Chương 25

Về ở với vợ chồng Thắng, ông thấy nhà cửa rộng quá, bản thân ông lại đang thời kỳ thăm thú phong thổ. Ông bảo vợ chồng Thắng khoan hãy thuê hay mua nhà riêng cho ông. Để ông còn thử sức cái đã...
Quả là xa con xa cháu đã quá lâu, ngoài cái thứ bậc trong gia đình do ngàn vạn năm đặt ra, ông thấy giữa ông và con cháu đã xuất hiện một dải ngăn cách, một vùng cấm nào đó rất khó tả, bất khả xâm phạm...
Ở ngay trong nhà con cháu, thế mà cơ hội chuyện trò với các con các cháu rất hi hữu. Từ hôm ông đến ở cái nhà này, vẫn chưa có lấy một bữa cơm nào đông đủ cả nhà. Không hiếm những bữa cơm ô-sin dọn ra cho ông ăn một mình..
- Thắng ơi, một tháng con ở nhà mấy ngày và ăn cơm ở nhà mấy bữa?
- Bố thật là cờ lát xích trên cả cờ lát xích(°)[(°) Classic: kinh điển, cổ điển.]. - Thắng khoe tiếng Anh với bố.
- Xiềng với xích cái phải gió?
- Ý con muốn nói bố hâm hay là cổ hủ trên cả cổ hủ?
- Anh nói với bố anh thế hả?
- Hề hề hề...
Thắng chỉ nhe răng cười.
Cái bữa tiệc sáng của Thắng trước khi đi săn hôm nào lại gọi gió bão về trong đầu ông Tiến. Ông Tiến nghiến răng lại, tìm cách bỏ qua mọi chuyện.
...Trong một bữa cơm tối chỉ có ông với cô con dâu Kim Hồng, vợ Thắng:
- Cô không biết giữ chồng ở nhà thì tôi e là cái gia đình này tan nát! - Thấy không có ai chung quanh, ông Tiến đắn đo mãi mới dám nói với con dâu điều nghiêm trọng ông lâu nay lo lắng cho gia đình này.
Kim Hồng cười ngặt nghẽo, oặt người ra ôm bụng cười, không sao dứt ra được:
- Khi Trung tâm Bình Tiến mới ra đời nếu bố lo như vậy thì đúng là điều chúng con đã nghĩ tới. Bây giờ chúng con đã tiến qua giai đoạn này từ lâu rồi bố ơi! Lâu lắm rồi!..
Ông Tiến đưa hai tay ôm đầu, mãi mới hỏi được:
- Trời đất ơi!.. Cô cậu đã tiến lên giai đoạn nào?
- Trên cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bố ạ! Chúng con đã bước vào giai đoạn tự do của mỗi người là quyền của mỗi người!
- Láo! Ai dậy cho cô cậu cái triết lý này?
- Tiền, bố ạ. Tiền mới làm được như vậy. Tiền gìn giữ mối dây liên hệ giữa vợ chồng con. Chừng nào còn giúp được nhau làm ra tiền và có nghĩa vụ với con cái thì nô-fo-gâu! Bố hiểu chưa? - Kim Hồng bật tành tạch hai ngón tay làm điệu bộ hỗ trợ câu nói của mình.
- Gâu gâu cái con khỉ! Ai nói chuyện chó mèo ở đây! Bố thấy ông huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ ăn cơm ở cái nhà này còn nhiều hơn cậu Thắng.
- Chuyên gia số 1 ở Trung tâm dưỡng da Ly Ly của con đấy bố ạ. Nhưng bây giờ ông ta là vệ sĩ của con.
- Cô làm vương làm tướng gì mà phải có vệ sĩ?
- Bố không hiểu được đâu. Con phải trả lương cho anh ta cao nhất hội đấy. Theo hợp đồng, không một tháng nào dưới ba trăm đô! Kiêm lái xe.
-???
Ông Tiến chan đầy canh, cố nuốt cho xong bát cơm đang ăn dở để đứng dậy. Cái cảnh chan canh như vậy đã xảy ra nhiều lần trong các bữa cơm năm nào khi còn bà Hà ở nhà, nhưng ông thấy canh không đắng như lần này...
...Săn đón mãi ông Tiến mới giữ chân cháu gái mình được vài phút để chuyện trò, nhân lúc nó chờ bạn trai đến rủ đi dancing:
- Liễu ơi, - Ông Tiến gọi cái bống bằng cái tên thật của nó để tăng thêm tính nghiêm túc của câu chuyện -...Quỹ thời gian của mỗi con người đều có hạn, cháu phải lo cho mình một nghề gì đi chứ? Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh cháu ạ!
- Ông nói hợp ý cháu quá. Nghề của cháu là tận hưởng thành quả lao động vĩ đại của bố mẹ cháu. Cháu thừa nhận nghề này là sướng nhất đời!..
- Cháu suy nghĩ kỹ chưa? - Ông Tiến cố kiên nhẫn với cháu gái mình.
- Vô tư đi ông ơi. Dồn lại bình quân mỗi ngày cháu không tiêu quá một trăm đô thì bố mẹ cháu không quở trách gì hết.
- Cháu biết lương tháng một công nhân làm đường là bao nhiêu không?
- Cháu không muốn biết ông ạ, nhưng cháu biết cháu đang làm cái việc phân phối lại mà Đảng và Nhà nước ta không làm được! Càng tiêu nhiều là càng chia tiền cho mọi người đấy.
- Cháu không biết lãng phí như thế là xấu à?
- Hội chúng cháu chỉ dạy nhau có một điều là tha hồ làm mình sung sướng, nhưng không được làm hại ai thôi ạ. Như thế là quá tốt so với những gì chúng cháu học được ở trường đấy. Thôi, cháu chào ông, cháu nghe thấy tiếng bấm chuông...
Ông Tiến châng hẩng ngồi lại một mình...
...Riêng cái thằng Quang, đứa cháu đích tôn của ông Tiến, cả nhà vẫn quen mồm gọi nó là thằng Cuội, ông chịu thua. Đến nay ông vẫn chưa làm sao nói chuyện với thằng Cuội được đến câu thứ ba. Lúc nào nó cũng kêu bận. Trong bữa cơm nếu nó ăn ở nhà, hễ ông Tiến hỏi chuyện đến câu thứ ba là nó tìm cớ này cớ khác không quay lại bàn ăn nữa... Một lần trong bữa ăn, ông thử chỉ nói với mẹ nó, toàn những chuyện vô thưởng vô phạt, nhưng không đả động gì đến nó. Quả nhiên bữa ấy thằng Cuội ngồi ăn hết bát này đến bát khác, ngồi từ đầu chí cuối!..
