Chương 8

Cả nước rục rịch bước vào Tết Canh Thân(°) [(°) 1980], thời tiết rất thuận. Song những nỗi lo chồng chất hàng ngày của mỗi gia đình và của cả đất nước khiến cho nhiều người cảm thấy Tết này chỉ còn lại một ý niệm thời gian để tưởng nhớ đến tổ tiên nhiều hơn là dịp hân hoan đón mừng năm mới. Có người còn nói, năm Thân là năm khỉ, nghĩa là cả năm sẽ có nhiều điều nhăn nhó...
Tuy vậy, thời kỳ hung dữ của chiến tranh Campuchia và chiến tranh trên biên giới phía Bắc hình như đã qua, để chuyển sang thời kỳ giành giật căng thẳng kéo dài. Dù sao thì chiến sự cũng lắng đi nhiều. Tại Campuchia hầu như không còn những trận đánh lớn, trừ một số cuộc phản công của Khmer đỏ ở Kôkông, Battambang, Siêmriệp... do tổng hành dinh đóng ở Pailin chỉ huy. Nhưng chiến tranh du kích của Khmer đỏ vẫn giữ nguyên cường độ và gây cho quân ta nhiều thương vong. Đến thời điểm này lực lượng vũ trang của Campuchia Nhân dân vẫn còn non yếu lắm. Trên mặt trận phía Bắc, những tháng gần Tết chiến sự ác liệt thêm vài tuần nữa rồi quân đội Trung Quốc rút về chốt giữ các điểm cao chiếm được trên đường biên giới hoặc nằm sâu bên trong lãnh thổ nước ta. Ngày 5 tháng 3 năm 1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân. Không còn có các cuộc tấn công ào ạt của Giải phóng quân Trung Quốc, nhưng thay vào đó là các trận nã pháo như mưa tầm tã vào trận địa quân ta, có trận kéo dài hết đêm. Có tin nói Trung Quốc muốn thải hết cơ số đạn cũ. Từ cuối tháng 4-1979 hai bên bắt đầu thương lượng, phập phù lúc thông lúc tắc. Các cuộc đánh nhau lẻ tẻ, các sự việc nhổ cột mốc rồi cắm lấn sang đất phía ta, bên ta đưa người ra cắm lại, giành lại đất... trở thành những chuyện cơm bữa quanh năm...
Dù sao kể từ khi khi rục rịch vào Tết Canh Thân, không khí cũng dễ thở hơn một chút.
Hẹn đi hẹn lại mãi, cuối cùng thì bà già Mão, thím của Lê Hải, năm nay chịu ra ăn Tết với vợ chồng Lê Hải. Bà già đem từ quê ra cho một đôi gà. Bà Hậu bàn với chồng đem một con biếu gia đình Nghĩa, tướng Lê Hải ôm chầm lấy vợ:
- Anh chỉ muốn bế bổng em lên hoan hô.
- Không biết xấu hổ! Cứ làm như là còn trai tráng ở tuổi hai mươi ấy!..
- Hôm nay không có gà thì anh vẫn phải đi gặp anh Nghĩa. Anh đang có nhiều chuyện gay cấn quá.
- Buông em ra đi, thím Mão nhìn thấy thế này thì chết!
- Không chết đâu!..
- Anh làm sao mà mấy tuần nay lúc nào cũng đứng ngồi không yên thế?
- Chuyện dài lắm em ạ...
Chiều 23 Tết vợ chồng tướng Lê Hải xách gà đến thăm gia đình Nghĩa. Đây cũng là dịp để bà Hậu hỏi thêm bà Nguyệt về một vài vấn đề sư phạm, dạy học sinh Hà Nội có nhiều điều khác với ở quê. Rời Vĩnh Bảo ra Hà Nội sống với chồng được ít lâu, bà Hậu dạy học theo hợp đồng và học bổ túc để thi tuyển thành giáo viên chính thức. Từ niên học trước bà là giáo viên chính thức của trường trung học phổ thông cơ sở "10 Tháng 10", dạy cấp II, các môn toán - lý - hoá.
Sau một lúc chuyện trò, bà Nguyệt và bà Hậu kéo nhau sang phòng bên, vì biết các ông chồng của mình hễ gặp nhau thì không thể không bàn những chuyện thế gian đại sự, nghe mệt cả người...
Chờ hai bà sang phòng bên rồi, Lê Hải vào chuyện luôn:
- Anh Nghĩa ơi, hôm qua chúng tôi có cuộc chia tay lớn. Vợ chồng anh Hai Phong chuyển hẳn vào Sài Gòn ở với má Sáu Nhơn. Cả hai anh chị ấy đều nhận sổ hưu từ lâu rồi. Anh chị tôi còn nói thu xếp xong mọi việc trong ấy sẽ đưa nốt hai gia đình con trai và con gái vào. -
- Chắc là khí hậu ngoài này không hợp với bệnh hen của anh Hai Phong?
- Không phải. Đấy là hồi kết của cuộc đấu tranh gay gắt một năm ròng giữa bốn anh em trai, tôi là con rể nên không được lôi vào cuộc.
- Anh vẫn còn bị phân biệt đối xử à?
- Không. Tại câu chuyện quá tế nhị thôi. Má tôi bây giờ sống một mình. Giữa năm ngoái gia đình các anh vợ tôi là Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh đi di tản hết rồi. Đi trót lọt mới kinh chứ!
- Chết, lại có chuyện ấy nữa à?- Nghĩa sửng sốt.
- Anh Hai Phong và tôi ra sức can mà không được. Nghe tin là đã đến Mỹ ngót nghét tháng nay rồi!
- Nhưng gia đình các anh ấy đều là cơ sở cách mạng cũ của ta cơ mà?
- Thấy chưa, ngay anh cũng phải hỏi câu này! Anh em Năm Thịnh ra đi cái chính lại là cay cú với Hai Hân, thế mới tệ hại chứ. Bảy Dự đã kể cho anh Hai Phong nghe hết mọi chuyện. Lúc đầu chính Bảy Dự ra sức cản ba anh em Năm Thịnh mà không ăn thua. Sau đó Bảy Dự mời anh Hai Phong mấy lần vào tiếp sức nhưng cũng không buộc chân họ lại được. Tôi phụ vào cũng chẳng ăn thua! Không ngờ Hai Hân ngày càng tệ quá!
- Mọi chuyện khác sẽ hay. Nhưng dứt khoát không thể để bác Sáu sống một mình. Anh Hai Phong đã làm đúng!
- Vâng, chính vì thế vợ chồng anh Hai Phong bây giờ phải vào sống với má tôi. Bà già nhất định không chịu ra Hà Nội.
- Các anh phải thông cảm với bác Sáu.
- Vợ chồng tôi mời bà mãi cũng không được. Các anh ấy muốn cả má tôi đi cùng. Nhưng bà già khăng khăng: “Còn mộ ba các con, mộ hai mẹ con út Thạnh ở đây, má không đi đâu hết. Đây là đất nước của má, sống ở đây, chết ở đây!..” Nhưng các anh ấy vẫn quyết đi.
- Vì tức bị cải tạo tư sản? Hay là đoạn tuyệt với chế độ hả anh Hải?
- Còn hơn thế anh Nghĩa ạ. Anh Năm Thịnh đã mắng thẳng vào mặt anh Hai Phong: "Em bị lừa có mấy năm mà chịu không nổi! Anh bị lừa suốt cả một đời mà không tỉnh ra! Sao mà ngu lâu thế hả anh Hai!.." Sự thể đến nỗi má tôi phải quát lên: "Năm Thịnh, con không được nói anh Hai con như thế!”
Ông Nghĩa ngồi yên nhăn nhó, khiến tướng Lê Hải cũng phải dừng câu chuyện. Sau khoảnh khắc, giọng ông Nghĩa đầy tư lự:
- Ôi anh Hải, tôi nghĩ rằng câu nói ấy tát thẳng vào mặt chúng ta!
- Trời đất, cảm ơn sự chân thật của anh! - Lê Hải nắm lấy tay Nghĩa lắc mạnh. -...Tôi đang tâm trạng lúng túng khó tả... Anh nói ra được như vậy làm tôi nhẹ cả người. Thế là anh thông cảm với tôi... Nhiều lúc tôi nghĩ cứ như là chính mình đã phản bội lại họ hàng ruột thịt của mình có chết không anh...
- Tôi đã được đọc công trình tổng kết của anh Tiến về cải tạo xã hội chủ nghĩa. Những chuyện đại loại như của anh Năm Thịnh có thể xếp vào cái mà anh Tiến gọi là phản ứng giai cấp.
- Cứ cho là thế đi. Có lẽ anh và tôi đều có họ hàng thân thiết là tư sản, nên tình cảm và cách nhìn của chúng ta bệnh hoạn. Mất lập trường sạch trơn rồi phải không?
- Đừng vội tự quy chụp thế, anh Hải.
- Mấy tháng nay tôi tự nhủ phải trung thực suy xét câu Năm Thịnh mắng anh Hai Phong. Tự nhủ như thế nhưng chưa dám thổ lộ với ai, kể cả với Hậu.
- Câu mắng ấy thẳng thắn và thực lòng. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là như vậy. Anh có nghĩ thế không hả anh Hải?
- Thật không ngờ, mình đánh Đông dẹp Bắc cả đời không sao. Nhưng chỉ một câu nói tự bật ra trong hoàn cảnh như thế buộc mình day dứt... thế mới chết người chứ anh Nghĩa!
- Tôi hiểu được anh Hải ạ,...Hơn nữa anh Hai Phong lại là người có uy tín cao nhất bên nhà.
- Hay là tôi không vững vàng? Một câu nói mình chỉ được nghe thuật lại, đâu có phải là câu nói trực tiếp với mình, thế mà xáo động tình cảm và lý trí của mình!
- Anh trung thực với chính mình như thế là phải. Cũng như tôi đã có lần phải tự hỏi: Giả thử đụng độ với nhau trên chiến trường, liệu có dám nhằm vào đầu em mình mà bắn không!? Lễ kêu lên: Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em!.. Thế có đau lòng không, anh Hải?
- Hai chúng ta lâm vào cảnh ngộ trớ trêu, có phải không anh Nghĩa?
- Hình như còn nhiều chuyện chúng ta chưa tỉnh ra anh ạ. Những băn khoăn của Lễ khi đụng chạm đến chuyện cải tạo tư sản, tôi đã kể anh nghe rồi. Nhưng qua câu chuyện bên nhà, tôi thấy phản ứng của anh Năm Thịnh quyết liệt hơn nhiều.
- Tôi biết không ít những người tham gia cách mạng rồi phản bội, những người tham gia nửa chừng rồi bỏ dở... Tôi biết những người chỉ có thể đi với chúng ta một đoạn đường nào thôi, không chống chúng ta, nhưng không theo đến cùng được... Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bị tát vào mặt như anh cũng thú nhận...
- Anh Hải ơi, khi tâm tình với Lễ, em trai tôi cũng hỏi tôi những câu hỏi buộc tôi phải nhìn nhận lại nhiều điều, nhìn lại bản thân, kể cả sự cả tin và ngộ nhận.
- Anh đã đi đến cùng của câu chuyện rồi đấy...
- Tôi cho là không thể nói anh Hai Phong, anh, hay tôi bị lầm lạc hay bị lừa được anh Hải ạ. Cũng không có chuyện chúng ta phản bội lại những người đứng về phía chúng ta. Nhưng nếu để cho những người cùng đi với chúng ta cảm thấy là họ bị chúng ta lừa gạt, thì ắt hẳn đã xảy ra điều gì đại sự.
Mặt mày Lê Hải vui vẻ hẳn lên vì trút được gánh nặng tâm tư:
- Tốt lắm, như thế là cảm nghĩ của tôi không chỉ được anh thông cảm, mà còn được kiểm nghiệm qua tính trung thực của anh!
- Một phản xạ tự nhiên thôi, anh Hải ạ... Tôi không thể nào nghĩ khác được về câu mắng của anh Năm Thịnh.
- Ai không muốn đưa cách mạng tiếp tục tiến lên! Ai không muốn thiết lập những quan hệ sản xuất ngày một tiến bộ hơn. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng quyết sách của chúng ta có gì đó chưa ổn. Trong trường hợp này chí ít cũng nên có cách đối xử dành riêng cho một số tư sản có công với cách mạng.
- Đây lại đánh tuốt đồng loạt. Ông chú Học bên nhà tôi và gia đình bác Sáu bên nhà anh rõ ràng là hai trường hợp khác nhau.
- Tôi nghe nói hình như ở miền Bắc sau 1954 đã có chuyện này rồi, sao lại để tái diễn nhỉ?
- Anh và tôi đều dốt về kinh tế, nên chúng ta hiểu vấn đề này lơ mơ quá. Cũng có thể vì chúng ta không nghiêm túc tổng kết. Việc thì khó, cái đích tổng kết không đúng thì tổng kết lại cũng sai nốt.
- Đúng thế, cái khó có lẽ là chỗ này anh Nghĩa ạ. Cả về tâm, về tri thức, về nhận thức. Tôi lại nhớ đến các công trình tổng kết của anh, mặc dù còn điều này điều khác anh chưa thuyết phục được tôi. Có gan khách quan trong tổng kết thật là khó anh ạ.
- Rõ ràng cải tạo để thiết lập quan hệ sản xuất mới là việc có thể làm được. Vì nói cho cùng quyền lực trong tay làm gì cũng được. Pôn-pốt còn xoá được cả tiền, cả chợ búa cơ mà. Nhưng sau đó làm sao đạt được năng suất lao động cao hơn và đưa kinh tế đi lên thì ta đang mò chưa ra.
- Tôi đang lo bị cái lăng kính của tình cảm làm thiên lệch cách nhìn của mình. Nhưng anh đã cất hộ tôi nỗi lo này. - Lê Hải thở phào nhẹ nhõm.
