Dịch giả : Thượng Trí
Chương 6
PHẦN MỘT
NHỮNG NGUYÊN LÝ HIỆP KHÍ ĐẠO

 

NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN VỀ KHÍ

Tuy từ ngày xưa ở Á-đông, tiếng khí đã được nhiều người dùng để nói tới nhiều thứ, từ cái khí hạo nhiên cho tới mọi sự vật hằng ngày chung quanh ta, nhưng nhiều người dùng tiếng đó không hiểu cái khí hằng ngày có liên hệ thế nào với cái khí hạo nhiên, và đôi khi cũng chẳng hiểu ngay cả hai cái đó có liên hệ với nhau nữa.
Hiệp Khí Ðạo, hiểu theo nghĩa từng chữ, là con đường (đạo) đưa tới sự hợp nhất (hiệp) với khí, đặc biệt với cái khí của vũ trụ, hay khí hạo nhiên. Ðó là con đường đưa tới sự hòa đồng với vũ trụ. Tất cả mục đích của những kỹ thuật ta tập luyện hàng ngày là tinh luyện cái khí của ta. Vì thế, chúng tôi thường nói là ta « phóng khí ra », « dẫn khí », « đổ khí vào » hoặc « chế phục đối thủ ta bằng khí », v.v. Ngoài khí ra, thì Hiệp Khí Ðạo không thể có được. Tuy nhiên có nhiều người lại không thể giải thích nổi cái tương quan giữa khí hạo nhiên và cái khí mà ta xử dụng trong đời sống hằng ngày, hay, hơn nữa không thể cắt nghĩa được thế nào là khí. Bởi lẽ khi ta biểu diễn Hiệp Khí Ðạo mà ta không biết gì về những thứ đó thì ta sẽ không thực sự tin tưởng, cho nên tôi xin mạn phép cắt nghĩa cái bản chất căn bản của khí đối với đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng như đối với những kỹ thuật trong Hiệp Khí Ðạo.
I. BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA KHÍ
Nhờ năm giác quan của ta mà ta biết được rằng vũ trụ mà hiện ta đang sống ở trong có màu sắc và hình thể. Nhưng đâu là cái bản chất thực sự của vũ trụ đó?
Bất cứ cái gì có hình thể là phải có một sự bắt đầu. Thí dụ nói là hiện nay mặt trời đang cháy sáng, nhưng lửa lại phải có một sự bắt đầu. Cũng phải có một cái « trước », trước khi bắt đầu có lửa.
Nếu ta tìm tới nguyên lai của mọi vật, thì ta sẽ tới một điểm mà ở đó là hư vô. Mặt khác, hư vôlại không thể tạo được một vật gì cả. Ðạo Thiền (Zen) dùng tiếng (mu), nó có nghĩa là hư vô, nhưng không phải là một hư vô hoàn toàn nghĩa là cáitrong đạo Thiền có nghĩa một trạng thái mà trong đó, mặc dù là hư vô, nhưng vẫn còn có một cái gì.
Ở Á-đông ta dùng tiếng khí để nói về một trạng thái mà chính nó cũng là cái bản chất thực sự của vũ trụ. Theo đuổi cái điều kiện đó xa hơn nữa, ta sẽ tới một điểm ở đó mặt trời, các tinh tú,trái đất, loài người, loài vật, cây cỏ, nước, khí, trời, mọi vật là một.
Do bởi khí, cái bản chất thực sự của vũ trụ, mà ta có động và tĩnh, hợp và tan, co và dãn, và nhiều động tác hỗ tương khác nhờ đó mà vũ trụ hiện nay có được cái hình thể của nó. Khí không có bắt đầu, cũng không có chấm dứt. Cáitrị số tuyệt đối của nó không tăng lên mà cũng chẳng giảm xuống. Chúng ta với vũ trụ là một, và đời sống chúng ta là một phần của đời sống vũ trụ. Từ trước khi bắt đầu có vũ trụ, và ngay đến bây giờ, trị số tuyệt đối của nó là một sự kiện vững chắc mà trong đó sinh, lão và tử luôn luôn tiếp tục xảy ra.