...Trời đất ơi, cái gia đình này là cái gì thế này?
Ông Tiến rít lên trong đầu. Ông thừa nhận cái gia đình này bây giờ tồi tệ gấp trăm nghìn lần so với hồi còn sống với vợ chồng ông ở Hà Nội. Ông tiếc cho công sức của bà Hà đã vun vén cho cái gia đình này... Sự dằn vặt bao đêm về cái hệ luỵ nhân quả lại trỗi lên trong lòng ông.
Trong một bữa ăn tối, lại cũng chỉ có ông với Kim Hồng. Ông ngạc nhiên thấy con dâu lần này chủ động nêu chuyện:
- Con lo quá.
- Cô lo cái gì?
- Cái bống nhà này gặp nguy ông ạ. - Vợ chồng Thắng vẫn gọi con gái bằng cái tên nựng con lúc mới đẻ.
- Nó làm sao?
- Công an đang có lệnh truy nã nó.
- Sự thể thế nào?
- Ông ạ, cái bống là chủ soái hội G10. Tuần trước sinh nhật nó, nó tự tiện mở tủ lấy của con 75 nghìn đô đi mua 10 cái xe a-còng (@), phát cho 9 đứa bạn gái và nó mỗi đứa một cái. Chúng đi chơi rong suốt ngày hôm đó.
- Làm sao cô lại chiều con như thế được?
- Con đâu có muốn thế. Ông thử hình dung, mười đứa con gái, đứa nào cũng cao nghều nghễu như cái bống nhà này, cứ như là một đội bóng chuyền chuyên nghiệp ông ạ. Tất cả đều mặc quần áo nịt màu đen, đi ủng da trắng đến đầu gối, cưỡi trên 10 cái a-còng trắng, đi đến đâu náo loạn đường phố đến đấy.
- Thế mà công an cũng để cho yên?
- Con cũng chẳng hiểu. Cái bống kể: Đến tối chúng nó vẫn còn một hai nghìn đô. Thế là chúng rủ nhau vào phòng VIP của Saigon Tower tổ chức đại tiệc, cùng nhau chích máu ăn thề: Sống chết vì G10, đứa nào chết: bỏ! đứa nào phản: diệt! Sau đó cái bống phát cho mỗi đứa một viên thuốc lắc rồi kéo nhau xuống sàn nhẩy ở tầng trệt. Con tưởng câu chuyện đến đây thì dừng lại, nhưng khi ra về một đứa đưa ra ý kiến: đua xe máy để chứng minh lời thề của G10! Mà đã quá nửa đêm rồi...
- Con gái mà du côn hết chỗ nói!
- Ông để con kể tiếp. Đã quá một giờ rồi, chúng nó còn phóng lên đường đi Vũng Tàu, đến đoạn đường vắng ở ngã ba đầu tiên chúng quyết định cuộc đua bắt đầu, thi nhau ai về trước trên chặng đường hai mươi cây số... Đi chừng ba cây số một đứa va vào cột điện trong khi lạng lách, ngã văng xuống lề đường, máu mê be bét. Cả bọn dừng lại. Cái bống đặt tay lên ngực lên mũi đứa bị ngã. Thấy đã tắt thở, nó hỏi bọn còn lại: Tụi bay nghĩ thế nào? Tất cả nhất loạt hô lên: Chết bỏ! Thế là chúng nó lại đua tiếp. Lúc quay về, chúng nó không thấy người và xe đâu nữa.
- Trời ơi, man rợ hết chỗ nói! Xem cho lắm phim bạo lực và phim chưởng vào! Cô phải đi báo công an ngay!
- Không được bố ạ, dây cà ra dây muống, rách việc lắm.
- Cô định làm gì?
- Chốc nữa anh Thắng về con sẽ bàn thêm. Con định thế này: Coi như đứa bị chết là do tai nạn tự nó gây ra trong khi đi đường, mọi chuyện 10 cái a-còng, tổ chức sinh nhật, thuốc lắc, G10, đua xe... xoá hết. Theo bố giải pháp này có chắc thoát không?
- Cô định như thế còn hỏi ý kiến tôi làm gì?
- Bố lúc này có thể tỉnh táo hơn... Con muốn tham khảo ý bố trước khi hai vợ chồng con bàn với nhau.
- Người đi đường có ai việc gì không?
- Không, bố ạ. May là vì lúc đó quá nửa đêm, đường lúc ấy rất vắng.
- Nếu kiên quyết, thì làm cách gì công an cũng khám phá ra. Để tôi hỏi thêm cái bống cho rõ đầu đuôi cái đã.
- Không được, con đã cho cái bống đi trốn một nơi xa rồi! Con muốn vụ này phải chìm đi, còn tiền không thành vấn đề.
Hai hôm sau, vào bữa cơm tối, Kim Hồng đưa cho ông Tiến tờ báo. Ông đọc kỹ:...Đêm hôm... một tai nạn giao thông thảm thương xảy ra tại cây số... trên đường đi Vũng Táu, tử nạn là một nữ.., đi xe gắn máy Honda a-còng... Công an đã làm việc kịp thời, giúp gia đình đưa thi thể nạn nhân vào bệnh viện và thu hồi lại cho thân chủ chiếc xe máy chưa có đăng ký vì là xe mới mua...
Hôm sau nữa, cũng vào bữa cơm tối, Kim Hồng cười phe phé đưa cho bố chồng tờ báo:
- Ông đọc đi!
Ông Tiến lật hết trang ngày đến trang khác:
- Cô bảo tôi đọc cái gì?
- Ông không nhìn thấy cái tin cáo phó ở trang cuối à?
- Thấy, nhưng mà làm sao?
- Người cáo phó là gia đình ông tổng cục trưởng... Người chết là con gái ông bà ấy đi cái xe a-còng bố đọc trên báo hôm qua! Thế là cái bống nhà này thoát nạn. Bố xem tụi con xử lý vụ này có gọn không!
- Thế còn lệnh truy nã của công an?
- Tổng thống Mỹ ra lệnh thu hồi rồi bố ạ.
- Sau sự việc này cô không khuyên bảo nó điều gì à?
- Có chứ ạ. Nhưng nó nghĩ theo cách của nó.
- Nó nói với cô cái gì?
- Nó nói: Vô tư đi mẹ ơi!.. - Lúc này Kim Hồng bật ngón tay tành tạch cùng một nhịp cả hai tay.
- Nó nói cái gì? - Giọng ông Tiến gằn hẳn lên.
- Nó nói "Vô tư đi mẹ ạ!”... Nhưng mà ông làm sao thế? - Kim Hồng trố mắt ngạc nhiên về thái độ cáu bẳn của bố chồng.
