền Bắc chẳng “ba đầu sáu tay” gì. Người dân miền Nam mình trước đây thất trận bởi vì chỉ ở thế thủ chứ không ở thế tiến và vì nhiều người ít học bị tuyên truyền, giật dây. Chỉ tội cho những người quá tin vào sự tốt đẹp của Xã Hội Chủ Nghĩa để cuối cùng lãnh hậu quả hoàn toàn trái ngược.
Cậu Bình hỏi vặn:
- Thế tại sao trước năm 1975 người miền Nam không tìm cách tuyên truyền cho nhân dân miền Bắc về chính sách ưu việt của chế độ Dân Chủ Cộng Hòa trong khi lại để cho nhân dân miền Nam bị tuyên truyền về chế độ quốc hữu hóa và xã hội vô giai cấp của miền Bắc để rồi cuối cùng hứng trọn một hậu quả trái ngược như vậy?
Cậu Nam nói sôi nổi:
- Sao lại không? Anh có biết ban Tuyên Truyền Chiêu Hồi của Quốc Gia không? Hồi đó ban Chiêu Hồi vận động biết bao nhiêu người Việt Cộng quay về với chính nghĩa Quốc Gia nhưng tại vì nhiều người ngoài Bắc không có điều kiện để nghe lén chương trình này đó thôi.  Nói là nói vậy chứ nghe những chuyện kể lại là tôi hiểu chủ trương tự do trong miền Nam thời ấy không thực sự chiêu dụ người nào bởi vì quan niệm của xã hội tự do là luôn luôn tôn trọng quyền tự do chính kiến của mọi người. Nếu anh muốn, anh trốn khỏi chế độ không thích hợp với anh còn không thì thôi chứ chẳng ai thu phục anh. Tuy nhiên nếu anh làm phiền tôi thì tôi phải làm phiền đến anh. Nhưng mà nghe kể lại hay kiểm nhận qua thực tế thì tôi thấy chỉ có nhiều người bỏ trốn từ các nước Cộng Sản sang các nước tự do dân chủ chứ chưa có người nào ở chế độ tự do dân chủ chạy trốn sang tị nạn hay định cư ở các nước Cộng Sản cả.
Cậu Minh bàn ra:
- Tôi tin rằng nước ta bị cảnh tương tàn đổ máu trước đây vì sự “giật dây” của các tư tưởng chính trị ngoại lai và sự vô nhân đạo của kinh doanh chiến tranh Quốc Tế mà thôi. Có thể các bạn cho rằng chiến tranh gây dựng nhiều anh hùng và lòng quả cảm nhưng theo tôi thực thể của nó vẫn là tàn bạo và độc ác. Các phe phái lúc nào cũng nói mình chiến đấu cho lý tưởng để rồi tận diệt lẫn nhau, đụng trận là bắn giết, bắt được thì tra khảo, cùng gọi nhau là “địch”; và sau chiến tranh thì cả hai phe đều có đầy dẫy thương binh liệt sĩ chẳng khác gì nhau!
Cậu Bình cãi lại:
- Nhưng tôi không bao giờ tin những người lính mệnh danh là chiến sĩ tự do mà lại đem tự do cho đất nước khác bằng vũ khí và đạn bom như những người lính trong quân đội Mỹ. Chưa thấy tự do đâu đã thấy chết chóc trước rồi! Chính người Mỹ còn nói chiến tranh bỏ bom B52 tại miền Bắc Việt Nam là chiến tranh vô nhân đạo chứ đừng nói là ai!
