Chương 2

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mới từ lộ Đà Giang về kinh đêm hôm qua nhưng phủ Chiêu Văn đã nhộn nhạo quay cuồng như một đàn ong động tổ. Gia tướng, thư nhi, thị nữ, gia nô, người nào cũng tất bật để làm cho xong được quá nhiều mệnh lệnh của đức ông hoàng Sáu. Hàng loạt rèm lụa màu cốm non bị tháo xuống, thay vào đó là những tấm mành trúc nan vót cầu kì, sản phẩm tuyệt tác của các cô gái sơn cước. Những người thị nữ chầu hầu hối hả trải lên mặt những án thư, văn kỉ những tấm gấm thổ dệt cách ô đen đỏ. Những lưỡi giáo Chiêm Thành gác trên vách cho đẹp cũng được gỡ xuống. Người ta dùng lụa màu kết hoa mẫu đơn treo những chiếc khèn lau, những lưỡi dao Lão Qua vỏ tre, một cái tù và sừng trâu rừng bịt đồng thau thô sơ... Lính trạo nhi dùng xe trâu chở từ bến Đông về phủ đệ những chậu cây quý lấy giống từ rừng đại ngàn. Các thư nhi tất bật đo đạc ngoài vườn, trồng lại vườn theo ý của Trần Nhật Duật. Đức ông hoàng Sáu treo giải thưởng thật hậu cho những ai tìm được những tên đẹp, tên hay để đặt tên cho những giống cây lạ mới đem về hôm trước. Dưới bếp còn tíu tít hơn nữa. Ai cũng biết rằng khi Trần Nhật Duật có mặt ở phủ đệ kinh kì ngày nào là ngày ấy ông thết tiệc. Khách công hầu, khách văn chương, khách nước ngoài đang vì việc công hoặc việc riêng mà có mặt ở Thăng Long đều lui tới vương phủ Chiêu Văn. Trần Nhật Duật nổi tiếng hiếu khách. Ông tiếp họ rất niềm nở đậm đà, có khi hết sức chí tình nếu như người khách đó chỉ là một hàn sĩ. Sau những ngày vắng người chủ hào hoa, vương phủ Chiêu Văn bận rộn tíu tít...
Nhưng trong lúc đó, Trần Nhật Duật đang mải mê xem ngựa ở tàu ngựa mé sau phủ đệ. Đức ông có một tàu ngựa riêng mấy chục con tuấn mã. Con ngựa này bền sức để đi đường xa, con này gân guốc linh hoạt chuyên dùng để cưỡi đi săn đuổi, con này ngoan dùng để đi chơi phố phường đông người, con này để cưỡi khi đánh phết, con này dạn khói lửa để cưỡi ra trận. Mỗi con một nết, mỗi con một sở trường, mỗi con một sắc lông mà con nào cũng đẹp như ngựa vẽ trong tranh. Ngay ông Tô Nghĩa Đông nổi tiếng là tay xem tướng ngựa sành nhất hai nước Tống- Việt cũng khó mà kiếm được một tật để chê ngựa của đức ông hoàng Sáu, Ấy thế mà hôm nay Trần Nhật Duật và bọn thị mã gia tướng phải ngắm không rời mắt một con ngựa mới. Con ngựa này do một người buôn biển, dân châu Ô cực nam, biếu Trần Nhật Duật làm lễ ra mắt khi đoàn thuyền buôn của ông ta cập bến Đông và được Trần Nhật Duật chỉ bảo cho cách thức trình báo với ty Đại an phủ sứ coi quản mọi công việc ở kinh thành. Con ngựa mới hai tuổi, gầy, bộ lông đen xù lên và xơ xác nhưng nó rất cao, mình trường, bốn vó dài mảnh và bộ lông đuôi cong ngay từ khấu nom như đuôi gà trống. Có lẽ người Thăng Long chưa từng nhìn thấy con ngựa nào cao và trường mình đến thế. Ngay cái vệt vá trắng dọc từ trán xuống đến mũi nó cũng rất lạ. Con ngựa bây giờ xấu mã nhưng chắc chắn chăm vỗ vài tháng sẽ thành một con vật mà tất cả khách phong lưu mã thượng kinh thành phải thèm thuồng tuyệt vọng.
Trần Nhật Duật bẻ một nắm thân cây mía non dứ con ngựa:
- Ăn đi! Ăn đi! Này bọn bay, đã có lần ta gặp một con ngựa cũng màu lông ô như thế này. Đó thật là một con tuấn mã. Chỉ khác là nó có một vệt trắng từ khấu đến lưng chừng đuôi. Con ngựa ấy tuyệt hảo nhưng nó còn không cao và không trường mình bằng con này.