- Anh khôn quá, anh chỉ lợi dụng tôi để giải toả bế tắc trong tâm tư anh thôi. Nhưng đừng tưởng bở. Tôi chưa nói hết suy nghĩ của tôi đâu.
- Tuỳ anh thôi, tôi không quan tâm. Câu chuyện của chúng ta dẫn tôi đi đến một vấn đề khác.
- Anh đã tự khai ra như thế thì anh nói trước đi. - Nghĩa rót thêm chè vào chén của Lê Hải.
- Tôi xin giả thiết như thế này nhé. Cứ tạm coi việc di tản của anh em NĂM Thịnh là phản ứng giai cấp đi, việc này chúng ta bàn sau. Cũng tạm cho là chính sách cải tạo tư sản là hoàn toàn đúng đi. Vậy sự yếu kém trong thực hiện chính sách cải tạo tội lỗi đâu đến đâu? Sự hư hỏng của cán bộ tác hại đến mức nào?.. Tôi nghĩ rằng tách bóc ra như thế không dễ dàng.
- Anh muốn nói sai lầm và hư hỏng dễ đồng loã với nhau làm một?
- Thế anh không thường được nghe giải thích, đại thể: Chủ trương chính sách này đúng, chỉ sai sót trong thực hiện! Cán bộ A kia phẩm chất rất tốt, chỉ có năng lực yếu kém một chút, hoàn cảnh không cho phép anh ta được đào tạo đến đầu đến đũa!.. Anh không được nghe những loại giải thích như thế bao giờ hả anh Nghĩa?
- Có chứ. Đấy là cách giải thích thông dụng đưa trâu qua rào mà.
- Thế mà anh bàng quan. Chuyện của thế giới bên kia chắc?
- Tôi bàng quan hay không, rồi anh sẽ biết. Nhưng tôi muốn hỏi anh trước: Tại sao anh không bàng quan?
- Tại sao à? Tại vì cái sai sẽ được một cái sai khác biện hộ thành tốt. Tại vì cái xấu, cái bất cập sẽ được một cái yếu kém khác thanh minh cho nhẹ bớt đi!
- Vâng, nói thế thì tôi đồng tình. Và chung cuộc là có nguy cơ cái sai, cái xấu sẽ được bỏ qua, thậm chí sẽ lấn lướt mọi thứ khác! Anh có đi tới cái lô-gích này không, anh Hải?
- Nói về xu thế hay nguy cơ, thì đúng là như anh đang mường tượng đấy anh Nghĩa ạ. Trong chiến tranh tôi nhớ lại một nguyên tắc: Được phép mắc sai lầm trong những nhiệm vụ mới mẻ phức tạp, nhưng trước sau phải minh bạch rõ ràng. Còn đúng sai biện hộ lẫn lộn cho nhau thì dứt khoát không được!
- Tôi cảm thấy câu chuyện Năm Thịnh có khía cạnh nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ anh Hải ạ.
- Hình như những chuyện éo le trong gia đình anh và gia đình tôi khiến chúng ta sống không hời hợt được.
- Muốn hời hợt cũng không được anh Hải ạ.
- Chuyện của Năm Thịnh làm cho tôi gần đây hay nghĩ đến cái chết của ông bố Hậu trong cải cách ruộng đất. Hậu truy hỏi tôi nhiều lần, có những lần gay gắt lắm. Hậu thương xót bố mình quá, có đêm sụt sùi khóc một mình.
- Nhân dân ta độ lượng quá, phải không anh?
- Bây giờ đảng viên chúng ta ai cũng có nỗi lo riêng của mình, nên ít nhiều quên nghĩ đến trách nhiệm đối với những niềm tin đã được gửi gắm vào Đảng. Nhất là niềm tin của những người đã khuất... Tính hay quên đang dần dần trở thành sự vô cảm...
- Hình như hôm nay anh hơi ác khẩu, có phải thế không anh Hải? Hai chữ vô cảm của anh xói vào óc tôi!
- Đúng là những chuyện nhức nhối làm tôi xúc động. Những hy sinh của dân tộc ta lớn lao quá, tôi không thể chịu đựng nổi một sự phản bội nào, dù là nhỏ nhất!
- Anh nói thế nhưng mà là nói ai mới được chứ?
- Đương nhiên không có chuyện dân lại tự phản bội lại dân được.
- Trời anh Hải, anh làm tôi bi quan đấy. Chẳng lẽ đấu tranh và phản bội cứ luân phiên nhau chiến thắng trong bất kỳ một chế độ xã hội nào? Một thứ biện chứng hay một chu kỳ luẩn quẩn ma quái không một hệ thống chính trị nào thoát được à?
- Tôi nghĩ câu chuyện của chúng ta là thế này, khi còn chiến tranh thì trận tuyến khá rõ ràng, những mầm mống xấu khó có đất sống, xuất hiện là bị diệt ngay tức khắc.
- Nói như anh thì phải đề phòng mối nguy chiến sỹ cách mạng trở thành quan cách mạng, người giải phóng trở thành kẻ cai trị?
- Hẳn là thế!
- Quả là khi chiến tranh kết thúc thì trận tuyến rạch ròi giữa đúng và sai chỉ còn là cái biên giới mong manh, dễ bị vi phạm, dễ bị xoá bỏ.
- Hồ Chủ tịch từ lâu đã nói đến nguy cơ “quan cách mạng”.
- Vâng, Bác là người đầu tiên cảnh cáo chúng ta nguy cơ này.
- Anh Nghĩa ơi, mối lo này không phải do tôi tưởng tượng ra trong đầu. Cuộc sống tự nó đặt ra như thế từ ngàn đời nay. Nó trở thành quán tính của lịch sử. Đâu phải chỉ là những gì xảy ra riêng trong gia đình anh và gia đình tôi! Quán tính của lịch sử, anh hiểu không? Đừng mù với nó.
- Vâng, tôi hiểu. Anh nói năng thế nào mà làm tôi lại nhớ đến câu hỏi của đại tá nguỵ Quách Minh Châu.
- Này, ông cho tôi vào một rọ với đại tá nguỵ từ bao giờ thế? Ăn nói với thủ trưởng mà lộn xộn thế hả? - Lê Hải cười, nhưng lại cố làm ra vẻ giận dữ, khiến Nghĩa cũng phải cười theo.
- Tôi kể cho anh nghe rồi đấy, hôm ấy Châu hỏi tôi chế độ lý tưởng của chúng ta liệu có thoát khỏi tham nhũng không. Anh thử đối chiếu câu hỏi của Quách Minh Châu với mối lo bây giờ của anh về cái quán tính của lịch sử xem sao.
- Có lý. Có lý... Theo tôi, trong cuộc sống đã bắt đầu lấp ló các hiện tượng bệnh hoạn. - giọng Lê Hải đầy ưu tư. - Anh không thấy những kiểu người như Đoàn Danh Tiến, Hai Hân... bắt đầu lên sân khấu rồi à?
- Bên cạnh tính danh của anh là nhà lý luận quân sự, có cần tôi phải tặng thêm cho anh tính danh là nhà đạo đức học nữa không anh Hải?
- Đừng có nhà với cửa gì cả. Anh dửng dưng với mối nguy này hay sao?
- Không. Tôi thừa nhận trong thời bình, lại giành được quyền lực, hiển nhiên chúng ta đang cần những giá trị mới đủ sức chống lại cái mà anh gọi là quán tính của lịch sử.
- Tôi nói rồi, tôi không thể chịu đựng được sự phản bội, dù là nhỏ nhất. Do đó tôi không muốn niềm tin của những người thân thiết của tôi bị phản bội. Lại càng không muốn những điều tốt đẹp nhất tạo ra niềm tin này cuối cùng hoá thân thành những công cụ thực hiện sự phản bội. Anh có hiểu tôi không anh Nghĩa?
- Vâng, tôi thông cảm sự day dứt của anh. Đó cũng là tâm trạng của tôi.
- Kháng chiến thành công rồi, đây là cái điều đáng lo nhất trong thời bình. Anh không thấy vậy à?
- Khi chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, có ai bàn thấu đáo chuyện này không anh Hải nhỉ?
- Không rõ. Hiện nay là cái sảy nảy cái ung. Sài Gòn vẫn chưa hết xôn xao vì một hai năm nay nhiều người đi di tản quá. Những người ra đi vì miếng sống thì không nói làm gì. Nguồn gốc gây ra xôn xao lại là một số người theo ta hoặc đã từng tham gia kháng chiến cũng bỏ đi di tản. Một vài người trong số này trước đây là các nhân vật có tên tuổi trong lực lượng thứ ba, đã từng tham gia Mặt trận Giải phóng của ta. Ba gia đình anh em Năm Thịnh nhà tôi cũng góp phần vào không khí xôn xao này.
- Thực tình là tôi không hình dung nổi một thời kỳ hậu chiến phức tạp như thế này, mặc dù tôi đã tự chuẩn bị tư tưởng, đã tự răn đe mình rất nhiều.
- Lúc nãy anh nói còn giấu tôi điều gì chưa khai báo ra hết. Nói đi anh Nghĩa!
- Anh muốn nghe thì tôi sẵn sàng. Nhưng nói thế nào cho anh dễ hiểu nhỉ... Thôi được, tôi diễn đạt thế này: Suy cho cùng trong mỗi chúng ta đều có một một Lê Hải, một Năm Thịnh, một Đoàn Danh Tiến, một Hai Hân, một vân vân...
- Anh là môn đệ của cái lý thuyết chiết trung từ bao giờ thế?
- Không chiết trung đâu. Tội lỗi chỉ tại vì cái biên giới mong manh trong mỗi con người chúng ta thôi anh Hải ạ. Hôm nay tôi là Lê Hải, mai tôi có thể biến thành Đoàn Danh Tiến, ngày kia tôi có thể là một ông quan thực sự, nghĩa là kẻ phản bội thực sự.., hay là vào một thời điểm nào đó tôi biến thành Năm Thịnh...
- Nhưng cái gì thôi thúc hay xô đẩy con người đổi vai như thế?
- Anh Hải ạ, chúng ta học phép biện chứng, học Mác, nhưng đây là điểm chúng ta thích quên nhất: Sự tha hoá! Sự tha hoá ngay trong mỗi con người. Anh gọi nó là quán tính của lịch sử thì hơi đao to búa lớn, nhưng nội dung sự vật thì na ná như vậy.
- Tôi hỏi nhé, một khi tha hoá vượt ra khỏi một con người riêng lẻ, trở thành một hiện tượng, một xu thế dịch bệnh trong xã hội, một sự vận động trong một chế độ chính trị, thì anh gọi nó là cái gì?
- Anh quả là con người cảnh giác. Vâng, đó là hứa hẹn sự tiêu vong những thành quả cách mạng của dân tộc ta!
- Có thế chứ, không thì anh cứ quanh co mơn trớn tôi mãi! Như vậy con người chẳng lẽ chỉ có một số phận là chịu để cho tha hoá khuất phục?
Tôi không đến nỗi bi quan như thế, ít nhất cho đến giờ phút này. Con người có khả năng chống tha hoá chứ! Tuỳ lúc nó có thể còn có cả khả năng phủ định chính nó nữa cơ mà. Điều chắc chắn là tha hoá tự nó không bao giờ buông tha con người. Tha hoá cầm chắc chiến thắng trong tay khi nó không được nhận dạng anh Hải ạ.
- A ha, thấy chưa! Như thế là cái tính bi quan nằm sẵn trong máu anh rồi, thế mà lại đổ riệt cho tôi!
- Nó nằm ngủ trong máu tôi, nhưng anh đánh thức nó!
- Vậy hả? Nếu thế phải nghe thêm chuyện này nữa cho tỉnh ra. Tại cuộc họp liên tịch vừa rồi bàn về an ninh, di tản trở thành vấn đề chính. Ông Tiến thay mặt ngành tuyên huấn phát biểu găng lắm. Nêu đích danh cả ba gia đình anh em Năm Thịnh làm ví dụ, phê phán lãnh đạo địa phương là hữu khuynh. Quan điểm của ông Tiến được nhiều người trong hội nghị hoan nghênh. Ông Tiến còn biết tôi và anh đều có họ hàng là tư sản bị cải tạo.
- Thế tại cuộc họp anh Tiến có quy kết chúng mình là những phần tử có liên quan không anh?
- Chưa đến mức ấy, nhưng khi gặp riêng tôi, ông Tiến tỏ ý tiếc là ảnh hưởng của chúng ta đối với họ hàng ít quá. Tiến đem đến hội nghị một báo cáo mật của Ban dân vận thành phố để làm tài liệu tham khảo, do Hà Văn Hân ký tên. Báo cáo sặc mùi tính cách của anh ta, đúng như ông Tư Cương kể cho tôi nghe trong những lần tôi vào thăm má Sáu. Anh Hai Phong, rồi đến tôi, rồi đến anh được lần lượt nêu đích danh trong báo cáo này, bằng chứng rất thuyết phục về vai trò yếu kém của đảng viên chúng ta đối với những vấn đề hệ trọng trong gia đình họ mạc của mình.
- Biết làm thế nào được, anh Hải. Cháu gái tôi, con của Lễ, cũng đi di tản, cả nhà tôi muốn giữ cháu ở lại lắm chứ. Chúng tôi mới nhận được thư báo từ Mỹ là cháu bị hải tặc giết rồi, thật đau lòng quá. Vợ chồng Lễ sống dở chết dở! Tất cả chúng tôi đều giấu mẹ tôi chuyện này.
- Chết, lại đến nông nỗi ấy cơ à? Sao không thấy anh nói gì với tôi. - Tướng Lê Hải ngơ ngác.
- Chúng tôi muốn giữ kín với mọi người. Chuyện xảy ra rồi, biết làm thế nào được nữa...