Giáo hội Thiên Chúa gọi các bản thể của vũ trụ là Thượng Ðế, và tác động của vũ trụ là Tạo Hóa của Thượng Ðế. Nói khác đi, Thượng Ðế có mặt trong thế giới này và sự Tạo Hóa của Thượng đế là một diễn trình không bao giờ dứt.
Trong Hiệp Khí Ðạo, ta phân biệt cái khí ta xử dụng hằng ngày và cái khí vũ trụ, cái bản tính thực sự của vũ trụ, và ta gọi sự vận chuyển của vũ trụ là nhưng qui luật của vũ trụ.
Ta sinh ra từ khí, và một ngày kia ta sẽ quay về với khí. Nhìn qua đôi mắt của thể xác, thìđời chúng ta dường như biến mất đi nơi sự chết, nhưng từ quan điểm của tinh thần, thì không có gì biến mất đi hết. Khí trước chúng ta đã có rồi, và ta sẽ tiếp tục tồn tại mãi sau này. Nhìn một sự vật nào bằng đôi mắt của tinh thần có nghĩa là quan sát sự vật đó từ cái quan điểm của bản thể đích thực. Từ cái quan điểm của bản thể đích thực của vũ trụ, thì tất cả chúng ta, toàn thể thế giới, tất cả loài người, đều ở trong cùng một bào thai với mọi loài cỏ cây, mọi thứ, cho đến cả những đám mây và sương mù.
Như vậy thì còn có lý do nào khiến ta phải oán thù hay tranh đấu không? Bạn sẽ là người đầu tiên hiểu được cái tinh thần yêu thương và bảo vệ muôn loài trong Hiệp Khí Ðạo và sự cấm không được hiếu chiến trong Hiệp Khí Ðạo nếu bạn xét vấn đề từ cái quan điểm bản thể đích thực của vũ trụ.
Cuộc đời chúng giống như một vốc nước ta đã múc lên từ biển sâu và giữ trong hái tay ta. Chúng tôi gọi đó là cái« tôi ». Vâng, cũng như là gọi nước là nước của ta bởi vì ta đã giữ nó trong hai tay ta. Mặt khác, từ cái quan điểm của nước, thì đó lại là một phần của đại dương. Mặc dù nếu ta mở tay ra thì nước sẽ lại rớt xuống biển, cho dù nếu nó còn ở trong tay ta nó vẫn đoàn tụ với biển khơi vậy. Nếu ta không để cho nước chảy với dòng của nó, thì nó sẽ trở nên đục.
Cuộc đời chúng ta là một phần của cái khí hạo nhiên đã được gắn liền với da thịt của ta. Mặc dù chúng tôi bảo rằng đây là « cái tôi », nhưng nhìn với đôi mắt của thể xác, thì nó lại chính là cái khí của vũ trụ. Tuy rằng cái khí đó được gói trong da thịt ta, nó vẫn đoàn tụ với, và là một phần của vũ trụ.
Cũng như khi ta hô hấp, là ta hô hấp cái khí hạo nhiên vào khắp cơ thể ta. Khi cái khí của ta đoàn tụ với cái khí của vũ trụ, thì ta khỏe mạnh và vui vẻ. Khi chúng không đoàn tụ được với nhau thì ta trở nên hững hờ, lãnh đạm, thờ ơ, và khi hai dòng khí đó không chảy cùng với nhau nữa, thì ta chết.
Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập cách phóng khí ra, bởi vì khi làm như thế, thì cái khí của vũ trụ có thể thấm vào cơ thể ta và làm cho hai dòng khí cùng chảy xuôi được với nhau. Nếu ta không để khí phóng ra, thì khí mới không thể vào đặng, và hai dòng khí khó chảy xuôi được với nhau. Vì lẽ này, Hiệp Khí Ðạo nhấn mạnh sự phóng khí ra đó không những chỉ nhắm cải thiện những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo mà thôi, mà còn làm cho hai dòng khí xuôi chảy đều được với nhau nữa. Ðây là một cách tốt nhất để tăng cường sức mạnh của đời ta đến tột độ.