Một thị mã thường được tuỳ tùng Trần Nhật Duật trong những lần đi xa kinh thành hỏi:
- Thưa đức ông, có phải con ngựa mà đức ông trả giá hai trăm quan tiền và các luôn cả thanh kiếm quý Bạch Lộ không ạ?
- Ừ, đúng đó. Mà ta chưa hề thấy thằng cha nào cao ngạo như cái thằng chủ con ngựa ấy. Mi có nhớ hắn hỏi ta câu gì để thay câu trả lời không?... Hắn hỏi thế này chứ: “Nếu túc hạ có may mắn làm chủ một con ngựa như thế này thì túc hạ có đem bán nó đi không?”
- Thế thì tôi nhớ ra rồi. Khi ấy đức ông hỏi vặn hắn rằng: “Thế thì tại sao túc hạ có nó được?”. Hắn ta trả lời: “Tại vì người ta quý kẻ hèn này mà tặng thôi.”
- Ừ đúng rồi, ta tức lắm nhưng ta phải nhận hắn nói đúng. Tuấn mã nhường ấy chỉ có tặng nhau chứ đâu có đem bán. Nhưng này, - đức ông hỏi các thị mã, - đặt tên cho con ngựa này là gì nào?
Thị mã cận vệ Hoàng Mãnh, viên gia tướng trẻ thân cận tranh nói ngay:
- Bẩm đức ông, em muốn gọi tên nó là Hắc Long Câu.
- Hừ. Ngựa đen đuôi rồng! Thường quá! Con ngựa đánh phết của đức ông Chiêu Quốc cũng đã được đặt tên là Hồng Long Câu rồi mà.
Hoàng Mãnh vốn cùng tuổi với Trần Nhật Duật, anh đã được Nội cung chọn theo hầu đức ông hoàng Sáu từ khi đức ông mới lẫm chẫm biết đi. Thực ra Mãnh là bạn chơi đùa, cùng học, cùng tập côn quyền, cùng ăn, cùng ngủ với Trần Nhật Duật. Khi Trần Nhật Duật lớn lên được phong vương, vua cha đưa ông ra khỏi hoàng thành mở phủ Chiêu Văn cho hoàng tử ở, Hoàng Mãnh cũng được đi theo. Nhưng vị thế hai người bây giờ khác nhau như nước với lửa. Tuy cả hai người đều phải giữ lễ nhưng thực ra Trần Nhật Duật vẫn coi Hoàng Mãnh như một người em đồng nhũ đồng tuế, một người bạn tâm phúc tương tri. Những lúc vắng người hai anh em vẫn thường suồng sã với nhau. Bây giờ cũng vậy, Hoàng Mãnh buột miệng:
- Thế thì mình gọi quách... Bẩm đức ông, hay ta đặt cho nó một cái tên nôm.
- Ừ, các ngươi cùng nghĩ thử xem.
Các thị mã ồn lên tranh nhau nói. Người thì muốn ngựa mang tên là Ô Lĩnh, nhưng người khác thì chỉ muốn gọi là Ô không thôi. Người thì khen con ngựa có tầm cao như thế thì phải đặt tên nó là Nêu Tết. Có người thì bảo nó có cái vệt trắng ở mũi sao không đặt tên nó là con Vá làm cho tất cả cười ồ lên chế giễu anh ta lầm ngựa thành chó.
Trần Nhật Duật vỗ lên ót ngựa và cảm thấy gân thịt nó rắn đanh. Ông hoàng trẻ thốt reo lên:
- Phải rồi! Nó là con ngựa ta sẽ cưỡi đi trận. Ta sẽ gọi nó là con Bão Đêm.
Mấy anh thị mã trong bụng có anh thích có anh không thích nhưng đều đồng thanh rú lên:
- Bão Đêm! Hay quá, Bão Đêm, mạnh, dữ, ác liệt và bí mật như cơn Bão Đêm.
Con mắt Hoàng Mãnh tinh nghịch loé sáng lên liếc ngang:
- Bẩm đức ông! Ta thách đức ông Chiêu Quốc để trả nợ lần trước.