- Người như Đoàn Danh Tiến cần phải biết cả chuyện này nữa mới phải, để xem ông ta sẽ phê phán như thế nào! - giọng Lê Hải đầy chì chiết. - Tiến còn nhắc lại cả cuộc nói chuyện của anh năm nảo năm nào ở trại B7, chuyện anh xin giải ngũ. Sao lại có con người cái gì cũng biết và nhớ dai đến thế! Chỉ còn thiếu một điều là ông ta chưa đứng lên giữa hội trường vạch mặt chúng ta là những kẻ bạc nhược, những kẻ thoái hoá mất tính Đảng...
- Nói cho công bằng hai chúng ta ít nhất đã được ông ấy một lần ca ngợi tít lên mây xanh đấy chứ.
- Vâng, tôi nhớ. Một lần duy nhất nhưng không thể nào quên! Anh định lấy chuyện đó làm dẫn chứng cho cái lý thuyết biên giới mong manh có phải không anh Nghĩa? Hay ông ta là con người hai mặt?
Thôi, càng nói càng bực mình, quên ông ta đi anh Hải ạ. Tôi đang lo canh cánh Nhà nước năm nào cũng đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm nay cố phấn đấu bằng năm trước! Anh nhìn kia kìa, toàn là thùng, can, chai, túi, lọ... Nhà biến thành cái kho. - Nghĩa chỉ tay vào các gầm bàn, gầm tủ. -...Anh tính, lĩnh lương về là nhà tôi đem tiền và tem phiếu mua bằng hết. Cái gì tem phiếu được mua là mua tuốt. Dùng đến hay không dùng đến không thành vấn đề! Chuyện này mới đáng lo hơn!
- Bao cấp mà. Nhà nước thu mua để phân phối thì như cướp, đem bán theo tem phiếu thì như cho. Dân người ta nói toạc ra như thế đấy. Một Phó thủ tướng dám nhắc lại nguyên xi như thế trong cuộc họp Chính phủ.
- Chúng ta rất cần những lời nói thẳng như thế.
- Nhưng ông ấy bị phang đến nơi đến chốn vì tội này. Kể ra không oan và oan anh Nghĩa ạ! Nhờ tem phiếu mà ta thắng Mỹ. Bây giờ thay tem phiếu bằng cái gì thì chúng ta chưa biết! Ngẫm nghĩ mãi, tôi thấy bên cạnh cái nghèo còn có cái khó của tư tưởng bình quân, một di sản lâu bền của chiến tranh.
- Về nhiều phương diện anh đúng là người trung thành với cái thuyết quán tính của lịch sử.
- Nếu giỏi thì bác bỏ đi! - Lê Hải thách.
- Hãy đợi đấy. Tuy nhiên, tôi có lãng mạn đến mấy cũng phải đồng tình với Xuân Diệu thôi. Chuyện cơm áo không đùa với tất cả chúng ta•(°) [(°) Ý thơ của Xuân Diệu, trong câu: "Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt, Cơm áo không đùa với khách thơ"...].
- Tưởng là người đã từng viết được cái đơn xin giải ngũ thì chỉ cần sống bằng hương hoa thôi chứ?
- Anh muốn rủa tôi chóng chết có phải không?..
-...
- Trời ơi, hai ông định hun chết hai chị em tôi hay sao thế này. - Bà Hậu không chờ được nữa, một tay vừa kéo bà Nguyệt, một tay xua khói thuốc lá từ buồng bên bước vào nơi hai ông đang ngồi nói chuyện.
- Chết thật, có hai người mà nghi ngút như khói tàu hoả thế này! Chị em chúng tôi vào giải thoát cho hai ông đây. - bà Nguyệt nói theo bà Hậu.
- Chúng ta phải tạ ơn các bà đi. - ông Hải hiểu là phải dừng câu chuyện ở đây. - Chị Nguyệt năm nay có cần xông đất cho nhà ta không ạ, phải đăng ký từ bây giờ đấy!
- Vâng xin đăng ký ngay ạ.
- Nhưng tôi có rơ-moóc, không đi xông đất một mình được.
- Anh Hải ơi, em không biết là ai "rơ-moóc" ai. - bà Hậu phản ứng ngay.
- Anh anh em em dịu dàng thế này thì cả hai ông bà "rơ-moóc" nhau vậy. - Nghĩa đỡ lời cho Lê Hải.
- Mời cả chị Hậu đi cùng càng vui chứ sao ạ. Anh chị đi hái lộc rồi đem lộc về cho gia đình tôi thì còn gì bằng!
- Chị Nguyệt rất hiện đại, không kiêng phụ nữ đến xông nhà. - Bà Hậu khen.
- Năm nay nhà chúng tôi được anh chị xông đất, chắc sẽ có nhiều tin vui. Chúng tôi đang rất nóng tin về cháu Nam...
- Có phải là Nam bác sỹ quân y đang ở Campuchia không chị?
- Vâng. Thấm thoắt đã hơn một năm rồi đấy chị Hậu ạ. Bà cháu và anh chị Chính tôi mong ngày mong đêm. Trong số các cháu nhà họ Phạm chúng tôi, cháu Nam là chững chạc nhất...
Tuy đang không khí vào Tết, nhưng khi chia tay vợ chồng Nghĩa, tướng Lê Hải thấy trong lòng nặng trĩu. Gửi xong xe đạp để vào chợ hoa, Lê Hải lẽo đẽo đi theo vợ, đi giữa rừng hoa nhưng chẳng nhìn thấy gì cả. Nỗi lo của ông về cái quán tính của lịch sử càng trĩu xuống vì cái biên giới mong manh mà Nghĩa đã nêu và cả "cái tát" nhoéng lửa của Năm Thịnh nữa.
- Năm nay không cắm bích đào, mà cắm đào phai. Em chọn mãi... Cành này được không anh?
Hậu nói xong nhưng ngoảnh lại chẳng thấy chồng mình đâu cả. Tõi mãi bốn chung quanh bà mới nhìn thấy ông đang đứng xa đến cả chục bước.
Trong tay vợ kéo đi, Lê Hải thanh minh:
- Chợ hoa đông quá, bộ đội không dám chen bật nhân dân!
- Mau lên anh, không có người ta mua mất cành đào phai em đã chọn!
...Thật là cầu được ước thấy. Hay là nhờ đêm giao thừa cả hai vợ chồng ông Hải đến xông đất.., trung uý quân y Phạm Trung Nam được nghỉ phép mười ngày. Nam phải lo trực đêm ba mươi và ngày mùng một Tết. Nam về đến nhà mùng bốn Tết, trong sự vui mừng đến ngỡ ngàng của mọi người. Điều này có nghĩa các gia đình họ Phạm có một cái Tết kéo dài đến giữa tháng giêng và vui gấp nhiều nhiều lần các Tết khác!
- Cháu ở nhà ngày nào là bà có Tết ngày ấy. - cụ Tuyên bà nói đi nói lại với Nam câu này không biết chán.
Rõ ràng là có Nam, cụ lanh lẹn hẳn lên, đã bắt đầu đi bộ được loanh quanh các phòng trong nhà. Mỗi bữa cụ ăn được một bát cháo, thỉnh thoảng dùng một muôi cơm. Quà của Nam đem từ Campuchia về biếu bà là hai hộp sữa đặc Liên Xô. Bận gì thì bận, Nam luôn luôn có chuyện này chuyện khác hay một câu nói gì đó làm bà vui, có lúc nhắc lại những chuyện cũ quấn quít giữa hai bà cháu...
Tối mùng sáu Tết, ông bà Chính đến xin bố mẹ Yến cho tổ chức lễ cưới. Lời cầu xin được chấp thuận ngay, vì đấy cũng là nguyện vọng của bố mẹ Yến.
Tại Siêmriệp, khi nhận được lệnh trên cho về nghỉ phép, thủ trưởng và anh em trong đơn vị vừa khuyên vừa trêu trọc Nam:
- Được nghỉ những mười ngày, cưới vợ quách đi cho xong!
- Ra tiền tuyến phải có một du kích ở nhà giữ người yêu cho yên tâm chứ!
- Có một ngày tớ còn lấy được vợ, cậu những mười ngày!..
Nam nghĩ rất nhiều đến chuyện cưới, trong lòng khao khát lắm. Ấy thế mà khi đeo ba-lô lên vai chia tay mọi người trong đơn vị, Nam vẫn chưa dám đi đến quyết định dứt khoát. Suốt một năm qua Nam chưa có một lá thư nào dám đề cập đến chuyện này, dù là thư viết cho Yến, viết cho bố mẹ, hoặc là cho em gái. Đấy là sự do dự có thể hiểu được, vì hạnh phúc phía trước lớn quá, gắn với thân phận quá mong manh của người lính trên chiến trường ma quỷ này. Càng thấy tình yêu của mình thiết tha bao nhiêu, Nam càng cảm thấy mình hạnh phúc bấy nhiêu, song lo lắng.. - hay là nỗi do dự khó tả xiết - càng tăng lên theo...
Ai lường trước được điều gì trên cái chiến trường ma quỷ này?..
Cứ mỗi khi nghĩ đến Yến, Nam lại vấp phải ngay câu hỏi này... Chẳng bao giờ nhìn thấy kẻ thù, nhưng kẻ thù có ở khắp mọi nơi, ngay trước mặt, ngay bên cạnh... Kẻ thù đến thăm bất kỳ giờ phút nào, kẻ thù làm bất kỳ điều gì nó thích!.. Nam thừa nhận đối phó với chiến tranh du kích Khmer đỏ hoàn toàn không đơn giản, mặc dù trạm xá của Nam bây giờ được đặt trong vùng hậu cứ an toàn, có lực lượng bảo vệ khá mạnh. Khi ở cái thế phải bỏ sử dụng chiến thuật du kích thì dù quân đội ta có là bậc thầy của chiến tranh du kích cũng thế thôi...
Song cuối cùng, Yến mới là người thực sự xua tan mọi do dự cuối cùng của Nam, ngay buổi tối đầu tiên Nam đến chào bố mẹ Yến:
- Anh đã giữ được lời hứa chờ đến khi em tốt nghiệp. Bây giờ em đã là cán bộ dự bị của nhà nước rồi! Anh xem em có oai không?
- Oai.
- Oai thật chứ?
- Thật mà. Có bao giờ anh nói dối em đâu.
- Thế anh chê không tiếp nhận cán bộ dự bị à?
- Em bảo anh tiếp nhận thế nào?
- Chúng mình xin hai bên bố mẹ cho làm lễ cưới.
Dù là mong đợi điều này, Nam vẫn như trên trời rơi xuống đất:
- Ôi! Nên bao giờ hả em?
- Ngay bây giờ.
- Ngay trong lúc chúng mình đang ngồi ăn kem với nhau như thế này, có phải không? - Nam cố lấy lại bình tĩnh.
- Anh hiểu như thế cũng được. - cùng với cốc kem, Nam được ăn thêm một cái béo tai.
-...
Rời tiệm kem Bốn Mùa tối hôm ấy, đôi trai gái về thưa với các bậc bố mẹ của mình nguyện vọng xin làm lễ cưới.
Tối mùng sáu Tết ông bà Chính sang nhà Yến.
Trong một ngày không thể kiếm đâu ra trầu cau để chia cho hai họ, nhất là vào thời buổi mọi thứ của cuộc sống chỉ tập trung vào những gì có liên quan đến tem phiếu. Hơn nữa bây giờ là ngoài Tết. Nhờ bao nhiêu người giúp sức, cuối cùng thím Cúc cũng mua được một buồng cau đẹp và mấy tệp trầu không để tượng trưng cho lễ cưới. Thím Cúc nổi tiếng là đảm đang trong cả họ, buồng cau và một gói trầu không rất khó kiếm này lại càng làm cho thím nổi tiếng.
Ông Chính thưa với bố mẹ Yến:
- Mong anh chị thông cảm cho, may quá là thím Cúc cháu còn kịp tìm được buồng cau và những tệp trầu không này.
- Phải nhờ đến các học trò của các thầy cô giáo cùng dạy học với thím Cúc cháu đấy ạ. - bà Chính nói thêm vào.
- Chúng tôi xin nhận, có được lá trầu quả cau làm tượng trưng là chúng tôi mãn nguyện rồi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh chị. Xin anh chị chuyển lời cảm ơn của chúng tôi đến chị Cúc...
Câu chuyện trầu cau mau chóng chuyển thành cuộc bàn bạc giữa hai bên bố mẹ về những việc cụ thể cho lễ cưới, ấn định ngày mùng tám.
Người có công nhất trong đám cưới của Nam và Yến lại là bộ phận hậu cần của K8, đơn vị cử trạm quân y dã chiến của Nam đi chiến trường Campuchia. Nói là K8 tổ chức đám cưới cho Nam cũng không có gì là quá lời. Cũng phải lâu lâu rồi bây giờ mọi người mới thấy một đám cưới tiệc trà đẹp và nhiều bánh kẹo ngon như vậy.
Trong tiệc cưới, điều làm mọi người trầm trồ là cô dâu có cái áo dài đẹp quá. Thời tem phiếu áo dài hiếm lắm, đúng là chỉ thấy nhiều nhất trong ngày tết và trong các đám cưới. Áo dài cưới của Yến đã đẹp vì thế lại càng đẹp.
Mấy chị bác sĩ, y tá khéo tay của K8 mất trọn một ngày may bằng xong cho Yến cái áo dài rất mốt, chắc chắn cả Hà Nội không ai có. Cổ áo được may cao và cắt lượn sâu rất đẹp, cánh tay áo xoè dưới cổ tay đính theo đăng-ten thành hai bông hoa sang trọng, thân áo lưng ong cao hẳn lên, hai tà áo thướt tha một cách trang nghiêm, tà áo sau hơi xoè ra một chút... Không biết các chị ấy tìm được ở đâu ra mảnh gấm trắng ánh bạc đẹp quá, tự sáng tạo ra mẫu áo, do hoạ sỹ nghiệp dư Phạm Trung Nam - nghĩa là chính chú rể - vẽ kiểu. Yến cũng bị "nhốt" trọn một ngày, đứng cho các chị đo áo, đi đi lại lại trong các tư thế để cho các chị ngắm nghía từ mọi phía, sửa đi sửa lại mấy lần... Đấy là công việc duy nhất và bận nhất của Yến trước lễ cưới. Mọi việc khác của Yến đã có mẹ Yến, Loan, các bạn của Yến và hậu cần của K8 lo hết.
