CHƯƠNG 13

Lại nói về thượng thư bộ lễ Sài Thung, sau khi dời Đại Việt, lòng canh cánh lo về cái đám một ngàn tên quân Mông Cổ và bốn ngàn tên quân tân phụ hỗ trợ cho phái bộ bang giao của y, bị đánh hất lại ở ngay địa đầu biên ải, chẳng biết sống chết thế nào. Sự thật, điều y lo nhất là cánh quân Mông Cổ - người đồng tông với thiên tử, chứ "lũ dòi bọ”- những đồng bào của y mà y quen gọi trong đám quân tân phụ ở Quảng Tây thì chẳng có gì đáng nói.
Vừa về tới Yên Kinh, Sài Thung đã vội dò tìm xem có ai đàn hặc y ở triều đình. Nhưng được biết, mọi tiệc đều im ắng. Riêng cánh quân Mông Cổ bị đánh bất ngờ đã quay lại. Vài mươi tên bị chết, bị thương do lăn xuống hố, bị ngựa dẫm đạp hoặc giày xéo lên nhau mà chết. Chúng chạy tìm về nhập lại với quân thứ cũ. Nghe nói, bọn ấy hiện đang tập hợp dưới trướng nguyên soái Toa-đô, sắp vượt biển sang đánh Chiêm Thành.
Sài Thung thở phào, như người vừa trút được gánh nặng ngàn cân, cứ đè trĩu lên y bấy lâu nay. Bây giờ nếu nhà vua có hỏi đến, y sẽ phải trách viên đô úy đã chậm trễ, khiến rơi vào ổ mai phục, thành thử không thực hiện được đầy đủ thánh ý của thiên tử. Tuy một mình y phải đối phó với vua tôi nước Nam, nhưng ân uy của thiên tử vẫn được nhuần thấm tới nước họ. Y sẽ nói lại tất cả những điều y đã hạch sách  triều đình nhà Trần, và họ nhất nhất kính cẩn đối với thiên  triều và thiên tử ra sao...
Song cái khó nhất đối với Sài Thung là các yêu sách của  Đại đô áp đặt, đều bị Thăng Long cự tuyệt. Đây không phải  là một sự cự tuyệt trắng trợn, mà họ chỉ xin với thiên triều  thương tình soi xét gia ân. Chao ôi, vua tôi nhà Trần, cái lũ  man rợ này sao mà chúng tham lam đến thế. Ta đã ép đến cùng đường, vậy mà chúng cũng không chịu nhả ra một tí cho  thiên tử. Sài Thung nhớ bữa dạ yến trong điện Tập Hiền, y đã nhắc Trần Nhân tôn:
- Thiên tử lúc nào cũng nhớ tới ngài và con cái ngài. Người  muốn thấy dung nhan kẻ thần tử xa xôi để ngài vỗ về, phong  thưởng. Vả lại, từ khi thiên tử lên ngôi, quân trưởng An Nam chưa có một ai tới chầu?
Nhân tôn giả vờ run sợ đáp:
- Xin các hạ về tâu giùm thiên tử, tôi sinh trưởng chốn thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường lại nhọc lòng thiên tử xót thương. Ngoài ra, con em từ các bậc thái úy trở xuống cũng đều như thế cả. Còn như thiên tử lên ngôi, đó là việc lớn của toàn thiên hạ, tiên quân tôi trước đây tuổi cao sức yếu không đi được, đã cử sứ sang dâng biểu cùng các đồ phương vật tiến cống.
Bực mình, Sài Thung nói:
- Cứ cho rằng điều ngài nói trên là đúng. Thế thì việc nộp sổ kê biên dân số có mất gì, mà An Nam cũng không chịu nộp? Chẳng qua thiên tử muốn biết các nước nội phụ to, nhỏ thế nào để bề trên còn trù liệu việc chăn dắt!
Nhân tôn làm ra vẻ bối rối:
- Quả như lời các hạ nói. Nhưng nước chúng tôi nhỏ, đáng gì để thiên tử bận tâm. Vả lại, trong thôn ấp khó tìm ra được người thạo thông chữ nghĩa thì làm sao mà kê khai được. Nếu như đưa tất cả các quan lại của triều đình đi làm việc này, phải gần hai chục năm mới xong. Tới lúc ấy còn ích gì nữa mà làm. Sợ khi sổ sách dâng lên không được như ý, chỉ làm thiên tử thêm nổi giận.
Sài Thung cười lớn:
- An Nam biện bác thật giỏi. Triều đình bảy năm mở đại khoa một lần. Đứa trẻ mười ba tuổi còn đỗ trạng. Nhân tài có thua kém gì thiên quốc. Chẳng biết nhà vua có coi tôi như con nít không mà nói như vậy.
Đại loại các việc, không việc gì họ không tìm được cách thoái thác ngọt ngào. Nhưng phải công bằng - Sài Thung thừa nhận - Họ biếu dâng ta thật là hậu hĩnh. Ta đã đi sứ nhiều nước, chưa nước nào có lễ dâng sứ lớn đến như vậy. Song quả thực, cũng chưa có nước nào nội phụ lại dám cưỡng mệnh thiên tử như An Nam. Phen này vào tâu, ta cứ thực tình để hoàng đế phát binh, kẻo họ cậy thế ở xa cứ dây dưa lần lữa, khiến oai trời mất thiêng thì không còn ra thể thống gì nữa.
Sài Thung về tới Yên Kinh, đã dâng ngay biểu vấn an thiên tử. Và xin được diện kiến đức vua để trần tình các việc xứ An Nam. Nhưng Hốt-tất-liệt đã hạ chỉ: "Chờ tuyên triệu”.
