Chương Hai Mươi Chín

Những ngày du lịch ở cao nguyên Đà Lạt, biển Nha Trang, sông núi ở Huế đối với ông Hoàng dài đằng đẵng như một thế kỷ. Hồ rộng, nước xanh, đồi cỏ, rừng thông, liễu rủ, và hoa đủ màu của Đà Lạt, biển xanh, cát trắng, dừa nghiêng, suối trong, đảo mơ, và hồ đầy cá của Nha Trang, và sông Hương, núi Ngự, lăng vua, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, và chợ Đông Ba của Huế đã không làm cho ông Hoàng mảy may xúc động. Chẳng khác gì chú rể bị bắt xa cô dâu ngay sau ngày động phòng, ông Hoàng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn. Và cũng vì thế, những cô gái với nước da trắng hồng và môi đỏ tươi của Đà Lạt, những cô gái với thân hình tuyệt mỹ trong những áo tắm đủ màu ở bờ biển của Nha Trang, và những cô gái với những chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng của xứ Huế chỉ là những cái bóng vô vị trước cặp mắt của ông Hoàng. Trong tâm tưởng của ông chỉ có một hình bóng độc nhất là cô Hoa với khuôn mặt tươi vui sáng rực, môi mọng đỏ  thắm và thân hình tròn trịa ngọt ngào. Mặc dù ông Thắng và bà Thu đã thuê phòng cao cấp nhất của các khách sạn cho ông, ông Hoàng không thể nào ngủ yên giấc trên chiếc giường nệm trống trải. Thao thức hàng đêm, ông trằn trọc nhớ những giây phút ân ái với người tình nhỏ bé của mình. Nỗi nhung nhớ càng lúc càng ngập tràn trong tâm hồn của ông khiến ông vốn đã ít nói trở nên trầm mặc hơn bao giờ. Ông đã không hề cười tí nào khi nghe những lời nói đùa của ông Thắng, không nhếch môi cho những câu nói tếu của cậu Nam, không góp vào câu nào cho những câu chuyện ngồ ngộ của ông tài xế và cũng không tỏ chút bất bình nào khi thấy cậu Vũ cười vui nói chuyện với cô Loan. Đồng thời với những cử chỉ lầm lì và tiêu cực ấy, ông không quan tâm đến chuyện con bé Lisa tỏ ra xa lánh ông. Con bé bám vào bà Thu suốt cuộc hành trình bởi thái độ lặng lẽ và sâu lắng kỳ lạ của ông bố. Nhìn ông như người bị mất hồn, mọi người đều nghĩ ông buồn vì chuyến tham quan du lịch thiếu sự hiện diện của bà Kim Cúc. Ngay cả cô Loan cũng nghĩ rằng bố mình đang tưởng nhớ đến mẹ nên mới để yên cho chuyện cô kết bạn với cậu Vũ.
Giống như ngộ nhận của cô Loan về thái độ im lặng bất thường của ông Hoàng và thấu hiểu tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của ông, bà Thu chỉ vào bản đồ của thành phố Nha Trang và đề nghị ông đi mua sắm vật lưu niệm tại  khu chợ lớn nhất của thành phố khi tất cả mọi người họp nhau trước đại sảnh của khách sạn N. Lời đề nghị của bà Thu quả nhiên có tác dụng. Vốn là người có thói quen mua sắm quà cho vợ, hơn nữa, vì muốn làm một việc ý nghĩa nhất dành cho người mình yêu trong những ngày xa cách, ông Hoàng tươi tỉnh nói:
- Vậy thì chúng ta đi mua sắm. Tính đến ngày mai lên đường thì chúng ta còn khoảng ba mươi ba tiếng đồng hồ để có mặt tại Sài Gòn!
Tất cả mọi người chưng hửng với số giờ vừa được nghe. Không ai có thể nghĩ ra được sự thương yêu và nhớ mong vợ  đến độ đếm từng giờ xa cách như ông.
Để đánh lảng ý nghĩ buồn cười thoáng qua trong đầu của mình, cậu Nam xoay sang đề tài khác với giọng tiếc rẻ:
- Phải chi chúng ta đi thẳng ra Hà Nội chơi thì bác tư và các anh chị biết thêm nhiều chỗ nữa rồi! Không thăm được Hà Nội cũng tiếc thật!
Đôi mắt của Cô Loan tỏ vẻ ái ngại:
-  Đi chơi tận ngoài Bắc?
Cậu Nam trả lời:
- Phải, ra ngoài đó để thăm Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam bây giờ và cũng là thủ đô của nước ta ngày xưa, Thăng Long.
-  Sài Gòn là thủ đô của miền Nam trước năm 1975 phải không? Cô Loan hỏi.
