Ngô Tự Lập dịch
Emma Sun
Tác giả: Jorge Luis Borges (Argentina)

Ngày 14 tháng Giêng năm 1992, từ xí nghiệp dệt “Tanbruc và Lôventa” trở về, Emma Sun tìm thấy ở cổng một bức thư mang dấu bưu điện Braxin. Thoạt đầu cô mừng rỡ, nhưng sau đó hoảng hốt nhìn thấy nét chữ lạ trên phong bì. Đọc thư, Emma biết rằng ông Maye tình cờ uống một liều thuốc ngủ quá lớn và đã từ trần ngày 3 tháng ấy tại bệnh viện Bagiê. Người báo tin này là một ông Phainơ hay Phâynơ gì đó ở Riô Granđ, bạn cùng nhà an dưỡng với cha cô và có lẽ không biết phải viết gì thêm cho con gái người quá cố.
Emma đánh rơi mảnh giấy. Cô cảm thấy khó thở, sau đó là sự hư áo của thế gian, cái giá lạnh, nỗi sợ hãi và hình như cả tội lỗi của mình. Cô bỗng mong cho ngày chóng đến. Nhưng ngay lập tức cô hiểu rằng điều đó cũng vô ích, bởi cái chết của cha cô là sự duy nhất đã xảy ra mà ông không bao giờ quên được. Emma nhặt bức thư và đi vào phòng, cất xuống tận đáy tủ, dường như không hề biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Có thể lúc đó cô đã mơ hồ hình dung thấy trước những sự kiện dưới đây, cũng có thể lúc đó cô đã trở thành cô sau này.
Trong bóng đêm dày đặc, Emma ngồi đến khuya than khóc ông Manuel Maye. Vào thời hạnh phúc xa xưa, cha cô có tên là Emmanuel Sun. Cô nhớ lại những ngày hè ở trang trại gần Gualegoay, cô nhớ khuôn mặt của mẹ, căn nhà nhỏ của gia đình ở Lanux đã bị cướp đoạt. Cô nhớ những rèm cửa sổ màu vàng, chiếc tủ nỗi nhục nhã, nhớ những bức thư nặc danh chĩa vào ông thủ quỹ. Emma chưa quên rằng trong đêm cuối cùng, cha cô đã thề rằng chính Lôventan đã lấy cắp tiền. Aarôn Lôventan khi đó nhà nhân viên điều hành, còn bây giờ hắn là một trong những ông chủ của xí nghiệp.
Emma Sun câm lặng suốt từ năm 1916. Cô không hé răng với ai, thậm chí cả cô bạn tốt nhất là Enda Ustên cũng không biết gì cả. Có thể cô muốn tránh sự ngờ vực, cũng có thể cô tin rằng bí mật đó là sợi chỉ gắn cô với cha mình. Lôventa không thể ngờ rằng cô biết tất cả. Emma thức trắng đêm và khi ban mai rọi sáng ô cửa sổ hình chữ nhật, kế hoạch đã thảo xong. Cô cố gắng giữ cho ngày hôm ấy - một ngày tưởng như dài vô tận - không khác ngày thường. Ở xí nghiệp, người ta bàn tán chuyện bãi công. Cũng như mọi khi, Emma phản đối dùng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào. Lúc sáu giờ, sau khi tan tầm, cô cùng Enda đến ghi tên vào câu lạc bộ phụ nữ, ở đó có bể bơi và phòng tập thể dục. Lúc làm thủ tục, cô buộc phải đọc chậm họ tên mình, phải mỉm cười với những câu đùa cợt sàm sỡ. Sau đó, Emma, Enda và cô út của nhà Crôngphux cùng lựa chọn rạp chiếu bóng để đi xem vào chiều chủ nhật tới. Câu chuyện chuyển sang những anh chàng đang theo đuổi và sự im lặng của Emma chẳng làm ai ngạc nhiên. Tuy tháng Tư vừa rồi, Emma đã tròn 19 tuổi, nhưng đàn ông vẫn gây cho cô nỗi sợ hãi gần như bệnh lý…
Trở về nhà, Emma nấu xúp, ăn sớm rồi ngả lưng, cố chợp mắt. Thứ sáu đã trôi qua trong những công việc và lo toan thường ngày như vậy. Thứ bảy, Emma bồn chồn không ngủ được. Không phải cô lo lắng - đó là sự nôn nóng và cảm giác nhẹ nhõm lạ lùng rằng cuối cùng điều ấy đã đến. Chẳng cần phải suy tính và tưởng tượng gì thêm: Chỉ vài giờ nữa cô sẽ đối mặt với những sự kiện tất nhiên phải xảy ra. Sau khi đọc trên báo “La Prenxa” rằng chiều nay chiếc tàu “Noxitơnăng” từ Manmô đến sẽ thả neo tại cầu cảng số ba, Emma gọi điện thoại cho Lôventa, nói bóng gió rằng muốn tiết lộ một bí mật về cuộc bãi công và hứa sẽ đến văn phòng ông khi trời tối. Giọng cô run run như thường gặp ở những tên chỉ điểm.