Nhận thánh chỉ, Sài Thung lấy làm lo sợ. Vì y được các bạn đồng liêu cho biết: "Thiên tử đang cân nhắc: Nhật Bản, Chiêm Thành, An Nam, đánh xứ nào trước, hay cả ba xứ cùng một lúc?". Do phân vân, nên thiên tử vấn kế bá quan.
Quan thái úy bèn tâu:
- Đất Phù Tang xa xôi, dân man di chưa biết lễ nghĩa. Dăm ba hòn đảo chơ vơ với số dân ít ỏi sống lẫn với cầm thú bõ gì thiên tử phải bận tâm. Vả đi lại khó khăn, quanh năm gió bão. Cuộc tiến binh của đại quân thiên triều vào đất ấy năm Giáp tuất (1274) đã bị bão sóng đánh vùi dập gần hết binh thuyền. Quân sĩ hiện nghe nói đến Phù Tang vẫn chưa hết kinh hoàng, vì thần biển tác oai. Còn An Nam là đất qui phục thiên triều từ lâu. Nay vô cớ cất quân vào cõi, sợ rằng ân chưa đến mà uy đã ra, lòng người không phục. Lại như nước Champa bé nhỏ, thường năm tiến cống thuần đồ phương vật quý lạ, như voi trắng, trầm hương, sừng tê, ngọc trai, yến huyết, họ giữ đúng đạo thần tử. Các nước đó đều nhỏ bé, nếu có chiếm được cũng chẳng ích gì. Hưng binh tàn hại sinh mạng lê dân, sao bằng sai sứ lấy điều họa phúc mà chiêu dụ, nếu họ không phục tùng thì ta đánh cũng chưa muộn. Còn như bây giờ, ta lấy cớ gì để cất quân?
Hốt-tất-liệt hầm hầm nổi giận, đập án quát:
- Thiên tử thế thiên hành đạo. Ý ta là ý trời. Tại sao còn phải hỏi cớ cất quân? Lũ man di, quân trưởng chúng nó nối đời ăn lộc ta, mà không đứa nào chịu vào chầu. Con cái chúng không một đứa nào tới làm con tin. Ta có việc lớn chinh đông, chinh tây không một nước nào chịu nộp quân, nộp lương. Đến mượn đường chúng còn không cho. Đạo thần tử như thế, há không lỗi sao? Ta vời chúng không được, để phải cắt quân, gặp bão gió, hàng ngàn chiến thuyền với hàng chục vạn sinh linh làm mồi cho biển cả. Ngót chục năm nay, lòng ta khôn nguôi thương nhớ đám binh sĩ vô tội. Ta thề phải băm nát đất Phù Tang! Còn lũ dòi bọ An Nam cũng chẳng hơn gì đám dân bất trị Phù Tang. Chúng dám ăn ở hai lòng, câu kết với lũ dơi chuột nhà Nam Tống. Nên mới xảy ra cuộc thảo phạt năm Đinh tị (1257). Ta đã thương tình gia ân, cho sứ sang dụ bảo nhiều lần, nhưng chúng chỉ khéo mồm van xin lần lữa. Thử hỏi, dối dân lừa thiên tử, thế không đáng trị tội sao? Lại nữa lũ hải tặc Champa, đã không dốc lòng thờ ta, còn dám ngang nhiên bắt sứ của ta. Thế còn chưa đáng tội chết sao?
- Khanh! Viên thái úy kia – Hốt-tất-liệt trỏ mặt quan thái úy mắng - Ta đãi ngươi như đãi một kẻ sĩ. Ta không phân biệt ngươi là người Hán mà được cất đặt ở trên người Mông Cổ. Lộc ta ban cho ngươi thật là ưu hậu. Thế mà ngươi dám vặn bẻ ta: "ân chưa đến uy dã ra, lòng người không phục!". Lòng người nào không phục, hay chính ngươi không phục ta? Đồ chó phản bội? - Pháp quan? Hốt-tất-liệt hét lên - Dẫn nó đi rồi đem đầu về cho ta!
Triều đình im phăng phắc, các quan nghe rõ hơi thở của nhau. Khi thiên tử đã nổi cơn thịnh nộ thì đến các gián quan cũng nem nép cúi đầu. Viên thái úy là một trong những đại thần nhà Nam Tống lập công đầu với Hốt-tất-liệt. Chính y đã bày kế cho Hốt-tất-hệt liên minh với nhà Nam Tống đánh Kim Ai tông. Và cũng chính y dâng kế khơi nước sông Hoàng Hà dìm chết hơn mười vạn binh Tống, khiến công cuộc bình định Trung Nguyên của Hốt-tất-hệt sớm hoàn tất. Nay y dâng lời can gián đâm vạ miệng; chỉ nằm phủ phục, không dám ngửa mặt van xin. Trong lòng y, nỗi hối hận trào dâng như thác đổ. Y hối hận vì đã dâng lời can không đúng lúc, hay hối hận vì trót theo giặc hại nước hại dân. Nước mắt y chảy đẫm cả hai cánh tay áo thụng, toàn thân y run lên như một con vật bị trúng thương - chờ chết.
Các quan trong triều không một ai bước ra can gián. Người Mông Cổ vừa khinh y là kẻ chim mồi chó săn, vừa ghen y được bề trên sủng ái. Người Hán khinh y là kẻ phản quốc, giết hại người đồng tông.