Ðã hằng thế kỷ rồi dân Nhật bản thường nói ràng « chết đi là đi về nhà », nhưng nếu không có lòng tin tưởng vững chắc thì ta sẽ không bao giờ nắm vững được cái thái độ ấy! Chúng ta với khí hạo nhiên là một, và chết đi chỉ là quay trở về với cái khí hạo nhiên đó. Ta phải xử dụng tất cả năng lực của ta lúc ta còn sống và tất cả năng lực của ta sau khi chết. Lòng tin bất diệt đó thật là cần cho mọi thành công.
II. KHÍ ÂM VÀ KHÍ DƯƠNG
Ðể cái bản thể cơ bản của vũ trụ tức là khí đó tiến tới được cái trạng thái hiện thời của vũ trụ, nó đã phải trải qua một số những quá trình mâu thuẫn.
Những quá trình đó vẫn còn đang tiếp diễn ngày nay và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Ở Á đông sự nhị nguyên (dualisme) đó gọi là thuyết về âm dương. Dương là ánh sáng và âm là bóng tối. Khi có ánh sáng, thì tất phải có bóng tối ; khi có sự sống, thì tất phải có sự chết, và ở đâu có cao tất phải có thấp, có mạnh tất phải có yếu. Vũ trụ thì tuyệt đối trong trạng thái độc nhất của nó, nhưng nó được biểu lộ ra trong thế giới bằng tính cách nhị nguyên.
Kẻ phát minh nổi tiếng về điện là Thomas A. Edison. Edison đã nói rằng vũ trụ được làm bằng điện lực, và nó đã tiến hóa từ sự mâu thuẫn giữa những yếu tố âm và dương. Trong Hiệp Khí Ðạo, ta gọi hai cái cực của quá trình đó là« khí âm» và « khí dương ».
Nói cách khác, thì ánh sáng và sinh thành là dương, và bóng tối và hủy diệt là âm. Phóng khí ra là một diễn trình dương, còn hút khí vào là âm.
Khí của chúng ta là một phần của vũ trụ, và cơ thể của chúng ta là những cái thuyền dùng để bảo vệ cái khí đó. Tinh thần là cái do vũ trụ mà có và ta phải bảo vệ và nuôi dưỡng con thuyền thể xác, và nó là cái mà ta phải nhắc nhở và kiểm soát sự trao đổi khí của ta với khí của vũ trụ. Có lẽ ta có thể so sánh những diễn trình trong sự phátđiện và những diễn trình trong dòng của khí. Ở trong máy phát điện, cái bản thể cơ bản của điện trở thành điện và phóng ra để làm đủ các loại máy chuyển động. Vũ trụ chứa đầy khí mà óc ta, giống như máy phát điện, thường tạo ra tinh thần, và tinh thần đó lại trở thành cái khí của ta, cái khí nó chuyển động thể xác ta. Khi chúng tôi giảng nghĩa cái cánh tay không thể bẻ gập được, chúng tôi đã nói rằng ta phải tưởng tượng là sức mạnh của ta đang phóng ra ngàn dặm trước mặt. Nói thế có nghĩa là sự phóng sức mạnh của khí ra đó là kết quả của cánh tay không thể bẻ gập được. Vì lý do này mà chúng tôi gọi cái hành vi tưởng tượng là ta đang phóng tinh thần ra đó là « sự phóng khí ra ». Trong những trường hợp khác như « dẫn khí », « thu khí vào », và « cầm khí lại », nếu ta nghĩ với tinh thần ta, thì sức mạnh của khí tự nó phát hiện ra ngoài.
Nếu tâm hồn ta không trong sạch, thì ta không thể bảo vệ nổi sức khỏe của thể xác ta hoặc không thể trao đổi cái khí của chính ta với cái khí của vũ trụ. Người nào muốn làm cho kỹ thuật của mình bóng láng, thì hắn phải làm cho tinh thần hắn bóng láng trước đã. Phút khởi đầu đã không trong sạch, thì phút chấm dứt sẽ cũng khòng trong sạch. Một trái tim dơ bẩn sẽ chỉ đưa tới sự trống rỗng hoàn toàn. Nói như thế có nghĩa là cái khí của vũ trụ có thể dùng trong cả trường hợp xấu lẫn trường hợp tốt. Nếu có một khí dương, thì tất phải có một khí âm. Mỗi người phải chọn cái khí nào mình muốn xử dụng. Nếu hắn muốn đi trong ánh sáng và có một cuộc đời hoạt động, thì hắn phải phát triển cái khí dương. Hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tích cực và có một thái độ tích cực. Nếu hắn muốn đi trong bóng tối và có một cuộc sống buồn bã, thì hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tiêu cực. Lựa chọn thái độ nào đó là toàn quyền của ta.
