Chương 4
Sân sau của Việt Nam

Trong kế hoạch chiến tranh của mình chống lại Mỹ và chế độ Sài Gòn, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam xem sự ủng hộ mạnh mẽ của phe xã hội chủ nghĩa "là một điều kiện quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Việt Nam".
Trong bài diễn văn tháng 4 năm 1965 vạch ra những nhiệm vụ mà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phải đối mặt sau khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh rằng người Việt Nam "càng được phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ và giúp đỡ trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ nghĩa ủng hộ và giúp đỡ trên tất cả mọi lĩnh vực, thì họ càng có khả năng giành thắng lợi mạnh mẽ và quyết định" trước những kẻ thù của họ.
Một năm sau đó, Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hoà một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ xã hội chủ nghĩa: "những thắng lợi" của nhân dân Việt Nam không chỉ là kết quả nỗ lực riêng của họ mà còn là của sự thông cảm, sự giúp đỡ và viện trợ vô bờ bến của các nước xã hội chủ nghĩa anh em".
Đây không phải chỉ đơn giản là tuyên bố mang tính công thức của Hà Nội mà là một đòi hỏi khách quan của tình hình Việt Nam, mà ngay cả những nhà quan sát không có thành kiến cũng ghi nhận sự thật này trong cuộc nói chuyện của họ với các quan chức Liên Xô.
Chẳng hạn, Phó trưởng đoàn Ba Lan tham dự Ủy ban kiểm soát quốc tế về Việt Nam, đã nói với một nhà ngoại giao Liên Xô ở Campuchia rằng: thắng lợi ở miền Nam Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào người Việt Nam hoặc người Mỹ mà còn vào sự ủng hộ của các nước từ bên ngoài.
Tại Bắc Việt Nam, nhu cầu về viện trợ quân sự và kinh tế từ các nước xã hội chủ nghĩa khác xuất phát từ nền kinh tế lạc hậu chỉ có khả năng sản xuất những trang thiết bị nhỏ cho quân đội. Việt Nam dân chủ cộng hoà phụ thuộc vào các nước khác để có được tất cả vũ khí hạng nặng và hầu hết các vũ khí nhỏ và đạn dược. Việt Nam không thể tự cung cấp vũ khí tinh xảo nhất, như máy bay siêu thanh, tên lửa và rada hoặc số lượng đầy đủ ngay cả những vũ khí đơn giản hơn.
Trong khi đó cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù hùng mạnh như "đế quốc Mỹ" đòi hỏi hậu cần phải vững chắc có khả năng cung cấp mọi phương tiện để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Và cần thiết phải nuôi quân và dân cũng như sửa chữa lại những thiệt hại do không kích Mỹ gây ra.
Không nghi ngờ gì Hà Nội không thể giải quyết những vấn đề này nếu không có sự giúp đỡ của các đồng minh xã hội chủ nghĩa, mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.
Liên Xô đứng đầu danh sách những cung cấp viện trợ. Tính chất của viện trợ kinh tế và quân sự của Liên Xô được xác định vào mùa xuân và mùa hè năm 1965, mặc dầu hàng hoá đã được chuyển đi từ Liên Xô vào tháng giêng và tháng hai năm đó. Khối lượng hàng viện trợ của Liên Xô tăng đều đặn từ năm 1965 đến 1968. Moskva gửi tới miền Bắc Việt Nam các thiết bị công nghiệp, viễn thông, xe tải, trang thiết bị y tế, công cụ máy móc, quặng sắt và các kim loại không chứa sắt. Trong khi cung cấp viện trợ cho các đồng chí Việt Nam, lúc đầu khối lượng hàng viện trợ Liên Xô ít hơn của Trung Quốc.
Đến năm 1967 toàn bộ viện trợ xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam dân chủ cộng hoà ước tính đạt khoảng 1,5 tỷ rúp (hơn 1,5 tỷ đôla nếu chuyển ra đôla theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên Xô 1 đôla=0,9 rúp). Phần của Liên Xô là 36,8% hay 547,3 triệu rúp (608,1 triệu đôla).
Thời gian trôi qua, viện trợ của Liên Xô lên tới khoảng 50% của tổng số viện trợ của xã hội chủ nghĩa và vào năm 1968 nó đã đạt tỷ lệ 524 triệu rúp (582,2 triệu đôla).
Những khoản viện trợ này hoàn toàn được tài trợ thông qua các khoản cho vay tín dụng dài hạn. Mặc dù hàng hoá của Liên Xô rất quan trọng cho ngành công nghiệp, viễn thông và nông nghiệp, song Bắc Việt Nam vẫn quan tâm nhiều hơn đến viện trợ quân sự.
Hợp tác sự giữa hai nước được sự chú ý của các nhà lãnh đạo ở Moskva và Hà Nội. Liên Xô bắt đầu viện trợ cho đồng minh Việt Nam của mình vũ khí và các trang bị quân sự vào năm 1953 (năm mà nó xuất hiện trong các bản báo cáo của các quan chức Liên Xô). Số lượng viện trợ quân sự của Liên Xô trước 1965 không lớn; phần lớn viện trợ được Trung Quốc cung cấp.
Tình hình thay đổi căn bản từ năm 1965.
Liên Xô tăng cường viện trợ quân sự của họ cho Việt Nam dân chủ cộng hoà và dần dần trở thành nguồn cung cấp chính các vũ khí và trang thiết bị hiện đại cho Bắc Việt. Theo một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao ngày 26 tháng 10 năm 1965: từ năm 1962 Moskva đã cung cấp cho Chính phủ Bắc Việt Nam xấp xỉ 200 triệu đôla trang thiết bị quân sự, kể cả máy bay. Hơn một nửa số này đã được chuyển đến trong năm 1965.
Trong năm 1966-1967 Moskva đã lĩnh trách nhiệm cung cấp 500 triệu rúp trang thiết bị cho lực lượng quân sự Bắc Việt Nam (xấp xỉ 550,5 triệu đôla) và đạt 1 tỷ rúp trị giá hàng quân sự tính từ năm 1953. Nhưng Liên Xô thực sự vượt giới hạn này vào năm 1968, đạt con số 1,1 tỷ rúp.