May thay, đang giữa lúc tính mạng quan thái úy ngàn cân treo sợi tóc, thì có một viên thị thần người Tây dương bước ra tâu:
- Muôn tâu thánh thượng, thần nghe nói bệ hạ đã hạ chiếu chinh phạt Champa. Y nói giọng mũi ồ ồ khó nghe. Hốt-tất- liệt phải nghiêng tai chú ý. Chính điều đó làm cho cơn thịnh nộ của nhà vua lui dần. Viên thị thần người Tây dương có nước da trắng như người quanh năm ở xứ tuyết. Y có chỉ mũi thẳng, nhọn, chuẩn đầu cao hếch lên, nom đẹp nhưng lộ khổng. Cặp mắt y xanh như màu nước biển, đôi đồng tử trong veo như mắt mèo. Tóc mềm xoăn, vàng óng như tơ. Y có cái tên hơi khó gọi, dù gọi theo âm Hán hoặc âm Mông Cổ cũng thế thôi. Phần nhiều, tên của người Tây dương không có nghĩa. Đọc đúng cái tên của ông ta lên, chỉ làm trò cười cho các đồng liêu. Vì thế thiên tử đã phiên ra và gọi ông ta là Phao-lồ.
( Đây ám chỉ Marco Polo người Ý sinh ở Venise (1254 – 1324). Có thể coi ông là một nhà thám hiểm. Ông đã tới Bắc Kinh, và ở lại đó phục vụ dưới triều đại Hốt-tất-liệt (Koubilay) 16 năm. Nhờ theo các đoàn quân viễn chinh của đế quốc Nguyên mà ông đã đi khắp Châu Á. Cuốn du ký (Le Livre de Marco Polo) của ông là một tài liệu vô cùng quý báu cho tất cả những ai muốn nghiên cứu về đế quốc Nguyên - Mông.)
Ông Phao-lồ nói tiếp - Dạ muôn tâu, sắp xuất binh mà chém đại thần, e không lợi. Xin thiên tử rộng tình xét lại. Vả chăng như chỗ thần được biết, quan thái úy có lỡ lời, nhưng cũng chỉ vì yêu kính chúa thượng mà chưa kịp lựa ý. Lại xét trước đây quan thái úy theo chúa thượng, lập được công lớn trong sự nghiệp diệt nhà Kim cũng như nhà Nam Tống, xin chúa thượng thương mà tha tội.
Nghe thị thần người Tây dương La Mã nói, Hốt-tất-liệt đã thấy nguôi nguôi. Nhà vua tự nghĩ: "Mà phải, nếu không có y, sao ta lừa nổi Kim Ai tông và Tống Lý tông". Nghĩ vậy, Hốt- tất-liệt bèn nói:
- Nể mặt quan thị thần Phao-lồ, kẻ đã giúp ta được nhiều việc lớn, nên ta tha cho. Nhưng phải biết giữ mồm giữ miệng. Lần sau còn phạm phải, ta sẽ trị tội gấp đôi. Nhưng để răn dạy cho nước bề tôi bất kính, ta truyền nguyên soái Toa-dô thống lĩnh đại đội binh thuyền gồm một trăm hải thuyền và hai trăm năm mươi chiến thuyền, quân lấy tại các tỉnh Hồ Triết, Phúc Kiến, Hồ Quảng. Ta cho phép sung quân tất cả bọn tử tù (ngoại trừ các tội "mưu phản" và "bạn nghịch") để chúng lập công chuộc tội. Lương thực, thuyền bè, khí giới đảo Hải Nam phải lo thu gom cung ứng cho quân viễn chinh. Đến Chà-bàn, Toa-đô nguyên soái phải bắt bằng được cha con Chiêm Thành quận vương về đây cho ta trị tội.
( Các triều đại Trung Hoa xưa từ Tống đến Nguyên thường ngạo mạn, chỉ công nhận vua các nước nhỏ làm quận vương. Họ thường phong các vua ta là: "Giao chỉ quận vương", hoặc "An Nam quận vương". Chỉ các triều đại nào của ta mạnh họ mới chịu phong là "An Nam quốc vương".)
Tới đây, Hốt-tất-liệt đã tĩnh trí, thiên tử liền truyền:
- Phao-lồ, khanh là người thích du ngoạn xem xét con người, sản vật, thiên nhiên, ta cho khanh đi theo Toa-đô vào Chiêm Thành không phải để làm việc quân, mà làm các điều khanh ham thích. Ghi chép được gì, khi về khanh trình cho ta xem.
Marco Polo cho đây là một đặc ân của Hốt-tất-liệt, viên thị thần này bèn rập đầu theo kiểu Trung Hoa để tạ ơn.
Khi được biết mọi điều kể trên, Sài Thung rất phân vân. Cứ theo như sự thấy biết của y thì Chiêm Thành tuy có tiến cống nhà Đại Nguyên, nhưng vẫn quy phụ An Nam. Hai nước này có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu đánh thì phải cùng lúc đánh cả hai nước, để chúng đầu đuôi không ứng cứu được cho nhau, nam bắc không thông được tin tức cho nhau. Nếu chỉ đánh một Chiêm Thành không thôi, chưa chắc đã là thượng sách.
Sài Thung tuyệt nhiên không nhớ một chút gì về việc vua tôi nhà Trần nhờ y tâu với thiên tử nhà Đại Nguyên, thương tình tha cho mọi việc. Y quên rằng những vàng bạc châu báu với biết bao đồ quý hiếm y được dâng biếu, là để trả cái công y làm cho việc binh chậm lại. Thế mà giờ đây, y lại muốn hối thúc cho cuộc chiến sớm được khai mào. Y đã nói ý đồ của mình với một số bạn đồng liêu, nếu như nay mai thiên tử tuyên triệu, y sẽ dâng kế nam chinh.