- Mẹ vô tư đi đằng mẹ! Con vô tư đi đằng con! Chúng mày bây giờ là cái hạng người nào thế này mà cùng một giuộc nói năng như nhau thế hả?!. - Tay chân ông Tiến giẫy giụa, hai hàm răng rít lại.
Kim Hồng cười nhạt, chờ một lúc cho bố chồng nguôi ngoai rồi mới nói tiếp:
- Con thông cảm... Bố lạc lõng quá xá trên đời này mất rồi!
-... Hm... Hm... - Ông Tiến định nói điều gì đó nhưng không sao mở miệng được.
- Bố đừng buồn... Cuộc sống ngày nay ai cũng vậy... Thế mới sống được bố ạ... Trừ mấy ông đạo đức giả như bố, bây giờ cả nước mình nó thế...
- Có nghĩa là cô cũng xui tôi vô tư đi? - Ông Tiến nhìn vào tận mặt Kim Hồng.
- Vâng! Bố không hiểu sao? Cả nước mình bây giờ nó thế mà!.. Lọ mọ làm việc, suốt đời gò vào khuôn phép như bố để làm gì!..
Ông Tiến vẫn ngồi im.
- À quên, con chưa nói cho bố biết, sau khi một đứa chết, bọn cái bống đã quyết định đổi tên G10 thành G9 ạ.
- Thế thì còn trời đất nào nữa! Cái bống đâu? Gọi nó xuống đây!.. - Ông Tiến như bị một cái lò xo đẩy bật lên khỏi ghế.
- Nó ở trên gác, đang sửa soạn đi đâu đó.
- Gọi nó xuống đây, bố muốn nói chuyện với nó.
- Thôi đi! Để cho cháu khi khác ông ạ. Chúng nó đã có hẹn với nhau... Đang bàn nhau chuyện đi chơi Bangkok...
-???
Ông Tiến vật vã ngay trên bàn ăn. Ngay trong bữa cơm tối hôm ấy, ông bảo con dâu thuê tạm một nơi nào đó cho ông ở riêng.
- Thần kinh của bố bây giờ yếu lắm.
- Ăn thua gì hả bố. Những chuyện của thằng Cuội còn ly kỳ rùng rợn hơn nhiều.
- Nó cướp của giết người à?
- Không đến nỗi như thế ông ạ. Đầu năm nó đánh bạc mất luôn cái ô tô của con. Trong hai năm nay nó hai lần nó đua ô tô bị đâm, nhà con phải thay xe hai lần. May là không có tai nạn chết người.
- Nó có chích hút không?
- Con nghi lắm!
- Trời đất ơi, thế mà các người đòi làm bố làm mẹ à! Sao tôi lại có những đứa con đứa cháu như thế này?
- Con thông cảm, bố là người thế hệ khác mất rồi...
- Sống trong cái nhà này, chúng mày làm tao vỡ tim mất!
- Bố phải quen đi! Trừ mấy ông đạo đức giả như bố ra, bây giờ cả nước mình nó thế mà!..
- Láo!.. - ông Tiến đổ khuỵu xuống sàn nhà.
Ngay sáng hôm sau Kim Hồng giao cho ông Tiến một điện thoại cầm tay, đích thân cùng vệ sĩ lái xe đưa ông đến chỗ ở mới. Đấy là một căn hộ tại chung cư Văn Thánh. Kim Hồng đã mua căn hộ này từ lâu, sửa sang và trang bị lại nội thất rất sang trọng, với mục đích cho người nước ngoài thuê hay khi nào được giá thì bán. Thỉnh thoảng Kim Hồng cũng có việc riêng cần sử dụng căn hộ này vài hôm. Kim Hồng còn cẩn thận dặn dò thằng nhỏ trông nom căn hộ này phải hầu hạ ông Tiến cho chu đáo.
- Thích ăn uống gì bố cứ sai thằng nhỏ. Đi đâu bố cứ gọi tắc-xi. Bố cầm lấy tiền, khi nào hết bố gọi điện thoại, con sẽ cho người mang đến... - Kim Hồng dúi vào tay ông Tiến một tệp bạc còn nguyên số série không biết bao nhiêu tờ 100 nghìn.
... Mỗi lần vứt đi cái giẻ rách, một cái khăn cũ trong nhà mình còn đắn đo chán. Thế mà chúng nó quăng mình ra đây nhanh quá! Trời ơi, trong khi đó mình đoạn tuyệt với mình mãi không xong!..
Cái máu nông dân Vũ Yển hun đúc cho ông Tiến một đức tính kiên trì hiếm có. Ra khỏi nhà Thắng, cuộc sống Sài Thành như tăng thêm sức lôi cuốn ông. Sự kéo co này, một bên là cái trạng thái thần kinh phân lập của ông, một bên là cuộc sống đầy khêu gợi của Sài Thành.., chưa biết ai thắng ai bại. Sự dằn vặt phai nhạt dần....Thật là trăm lạy ông trời! Nếu không thì ông không biết làm sao sống tiếp được... Nhất là từ sau cái hôm lần đầu tiên được Thắng đưa đi thăm trung Tâm Bình Tiến và được gặp Bạch Liên. Ngày ngày đi đâu, có việc được nhờ hoặc không có việc gì, ông cũng tìm cách tạt vào trụ sở trung tâm Bình Tiên. Một lực hấp dẫn lạ thường...
Dần dần trong ông Tiến lại sống lại cái háo hức như những tuần lễ đầu tiên khi ông đến công trường làm đường. Trong thâm tâm, ông thầm cảm ơn không biết bao nhiêu lần cái bản năng nam tính bất diệt của mình...
...Hay là tại Bạch Liên trông ngon quá? Chỉ nghĩ đến cũng đã đủ thèm rồi!.. - ông Tiến tự hỏi mình như thế không biêt bao nhiêu lần.
...Vào dịp Bạch Liên bận đi công tác nước ngoài, Thắng nảy ra ý kiến nhờ bố đến coi trụ sở giúp Bạch Liên, vừa là để tỏ thiện chí với Bạch Liên, vừa là để bố có dịp hiểu biết thêm những ngóc ngách khác nhau của cuộc sống Sài Thành. Thâm ý của Thắng còn là muốn tận dụng mọi cơ hội không để cho Bạch Liên lọt ra ngoài tầm kiểm soát của mình... Kể từ khi bị tụt xuống chức tên nô lệ đầu bảng, Thắng biết mình đã vĩnh viễn bị loại khỏi vòng chiến. Thắng đã lao vào các phiêu lưu khác, nhưng vẫn không muốn mang danh là kẻ tự ý cắt cầu... Hơn nữa Thắng cũng muốn nhân dịp này nhắc khéo Bạch Liên cái Trung Tâm Bình Tiến cũng là của Thắng, tuy là đã cưa đứt đục suốt...