Cậu Vũ đáp lời thay cậu Nam:
- Đúng vậy, Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam trước 1975, còn bây giờ Hà Nội là thủ đô của toàn nước. Cứ nghĩ Sài Gòn chỉ là hòn Ngọc viễn Đông của ký ức, Huế là kinh đô vua chúa của một thời xa xưa và Hà Nội là thủ đô của bốn ngàn năm văn hiến. Người ta thường nói đến Huế, Sài Gòn, Hà Nội để đề cập đến ba miền Trung, Nam, Bắc và thường thể hiện đặc tính ba nơi này qua các y phục mỗi miền của các cô gái. Ba cô gái Bắc, Trung, Nam trong các tấm tranh sơn mài này, hoặc các tượng gỗ kia, hay các tấm hình khắc trên cái tủ ấy là ba cô gái Việt Nam thể hiện cái duyên dáng của họ qua ba loại y phục đặc trưng của ba miền. Miền bắc thì có áo tứ thân, nón quai thao, miền Trung thì có áo dài nón lá, và miền Nam thì có áo dài và dù màu.
Chỉ vào y phục của cô gái bằng tượng thạch cao lớn khổ như người thật cạnh dãy treo đầy quần áo đủ loại, đủ màu sắc, cậu Vũ nói tiếp:
- Bộ áo tứ thân này có lẽ hợp với Loan. Nếu cô thích, tôi xin được tặng cô làm kỷ niệm.
Chạm nhẹ tay trên tấm áo nâu, yếm hồng dây thắt xanh và khăn mỏ quạ màu nâu, cô Loan chợt nhớ đến lối trang phục như thế của Linh, cô em gái họ của cô, tấm ảnh được trưng bày trong phòng ngủ của cô ta mà cô thường ngắm khi cô ở nhờ. Thú vị  với ý nghĩ được chụp với bộ áo như thế để trang trí trong phòng ngủ riêng của mình tại Mỹ, cô Loan mỉm cười hỏi cậu Vũ:
- Anh nghĩ tôi là một cô gái Bắc sao?
- Đúng vậy! Không cần nhìn thấy cô, chỉ nghe tiếng cô nói, tôi có thể hình dung một cô gái Bắc kỳ  nho nhỏ, xinh xinh.
Bà Thu mau mắn chen vào:
- Chứ còn gì mà không phải là gái Bắc? Tắm biển bao nhiều lần mà da cháu trắng hồng như đánh phấn! Nước da này chỉ có mấy cô gái ngoài Bắc có mà thôi.
Cô Loan lo lắng:
- Cháu không giống một cô gái Việt Cộng chứ?
Bà Thu chau mày:
- Trời đất ơi! Không biết lấy nguồn ở đâu mà đứa cháu gái này của tôi ngu ngơ đến tội nghiệp như vầy? Con gái Bắc là con gái đẹp nhất nước Việt Nam đó con à!
Cô Loan đáp:
- Cháu không muốn mọi người nghĩ cháu xấu hay đẹp mà chỉ cần được nghĩ cháu là người có ích, nhân hậu và nhu mì là đủ.
Bà Thu nói vội vàng:
- Dĩ nhiên mọi người nghĩ con là người vừa đẹp vừa ngoan rồi, chỉ có tính hay nghi ngờ thôi! Đừng nghĩ là tất cả người ở miền Bắc đều xấu! “Nơi đâu cũng có anh hùng, nơi đâu cũng có người khùng người điên” vì vậy đừng nên thành kiến về bất cứ cá nhân nào cả con ạ! Ở đâu cũng có nhiều kẻ quen miệng chửi thề nhưng không lắm người ăn nói đàng hoàng tử tế, ở đâu cũng có nhiều kẻ cực đoan một chiều nhưng cũng không ít người cởi mở, phóng khoáng. Ra ngoài Bắc được một lần rồi con mới thấy thương những người dân ngoài đó. Người trong miền Nam khổ một, chứ ngoài ấy khổ hơn đôi ba lần. Mặc ai làm lớn sung sướng thể nào, đời sống dân chúng ngoài ấy chẳng có chút gì đổi thay. Trước năm 1975, dân miền Bắc tưởng dân miền Nam đói khổ và bị quân đội Mỹ “xâm lược” nên hết lòng tiết kiệm, và hy sinh cho “chiến trường miền Nam”. Sau năm 1975, đối diện với sự thật, họ bàng hoàng dữ lắm. Nếu cháu nghe họ nói chuyện thì mới biết họ phẫn uất với những điều mâu thuẫn và phi lý như thế nào! Còn “dữ” hơn dân miền Nam mình nữa đó! Bây giờ họ  khác lắm chớ  không còn sợ chỉ điểm, đấu tố hay kiểm điểm phê bình như trước nữa đâu! Hiểu rõ sự mâu thuẫn giữa điều nghe tuyên truyền với thực tế, họ nói thẳng, nói thật và phê bình “sát ván” chứ chẳng ngán ai đâu! Nhờ  như vậy mới có chuyện đổi mới, chuyện thông thương với các đường bay nước ngoài và chuyện gia đình con về thăm quê. Nếu đất nước này còn gắt gao như thời hậu chiến năm 1975 thì ba mẹ con không đưa các con về thăm cô như vầy đâu!