Năm 1968 viện trợ quân sự cho Bắc Việt Nam chiếm khoảng hai phần ba tổng số viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam dân chủ cộng hoà và tính ra được 357 triệu rúp (369,7 triệu đôla). Liên Xô đã cố gắng đáp ứng yêu cầu của Hà Nội đối với nhiều loại vũ khí và đạn dược khác nhau.
Mối quan tâm chính của Liên Xô là bảo vệ Việt Nam dân chủ cộng hoà trước các đợt không kích của Mỹ và tăng cường khả năng phòng không của Bắc Việt Nam. Moskva gửi tới Việt Nam dân chủ cộng hoà tên lửa "đất đối không", máy bay phản lực chiến đấu, tên lửa, súng phòng không và các trang thiết bị phòng không khác.
Tin tức tình báo của Mỹ đã báo cáo những dấu hiệu đầu tiên về vũ khí của Liên Xô vào mùa hè năm 1965, mặc dầu việc xây dựng những tụ điểm phòng không xung quanh Hà Nội và những sân bay quan trọng khác của Bắc Việt Nam đã bắt đầu vào mùa xuân năm đó.
Gần như ngay từ đầu các trang thiết bị phòng không của Liên Xô đã chứng tỏ hiệu quả. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, lần đầu tiên tên lửa "đất đối không" do Liên Xô chế tạo đã bắn máy bay Mỹ và hạ rơi một chiếc F4C trên đường đi tấn công một mục tiêu ở phía Tây Bắc Hà Nội.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tên lửa "đất đối không" có tính cơ động cao và gần như đối tượng không thể phát hiện ra, chứng tỏ được tiềm lực chiến đấu chống lại lực lượng không quân Mỹ. Cùng với máy bay chiến đấu, pháo phòng không và rada, tên lửa "đất đối không" đã trở thành những chướng ngại vật nghiêm trọng cho kế hoạch đàn áp Bắc Việt Nam bằng những nỗ lực quân sự của Mỹ. Vũ khí hiện đại bản thân chúng không đáp ứng được tất cả những nhu cầu của Bắc Việt Nam.
Hà Nội cũng cần những cán bộ quân sự được đào tạo tốt: những người có kinh nghiệm vận hành các vũ khí do Liên Xô cung cấp. Điều này làm cho Việt Nam dân chủ cộng hoà phụ thuộc vào các cố vấn Liên Xô và đòi hỏi các quân nhân Bắc Việt Nam cần phải được gửi sang Liên Xô đào tạo. Mỗi năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam có hàng ngàn lính và sĩ quan của Việt Nam được đào tạo tại các trường quân sự của Liên Xô.
Năm 1966, theo báo cáo của đại sứ quán Liên Xô, 2.600 người Việt Nam được gửi tới đào tạo tại Liên Xô để phục vụ cho ngành không quân và phòng không. Năm 1966 chương trình đào tạo đã xây dựng được đội ngũ cán bộ cho một trung đoàn phòng không và kỹ thuật viên cho một trung đoàn không quân và hàng chục phi công trong số những người dân Bắc Việt Nam tham gia quân đội nhân dân Việt Nam. Rõ ràng một trong số những người được đào tạo tại Liên Xô sau đó đã giữ vai trò chỉ huy các đơn vị của Mặt trận giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Moskva biết điều này, vì phía Việt Nam không che giấu các quan chức ngoại giao Liên Xô tại Hà Nội, việc họ gửi số lượng ngày càng lớn quân lính của mình vào miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, quân chính quy của Bắc Việt Nam với tư cách là "lực lượng chủ lực cơ động" đã được sát nhập vào quân đội Việt cộng bao gồm "bộ đội địa phương" và "quân du kích".
"Lực lượng chủ lực cơ động" được trang bị súng bắn tự động và súng cối hiện đại có khả năng tham gia các hoạt động đánh chiếm, bảo vệ khu vực đất đai chiếm được. Lực lượng này chịu trách nhiệm tấn công các căn cứ quân sự, sân bay Mỹ và hoạt động ở nhiều tỉnh của miền Nam.
Số quân chính quân chính quy của Việt Nam dân chủ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam, được Bộ Ngoại giao Liên Xô đánh giá vào thời điểm năm 1967, lên tới 120.000 trong tổng số hơn 300.000 quân của Mặt trận giải phóng. Vì sự có mặt của các đơn vị quân chính quy tại miền Nam không giữ được bí mật với ai cả, lại càng không giữ được bí mật đối với người Mỹ. Vì vậy, Hà Nội đã chính thức thừa nhận sự thật này vào giữa năm 1967. Tuy nhiên Moskva không lấy gì làm hài lòng với thông báo này. Các nhà lãnh đạo Liên Xô hẳn đã lo ngại về vai trò của họ trong việc trang bị vũ khí hiện đại cho các đơn vị ở miền Nam. Moskva muốn tránh tiết lộ một số chi tiết về quan hệ của họ đối với Bắc Việt Nam và một số chi tiết như vậy là sự tham gia của các cố vấn Liên Xô. Đã có những dự báo rằng Liên Xô sẽ gửi chuyên gia quân sự tới Việt Nam một khi cuộc xung đột Đông Nam Á mở rộng.
Tháng 2 năm 1965 Bộ Quốc phòng đã cảnh báo trước về việc chuyển giao các tình báo tên lửa đất đối không của Liên Xô cho Việt Nam. Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết các bệ phóng tên lửa "gần như chắc chắn sẽ phải do quân đội Liên Xô vận hành vì nguồn tin này cho rằng không có người Bắc Việt Nam nào được đào tạo để điều khiển tên lửa "đất đối không" (surface to air - SAM).
Vì vậy khi nhận được tin tức tình báo Mỹ báo cáo vào tháng 9 năm 1965 rằng, từ 1.500 đến 2.500 quân Liên Xô có lẽ đang có mặt ở Việt Nam khi đó, chính quyền Mỹ không hề ngạc nhiên về điều này. Báo cáo này dự báo rằng phần lớn các quân nhân Liên Xô là nhân viên vận hành SAM, ngoài ra, là các chuyên gia đào tạo và hỗ trợ. Tin tức tình báo không loại trừ khả năng về sự có mặt của 150 phi công Liên Xô và nhân viên bảo trì trong các nhóm đào tạo về không quân và 300 kỹ thuật viên khác tham gia vào các hoạt động quản lý, thông tin liên lạc và phục vụ hậu cần. Thông tin từ nguồn tin tình báo Mỹ rất chi tiết và được củng cố thêm trong một bản báo cáo vào cuối năm 1967 của Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội. Thông tin này tính ra có 1.165 chuyên ga quân sự Liên Xô tại Việt Nam chịu trách nhiệm bảo trì các loại vũ khí khác nhau và rada. Rõ ràng những chuyên gia chủ yếu là kỹ thuật viên và nhân viên vận hành SAM. Những báo cáo này đã lưu ý rằng những chuyên gia này cũng tham gia các nhiệm vụ chiến đấu, gợi ý cho một vai trò tích cực hơn. Trong báo cáo này đại sứ quán cho biết phần lớn các chuyên gia Liên Xô là nhân viên vận hành SAM và các phi công. Nhưng vẫn có một nhóm các chuyên gia quân sự thoát khỏi sự chú ý của Mỹ.