Nam vốn đẹp trai, nhờ cái gien đẹp trai của họ Phạm, trong tiệc cưới lại càng bảnh bao. Ngày thường giản dị trong bộ quân phục, tại lễ cưới trong bộ xi-mô-kinh (smoking) đen rất đúng mốt của chú Kiệt tặng, thắt nơ bạc, nhiều người ngỡ ngàng không nhận ra Nam nữa.
Hội trường của K8 được trọn làm phòng cưới, hoa và đèn lộng lẫy. Hoa ở Hà Nội về mùa này đẹp nhất trong năm. Từ màu sắc cho đến dáng hoa, mỗi hoa mỗi vẻ, hình như cái hoa nào cũng biết cười biết nói! Do hoa đẹp hay do biệt tài của những bàn tay cắm hoa, đến phòng cưới mọi người có cảm tưởng đang từ cuộc sống nhiều chuyện cam go hàng ngày bước vào một thế giới thanh thản và đầy ắp yêu thương. Ai cũng cảm thấy ấm lòng, vì vui mừng cô dâu chú rể đẹp đôi, vì tình cảm ruột thịt chan hoà, vì sự thương yêu nhau giữa những con người quý trọng yêu thương...
Cuối tiệc cưới, bố của Yến được ông Chính mời thay mặt hai họ nói mấy lời cảm ơn. Ông nói mấy câu ngắn gọn, giọng ông đầy xúc động.
- Hai cháu có hạnh phúc lớn, là ngoài tình yêu thương của gia đình hai bên bố mẹ, hai cháu còn được K8 yêu thương hết lòng. Sự chăm sóc của tất cả các bác, các cô các chú, các anh các chị trong K8 dành cho hai cháu nói lên điều này. Chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ... Xin cảm ơn tất cả...
Tiếng vỗ tay rào rào...
- Thật ra đơn vị chúng tôi mới phải là người đứng ra cảm ơn hai họ. - đại tá thủ trưởng đơn vị K8 lên bục mi-crô đáp lời. -...Nhất là chúng tôi phải cảm ơn bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể đã cho đơn vị chúng tôi một đôi trai gái tuyệt vời. Hôm nay là ngày cưới của hai cháu, song cũng coi như là ngày đơn vị K8 chúng tôi làm lễ nhận Nguyễn Thị Bạch Yến và Phạm Trung Nam là con của đơn vị chúng tôi. Đại gia đình K8 chúng tôi nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành quân y. Tôi mong hai cháu sẽ góp sức cùng chúng tôi phát huy truyền thống của đơn vị. Xin cho phép tôi nhân cơ hội có mặt đông đủ như thế này, trân trọng công bố quyết định của Cục Quân Y do thiếu tướng Cục trưởng ký, nội dung như sau...
Hội trường im phắc, ngỡ ngàng, mọi người không hiểu quyết định gì mà lại đem ra công bố giữa lễ cưới như thế này. Đại tá thủ trưởng K8 dừng thêm một chút nữa, rồi lấy giọng:
- Tôi xin đọc: Xét đơn xin nhập ngũ của dược sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến và kết quả thực tập tại K8 từ khi ra trường, xét kiến nghị của tập thể ban chỉ huy K8, Cục Quân Y quyết định, điều 1: tuyển dược sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến vào đơn vị K8, phong quân hàm thiếu uý; điều 2: Ban chỉ huy K8 và thiếu uý Nguyễn Thị Bạch Yến chịu trách nhiệm thi hành quyết định này... Xin thưa với tất cả, ngày ký quyết định cũng là ngày cưới hôm nay của hai cháu Yến Nam đấy ạ!
Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô, niềm hân hoan, những lời chúc mừng... Cả hội trường hướng về phía cô dâu chú rể. Nhiều bà, trong đó có bà Chính, mẹ Yến, thím Cúc, bà Nguyệt..., nước mắt vòng quanh, vì quá cảm kích về quyết định đầy tình nghĩa yêu thương của Quân đội dành cho con cháu mình, vì thấy mình hạnh phúc lây hạnh phúc của Yến và Nam...
Sau khi tạm biệt cô dâu chú rể, tướng Lê Hải và nhiều bạn bè thân thiết khác là quân nhân chụm lại một chỗ để chuyện trò thêm một lúc nữa với đại tá Nghĩa. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt từng người.
- Quyết định của thiếu tướng cục trưởng tuyệt vời quá, đúng lúc quá! Ôi, Quân đội ta! - bố Yến là người đầu tiên thốt lên.
- Một đám cưới đẹp. Cô dâu chú rể thật là đẹp đôi! Ôi... - bà Hậu xúc động ôm lấy bà Nguyệt, bỏ dở câu nói.
- Nhờ anh Nghĩa chuyển lời chúc mừng nhiệt liệt của chúng tôi đến hai họ.
...
Nhìn thấy tướng Lê Hải, ông Chính chạy đi kéo bố Yến đến chỗ đám quân nhân già:
- Xin giới thiệu với anh Lê Hải, đây là bố của cô dâu ạ.
- Hai họ chúng tôi, trước hết là tôi, xin có lời cảm ơn anh đã giới thiệu cháu Yến với Cục Quân Y, vì vậy mới có cái quyết định đầy thương yêu đối với cả hai họ chúng tôi.
- Hai anh chu đáo quá, có gì đâu mà cảm ơn... - tướng Lê Hải đáp lại. -...Đúng ra hai anh phải cảm ơn anh Nghĩa. Chủ mưu việc này là anh Nghĩa, tôi chỉ là người thực hiện thôi ạ.
Anh Hải khiêm tốn quá.
- Thực là như vậy. Tôi không biết cháu Yến lắm, nhưng qua anh Nghĩa tôi tin rằng họ Phạm không nhầm khi chọn con dâu cho mình!
- Anh Hải cho họ Phạm chúng tôi vinh dự lớn quá! Xin cảm ơn anh. - Cả hai tay ông Chính nắm lấy bàn tay ông Lê Hải.
Đại tá Nghĩa tập tễnh rảo bước, loáng một cái biến đâu mất nhưng rồi quay lại ngay, đi theo ông là một thiếu phụ và một cháu gái quàng khăn đỏ. Mẹ cháu đón cháu ở trường rồi đến thẳng đám cưới.
- Xin giới thiệu với các anh, đây là cô Trang, vợ liệt sỹ Lâm, người đã cứu sống tôi ở mặt trận Quảng Trị. Đây là con gái anh chị Lâm.
- Em chào các anh ạ. Con chào các bác đi... - Trang, vợ liệt sĩ Lâm, kìm nước mắt, cố gượng cười. -...Em thấy cô dâu chú rể đẹp đôi quá các anh ạ. Hai cháu hạnh phúc quá, em mừng cho hai cháu...
Mọi người xúm xít hỏi thăm cuộc sống của gia đình chị Lâm hiện nay, về học hành của con chị.
- Anh chị Chính, anh chị Nghĩa coi em như em ruột trong nhà. Kỳ giỗ bác Tuyên em năm nào các anh các chị cũng mời mẹ con em đến dự... Các anh các chị an ủi em nhiều...
Câu nói của chị Lâm làm tướng Lê Hải nhẹ lòng.
Khách ra về đã vãn. Các chiến sĩ trực ban đã bắt đầu vào thu dọn các bàn tiệc. Vợ chồng Nghĩa và vợ chồng Lê Hải đứng với nhau một lúc nữa. Bà giáo Hậu thốt lên:
- Hôm nay thật ấm tình người, ôi làm sao giữ mãi được niềm hạnh phúc này...
Nhiều ngày sau, đám cưới này còn là chủ đề của biết bao nhiêu câu chuyện.
Trong những ngày ngọt ngào của tuần trăng mật hầu như không bước chân ra khỏi nhà, vợ chồng Nam không rời nhau lấy nửa bước. Mãi đến lúc này họ mới có chút thời giờ giành cho nghệ thuật, niềm đam mê lớn nhất của họ.
...Nam kéo rèm cửa sổ sang hai bên cho phòng sáng thêm rồi ngồi bình tiếp với Yến các sáng tác trong thời gian ở Campuchia, chủ yếu là ở Siêmriệp. Cuối cùng Nam lấy từ đáy ba-lô ra một quyển sổ to bìa cứng. Ông Chính cho Nam quyển sổ này hôm Nam lên đường.
- Tất cả các tranh em vừa xem anh không thích bằng quyển sổ này. - Nam chỉ cho Yến xem các mô-típ mình ghi lại bằng bất kể thứ bút gì vớ được trong tay...
Yến lật các trang trong quyển sổ. Có những trang xem đi xem lại, vừa xem vừa nói với Nam:
- Anh viết nhật ký bằng tranh? Trong những tranh em vừa xem có một số mô-típ hình như lấy từ trong quyển sổ này?
- Em nói đúng. Anh dồn tất cả nỗi nhớ nhung vào quyển sổ này. Chưa bao giờ anh vẽ nhiều về cái chết đến như vậy... Có lẽ những dãy phố chết, những cái chợ xiêu vẹo, những dãy phố cháy trụi, những con đường chết, những cánh đồng chết... đã gây cho anh những ấn tượng sâu sắc... Em xem, nói cho đúng hơn anh vẽ cuộc sống bị giết như thế nào... Càng nhớ em, nhớ nhà vô cùng... Xem tiếp trang này nữa... Đây là một phụ nữ bị giết, không thể biết là bao nhiêu tuổi, xác quắt khô, không biết bị giết từ bao giờ, chỉ còn vài sợi tóc dài chưa rụng hết bên cạnh một cái lõm đen trên đầu, quần áo đã tan lả tả, trên ngực hai vú khô đét chảy dài kiệt sức sống... hai cánh tay chới với như còn đang cố giữ lấy cái gì đó chưa chịu buông ra hay như đang van xin điều gì, hai chân vừa như quỳ cầu nguyện vừa như đang co quắp giãy giụa... Em xem kỹ đôi mắt:...hai hố mắt lõm sâu hẳn như đang cố giấu cả thế giới vào bên trong, hay là đang cố níu kéo lấy cuộc sống bằng cái nhìn vô tận... Anh loay hoay mất mấy tuần chỉ để vẽ đôi mắt này, đôi mắt của người còn sống nhưng đã bị giết... Từ miệng người phụ nữ vang xa lời gào thét hay lời cầu cứu thảm thiết... Em xem cái cuốc đen này vấy đầy máu, không biết từ đâu rơi xuống rồi nằm lại bên bờ sông Xtungxtreng, con sông vẫn chảy hiền hoà, phía trên... đây là những núi xương người những cây thốt nốt giang tay nhau bảo vệ bầu trời đầy nắng... Nhìn kỹ, em thấy xa xăm mờ mờ ảo ảo đền Angkor Vat...
- Trời ơi! Một tiếng kêu gào khác của Guernica?..
- Có lẽ như vậy em ạ. Anh vốn hâm mộ Picasso, nhưng có lẽ qua những cảnh tượng đối nghịch nhau như nước với lửa ở Campuchia, cái sống và cái chết không đội trời chung với nhau, anh mới hiểu thêm Guernica!..
- Trang này nữa... Sao anh đang vẽ lại bỏ giở?
- Đây là một bàn tay gầy guộc, bị chặt rời khỏi cánh tay nhưng vẫn còn trong tư thế như đang nâng niu một cái gì đó... Đây nữa... Trang này... Trang này nữa... Anh vẽ bằng bột mầu, bút chì, hết bút chì thì bằng bút dạ, có khi bằng cả bút bi đang có trong tay, bằng những đêm trực ban mà cái chết lúc nào cũng đang đánh vật với các thương binh... Cái chết lúc nào cũng rình mò chung quanh... Anh vẽ cả bằng nỗi nhớ xé lòng... Yến ạ, chưa bao giờ anh có một ước ao mãnh liệt đến thế, ước ao khi hoàn thành nghĩa vụ ở Campuchia về anh sẽ đi khắp mọi nơi, chỉ để vẽ...
Ôi nếu được như thế! Đến lúc ấy em sẽ địu con đi theo anh cùng trời cuối đất...
- Không còn khát khao nào bằng em ạ. Tình yêu của em đem lại cho anh đấy...
- Em hiểu, đúng là không thể lời nào nói lên hết được cảm xúc của những trang sổ này! Anh để quyển sổ này ở nhà cho em nhé. Em sẽ tặng nó một cái tên xứng đáng.
- Tên gì vậy em?
- Nhật ký tình yêu cuộc sống!
Nam ôm hôn vợ tha thiết. Trong vòng tay mình, Nam nói với Yến:
- Cảm ơn em...
-...Cậu mợ vừa mua cho anh một quyển sổ mới. Quyển này đẹp hơn, giấy tốt hơn và khổ cũng rộng hơn. Anh sẽ mang quyển mới đi... Không hiểu cậu mợ lùng đâu ra được một quyển sổ chuyên nghiệp đẹp quá em ạ. Em xem đây này...
-...Vâng, đúng là quyển sổ để các thợ vẽ ghi lại các phác hoạ và cảm xúc của mình... Anh ơi, nhưng quyển sổ này không phải là loại bán sẵn. Có lẽ cậu mợ đi mua giấy vẽ rồi đưa đi thuê đóng thành sổ nên mới đẹp như thế này... Đúng rồi!...Cửa hàng đóng sách 35 Cửa Nam... Đây này, có cả dấu của cửa hàng nữa anh ạ... Em hiểu thêm tấm lòng của cậu mợ...
- Em biết không, ra đi lần trước nếu cậu không chuẩn bị cho anh ít đồ vẽ thì có lẽ không có những tranh này, không có Nhật ký Tình yêu cuộc sống.