Việc ấy tuy chưa đến tai thiên tử, nhưng lại đến tai Yến Ly. Ta còn nhớ Yến Ly, một nữ tì của An Tư công chúa sinh trưởng trong một gia đình quyền quý ở Hàng Châu. Khi nhà Tống mất, Yến Ly theo cha mẹ chạy loạn. Giữa đường, gia đình lạc nhau. Nàng phiêu bạt sang Đại Việt, rồi tình cờ An Tư xin được nàng về hầu hạ. Thực tình là để An Tư có bầu có bạn. Hai người tính nết trái ngược nhau: An Tư hiếu động, tinh nghịch, thích các trò cưỡi ngựa, bắn cung, thích giao du với các bậc hào kiệt. Trái lại, Yến Ly dịu dàng, cầm, kỳ, thi, họa, dung, công, ngôn, hạnh không ngón nào nàng không thông thạo. Từ ngày đôi trẻ có nhau, ngoài là tình thầy trò, chủ tớ, trong là tình bạn. Họ gần gũi nhau, yêu mến nhau, người nọ bổ trợ cho người kia. Ví như Yến Ly có thêm được tính xông pha, bạo dạn, An Tư biết thêm các việc thêu thùa, đàn địch. Tức là một người thì cứng rắn thêm lên, một người lại dịu dàng vi tế, đó là các đức tính trước khi gặp nhau họ chưa có. Yến Ly thực quả không phải tên nàng, mà chính là Chiêu Quốc vương căn cứ vào cảnh ngộ nàng đặt cho tên ấy. Vương ví nàng như một con chim én lìa đàn. Tên thật nàng là Triệu Quế Anh, dòng dõi Triệu Hổ ( nhà thơ nổi tiếng đời Tống). Triệu Quế Anh tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nàng tự biết mình là một người dân vong quốc. Và nàng biết rất kỹ kẻ thù của đất nước nàng là lũ giặc Mông Cổ. Nay chính bọn ấy cũng đang lăm le thôn tính Đại Việt. Nếu mai đây can qua khói lửa, nàng thật không còn chỗ nương thân. Quế Anh biết các chuyện căng thẳng giữa hai nước, một phần do An Tư nói lại về các áp đặt của nhà Nguyên đối với Đại Việt. Mặt khác, qua các cuộc theo công chúa đi du ngoạn những nơi danh thắng trong nước, Quế Anh tận mắt thấy ở bất cứ nơi nào, người ta cũng luyện võ, luyện binh. Dân binh tập tành, vận chuyển lương thảo đông như hội. Không khí hừng hực như một bể dầu sôi.
Một bữa Yến Ly ngồi đối diện với Trần Hưng Đạo, ông bảo:
- Trước hết phải nói, ta với con cùng có chung một kẻ thù. Con có biết kẻ thù đó là ai không?
- Dạ, bẩm vương, Yến Ly e lệ đáp - Bẩm vương, đó là bọn Mông Cổ - Bọn nhà Nguyên đấy ạ?
- Đúng, bọn Mông Cổ, bọn nhà Nguyên, Hưng Đạo xác nhận. Đức ông vuốt chòm râu đốm bạc, ông nhìn Yến Ly với vẻ yêu thương trìu mến như nhìn đứa con út của mình, với giọng trầm thoảng, vương lại nói - Can qua giữa hai nước Nguyên - Việt là điều không tránh được. Hốt-tất-liệt không cho đất nước ta sống cuộc sống yên bình. Hoặc là phải làm kiếp ngựa trâu cho chúng, hoặc là phải chống lại chúng ít nhất là bằng một cuộc chiến tranh. Yến Ly? Ta thương con đã mất nước, lại mất nhà.- Dừng lại, như để cho cô bé có thể hiểu được lời mình, Hưng Đạo lại tiếp - Thường là như vậy, nước mất là nhà tan. Ta không muốn con khổ một lần nữa vì nạn binh hỏa. Ta đã cho người dò tìm về những người thân thích của con ở Hàng Châu, và cả ở Yên Kinh.
Yến Ly mắt sáng long lanh, nàng kinh ngạc đến ngỡ ngàng. Xúc động quá, trái tim nàng đập gấp như một con chim bị nhốt đang thúc mạnh vào lồng, phá phách để tìm lối ra. Và nơi tròng mắt nàng tự nhiên thấy cay cay. Lệ trào. Nàng òa khóc.