Buổi sáng thấy không xảy ra chuyện gì đáng nhớ nữa. Emma làm việc đến 12 giờ rồi bàn bạc tỉ mỉ với Enda và Pela Crôngphux chương trình giải trí trong ngày chủ nhật. Ăn trưa xong, cô nằm nghỉ, thầm nhắc lại kế hoạch hành động đã vạch ra. Đột nhiên Emma hoảng hốt chồm dậy, nhảy bổ đến mở tủ. Trong góc tủ, dưới bức thư của ông Phainơ vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Không ai được phép thấy bức thư. Cô đọc rồi xé vụn nó. Emma sống tại phố Loniô trong khu Anmagrô. Người ta biết rằng, chiều hôm ấy cô đi ra bến cảng. Chắc lúc đi qua đại lộ “Tháng Bảy” đáng tởm lợm ấy cô đã trông thấy hình ảnh mình được phóng đại hàng trăm lần trong gương các tủ hàng, bị những luồng sáng xói vào cho mọi người nhìn ngắm và hoá trần truồng trước những ánh mắt lạ lùng. Nhưng ta có thể đặt một giả thiết có lý hơn, là thoạt đầu cô dạo chơi một mình giữa đám đông thờ ơ không bị ai để ý. Cô ghé vào đôi ba quán rượu, để ý những ngón chào mời của đàn bà ở đó, có ả tự nhiên, có ả còn ngượng ngập. Cuối cùng, cô đến gặp đám đàn ông từ dưới tàu “Notiơnăng” lên, Emma từ chối một anh chàng trẻ tuổi, vì sợ sẽ bị gã làm mềm lòng, cô chọn một gã khác, hèn và thô tục hơn, hy vọng sự ghê tởm ban đầu sẽ đừng giảm bớt. Gã đàn ông dẫn cô vào một toà nhà, có hành lang tối om, sau đó trèo lên chiếc cầu thang cũ kêu cót két đến một gian phòng khoá chặt. Những sự kiện khủng khiếp không phục tùng thời gian bởi vì quá khứ thoáng qua của nó bị tương lai nghiền nát và các thời điểm dường như cũng mất đi trình tự logic thông thường.
Trong khoảng thời gian ngoài dòng thời gian, trong mớ bòng bong của những cảm giác ghê rợn và rời rạc ấy, có lần nào Emma Sun nghĩ đến người đã khuất mà cô đang dâng hiến tất cả? Chắc rằng dù sao, cô cũng có lần nghĩ đến. Cô nghĩ, hơi ngạc nhiên và ngay lập tức rơi vào trạng thái thôi miên cứu rỗi. Người đàn ông đang dắt cô đi kia, chẳng rõ là người Thuỵ Điển hay Phần Lan, không biết tiếng Tây Ban Nha. Đối với Emma, ông ta là một thứ công cụ. Cô đối với ông ta cũng vậy. Nhưng ông ta dùng cô để hưởng lạc, còn cô dùng ông ta để trả thù… Còn lại một mình trong phòng, Emma không mở mắt ngay. Trên chiếc bàn nhỏ là số tiền người đàn ông để lại. Emma đứng dậy xé vụn chúng như xé vụn bức thư. Xé tiền là một sự phạm thượng không kém gì ném bánh mì đi. Emma tức khắc cảm thấy ân hận. Sự sợ hãi bị át đi bởi nỗi đau đớn của thể xác và cảm giác ghê tởm. Chúng làm cô kiệt sức, Nhưng Emma vẫn chậm chạp đứng lên và bắt đầu mặc quần áo. Trong phòng, những màu sắc sống động của buổi chiều đã tắt, bóng tối hoàn toàn bao trùm. Emma ra ngoài mà không bị ai biết. Đến góc phố, cô nhảy lên chiếc xe buýt đi về khu phố phía tây. Nhưng đã định từ trước, cô ngồi xuống hàng ghế đầu để không ai nhìn thấy mặt. Trong lúc nhìn cảnh huyên náo và dung tục trên đường phố, cô tự an ủi rằng những gì xảy ra với cô không hề làm thế gian trở nên tồi tệ hơn. Cô đi qua những khu phố u tối và buồn bã, nhìn chúng và trong chốc lát quên bẵng những điều nhìn thấy, rẽ vào một trong những ngõ hẻm của khu Vacnex. Cô mệt mỏi chỉ đủ sức để nghĩ đến diễn biến hành động mạo hiểm sắp tới, còn bản chất và hậu quả ra sao thì mặc kệ.