Vỏ quýt dày, móng tay nhọn, Bạch Liên đi guốc trong bụng Thắng, vui vẻ nhận ông Tiến đến giúp cho ít bữa, Trung tâm thiếu gì việc.
...Thắng ơi, sự đểu cáng của ngươi và sự bao cấp của Nhà nước dành cho ngươi, cả hai thế mạnh này của ngươi bây giờ chỉ đáng để ta cho vào sọt rác. Ta đã nắm chắc Trung tâm Bình Tiến trong tay ta. Ta sẽ sử dụng ông già người theo cách của ta...
Ngoài cái việc gọi đúng tên là trông nhà, Bạch Liên giao cho ông một vài việc, làm quen một vài người, tiếp một vài khách...
Khi ở Thuỵ Sĩ về, Bạch Liên thấy mọi việc giao cho đều được ông Tiến thực hiện chu đáo. Có đôi ba việc tiếp xúc Bạch Liên thấy giao cho ông Tiến vừa tiện lợi, vừa được việc.
- Là học giả nhưng chú hiểu nhiều về văn hoá kinh doanh đấy. Cháu thấy cách giao tiếp của chú như thế là được. - Bạch Liên khen ông Tiến. Giữa hai người đã có một sự thân quen nhất định, nhất là nhờ vào cái tính thẳng thắn của Bạch Liên và cái tính dễ bảo của ông Tiến.
- Từ những ngày còn đánh khăng đánh đáo ở nhà quê, bố mẹ chú đã dạy là đàn ông phải như con dao pha, việc gì cũng phải làm được.
- Cái dáng giáo sư bệ vệ của chú cũng rất có lợi cho giao tiếp. Trung tâm của chúng ta được trang điểm thêm tên tuổi, bộ mặt của chú thế mà hay...
- Cả một đời người tu tỉnh theo khuôn phép tôi mới rèn luyện được cho mình cái tính mô phạm này đấy.
- Cháu thừa nhận chú không đóng kịch. Ở chú mọi thứ đã phát triển thành bẩm tính.
- Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe một nhận xét xác đáng.
- Chú xứng đáng được nhận xét như vậy...
Ông Tiến không nói gì thêm, nhưng sướng lắm. Càng gần Bạch Liên, cái dằn vặt hệ luỵ nhân quả trong ông càng xa vời dần... Cái ham muốn phía trước khích lệ ông, cám dỗ ông, làm cho ông cảm thấy có lẽ lần này mình thực sự đang trên đường tìm lại được mình. Ông thấy mình trẻ lại, từng ngày, từng ngày... Ông lao vào mọi việc Bạch Liên giao cho.
...Ôi, ở đâu ra cái ái lực mạnh mẽ đến thế hả Bạch Liên!?.. Ta minh mẫn hẳn lên! Ta đã được giải toả khỏi nỗi ám ảnh của tình trạng thần kinh phân lập rồi! Ta thoát rồi! Ta đã bắt đầu tin vào chính ta...
Ông Tiến ra sức thi thố cái tính mẫn cán hồi còn đương chức để không mất đà lấy lại được mình, trong ông lấp ló cái đích mới... Bạch Liên sai ông lúc đi gặp Chín Tạ, lúc đến lãnh đạo Thành phố, lúc đến làm việc tại Sở này Sở khác... Tuy toàn làm những việc trong đời sống ngầm của kinh tế, nhưng quá trình tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa của ông Tiến ở Sài Thành trước đây, cái danh tính nguyên phó Trưởng Ban... là cái danh thiếp rất có giá trị, tạo cho ông nhiều thuận lợi làm các việc Bạch Liên giao cho. Ông Tiến hăm hở, vừa được làm nhiều việc, vừa có nhiều dịp quanh quẩn bên cạnh Bạch Liên. Một sự hấp dẫn ngấm ngầm từ Bạch Liên đã lan toả dần dần vào các vi ti huyết quản của ông, trở thành dòng máu của ông... Thỉnh thoảng có dịp được quệt vào Bạch Liên một tí, dù chỉ là cái tà áo, hay vài sợi tóc, hay cảm được cái mùi đầy quyến rũ.., ông Tiến thấy như trong mình đang sinh ra một thằng người mới....Ông bắt đầu hiểu tại sao mình bị thôi miên ngay từ hôm đầu Thắng đưa ông đến Trung tâm gập Bạch Liên... Ông mải mê đến nỗi chưa có dịp nào đến thăm Hai Hân. Đôi ba lần ông tự trách mình về điều này nhưng rồi tặc lưỡi cho qua...
Một lần hai người ngồi ăn trưa với nhau trong phòng làm việc, ông Tiến thấy Bạch Liên bữa nay ăn uống có vẻ uể oải:
- Cô Bạch sống quên mình vì Trung tâm. Hôm nay cô có vẻ hơi mệt.
- Sinh ư nghệ, tử ư nghệ mà chú!
- Cô cũng phải sống cho mình nữa chứ? Tôi đã khổ sở cả một đời vì không biết sống cho tôi...
- Chú định nói gì?
- Tôi định khuyên cô đừng sống như tôi.
- Chú không hoàn toàn vô lý. - Giọng nói Bạch Liên thành thật, tay Bạch Liên vỗ vỗ lên bàn tay ông Tiến trên bàn, nắm nắm một cách tự nhiên... Bạch Liên tỏ lòng biết ơn sự thông cảm của ông dành cho.
- Trước khi đến đây, cả một núi ưu phiền đè nặng lên tôi suốt cuộc đời, thế mà làm việc bên cô tôi lạc quan hẳn lên.
- Chúc chú tìm lại được niềm vui của mình.
Sự thân mật giữa hai người tăng dần. Ông Tiến càng mẫn cán, càng ân cần săn sóc Bạch Liên, các cơn quẫn định kỳ của ông Tiến hình như bị tống hết xuống địa ngục... Đôi ba lần Bạch Liên nhờ ông bóp hộ đôi vai quá mỏi. Có lúc Bạch Liên sai ông vào phòng vệ sinh lấy hộ cái khăn mặt sau khi vừa ăn xong quả na trên bàn làm việc. Có hôm Bạch Liên đi đâu về, duỗi hai chân lên ghế rồi sai ông Tiến xoa bóp hai bắp chân. Đôi ba lần như vậy, thành một thói quen tự nhiên. Đã có lúc hai bàn tay ông Tiến day day cao cao lên hai đầu gối, lăn lăn hai vế đùi...
Bạch Liên khen:
- Đã lắm! Đã lắm!.. Chú cứ như là một người làm nghề massage chuyên nghiệp. - Bạch Liên phát âm rất chuẩn.
