Ngô Tự Lập dịch
Sau buổi chiếu
Tác giả: Otto Steiger (Thụy Sĩ)

Khi người đội mũ trắng bước vào, cả quán rượu lặng đi, tất cả những ai có mặt đều nhất loạt quay về phía ông ta. Người đội mũ trắng ném tiền lên trên mặt quầy, chủ quán vội vàng rót rượu. Trên màn ảnh tay ông chủ quán được quay gần, đang run lên bần bật. Người đội mũ trắng nốc một hơi cạn cốc.
- Ai? - Ông ta rít lên qua kẽ răng. Dường như không phải ông ta mà một ai khác vừa hỏi. Ông ta quay lại, chống khuỷu tay lên quầy, mắt xoáy vào những người đang ngồi trên bàn, nhắc lại. - Ai? Cái nhìn từ đôi mắt ông ta, một đôi mắt xanh dị thường - mặc dù những màu sắc khác trên màn ảnh chân thực không chê vào đâu được - khiến cho những người trong quán bắt đầu mất bình tĩnh. Họ lắp bắp phân bua rằng, tất cả đều do bàn tay Culi: chính hắn đã giết ông chủ trang trại và cũng chính hắn đã bắt cóc cô gái tóc vàng của ông ta. Sau khi biết rõ tất cả, người đội mũ trắng rời quán rượu. Ông ta bước bình thản, nhưng mọi người trong quán trên màn ảnh và khán giả trong phòng chiếu đều biết rằng đó là sự bình thản chết chóc. Ông ta sửa lại yên ngựa rồi phi nước kiệu ra khỏi làng.
Con đường dẫn ông ta đến bờ đá dốc đứng, nơi người ta vẫn kết liễu bọn hung thủ. Một kết cục như vậy cũng đang chờ sẵn Culi. Điều đó khán giả đều biết, và có lẽ người đội mũ trắng cũng biết. Ông ta chặn đường Culi, cho hắn quyền bắn trước, sau đó nhảy xuống nấp sau mỏm đá. Culi còn kịp xin lỗi nữ tù nhân về hành động bỉ ổi của hắn, ra sức kể lể về tuổi thơ nặng nề của mình: mẹ bị dân da đỏ giết, bố đau buồn sinh nghiện ngập, đối với hắn. Culi, đằng nào cũng vậy - chết ở đây hay hơn ở nơi khác - bởi vì chẳng có ai cần đến sự tồn tại của hắn. Chỉ sau đó, viên đạn của người đội mũ trắng mới găm vào mình hắn. Ông ta bế người đẹp tóc vàng đặt lên yên rồi phi trở về làng.
Bấy giờ quanh quán rượu đã có một đám đông tụ tập. Không ai biết người đội mũ trắng đang nghĩ gì. Nhưng khi cô gái xuống ngựa, lao vào vòng tay anh chủ trại trẻ tuổi, ánh mắt ông ta hướng vào một nơi nào đó xa xăm. Vì mừng rỡ, không ai để ý đến ông ta. Ông ta quay ngựa và phi ra khỏi làng. Đèn trong phòng chiếu bật sáng. Khán giả lục tục nhổm dậy khỏi ghế, riêng ông vẫn nhìn thấy trước ánh mắt người đội mũ vừa quăng dây cương vào cổ con ngựa đang mang ông ta đi vào đơn độc. Ông không nghĩ đến bà vợ vẫn theo ông sát gót. Chỉ khi đã ra tới hành lang, khi bà nói là bỏ quên ô trong phóng chiếu, ông mới sực nhớ tới sự tồn tại của bà. Ông đợi đến khi phòng chiếu hết người mới quay lại tìm ô. Bà cầm lấy, mỉm cười biết ơn. Còn ông đi ngang bà với bộ mặt bất động, tới cầu thang, sửa lại quần áo, móc gói thuốc lá trong túi ra, giũ giũ, bập môi rút một điếu, bật lửa, chợt hiểu rằng vợ đang ở đâu đó sau lưng, rằng bà đang nhìn vào lưng ông. Ra phố ông dừng lại. Bà đuổi kịp, nói:
- Mưa tạnh rồi đấy! - Và cầm lấy tay ông.
Ông tránh sang một bên. Bà rúm người lại, mơ hồ cảm thấy mình có lỗi. Nhưng bà vẫn đi cạnh ông, lòng tràn đầy quyết tâm cứu vãn phần còn lại của buổi chiều và buổi tối. Lát sau bà hỏi:
- Mình có thích bộ phim này không?
Ông thừa biết rằng bà không thích những phim loại này, rằng đối với bà, ông có thích phim này hay không cũng vậy thôi. Đơn giản là bà muốn trò chuyện với ông. Rất muốn. Ông nhổ điếu thuốc đi, nói:
- Ta còn có thể đi uống bia.
