Chương Ba Mươi Tám

Đáng tiếc cho số phận của ông Hoàng, người vợ thứ của ông không những được ông hết lòng thương yêu đến mức bỏ tài sản, và vợ con, mà một người đàn ông da trắng ba mươi tám tuổi, đã một lần ly dị, có quốc tịch Mỹ, nhà lớn và xe đẹp hết lòng yêu thương cô và sẵn lòng chăm sóc con riêng của cô như chính con ruột của ông ta.
Mỗi buổi sáng, sau khi đưa thằng bé Tony đến nhà trẻ, trên đường về cô Hoa thường đi ngang ngôi nhà trắng có những khóm hồng đỏ ven đám cỏ xanh mịn phía trước để nhìn người đàn ông ngồi đọc báo nơi chiếc ghế trước hiên. Bất kể lời dặn dò của ông Hoàng về sự cẩn trọng đối với việc tiếp xúc, chào hỏi hay đặt chân vào nhà một người không biết tông tích gì trên đất nước Hoa Kỳ, cô đã đáp lại lời chào buổi sáng với “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng” trong một buổi sáng tươi hồng để nghe ông ta giới thiệu tên, rồi tự giới thiệu tên mình và nhận cánh hồng đỏ do ông trao tặng. Sau hôm ấy hai ngày,  trên đường từ nhà trẻ về một mình, cô Hoa vui vẻ chào buổi sáng với “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng” rồi đi thẳng vào trong ngôi nhà theo lời mời của ông ta. Giữa căn phòng khách rộng,  trong khi cô cười gượng với những tiếng Anh bập bẹ “anh, em” rồi “em, anh”, ông Wilson, “người đàn ông da trắng thường đọc báo trước ngôi nhà trắng”, ve vãn cô bằng những câu tiếng Anh với giọng Tây Ban Nha như “Em đẹp lắm!”, “Em duyên dáng làm sao!”, và “Tôi yêu em ngay phút đầu tiên gặp mặt”. Thật sự, ông Wilson chỉ nói lấy lệ chứ không cần sự đáp trả của cô Hoa khi mà những bước chân dạn dĩ của cô trong căn nhà yên ắng  của ông và vùng ngực bày ra ở vòng cổ áo rộng của cô đã thay  thế cho những lời “Em đang đến với tình anh” và “Em sẵn sàng chào đón anh”. Cho nên sau vài câu tán tỉnh lấy lệ, ông Wilson lập tức đáp lại thứ ngôn ngữ “ngầm” của cô Hoa bằng nụ hôn môi khiến cô suýt  ngạt thở.
Nếu như ngày trước cô  Hoa tự giác tìm đến và yêu ông Hoàng điên dại vì cảm nhận ông là tổng hợp đặc biệt của người đàn ông Việt Kiều đáng tuổi cha và đã có gia đình,  thì nụ hôn bạo dạn của ông Wilson lúc ấy đã gợi cho cô thế giới bí ẩn và quyến rũ của một người đàn ông ngoại quốc có thân hình cao lớn, da trắng đỏ và hai ngôn ngữ sử dụng mà cô chẳng biết Tây Ban Nha hay Mỹ là ngôn ngữ chính của ông ta. Để quên hết tâm trạng đang phẫn uất, hờn ghen và cũng để thỏa mãn sự hiếu kỳ, cô Hoa đã thường ngoại tình với ông Wilson sau những lần đi về từ nhà trẻ của Tony mỗi buổi sáng. Sự dan díu của họ tưởng đâu chỉ là sự chung đụng xác thịt của những kẻ đùa vui trong phút chốc nào ngờ ông Wilson thố lộ rằng ông yêu cô đến độ không thể để mất cô. Với tài sản và vốn liếng của chủ một tiệm sửa xe, ông hứa sẽ cung phụng cho cô tiền bạc đầy đủ, bảo bọc hai mẹ con cô suốt đời và sẽ dời chỗ ở bất cứ lúc nào cô muốn. Hiểu lời hứa của ông Wilson mập mờ tiếng được tiếng không nhưng cô Hoa đã chấp nhận những gì ông nói như chấp nhận một cánh cửa mở rộng cho tương lai của cô, con của cô và những người thân của cô còn ở Việt Nam.