Cùng với các kỹ thuật viên, phi công, nhân viên vận hành SAM, Moskva đã gửi tới Việt Nam một nhóm đặc biệt chịu trách nhiệm thu thập mẫu vũ khí của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Để lập kế hoạch cho sự can thiệp của mình vào cuộc xung đột, các nhà lãnh đạo Liên Xô không chỉ lưu tâm tới các lợi ích chính trị, tư tưởng mà còn lưu tấm tới các cơ hội thử nghiệm trên chiến trường những kiểu vũ khí tiên tiến nhất của Liên Xô và một cơ hội để thu thập thông tin vũ khí mới nhất của Mỹ, thông qua việc nghiên cứu chiến lợi phẩm.
Nhằm mục đích này, Moskva đã ký một Hiệp định với Hà Nội yêu cầu Việt Nam dân chủ cộng hoà giúp Liên Xô thu thập, đánh giá những mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự Mỹ và gửi một nhóm các chuyên gia quân sự tới Việt Nam. Thành viên của nhóm này có nhiệm vụ thu thập các bộ phận máy bay Mỹ bị bắn rơi và các vũ khí chiếm được, kiểm tra những trường hợp vũ khí của Liên Xô không hoạt động tốt và gửi những kết luận với những mẫu hữu ích nhất về Moskva. Trên cơ sở của những dữ liệu thu thập này các chuyên gia quân sự Liên Xô chuẩn bị và đưa những đề xuất để điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô phù hợp với trang thiết bị của Mỹ.
Hoạt động này có hiệu quả rất lớn trong hai năm đầu Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ tháng 5 năm 1965 đến đầu năm 1967, các chuyên gia "đặc biệt" của Liên Xô đã chuyển về Liên Xô hơn 700 mẫu các trang thiết bị quân sự Mỹ, kể cả những bộ phận máy bay phản lực, tên lửa, rada và trang thiết bị thám ảnh. Họ chuẩn bị một số bản báo cáo phân tích các vũ khí của Mỹ.
Kết quả Chính phủ Liên Xô quyết định sao chép một số kiểu vũ khí Mỹ, chẳng hạn, tên lửa đạn đạo Sparrow-3, động cơ máy bay, các thiết bị điện tử trong ngành công nghiệp của Liên Xô. Các chuyên gia của Liên Xô cũng tìm ra phương pháp bảo vệ Bắc Việt Nam thoát khỏi không kích của Mỹ. Mặc dù tính hiệu quả của các hệ thống phòng không Liên Xô đã được thừa nhận, các chuyên gia Liên Xô vẫn tiến hành cải tiến vũ khí này, điều chỉnh nó phù hợp với khả năng của máy bay Mỹ.
Chẳng hạn như, khi Mỹ sử dụng máy bay F-111A để ném bom Việt Nam dân chủ cộng hoà, Liên Xô đã tối ưu hoá các hệ thống phòng không Dvina của họ để chúng có thể bắn rơi máy bay đang bay với tốc độ cao lên tới 3.700 km một giờ. Sự cải tiến này chứng tỏ hiệu quả ngày 30 tháng 3 năm 1968, khi một máy bay F-111A bị hệ thống phòng không Dvina bắn rơi cách Hà Nội không xa. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Andei Grechko đã báo cáo sự kiện trực tiếp lên Breznev.
Không nghi ngờ gì nữa, sự có mặt của các cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã chứng tỏ tính chất lập lờ trong chính sách của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong khi các nhà lãnh đạo Liên Xô đang cố gắng tạo ra một hình ảnh tìm kiếm giải pháp hoà bình sớm nhất cho cuộc xung đột, các cố vấn Liên Xô tại Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại và đó là sự tăng cường cam kết. Do đó, Moskva nóng lòng muốn tránh công khai hoá việc viện trợ và kéo sự chú ý của thế giới ra khỏi vấn đề này. Để đạt mục đích đó, Liên Xô đe doạ gửi quân tình nguyện tới Việt Nam. Nếu làm một phép so sánh, việc triển khai một số lượng hạn chế các cố vấn Liên Xô tới Việt Nam có vẻ là việc làm ít tồi tệ hơn trong hai việc. Moskva lặp đi, lặp lại gửi quân tình nguyện tới Việt Nam trong suốt diễn tiến cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sau diễn văn của Breznev tại Quảng trường Đỏ ngày 23 tháng 3 năm 1965, một thông cáo chung Liên Xô - Bắc Việt Nam một tháng sau đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô đưa ý tưởng này vào một số bài phát biểu và tuyên bố của họ.
Việc khẳng định thái độ sẵn sàng gửi quân tình nguyện của Liên Xô đã được nêu ra trong Đại hội lần thứ 23, Đảng Cộng sản Liên Xô và trong lời kêu gọi của Liên Đoàn thanh niên cộng sản Liên Xô vào mùa xuân năm 1966.
Nhưng chiến dịch tuyên truyền rầm rộ nhất về quân tình nguyện diễn ra ngày 6 tháng 7 năm 1966, khi các nước Warsawa đưa ra một tuyên bố chung tại Bucares biểu thị thái độ sẵn sàng gửi quân tình nguyện tới Việt Nam để "giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ chống lại quân Mỹ xâm lược". Phương Tây ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên một cam kết như vậy về quân tình nguyện được tất cả các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu đưa ra. Trước đây chỉ có Liên Xô đã tuyên bố một cam kết như vậy cùng với Bắc Triều Tiên và Cuba.