Đại vương ngồi nhìn nàng khóc, trong lòng ông đầy niềm cảm thông đau đớn. Ông nghĩ đến cuộc xâm lăng, tức là cuộc chiến tranh của giặc Mông - Thát dội lên đầu biết bao nhiêu quốc gia dân tộc. Cuộc chiến tranh ấy kéo dài từ sáu, bảy thập kỷ qua vẫn chưa hề có đấu hiệu chấm dứt. Chúng tàn sát không biết bao nhiêu sinh linh. Nhân loại bị dìm trong lửa, máu. Tất cả các nẻo đường quân Mông - Thát tràn qua như thần dịch hạch đi gieo cái chết. Trời, một kẻ hung bạo như Hốt-tất-liệt, sao thượng đế lại trao cho y nắm giữ một sức mạnh ghê gớm thế. Chẳng lẽ, y là "con trời" thật sao? Sức mạnh ở trong tay người thiện, là hạnh phúc cho mọi người. Nhưng trớ trêu thay, người thiện hầu như không có sức mạnh, bởi họ không biết kết liên lại với nhau được để thành một lực lượng. Theo ông, chỗ yếu nhất và cũng là sự ngu khờ nhất của người thiện, là họ coi mình như một thứ chân lý, tự nó là sức mạnh rồi. Chính vì thế mà họ trở thành kẻ yếu. Đức ông cứ mải miết với những điều thiện, ác ở trong đầu, dường như vương quên cả Yến Ly đang sụt sịt. Chợt tiếng khóc của nàng vang lên làm vương sực tỉnh. Vương nhìn đăm đắm vào khuôn mặt Yến Ly, như một tấm gương lóa nước. Sự trong trắng đến cao khiết của trẻ thơ như thức tỉnh trong ông một sức mạnh. Vương tự nghĩ "Chẳng lẽ những đứa bé kia, và cuộc sống yên bình này đều là kẻ thù của Hốt-tất-liệt cả sao? Nhân loại trong sáng y hệt những thiên thần sống rải rác, tựa như một bó đũa vứt tung tóe mỗi nơi mỗi chiếc. Phải làm thế nào cho từng chiếc đũa ép sát vào nhau thành bó, mới có thể có sức mạnh".
Vương đặt nhẹ bàn tay lên mái tóc Yến Ly và nói:
- Người của ta đã đến Hàng Châu, không có tin tức gì về cha mẹ con đâu. Ngôi nhà hiện vẫn còn. Lão bộc cùng một số kẻ hầu hạ nay đã về lại Triệu gia trang. Chỉ có nhũ mẫu của con lên Yên Kinh cùng với người quản gia. Họ đã mở một ngôi hàng mua bán kim hoàn mang tên "Bảo Kim" ngay cạnh lâu đài "Ngoạn Nguyệt" của nhà con. Ta chưa được biết đích xác, song thân của con có cư ngụ trong lâu đài, hay còn tá túc một miền nào đó trong nước, để chờ cho sóng yên biển lặng. Người của ta ở bên đó, nằn nì mãi mới mua được một chiếc gia huy của nhà con, bày nhưng không bán tại cửa hàng "Bảo Kim". Con thử xem vật đó có khớp với vật con đang có không?
Yến Ly đón chiếc gia huy từ tay Hưng Đạo, cô gỡ chiếc đeo ở cổ ra so sánh, tất cả đều giống nhau. Kể cả ba chấm đột sống ở phía sau, tức là khi đã đúc hoàn tất rồi, trước khi mỗi người được phát đeo thì tự tay phụ thân cô đóng dấu sống đó một cách kín đáo ở mặt sau.
Cầm tấm gia huy trong tay, Yến Ly khóc ròng. Phần thương song thân không biết còn mất ra sao, phần tự xót nỗi mình bơ vơ nơi đất khách. Rồi nàng tự hỏi: "Vì sao đại vương lại tốn công nhọc sức tìm kiếm gia đình ta vậy? Việc này có ẩn ý gì không?" Nhưng rồi nàng lại tự trách mình đa nghi. Nàng nhìn ngắm gương mặt đại vương, một gương mặt phương phi, trung hậu và toát lên một phách lực anh hùng, nom chẳng khác gì Quan Công. "Nghi ngờ một người như thế là có tội".
Hưng Đạo vương vẫn không ngừng xem xét các nét vẻ đổi thay trên gương mặt Yến Ly. Một người như ông, làm gì không "đọc" được nỗi lòng con trẻ. Đại vương chậm rãi nói:
- Ta thương con, như ta thương con ta. Như ta thương tất cả những đứa trẻ trên thế gian này bị Hốt-tất-liệt tàn hại. Ta đang nghĩ: phải cứu lấy tuổi thơ của các con. Việc ấy không thể cầu xin ở Hốt-tất-liệt - Con biết Hốt-tất-liệt là ai chứ? Vương đột ngột hỏi Yến Ly. Nàng gật đầu - Vương lại tiếp- Đã không cầu xin y được thì phải chống lại y. Muốn chống lại y phải có sức mạnh của nhiều người, nhiều quốc gia. Vương hơi cúi xuống giọng buồn buồn - Ta tiếc cho nước Trung Hoa của con - một nước có nền văn hiến cao vào bậc nhất hoàn vũ, đất rộng, người đông, giàu có không xiết kể mà ươn hèn gục ngã, đến nỗi phải làm nô lệ cho bọn Mông-Thát. Nhục quá! Đây không chỉ là sự tủi nhục của riêng dân tộc con. Mà còn là sự tủi hổ chung cho các quốc gia, các dân tộc sống trong sự chia rẽ, sự ích kỷ. Cũng còn là sự tủi hổ của những người tốt, người thiện cứ dửng dưng trước tội ác của kẻ khác gây ra, và trước sự đau khổ bất hạnh của người khác. Ta thường hay nghĩ đến sức yếu kém vô dụng của từng chiếc đũa vứt bừa bãi khắp nơi, với sức mạnh thần thánh của cả một bó đũa được chung góp lại từ mỗi chiếc mỏng manh - Yến Ly! Ta biết con đang nghĩ gì. Hưng Đạo nói và nhìn thẳng vào cặp mắt trong veo ngơ ngác của nàng.