Dù rằng người nào cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc và hoạt động, nhưng những kẻ luôn luôn xử dụng tinh thần mình một cách tiêu cực có thể sẽ khòng hy vọng có một cuộc đời tích cực. Một cuộc sống tích cực tùy thuộc vào một thái độ tích cực. Bạn hãy bắt đầu luyện cho được một khí dương, và bạn sẽ thành công.
Nếu bỗng nhiên trời trở lạnh và bạn nghĩ thầm, « trong thời tiết này sẽ rất dễ bị cảm lạnh », thì trong một nháy mắt cái khí của bạn đã trở thành âm, và rồi bạn sẽ bị cảm thực. Người nào nghĩ rằng, cảm lạnh là cái gì cơ chứ? Nó chẳng làm được ta lo ngại, thì hắn sẽ khỏi cảm lẹ như là lúc bị cảm.
Nếu đứng trước một việc nào đó, bạn có thái độ « chắc mình sẽ không làm nổi đâu », thì hẵn sẽ không làm nổi thực. Trái lại, nếu bạn xử dụng toàn thể sức mạnh của bạn và tin tưởng, thì bạn sẽ làm nổi.
Rất nhiều người bắt đầu bằng một thái độ tích cực nhưng rồi về sau một thái độ tiêu cực bắt đầu lại nổi lên và quật họ ngã. Những kỹ thuật và chuyển động trong Hiệp Khí Ðạo mà ta thường xử dụng để tập luyện cách phóng khí của ta ra làm cho ta dễ có một thái độ tích cực. Nếu đôi khi ta sa ngã vào một tình trạng tiêu cực và có người bỗng đến bảo ta là: « Nào bạn, hãy luôn luôn nhờ đến việc phóng khí bạn ra chứ », hoặc bảo: « Hãy giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới », thì ta sẽ có thể quay sang khí dương của ta ngay tức khắc.
Năm nào cũng thế, trong ba ngày Tết, tôi thường tụ hợp các họcviên Hiệp Khí Ðạo trong làng tôi lại với nhau và chúng tôi đi tới một dòng sông gần đó để tập luyện. Nhiệt độ bên ngoài nhiều khi có thể xuống tới tám hay chín độ dưới không độ, và nước chảy từ những ngọn núi phủ đầy tuyết thì lạnh buốt đến tận tủy. Lạnh đến nỗi nếu bạn nhúng một ngón tay xuống nước, bạn sẽ cảm thấy hầu như da thịt bạn đóng băng lại. Khi mặt trời vừa lên ở phía đông, cả bọn chúng tôi thay sang quần áo tắm và theo người trưởng toán xuống nước, đứng ngập tới hông. Chúng tôi làm thành một vòng tròn chung quanh người trưởng toán, và khi người này ra lệnh « xuống! » chúng tôi cùng cúi xuống cho tới khi nước tới tận vai chúng tôi. Rồi người trưởng toán ra lệnh « hô! » Mọi người đều hô thật to. Chừng độ ba phút sau chúng tôi ngẩng lên. Ðôi khi chúng tôi làm như thế chừng ba lần cho đến khi người trưởng toán bảo « lên bờ », và mọi người cùng đi lên bờ.
Sau đó chúng tôi cùng lau người cho khô, thay sang đồ tập rồi cùng tập hô hấp. Ðó là lối mà chúng tôi bắt đầu một năm tập luyện Hiệp Khí Ðạo.
Ðôi khi có học viên đâm ra lo lắng và hỏi xem có thể bị cảm được không. Tôi thường trả lời: « Nếu anh muốn bị cảm, thì anh sẽ bị cảm. Nếu anh không muốn, anh sẽ không bị ». Tất nhiên, nếu không ai xuống sông mà bị cảm lạnh, thì cũng có thể không có người đau. Ðiều quan trọng là luôn luôn giữ vũng cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí luôn luôn phóng ra ngoài.