Nghe đến thi ngựa, Trần Nhật Duật mặt sa sầm xuống. Ông hoàng trẻ nhớ lại lần thi ngựa mấy tháng trước đây ngoài bãi sông Cơ Xá với Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Trần Nhật Duật và Trần Ích Tắc là hai anh em cùng một mẹ sinh ra. Ích Tắc tuy chỉ hơn Nhật Duật một tuổi nhưng bao giờ cũng là người đầu têu các trò nghịch ngợm lúc nhỏ tuổi, khi lớn lên vẫn là người dẫn đầu việc học võ, học văn, việc chiêu nạp tân khách, thủ hạ, việc mở hội bình văn cho đến việc ăn mặc, việc bày biện trang trí trong phủ đệ. Có thể nói từ lễ nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, làm thơ, đến các món tạp kĩ như đánh cờ tướng, đá cầu, luyện ngựa, luyện chó săn, nuôi chim, vẽ tranh sơn thuỷ, nghề nào Ích Tắc cũng giỏi, cũng hay hoặc cũng có một chút gì dị biệt để chỉ dẫn cho Trần Nhật Duật, dù tí chút dị biệt ấy đôi khi chính Trần Ích Tắc cũng không cho là đúng. Ba tháng trước Trần Ích Tắc nhân một chuyến săn đuổi với Trần Nhật Duật ở rừng dâu da bờ trái con sông Thiên Đức có ngỏ ý khen các con ngựa của tàu ngựa phủ Chiêu Văn. Sau đó Trần Ích Tắc rủ Trần Nhật Duật thi ngựa ở bãi sông Cơ Xá. Cả ba lần thi (thi chạy nhanh, thi vượt rào, thi bền sức) con Hồng Long Câu đều thắng cuộc con ngựa nhất tàu ngựa phủ Chiêu Văn. Sau cuộc thi Trần Ích Tắc bảo Trần Nhật Duật:
- Em luyện ngựa rất khá. Ngựa của tàu ngựa vương phủ Chiêu Văn vào loại nhất nước nhưng ngựa nước mình sánh thế nào được với con Hồng Long Câu.
Đúng thế, con Hồng Long Câu là tặng vật của viên quan Đạt Lỗ Hoa Xích Buyan Têmua cho Trần Ích Tắc năm ngoái. Viên quan nhà Nguyên chịu trách nhiệm giám sát triều đình ta đã nói với Trần Ích Tắc buổi tặng ngựa:
- Thế là Điện hạ có một con ngựa độc tôn ở nước này. Nó ra đời trên thảm cỏ thiêng bên bờ sông Ô Nôn nơi tiên đế Thiết Mộc Chân được chín tộc Mông Cổ suy tôn là Thành Cát Tư Hãn. Nó lại được chọn đưa về tàu ngựa ngự của Thánh Thiên Tử Hoàng đế nhà Đại Nguyên và của cả thiên hạ nữa. Đưa nó xuống nước Việt này mất biết bao công phu. Dọc đường đi, nó đã uống nước sông Hoài, sông Hán, sông Hoàng và sông Dương Tử. Nó đã ăn đậu Ngạc Châu, ăn kê Giang Lăng, ăn thóc Châu Ung, ăn cỏ Quế Châu. Thế cơ đấy!
Ý của viên Đạt Lỗ Hoa Xích là muốn nhắc khéo cho Trần Ích Tắc biết rằng hoàng đế nhà Đại Nguyên có biệt nhỡn với hoàng thân Chiêu Quốc nhưng ban ngựa quý khôn khéo như một tặng vật thông thường của Đạt Lỗ Hoa Xích cho những người của triều đình Đại Việt phụng mệnh tiếp sứ. Con ngựa quả là một con vật quý giá. Tuy nó còn non, chỉ mới hơn hai tuổi nhưng nó đã có đầy đủ đức tính của một con ngựa đáng giá ngàn vàng: chạy nhanh, bền sức, chân vững chãi, pháo nổ không giật mình. Chỉ phải mỗi cái tội là nó khảnh ăn và sợ voi. Vừa mới ngửi thấy hơi voi là nó đã rúm bốn vó lại, hai mắt trợn trừng trợn trạc. Còn cái tật khảnh ăn thì thật khó chịu: cỏ dày thì chê, cỏ mần chầu thì gặm uể oải vài ngọn, và cứ phải cỏ mật thật sạch thật non mới chịu ăn cho tử tế. Ấy thế mà nó đã thắng hết sức dễ dàng con ngựa đầu tàu của Trần Nhật Duật. Đức ông hoàng Sáu mỗi lần nhớ tới cuộc đua đó thì không phải ấm ức vì thua mà là cái gì đấy vướng víu trong lòng. Đúng, nó không phải cái buồn của người thua cuộc. Hình như nó là một chút giận tủi thiên nhiên không ưu đãi đất nước này, thiên nhiên đã không cho đất Việt một giống danh mã cho nên hồn. Ở khắp nước chỉ thấy một giống ngựa thấp nhỏ lách chách, lành như đất, ăn cả rơm cả rạ và không một con nào có lấy một cái rung bờm cho duyên dáng. Cho mãi đến bây giờ mới thấy con ngựa đen châu Ô này...
