Chương Chín

- Thưa cô, ngày hôm qua em đã đến đây như cô dặn. Cô Vân lễ phép nói.
Bà Kim Cúc vừa cởi chiếc áo khoác đỏ vừa đáp lại:
- Cảm ơn em đã đến đúng hẹn. Xin lỗi em là tôi đã quên gọi báo cho em biết ngày tôi trở lại tiệm là ngày thứ năm chứ không phải ngày thứ tư. Ngày hôm qua em có học được chút nào chưa?
Cô Vân lắc đầu trong khi cô gái có mái tóc tém kiểu con trai láu táu:
- Cô Hoàng đâu cần lo lắng cho chỉ nhiều như vậy! Chỉ có người săn sóc, và chỉ vẽ tận tình rồi mà!
Bà Kim Cúc đưa ánh mắt lạnh lùng và bình thản gắn chặt trên khuôn mặt chàng Duy Anh:
- Em là người quản lý của tiệm này.
Người thanh niên đáp lại:
- Dạ phải. Em tên là Nguyễn Duy Anh. Em được anh Tảo giới thiệu và được anh Hoàng nhận vào làm ở đây.
Bà Kim Cúc gật đầu, bước thẳng vào trong tiệm. Nỗi ấm ức hoàn toàn chiếm ngự sự kinh ngạc đang có của bà. Qua lối tự giới thiệu, bà hiểu rằng người thanh niên kia hoàn toàn chối bỏ sự quen biết giữa anh ta với bà trước những cô thợ và nhất là trước mặt cô Vân. Và cũng qua lời tự giới thiệu, cách xưng hô của anh ta với ông Hoàng ngầm cho bà biết anh ta ở vị trí “anh em” chứ không phải là “chú cháu” như bà đã biết sơ về lý lịch của anh.
Cô gái với tóc kiểu con trai và đôi lông mày mỏng như chỉ đi theo bên cạnh bà Kim Cúc phàn nàn:
- Không biết ông Duy Anh có quan hệ gì với chú Tảo mà được chú Hoàng tin tưởng ghê đó cô. Hình như “ổng” không có bằng làm móng tay hay sao đó mà em không thấy “ổng” làm cho người khách nào cả. Khách đông cách mấy “ổng” cũng để tụi em làm chứ không làm phụ như chú Tảo đâu cô!
Sau khi chào người khách đang được phục vụ và cô thợ có nước da nâu sẫm và thân hình đẫy đà tại chỗ làm móng chân nước, bà Kim Cúc quay sang hỏi cô gái thay vì trả lời:
- Duy Anh làm ở đây bao nhiêu lâu rồi hả Kim?
- Dạ gần hai tháng rồi. Khoảng trước Giáng Sinh đó cô. Chú Tảo giới thiệu “ổng” cho chú Hoàng.
Bà Kim Cúc vừa mở phòng chứa đồ dành cho nhân viên vừa hỏi:
- Hai tháng cũng lâu rồi mà Kim không biết là anh ta có hay không có bằng làm móng sao?
- Dạ không cô ạ! “Ổng” kín đáo và nghiêm trang như ông cụ. Chỉ có ngày hôm qua là “ổng” vui vẻ và nói nhiều bởi vì gặp con Vân. Chắc là “ổng” biết nó trước rồi nên đối đãi đặc biệt với nó. Hôm qua “ổng” tự ý lấy vật dụng trong tiệm cho nó tập giống như “ổng” là chủ tiệm này vậy.
Bà Kim Cúc hạ giọng thật thấp khi thấy anh Duy Anh đang tiến về phía sau lưng cô Kim:
- Chuyện gì để cô tính sau.
Cô Kim định nói thêm đã phải quay ra sau với thông báo của anh Duy Anh:
- Chị Minie có khách.
Nhận tấm phiếu chữ nhật nhỏ bằng nửa bàn tay của đàn ông, cô Kim khép ngay đôi môi và lặng lẽ bước theo anh Duy Anh ra phía trước. Bà Kim Cúc, sau khi rút xấp giấy tờ từ trong chiếc xách tay và đóng cửa phòng chứa vật dụng dành cho nhân viên, bước theo sau họ với ánh mắt ngơ ngác nhìn quanh tiệm. Tủ kê ti vi và đầu máy thường để sau phòng ăn của thợ luôn luôn hoạt động hàng giờ bởi những bộ phim Tàu tiếng Việt rổn rảng, gay cấn, éo le hay bi thảm khóc lóc nay được kê trước năm cái bồn ghế spa làm móng chân khách với tin thời sự của đài truyền hình số bốn và tiếng Mỹ lúc văng vẳng, lúc râm ran. 