Ta giúp con trở về quê hương. Ta không muốn con phải chia xẻ nỗi bất hạnh của con dân Đại Việt chúng ta. Vậy một trong hai nơi đó, con muốn về đâu, ta sẽ cho người dẫn con về đến nơi đến chốn. Đừng có nghi ngờ gì ta. Trong việc giúp con, chúng ta chỉ có tốn kém, thậm chí nguy hiểm, chứ không có lợi lộc gì. Ta khuyên con nên về lại quê hương, nhưng nếu con thấy không còn gì để luyến nhớ cái quốc gia chỉ có sự chia rẽ đến hèn yếu ấy, mà con muốn ở lại Đại Việt, ta sẽ cho con về bầu bạn với An Tư công chúa. Đại Việt ta tuy là một nước nhỏ, nhưng lòng nhân nghĩa thì không có giới hạn.
Nghe đại vương nói, thuần những điều làm cho con người thêm cao phẩm giá. Nhưng cũng có một cái gì đấy khơi dậy từ đáy sâu nhân cách của con người. Và tuy có mạo hiểm, Yến Ly cũng mạnh dạn thưa:
- Bẩm đại vương, nghe đại vương phân giải, con thấy Người thực sự muốn cứu vớt con ra khỏi cảnh máu lửa hiểm nguy. Tiện đây, con xin nói thêm để đại vương dạy bảo - Ban nãy, con nghe đại vương nói tới tiệm kim hoàn "Bảo Kim". Không biết có ý gì ở đây không, chứ "Bảo Kim" là tên thân phụ con đặt cho con ở tuổi chưa thôi nôi. Chẳng là thuở mới sinh con ra, khi lấy xong cho con lá số tử vi, phụ thân con buồn lắm, đóng cửa suốt ba ngày không ra ngoài. Và dặn bảo mọi người gọi con bằng tên đó, thay vì tên Quế Anh đã đặt từ trước khi con được sinh ra. Và suốt từ nhỏ cho tới khi con bị lạc, phụ thân con yêu chiều, dạy bảo chăm sóc dư thừa sự chu đáo Nhiều lúc cảm nhận như phụ thân con chỉ sợ để rơi mất con ở đâu đó.
Qua sự xác nhận của Yến Ly, Hưng Đạo hiểu ngay phụ thân Yến Ly vẫn còn sống. Và việc lấy tên hiệu "Bảo Kim" với chiếc gia huy bày biện, chính là để kiếm lại con gái mà ông hết hy vọng dò tìm.
Song, Hưng Đạo ngẫm nghĩ, cũng có thể đây là một cái bẫy, một âm mưu gì đó đối với Triệu gia. Đoạn vương lại hỏi:
- Vậy chớ ý con ra sao? Con quyết như thế nào, ta cũng chiều con. Nhưng nếu việc chậm quá, ta e không còn kịp được nữa.
Sau một hồi suy nghĩ lung lắm, thực tình Yến Ly không biết quyết thế nào cho phải. Nàng nghĩ: "Nếu song thân còn mà ta không về, tức ta là đứa con bất hiếu. Ta nương nhờ tá túc ở đây trong cảnh đất nước thanh bình, ta được nuôi nấng đối xử như một khách quý, như một người con ruột thịt. Vậy mà bây giờ, nước đang sắp có họa xâm lăng, ta lại bỏ đi, ắt người sẽ khinh ta là quân bất nghĩa". Trong lòng Yến Ly đang có sự giằng xé giữa về và ở. Bỗng nàng nhớ, vừa xong đại vương có nói: "... Tủi hổ cho những người tốt, người thiện cứ dửng dưng trước tội ác của kẻ khác gây ra, và trước cả sự khổ đau, bất hạnh của người khác, của dân tộc khác...". Nàng chợt nghĩ: "Tại sao ở Yên Kinh, ta lại không thể giúp gì cho Đại Việt được?" Yến Ly đem nói hết sự tình nàng suy nghĩ với Hưng Đạo. Vương mừng lắm. ông cầm tay nàng cảm tạ:
- Thôi được, mọi việc sẽ liệu sau, trước mắt ta lo cho con về. Nếu như con có lòng nghĩ đến chút tình khi lưu lạc, ta chỉ xin con hai điều:
- Một là, nếu con có gặp người của ta ở Thăng Long đang sống trên đất Yên Kinh, con hãy coi như chưa gặp gỡ quen biết gì.
- Hai là, nếu có gì cần kíp, người của ta phải đến nhờ con, mà không có gì nguy hại, mong con giúp cho.
- Dạ, ơn trời bể đối với Đại Việt, đối với đại vương con dẫu có kết cỏ ngậm vành cũng chưa trả được, huống chi vài việc nhỏ mà đại vương nói.
Yến Ly nhớ lại tất cả những ngày sống trên đất Đại Việt và những lời Hưng Đạo vương dạy dỗ. Và cho tới một hôm Yến Ly thấy Sài Thung ghé tiệm "Bảo Kim" đòi gặp phụ thân nàng là bậc đại khoa, gặp thời loạn, ông không ra làm quan. Ở ẩn tại nhà, kíp khi quân Mông Cổ đánh tràn khắp nước, ông hưởng ứng chiếu cần vương mộ quân, đánh giặc. Nhưng triều đình nhà Tống nhu nhược, yếu hèn, chia rẽ lại có cả một quá khứ điếm đàng hưởng lạc, bóc lột tới tận xương tủy, nên dân tình oán ghét. Vì thế, vua tôi nhà Tống không huy động  được sức mạnh của toàn dân vào việc chống giặc ngoại xâm. Triệu tiên sinh lưu lạc mãi rồi mới trở về lại Yên Kinh. Ông  cho gia nhân mở tiệm kim hoàn, cũng chính là để dò tìm Quế  Anh. May thay, người của Hưng Đạo vương đã sớm nhận ra  tung tích. Và nàng được trở về đoàn tụ. Triệu tiên sinh cũng ghi lòng tạc dạ nghĩa lớn của Đại Việt, và các vương hầu triều  Trần, đối với cha con ông. Nhiều đêm ông trăn trở về ơn sâu  Đại Việt, và sự miệt thị từ nhà Tống xưa kia tới nhà Nguyên  hiện nay đối với quốc gia nhược tiểu này. Ông tự nghĩ, nếu có lẽ công bằng trong trời đất, thì phải tôn vinh dân tộc đó là đại  hùng, đại nghĩa.