Tuy nhiên các nhà phân tích phương Tây đã chú ý tới sự khác biệt giữa tuyên bố Bucares với sự dè dặt, riêng tư của các quan chức các nước xã hội chủ nghĩa và kết luận rằng "sự dứt khoát ngày càng tăng lên của cam kết này không nhất thiết phản ánh những quyết định triển khai nó". Hình như bản thân Trung Quốc và Bắc Việt Nam có sự tự kiềm chế trong vấn đề này. Cả Hà Nội và Bắc Kinh vẫn "tương đối kín tiếng" về vấn đề quân tình nguyện.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng trong khi Hà Nội rất biết ơn những lời đề nghị gửi quân tình nguyện: "Sự giúp đỡ đã được đề nghị chưa cần thiết vào lúc này. Nhưng chưa rõ liệu trong tương lai chúng tôi có cần sự viện trợ này không".
Các nhà phân tích phương Tây suy nghĩ về tình hình thực tế ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc gửi quân tình nguyện chủ yếu vẫn chỉ là một chiến dịch tuyên truyền, cho dù có sự đảm bảo công khai của các nhà lãnh đạo Cộng sản. Việc quân tình nguyện đã được đưa vào tuyên bố Bucares theo yêu cầu của Phạm Văn Đồng, người đã gắn lời phát biểu với những đợt không kích của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng. Mục tiêu chính của tuyên bố này, theo các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, nhằm đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa với Việt Nam. Vấn đề quân tình nguyện cũng được làm rõ nhiều lần trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức Liên Xô và Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Bắc Việt Nam nói họ cần, trước hết là vũ khí và các trang thiết bị quân sự. Về "nguồn nhân lực", Việt Nam có đủ người.
Bằng chứng nữa về việc không có ý định gửi quân tình nguyện tới Việt Nam đã được ghi nhận vào tháng 7 năm 1966, khi nguyên soái Aleksei Yepishev, Tổng tư lệnh chính trị các lực lượng vũ trang Liên Xô, tiết lộ với một nhà ngoại giao phương Tây rằng Hà Nội trước đó không hề yêu cầu "quân tình nguyện" và Liên Xô không chuẩn bị bất cứ quân tình nguyện nào. Thay vào đó, Liên Xô có lẽ xem xét gửi thêm máy bay chiến đấu MiG và vũ khí đã chứng tỏ hữu hiệu ở Đông Nam Á. Mặc dù ý định thật sự là gì đi chăng nữa, nhân dân Liên Xô chấp nhận việc tuyên truyền về quân tình nguyện như giá trị bề ngoài của nó và viết thư gửi các nhà lãnh đạo bày tỏ việc họ sẵn sàng tới Việt Nam. Bộ Quốc phòng Liên Xô thông báo với Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rằng trong năm 1966 họ đã nhận được 750 đơn của các sĩ quan và hạ sĩ quan Liên Xô đề nghị được tới Việt Nam với tư cách là quân tình nguyện. Do vậy mà vấn đề quân tình nguyện chủ yếu được sử dụng như một thủ đoạn tuyên truyền, như một phương tiện để gây sức ép với Mỹ, và trong một chừng mực nào đó như một làn khói che mắt việc gửi các cố vấn Liên Xô tới Việt Nam.
Trong khi Liên Xô tăng cường viện trợ cho Bắc Việt Nam đến năm 1968 đã trở thành nước cung cấp vũ khí, đạn dược và trang thiết bị, thì ảnh hưởng của họ đối với Hà Nội không gia tăng ở mức độ tương xứng. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn còn rất mạnh.
Trung Quốc là một đồng minh lâu đời của chế độ Hồ Chí Minh, đã từng giúp Việt Minh trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp. Trung Quốc đã từng gửi vũ khí, thực phẩm và cố vấn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và có toàn quyền để chia sẻ với họ thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Sau Cuộc kháng chiến chống người Pháp kết thúc, Trung Quốc cung cấp cho nhà nước Cộng sản non trẻ ở Bắc Việt Nam sự giúp đỡ cần thiết để cung củng cố chính quyền của mình và tích luỹ các phương tiện cần thiết để chống lại chế độ Sài Gòn (và người ủng hộ là Mỹ).
Đầu năm 1960, chính Trung Quốc đã cung cấp khối lượng viện trợ lớn, kể cả vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam dân chủ cộng hoà, chứ không phải Liên Xô. Vào cuối năm 1964, Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh Bắc Việt Nam 457 triệu đôla trị giá hàng viện trợ (48%), trong khi Liên Xô là 370 triệu đôla hay 40%.
Khi cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang năm 1965, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về viện trợ cho Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo đánh giá của Liên Xô, từ năm 1955 đến 1965 Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã cung cấp cho Việt Nam 511,8 triệu rúp viện trợ kinh tế (khoảng 569 triệu đôla). Trong tổng số này, 302,5 triệu rúp (336 triệu đôla) được cung cấp dưới dáng các khoản viện trợ.
Mặc dù năm 1968 Trung Quốc để mất vị trí đứng đầu trong việc viện trợ, nhưng họ tiếp tục cung cấp một khối lượng lớn viện trợ cho Bắc Việt Nam. Chẳng hạn, Bắc Kinh là nguồn cung cấp chủ yếu ngoại tệ mạnh cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Năm 1966, Trung Quốc gửi cho Việt cộng 20 triệu đôla, năm 1967 khoản viện trợ này lên đến 30 triệu đôla. Và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp tục cung cấp thực phẩm và vũ khí cho Bắc Việt Nam.
Không kém phần quan trọng, là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì sự có mặt quân sự trên lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Các đơn vị quân đội Trung Quốc được triển khai ở một số tỉnh Bắc Việt Nam theo một hiệp định được bí mật kí giữa hai nước vào năm 1965. Quy mô lực lượng này được đánh giá ở mức từ 60.000 đến 100.000 người vào giữa năm 1967. Phần lớn lực lượng này là các đơn vị "kỹ sư đường sắt" hay các đơn vị "kỹ sư thông thường" cũng như các đơn vị hỗ trợ quân sự. Nhưng cũng có một số quân chính quy chịu trách nhiệm về phòng không của các tỉnh phía Bắc Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngoài ra, Trung Quốc còn phân ba trung đoàn máy bay chiến đấu MiG-17 bảo vệ lãnh thổ Bắc Việt Nam chống lại sự xâm nhập có thể xảy ra của máy bay Mỹ. Những trung đoàn đầu tiên của Trung Quốc được đưa tới Bắc Việt Nam năm 1965.