Càng đi ra phía trước, bà càng cảm tưởng như tiệm của mình rộng rãi hơn và khang trang hơn. Tám cái bàn làm móng tay, trước đây được kê thành hai hàng ngang đối diện nhau chiếm phần lớn lối đi chính giữa bởi tám chiếc ghế ngồi của khách, được kê dọc sát vào hai vách tường cho nên giữa lối đi tở nên quang đãng và rộng rãi hơn xưa. Cách sắp xếp không những tạo cho lối đi chính giữa rộng rãi hơn trước mà còn hạn chế những mẫu đối thoại với nhau bằng tiếng Việt của những người thợ khi họ không còn được ngồi ngang hàng với nhau. Nếu ngồi ở bàn làm việc các cô thợ chỉ có thể nói chuyện với khách trong lúc phục vụ bởi vì phía trái và phải của họ là không gian của lối đi chính giữa hay vách tường sát bên cạnh. Trên tường, dọc các chỗ ngồi của các cô thợ rực rỡ bởi những tấm gương soi mặt sáng bóng, những hộp kính chứa vô số mẫu vẽ và những cô người mẫu với những bàn tay thời trang lạ mắt và tuyệt đẹp.
Khu vực tiếp khách cũng được thay đổi trái ngược hoàn toàn với các vị trí trước đây. Cách sắp xếp khá đặc biệt khiến bà tin chắc ý kiến đưa ra cho việc thay đổi chắc chắn phải có sự đồng ý của chồng bà. Quầy tiếp khách và thu tiền nơi mà trước đây được kê ngay góc phải của tiệm nay được đặt ngay sau cửa ra vào mà bảng ghi giá tiền các món phục vụ và bằng hành nghề của tiệm của bức tường cạnh ấy đập ngay vào chú ý của khách. Chỗ cũ của quầy tiếp khách được thay bằng tủ kính trưng bày các lọ nước sơn móng tay đủ màu mà trên mặt tủ là bảng kê giá tiền của từng loại. Ch?u cây cảnh v?i các cành lá tươi xanh vươn cao gần như che khuất cây móc áo khoác và tủ để các tạp chí dọc sát bức tường bên trong. Càng ngắm nghía xung quanh, bà càng bằng lòng với cách thay đổi hợp lý cho dù bà không đoán được cách bài trí này là do anh Tảo người quản lý cũ hay do anh Duy Anh người quản lý mới đặt ra.
Cô Vân đang nói chuyện với anh Duy Anh, ngưng bặt và quay sang hỏi bà Kim Cúc:
- Thưa cô, em phải làm gì ạ?
- Chờ cô chút xíu. Cô phải chuẩn bị giấy tờ cho em điền để gửi cho State Board rồi mới tính được.
Anh Duy Anh chỉ chiếc bàn làm móng tay ngay sau quầy tiếp khách và nói với bà Kim Cúc:
- Bàn làm việc của chị vẫn là chỗ cũ. Chỗ này, chị có thể vừa làm cho khách và có thể quản lý tiệm. 
Bà Kim Cúc ngồi xuống ghế, lạnh lùng đáp:
- Trước đây tôi có thời gian nên đã phụ với anh Tảo quản lý tiệm nhưng hiện thời tôi không nghĩ là tôi có thể phụ em. Em đã làm ký cam kết với chồng tôi như thế nào thì cứ thế mà tiếp tục làm.
- Chị không thấy có vấn đề gì khi ngồi chỗ này chớ?
- Không. Tôi có thể ngồi bất cứ nơi nào theo sự sắp xếp của em miễn là thuận lợi cho tiệm, cho khách và những người thợ khác.
- Em nghĩ trước đây chị thường ngồi bàn này và phía này chắc là chị thích chỗ này.
Bà Kim Cúc toan nói cho anh Duy Anh biết là mặc dù  bàn làm việc này là bàn làm việc cũ của bà nhưng vị trí của nó hiện thời bị che khuất bởi cái quầy thu tiền và như thế người đối mặt với bà là cái quầy và anh ta chứ không phải tấm cửa gương ra vào mà bà có thể chào khách ngay khi họ mở tấm cửa kính vào như trước đây. Tuy nhiên, bà đã im lặng để giữ mức lịch sự và tôn trọng vị trí quản lý của người thanh niên này, rồi bà bảo cô Vân ngồi xuống chiếc ghế đối diện của khách và hướng dẫn cô điền vào những ô mục của các mẫu đơn. Trong khi cô Vân lúi húi ghi ghi điền điền, bà Kim Cúc mở các hộc tủ của bàn làm việc với đôi mắt ngạc nhiên. Hộp móng tay giả với các số lớn nhỏ, hộp đồ nghề làm móng tay mới sáng với các vật dụng cắt móng tay, những cây giũa móng tay, cây đẩy da chết, xốp chà bóng, và hộp đựng bông gòn đều được xếp đặt thứ tự. Sự ngăn nắp của các vật dụng trong các hộc tủ khiến bà chú ý kỹ hơn những vật dụng trên bàn. Bà nhận ra hộp keo, hộp đựng bột, thuốc rửa móng, những chai nước sơn đủ màu và máy giũa làm móng bột được lau chùi sạch sẽ và sắp đặt thứ tự.  Tất cả dường như được chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo để cho công việc tiến hành được thuận lợi hơn và nhanh chóng hơn. Lạ lùng với chiếc khung chữ nhật gắn ngay chính giữa bàn làm việc mới của mình, bà tò mò hỏi anh Duy Anh:
- Cái gì đây?