Lời khen của Bạch Liên và hai bàn tay của chính ông... càng làm phong phú thêm những lời đồn đại ông được nghe về tính phóng đãng của Bạch Liên. Trí tưởng tượng của ông bay cao bay xa, thằng người trong ông nhảy nhảy tung tăng...
...Ôi cả một đời người, lần này ta mới thật sự trên đường tự tìm lại được chính ta!..
Ông Tiến thấy người mình lúc nào cũng lâng lâng, các bước đi của ông hình như chỉ lướt trên mặt đất. Quá khứ và mọi bão tố bây giờ nằm lại trong khoang suy tàn của trí nhớ... Tất cả như đã lặn xuống dưới mặt hồ trong những ngày đầy sương mù...
...Tại Bạch Liên quá hấp dẫn mình, hay là cái bản năng của mình rõ ràng mạnh hơn sức mình trấn áp nó?...
Đôi ba lần ông Tiến đã tự lý giải được những câu hỏi như thế.
Một lần khác đi đâu về, vì quá khát, Bạch Liên cầm ngay cốc nước của ông Tiến trên bàn uống một mạch cạn sạch... Một lát sau ông Tiến cầm lấy cái cốc Bạch Liên vừa uống, đi rót cho mình một cốc khác, cũng uống một hơi hết sạch, với cảm nghĩ môi mình như đang chạm vào môi Bạch Liên trên miệng cốc... Ông ôm cái cốc vào ngực, quên hết tất cả những gì ông không thích nhớ.
Đôi ba lần, lúc đưa Bạch Liên xem một công văn hay đọc một cái gì đó, ông Tiến chủ động đặt một tay lên vai Bạch Liên, miệng thân mật nói thêm điều này điều nọ. Bạch Liên chăm chú, tán thưởng những điều ông nhận xét...
Ông Tiến ngày càng thông thạo các việc của Trung tâm. Những cái tay đặt lên vai Bạch Liên như thế cũng nhiều lên, lúc vai trái, lúc vai phải, tuỳ theo cái thế đứng ngẫu nhiên khi nói chuyện về công việc. Có lúc bàn tay ông đã quệt một tí vào má hay vê vê mấy sợi tóc mai của Bạch Liên... Ông không biết là tay ông tự nó nóng ran hay là cái nhiệt hấp dẫn của Bạch Liên lan toả sang... Có lúc ông chủ động bóp bóp hai vai cho Bạch Liên đỡ mỏi, được nhận lại cái nhìn đầy lòng biết ơn...
...Ôi, hiển nhiên ta đang tiến tới cái đích đích thực của ta! Ai dám bảo ta không có gan vứt bỏ cái đích hão huyền tự ta đã chuốc lấy gần hết cuộc đời!..
...Xin cảm ơn cha mẹ trời đất đã phú cho ta cái bản năng nam tính bất diệt! Ôi cái bản năng vào những phút cuối cùng đã cứu vớt ta. Nếu không ta không còn là ta! Cái bản năng bất khả chiến bại!..
Có lúc ông Tiến bỗng dưng huýt sáo. Vô ý đến mức mấy người ngồi các phòng bên cạnh đôi ba lần phải chạy sang nhắc nhở. Có lúc ông cao hứng ê a một câu hát nào đó, mặc dù cả đời mình ông chưa hề thuộc đầy đủ bất kỳ một bài hát nào... Ông thử lẩm nhẩm trong đầu tìm một bài hát nào mình thuộc nhất. Theo bản năng, ông ê a vừa đủ mình nghe mấy câu trong bài Cái trống cơm. Ông cảm thấy mình trẻ lại, hưng phấn...
Một hôm Bạch Liên sầm sầm từ phòng làm việc của mình chạy vào phòng làm việc của ông Tiến, đắc chí:
- Cái đơn kháng nghị cháu bảo chú thảo gửi lên Sở Tài chính và Sở Thuế có sức thuyết phục lắm. Hôm nay họ trả lời đồng ý thoái thuế đã thu vượt năm ngoái của Trung tâm. Nghĩa là họ thua. - Bạch Liên đứng ngay chỗ cạnh ông Tiến đang ngồi, chỉ các con số: -...Chú xem đây này, tính ra họ sẽ phải hoàn lại cho Trung Tâm hơn 200 triệu bạc thuế.
- Chúc mừng, chúc mừng. - Tay ông Tiến đã quàng ra phía sau ôm lấy ngang hông Bạch liên một cách thân mật, chia sẻ niềm vui thắng lợi.
- Nhưng có đòi lại được cũng phải chờ đến hết năm nay.
- Sở dây dưa ta lại làm đơn khiếu nại tiếp, lo gì.
- Từ nay cháu sẽ phân công cho chú việc khác hợp với khả năng của chú hơn. Không để chú làm các việc linh tinh nữa.
- Thành tích thế này phải có thưởng chứ? - Một bàn tay ông Tiến đã luồn vào sau cạp quần Bạch Liên.
- Thưởng thì dễ thôi, nhưng chú sẽ nhận toàn việc khó.
- Khó đến mấy chú cũng làm tuốt! - Bàn tay ông Tiến đã luồn sâu xuống bên dưới, chạm đến khe hai cái mông tròn tròn, các ngón tay ông máy máy...
- Stop here! - Tiếp theo câu nói như quát, Bạch Liên một tay nâng cằm ông Tiến lên, một tay giáng một cái tát có võ, làm cho mặt ông Tiến lệch hẳn về một bên.
- Xin lỗi. Tôi...
- Thôi, không nhiều lời.
- Tôi...
- Chuyện nhỏ thôi mà. Chú yên tâm, không ai biết cái tát này đâu mà lo.
- Xin cảm ơn cô Bạch. Rất cảm ơn cô. Tôi xin rời Trung tâm ngay từ bây giờ.
- Nếu tôi không cho phép, ông không thể bước ra khỏi Trung tâm.
Ông Tiến có cảm tưởng một mãnh thú Bạch Liên đang đối diện với ông, sẵn sàng xé ông ra từng mảnh.
- Thôi cô tha cho tôi... Cô phải thông cảm với một ông già...
Bạch Liên bặm môi lại, mãi mới xuống giọng hỏi:
- Chú nhất định xin được tha?
- Vâng.
Bạch Liên chau mày một lát:
- Thôi được, tôi không ép buộc. Để chuộc tội, trước khi rời Trung tâm ông phải viết một bài báo ca ngợi Trung tâm và ông Chín Tạ. Viết thế nào cho phù hợp với đường lối chính sách hiện hành là việc của ông. Bí lắm ông có thể nhân danh cá nhân mình ca ngợi cũng được.
- Cô có ấn định thời gian không ạ?