- Hãy tập con Bão Đêm thêm ít tháng nữa xem sao. Ta muốn nó thắng con Hồng Long Câu nhưng phải biết chắc chắn sức nó thế nào đã rồi sẽ hay. Còn bây giờ... ta cấm các ngươi không được tiết lộ tung tích con Bão Đêm với bất kì ai. Nhớ cho kĩ đấy. Đứa nào sổng miệng là ta xẻo lưỡi.
Trần Nhật Duật quắc mắt nhìn các thị mã. Những người này hiểu rằng Trần Nhật Duật không doạ họ mà ông sẽ làm thật nếu ai làm trái điều ông vừa căn dặn. Vừa lúc ấy một gia nô bước vào sân tập ngựa thưa với Chiêu Văn vương:
- Bẩm đức ông, Trịnh công tử xin vào ra mắt!
Nghe nói có Trịnh Mác xin vào yết kiến, Trần Nhật Duật tươi nét mặt. Đức ông ra lệnh đưa Trịnh Mác vào liên đình. Trước khi đi thay bỏ quần áo tập ngựa, Trần Nhật Duật còn dặn bọn thị mã lần nữa:
- Nhớ đấy! Đứa nào sổng miệng ta xẻo lưỡi.
Trần Nhật Duật đã thay xong quần áo. Đức ông mặc một chiếc quần lụa đỏ, gấu quần chùm lên mũi văn hài thêu ong bướm bằng chỉ bạc; một cái áo hàng vân tơ tằm chuội chanh óng nuột, đôi cửa tay may rộng đột chỉ trứng rận nom thật nho nhã. Vì Trịnh Mác là hàng con cháu nên Trần Nhật Duật không đội khăn. Ông búi tóc cho gọn, cài một cái trâm đồi mồi giữ tóc. Cái trâm này là đồ trang sức duy nhất trên mình ông. Tính không ưa dùng đồ trang sức của đức ông hoàng Sáu vốn là điều trái nết nhất và rõ rệt nhất với Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, anh ruột ông.
Hai gia tướng và bốn cô thị nữ phò ông hoàng trẻ đến liên đình. Hoàng Mãnh dõng dạc xướng:
- Đức ông đã đến. Thỉnh đức ông thượng đình.
Những người hầu coi quản liên đình dẫn Trịnh Mác ra quỳ đón Chiêu Văn vương ở thềm đình. Trịnh Mác sụp lạy Chiêu Văn vương hai lạy, miệng nói to:
- Chú đã về! Cháu chúc chú trường thọ.
Trần Nhật Duật nhanh nhẹn bước lên chín bậc thềm đình, chìa hai tay đỡ người con trai đứng lên, giọng ông hồ hởi:
- Ta miễn lễ cho cháu. - Trần Nhật Duật ngả người ngắm chàng trai: - Chà, cháu cao lớn quá, cao lớn quá rồi. Cháu đã thành một trang nam tử mà tất cả các bậc quốc sắc thiên hương đều mong mỏi được đem nụ cười nghìn vàng ra nài tặng đấy.
Ông cười, mắt nheo lại, đuôi mắt rạn chân chim.
Trịnh Mác cả thẹn, đỏ mặt lên, cúi đầu xuống giấu một nụ cười ngượng nghịu. Trịnh Mác quả thực đã trở thành một chàng trai khôi vĩ dị thường, cái mũi dọc dừa sống sắc như đá đẽo, đôi mắt tròn to, mi mắt dài cong rậm rạp nom thâm trầm và đa cảm đồng thời cũng huyền bí như rừng núi nhưng cái miệng cười rất tươi để lộ hàm răng đều đặn to khoẻ và bóng láng đem lại vẻ đẹp khoẻ mạnh, trong sáng, thiên thần của tuổi mười bảy. Vóc người Trịnh Mác cao lớn, cái cổ tròn mập mạp của một lực sĩ nhưng đôi bàn tay hết sức thon mảnh như tay một văn nhân. Anh ấp úng:
- Chú cứ chòng cháu chứ cháu so thế nào được với các vương tôn công tử kinh kì.