Bữa Sài Thung đến gặp tiên sinh, cái chính là để bán một ít đồ quý vừa đem ở Đại Việt về. Nhân tiện y kể lại một số việc trong triều, và sở kiến của y là muốn thiên tử khởi binh đánh Chiêm Thành và Đại Việt cùng một lúc, khiến hai kẻ kia không ứng cứu cho nhau được. Tin ấy lọt vào tai Quế Anh. Và ngay lập tức được chuyển đến cho Đỗ Vỹ, người của. ta đang làm chủ một tiệm kim hoàn lớn tại Yên Kinh. Đỗ Vỹ mà mọi người ở Yên Kinh được biết thì tiên sinh quê tận vùng Quảng Tây, tức là người miền nam Trung Quốc. Hiệu kim hoàn của Đỗ Vỹ có mang biển hiệu "Quảng Hưng Long". Ngoài ba chữ đó còn vẽ thêm một con rồng đang bay lượn ngoằn ngoèo trên mặt bảng. Và chủ nhân thường được mọi người tôn xưng thật là kính quý: "Quảng tiên sinh". Trong nhà tiên sinh có mấy người thợ chế tác kim hoàn, cũng là chỗ thân tình cả. Hiệu của tiên sinh mở chưa lâu, nhưng được tiếng khắp kinh thành. Khách đến mua bán nườm nượp. Hàng ngày tiên sinh chỉ nhận tiếp đón các loại tao nhân mặc khách. Thường là khách đến khoe một món đồ quý hiếm đã có từ thời Tây Chu, Đông Chu hoặc Hán, Đường. Chủ khách say sưa ngắm nghía, tán tụng, tìm ra những vẻ đẹp ẩn giấu đằng sau màu men, dáng vẻ và phong cảnh phác họa trên món đồ, nếu là loại gốm, sứ. Hoặc những nét chạm trổ tài hoa về các tích điển dân gian, nếu là các đồ vàng bạc. Rồi chủ khách làm thơ xướng họa thật là tâm đắc. Cũng có khi khách chỉ đến xem (chứ không mua) một vài món đồ quý lạ, mà chủ mới săn tìm mua được từ Đại Việt, Champa, hoặc Tiêm-la, Chân-lạp...
Đỗ Vỹ nhận được tin Sài Thung định tráo trở. Một mặt y nhận lời với nhà Trần để tâu lên Hốt-tất-liệt, sao cho cuộc chiến không nổ ra. Thật ra Đại Việt cũng hiểu, với tham vọng của Hốt-tất-liệt thì nạn binh hỏa không thể không nổ ra. Nhưng nhà Trần mong muốn nó nổ ra chậm hơn. Đằng này, Sài Thung lại mưu toan thúc đẩy cho nó sớm nổ ra.
Đúng như Hưng Đạo vương tiên liệu và thường răn dặn: "Bọn giặc Mông Cổ, dẫu sao cũng chỉ là một đám võ biền. Điều ta quan ngại là bọn Hán gian làm tay sai cho Mông Cổ. Bọn này mưu mô thâm độc, ác hiểm khôn lường. Con luôn nhớ lấy mà đề phòng".
Thu thập tin tức xong, Đỗ Vỹ bèn cho người gửi một phong thư dán kín đến tư dinh của quan thượng thư bộ lễ Sài Thung. Vừa lúc Sài Thung đi dạo về thì nhận được chỉ “Tuyên triệu” của Hốt-tất-liệt cùng lúc với phong thư không có địa chỉ người gửi. Đọc xong chỉ "Tuyên triệu”, Sài Thung bèn mở phong thư kia ra. Quan thượng thư vô cùng ngạc nhiên thấy có một bài thơ xướng họa của mình với tướng quốc thái úy Trần Quang Khải. Trong đó, bài “Tống Sài Trang khanh" của Quang Khải, lời lẽ thân thiết quý mến, khiến người đọc phải ngờ về mối quan hệ giữa hai người. Sài Thung đã đốt đi và quên đi từ khi bước chân qua biên ải. Còn bài "Lưu biệt" ta làm, gọi là đáp lại thịnh tình và lễ hậu của vua tôi nhà Trần cho họ đỡ ngờ. Bài này mà đến tai thiên tử, chắc là bị quở trách. Vì rằng sứ thiên triều không được phép hạ mình thân thiện với tứ di. Bài "Lưu biệt", Sài Thung ngờ ngợ về nét chữ. Vẻ ngoài tự dạng rất giống chữ ta - Nhưng những nét phảy, nét móc của ta không đẹp mà sắc như loại chữ này. Khen cho kẻ nào bắt chước, kể cũng đã khéo. Sài Thung cứ băn khoăn: "Không biết kẻ nào gửi cho ta của nợ này để làm gì?" Lòng nghi hoặc, Sài Thung bèn giơ phong thư lên soi. Thấy rõ bì thư dầy tới hai lần giấy và có nét chữ hiện lên. Quan thượng thư nhẹ gỡ theo nếp hồ dán mà sao tay cứ run lên bần bật. Mở ra thấy có mấy hàng chữ sau đây: “Nhược bằng Sài sứ giả cố tình nói xấu Đại Việt trước thiên tử, thì chúng tôi buộc phải tâu lên người chút hậu tình mà sứ giả đã để lại Đại Việt qua các bài thơ xướng họa, cùng các đồ lễ lạt quà biếu sứ giả đã nhận ở Thăng Long... ".