- Bao giờ viết xong ông có thể từ giã Trung tâm, nếu ông quyết tâm ra đi. - Bạch Liên trở lại cái giọng lạnh băng.
- Vâng, nhưng...
- Còn gì nữa?
- Xin sửa đổi một chút, cho tôi ghi tên cô là tác giả có được không ạ?
- Ông có đùa dai không ông Tiến? Tác giả phải ghi đầy đủ tên ông, học vị, tính danh công tác nguyên phó Trưởng Ban của ông. Tôi ca ngợi tôi thì còn gì là lý thú! - Bạch Liên cười khanh khách.
- Thế thì cô giết tôi đi cho tôi nhờ! Thà chết còn hơn, tôi không thể đề tên tác giả như thế vào bài báo được!
Bạch Liên đi đi lại lại trong phòng, ngẫm nghĩ một lúc:
- Thôi được, đây là nhân nhượng cuối cùng. Tôi không có nhiều thời giờ mặc cả đâu. Ông phải để nguyên tên tác giả là ông như vậy, nhưng chua thêm địa danh Hà Nội, ngày bao nhiêu đấy do ông chọn, để mọi người có thể hiểu ông viết bài này từ Hà Nội gửi vào một cách ngẫu nhiên, chỉ đăng các báo trong này thôi. Tôi lấy danh dự đảm bảo với ông không ai biết cái tát vừa rồi. - Không cần để ý ông Tiến nhận lời hay không, Bạch Liên quay gót trở ra.
Gần đến cửa, ông Tiến kịp chạy theo, níu lấy tay Bạch Liên:
- Vâng tôi nhận! Tôi xin nhận...
Ba ngày liền ông Tiến chạy long tóc gáy trong Thành phố để tìm dữ liệu, tìm cảm hứng và tìm đầu đề. Mấy lần ông đi qua cổng xí nghiệp liên doanh nhà in Tự Lực mà không dám bước chân vào. Ông ngỡ ngàng vì thấy cái nhà in này bây giờ nguy nga hiện đại quá... Ông bụng bảo dạ: Bận sau phải đi đường vòng tránh xa cái nhà in này ra, lỡ gặp Hai Hân trong tình thế khốn nạn này thì mặt mũi nào mà nhìn nhau được...
Trong khi sưu tầm tư liệu để viết cái bài báo đền tội, ông Tiến thu thập được bao nhiêu tin tức về liên doanh nhà in Tự Lực. Báo chí ca ngợi đây là một trong những liên doanh mẫu mực của Thành phố. Ông đọc một số phát biểu của Hai Hân trong các cuộc họp của Thành phố bàn về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, ông không thể nghĩ rằng Hai Hân này đã từng là đệ tử của ông. Những ý kiến phát biểu của Hai Hân chẳng có mảy may một hơi hướng nào liên quan đến những giáo trình, những bài ông đã giảng cho Hai Hân. Thậm chí có nhiều chỗ ông đọc mà không hiểu nữa: Hai Hân phê phán cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển dịch chậm so với tiềm năng cho phép; cảnh báo hệ số ICOR hiện nay của Thành phố quá cao, chìa khoá để giải quyết tình trạng này là cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu đầu tư; HAI HÂN đòi phải thả nổi lãi suất của các ngân hàng thương mại nhưng đồng thời lại đòi hạn chế huy động vốn vay ngắn hạn đầu tư vào các công trình dài hạn của quốc doanh để thị trường vốn bớt nóng, Hai Hân kêu gọi phải có các biện pháp cắt giảm thuế mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp chi nhiều hơn cho R&D, phải làm mọi việc để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Hai Hân đòi nào là phải giảm mạnh chi phí trung gian cho các nhà đầu tư nước ngoài, nào là phải chống tệ nạn một cửa nhưng nhiều khoá...(°). [(°) Hệ số ICOR (Inrcemental Capital Output Ratio): Phạm trù thuộc kinh tế vĩ mô, chủ yếu để đo kết quả đầu tư trong phạm vi cả nước (tỷ số tăng trưởng đầu tư mới/tỷ số tăng trưởng GDP). Chi phí R&D: chi phí cho nghiên cứu và triển khai cho việc cho ra một sản phẩm mới. Chi phí trung gian: Những khoản chi phí không trực tiếp liên quan đến công việc sản xuất kinh doanh, có khi còn bao gồm cả những khoản tiền hoa hồng, tham nhũng...]
...Trời ơi, thằng cha này học kinh tế bao giờ! Nó viết cái gì mà mình càng đọc càng ù ù cạc cạc thế này! Cộng lại có lẽ phải tới gần một chục cái thư của nó mình không trả lời... Mình biết gì mà trả lời?.. Nghe đâu nó đã hai khoá liền tham gia thường vụ quận uỷ. Hiển nhiên trong vòng hơn chục năm nay cái thằng cha này đã trở thành một con người, một nhân cách, xuất thân từ một tên du thủ du thực côn đồ... Còn mình? Suốt đời gắn vào cái đích, là giáo sư, nhưng bây giờ mình là gì?...
Càng nghĩ, ông càng tìm mọi cách đi đường vòng, tránh cho xa nữa cái nhà in liên doanh Tự Lực...
...Cái công thức vô địch của mình ngày xưa là gì nhỉ? Bây giờ cần đến thì quên bố nó mất rồi!
Cuối cùng ông tìm được lối thoát, nhờ ôm mấy chồng báo trong thư viện Thành phố...
Nhưng đến cái đoạn phải ca ngợi Chín Tạ ông thấy khó quá. Tự dưng đề cao một ông cán bộ phụ trách tổ chức vào trong khuôn khổ cái bài báo rặt về chuyện kinh doanh này thì chẳng khác gì làm cái việc râu ông nọ cắm cằm bà kia. Có lúc ông Tiến đã phải rủa lên thành lời trong căn hộ tạm của mình ở Văn Thánh:
- Cha tiên sư con họ Bạch, đời cụ đời kỵ nhà mày ăn cái đéo gì mà mày đành hanh thế!
Nhưng rồi thủ thuật nhà nghề lâu năm của ông cũng ra tay giúp ông: Ca ngợi sự quan tâm của Đảng bộ Thành phố đối với phát triển kinh tế, đánh giá cao sự hậu thuẫn quan trọng của họ dành cho các doanh nghiệp, điểm tên một vài nhân vật làm ví dụ - trong đó có Chín Tạ, nêu một số sự kiện kinh tế tiêu biểu của Thành phố để minh hoạ cho những ý này...
Bạch Liên xem xong bài báo, gật gật, lại trở về giọng nói nhí nhảnh, thân mật:
- Chú vẫn tỏ ra có tay nghề. Xin thành thật cảm ơn chú.