Trịnh Mác nói tiếng kinh kì đã sõi nhưng dù sao người ta dễ dàng nhận ra giọng sơn cước vùng sông Đà của anh. Trần Nhật Duật bật cười về cái e thẹn nhút nhát của Trịnh Mác. Ông cầm tay chàng trai trẻ dắt vào liên đình. Ngôi đình xinh nhỏ ba mặt bỏ trống chỉ có một mặt vách hậu ghép gỗ quý treo một bức tranh lụa cổ vẽ cảnh Lưu Linh say rượu ngủ lăn quay dưới một vòm đào thưa thớt. Đầu Lưu Linh gối trên cái bát, chân trái gác lên cái hồ rượu đổ nghiêng. Mà kì lạ làm sao đôi mắt bợm rượu Lưu Linh nhắm tít nhưng miệng ông vẫn nhoẻn cười nom vừa khoái chí vừa ngô nghê. Chính giữa liên đình kê một cái sập gỗ gụ chạm hoa lá cầu kì trên trải một chiếc chiếu cạp điều. Trần Nhật Duật dẫn Trịnh Mác đến bên sập, cho phép anh ngồi hầu chuyện.
Đã quen lệ cũ, thị nữ dâng trà. Dâng trà xong, tất cả thị nữ, gia nô im lặng ra khỏi liên đình, trừ Hoàng Mãnh. Đây vốn là chỗ Chiêu Văn vương tiếp một vài khách thân tình nhất, thường là khách văn chương hoặc một tay đàn bậc thầy, một kì thủ cự phách. Liên đình nằm lọt giữa một cái hồ nhỏ thả một thứ sen trắng hương say sưa gọi là tuý liên. Trời đã sang đầu tháng tư, mùa hoa nở, những bông tuý liên, đoá hàm tiếu, đoá mãn khai toả mùi thơm du hồn khách liên đình lâng lâng thoát tục.
Trần Nhật Duật trao tay cho Trịnh Mác một chén trà:
- Cháu nhắp thử xem có nhận ra vị trà gì không?
Trịnh Mác nhắp một ngụm nhỏ. Hương vị trà quen thuộc gợi man mác vị sầu xứ nhớ quê. Hương trà này sao mà quên được!
- Thưa chú, trà cỗi vùng núi đá châu Mai.
- Cháu ta sành lắm! Sành lắm! Bữa ta xuống thuyền xuôi sông Đà, bố cháu biếu ta một số quà quý trong đó có những cánh chè do các cô nàng quê cháu vừa hái và sao xong chiều hôm trước. - Trần Nhật Duật cười bảo Hoàng Mãnh: - Còn nhà ngươi chắc không thích cái hương vị quá tinh khiết này?
- Bẩm đức ông, ở châu Mai tôi chỉ ưa có chất men nếp cẩm.
Nói xong Hoàng Mãnh liếm mép.
Qua vài câu đưa đẩy, Trần Nhật Duật nghiêm nét mặt im lặng nhìn Trịnh Mác. Trịnh Mác hiểu ý ông hoàng trẻ, anh tuần tự kể lại những gì anh được mắt thấy tai nghe trong triều.
- Thưa chú, bữa đón tiếp sứ bộ của thằng Sài Thung chú còn ở nhà, cháu không kể lại nữa.