Việc triển khai quân đội Trung Quốc này đã cho phép Bắc Việt Nam, sau khi Mỹ đưa quân đế miền Nam Việt Nam, tập trung quân chiến đấu tại miền Nam Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam hiểu rõ rằng sự có mặt của quân đội Trung Quốc chứa đựng nguy cơ về sự phụ thuộc lớn vào Bắc Kinh, đặc biệt là vì số lượng quân Trung Quốc và quân Việt Nam tại các tỉnh Bắc Việt Nam dân chủ cộng hoà gần như tương đương. Hà Nội phản đối những lời đề nghị của Trung Quốc gửi thêm quân của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tới lãnh thổ Việt Nam.
Những nhân tố khác xác định vị thế mạnh mẽ của Trung Quốc tại Bắc Việt Nam: Việt Nam dân chủ cộng hoà phụ thuộc vào sự cộng tác của Trung Quốc để có sự viện trợ từ các nước khác, kể cả Liên Xô. Bởi vì khối lượng lớn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa khác phải đi qua lãnh thổ Trung Quốc (theo một nguồn tin Trung Quốc, mỗi tháng từ 8 tới 9 ngàn tấn hàng hoá được chuyển tới Việt Nam dân chủ cộng hoà qua ga đường sắt ở Pinhxiang. Hà Nội phải thận trọng để không bị cắt đứt kênh phân phối này bằng cách không làm hỏng mối quan hệ với "người láng giềng khổng lồ phương Bắc".
Và chắc chắn sự gần gũi về mặt địa lý đã đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, vì Trung Quốc là người hàng xóm bên cạnh của Bắc Việt Nam. Tuy nhiên sự gần gũi về mặt địa lý và sự viện trợ của Trung Quốc hẳn đã không thể có tầm quan trọng như vậy đối với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, trừ phi cũng có sự liên hệ gần gũi về ý thức hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Các nhà cộng sản Việt Nam chia sẻ với những người đương nhiệm Trung Quốc quan điểm về cuộc xung đột ở Đông Nam Á và về tình hình quốc tế, về vai trò của Phong trào cộng sản trên thế giới và về những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về việc giảm tình trạng căng thẳng và về những triển vọng của sự chung sống hoà bình giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Thái độ ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ phổ biến trong các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong khi các chính trị gia, những người thông cảm với Liên Xô đã bị cách chức trong giai đoạn bất hoà giữa Moskva và Hà Nội vào đầu những năm 60, thì những nhà lãnh đạo có xu hướng ủng hộ Trung Quốc đã đủ mạnh để vượt qua thiên hướng của một số Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam về cán cân chia sẻ đồng đều hơn đối với hai đồng minh. Xu hướng này đã được thể hiện trong sự tuyên truyền tương đối phong phú của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam. Trong khi đó việc tuyên truyền của Liên Xô chỉ giới hạn ở những cuộc triển lãm và những bộ phim được chiếu trong dịp những ngày lễ lớn. Những chiến sĩ chống Liên Xô của Trung Quốc vẫn tiếp tục, mặc dù có những phản đối mạnh mẽ của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Các nhà ngoại giao và các quan chức khác của Trung Quốc được hưởng nhiều tự do hơn so với các đồng nghiệp Xô viết. Các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hoà đã liên tục đến Bắc Kinh để xin ý kiến Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai về những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhìn chung, theo một kết luận không lấy gì làm dễ chịu của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội: ở miền Bắc Việt Nam hiện nay có nhiều sự thông cảm đối với Trung Quốc hơn là đối với Liên Xô.
Những người Xô viết theo kịp với những diễn biến trong các mối quan hệ Bắc Việt Nam-Trung Quốc. Họ để ý đến mọi dấu hiệu của sự bất hoà đó cho những lợi ích riêng của họ. Moskva đầu tiên nhận được những dấu hiệu như vậy từ năm 1965 qua báo cáo của các nhân viên ngoại giao và các nhà báo về sự phật ý đang tăng lên ở Hà Nội với chính sách của cộng sản Trung Quốc.
Theo báo cáo này, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã bắt đầu nghi ngờ về những mục đích đầu tiên của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Sự thay đổi thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hoà có thể giải thích bằng những diễn biến mới trong các mối quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam.
Hợp tác với Moskva sẽ tạo cho Hà Nội một cơ hội để thoát khỏi sự bảo trợ quá đáng của Trung Quốc và có một vị trí độc lập hơn trong quan hệ giữa Bắc Việt Nam và Bắc Kinh. Mặc dù sự chuyển hướng này trong chính sách của Bắc Việt Nam không hứa hẹn một thành công ngay lập tức với các nhà lãnh đạo Xô viết, nhưng Liên Xô đã sẵn sàng chiếm lấy điều đó.
Kreml trông đợi vào một nhóm các nhà chính trị thực dụng trong giới lãnh đạo Bắc Việt Nam, họ là những người không hài lòng với ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Việt Nam dân chủ cộng hoà và mong muốn có được một chính sách mang tính dân tộc cao hơn.
Liên Xô đã được thông báo rằng, nhóm đó đang tồn tại ở Hà Nội và thực sự bao gồm những nhân vật lỗi lạc như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp với sự ủng hộ ngầm của Hồ Chí Minh.
Liên Xô cũng có được một số người ủng hộ mình trong số các công chức bậc trung và bậc thấp và cũng như trong số các viên chức của Đảng, họ là những người chống lại đường lối theo chiều hướng của Trung Quốc và sẵn sàng ủng hộ những chuyển hướng theo Liên Xô.
Rõ ràng là Liên Xô không thể sử dựng sức ép trực tiếp đối với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam do sợ bị mất họ.
Thay vào đó, Liên Xô đã sử dụng những biện pháp tinh tế hơn để theo đổi hai mục tiêu có liên quan đến nhau.
- Giúp đỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam có được một vị trí độc lập hơn (từ Trung Quốc) trong chính sách đối ngoại và đối nội của họ.
- Lôi kéo các đồng chí Việt Nam theo "một tình hữu nghị và hợp tác hơn nữa" với Liên Xô.