Ngày sinh nhật của ông Hoàng là ngày mẹ con cô Hoa đến ở nơi căn nhà thuê với ông đúng mười một tháng. Hôm ấy, thay vì nhận hoa, thiệp hay quà sinh nhật, cô Hoa đã làm ông “ngạc nhiên” bằng những chiếc vali sẵn sàng và lời tạ từ nghiêm túc với ông. Cũng ngày hôm ấy, vì ông đã mời các ông Tiến, ông Thương và ông Tảo đến chơi, nên ông không thể nào hăm he hay đe dọa cô ta trước mặt khách. Ông đã làm ra vẻ như mẹ con cô Hoa đang chuẩn bị đi du lịch xa nhưng thái độ lầm lầm không hỏi không chào ai và hành động ngang nhiên của cô Hoa khi mở cửa ra vào, tay nắm Tony tay kéo va li đi đến chiếc xe của ông Wilson đang chờ trước cổng không thể nào giấu được bí mật của tấn kịch mà ông Hoàng cố tình che đậy trước những đôi mắt kinh ngạc của bạn bè ông.
Hôm ấy, các ông họp nhau tại nhà ông Hoàng không phải vì mừng sinh nhật ông mà vì họ bắt đầu họp lại để coi trận đấu bóng có đội Da Đỏ tham gia. Trước đây, mỗi khi có những trận đấu bóng của đội Da Đỏ với các đội khác vào những chiều thứ bảy hay chủ nhật, ba ông này thường “đơn thân, tay trắng” đến nhà ông Hoàng ở quận B. nhậu nhẹt, còn khi ông ẩn cư ở  quận G., thỉnh thoảng họ họp nhau với rượu, bia, đồ nhắm và thuốc lá mang theo.  Hôm ấy là chiều thứ bảy, tưởng đâu cuộc họp mặt sau một thời gian không gặp nhau sẽ cho họ có nhiều chuyện trao đổi thú vị nào ngờ cái bi kịch vừa chứng kiến đã làm tịt cái “bệnh nói chuyện” của họ khoảng mười lăm phút tại phòng khách. Để tránh tình trạng làm đau lòng thêm kẻ đang buồn,  họ bắt đầu mở bia và hút thuốc trong im lặng rồi từ từ bắt đầu vào chuyện về bóng đá, về những trận đấu của năm, về cầu thủ, về người chạy bóng, người chụp bóng, người ném bóng, về hướng dẫn viên, về bình luận viên rồi cá nhau những đội sẽ được vào chung kết. Nói về bóng, về cầu thủ, về đàn ông, họ muốn làm khuây những gì vừa mới xảy ra cho ông Hoàng, thế nhưng, một cách vô ý thức khi đề cập đến các cầu thủ, các hướng dẫn viên và các bình luận viên họ đề cập đến  những người vợ, những người bạn gái của những người này rồi đi sâu hơn trong đề tài “người phụ” rồi đến đề tài “phụ người” và lòng vòng trở lại đề tài “người phụ”. Và như thế, càng giả vờ đồng ý cái màn kịch mà ông Hoàng cố tạo nên, họ càng nói về sự phản bội của đàn bà bởi những gì vừa chứng kiến vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của họ. Tự coi là kẻ may mắn, ông Tảo đề cập đến cái “Lầm” của những người đàn ông “Việt Kiều” lỡ dại đưa các phụ nữ trẻ đẹp Việt Nam sang Mỹ trong khi ông Thương đề cập cách thức trị những người đàn bà phản bội bằng  đạo luật đã ấn định: Thông báo với sở an sinh xã hội để họ khỏi được lấy thẻ xanh  rồi để cho chính phủ Mỹ trả họ về  lại Việt Nam với sự  lừa dối của họ.
Ông Hoàng không nói không rằng, rít thuốc lá không ngừng, một thói quen mắc phải từ khi vào quân trường, bỏ được sau khi rời Thái Lan và đã trở lại sau ngày dứt áo bỏ đi khỏi nhà. Càng rít thuốc, ông càng thấy miệng nhạt thênh thếch. Cay đắng với bài học là kẻ từng phụ tình nay bị tình phụ, ông cảm thấy cần chất men cay hơn và nồng hơn để  át cái vị bia nhạt nhẽo trong cuống họng và khói thuốc vô vị trong phế quản. Tìm chai rượu mạnh nhất trong tủ, ông mở nút, rồi nốc ngay một hơi dài. Chất rượu từ từ thấm vào nỗi buồn và ông càng lúc càng tự trách mình nhiều hơn người. Ông đã tự trách là đã nông nổi giao hết cả tài sản cho bà Kim Cúc cho nên không giữ nổi cô Hoa. Tự mỉa mai là kẻ từng chiến thắng trong thương trường và làm bao nhiêu bạn bè và người quen biết nể vì nay lại phải thất bại trong con đường tình ái chỉ vì không hiểu thâm thúy ý nghĩa của câu “Khi cái nghèo đi vào cửa lớn thì tình yêu đi ra cửa sổ” và áp dụng nó một cách triệt để nên phải hứng trọn kết quả khá cay đắng, ông miên man chất vấn sự thiếu tính toán của mình.