- Em hiểu. Lần ấy anh còn không có cả thời giờ để buồn khi chia tay em cơ mà!
- Em thù anh dai quá! Chúng mình còn hai ngày nữa để em tha hồ trả thù anh chuyện cũ!
- Thù anh thì không bao giờ hết được, hơn một năm đằng đẵng chờ đợi! Mấy ngày nay chúng mình nói với nhau bao nhiêu chuyện mà vẫn không hết. Còn bao nhiêu chuyện phải lo sẽ tính dần.
- Thời gian sao cứ đi vùn vụt!
- Em xấu hổ quá, ai lại ngày nào cũng để cho cả nhà chờ cơm! Hàng xóm mà biết người ta cười cho.
- Về cái tội mấy ngày liền chúng mình không ra khỏi phòng?
- Chứ còn gì nữa!
- Anh mong mọi người sẽ thông cảm. Chỉ khổ Loan mấy ngày nay phải leo gác giục chúng mình xuống nhà ăn cơm. Anh vẫn thích nhất chuyện em xin nhập ngũ.
- Anh đã cảm ơn chú Nghĩa chưa? Sáng kiến của chú Nghĩa đấy.
- Em yêu Quân đội đến thế à?
- Anh hiểu thế cũng được. Em chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được gần anh thôi. Chú Nghĩa khuyên: Nếu thế thì nên xin vào K8. Em thực hiện ngay.
Chú Nghĩa của chúng mình thật tuyệt vời em ạ. Khi ấy nhờ chú, anh vững dạ lên đường. Không đơn giản chút nào khi phải xa tất cả những người thân thương của mình để đi vào nơi lửa đạn, nhất là trong thời bình. Là bộ đội, anh rất tự hào về chú mình.
- Thì anh vẫn ra đi đấy thôi!..
- Hôm ấy ngồi trên tàu, khi mọi sự hối hả lắng xuống trên đường dài, anh mới có thời giờ tự hỏi mình nhiều điều... Nhiều lúc tâm trạng thật khó tả em ạ. Có lúc anh cảm thấy bừng bừng giận dữ, có lúc lại không thiết sống, nhưng ngay sau đó lại ham muốn cuộc sống da diết!.. Chỗ bấu víu còn lại cho anh là em và những lời dặn dò của chú Nghĩa.
- Anh!..
- Cứu vớt anh lúc ấy là một chút lãng mạn, một chút ý thức... Chính chú Nghĩa đã giúp anh rất nhiều. Chú nói đơn giản: Hãy chân thành thử thách mình đi...
- Thú thực là nhiều lúc em rất sợ...
- Anh cũng thế, đến bây giờ vẫn chưa hết sợ! Sợ đến nỗi khi đã đặt chân về đến Hà Nội rồi mà vẫn chưa dám dứt khoát việc xin cưới em!
- Được ăn béo tai là đáng lắm!
- Không oan em ạ! Trong khi đó chung quanh anh lúc này lúc khác vẫn xảy ra chuyện đào ngũ. Ngay trong đơn vị anh cũng có một chuẩn uý y sĩ đào ngũ. Cậu này được giao nhiệm vụ đưa một cán bộ quân sự bị thương nặng về Sài Gòn. Xong việc cậu ta bỏ trốn luôn.
Anh có phỉ báng họ không?
- Có lẽ... thông cảm và thương nhiều hơn là thương hại. Phỉ báng thì không... Hình như phải nằm ở chiến trường Campuchia thì mới có được tình cảm này em ạ, ngồi nhà không hình dung nổi đâu! Trên chiến trường nước người, xót thương đồng đội mình lắm...
- Anh đi rồi, về nhà em khóc mãi. Trước sau chỉ một khát khao đơn giản vô cùng: Không được sống bên anh thì làm sao được ở gần anh nhất vậy.
- Điều kỳ lạ là mỗi khi cầm bút vẽ, nhất là mỗi khi vẽ được cái gì đó, anh hiểu được sâu sắc hơn cuộc sống chung quanh mình. Anh thấy những việc mình phải làm dần dần trở nên có ý nghĩa hơn.
- Xem nhật ký vẽ của anh, em cũng cảm thấy anh được cất cánh, từ nỗi buồn cô quạnh ban đầu dần dần đi tới những cảm xúc lớn, quyết liệt... Anh không yếu đuối, nên em thấy mình cứng cáp lên đôi chút.
- Người ta bảo nghệ thuật là sự sống. Có lẽ là như thế. Vì những ngày tháng vừa qua anh sống bằng chính sự sống ấy!
- Lần này ra đi có vững dạ không anh?
- Lần này thì anh có đủ thời giờ để buồn khi chia tay em!
- Em không chơi thế! Chỉ được cái tài đánh trống lảng!
- Vững dạ, nhưng lo nhiều hơn, day dứt nhiều hơn.
- Hãy giữ anh cho em!.. - Yến ôm ghì lấy chồng, nước mắt rưng rức...
Nam đi được ít hôm, nỗi buồn vắng cháu của cụ Tuyên bà được đền đáp bằng một sự việc hệ trọng khác trong gia đình họ Phạm: Vợ chồng Lễ và cháu Tín từ trong Nam ra thăm cụ trước khi sang Mỹ nhập cư. Mặc dù tiền ông Học gửi về khá dư dật, vợ chồng Lễ vẫn quyết định đi tàu hoả, vừa là để biết đất nước bây giờ ra sao, vừa là để từ biệt đất nước.
Không sao tả xiết những ấn tượng xô đẩy nhau dồn dập vào tâm trí Lễ suốt chiều dài đất nước. Ngồi bên khung cửa sổ toa tàu, nhiều lúc những cảm xúc ập tới làm cho Lễ tức thở. Những cảnh quan hai bên đường đập vào mắt, những chặng đường đã đi qua, ký ức mấy chục năm xa xưa bật sống trở lại.
Mình đang đi ngược trở lại dòng đời của chính mình?
...Mình đang trên đường trở về tuổi ấu thơ? Đang lặn ngụp qua bao nhiêu quá khứ đau khổ?...Chính con đường này - nhưng khác chiều, đã bứt mình ra khỏi cái nôi sinh thành, đã xô đẩy mình vào một thế giới đối nghịch với thế giới nơi mình sinh ra. Con đường này giờ đây lại đưa mình trở về cội nguồn... Cậu mất rồi, Minh không còn nữa... Huệ ơi, sao con không đi cùng ba má về thăm bà, các bác, các anh chị... Trời ơi đất nước mình đẹp quá, nhưng xơ xác quá!.. Đôi lúc Lễ đưa tay gạt vội giọt nước mắt ở đâu tự dưng lăn xuống trên má. Năm sáu năm chiến tranh đã đi qua rồi mà vẫn nham nhở các dấu vết bom đạn... Cũng có lúc Lễ cố xua đuổi cảm giác như nhìn thấy dấu ấn chính tay mình trên các mảng nham nhở ấy... Lúc nấc lên, lúc nghẹn ngào, có lúc rít lên xuýt xoa… Lễ khóc thầm và không hiểu vì sao mình khóc…
Tiếng bánh xe đoàn tàu xiết trên đường ray đều đều, xen giữa là những tiếng va đập đều đều theo nhịp, nhưng đanh và mạnh. Đôi khi Lễ cảm thấy mình như đang luồn chạy giữa muôn vàn tiếng nổ của bom đạn. Có lúc Lễ lại thấy như chính thân thể mình, số phận mình đang bị nghiền cán không thương tiếc trên con đường này. Cũng có lúc Lễ thấy thân phận mình bị xô giạt, ném sang bên này, quăng sang bên kia theo ý thích của con tàu. Ký ức những năm tháng chiến tranh sống lại. Những năm tháng cỗ máy chiến tranh tác yêu tác quái trỗi dậy, những quãng đời nhục nhã... Những ngày trong trại giam đặc biệt ở Thủ Đức... Những cơn dằn vặt trong trại cải tạo B7... Đêm tranh luận vô tận với anh trai... Những lúc vật lộn với bệnh tật của Thảo... Tâm trạng nghi vấn trong những ngày bị bỏ rơi ở Bảo Lộc... Bao nhiêu nỗi đau càng làm cho nỗi đau mất Huệ khía mãi vào ruột gan...
Đến nước Mỹ rồi đây mình sẽ sống ra sao? Lại bắt đầu một chu kỳ mới của cái vòng luẩn quẩn?
Thảo và Tín cũng có lúc bỡ ngỡ, xuýt xoa trước những cảnh quan chưa bao giờ được thấy. Riêng Thảo đôi lúc còn ngắm nhìn Lễ, hiểu rất rõ tâm trạng của Lễ... Có lúc Thảo kéo Tín sang ngồi với mình, cùng xem phong cảnh, cùng trò chuyện, để cho Lễ được hoàn toàn một mình trong cái thế giới riêng của mình. Câu chuyện nào với con Thảo cũng kéo Huệ vào, trong lòng vừa nóng ruột đến Hà Nội, lại vừa mong sớm đến Mỹ để hiểu tường tận về cái chết của con gái mình.
Có lúc cả hai mẹ con Thảo hoàn toàn bị những cảm xúc chưa hề biết đến bao giờ xâm chiếm.
Cuộc sống thanh bình của đất nước ngay trước mặt, lòng dạ xốn xang lần đầu tiên sẽ được gặp những người thân thương, ao ước được đến thăm thủ đô của nước mình, cảm nghĩ rồi đây sẽ phải xa những người thân, xa đất nước, những câu hỏi về tương lai...
Không hiếm những lúc cả khoang tàu của gia đình Lễ yên lặng, vì mỗi người theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình, trong lúc con tàu cứ dập dình lắc lư theo nhịp riêng của nó... Tuy vô tư hơn cha mẹ mình, song Tín hiểu được và biết tôn trọng tâm trạng của cha mẹ.
Thảo đôi lúc cảm thấy ngực đau nhói, phần nào vì bệnh tim cố hữu trong chuyến đi dài, nhưng phần nhiều hơn vì câu hỏi xé lòng: Vì sao một nước, một nhà rồi mà vẫn người còn người mất, vẫn sẽ phải mỗi người một nơi một ngả?..
Cùng với những năm tháng nặng nề vì cảnh ngộ gia đình mình, Thảo đã bao lần trả lời câu hỏi này mỗi lúc một cách khác nhau, nhưng cùng chung kết cục là không trả lời được!... Hay là chính bản thân mình đã trở thành sợi dây của trận kéo co bất tận không phân thắng bại?.. Con tàu chạy ra Hà Nội, nhưng không ít giây phút ý nghĩ của Thảo hướng về ba má anh chị em mình tại phương xa nơi nước người...
Thảo cố giữ trong lòng câu hỏi không trả lời được cho riêng mình...
...Bước xuống ga Hàng Cỏ, Lễ nghẹn ngào nấc lên không thành lời trong vòng tay của Chính:
-...Anh ơi, trên sân ga này, cậu mợ, anh, anh Nghĩa đã tiễn chú thím Học, tiễn Mạnh, em và Hoài. Bây giờ cậu không còn nữa, Minh không còn nữa, Mạnh không còn nữa...
Niềm vui đoàn tụ bắt đầu bằng nước mắt.
Sự ân cần của ông bà Chính, ông bà Nghĩa, các cháu Mai và Tân ngay lập tức làm cho Thảo và Tín cảm thấy mình đang trở về nhà. Nỗi xúc động ban đầu lắng dần. Đi được vài bước ra đến cửa nhà ga, Lễ nhìn quanh rồi kêu lên:
- Ôi! Nhà ga ngày xưa không còn nữa các anh các chị ạ!..
- Nhà ga cũ bị bom Mỹ phá hỏng rồi em ạ...
Mấy cái xích lô đưa anh em con cháu họ Phạm về nhà. Thảo và Tín ngơ ngác nhìn đường phố đã đành. Mắt Lễ cũng như dán vào hai bên đường, nói nói chỉ chỉ, lúc nói một mình, lúc nói với người đạp xích lô, gần như suốt dọc đường:
-...Bên này là nhà của Công ty đường sắt Vân Nam thì đây phải là khu nhà Đấu xảo, sao lại khác thế này nhỉ? Cái nhà lớn này hồi đó không có...
Phố Hàng Bông Nhuộm đằng kia kìa!
Bên kia là Toà án này, mình hãy còn nhận ra, đã có lần ra tận đây bắn chim, pô-lít thu mất súng cao su...
Đường này ra Tràng Thi, đến Thư Viện Quốc Gia...
Đường này đi đến cửa hiệu Gô-đa(°)[(°) Godar - siêu thị Hà Nội Plaza ngày nay.], thỉnh thoảng mình được cậu mợ dắt đến đấy... Đúng lối này ra Nhà hát Lớn, Nhà hát Lớn đằng kia...
- Bác ngày xưa chắc đẻ ở Hà Nội... - người đạp xích lô vừa bắt chuyện, vừa nói thêm cho Lễ biết nhiều tên phố đã thay đổi, bắt đầu từ nhà ga là phố Hàng Lọng...
Ngó nghiêng mấy lần, thấy đoàn xe xích lô đến cổng, Loan chạy vào đỡ bà. Cụ Tuyên bà nhờ cháu đưa ra tận bậc thềm nhà để đón con cháu. Yến phải trực ban, đến tối mới về, nên không được chứng kiến những giây phút đáng ghi nhớ này.
Nhìn thấy cụ, Lễ nhảy bổ từ xe xích lô xuống, chạy lại ôm chầm lấy mẹ, ông Chính và Nghĩa cũng chạy vội lên đỡ lấy hai người.
Cả hai mẹ con Lễ lặng đi hồi lâu, nước mắt sụt sùi, chẳng ai nói được câu nào, mọi người chung quanh nín lặng, trời đất như tụt xuống…
Một lúc sau bỗng dưng Lễ quỳ thụp xuống ôm lấy chân mẹ, nức nở, trước sau chỉ một điều:
- Con lạy mợ! Con lạy mợ… Con xin mợ tha tội…
Ông bà Chính, Thảo, Loan và Tín đều lặng đi. Bao nhiêu xót thương thầm kín lâu nay như bùng lên xâm chiếm nỗi lòng mọi người. Thảo thấy người mình hẫng hụt lảo đảo, phải bám vào Loan và Tín để khỏi ngã và cũng bật lên khóc theo chồng...