Trần Nhật Duật gật đầu. Trịnh Mác kể tiếp. Đoàn sứ giả nhà Nguyên sang ta lần ấy rất đông. Riêng quân hộ tống có mấy ngàn tên. Cùng đi với đoàn này có quốc thúc Trần Di Ái. Ông này năm trước cầm đầu một sứ bộ của triều đình Đại Việt sang chúc thọ vua nhà Nguyên và dâng lễ cống. Vua nhà Nguyên bèn doạ ông quốc thúc này và buộc ông ta phải nhận một tước phong giả dối là An Nam quốc vương. Vua nhà Nguyên đã nhiều lần đòi vua nước ta sang ở làm con tin. Vua ta vẫn từ chối khéo không chịu sang. Lần ấy vua Nguyên kiếm cớ gây sự phong quốc vương cho Trần Di Ái nhằm đưa cái ông quốc thúc hèn nhát ấy về nước, ép triều đình ta phải nhận vua mới. Nhưng khi phái bộ Sài Thung đưa ông quốc thúc ấy tới biên giới thì ông ta biết tội trót nhận tước phong của giặc làm nhục đến quốc thể, nên ông ta bỏ trốn về trước mong vua ta mở lòng thương xót người biết hối lỗi và thể tình thân thích cùng họ cùng một máu mủ họ Trần. Cuộc bỏ trốn vào thời điểm chót làm Sài Thung chưng hửng. Nhưng gã sứ giả này vẫn hi vọng dùng uy thanh của những đội quân chinh phục Thát Đát doạ nạt được triều đình ta nên y cứ dẫn đầu phái bộ xuống Thăng Long. Gã đòi cống người, cống của. Gã đòi quan gia ta phải sang lạy mừng Nguyên chúa Hốt Tất Liệt. Nói chung là những yêu sách mà chúng vẫn đòi ngót mười năm nay. Nhưng lần này, chúng có thêm một yêu sách mới: chúng đòi cho mượn đường để chúng đem một đạo quân viễn chinh đi xuống phương nam đánh nước Chiêm Thành. Trong cuộc hành quân trên đất Đại Việt, việc cấp lương cho đạo quân viễn chinh này sẽ do nước Đại Việt cung đốn, kể cả việc cấp thịt cho lính, cấp cỏ ngựa, cung đốn rượu tăm Giao Chỉ cho tướng. Tất cả những yêu sách hỗn xược ấy đều bị khước từ một cách khéo léo. Một mặt quan gia ta cáo ốm, nói rằng sinh trưởng ở phương nam xứ nóng không quen chịu đựng cái rét xứ tuyết, rồi phân trần nước nghèo mấy năm liền mùa màng thất bát, trăm họ ăn bữa đói, bữa no, rồi than phiền đường sá hiểm trở chẳng tiện cho việc hành binh và cũng không thuận tiện cho việc tải lương. Nhưng mặt khác triều đình ta mở tiệc to tiệc nhỏ thết đãi từ tên chánh sứ ngông cuồng đến cả những tên lính Nguyên hung dữ. Cuối cùng đoàn sứ giả doạ không được, làm dữ thì không đủ sức, đành lên đường tiu nghỉu về nước. Buổi tiễn đưa sứ Nguyên, triều đình ta làm rất trọng thể. Đức ông hoàng Ba Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đích thân coi sóc mọi việc. Hoàng tộc còn cho mời thêm vị vương thứ nhất chi Vạn Kiếp là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về làm nhiệm vụ bồi tiếp sứ Nguyên. Có tiệc trọng thể ở Thăng Long rồi mà còn mở tiệc biên đình, có chuốc vài chén quan hà tạ từ lưu luyến, làm thơ lưu giản tặng nhau. Chiêu Minh vương còn tiễn Sài Thung mấy vần thơ:
Biết đến bao giờ vui gặp mặt.
Ân cần, tay nắm chuyện hàn huyên.
làm cho Sài Thung phải nghiến răng lại mà cười.
Trong thời gian này, Trịnh Mác làm việc trong cung nên anh ta nắm được nhiều chuyện thật tỉ mỉ. Câu chuyện Mác kể vừa rõ ràng vừa nhiều tình tiết sống động.
- Thưa chú nhưng sau chuyện tiếp sứ này việc bang giao giữa hai nước xem ra bế tắc. Thằng Đạt Lỗ Hoa Xích Buyan Têmua cả ngày dẫn tay chân lồng lộn khắp phố phường kinh thành kiếm cớ gây sự. Nó còn phái nanh vuốt trà trộn vào dân dò la xem ta giấu quốc thúc Trần Di Ái ở đâu.
Trần Nhật Duật bật cười. Có tài thánh thằng Buyan Têmua cũng không tìm nổi tung tích Trần Di Ái. Ngay cái đêm sứ bộ của Sài Thung dự bữa tiệc triều đình ta tiếp đón thì cũng là lúc Thượng hoàng Trần Thánh Tông sai ông giải Ái lên lộ Đà Giang giao cho tù trưởng châu Mai Trịnh Giốc Mật giam giữ cẩn thận. Trịnh Giốc Mật là anh em kết nghĩa đã trích máu ăn thề với ông. Trịnh Giốc Mật là bố của Trịnh Mác, chàng trai khôi vĩ đang ngồi trước mặt ông.