Đọc xong lá thư, mặt Sài Thung trắng bệch ra. Y thầm nghĩ: "Bọn An Nam láo xược dám dọa nạt cả ta. Lớn mật hơn nữa, chúng còn dám hoạt động gián điệp trên đất của thiên tử".
Tuy nhiên, hôm sau vào triều kiến Hốt-tất-liệt, y cũng không dám nói những điều gì khác mà y đã hứa ở Thăng Long. Nhưng trong lòng, y rất căm uất, vì như thế có nghĩa là y đã thấp mưu thua trí vua tôi nhà Trần. Việc này mà bị cáo giác hẳn y không thể thoát chết.
Lại nói đến công việc ở Thăng Long và toàn cõi Đại Việt, sau cuộc nghị hội các vương hầu, tướng lĩnh ở Bình Than, việc binh bị được thúc đẩy gia tăng. Các vương hầu đều tăng thêm số dân binh, tinh binh. Khắp nước mở hội thi võ. Toàn dân tập tành hoặc tham gia vào việc vận lương, lập các chiến hào, chiến lũy, chuyển các kho lương vào sâu trong rừng, trong các hang núi.
Một hôm, đang xem các tướng bày trận đón đánh quân kỵ của giặc, bỗng có người tới dâng Hưng Đạo vương một phong thư. Nhìn dấu ám hiệu, đại vương biết ngay thư từ Yên Kinh. Vương bèn lên ngựa trở lại quân doanh mở thư đọc:
Bẩm vương.
Đến đầu tháng Tý năm Nhâm ngọ này ( Tức là tháng 11 âm lịch, tương ứng với cuối tháng 12 năm 1282), Toa-đô sẽ dẫn binh thuyền xuất phát từ Quảng Châu để đánh Chiêm
Thành... ". Đại vương cau vừng trán: "Vậy là Chiêm Thành đã đánh nhau với Toa-đô từ hơn hai tháng nay - Sao ta không được tin Đạo Tái?" Vương có vẻ hơi sốt ruột.
Đọc xuống phần dưới thấy ghi: "Quân Mông Cổ rất thiện chiến. Họ có thể vừa phóng ngựa phi nước đại ngoái người lại bắn cung, bách phát bách trúng. Ưu việt nhất của họ vẫn là kỵ đội. Trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc được vạn người, ngàn quân kỳ tản ra, có thể dài trăm dặm... Địch phân tức phân, địch hợp tất hợp. Cho nên kỵ đội là ưu thế của họ. Hoặc xa hoặc gần, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc tụ hoặc tán, hoặc hiện hoặc ẩn. Họ đến như rơi từ trên trời xuống, họ đi nhanh như chớp giật... Phép phá địch của họ, trước hết là lên chỗ cao nhìn ra xa, xem địa thế, xét địch tình. Thừa cơ địch rối loạn là lúc bắt đầu giao phong. Thường dùng kỵ đội xông thẳng vào trận địch. Mới xông vào mà địch đã núng thì không kể nhiều hay ít, Ồ ạt tiên lên, địch tuy chục vạn, cũng không thể đương được. Nếu địch không núng, thì đội phía trước tản ngang ra, đội tiếp theo xông lên, nếu không vào được thì đội sau nữa lại tiến lên như vậy. Họ thắng thì rượt đuổi theo giết rất tàn bạo. Họ mà thua thì chạy rất nhanh, đuổi theo không kịp. Quân Mông Cổ có sở trường đánh vu hồi. Họ thường tránh thực đánh hư, dụ địch ra khỏi căn cứ mà tiêu diệt. Nay họ lại học thêm được cách đánh thành của người TrungQuốc và việc chế dùng các loại võ khí của người Tàu. Quân Mông Cổ có sức khỏe phi thường và sức chịu đựng dẻo dai. Họ ăn ngủ ngay trên mình ngựa mà chuyển quân suốt ngày đêm. Nhưng họ vẫn có chỗ yếu. Người Mông Cổ không chịu được khí hậu ẩm thấp phương nam, dễ gây các bệnh viêm nhiệt, mệt mỏi rã rời, rồi các bệnh lở ngứa phát sinh. Ngựa Mông Cổ sợ nhất sông sâu, đầm lầy, rừng rậm, đường nhỏ hẹp quanh co gai góc, dây leo chằng chịt. Cỏ tươi xen lẫn cỏ hôi, ngựa Hồ thà nhịn đói chứ không ăn... ".
Đọc hết bức thư, Hưng Đạo thầm khen Đỗ Vỹ: "Vậy là con đã am tường nhiều về binh pháp. Con cho ta biết quá nhiều về những điều ta cần biết về kẻ địch. Tất cả chỗ yếu, chỗ mạnh của đội quân làm cho khắp hạ giới đều kinh hoàng này nhờ con mà ta có được. Ta sợ nhất khi giao tranh với quân thù mà chưa biết gì về chúng. Có nhẽ Đại Việt ta kình chống được với giặc dữ, là nhờ ở các con em can đảm dám xông pha vào tận hang ổ của giặc để dò tìm về chúng. May thay!"