Mải mê dằn vặt chính bản thân, ông Hoàng không hề để ý trận đấu diễn ra như thế nào và cũng không mảy may có ý nghĩ cô Hoa là một bóng đen che lấp ánh sáng mặt trời hạnh phúc rọi cho cuộc đời an bình của ông với bà Kim Cúc trước đây. Thay vì nghĩ đến chuyện được bà Kim Cúc tha thứ để có thể trở lại mái nhà xưa, ông chỉ mơ tưởng hình ảnh duy nhất là cô Hoa đưa Tony trở về. Ông mong mỏi tiếng gõ cửa, tiếng kêu của chuông điện và sự xuất hiện của mẹ con cô Hoa như hôm hai mẹ con cô đã bỏ đi một đêm đến tận sáng mới trở về.  Hứa với lòng sẽ không trách móc hờn ghen hay lớn tiếng khi cô Hoa xuất hiện trở lại, ông chợt nhớ  đến số tiền tiết kiệm dành cho hưu trí chưa đụng đến rồi tính chuyện rút nó ra để gầy dựng một tiệm Móng Tay cho cô Hoa làm chủ.
- “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo” cho nên cứ sống độc thân như tôi riết rồi cũng quen. Ông Thương nói nhừa nhựa như một hiền triết.
- Nhiều người đồn “giá” của đàn ông Việt Kiều ở Việt Nam giờ cao lắm cho nên không thiếu gì kẻ huênh hoang “áo gấm về làng” tìm vợ trẻ đẹp để nếm mật ngọt. Sàng sàng, lọc lọc kiếm được “nàng” xong lại phải lăng xăng lo tiền  mua vé máy bay, lo đón rước, lo cấp dưỡng ăn học, lo cho lấy bằng lái xe,  lo cho lấy bằng Quốc tịch... Xong xuôi đâu đó rồi thì mấy  “nàng” cho nếm mật đắng ở “bảo tàng viện”! Nhan nhản trước mắt biết bao là chuyện xảy ra giống nhau như thế vậy mà thiên hạ cứ đâm đầu vào! Cái tụi trẻ sau này có tâm hồn gì đâu mà tin tưởng? Chúng chỉ lấy tiền bạc làm thước đo mọi thứ thôi! Lấy vợ như vậy lấy làm gì? Chẳng thà ở vậy làm bạn với bia rượu mà sướng thân! Ông Tiến nói với giọng chua như dấm rồi chửi thề vài tiếng sau đó.
- Cần gì phải đưa mấy “em” sang đây? Em nào thích mình thì mình đáp lại. Trời cho mình gì thì hưởng nấy, hơi sức nào nghĩ ngợi lôi thôi!- Ông Tảo vừa nói vừa cười.
Mặc cho các ông bạn nói thể nào, ông Hoàng không chen một lời. Lặng lẽ rít thuốc, nốc rượu và nhìn màn hình. Đôi mắt đỏ sòng sọc của ông ánh lên theo đóm lửa bấp cháy. Hình ảnh lởn vởn của các cầu thủ chạy lui tới trong màn ảnh truyền hình bất chợt khơi lại cho ông hình ảnh người đàn ông có thân hình cao lớn, nước da trắng đỏ và cử chỉ ân cần với cô Hoa. Khi hình ảnh các cầu thủ nhạt nhòa trong đôi mắt ông, hình ảnh cô Hoa bước vào chiếc xe trắng và cảnh ái ân giữa cô ta với người đàn ông có nước da trắng đỏ hiện ra. Nốc thêm hai hớp rượu, đôi mắt ông long lên. Ông chợt thấy hình ảnh vụng trộm của cô Hoa khi ông vắng nhà chẳng khác gì hình ảnh cô lén lút dâng hiến đời con gái cho ông ở nhà bà Thu. Nốc thêm vài ngụm để nuốt hết nỗi uất ức đang tắc nghẹn ở cổ họng, ông Hoàng thẫn thờ lẩm bẩm “Ta chỉ là cây cầu không hơn không kém. Cô ấy chỉ lợi dụng ta để đến xứ này chứ không hề có chút yêu thương nào.”
Thừ người nhìn màn hình một hồi  lâu, ông Hoàng nghe loáng thoáng lời chào tạm biệt của bạn bè. Khi cảm thấy không còn ai quanh mình, ông vật đầu trên tựa ghế sô pha  rồi chơi vơi trong men rượu. Một lát sau, ông gượng đứng lên rồi chập choạng đi vào phòng ngủ. Mùi hương của cô Hoa trên gối và trên giường gợi lại nỗi nhớ trong ông. Vùi đầu vào chiếc gối trắng ông đã khóc sướt mướt như một đứa trẻ rồi lịm vào cơn say mèm trong khi tiếng nói từ chiếc ti vi vẫn còn văng vẳng suốt cả đêm ở  phòng khách.