-...Ôi mợ già đi nhiều quá, nhưng con vẫn nhận ra mợ. Mợ ơi, mợ có nhận ra con không mợ? Mợ nhận ra con chứ ạ? Cậu mợ tha thứ cho con chứ ạ?.. Con lạy cậu mợ…
Cụ Tuyên bà nghẹn ngào không nói được, Lễ càng giục:
- Mợ nhận ra con chứ ạ? Con của mợ! Con là Lễ của mợ đây ạ!
- Ôi Lễ con!.. - mãi cụ Tuyên bà mới thều thào được, nước mắt ròng ròng...
Ông Chính phải dìu cụ Tuyên bà ngồi vào ghế, Lễ bước theo vào quỳ dưới chân mẹ. Cụ Tuyên bà rẽ hai mái tóc của Lễ, vừa gạt nước mắt trên mặt Lễ vừa rên rỉ:
-...Ôi Lễ! Sao trông con lại già hơn cả anh Nghĩa con?
Chờ cho mẹ mình nguôi đi, Lễ mới đứng dậy dắt Thảo và Tín ra trước mặt:
- Thưa mợ, đây là Thảo ạ, con dâu của mợ ạ. Cháu là Tín, cháu nội của mợ đấy ạ. Em và con chào bà đi.
- Con lạy mợ ạ. - Thảo quỳ phục xuống chân cụ Tuyên.
- Cháu lạy bà ạ. - Tín cũng quỳ theo mẹ.
- Thế Huệ đâu? Sao lại không thấy Huệ? - cụ Tuyên bà ngó kỹ xem còn sót ai rồi mới hỏi.
Chưa ai nói được câu gì, tiếng khóc tự bật ra. Thảo chắp hay tay trước ngực nức nở:
- Chúng con lạy mợ. Chúng con có lỗi với mợ. Chúng con đã không giữ được cháu... - Thảo gần như ngã rụi xuống, Tín phải đỡ vội lấy mẹ.
- Mợ ơi, Huệ mất rồi, chúng con khổ quá mợ ơi!..
Cụ Tuyên bà hai tay phải bám lấy Lễ để ngồi cho vững, giọng run lên, nói không ra hơi:
- Trời ơi! Thế là thế nào? Cả nhà nói đi! Thế là thế nào?! Sao không ai nói gì với mợ?.. Trời đất ơi, cháu tôi...
Nói đến đây hai tay cụ Tuyên bà buông thõng, đầu ngoẹo sang một bên. Ông Chính bà Hương phải đỡ vội lấy cụ.
- Con có lỗi với mợ. - ông Chính tìm cách an ủi cụ Tuyên bà. - Lẽ ra con phải kể cho mợ biết từ lâu, nhưng hồi này mợ yếu quá... Chúng con sẽ kể mợ nghe... - ông Chính quay sang bà Hương: - Em đỡ mợ đi nghỉ đi. Kiếm ghế cho Thảo ngồi nghỉ tạm một lúc...
Mọi người làm theo lời ông Chính, rồi tất cả lại quây quần chung quanh cụ Tuyên bà. Lúc này ông Chính mới kể lại cho mẹ nghe mấy bức thư của chú thím Học và của Hoài về cái chết thê thảm của Huệ. Mọi người thấy rõ cụ Tuyên bà cố gắng chịu đựng. Cụ không hỏi nhiều, không tự nói điều gì, nhưng thỉnh thoảng thở dài, tay gạt nước mắt...
- …Trời đất ơi… Khổ thân cháu tôi!
Khi Thảo kể lại trước khi ra đi Huệ nhờ bố mẹ chào bà, chào các bác các anh chị ngoài này, cụ Tuyên bà nấc lên.
... Tối hôm ấy các gia đình họ Phạm có mặt đông đủ tại nhà ông Chính. Có không biết bao nhiêu chuyện để nói, để khóc, để hỏi thâu đêm... Thời gian và không gian hầu như không giữ được cái trật tự vốn có. Quá khứ và hiện tại hoà quyện vào nhau, đuổi bắt nhau... Câu chuyện cứ tự nó dẫn dắt mọi người đi suốt từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc, khắp các chiến trường, các vùng quê thời tản cư, thời sơ tán, hết chuyện Hà Nội lại đến chuyện Sài Gòn, sang cả Mỹ, cả Pháp... Nhưng mỗi khi câu chuyện mon men đến gần trại cải tạo Bảo Lộc thì Lễ là người đầu tiên lái nó đi hướng khác... Có lúc câu chuyện vô tình đụng chạm đến trại cải tạo, thậm chí có khi chỉ đụng chạm đến chuyện cải tạo nói chung, Lễ không làm sao chịu nổi sự dị ứng nhức nhối, phải khẩn khoản xin mọi người nói chuyện khác...
Bao trùm lên tất cả là Lễ, Thảo, Tín đều chung một cảm nghĩ: Đây thực sự là đại gia đình của mình, được đối xử nồng ấm như những đứa con lưu lạc đâu xa mới về... Đó là gia đình của mình!.. Nỗi đau đớn mất Huệ được bù đắp phần nào...
Ngay tối hôm ấy, Lễ,Thảo,Tín thắp hương vái cụ giáo Tuyên và gia đình Minh. Trong lời khấn Thảo cũng nhắc đến Huệ...
Theo nguyện vọng của Lễ đã báo trước ra ngoài này, ngày hôm sau vợ chồng ông Chính và vợ chồng ông Nghĩa đưa gia đình Lễ về quê viếng mộ cha và các mộ của gia đình Minh.
Đây là lần đầu tiên trong đời Lễ được đặt chân lên vùng đất sinh thành ra họ tộc mình, trong lòng xốn xang một cảm nghĩ khó tả.
...Anh Nghĩa đã cố nhồi nhét hết nhẽ cho mình, thế nhưng mình không tài nào xua đuổi được tâm trạng ghẻ lạnh lẩn quất đâu đó trong tâm khảm....Con đường mình đi đã đi gần hết đời người... Hay là trên đời này vẫn tồn tại một bức tường chắn, mình không bao giờ có thể vượt qua? Hình như chỉ có tình cảm máu mủ ruột thịt từng lúc, từng lúc xua đuổi được sự ghẻ lạnh này trong con người mình. Từng lúc từng lúc xoay ngược được tất cả... Từ ngày hôm qua lại càng như thế. Ta có thể thắng, có thể khuất phục được sự ghẻ lạnh này không?.. Ôi những kỷ niệm xa xưa mẹ kể lại đêm qua, những lời dạy dỗ của cha, cái áo mẹ đưa anh Nghĩa cầm vào...
Chân bước đi, nhưng Lễ không làm sao phân biệt được mình đang trên đường về quê hay đang trở lại quá khứ thời thơ ấu bị đánh mất... Phong cảnh đồng quê ngoài Bắc hàm chứa một điều gì đó sao mà thân thương hiền hoà, sao mà sâu lặng! Mỗi bước đi một ngỡ ngàng...
- Làng ta kia kìa, chỗ cây gạo đỏ ấy!
Lễ, Thảo và Tín hướng nhìn theo cánh tay của ông Chính.
Lễ nhận ra ngay cây hoa gạo chói lên mầu đỏ rực rỡ xa xa trước mặt. Mầu đỏ ấy hướng mắt Lễ vào một cổng tam quan lừng lững giữa rặng tre xanh thẫm. Dưới cây đa như kín cả mảng trời là một mái đình lấp ló...
...Anh Chính nói đúng, từ xa cũng có thể nhận ra làng mình...
- Đến đời ông nội chúng ta là cụ Phạm Trung Trực là đời thứ năm làm ăn sinh sống ở quê. Cậu là thế hệ đầu tiên rời quê nhà ra sống ở thành thị, cái chính là vì nghề dạy học...
Lễ nhớ từng lời ông Phạm Trung Chính ngày hôm qua giảng giải về gia phả họ tộc của mình. Họ Phạm Trung ở làng Hoàng Đôi có một người vào kinh làm đô uý là Phạm Trung Trực. Khi theo Tôn Thất Thuyết đánh Tây để phò vua Hàm Nghi bị bại, đô uý Phạm Trung Trực phải bỏ trốn nhiều năm mới chạy về được tới quê nhà. Cụ giáo Tuyên vẫn thường kể cho con cháu nghe: khi đô uý Phạm Trung Trực trở về ẩn náu ở làng, được dân làng che giấu, nuôi nấng, sau này làng cấp đất cho và giúp việc gây lập gia đình... Lúc đầu đô uý được dân làng thu xếp ở tạm trong đình, giao cho giữ chân trương tuần để tránh né mọi truy nã... Cổng tam quan, đình làng, cây đa, cây gạo đầu làng đã có ít nhất từ thời đó...
Lễ nhớ lại những lời ông Chính kể....Những ngày u ám, những ngày làng quê rực nắng, rồi mưa gió, dông bão, cảnh làng tiêu điều trong trận đói năm 1945, rồi chiến tranh, lại chiến tranh... Tất cả đã đến. Tất cả đã đi... Nhưng làng mình, cổng tam quan kia, mái đình kia, rặng tre kia và cả cây đa cây gạo kia vẫn đứng mãi, nhẫn nại chịu đựng mọi biến cố, nhẫn nại đo đếm mọi thời gian...
Mỗi bước đi càng gần đến làng, Lễ cảm thấy mình như đang thức tỉnh điều gì...
Khi đi qua con đường dẫn vào cổng tam quan trước đình làng, Lễ dừng lại, thốt lên:
- Ôi cội nguồn là đây! - một luồng sinh khí ập vào, lan toả, chiếm ngự tâm hồn Lễ.
Mọi người dừng lại theo. Một lát sau ông Chính mới giục:
- Chúng ta đi thăm mộ trước rồi vào làng cho thuận đường.
Đến khi đứng trước mộ cha và ba ngôi mộ gia đình Minh, Lễ cảm thấy một điều gì thiêng liêng vô cùng.
Thắp xong nén hương cắm lên mộ cha, Lễ quỳ phục mặt xuống đất, lặng đi hồi lâu, nước mắt giàn giụa.
Chỉ có tiếng gió thì thào nhẹ lướt trên ngọn cỏ.
Ông Chính và tất cả mọi người cùng đi đứng yên chờ đợi. Họ thông cảm với tâm trạng của Lễ lúc này.
Mãi cho đến lúc Lễ ngồi dậy, Chính và Nghĩa mới chạy lại đỡ Lễ đứng lên. Lúc này Lễ không cầm lòng được nữa, ôm lấy hai anh, mặt hướng về tấm bia trên mộ cha, nghẹn ngào:
- Con lạy cậu! Con muôn vàn lần lạy cậu! Xin cậu tha thứ cho con!
Khi đi thắp hương cho ba ngôi mộ của gia đình Minh, Lễ vẫn nước mắt ròng ròng...
Sau viếng mộ, gia đình Lễ được dắt trở về thắp hương trong đình, đi chào họ hàng... Hai vợ chồng Lễ và Tín đều không ngờ đến đâu cũng được chào đón chân tình, dù là mới gặp nhau lần đầu. Con cháu họ Phạm Trung hiện là chi đông nhất làng... Nhưng điều làm cho Lễ ngạc nhiên nhất là không ai hỏi Lễ về chiến tranh, về quá khứ...
Tại nhà thờ tổ của họ Phạm, Lễ gặp một cụ mà tất cả các anh chị mình đều phải gọi bằng chú. Chính tự tay cụ thắp cả một bó hương, tẽ ra ba thẻ rồi đưa cho Lễ trước:
- Con đi xa về, hôm nay là lần đầu tiên đến nhà thờ Tổ, con lễ các cụ trước đi. - nói đoạn, ông cụ ra hiệu cho mọi người lui lại một bước, để một mình Lễ lễ trước.
Sau khi Lễ sụt sùi khấn vái xong, ông cụ mới chia hương tiếp cho mọi người làm lễ.
Khi ngồi vào bàn uống nước, câu đầu tiên ông cụ hỏi cũng nhằm vào Lễ:
- Mộ cháu Mạnh trong ấy có được ai trong gia đình thỉnh thoảng đến sửa sang hương khói không? Cũng nên tính chuyện lâu dài các cháu ạ…
Lễ không tin vào tai mình, chỉ muốn quỳ xuống đất lạy cụ, trong lòng vừa chết lặng vì áy náy, vừa tràn đầy ơn nghĩa về sự bao dung máu mủ ruột thịt mà Lễ quá bất ngờ.
- Thưa chú... Dạ thưa… - Lễ ấp úng không nói nên lời.
- Cháu còn điều gì ngại ngần phải không? - ông cụ điềm tĩnh hỏi lại.
- Dạ… - Lễ tắc nghẹn, mặt cúi gằm xuống đất, hai tay buông thõng...
Ông bà Chính, ông bà Nghĩa hết ngỡ ngàng lại phân vân, đưa mắt nhìn ông cụ rồi lại nhìn Lễ, trong lòng không biết nên nói gì lúc này, lại càng lo cho sự lúng túng của Lễ. Cả gian nhà rơi vào chân không của sự im lặng. Câu chuyện gián đoạn mất một lúc mãi tới khi ông cụ lại chậm rãi nói tiếp:
- Chú hiểu được sự phân vân của các cháu… Ngay từ sau Bảy nhăm (1975), khi đất nước đã hoà bình thống nhất, các cụ làng này hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy lại mời sư về chùa làng làm lễ cầu siêu cho mọi vong linh… Mấy chục năm chiến tranh dân mình chết nhiều quá… Dân mình phải hy sinh nhiều quá có phải không các cháu?!. … Con cháu làng này người chết cho cả hai bên không ít đâu… Nhưng… Nhưng dù sao thì vẫn là giọt máu đào hơn ao nước lã các cháu ạ… Để chú sẽ có lời thưa thốt với làng… Cháu Mạnh không phải là trường hợp đầu tiên ở làng này…
- Cháu xin tạ ơn chú. - ông Chính chắp hai tay lại trước ngực, rồi cả hai tay nắm lấy tay cụ. Ông cúi gập người xuống gần như quỳ bên cạnh cụ.