Đỏ mặt vì giận, cô Loan trừng trừng ánh mắt trên khuôn mặt cậu Bình:
- Vậy anh nói chiến tranh nào là nhân đạo? Chiến tranh pháo kích vào thành phố và giật mìn trên đường Quốc Lộ gây bao nhiêu người dân miền Nam chết oan là chiến tranh nhân đạo sao? Và anh nghĩ là chiến binh Mỹ thích bỏ xương máu họ cho nước Việt Nam lắm hả? Nếu không vì lý tưởng tự do, không vì muốn ngăn chặn làn sóng tiến quân của phe Cộng Sản xuống miền Đông Nam châu Á, thì những người chiến binh Mỹ không xả thân như thế đâu! Nghe ông ngoại kể là có nhiều sĩ quan miền Nam ngày xưa muốn hy sinh thân mình chứ không muốn con họ chết trong chiến tranh nữa kìa! Vài người tìm cách  khai trụt tuổi con họ xuống để con họ không phải đi chiến đấu trong khi đa số thanh niên trẻ Mỹ tham chiến trong chiến trường Việt Nam ở vào đúng lứa tuổi quân dịch!
Cậu Phụng lắc đầu:
- Đó là chuyện “trước năm 1975” ở miền Nam Việt Nam, còn bây giờ  ở Mỹ có rất nhiều thanh niên Việt Nam và thanh niên Mỹ gốc Việt tình nguyện gia nhập vào quân đội lắm.
Cậu Bình kiên quyết:
- Thể nào thì thể, tôi chẳng bao giờ tin vào cái biện luận giúp nước bạn giữ vững tự do và dân chủ bằng phương cách chiến tranh. Tại sao một cường quốc lớn như Mỹ không để  các nước nhược tiểu tự do lựa chọn cái chế độ mà các nước ấy muốn? Tại sao phải xen vào nội bộ của các quốc gia khác chứ? Đã mang danh là nước đại diện cho sự yêu mến tự do bậc nhất trên thế giới mà không tôn trọng quyền tự chủ và tự do chọn lựa thể chế chính trị của nước khác thì các bạn nghĩ như thế nào?
- Thế thì tại sao bạn không tự đặt câu hỏi ngược lại cho chế độ tự do của miền Nam Việt Nam trước đây? Tại sao quân đội miền Bắc không để miền Nam tự do theo chính thể dân chủ? Tại sao không để Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam? Tại sao đất miền Nam lúc ấy phải gài đầy mìn? Tại sao cây rừng miền Nam phải xơ xác lá? Cảnh di cư ào ạt của các đoàn người từ Bắc vào miền Nam nói lên điều gì? Tại sao lúc ấy dân tộc chúng ta không thể sống tự do với hai chính thể khác nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau? Tại sao phải giết hại lẫn nhau và phải tranh giành cái từ “chính nghĩa” cho chế độ chính trị mà mình đang theo đuổi để gây ra cảnh huynh đệ tương tàn và làm cho bao nhiêu người dân vô tội chết oan mạng?
Bao nhiêu câu hỏi với giọng nói rắn rỏi phát ra từ một gốc cây mít khiến mọi người đồng quay mặt nhìn về. Ánh mắt nghiêm nghị của cậu Hải chăm chăm trên khuôn mặt cậu Bình chẳng khác nào ánh mắt của người chiến sĩ Vị Quốc Vong Thân trong bức ảnh thờ trong nhà từ đường của ông Huy.
- Thế anh nghĩ trước đây những người thanh niên rời miền Nam tập kết ra Bắc để làm gì? Không phải là  vì họ yêu nước và sẵn sàng hy sinh bản thân để chiến đấu cho đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc cường quốc đấy ư? Nếu như các anh nói là đất nước có quyền độc lập tự do theo chế độ chính trị của mình thì tại sao chính phủ miền Nam Việt Nam lúc ấy phải núp dưới sự bảo hộ của Mỹ trong cuộc chiến? Cậu Bình hỏi ngược cậu Hải với khuôn mặt của ông nội cậu. Một khuôn mặt uy nghiêm với cái nhìn thẳng trên tấm hình thờ tại nhà bà Bạch Mai.