Ðôi khi có người thường ngày không tập Hiệp Khí Ðạo muốn xin được tham gia vào môn học này. Thường thường thói quen của tôi là tôi từ chối trong những trường hợp đó, nhưng một khi người ấy đã rất có nhiệt tình, và sau khi đã giải thích cho hắn cáiđiểm duy nhất nơi bụng dưới và cái thuyết về khí, thì tôi bảo người ấy có thể gia nhập được. Trong lúc hắn đang ở dưới nước, thì hắn hết sức chăm chú làm như lời tôi nói, và mọi việc đều như ý muốn. Nhưng khi hắn lên bờ rồi, thì hắn trở nên quá ư tự tin và đâm ra làm mất cái điểm duy nhất đã nói. Và rồi thì hắn run lên cầm cập. Mọi học viên khác đứng chung quanh, rất tự nhiên và da thịt không hề thấy một chấm nổi da gà, đều cười ầm lên chế nhạo hắn, và chính cái cười đó đã làm hắn bình phục lại và làm hắn tìm lại được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và thôi không run nữa.
Người tập Hiệp Khí Ðạo thường xuyên thì không làm mất cái điểm duy nhất, tuy rằng hắn ít khi để ý tới điều đó.
Ðây không phải chỉ là một bài tập về khả năng chịu đựng lạnh. Trước hết, đó là một bài trắc nghiệm dùng thể xác bạn để xem xem bạn tới được một trình độ mạnh mẽ nào khi bạn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí phóng ra. Thứ hai, bạn tập bài tập đó ngay trong ngày đầu tiên trong năm để cho suốt năm ấy bạn sẽ có đầy khí và trong một điều kiện tích cực. Thứ ba, xuống nước như thế là để tắm cho sạch đi mọi ý nghĩ và kinh nghiệm xấu xa trong năm trước và để bắt đầu lại như một hài nhi tái sinh. Xuống sông như thế cũng là để phát triển một tháiđộ tích cực làm cho suốt năm khỏi bị cảm lạnh. Khi trời trở lạnh, chúng tôi chỉ việc nghĩ lại cái hôm mùa đông đó mà chúng tôi đã xuống dòng sông nước lạnh như băng.
Cho đến bây giờ, mặc dù lạnh đến mấy, có quần áo chúng tôi không cảm khó chịu gì hết. Cho dù ta có bị cảm, nhưng với một thái độ tích cực, ta sẽ qua khỏi cơn cảm ngay tức khắc.
Cả hai phương pháp suy nghĩ tích cực vàtiêu cực đều có thể áp dụng vào mọi sự việc. Thí dụ, một người thấy mấy người bạn mình đang nói chuyện với nhau. Người có một thái độ tích cực sẽ không coi đó vào đâu hết. Nhưng người có một thái độ tiêu cực sẽ nghĩ ngay rằng có thể mấy người đó đang nói điều gì xấu về mình. Càng nghĩ như thế, thì cái thái độ tiêu cực của người đó lại càng trở nên tiêu cực hơn. Cùng một câu nói mà một người có thể hiểu nó là xấu và tốt cùng một lúc. Hơn nữa, một câu nói có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo trong lúc hắn nghe câu đó hắn đang có khí âm hay khí dương.
Nếu một người bạn của bạn bảo bạn là một thằng ngu, và nếu bạn đang ở trong một tình trạng tích cực thì bạn sẽ không coi câu đó vào đâu bởi lẽ bạn biết rằng người đó là bạn của bạn. Trái lại nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực và người đó lại gọi bạn như thế, thì bạn sẽ dễ nghi ngờ rằng tình bạn đó chỉ là giả bộ, và bạn có thể tin là người đó nói thật như vậy về bạn. Hãy nhớ rằng dương thì hấp dẫn dương, và âm thì hấp dẫn âm. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực (âm) thì tư tưởng bạn sẽ tiêu cực, hành động bạn sẽ tiêu cực và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là tiêu cực. Bởi vì âm luôn luôn kéo theo âm, cho nên nếu một việc gì không hay, thì mọi việc khác cũng có vẻ như không hay. Nếu bạn cãi lộn với vợ bạn lúc bạn đi làm buổi sáng, thì cả ngày hôm đó bạn sẽ chẳng làm xong được việc gì cả. Cứ để cho một người đang cáu giận nhập vào một bọn bốn hay năm người đang nói chuyện vui vẻ với nhau, thì lập tức mọi người sẽ im bặt và trở nên buồn bã, bởi lẽ cái tiêu cực của một người cũng đủ mạnh để làm cho mọi người, mọi vật chung quanh hắn trở thành tiêu cực. Nếu một người trong một gia đình hạnh phúc mà có tháiđộ tiêu cực, thì cả gia đình cũng sẽ bị tiêu cực lây.