Lễ lảo đảo, không tin vào tai mình, mãi mới nói được mấy câu không đâu vào đâu:
- Dạ thưa chú…...Cháu thì đi cải tạo ạ, vợ cháu ốm ạ... Hôm anh Nghĩa đến thăm cháu, xin phép cho cháu được về thăm nhà mấy hôm… Trên đường đi Anh Nghĩa bảo cháu đưa đi thăm mộ của em Mạnh, đấy là lần đầu tiên sau chiến tranh mộ em Mạnh mới được thắp hương ạ...
- Cho đến hôm nay chúng cháu vẫn chưa đi thăm lại được ạ... - bà Chính đỡ lời cho Lễ.
- Ông cụ ngồi im, chỉ nghe, không nói.
- …
Ông Chính tìm cách chuyển câu chuyện bằng cách giảng giải cho Lễ nghe về gia phả họ Phạm. Lần lần Lễ hiểu ra ông cụ là chú họ rất gần. Bố của ông cụ và ông nội của anh em Lễ là hai anh em ruột... Bây giờ ông cụ là trưởng tộc họ Phạm nhà... Thi thoảng ông cụ mới thêm một hai câu giúp cho ông Chính giải thích được mạch lạc các chi trong họ...
Khi ông Chính đứng dậy thay mặt mọi người xin phép ra về, ông cụ nói gọn lỏn:
- Các cháu cố thu xếp... Chú cũng sẽ cố… Thế nào rồi cũng phải đưa mộ cháu Mạnh về quê nhà...
- Vâng chúng cháu xin hứa ạ.
-...
Khi rời làng, Lễ thốt lên với hai anh:
- Ôi các anh các chị ơi… Giọt máu đào hơn ao nước lã!.. - Lễ phải vịn vào vai hai anh mình đi hai bên, cả hai chân chùn lại nơi đầu làng như không muốn bước tiếp.
- Anh bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng hai em ạ… - ông Chính gần như chỉ nói cho mình.
- Hôm nay em lại càng hiểu thêm thế nào là quê cha đất tổ… - ông Nghĩa chia sẻ suy nghĩ của mình.
Cả ba anh em đi bên nhau trong tâm tư như vậy, mọi người khác lặng lẽ theo sau. Khi ra khỏi làng được một quãng khá xa, Lễ mới nói tiếp được:
- Từ nhà về quê, dọc đường em thấy làng nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Họ hàng nhà mình ở quê mất mát trong cuộc chiến tranh này nhiều quá hai anh ạ.
- Vào trong các nhà, cứ vài nhà cháu lại thấy bàn thờ liệt sĩ các bác ạ! - Tín cùng chung ý nghĩ với bố mình.
- Em thấy công lao nhân dân miền Bắc hy sinh cho đất nước độc lập thống nhất to lớn quá... - Lễ tiếp tục nói lên những cảm xúc của mình suốt đường về.
... Những hôm sau, ngoài việc đi chào họ hàng, gia đình Lễ được Chính và Nghĩa bố trí đi thăm một vài nơi: Hạ Long, Lạng Sơn, Bắc Ninh... Riêng Tín rất thiết tha đi thăm chùa Hương. Nguyện vọng được đáp ứng ngay, vả lại đám thanh niên họ Phạm cũng đã lâu chưa có một cuộc đi chơi dã ngoại. Tốp đi chùa Hương do Yến chỉ huy, rất đúng với vai trò chị dâu trưởng họ! Thường ngày từ kinh nghiệm của bản thân mình, Chính, Nghĩa, Kiệt và Cúc rất quan tâm làm cho bọn trẻ không phải chỉ coi trọng tình máu mủ, mà còn làm cho chúng chơi thân với nhau. Riêng ông Chính, vào những dịp thích hợp, thường chủ tâm dùng những cụm từ: Họ Phạm chúng ta.., anh chị em nhà họ Phạm.., con cháu ông bà Phạm Trung Tuyên chúng ta... Trong những ngày ở Hà Nội, đã có lần Lễ nói với anh cả mình:
- Anh Chính ạ, anh thật xứng đáng là con cả của cậu mợ và đầu tàu của dòng họ ở ngoài này.
- Gia đình là gốc rễ, phải gìn giữ em ạ.
Nước mắt và những buồn tủi của biết bao nhiêu đau khổ mất mát rồi cũng nguôi ngoai đi, dần dần nhường chỗ cho niềm hân hoan sum vầy. Cuộc sống trong các gia đình họ Phạm lại chan hoà niềm vui, tiếng cười. Thảo, Lễ và Tín ít nhiều gạt sang được một bên những tâm tư dày vò trong lòng. Yến được bố chồng giao cho nhiệm vụ “điều khiển” toàn bộ chương trình trong thời gian ở Hà Nội của gia đình chú thím Lễ. Thời giờ thì ít, chương trình lại tham, còn phải chiếu cố sức khoẻ của thím Lễ... - có thể nói Yến khá bận rộn. Nào là sắp đặt cho chú thím đi thăm ba bốn nơi để biết thêm đất nước, nào là đi lễ các chùa chiền, thăm các phố phường Hà Nội, các chú thím khác mời cơm, rồi còn phải dành đủ thời giờ cho chú thím Lễ kể mọi chuyện cho bà nghe. Bà có trí nhớ tốt nên hỏi nhiều ơi là nhiều... Cả họ Phạm, nhất là Lễ và Thảo khen lấy khen để tài sắp xếp và sự chu tất của Yến.
- Thím thấy cháu có năng khiếu một nhà quản lý rồi đấy, Yến ạ. Trước khi thi đi làm luật sư, thím đã tốt nghiệp về môn này, nên rất để ý đến cách làm việc của cháu. - Đấy là nhận xét của Thảo.
Hai thím cháu hợp nhau, nên Thảo cảm thấy rất gắn bó với Yến. Có lúc hai thím cháu ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ về đủ các thứ chuyện. Tuy không có Nam ở nhà, nhưng qua đứa cháu dâu của mình, xem các tranh Nam vẽ, Thảo có thể hình dung và hiểu rất rõ đứa cháu đích tôn của họ Phạm, trong lòng vừa mừng, vừa âm thầm mối lo khó tả dành cho cặp vợ chồng trẻ này.
- Hai cháu rất xứng đáng với nhau, rất xứng đáng với hạnh phúc của hai cháu, thím mừng lắm. Ba Chính và mẹ Hương dạy các con giỏi quá. Trời ơi, nếu còn em Huệ, cháu sẽ là tấm gương tốt cho em Huệ về nhiều mặt...
Một hôm khác, Lễ nói với anh cả:
- Anh Chính ạ, em thấy Nam và Yến chọn nghề chưa ổn. Nam phải quăng ống nghe, dao kéo, ống tiêm đi để tập trung vào vẽ. Còn Yến phải đi làm thêm cái master về quản trị kinh doanh để về làm quản lý ngành mình học. Đấy mới là thực tài của hai cháu! - Lễ nói với anh trai như vậy.
Ông Chính thừa nhận Lễ có lý.
Một việc bất ngờ xảy ra đối với anh em ba gia đình họ Phạm: Nhân sinh nhật của Hậu, đồng thời cũng là kỷ niệm 9 năm ngày cưới, vợ chồng tướng Lê Hải mời vợ chồng Chính, vợ chồng Nghĩa và vợ chồng Thảo đến ăn cơm tối.
Nhận được lời mời, Nghĩa rất thận trọng:
- Rất cảm ơn nhã ý của anh chị. Xin hỏi kỹ một chút, ở cương vị anh mời cả vợ chồng Lễ dự có tiện cho anh không?
- Trước anh, Hậu đã hỏi tôi câu này. Vì Hậu là chủ tiệc mà! Chúng ta chỉ góp miệng ăn và tán gẫu thôi.
- Tôi hy vọng không bị anh đánh giá thấp vì câu hỏi bị ế vừa rồi.
- Không. Ngược lại! Hỏi như thế mới là Nghĩa!
Ông Nghĩa chỉ còn cách bắt tay cảm ơn bạn...
Vợ chồng Lễ rất ngạc nhiên khi Nghĩa chuyển lời mời của Lê Hải. Nghĩa nói cho vợ chồng Lễ biết qua về chủ nhà và cũng thuật lại câu hỏi ế của mình.
- Thôi, anh Nghĩa nói với anh chị Lê Hải cho tụi em ở nhà đi. Trong Sài Gòn em đã hiểu sự cách biệt giữa nguỵ và không nguỵ lắm. Nói là sự cách biệt giữa cách mạng và phản cách mạng thì nghe nặng nề quá. Sống trong Sài Gòn tụi em biết... Tụi em đến dự sẽ phiền cho anh chị Lê Hải sau này đó. - Thảo năn nỉ.
- Thảo nói đúng đấy anh Nghĩa ạ. Anh nên làm theo ý Thảo. - Lễ tán thành ý kiến vợ. -...Tụi em ở nhà không sao đâu, lại được thêm thời giờ kể chuyện mợ nghe.
- Nếu thế em và Thảo làm phiền anh Chính và tôi nhiều hơn. Nói như vậy hai em nghe được không?
- Anh sai rồi ạ, chúng mình là anh em một nhà thì câu chuyện lại khác. Đằng này tướng Lê Hải không họ hàng, lại giữ cương vị cao nữa! Câu chuyện khác lắm... - Thảo phản bác lại.
- Nhờ có anh Lê Hải giúp, anh mới đựơc đến thăm Lễ trong trại cải tạo. Hai em từ chối lời mời này, anh Lê Hải sẽ cho hai em là vô ơn đấy!.. Thôi.., cho anh quyết định nhé: Tất cả chúng ta nhận lời mời!
Lễ và Thảo không còn gì để nói.
...Thảo được vinh dự cầm bó hoa của ba gia đình anh em họ Phạm tặng Hậu:
- Tôi được các anh các chị tôi trao cho vinh dự thay mặt các anh các chị tôi chúc mừng sinh nhật chị, chúc mừng ngày cưới của anh chị. Riêng vợ chồng tôi xin chân thành cảm ơn anh chị, nhất là cảm ơn anh Lê Hải đã giúp đỡ rất nhiều cho sự đoàn tụ trong gia đình lớn của chúng tôi...
Hậu đỡ bó hoa, ôm Thảo thắm thiết.
- Cảm ơn chị Thảo. Xin cảm ơn tất cả các anh các chị! Vợ chồng tôi biết thế nào các anh các chị cũng đến đông đủ, thế mà cả buổi chiều nay tôi cứ thấp thỏm...
Cả chủ và khách là tám người. Tám mảnh đời đi từ những chặng đời riêng khác nhau, ràng bện với nhau bằng những lẽ sống hoà đồng được với nhau, bằng tình cảm anh em, tình cảm vợ chồng, tình cảm bạn hữu... Xúc động nhất là vợ chồng Lễ, vì lần đầu tiên trong đời được sống trong một khung cảnh khó tả như vậy: vừa là gia đình anh em, vừa là bạn hữu quen biết, vừa là đồng sự cấp trên cấp dưới, vừa là xa lạ mới gặp lần đầu, song chân thật, không có gì khuôn sáo...
Mọi người chuyện trò thăm hỏi nhau khá lâu rồi mới ngồi vào bàn ăn. Thảo và Lễ được chú ý nhất.
- Xin mời nâng cốc khai vị, chúc người đẹp nhất trong ngày là cô giáo của tôi! - Lê Hải mời mọi người. -...Xin chúc mừng chị Thảo anh Lễ lần đầu tiên cả hai vợ chồng ra Hà Nội. Xin chúc sức khoẻ anh chị Chính, anh chị Nghĩa!.. Hôm nay chúng ta được thưởng thức rượu mơ do bàn tay khéo léo nhất Vĩnh Bảo làm đấy ạ!
- Xin chúc mừng...
- Xin chúc mừng... Rượu vừa thơm vừa dịu. Chị Hậu vừa khéo tay ngâm rượu, vừa giỏi tay buộc chặt anh Lê Hải vào quê mình. Cả nhà có đồng ý nhận xét này không ạ? - ông Chính nâng cốc rượu về phía mọi người.
- Phải thưởng anh cốc này thật đầy... - Lê Hải đáp lại.
Mấy ông mày râu không tiếc lời xuýt xoa khen rượu thơm và uống được quá. Riêng Lễ vô cùng ngạc nhiên lại có thứ rượu ngon đến như vậy. Lễ cảm nhận ngay được điều này, vì xưa nay vốn là người sành rượu trong văn phòng Bộ tổng tham mưu.., hay là vì lâu quá rồi không có rượu ngon để uống...
- Xin bái phục chị Hậu đấy! Thực tình lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một ly rượu ngon như thế này!.. - Lễ chân thật.
- Tất cả chỉ là cây nhà lá vườn thôi anh Lễ ạ. - Hậu vui vẻ đáp lại.
Khi chúc tụng xong, mọi người bắt đầu vừa thưởng thức vừa bình các món ăn, Hậu lên tiếng:
- Anh Hải ơi, lúc nãy anh nói hôm nay em đẹp nhất, chắc ngày mai em đẹp nhì, ngày kia em chỉ còn đẹp thứ ba... Vậy ai là người đẹp nhất của anh trong những ngày sắp tới này?
- Các anh các chị xem, cô giáo của tôi xét nét lắm. Vì tế nhị tôi không dùng chữ ghen thôi! Hậu ơi, em thừa biết ngày nào đối với anh em cũng là đẹp nhất mà! - cả bàn cùng cười.