Cậu Hải đáp lại bằng giọng nói cứng cỏi hơn:
- Nói vậy, theo anh, những thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 1954 chỉ cốt dành lại độc lập từ tay các cường quốc chứ không phải vì trung thành với một chủ thuyết chính trị nào ư?  Anh thực sự cho rằng cuộc chiến mà quân đội miền Bắc tấn công miền Nam không bị giật dây bởi thế lực nào bên ngoài à? Anh nghĩ là nước ta đang ở trong tình trạng độc lập thật sự đấy sao? Và anh thực sự tin là bên trong cái cảnh chạy tị nạn, cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán của toàn dân miền Nam vào tháng tư năm 1975 trước đây là sự chào đón hoan nghênh và nồng nhiệt của họ đối với quân đội miền Bắc và cả những người tập kết trở về miền Nam ư?
Trong khi cậu Bình tái mặt sa sầm, cậu Vũ xua tay:
- Ái chà chà! Mấy anh có biết là các anh đang gây chiến tranh bằng “võ mồm” trong khi các anh đang phản đối chiến tranh không vậy? Tôi bảo đảm là các anh cãi đến chết cũng không lấy được lý đúng sai đâu bởi vì chiến tranh của nước ta trước đây là một cuộc chiến tranh hết sức phức tạp mà! Là một nước nhỏ cho nên nước Việt Nam của mình không tài nào thoát ra ngoài những cái vòng chiến tranh “nóng” “lạnh” của các nước lớn đâu! Bởi vậy, nếu cứ bàn về đề tài này thì không biết đến lúc nào mới chấm dứt.
Nhìn quanh không thấy ai nói gì, cậu Vũ nói tiếp:
- Nếu nhìn cho kỹ, suy cho rộng thì các bạn sẽ thấy đường hướng hiện nay khác với chủ trương ban đầu rất nhiều. Vì sao như vậy? Theo tôi, với sự can đảm của những người Việt yêu nước, đất nước ta đang có nhiều biến chuyển và còn sẽ có nhiều thay đổi ở các lĩnh vực khác chứ không phải chỉ có đường hướng kinh tế thôi đâu! Cái mà tôi băn khoăn nhất là tại sao mọi người cứ bàn chuyện quá khứ mà không đề cập đến hiện tại hay tương lai? Tại sao không đặt câu hỏi vì sao các quốc gia khác cùng ở trong một châu lục mà giàu mạnh hơn đất nước chúng ta khá nhiều để rồi bàn bạc cách làm cho dân ta thoát được cảnh đói nghèo và đất nước ngày càng văn minh thịnh đạt hơn? Nếu các anh muốn nói, thì hãy bàn luận về trách nhiệm của thanh niên chúng ta đối với đất nước ví dụ như “Làm thế nào để giúp đỡ tất cả trẻ em Việt Nam đến trường”, Làm thế nào để người nghèo được chữa bệnh miễn phí” và “Làm thế nào để giảm bớt tệ nạn xã hội của thành phố”. Nếu có thời giờ để nói nhiều hơn thì hãy bàn luận về đề tài: “ Làm thế nào để đấu tranh cho lẽ phải”  hay “Đất nước ta sẽ đi về đâu khi mất lần hồi những người công dân ưu tú”. Thế vẫn còn hơn!
Vít chùm chôm chôm đỏ trên đầu trao cho cô Loan, cậu Vũ hỏi:
- Cô cũng sẽ về đây góp phần mình vào việc giúp đỡ cho đất nước này chứ?
- Không biết. Thực tế là Việt Nam không phải quê hương của tôi. Tôi sinh ra tại Mỹ và là công dân Mỹ.
Cô Loan đáp nhanh để đối phó hơn là trả lời thành thật với ý nghĩ đang có của mình trong lúc lắc đầu từ chối tặng vật của cậu Vũ. Khuôn mặt của cô chẳng có biểu hiện sự thân thiện nào khi trả lời với người thanh niên mà cô cam chắc anh ta đã biết rõ anh ta là người có dáng dấp  phong nhã và đẹp trai.