Vuốt mái tóc cô Loan, bà Thu nói thêm với vẻ hài lòng:
- Tóc đen mướt, da trắng hồng, khuôn mặt xinh xắn lại nói tiếng Bắc lai như vầy mà ở ngoài Hà Nội thì đố ai nói là không phải gái Bắc! Phải chi có đủ thì giờ thì cô đưa con về thăm quê của ông bà tổ tiên của con, hay là...
Nhăn mặt nhìn bà Thu vì lối nói nhiều của bà giữa chốn đông người, ông Hoàng cắt ngang:
- Khi ở Huế, chúng ta đã quyết định không ra ngoài đó mà quay lại Nha Trang để đi chơi đảo và tắm biển thêm thì cứ vậy mà làm. Không tính toán gì nữa hết!
Lisa níu tay bà Thu:
- Mấy loại áo Bắc Trung Nam này cũng có loại dành cho trẻ em nữa kìa cô!
Bà Thu mau mắn:
-  Đúng vậy! Có nhiều loại lắm đó con. Nếu con muốn, cô sẽ mua cho con chụp hình chân dung!
Lisa gật đầu:
- Cháu thích lắm ạ! Trước đây mẹ cháu thường đưa cháu đi các hội tết Nguyên Đán, tết Trung Thu do cộng đồng người Việt tổ chức, cháu có được mặc vài lần khi các cô giáo bảo cháu múa.
- Vậy thì cô mua tặng con đủ ba bộ áo dài Bắc Trung Nam để sang đấy cháu tha hồ diện, không cần mượn ai. Đây có cả áo bà ba, xà rông của người dân tộc thiểu số Thượng lại còn có dây băng cột trên đầu, giỏ xách, ví đựng tiền và đồ trang sức đeo cổ, đeo tay nữa nè!  Con muốn loại gì cho cô biết, cô mua ngay cho con.
Cậu Vũ vui vẻ nói với cô Loan:
- Khi nào được ra Hà Nội, tôi sẽ mua tặng thêm cho Loan một chiếc nón quai thao.
- Cần gì phải ra Hà nội! Đây cũng có nè! Ông Thắng vừa chỉ lên đỉnh một góc tường nơi tiếp giáp với trần nhà, vừa chọc cậu Vũ - Đã định tặng thì tặng luôn đi! Hỏi ông chủ tiệm  thêm các món hàng đặc biệt để lấy luôn một thể!
Bước đến kệ trưng bày các loại ốc biển, nơi cậu Phụng đang đứng tần ngần ngắm nghía, cậu Nam lấy một con ốc to bằng một nắm tay lớn hình tháp vỏ ánh xà cừ đưa trước mặt cậu này:
- Anh áp con ốc này vào tai đi! Bảo đảm sẽ nghe tiếng gió và tiếng sóng từ trong ấy. Nếu có bạn gái, mua tặng thì rất có ý nghĩa!
Ông Thắng quay đầu sang họ cười:
- Vấn đề là có cô nào chưa mới mua mà tặng chứ!
Cậu Phụng áp con ốc vào tai một lúc, chọn lựa một hồi, lấy ra một con rồi đưa cho ông chủ tiệm:
- Chú gói con ốc này và bỏ vào hộp quà có giấy gói trang trí cẩn thận dùm cho cháu.
Ông Hoàng nhìn các rổ ốc, các xâu chìa khóa, các chiếc nhẫn xà cừ và các chiếc kẹp trang trí bằng vỏ ốc được kê cạnh chiếc tủ đầy các loại đá đủ màu một lúc rồi hỏi ông chủ:
- Ở gần đây có tiệm Kim Hoàn nào không ông?
- Dạ có. Đi khoảng bảy tám tiệm hướng về phía chợ Nha Trang là một dọc các tiệm vàng bạc và đá quý ông tha hồ mà chọn.
Ông Hoàng nói với ông Thắng và bà Thu:
- Anh đi lên ấy một lúc rồi trở lại.
Bà Thu há miệng toan  nói vớí ông điều gì, ngậm ngay khi ánh mắt lừ lừ của ông báo cho bà biết ông cần mua những thứ nào đó với sự đơn lẻ của ông chứ không phải cùng một nhóm ồn ào.
Con bé Lisa lại níu tay áo của bà bảo bà tròng thử bộ đồ vào người của nó.