- Chị Hậu, hôm nay tôi thừa nhận thủ trưởng của tôi có biệt tài vừa đấu vừa xoa, chị phải cảnh giác đấy...
-...Các anh các chị ạ, - giọng Lê Hải vẫn ấm áp, nhưng thấp xuống - Nhà chúng tôi, đi làm về chỉ có hai vợ chồng lộc cộc, lúc nào cũng phải trêu chọc nhau một tý cho vui. Ngày nào cũng thế, thành thói quen... Vài hôm trước còn có bà thím tôi. Hết Tết bà cụ nhất định về quê, giữ thế nào cũng không được!
Câu chuyện trên bàn ăn chẳng có một chủ đề nào cả, tự nó đi đây đi đó, lúc đầu là cách ngâm rượu mơ, rồi đến chùa Hương, ra Quảng Ninh, vào Sài Gòn... sang cả Mỹ...
Khi đụng vào đề tài chiến tranh.
- Một đất nước kỳ lạ. Bao nhiêu kẻ nhòm ngó, hơn một thế kỷ nay chẳng lúc nào được yên. - Bà Hương thốt lên, ruột gan như thắt lại vì nhớ con.
- Các anh các chị xem Suisse và Luxemburg (Thảo không quen nói tên tiếng Việt) là hai nước nhỏ, thậm chí Luxemburg nhỏ xíu. Những nước lớn kề bên cạnh đều là sư tử, là hổ, là sói, thế mà không đụng vào được mấy anh tý hon này.
- Thảo nhớ là hai anh tý hon này cũng phải giữ quan hệ láng giềng tốt với các hàng xóm hổ sói của mình! - Lễ nói thêm vào ý kiến của vợ cho rõ nhẽ.
- Vâng, em tán thành. Hồi học ở Sorbonne em vẫn sang Genève, đi đi về về dễ như đi chợ. Gần nước ta có Thái Lan, chưa một lần bị làm thuộc địa! Các anh các chị cắt nghĩa thế nào ạ. Chỉ có một điều hơi khó là...
Mọi người không tránh khỏi ngạc nhiên về câu hỏi của Thảo.
- Những điều em nêu ra đáng suy nghĩ lắm Thảo ạ. - Nghĩa chỉ chăm chú nghe, bây giờ mới nói.
Thảo nghĩ kỹ xem, anh thấy so sánh các nước tý hon châu Âu với nước ta khó lắm... - ông Chính muốn nghe Thảo giải thích. - Trình độ phát triển kinh tế của họ nếu không hơn thì cũng không kém các con hổ con sói chung quanh họ.
- Em thấy như thế thì nêu lên như thế. Có nhiều lý do chính trị, lý do lịch sử, văn hoá... em chưa lý giải được các anh các chị ạ. Nhưng việc này rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ..
- Mấy con hùm con sói loanh quanh chờn vờn mấy con cừu tý hon mà không ăn thịt thì thật là kỳ lạ! Theo tôi, dù Thảo chưa lý giải được, nhưng cũng là một gợi ý, cả nhà có thấy như vậy không ạ. - Nghĩa đồng tình với suy nghĩ của Thảo.
- Hay đấy là cái thế các hùm sói muốn ăn thịt cũng không ăn nổi, dù đấy chỉ là nước trung lập bé tẹo, có phải thế không hả chị Thảo? - Lê Hải băn khoăn.
- Vâng, có lẽ câu chuyện là như vậy ạ. Đơn giản là không có con thú nào chê mồi cả. - Thảo đáp lại.
Câu trả lời của Thảo làm cho Lê Hải và Nghĩa nhìn nhau hồi lâu. Một lúc sau Lê Hải mới nói tiếp:
- Tôi cho rằng cái khác lớn nhất, khó nhất so với Thuỵ Sĩ và Luxemburg, là nước ta có trình độ kinh tế chậm phát triển, quá lạc hậu, nên dễ bị bắt nạt. Có lẽ đây là gốc gác nguyên thuỷ nhất của mọi chuyện... Hơn nữa ngày nay địa chính trị và địa kinh tế châu Âu rất khác so với châu Á, lịch sử và văn hoá lại càng khác. Nhưng dù sao vẫn có nhiều điều phải suy nghĩ tiếp...
- Anh Hải có lý đấy. - Nghĩa đồng tình. -...Vì thế khi nói đến giàu hay nghèo, yếu hay mạnh là phải luôn luôn so sánh hàng ngang, đặt mình trong mối tương quan với chung quanh... Rất đáng phải nghĩ về cái thế này để thiên hạ dù có muốn ăn thịt mình cũng không được có phải thế không ạ? Có lẽ đấy mới thật là cái gốc của mọi câu chuyện.
- Chú Nghĩa cứ nghĩ tiếp đi. - bà Chính xen vào -...Từ hôm cháu Nam ra mặt trận, hơn một năm trời nay tôi ngày đêm cứ tự căn vặn mình: Tại sao dân ta phải khổ mãi như vậy? Là mẹ, tôi chẳng bao giờ thích đưa con mình ra trận cả! Ruột đứt từng khúc... - ông Chính phải nắm lấy tay bà Hương trên bàn để giữ cho vợ mình đừng xúc động quá.
- Chị Hương ơi, so với hiểu biết của chúng ta, vấn đề Campuchia phức tạp hơn nhiều. - Nghĩa cũng tìm cách làm vợi nỗi đau của chị dâu.
Không khí vui vẻ trong bữa cơm bỗng tụt hẳn xuống.
Nỗi xót xa của chị dâu đưa Nghĩa trở lại buổi tâm sự hôm nào với Nam trước ngày lên đường. Nghĩa còn nhớ rất rõ cảm giác tim mình thót lại, đất dưới chân mình bỗng dưng sụt hẫng đi đâu mất khi Nam cho biết được lệnh đi chiến đấu ở Campuchia. Nghĩa vừa phải động viên cháu lên đường, vừa xót cháu mình.... Mình cả đời lăn lộn với bom đạn như thế vẫn chưa đủ ư? Bây giờ lại đến lượt cháu mình, những người thuộc thế hệ cháu mình nữa... Mọi thương đau như lại tấy lên, như lại ứa máu... Những thương đau Nghĩa trải qua, những thương đau Nghĩa là nhân chứng trên đường chinh chiến, những thương đau ngay trong đại gia đình của mình... Ôi đất nước tôi!.. Nghĩa nắm chặt ly rượu để không thốt ra lời...
Khi mọi người ra xa-lông ngồi ăn tráng miệng, câu chuyện chuyển sang hỏi thăm dự định cho cuộc sống tương lai của gia đình Lễ ở Mỹ.
- Mệt mỏi, chị ạ. Tâm trạng bọn tôi bây giờ là mệt mỏi, là không thiết gì nữa, nhưng có lẽ bây giờ le lói hy vọng... - Thảo trả lời Hậu.
- Nhà tôi còn có thêm chuyện sức khoẻ nữa anh Hải chị Hậu ạ. - Lễ bổ sung cho ý của Thảo. - Đã có lần nhà tôi nghĩ đến lập một ngôi chùa nhỏ trong nhà để tu tại gia. Tôi gạt đi. Nhưng cả hai chúng tôi muốn an phận thủ thường, may ra có được những ngày thanh thản cuối đời.
- Nhưng anh chị cũng nên thỉnh thoảng về Việt Nam thăm gia đình lớn của mình chứ. Tôi nghĩ rằng rồi chuyện đi đi về về sẽ dễ dàng chứ không như bây giờ. Rồi còn để cho cháu Tín không quên anh chị em của cháu... - Lê Hải ngồi cạnh cùng góp chuyện.
- Vâng, lúc nãy Thảo nói bắt đầu hy vọng là như vậy anh Hải ạ. Ra ngoài này vợ chồng tôi cứ khen mãi anh Chính trong việc dạy dỗ các cháu giữ nề nếp họ Phạm. Tôi hy vọng đấy là sợi dây liên kết bền chặt.
- Anh Lễ ạ, trong cuộc đời người ta, có điều ý thức được, có điều không ý thức được, lại có cả những điều số phận đưa đẩy không cưỡng lại được. Bây giờ anh chị khát khao sự thanh thản, tôi hiểu được và thông cảm. Tôi thấy cũng nên như vậy. Tôi còn hy vọng trong thanh thản anh chị sẽ tìm lại được mình....Rồi thời gian có thể sẽ đem lại nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống... Anh em họ Phạm nhà anh chị là những người nhiều nghị lực...
Lễ đặt tay mình lên tay Lê Hải:
- Vợ chồng tôi rất cảm ơn lời động viên chí tình của anh. Anh nói đúng, có những điều không sao cưỡng lại được, có lẽ số phận gia đình tôi là như vậy. Anh làm cho tôi hy vọng vào thời gian.
- Tôi hiểu, tôi đã được nghe anh Nghĩa thuật lại cho nghe tất cả,...cả câu chuyện tâm sự bất tận giữa anh và anh Nghĩa đêm nào...
- Chuyến đi Hà Nội lần này là chuyến trở về nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nhờ chuyến đi này, rồi buổi tối hôm nay ở nhà anh chị nữa, gia đình chúng tôi sẽ ra đi trong ít nhiều hy vọng.
- Sự thông cảm của các anh các chị tôi, của anh chị hôm nay, làm chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng... - Thảo nói thêm vào. - Năm sáu năm trời nay, bây giờ chúng tôi mới được sống với cảm giác nhẹ nhõm thế này...
Vợ chồng Chính và vợ chồng Nghĩa ngồi nghe, trong lòng thầm cảm ơn Lê Hải. Không thể tìm đâu được những lời động viên vợ chồng Lễ hiệu quả hơn thế...
Nhân lúc mọi người xúm lại chỗ tủ chè để nghe bà Hậu giới thiệu cách ngâm rượu mơ rất độc đáo, chỉ còn Lê Hải và Lễ ngồi lại với nhau chỗ xa-lông vì đang dở dang câu chuyện, Lê Hải ghé sát vào tai Lễ:
- Tôi hỏi anh thực lòng, trong trại cải tạo các anh có được đối xử tốt không?
Đang vui vẻ mà mặt Lễ bốc lên đỏ dừ, chết lặng.
Lê Hải hiểu được. Ngồi im chờ một lúc, Lê Hải lựa lời:
- Anh không muốn trả lời là tôi đã hiểu câu trả lời của anh rồi... Trời đất! Biết làm thế nào!.. - mấy tiếng cuối cùng Lê Hải nói gần như rên lên.
Như là người được thoát nạn, Lễ vồ lấy tay Lê Hải, nắm chặt:
- Xin chân thành cảm ơn sự thông cảm của anh. Nhưng tôi cảm ơn anh gấp nhiều lần vì đã không ép tôi phải nói ra những điều tôi không muốn nói, những điều tôi đang muốn quên...
- Chiến tranh đã qua rồi mà cái bóng của nó vẫn tiếp tục cướp bóc chúng ta nhiều quá anh Lễ ạ... Không biết đến bao giờ...
Từ hôm vợ chồng Lễ ra ngoài này, cụ Tuyên bà nhanh nhẹn thêm một chút. Song cũng chỉ được vài ngày. Cái yếu của tuổi già và bệnh tật, nhất là bệnh huyết áp cao, vẫn ngày một lấn át mọi cố gắng của cụ. Mấy ngày gần đây cụ không đi lại được nữa. Thảo giành lấy mọi việc nâng đỡ chăm sóc vệ sinh cho cụ, trong thâm tâm nhói lên ý nghĩ không biết rồi đây mình có còn cơ hội thực hiện bổn phận con dâu đối với mẹ chồng nữa hay không…
- Sang bên ấy hai con cố nài chú thím Học về chơi, cho cả gia đình Hoài về.
- Cầu trời được như vậy mợ ạ.
- Mợ sẽ cố sống để chào đón chú thím, vợ chồng Hoài, các cháu...
- Có dịp, chúng con cũng sẽ cố gắng về thăm mợ.
- Nhớ đưa cho Hoài cái áo len mặc hồi còn bé.
- Dạ, nhà con đã gói cẩn thận và cho vào va-li rồi ạ....Mợ nghỉ một lúc đi cho đỡ mệt. Con bóp chân cho mợ nhé.
- Ừ, hai chân hôm nay làm sao đau lắm, lại trở trời rồi, bắt đầu đau lên hai vai... Kể chuyện tiếp đi... Sao Huệ đã thế mà hai con không làm lễ cưới sớm cho cháu?..
-...
Thảo vừa lau nước mắt, vừa kể lại chuyện cũ cho mẹ chồng nghe.
Một ngày trước hôm bay trở vào Sài Gòn, vợ chồng Lễ không đi đâu nữa, suốt ngày chỉ luẩn quẩn bên cụ Tuyên bà. Không dám nói ra, nhưng vợ chồng Lễ lo lắng không biết có còn dịp nào được gặp lại mẹ nữa không. Một điều biết trước dường như là cầm chắc như thế mà không sao chịu đựng nổi!..
Nhân lúc cả nhà đi vắng hết, Thảo đang bận bịu dưới bếp, Lễ ngồi tâm sự với mẹ về tâm trạng chán chường của mình, được vài câu Lễ gục vào lòng mẹ, nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa:
- Mợ ơi, con khổ quá! Con được sống với cậu mợ ít quá. Cả như bây giờ con cũng không ở lại với mợ được nữa!.. Khi con chờ anh Nghĩa vào trại cải tạo thăm con, đã có lúc con hy vọng chiến tranh qua rồi, gia đình mình sẽ đoàn tụ... Con đã bao phen đắm chìm để bảo vệ bằng được gia đình bé nhỏ của mình... Nhưng rồi con đã không giữ được Huệ, rồi cuối cùng gia đình con sẽ phải ra đi không sao cưỡng lại được, con lại bắt đầu phải sống xa mợ!.. Con là như thế... Con không tự thay đổi được mình nữa! Con khổ quá mợ ơi...