- Cô chưa mất gốc mà! Vẫn còn có tóc đen, da vàng, tên Việt Nam, và nói tiếng Việt thành thạo đó kia! Một ngày nào đó, cô và những người Việt Kiều khác sẽ trở về vì sự cố gắng của chúng tôi. Bản chất người Việt Nam rất thông minh, chúng tôi hiểu phải làm gì để thu phục sự hồi hương của những người đã từng bỏ nước ra đi. Cậu Vũ đối lại.
- Đừng tuyên truyền nữa ông ơi! Mình ông lập dị vậy đủ rồi! Cậu Nam đập vai bạn.
Cậu Vũ nói điềm đạm:
- Khi nãy trên đường ghé uống nước, thấy cô ấy trao đổi với thằng bé bán vé số và tỏ cung cách đối xử với bà lão ăn xin rất tận tình và ân cần, tôi cứ tưởng cô ấy là người có tấm lòng.
Len lỏi bước ra khỏi các cành lá lòa xòa phủ chồng nhau trước mặt, cô Hoa chìa một chùm trái dâu da cho cô Loan, đon đả nói:
- Bên Mỹ chắc không có loại trái cây này cho nên Loan ăn thử cho biết. Đừng nghe chuyện của anh Vũ này làm gì cho mệt! Thiên hạ ở đây tìm đường ra nước ngoài “hà rầm” à! Con gái thì tìm mọi cách để được đi Mỹ, Pháp, Úc, Canada hay Đài Loan. Con trai thì thi nhau giành giật học bổng để du học hay đăng ký lao động nước ngoài. Một số người khác thì tìm cách nhập vào đoàn doanh nhân để được du lịch Mỹ dưới hình thức khảo sát thị trường. Chứ đâu có ai như ảnh, đang ở Mỹ lại quay về Việt Nam sống! 
Cô Loan ngạc nhiên:
- Anh này từ Mỹ về?
- Phải! Toàn gia đình ảnh được bác bảo lãnh sang ấy, nhưng sau khi học xong Đại Học, và làm việc một thời gian bên ấy ảnh về đây sống một mình. Đúng là khùng!
Không đáp lời cô Hoa, cô Loan hướng mắt sang cậu Vũ, hỏi:
- Anh đã ở đâu tại Mỹ?
Câu hỏi vặn đường đột của cô Loan dành cho cậu Vũ khiến cho tất cả các cậu thanh niên và cô Hoa đang có mặt ở đó phải dồn mắt nhìn họ một cách chăm chú. Từ Sài Gòn đến Bình Dương, vẻ lạnh nhạt của cô trên xe cậu Vũ và thái độ ơ thờ của cô đối với anh ta khi cả đám ngồi nghỉ trong một quán nước mía bên đường đã khiến không ai nghĩ cô là muốn quan tâm tìm hiểu đến người thanh niên đẹp trai và có cử chỉ hào hoa này làm gì.
- Texas. Cậu Vũ trả lời gọn lỏn.
- Vì sao anh muốn trở về đây? Cô Loan hỏi tiếp.
- Để được may mắn là gặp cô! Cười hóm hỉnh một lúc cậu Vũ nói tiếp - Và một lý do nữa, nhưng nếu cô muốn nghe thì tôi chỉ có thể nói riêng với cô chứ không phải trước những “bá quan văn võ” này
- Nếu thế, trên đường về Sài Gòn, cậu muốn nói với cái Loan thể nào cũng được. Còn bây giờ mình tiếp tục làm người phi chính trị để không còn phải nghĩ ngợi gì cho mệt óc! Các anh chị cùng tôi vào nhà chào ông bà ngoại Phúc và gia đình chú Tuấn rồi mình làm gà, nấu cháo và đi thăm vườn. Tôi cam chắc là những người lớn đến đây hôm kia không biết hết những bí mật của vườn cây ăn trái này đâu.
Cậu Bình nói với nụ cười tươi khiến cho tất cả thanh niên nam nữ hân hoan với tính chóng quên của cậu<