- Thưa chú, quân Nguyên đã xuất phát nhưng không phải chúng đánh ta. Tướng giặc Toa Đô đã dẫn quân đi bằng đường biển, chúng đã đổ bộ vào Chiêm Thành. Có lẽ chúng đã đặt chân lên đất liền gần một tháng nay.
Trịnh Mác ngập ngừng. Trần Nhật Duật trầm ngâm. Ông hiểu cháu ông đang nghĩ gì. Quân giặc định gây hấn với nước nào? Với Đại Việt hoặc là với Chiêm Thành? Lũ giặc này cuồng ngông bạo ngược lắm. Chúng sai sứ giả sang ta mượn đường đánh Chiêm, nhưng trước đây bốn tháng chúng cũng đã sai một sứ bộ khác sang Chiêm thuyết phục vua Chiêm cùng đánh ta. Như vậy là chúng muốn chiếm cả hai nước này, lũ giặc kia có tham vọng quyền uy của thiên triều nhà Đại Nguyên vươn dài mãi xuống vùng biển phương nam nóng ấm, mỗi năm mấy mùa lúa bội thu, cây trái lúc nào cũng lúc lỉu quả ngọt, trên rừng thì sâm nam, nhung hươu sao, mật gấu, ngà voi... dưới biển thì san hô, mã não, đồi mồi, ngọc trai... Chỉ nói riêng thứ trầm hương ngào ngạt mà tất cả cái đám quan tướng hôi hám nhà Nguyên đều rất thèm thuồng đã là miếng mồi ngon mà chúng mong được độc chiếm. Sở dĩ nói độc chiếm vì từ trước đến nay, vua ta theo nghĩa “Lộc bất khả hưởng tận”, có bao giờ quên món trầm hương trong số lễ vật cứ ba năm một lần đi cống “Thiên triều”
Cho nên thông minh nhất là hai nước phải nhìn thấy kẻ thù chung. Việt - Chiêm phải dựa lưng vào nhau mà chống cái thằng giặc đã hung bạo lại thâm hiểm luôn luôn tìm cách “đục nước béo cò”.
- Này cháu! Thế còn cái đạo viện binh của ta ra sao?
- Đến trước quân Toa Đô nửa tuần trăng ạ.
- Khá lắm, như thế quân còn có thời giờ nghỉ ngơi khoẻ binh, lại có thời giờ dàn trận sẵn sàng. Chính chú cũng rất muốn làm tướng đạo quân ấy.
- Thưa chú, cắt tiết gà đâu phải dùng đến dao mổ trâu. Cháu chắc Thượng hoàng và Quan gia đã có chủ định rồi.
Trần Nhật Duật tủm tỉm cười. Ông không tiện nói cho Trịnh Mác biết triều đình hiện nay chưa hẳn đã nhất trí trong đối sách với Nguyên triều. Trước đây vài tháng đã cho triệu một số thân vương vào cung triều hội. Cuộc triều hội này rất ít người: Có Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang quen gọi là ông hoàng Cả hiện nay đang lĩnh chức trấn thủ châu Hoan, có ông hoàng Ba Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải hiện giữ chức Thượng tướng coi luôn việc Thái sư đứng đầu văn võ bá quan, có Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng coi việc nghi lễ, tế tự, quen gọi là ông hoàng Tư, có Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc quen gọi là ông hoàng Năm hiện đang lĩnh chức trấn thủ lộ Tam Đái Giang, có ông, người ta thường gọi là ông hoàng út hay hoàng Sáu; ngoài ra ngành trưởng cũng được mời một vị, đó là đức ông Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vừa là người có uy thế nhất của cả ngành trưởng vừa là trưởng tộc của cả họ Trần. Thượng hoàng cũng cho Quan gia Nhân Tông ngồi dự bàn với các bậc cha chú. Cuộc triều hội mở rất kín trong cung Thánh Từ, cung riêng của Thượng hoàng. Viên tướng giữ việc canh giữ cửa cung Thánh Từ hôm ấy là phò mã Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng, chồng của công chúa Thuỵ Bảo, tức là em rể của Trần Nhật Duật. Như vậy trừ đức ông Hưng Đạo là anh con nhà bác ra, Thượng hoàng chỉ cho gọi các anh và em ruột nhà mình và dùng luôn em rể làm tướng canh cửa. Thế mà toàn người thân cận nhất nhưng không phải ý kiến chung đã giống nhau, gần gũi nhau. Thượng hoàng hỏi: “Nguyên chúa xin mượn đường hành quân đánh Chiêm Thành. Vậy thâm tâm Hốt Tất Liệt muốn gì? Đối sách của ta nên thế nào?”