Trái lại, nếu cái khí của bạn là dương, thì mọi tư tưởng, hành động của bạn, và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là dương. Hạnh phúc tới với ta qua một cửa đầy tiếng cười, bởi lẽ dương luôn luôn kéo theo dương. Một người có một bản chất tích cực sẽ làm một nhóm bốn hay năm người vui vẻ lên ngay. Bởi lẽ cái tích cực của hắn có thể thay đổi mọi thứ chung quanh hắn. Một ông tướng can đảm thì không thể có lính nhút nhát được, bởi lẽ cái tích cực mạnh mẽ của ổng đã làm cho thuộc hạ của ổng trở nên gan dạ. Trái lại, một ông tướng nhút nhát sẽ làm ngay cả những kẻ thuộc hạ gan dạ của ổng trở thành nhút nhát. Nếu ta muốn làm cho tất cả thế giới và tất cả xã hội sáng sủa hơn, chứ không phải chỉ riêng ta mà thôi, thì ta phải tự ta phát triển những đặc tính tích cực của ta và rồi cố gắng làm cho mọi thứ chung quanh ta trở thành tích cực. 
Một người đi rao hàng cho một hãng buôn nào đó, nếu trước khi mà đã nghĩ thầm rằng hắn sẽ không bán được cho ai hết, thì quả là tiêu cực. Hắn chưa biết sự thực hắn sẽ có bán được hàng không, nhưng trước hết đã có một thái độ tiêu cực thì hắn sẽ chuyện cái tiêu cực đó sang khách hàng. Hắn phải có đủ tích cực mới làm cho người mua phản ứng một cách tích cực được. Cho dù không bán được hàng, hắn cũng phải an ủi rằng lần đó hắn đã không bán được gì. Vẫn tiếp tục mang một thái độ tích cực như vậy, thì hắn sẽ có kết quả tốt trong lần đi rao hàng tiếp theo.
Một người khách đến thăm bệnh nhân nói: « Ông X, Y, Z, đã chết vì bệnh này đấy, bác nên cẩn thận nhé! », thì quả giống như bám vào chân một người đang treo cổ mà kéo xuống vậy: có ích gì đâu! Ðến thăm một người bệnh, thì điều tốt hơn hết là nói: « Không sao đâu, thế nào bác cũng khỏi bệnh. Vui lên! »
Khi một người nào ở cấp trên bạn trong sở, hoặc khi một thầy giáo bạn quở mắng bạn, thì bạn có hai cách để suy nghĩ về sự quở mắng đó: hoặc là âm, hoặc dương. Bạn nên nhớ rằng bạn bị quở là vì bạn đã làm một lỗi lầm. Nếu bạn nhận lấy lời mắng đó với thiện chí và nhất định sẽ không mắc phải lỗi đó nữa, thì bạn sẽ quên được sự trách mắng ấy. Về sau, nếu thầy giáo hoặc người cấp trên của bạn quở bạn nữa, bạn có thể dùng cái khí dương của bạn và nhận lấy sự quở mắng đó. Bạn chẳng nên mếch lòng ; chẳng có gì đáng buồn cả.Cái người quở mắng bạn sẽ thấy cái lối bạn nhận lãnh lời quở, và chính cái khí của người đó sẽ trở thành dương mà không hay biết. Và thế là người đó sẽ mất hết lý do để cáu giận, và khi người đó đáng lý quở mắng bạn mười lần, thì sẽ chỉ quở hai hay ba lần mà thôi.