- Tôi lấy công chuộc tội.
- Chú yên tâm đi, không có công và tội nào ở đây cả. Đã nói xí xoá là xí xoá.
- Cô nghĩ thế thì tôi mừng lắm. Thực ra tôi chỉ nghĩ tốt...
- Bài báo chú viết hay thật đấy, cháu không xã giao đâu. Đề cao vai trò đảng bộ trong Trung tâm, đề cao các vị lãnh đạo Thành phố có lý có lẽ chứ không gượng gạo. Công tác công đoàn và các công tác xã hội khác của Trung tâm chú viết sống động lắm, nhất là chỗ chú viết về phát huy dân chủ cơ sở... Tuyệt lắm! Kết thúc bài báo chú còn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy! Phải phát huy tự do tư tưởng! Không gì hoàn hảo bằng những lời kết hào hùng như thế! Rất hoàn hảo chú ạ...
- Cô quá ưu ái tôi thôi!
- Khen thực lòng đấy chú ạ... Chú quên một chi tiết nhỏ là trong Trung tâm cũng có một chi đoàn.., nhưng thôi, không sao.
- Đối với tôi, tất cả những gì thuộc về đường lối chính sách đã nằm ngay trong máu. Không thế không thành chuyên nghiệp được. Cô không hiểu đấy thôi...
- Không hiểu cái gì hả chú?
- Tôi đã nói là những chuyện này đã thành công thức cứ như là trong toán học ấy, và đã ngấm vào máu tôi... Cô chưa hiểu mức độ thấm nhuần này... - Ông Tiến muốn huênh hoang tí chút để lấy lại sĩõ diện.
- Nghĩa là chú thuộc bài đến mức nói không cần nghĩ?
- Đã bảo là vào máu rồi mà...
- Ôi, nếu thế thì phải nói chú thuộc bài còn hơn cả một cái máy ghi âm, hơn cả một cái lưỡi gỗ..!
...Tổ cha mày, thà chửi cha tao lên còn hơn là mày khen tao như thế!.. - Ông Tiến chửi thầm trong bụng như vậy, nhưng cái lưỡi ông Tiến lại nói:
- Trăm hay không bằng tay quen mà...
- Bài báo này có thể làm cho Trung tâm năm nay lại được vào diện bình chọn lá cờ đầu đấy chú ạ. Chỉ có một chi tiết nhỏ.
- Ấy chết, có chỗ nào tôi viết sai không? - Ông Tiến như bị điện giật.
- Chú ca ngợi Bạch Liên hơi lộ liễu, nêu lại chuyện đảng viên tiên tiến và chiến sĩ thi đua cũ rích làm gì.
- Tôi lại cho là chỗ này viết hãy còn quá khiêm tốn.
- Chú thấy có nên xem lại ý định chia tay với Trung tâm không?
- Cô vẫn muốn dùng tôi? - Mắt ông Tiến ngời lên long lanh, song ông vội cúi gập xuống vì bắt gặp luồng mắt của Bạch Liên.
- Vâng, nâng cao thanh thế chính trị của Trung tâm xét ra không ai bằng chú. - Bạch Liên vỗ vỗ lên vai ông Tiến, thân thiết.
Ông Tiến tần ngần, muốn ở lại lắm, hai bàn tay ông tự nhiên nắm lại, rồi lại mở ra, ngón nọ vân vê ngón kia, rồi lại nắm lại... Nhưng khi nhìn thấy thân hình Bạch Liên hấp dẫn quá, ông lại lo...
- Thế nào, quên mọi chuyện đi, chú đồng ý ở lại chứ. Chú có tài thật đấy, cháu không khách sáo đâu. - Bạch Liên giục, cái giọng bà chủ ra lệnh không còn nữa...
Ông Tiến đắn đo....Mình thì thần kinh phân lập, nó thì hừng hực thế kia, ở lại đây nhỡ ra sẽ có ngày mình bóp cổ đè nó ra mất! Không hiếp dâm thì cũng án mạng!.. Phạm trọng tội như chơi! Không được! Dứt khoát là không được!.. Thà chết còn hơn! Ông cả quyết, nhưng hai cánh tay tự nhiên cứ thõng xuống như vô hồn. Ông đành nắm chặt hai bàn tay lại trong khi nói, trong lòng chỉ sợ cái đầu mình định nói một đằng, mà cái lưỡi của mình tự nó lái đi đằng khác thì bỏ mẹ... Ông nắm tay chặt hơn nữa, cả quyết:
- Không được. Dứt khoát không được!.. Không nên....Ý tôi muốn nói là không nên lạm dụng lòng tốt của cô!
- Chú đừng bi kịch hoá một chuyện vặt như thế.
- Tôi quyết rồi. - Bàn tay ông Tiến đã mở ra nhưng lại nắm chặt ngay lại.
- Chú định làm lại cuộc đời chắc? Có đến nỗi như thế không? - Mắt Bạch Liên tròn xoe.
- Tôi đã làm xong cam kết.
- Nếu..???
- Tôi đi được rồi chứ? - Ông Tiến ngắt lời Bạch Liên, vì rất lo mình ngã lòng.
- Chú quyết thế?
- Vâng!
- Xin tuỳ chú. Bây giờ chú là người tự do. Chú sẽ đi đâu?
- Tôi trở ra Hà Nội, ngay chiều nay.
Bạch Liên thở dài với vẻ mặt ái ngại, đứng dậy mở tủ két, lấy cái gì đó cho vào phong bì rồi đưa cho ông Tiến:
- Đây là quà của Trung tâm. Xin biếu chú.
- Tôi không thể...
- Thôi, chú đừng khách sáo. Mọi việc phải sòng phẳng. Chúc chú đi đường mạnh khoẻ. Khi nào chú cảm thấy hứng thú, xin mời chú đến thăm Trung tâm, hoặc lại đến làm việc tiếp ở đây cũng được. Cánh cửa ở đây luôn luôn rộng mở...
Bạch Liên chủ động bắt tay ông Tiến, lại còn thân mật ôm lấy ông Tiến khá lâu, thân thiết vỗ vỗ vào lưng ông mấy cái rồi mới bắt tay, sau đó tiễn ông ra tận cổng trụ sở, chiếc taxi cho ông đã được gọi sẵn, vé máy bay cũng đã được Trung tâm điện thoại ra đặt trước...
Ngồi trong xe ông Tiến vẫn còn cảm thấy rạo rực bởi cái ôm đượm mùi âm ấm thơm thơm của Bạch Liên vương đọng trên người mình, kéo theo sự thèm khát khôn cưỡng lại được... Nếu cái khoảnh khắc này kéo dài thêm chút nữa thì thật là chết người! Không biết chuyện gì sẽ xảy ra!.. Đã thần kinh phân lập thì ai mà biết trước được điều gì...