. Thế là lần lượt mọi người nói ý kiến của mình ra và các đối sách tỏ ra không giống nhau. Tĩnh Quốc đại vương bảo giặc chưa phạm bờ cõi ta, hơi đâu mà gây sự với chúng. Chiêu Đạo vương nói Chiêm chúa là phên dậu thân thiết của nước Việt ta nay bị giặc dữ đến cướp, nếu ta bỏ qua không cứu thì không nỡ lòng nhưng nếu ta xuất viện binh thì có khi chiến chinh lan cả tới nước ta, vạ lây đến cả nhân dân trăm họ nước ta. Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc lại chêm thêm rằng nếu Nguyên chúa chỉ muốn mượn đường ta đánh Chiêm thì sao. Vì nếu họ có mưu mô đánh ta thì họ cứ việc im lặng đem quân đánh thẳng vào biên ải, hà cớ phải sai sứ giả sang mượn đường. Như thế đất ta ta giữ an toàn là hơn, can chi làm kẻ giữ nhà cho người khác. Nghe em nói thế đức ông Chiêu Minh nghiêm sắc mặt nói: “Xưa nay mượn đường vẫn là kế mở cửa quan dễ dàng nhất. Bao nhiêu gương mất nước cũng chỉ vì cho mượn đường đã chép trong sử sách rồi. Nguyên chúa muốn đánh ta lắm nhưng ngặt vì nước Đại Việt ta không phải là miếng mồi ngon dễ nuốt. Trước đây hai mươi nhăm năm, tiên đế Thái Tông đã cho tên tướng giặc kiệt hiệt Ngột Lương Hợp Thai nếm một trận thất bại nhục nhã. Cho nên bây giờ Nguyên chúa mới phải ném đi ném lại những hòn đá thăm đường chứ”. Đức ông Hưng Đạo hưởng ứng ngay lời Trần Quang Khải. Trần Quốc Tuấn xin Thượng hoàng phát quân giúp Chiêm Thành, mặt khác thêm quân thêm tướng canh giữ cẩn mật biên thuỳ phía bắc. Nhưng sửa soạn binh mã thì cứ sửa soạn còn nếu nhà Nguyên cho sứ giả sang nữa thì vẫn tiếp sứ hết sức nhún nhường, vẫn nộp cống thật đều đặn để yên lòng Nguyên triều trong trước mắt.
Thượng hoàng đã tư lự trước khi hỏi lại hai đức ông Chiêu Minh và Hưng Đạo:
- Như vậy hai khanh cho rằng việc binh đao sớm muộn sẽ xảy ra?
Cả hai đức ông đồng thanh:
- Giặc sẽ đánh ta. Mưu chúng tuy sâu kín nhưng cũng đã bộc lộ rõ ràng. Đánh Chiêm Thành chỉ là kế tạo một mũi nhọn xuyên vào lưng quân ta. Chừng nào đạo quân xâm lược Chiêm Thành đứng vững trên dải đất phía nam thì chừng ấy ta có thể tính ra ngày giờ nào giặc tấn công ta.
Đức ông Chiêu Quốc vặn lại hai anh:
- Biết chắc binh đao ắt sẽ xảy ra sao hai anh không hiến ngay kế “Tiên phát chế nhân” (1) lọ là phải vừa đánh vừa bàn, kín kín hở hở làm cho lòng người trong nước đâm ra li tán?
Hưng Đạo vương ôn tồn:
- Làm chậm cuộc binh đao ngày nào là có lợi cho ta ngày ấy. Việc chỉnh đốn binh mã rèn luyện sĩ tốt, tích cỏ chứa lương bề bộn ra có phải một sớm một chiều làm xong được đâu.
Riêng Chiêu Văn vương im lặng trong cuộc triều hội ấy vì ông là người ít tuổi nhất, phận đàn em, em út. Nhưng khi Thượng hoàng nhắc ông, bảo ông nói sở kiến riêng của mình ra cho mọi người nghe thì Trần Nhật Duật đã xin cho mình được làm tướng đạo viện binh sang giúp Chiêm Thành. Câu nói của Trần Nhật Duật đã làm Chiêu Quốc vương sửng sốt rồi trừng trừng nhìn ông.
Bây giờ thì đạo viện binh xuống Chiêm Thành đã đến nơi rồi, tuy Thượng hoàng không chọn ông làm tướng chỉ huy đạo quân ấy...