ăm 1913, tỉnh Bắc Ninh bị lụt to, nhiều nơi dân sự khổ sở đói khát, cái nạn thủy cũng chẳng kém gì cái tai vạ quân giặc, đi đến đâu thì tàn phá, để cái di tich tấn bi kịch đến đấy.
Một làng kia, xa tỉnh ba bốn kí lô mét, có một nhà độc chọi hai chị em. Khi bấy giờ nước các sông đều to. Đê vỡ tứ tung, mới ban chiều nước sông sấp mặt ruộng, đến tối đường cái đã phải lội; làng này thấp nên nhà nào nhà ấy nước mấp mé bực cửa.
Nhiều người đã chạy đồ, đi ẩn mình, còn hai chị em nhà này, còn dùng dằng ở lại, vì nước đã đứng, vả ngần ngại phận gái đêm khuya biết trốn tránh vào đâu. Nàng bền dự phòng bắc sàn mà ở.
Ai ngờ đến canh ba, nước lại lên mạnh lắm, trống hộ thủy đánh dồn từng hồi, xa nghe văng vẳng mà sởn tóc.
Chốc chốc nàng mở cửa xem nước trông trời, mỗi lần đóng cửa lại thở dài, lo nghĩ bối dối trong lòng.
Dưới thì nước lênh láng lưng nhà, treo leo trên mấy tấm ván mảnh, với một ngọn đèn lù mù; sót thay cho phận má đào gặp khi nguy hiểm biết nào cho yên!
Ở ngoài sáng trăng tờ mờ; gió thổi ào ào như bão; cửa ngõ lay chuyển ầm ầm; nàng lại càng mê mẩn tâm thần; ngơ ngác kinh hãi; lo quanh nghĩ quẩn... Bỗng có tiếng gọi to át tiếng gió:
«Cô B... ơi! Còn ở nhà làm gì đấy? Chết chửa! Nước đến chân rồi, bao giờ mới chạy, mau lên! Nguy đến nơi rồi! Lên thuyền đây!»
Nàng hoảng hốt sấp ngửa ẵm được đứa em ra. 
- Trăm sự nhờ người cứu được chị em tôi, ơn này bao giờ dám quên.
Gió to thuyền nan thì mảnh rẻ, đã chở ba người, đặt thêm đứa bé thì nước gần đến cạp thuyền. Ba người băn khoăn, lưỡng lự không biết tính làm sao, ngơ ngác nhìn nhau. Nàng hiểu ngay ý, biết cơ hội nguy cấp, cái thần chết đã hiển hiện lên trước mặt nàng...
Nhưng lòng son dạ sắt như nàng nào có run sợ, ngã chút lòng mà quên cái nghĩa vụ.
- Các ông cứ chở đi thôi! Thuyền đã nặng rồi, tôi xin ở lại, một mình tôi vì có thiệt thòi còn hơn lụy đến bốn mạng người, qui hồ em tôi nó sống là may, còn tôi...
Hiểm nghèo đến nơi, bất đắc dĩ ba người phải gạt nước mắt quay mũi.
Trong khoảng vắng đêm thâu, gió thổi lồng lộng, sáng trăng mập mờ, mong mênh một nước một trời, cái thuyền cỏn con dập dềnh, lênh đênh, như cánh bèo biết trôi rạt vào đâu là bờ là bến.
Vì sóng gió cho nên lúc thuyền đến được gò kia mà lại lộn trở lại thì trời đã tang tảng sáng. Khi đến chỗ nguy cấp cứu nàng thì chỉ thấy trơ vơ mấy ngọn tre: nhà nàng đã đổ trôi băng đi đâu mất rồi...
Ôi! Ngờ đâu đáy nước đục bẩn kia là ngôi mộ của một tấm lòng vàng ngọc! Ngán thay! Một đóa trà mi đã chìm đắm tự bao giờ!
Sáng hôm sau anh lái đò ngất nghểu ngồi xổm, vừa ghế nồi cơm, kể gốc tích nàng cho chúng tôi nghe rằng:
«Chuyện nàng sầu thảm có một; nàng khổ sở vất vả từ thủa nhỏ. Mẹ nàng mất sớm, người ta ngờ là người dì ghẻ đánh thuốc độc. - Khi bấy giờ nàng hãy còn bé chưa biết gì - Cha nàng thì hiền lành dút dát. Người dì ghẻ tính cay nghiệt tàn ác, lộng quyền hạch lạc cả chồng, hành hạ hết cấp. Thôi thì gánh nước thổi cơm, say lúa dã gạo, ẵm em coi nhà, hầu dì ghẻ, chiều dỗ em bé, hơi sơ ý thì phải đập phải đánh: trận đòn nào là chết đi sống lại. Thế mà nàng chịu nhẫn nhục ăn ở được lòng cha, vừa ý dì ghẻ. Đến năm mười sáu nàng lại phải cái cầu phụng dưỡng cha ốm. Được ít lâu bệnh ho lao làm người chặt vật mãi mới chết, nàng phải xuất thân gánh thuê, vác mướn nuôi cả nhà. Người dì ghẻ chưa hết chở chồng đã bán cả gia tài đi theo trai, còn trơ một cái nhà gianh và một đứa con bé bỏ lại cho nàng.
«Nàng nghĩ tình cha hiền, thương con trẻ trơ vơ, cho nên nàng chầm bập nưng niu đứa con dì ghẻ cũng như em ruột.
Lần hồi thúc khuya dậy sớm, nàng cũng khéo tần tảo nuôi được hai miệng ăn... Chuyện như thế, tội nghiệp cho nàng! Người nết na thảo hiền như vậy mà phải thác oan đường này!»
Người lái đò nói xong thì bắc nồi cơm ra, ai nấy lẳng lặng ăn. Còn tôi, tính vốn dễ cảm xúc, cầm bát cơm lên lại dằn xuống, cổ hình như nghẹn, bụng đói mà tưởng no đầy. Ngao ngán lòng trông thấy hơi cơm nghi ngút lại tưởng tượng cái hồn nàng phảng phất la đà ở đâu trên mặt nước như đám sương mù buổi sáng...
NGUYỄN VĂN CƠ (Bắc Ninh)