Để đạt được những mục tiêu này, Kreml đã huy động mọi sức mạnh tuyên truyền của mình. Trong rất nhiều cuộc gặp giữa các quan chức Liên Xô và Bắc Việt Nam cũng như trong các cuộc hội đàm ở cấp cao, Moskva tranh thủ mọi cơ hội để "vạch mặt bản chất xảo trá" của Bắc Kinh và khuyến khích Hà Nội thực hiện những bước đi độc lập trong phạm vi chính sách đối ngoại.
Liên Xô cố gắng đưa Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hoà vào cuộc xung đột bằng cách để Hà Nội tự thảo luận với Bắc Kinh về những vấn đề viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là việc vận chuyển viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa qua lãnh thổ Trung Quốc.
Những nỗ lực của Liên Xô nhằm thúc đẩy sự bất hoà giữa Trung cộng và Bắc Việt Nam đạt tới đỉnh cao trong cuộc "Cách mạng văn hoá" do một phe nhóm thân Mao trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc gây ra.
Hà Nội rất lo lắng trước cuộc đấu đá giành quyền lực ở Bắc Kinh và về những ý đồ củ Trung Quốc lôi kéo Việt Nam tham gia vào cuộc đấu đá này.
Năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử một Ủy viên đến Bắc Kinh để đánh giá tình hình ở Trung Quốc và những hậu quả của nó đối với Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những kết quả của chuyến đi tìm hiểu thực tế này đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, họ lo sợ rằng thắng lợi sắp đến nơi của Mao có thể dẫn đến sức ép của Trung Quốc đối với Hà Nội tăng lên. Báo cáo cũng báo dộng về một nhóm các nhà chính trị Việt Nam lỗi lạc trước kia, những người đã chống lại chính sách của Hà Nội đề ra đầu những năm 60 và đã bị cách chức và bất đồng quan điểm. Nhóm này quyết định ủng hộ mong muốn của Lê Duẩn nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nước và ngăn cản sự thống trị của những nhân vật ủng hộ Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những thành viên của nhóm đối lập này trông chờ vào sự giúp đỡ của Liên Xô đối với những nỗ lực của họ.
Trong cuộc gặp với các quan chức Liên Xô, những người Việt Nam này đã đề nghị những người bạn Xô viết gây sức ép để Hà Nội cắt sự ủng hộ không có hiệu quả trong các kế hoạch của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Họ cũng cảnh báo rằng việc gây sức ép đó nên được thực hiện một cách cẩn thận, không xúc phạm đến lòng tự trọng của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, và không nên lặp lại những sai lầm như Khruschev đối với Tito và người Anbani. Những người không theo trào lưu chung của Đảng cũng chỉ ra rằng tốt hơn là Liên Xô nên giữ một lời kêu gọi bằng văn bản cho Hà Nội để thực hiện những quan điểm của phía Liên Xô. Vì đây là những bước đi thực tế nên giới lãnh đạo Việt Nam sẽ có thể phải theo. Moskva cố nhiên là công nhận những lời đề nghị này nhằm kéo Việt Nam khỏi Trung Quốc.
Do nhận thức được sự ủng hộ có bảo đảm của Moskva và nhận thức được cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường cộng sản nhằm giành lấy ảnh hưởng ở Đông Nam Á, giới lãnh đạo Việt Nam coi đây là một cơ hội duy nhất để "bắt cá hai tay".
Hà Nội sẵn sàng duy trì những mối quan hệ hữu nghị với cả hai đối thủ và do đó sẽ nhận được tất cả sự ủng hộ có thể từ những nhà "xét lại" Xô viết cũng như là "bành trướng" Bắc Kinh.
Nhiều nhà phân tích Hoa Kỳ đã tranh cãi về triển vọng này thậm chí trước khi Mỹ leo thang chống Việt Nam dân chủ cộng hoà… triển vọng này quá rõ ràng đối với các đại sứ Mỹ ở Đông Nam Á, và được thể hiện trong các dự báo mà họ gửi về Washington đầu năm 1965. Cộng đồng tình báo Mỹ cũng dự báo rằng Liên Xô và Trung Quốc sẽ cạnh tranh để giúp đỡ Việt Nam và như vậy sẽ đem lại cho Hà Nội một cơ hội để có được nhiều viện trợ hơn từ cả hai nước.
Mặc dù, trên thực tế Việt Nam dân chủ cộng hoà đã coi dự báo này là đúng, nó phức tạp hơn nhiều so với điều mà Washington dự báo. Chính sách này không chỉ đơn giản là kết quả của sự tính toán chính xác mà nó còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lòng tin sắt đá của những người Cộng sản Việt Nam và bởi những quan điểm của họ về một cuộc đấu tranh chống "đế quốc Mỹ".
Như Douglas Pike đã nhận xét, trong suốt cuộc chiến tranh, những người Cộng sản Việt Nam đã duy trì một quan điểm "cứng rắn một cách cực đoan và bảo thủ" đối với kẻ thù của họ ở phía Nam. Và đối với những đóng góp của họ cho "tiến trình cách mạng thế giới" và với trách nhiệm của các nước xã hội chủ nghĩa khác đối với họ… "Mỗi một quốc gia cộng sản, dù lớn hay nhỏ-lời của một nhà lý luận Cộng sản Hà Nội, đều có cả lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế. Và để giải quyết những vấn đề này, một nước nhỏ (như Việt Nam dân chủ cộng hoà) phải được tự do quyết định những lợi ích và nghĩa vụ của nó mà không nên bị ép buộc phải thực hiện bởi một quốc gia lớn hơn (như Liên Xô hoặc Trung Quốc).
Tuy nhiên một số quốc gia nhỏ cũng có quyền trông đợi sự giúp đỡ từ những nước lớn. Như vậy, lời tuyên bố này đã xác định rằng Liên Xô (và Trung Quốc) phải giúp đỡ Việt Nam dân chủ cộng hoà, dưới danh nghĩa vô sản quốc tế nhưng cũng với tinh thần như vậy-họ không thể đưa ra những đòi hỏi đối với Việt Nam dân chủ cộng hoà, vì như vậy là vi phạm đến quyền tự quyết.
Có một câu hỏi đặt ra là trong khái niệm này thì đâu là sự tính toán thực tế và đâu là niềm tin trung thực. Hoà quyện lại với nhau, cả hai điều này hình thành nền móng trong chính sách đối ngoại của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hai khái niệm này cũng đã khẳng định hành vi cư xử của Bắc Việt Nam với Liên Xô.
Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội đã mô tả hành vi cư xử này của Bắc Việt Nam như là một cách tiếp cận "dân tộc hẹp hòi" đối với vài trò của Liên Xô trên vũ đài quốc tế và ở Việt Nam. Miêu tả xa hơn về cách tiếp cận này, Đại sứ quán Liên Xô giải thích rằng Việt Nam dân chủ cộng hoà coi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác như là "một hậu phương của Việt Nam".
Giới lãnh đạo Bắc Việt Nam tin tưởng rằng, chỉ có Đảng Lao động Việt Nam mới có thể đánh giá đúng mức tình hình ở Đông Nam Á và có thể tìm ra những phương pháp thích hợp để giải quyết vấn đề Việt Nam, do đó tất cả các nước xã hội chủ nghĩa phải có nghĩa vụ ủng hộ sự nghiệp của Hà Nội. Nói một cách khác, theo quan điểm của Liên Xô, Bắc Việt Nam đang chứng minh cho thấy đó là một nước độc lập và cứng đầu.
Thái độ này của Liên Xô được thể hiện ở hầu hết các khu vực trong các mối quan hệ Liên Xô-Việt Nam dân chủ cộng hoà. Do đó, giới lãnh đạo Bắc Việt Nam đã phải miễn cưỡng thông báo với các đồng nghiệp Liên Xô những thông tin về tình hình chính trị ở Việt Nam và Đông Dương. Họ giấu giếm thực trạng các vấn đề nội bộ của Đảng Lao động và các diễn biến trong mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Hà Nội không muốn chia sẻ với Moskva về những kế hoạch tác chiến hoặc những quan điểm của họ về những biện pháp khả thi để giải quyết cuộc xung đột. Để đáp lại những thắc mắc dai dẳng của Moskva về các kế hoạch tác chiến của Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1967, Phạm Văn Đồng thậm chí còn trả lời rằng Bắc Việt Nam không có những kế hoạch tác chiến đó vì họ hành động theo tình hình đang diễn ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự giấu giếm của Hà Nội bị ảnh hưởng bởi nỗi e ngại về việc gây nguy hại đến các mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng một đặc tính kiên trì trong thái độ của Bắc Việt Nam vẫn giữ nguyên thậm chí sau khi tình hữu nghị giữa hai nước châu Á này xấu đi.
Do vậy, các nhà ngoại giao của Liên Xô ở Bắc Việt Nam kết luận rằng "Mặc dù có biểu hiện của sự bất hoà nghiêm trọng giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng điều đó thực sự không có nghĩa là giữa Việt Nam và Liên Xô đã tự khôi phục lại được mối quan hệ hợp lý.
Moskva cũng không hài lòng với thái độ của Bắc Việt Nam đối với vấn đề hợp tác kinh tế và quân sự. Đối với viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam như là một nghĩa vụ quốc tế đối với "Nhân dân Việt Nam anh hùng", Hà Nội đã sử dụng nguồn viện trợ này một cách đặc biệt cho lợi ích riêng của nó. Giới lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để đề nghị các đồng chí Xô viết mở rộng sự giúp đỡ, nhưng Hà Nội đã không đáp lại sự quan tâm của đồng minh một cách đúng mực, họ từ chối xem xét đến những lợi ích và hiểm hoạ của người bạn đồng minh của mình và từ chối đáp lại một cách tích cực những yêu cầu của Liên Xô đưa ra.
Việt Nam dân chủ cộng hoà đã nhận được rất nhiều thiết bị công nghiệp, các loại máy móc, mô tơ điện và xe tải. Hầu hết các thiết bị này có thể được sử dụng để tái thiết các nhà máy, các nhà máy điện, nhà ga xe lửa và những cánh đồng bị bom Mỹ phá hoại. Và Hà Nội đã liên tục kêu cứu viện trợ bổ sung những thiết bị trên. Nhưng chỉ một phần viện trợ được sử dụng cho việc thái thiết. Phần còn lại thì được dự trữ để sử dụng lâu dài.
Nhưng chiến thuật này của Việt Nam không có ý nghĩa đối với Liên Xô bởi vì những hàng viện trợ này người Liên Xô không dùng đến nữa, thậm chi chúng còn là loại hàng mà Liên Xô bỏ đi không thương tiếc. Hàng viện trợ được cất giữ ngoài trời, không xa các nhà ga và bến cảng, vì lý do thời tiết nên chúng nhanh chóng trở thành đống sắt gỉ, thế nhưng nhu cầu về hàng viện trợ thêm thì vẫn còn.
Theo số liệu của Đại sứ quán Liên Xô, 26 triệu rúp (hơn 29 triệu đôla) giá trị thiết bị công nghiệp không dùng đến đã bị chất đống ở Việt Nam dân chủ cộng hoà vào cuối năm 1966.
"Những người bạn" Việt Nam đã không còn tiết kiệm đối với viện trợ quân sự của Liên Xô. Họ yêu cầu Moskva cung cấp nhiều tên lửa, đạn pháo và thiết bị rada hơn nhưng lại quá lãng phí chúng.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô ghi nhận những vụ việc này, ví dụ như trong một lần Việt Nam phóng tên lửa phòng không mà họ không chuẩn bị những dữ liệu cần thiết, đơn giản chỉ để doạ máy bay Mỹ, mà gọi những lần phóng tên lửa như vậy là "sự thực hiện những nhiệm vụ chiến thuật", song chẳng qua chỉ là việc lãng phí một cách thái quá. Bộ đội Bắc Việt Nam đã vi phạm những quy định về lưu trữ đối với vũ khí quân sự của Xô viết và phớt lờ lời khuyên của Liên Xô về việc sử dụng các thiết bị này. Cả hai vấn đề trên đã dẫn tới việc hỏng hóc vũ khí.
Một chuyên gia quân sự Liên Xô phàn nàn rằng, mặc dù Việt Nam được trang bị các loại rada tốt, nhưng do các tư lệnh quân đội từ chối sử dụng đúng chỉ dẫn của các chuyên gia Xô viết nên đã làm giảm thiểu hiệu quả của hệ thống phòng không của Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Các quan chức Việt Nam tìm cách thanh minh những vụ việc trên bằng việc đổ lỗi cho các loại vũ khí Liên Xô không hoàn thiện. Họ đưa ra những lời đồn đại rằng Liên Xô trang bị cho Việt Nam những loại vũ khí và thiết bị quá hạn sử dụng mà Liên Xô không cần đến nữa. Họ hạn chế số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi bằng tên lửa của Liên Xô, trong khi đó những mất mát máy bay Việt Nam do Liên Xô sản xuất thì được giải thích là vì chất lượng của máy bay tồi.