Nếu, trái lại, bạn trở thành thù nghịch và oán giận khi có người quở bạn, nếu bạn sụt sệt như là sắp sửa òa lên khóc, thì cái thái độ tiêu cực đó của bạn sẽ chuyển sang cái người đang mắng bạn và người đó sẽ trở nên càng giận hơn nữa và sẽ quở mắng bạn hơn nữa.
Nếu có người nào chỉnh bạn về một việc gì đó mà bạn đã không làm, thì đó là lỗi người đó, chứ đâu có phải lỗi bạn. Ðừng để chuyện ấy làm bạn phiền muộn. Chính bạn bạn sẽ tự hiểu xem là tình cảnh có đòi hỏi bạn nên nói ý kiến bạn ra không, hay là bạn chỉ nên im lặng nghe và để câu chuyện đó qua đi mà thôi. Nếu bạn quyết định là chỉ nên yên lặng mà nghe, thì bạn sẽ cần đến một cái khí dương thật là cứng rắn. Nhưng dù sao chăng nữa, khi nào bạn bị trách mắng, bạn nên luôn luôn giữ lấy khí dương của bạn, và đừng chịu thua người mắng bạn.
Bởi lẽ trong Hiệp Khí Ðạo ta luôn luôn tập luyện cách phóng khí ra, cho nên phòng tập luôn luôn chứa đầy khí dương. Người nào không khỏe mạnh, hoặc quá đau yếu để có thể tập Hiệp Khí Ðạo, thì có thể đổi cái khí âm của mình sang khí dương bằng cách tới phòng tập để xem và nhận lấy một phần khí dương đang tràn lan trong đó. Người nào không học và khí của mình đang âm, thì thấy rất khó lòng đổi nó sang dương, nhưng người ấy sẽ có thể đổi sang được nếu được cái khí dương của một số đông người giúp đỡ.
Khi bạn tan sở làm, và ra về mệt nhọc, bạn hãy ghé qua phòng tập và tập độ một lát. Toàn thể thân mình bạn sẽ thấy thoải mái, khí của bạn sẽ trở thành dương, và bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn lên ngay. Về đến nhà, bạn sẽ ngủ được rất ngon, và sáng hôm sau ngủ dậy bạn sẽ có được một thái độ tích cực đối với công việc của bạn. Trái lại, nếu bạn cứ về thẳng nhà và than thở với gia đình là bạn mệt mỏi, thì cho dù qua một đêm ngủ bạn vẫn không thấy khỏe khoắn. Và sáng hôm sau bạn thức dậy vẫn thấy người mệt mỏi như hôm trước.
Nếu có điều gì khó chịu xảy đến cho bạn, thì thay vì mang nó về nhà, bạn hãy ghé qua phòng tập và đổi cái khí của bạn sang khí dương. Và như thế nhà của bạn bao giờ cũng sẽ là một tổ ấm tươi sáng.
Những người ở xa phòng tập quá thì nên luyện cách giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới một mình, và phải hết sức cố gắng giữ cho cái khí của mình bao giờ cũng ở trong một điều kiện tích cực.
Khi mọi việc đều theo như ý ta muốn, thì ai cũng có thể giữ cho mình một thái độ tích cực, nhưng ta phải biết cách chuyển từ âm sang dương nếu hoàn cảnh trái với ý ta. Bởi vì dương sẽ kéo theo dương, cho nên một thái độ tích cực sẽ có thể dẫn tới một số phận tích cực.
Khí của ta chảy xuôi cùng với khí vũ trụ. Nếu ta phóng khí ta ra càng nhiều bao nhiêu, thì ta lại càng có thể cải thiện sự hòa hợp đó. Ta có thể phóng tất cả khí của ta ra, bao nhiêu cũng được, bởi nguồn cung ứng khí thì vô tận. Một khi ta đã làm cho khí ta dương rồi, thì ta không nên tự mãn mà ngừng lại ở đó. Ðời ta sáng sủa hay tối tăm là hoàn toàn tùy thuộc vào cái thái độ tích cực hay tiêu cực của ta.
Tay trong tay, tất cả chúng ta phải làm cho cái cuộc đời quí báu nhận lãnh được từ vũ trụ đó thành một cái gì sáng sủa. Nếu mỗi người chúng ta đều đốt lên những ánh sáng của riêng cá nhân ta, thì ta có thể soi sáng được toàn thể thế giới.