- Bia trong tủ lạnh ở nhà cũng có. - Bà nói. - Ta đi về, ở nhà ấm cúng hơn.
- Bây giờ thì tôi không muốn về nhà. - Ông nói. - Màu đẹp. Và đóng cũng không tồi.
Bà cúi đầu xuống và lặng lẽ đi bên cạnh.
- Tôi cũng nghĩ vậy, - bà sốt sắng đáp lại. - Nếu mình vẫn thích uống bia thì ta uống, nhưng ta uống ở đâu?
Chẳng hiểu sao ông lại sực nhớ đến cái văn phòng kế toán của mình. Anh chàng Sôp đang ngồi sau bàn viết, Snekenbecgơ loắt choắt kể những chuyện tiếu lâm nhạt phèo. Cả hai đều hơn tuổi ông. Trong thời gian giải lao lúc 10 giờ, ông đi mua bành mì kẹp giò, đôi khi Sôp nhờ ông mua hộ gói thuốc Kemela. Người đội mũ trắng. Người đội mũ trắng. Bà vợ lại nắm tay ông. Lần này ông không phản ứng lại. Ông nói:
- Đây là phim tâm lý: Đa số hoàn toàn không hiểu điều đó.
- Dĩ nhiên rồi, - bà đáp, cố đi đúng nhịp với ông.
- Culi đã trở thành tội phạm, bởi vì tuổi thơ anh ta quá cực nhọc.
- Đúng rồi, - bà nói. - Lúc anh ta phi đi tôi cũng đã nghĩ như vậy.
- Tôi lập tức cảm thấy đó là phim tâm lý, - ông nói.
- Ừ, dĩ nhiên. Bà dắt ông đến trước một tủ kính sáng choang trong cửa hàng.
- Đôi khi người ta cho rằng nếu phim ít sự kiện thì sẽ tẻ nhạt. Nhưng mọi vấn đề ở đây là tác động nội tâm.
- Ừ, mình nói đúng, - bà hưởng ứng.
- Mình có thích chiếc măng tô này không?
- Cái nào?
- Cái màu nâu kia kìa, có cổ lông. Tôi mặc rất hợp, phải vậy không?
- Tôi không biết, - ông nói.
- Bởi vì ngay cả viên cảnh sát trưởng cũng sợ không dám nói. Thật hết sức điển hình.
- Đối với tôi có lẽ hơi sẫm thật.
- Hơi sẫm, - ông nhắc lại. Ta có thể uống bia ở đây.
Họ rẽ vào quán, ông gọi bia. Bà nói rằng không biết gọi gì và mỉm cười với cô hầu bàn. Có lẽ gọi nước cam cũng được. Ông nói:
- Gọi bia luôn thể đi.
Và bà vội vàng nhắc lại:
- Ừ, tôi cũng vừa gọi bia.
Bà tiếp tục mỉm cười và chìa tay qua bàn cho ông. Trong mấy giây ông không để ý, và bàn tay bà nằm vậy trên vải phủ bàn màu đỏ. Sau đó ông đặt tay lên tay bà và bình thản. Bà hỏi:
- Mình có thích cô ta không?
- Ai?
- Ờ, cô gái trong phim.
- À, cô gái trong phim ấy hả, - ông nói, tay vuốt ve cốc bia rồi uống.
- Cô ta thon thả hơn tôi. Không đẹp, nhưng thon thả. Thon thả hơn.
- Nhưng tôi cũng 56 kilô, - bà nói, nắm chặt tay ông.
- Ta về chứ?
“Không, tốt nhất là không phải hôm nay”. - Ông nghĩ và trả lời - Tôi còn muốn uống nữa.
Bà buông tay ông. Trên mặt bà, ông nhìn thấy vẻ thất vọng. Ông không nghĩ về người đội mũ trắng nữa và chẳng hiểu sao lại nhớ tới Sôp. Anh ta đã ngoài năm mươi, còn mong gì ở cuộc đời nữa nhỉ?
- Tôi không uống nữa, - ông nói, gọi bồi bàn và trả tiền. Ra phố, bà lại cầm tay ông. Ông nắm lấy, bà nói:
- Chuyện chiếc măng tô nói vậy thôi, tôi hoàn toàn không cần đến nó. Cái chính là con người được hạnh phúc. Phải vậy không?
- Dĩ nhiên đúng vậy, - ông đáp. Ông nhìn chiếc xe ôtô của mình bên vỉa hè, vừa tìm chìa khoá vừa nghĩ: “56 kilô, sao bà ấy có thể làm được điều đó nhỉ? Mà bà ấy không đến nỗi nào”. Ông không nhớ gì đến người đội mũ trắng nữa.