Ông Tiến tặc lưỡi rồi tự an ủi, thốt lên thành lời:
- Ít nhất sự rèn luyện suốt đời đã diệt gọn được một lần cái ác đã bắt đầu nho nhoe trong mình!..
- Ôi chú vừa tiêu diệt được một vụ gì đấy ạ? Sao hồi này lắm vụ thế hả chú? - Người lái xe tắc-xi nghe không rõ lắm, ngoái hẳn cổ lại hỏi ông Tiến.
Ngồi trên máy bay trở ra Hà Nội, ông Tiến độc thoại với mình trong đầu:
...Ta đã đến chỗ phải tới mất rồi à?.. Cái đích phải tới hoá ra là thế à? Không còn gì nữa mà nghi ngờ, ta đã tới thật rồi!.. Từ nay ta không phải đau khổ về ta nữa... Không còn một cơn quẫn nào có thể hành hạ ta nữa! Có phải ta đã đánh đổi tất cả, vứt bỏ tất cả, để thoát khỏi cái trạng thái thần kinh phân lập khốn nạn này không? Ta đã giành được những gì và cuối cùng còn lại gì?..
Ta bắt buộc phải tính sổ!...Nhưng mà... ta cả gan đến thế cơ à? Xưa nay nhất cử nhất động ta đều theo khuôn phép, đều gắn ta vào đích.., bây giờ ta làm sao mà dám táo tợn đến mức tính sổ?..
Có lẽ... Phải rồi.., chính cái tát... Cái tát đã bạt ta văng tới cái đích cuối cùng ta phải đến. Ôi, dù sao vẫn phải cảm ơn con yêu tinh Bạch Liên! Từ nay... Đúng thế, từ nay ta được giải thoát... Ta được tự do! Thằng người ta theo đuổi trong ta đã chết thật rồi. Ôi thế là bây giờ ta còn lại là ta!...Ta có thể tìm lại ta được không? Hỏi trời à? Hỏi đất à? Biết hỏi ai bây giờ?.. Bảo cho ta biết đi, có thể làm lại cuộc đời được không?...Lê Hải và Nghĩa đã chẳng từng phát hiện ra con người đích thực trong ta là gì? Ta đâu có ngờ khi châm lửa đốt mấy quyển sách.., thực ra chỉ là đốt mấy lời giới thiệu đầy tâm huyết.., đấy cũng là lúc ta cho quỷ ác mượn bàn tay ta để hoả thiêu con người đích thực của chính ta!.. Ôi bây giờ làm lại cuộc đời có được không? Làm sao con mụ Bạch Liên cứ như là đi guốc trong bụng mình? Như thế càng rõ là trong ta cũng vẫn còn một thằng người đích thực đấy chứ! Con người bị chính ta huỷ hoại này có thể sống lại được không? Từ nay ta có thể tha hồ đi lại trên cõi đời thênh thang này cơ mà!.. Hay là quá muộn rồi? Sao ta cứ phải sống mãi với sự giằng xé trong ta thế này!.. Ôi giá mà ngay từ hồi ấy ta trung thành với những gì ta đã từng viết ra được về Lê Hải và Nghĩa! Giá mà đừng đốt mấy quyển sách ấy.., nghĩa là cứ trung thành với chính mình... Làm lại cuộc đời bây giờ còn kịp không?
...Sao đến tận hôm nay ta mới ngộ ra là cái ta mất còn đau đớn hơn ngàn vạn lần cuộc đời thất bại của ta?! Cái gì đã làm ta u mê thế này hả trời ơi?! Bà Hà ơi, giá như tôi biết không bỏ ngoài tai những lời nói của bà! Tôi ăn năn... Tôi xin lỗi bà...
Tối hôm đó ông Tiến trở về đến ngôi nhà được phân phối ở Hà Nội. Lưỡng lự mãi, đến nửa đêm ông mới dứt khoát cầm điện thoại lên gọi cho Thắng:
- Hãy coi ta như không có mặt trên đời này nữa!
- Bố đang ở đâu đấy?
- Ta đang ở trong nhà của ta, ngoài Hà Nội. Từ nay hãy để cho ta yên cuộc sống của ta!
- Không được!.. Bố vào trong này đi!
- Thà chết còn hơn!..
Ông Tiến cúp máy.
Ngồi tư lự một mình, mãi ông Tiến mới đứng dậy, lơ đễnh với lấy cái túi để giở ra xem Bạch Liên cho quà gì:
- Trời ơi, cái gì thế này? - Ông Tiến đụng vào bọc tiền mà người nảy lên cứ như chạm phải điện. Ông giở ra, dấp tay nước bọt, đếm đếm... Rồi ông hét to -...Những một nghìn đô la? Bài báo đáng giá một nghìn đô la! Trời đất ơi! Con mụ này không phải của vừa!.. Nó bỏ ra một đống tiền như thế có nghĩa ta là một giáo sư có thực tài?!.. - Ông Tiến chạy đi chạy lại quanh quanh cái bàn: -...Ta là giáo sư có thực tài!.. Ta có thực tài!.. Có nghĩa là sản phẩm của ta được cái xã hội này công nhận? Ôi... Vì thế Bạch Liên muốn giữ ta ở lại? Thế mà suýt nữa ta đã bỏ mất ta! Trời đất... như thế là ta và hai thằng người trong ta vẫn đang còn sống nhăn ra đây này! Chết cha ta rồi... Ta bỏ thằng nào, vương thằng nào bây giờ đây?.. Dứt khoát phải bỏ một thằng hay sao?.. Tại sao ta lại phải có cái thân phận phân lập, tam lập chó chết này hả trời? Không... Không thể bỏ được thằng nào cả!.. Không thể được... Như thế là ta không thể là ta được nữa rồi... Trời đất ơi, chẳng lẽ ta không bao giờ còn là ta được nữa? Không thể cứu vãn được nữa?.. - Ông Tiến đứng dậy cầm mớ bạc giơ cao chọc chọc lên trời, hai chân giậm giựt bành bạch, rồi kêu ầm lên giữa nhà -...Bắt tôi sống một lúc với hai thằng người thế này làm sao tôi chịu nổi! Trời đất ơi! Thà chết còn hơn! Sao ông trời lại hại tôi đến thế này!..
Cứ thế, dưới ánh đèn trong đêm khuya, ông Tiến lúc độc thoại với chính mình, lúc đối thoại tay ba với hai thằng người mờ mờ trước mặt, lúc dùng bạo lực với chúng, vò đầu bóp trán, vật vã, đấm ngực mình thùm thụp…