- Đó là máy hút khí loại tân tiến nhất hiện nay. Loại bàn mới có máy hút khí này do anh Hoàng đặt mua trước Tết và sai thợ lắp ráp cách đây hai tuần. Với cái hộp hút bụi dơ lẫn khí độc tại những chiếc bàn làm việc của thợ và hệ thống thông khí tối tân trong tiệm, thợ làm móng bột không cần đeo khẩu trang cũng bảo đảm được sức khỏe.
Bà Kim Cúc gật đầu và im lặng bấm nút qua lại để thử bộ phận hút bụi. Đến lúc ấy bà mới nhớ ra là khi bước vào tiệm, dù đã vắng mặt trong khoảng thời gian cũng khá lâu, bà không ngửi thấy mùi nồng nặc của thuốc rửa và sơn móng tay như trước đây. Cảm động trước tấm chân tình của chồng dành cho mình, bà quên hẳn người thanh niên đang chăm chú nhìn bà, và đang chờ nghe những lời đối đáp kế tiếp cũng như không để ý là cô gái tên Vân đang chìa những tờ đơn đã điền xong trước mặt.
Anh Duy Anh nói tiếp:
- Em nghe nói anh Hoàng đã bỏ khá nhiều tiền cho hệ thống thông khí cá nhân này, nhưng nhờ vậy mà tiệm đã giữ được thợ và chưa kể là nhiều người muốn xin vào làm việc cho tiệm này. Nơi nào cũng chia sáu bốn cho thợ nhưng thợ thích làm ở tiệm mình vì môi trường làm việc ở đây bảo đảm môi trường an toàn cho sức khỏe hơn các tiệm khác. Tiệm mình giờ cũng nhiều khách lắm bởi vì khách cũng biết là với hệ thống hút khí chết ra khỏi tiệm, họ có thể ngồi trong tiệm cả ngày, kể cả khi họ dắt con nhỏ đi cùng.
Bà Kim Cúc lại gật đầu bình thản và kết thúc câu chuyện với anh bằng câu nói hết sức lạnh nhạt.
- Nhìn số khách trong tiệm vào thời gian mưa tuyết như thế này tôi cũng hiểu được.
Cô Vân hỏi trong lo lắng:
- Em nghe nói hình như muốn làm trong tiệm móng tay phải có tên Mỹ để khách gọi mình dễ hơn tên Việt phải không chị?
Ngạc nhiên với lối xưng hô thay đổi đột ngột của cô Vân, bà Kim Cúc liếc xuống tờ đơn trước mặt. Năm sinh 1971 có nghĩa là cô Vân lớn hơn cậu Phụng con bà mười tuổi. Với số tuổi hai chín cô vẫn có thể đáng hàng cháu của bà thế mà cô đã thay đổi cách xưng hô giống với lối xưng hô của anh Duy Anh đối với bà khi mà bà chắc chắn cô đinh ninh anh ta lớn hơn tuổi cô rất nhiều với phong cách già dặn của anh.
Không nghe bà Kim Cúc trả lời, cô Vân hỏi tiếp:
- Nếu phải có một tên Mỹ, chị đặt cho em một tên được không?
Khuôn mặt ngơ ngẩn của bà Kim Cúc sáng hẳn lên với nụ cười thật tươi.
- Được chứ! Nếu em muốn.
- Em sẽ thích bất cứ tên Mỹ nào mà chị đặt cho em. Em tin tưởng chị làm việc gì cũng tốt đẹp.
Bà Kim Cúc ngạc nhiên:
- Vì sao em nghĩ vậy?
- Em không biết nhưng gặp chị lần đầu tiên em có ngay ấn tượng chị là người ngay thật, uy tín, đáng tin cậy và dễ gần gũi.
Bà Kim Cúc chăm chú nhìn cô Vân một lúc rồi chậm rãi nói:
- Tôi thường ao ước nếu tôi có thêm một đứa con gái nữa tôi sẽ đặt tên là Katherine gọi tắt là Kathy. Katherine nghĩa là trong sáng cao thượng. Tôi nghĩ ngoại diện của em phù hợp với tên này nhưng không hiểu em có muốn tên ấy không.
Cô Vân cười thật tươi:
- Em sẽ là Kathy.