Hàng xóm coi Aarôn Lôventan là một người đứng đắn, chỉ có một số tí bạn bè bảo rằng ông ta keo bẩn. Ông ta sống độc thân tại một căn phòng trên gác trong xí nghiệp. Từ khi chuyển đến vùng ngoại ô vắng vẻ này, vì sợ trộm, ông ta nuôi trong sân xí nghiệp một con chó to, còn trong ngăn bàn viết luôn luôn có một khẩu súng ngắn - điều này ai cũng biết. Lôventan vô cùng thương xót người vợ bị chết một cách đột ngột hồi năm ngoái, người để lại cho ông một khoản hồi môn không nhỏ! Nhưng ham muốn thực sự của ông từ trước đến nay vẫn là tiền. Lôventan xót xa tự thú nhận rằng ông trữ tiền giỏi hơn là kiếm tiền. Ông ngoan đạo và tin tưởng vào thoả thuận bí mật bí mật với thượng đế - thoả thuận này cho phép ông thay những hành động từ thiện bằng những câu cầu nguyện và tuyên thệ. Người đàn ông béo tốt râu đỏ, trán hói ấy mặc đồ tang, đeo kính cặp mũi màu sẫm, ngồi bên ngoài cửa đợi nghe mật báo của Emma Sun. Lôventan trông thấy cô đẩy cánh cổng có song sắt (mà ông cố tình không khoá) rồi bước vào mảnh sân mờ tối. Cô né tránh sợi xích giữ con chó đang sủa ầm ĩ. Đôi môi Emma giật gật như đang cầu nguyện. Cô nhắc lại một cách khó khăn, có lẽ lần thứ một trăm lời kết tội mà Lôventan sẽ nghe thấy trước khi chết. Emma muốn trước hết được trả thù cho nỗi ô nhục mà cô phải vừa chịu đựng khi nãy, và sau đó sẽ báo thù cho cha. Không bỏ phí thời gian vào những thủ tục sân khấu. Emma bẽn lẽn ngồi xuống, xin lỗi ông chủ để nhắc đến trách nhiệm và lòng thành thực của mình (như những kẻ chỉ điểm vẫn thường sử dụng). Emma kể vài cái tên của người này, người khác rồi đột nhiên ngừng lại, dường như sợ hãi. Lôventan buộc phải đi lấy một cốc nước mặc dù không tin lắm vào vẻ hoảng loạn ấy. Emma đã kịp lôi khẩu súng nặng trĩu ra khỏi ngăn bàn và bóp cò liên tiếp hai lần khi vừa thấy hắn quay trở vào. Tấm thân nặng nề đổ gục như bị khói và tiếng nổ chém. Cốc nước vỡ tan. Khuôn mặt nhìn cô ngạc nhiên và kinh hãi, miệng chửi rủa bằng cả tiếng Idis và Tây Ban Nha. Tiếng chửi rủa tục tằn vẫn không ngớt, Emma nổ súng lần thứ ba. Trong sân con chó bị xích lồng lên sủa. Máu phun ra từ đôi môi thô tục, bê bết cả bộ râu và quần áo. Emma bắt đầu lời luận tội của mình: “ Tao trả thù cho cha tao, và người ta sẽ không thể xử tội tao được…” Nhưng cô ngừng lại, bởi vì Lôventan đã chết. Vậy là cô mãi mãi không biết hắn hiểu được những gì. Tiếng chó sủa dữ dằn nhắc cô rằng chưa thể yên tâm. Emma ném chăn gối ngổn ngang lên đi văng, cởi áo khỏi xác chết, lấy chiếc kính kẹp mũi đặt lên hộp đạn. Sau đó cô nhảy bổ đến điện thoại nhắc đi nhắc lại câu nói đã thuộc lòng: “ Không thể tưởng tượng nổi… Ông Lôventan gọi tôi đến hỏi về cuộc bãi công… vậy mà ông ấy cưỡng hiếp tôi, và tôi đã bắn ông ta…” Vụ này quả thật khó mà tưởng tượng nổi nên không một ai ngờ vực, bởi vì bản chất thì đúng với thực tế. Giọng nói run rẩy của Emma Sun, sự trinh bạch của cô lẫn lòng căm thù đều rất thật, chỉ trừ có hoàn cảnh, thời điểm, và một cái tên riêng.