Đồng thời các nhà lãnh đạo Hà Nội liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của Liên Xô, đồng thời họ đánh giá cao sự ủng hộ của Liên Xô trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Các quan chức Việt Nam liên tục vi phạm thoả thuận với Liên Xô về việc kiểm tra các loại vũ khí quân sự của Mỹ. Một nhóm cố vấn quân sự đặc biệt do Moskva phái đến Hà Nội để thực hiện mục đích này đã gặp phải rất nhiều khó khăn phần lớn do các quan chức Việt Nam gây ra: họ bịa ra rất nhiều lời biện hộ để không cho các chuyên gia Liên Xô có cơ hội để xem xét quả tên lửa này hoặc khẩu súng kia của Mỹ. Các lời giải thích chính thức đó là các viện bảo tàng và các khu triển lãm của Việt Nam cần các vật trưng bày, và rằng các địa phương ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền đối với các chiến lợi phẩm này, và rằng các chuyên gia Việt Nam cần kiểm tra các loại vũ khí thu được này.
Đôi lần quan chức cấp cao của Liên Xô đã phải nêu vấn đề về việc tiếp cận các chiến lợi phẩm trong các cuộc hội đàm với Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn nhằm giải quyết vấn đề đó. Tất cả các chuyên gia Liên Xô làm việc ở Việt Nam đã được chứng kiến sự giấu giếm và trò chơi hai mặt của các đồng chí Việt Nam. Các nhà ngoại giao và các nhà chuyên môn khác bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh Việt Nam dân chủ cộng hoà. Họ sống trong một bầu không khí thiếu tin cậy và bị ngờ vực. Các quan chức của Việt Nam dân chủ cộng hoà, cố gắng ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người Liên Xô và người Việt Nam, phía Việt Nam nghi ngờ rằng các chiến sĩ đồng mình của họ có thể thu được những tin tức bí mật bằng những kiểu gặp gỡ như vậy.
Vào đầu năm 1968, Liên Xô nhận được tin về việc Bắc Việt Nam bắt giữ một số người dân vì họ đã tiết lộ tin tức bí mật cho nhân viên ngoại giao nước ngoài. Tháng 3 năm 1968, Việt Nam dân chủ cộng hoà đưa ra một luật lệ nhằm trừng trị hoạt động phản cách mạng. Đại sứ quán Liên Xô đã phàn nàn rằng thực tế luật lệ này "đã làm giảm nghiêm trọng sự tiếp xúc của chúng tôi với các công dân Việt Nam, những người mà giờ đây lo sợ những hậu quả có thể xảy ra". Đồng thời nhà cầm quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng đã thực hiện những hạn chế hà khắc đối với những người Liên Xô, họ không được đi lại tự do, thậm chí ngay trong Hà Nội.
Một thái độ đáng kể nhất về thái độ của Việt Nam đối với Liên Xô đã được thể hiện trong bức thư của Bộ Hàng hải thương mại Liên Xô gửi Xô viết tối cao ngày 18 tháng 7 năm 1966. Qua việc miêu tả các hành động của người Việt Nam ở cảng Hải Phòng, Bộ này đã nói rằng lãnh đạo cảng Hải Phòng đã cố ý trì hoãn việc dỡ hàng của các tàu Liên Xô và giữ các tàu đó tại cảng bởi vì những con tàu này có thể hạn chế thiệt hại do bom gây ra đối với cảng khi Mỹ ném bom. Hơn nữa, lãnh đạo cảng Hải Phòng thường xuyên xếp những con tàu của Liên Xô gần những điểm dễ bị ném bom nhất, ví dụ như gần những khẩu pháo phòng không nhằm đảm bảo sự an toàn cho những khẩu pháo này trong các cuộc ném bom của Mỹ. Trong các cuộc tấn công không quân của Mỹ, các tàu quân sự Việt Nam sử dụng các con tàu của Liên Xô như một lá chắn trong khi họ bắn trả các máy bay của Mỹ.
Do vậy, các mối quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam rất phức tạp trong giai đoạn 1965-1968. Những người Cộng sản Việt Nam hoá ra là những người đồng minh không tin cậy và ích kỷ, thường gây ra những khó khăn cho các đồng chí Xô viết của họ.
Ảnh hưởng của Liên Xô đối với chính sách của Hà Nội không tương xứng với mức độ giúp đỡ của Liên Xô đối với Bắc Việt Nam. Thực tế này không còn là điều bí mật cho cả hai phía Việt Nam và Liên Xô. Một phóng viên của Việt Nam hỏi một nhà báo của tờ Izvestiia, Mikhail Ilysnki: "Anh có biết, Liên Xô đóng góp bao nhiều trong tổng viện trợ cho Việt Nam và Liên Xô có được bao nhiêu ảnh hưởng đối với Việt Nam (nếu sự ảnh hưởng này có thể đo được bằng %)? Số liệu lần lượt là 75-80% và 4-5%". Nhà báo Xô viết trên nhận xét: "Nếu như nhà báo Việt Nam này thổi phồng những số liệu cũ (tới 15-20%), thì số liệu về phần ảnh hưởng của Liên Xô chắc chắn là đúng.
Moskva không thể tiếp tục với một mối quan hệ bất lợi như vậy được. Liên Xô cần sự ảnh hưởng lớn hơn ở Việt Nam nhằm biến những mục tiêu về chính sách đối ngoại của họ thành hiện thực, nhằm đạt tới một giải pháp thích hợp cho cuộc chiến và biến Việt Nam dân chủ cộng hoà thành một đồng minh tin cậy của Liên Xô trong Phong trào cộng sản thế giới.
Mặc dù Liên Xô đang dần dần cải thiện vị trí ở đó nhờ có sự giúp đỡ đối với Bắc Việt Nam, nhưng tiến trình này vẫn đang được tiếp tục vào năm 1966-1967 lúc đó Mỹ quyết định tìm kiếm những tiếp xúc trực tiếp với Việt Nam dân chủ cộng hoà nhằm tìm cách giải quyết cuộc xung đột.