CHƯƠNG 23

Quân ta khiêu chiến với cánh quân của Toa-đô từ Thanh Hóa đánh ra luôn thua chạy. Chẳng bao lâu, Toa-đô đã tiến tới gần Trường Yên. Quân của Thoát-hoan từ Thăng Long đánh mãi không phá được ải này vẫn cứ nằm án ngữ tại đó. Bỗng ta bỏ Trường Yên, thế là hai cánh quân bắc - nam chúng đã thông được với nhau. Giặc hợp quân cùng tiến đánh Thiên Trường. Đại quân của ta một phần từ Thiên Trường lui ra biển rồi vào thẳng Hoan Châu, Diễn Châu, một phần đã giấu nhẹm trong các lộ phía đông vùng ven biển.
Trần Thánh tông, Trần Nhân tông có Trần Hưng Đạo và Chiêu Thành vương hộ giá đã đi thuyền nhỏ theo cửa Giao Hải(Giao Thủy, Nam Định ngày nay ) ra biển rồi ngược lên phía bắc vào nguồn Tam Trĩ. Quân giặc theo đường sông từ Thiên Trường đuổi tới Giao Hải thì không biết quân ta đi về nẻo nào, đành nán lại dò tung tích. Nhưng rồi giặc cũng tính được đường chạy của vua Trần. Thoát-hoan đưa hịch dụ: "
“ Vua tôi các ngươi đã cùng đường. Bảo nhau ra hàng sẽ được ta khoan thư. Nhược bằng cố tình chạy trốn, thời ngươi chạy đường bộ, ta đuổi bằng ngựa; ngươi chạy đường thủy, ta đuổi bằng thuyền; ngươi chạy lên trời, ta cầm chân kéo xuống; ngươi chui xuống đất, ta nắm tóc lôi lên...".
Khi thuyền của quan quân tới gần nguồn Tam Trĩ thời nghi phía sau có thuyền giặc đuổi, vội ghé lên bờ chạy bộ. Thượng hoàng Trần Thánh tông nhảy lên bờ trước, vô ý đạp chân sau vào mạn thuyền, khiến thuyền xa bờ hàng trượng. Trong lúc vội vã, Đặng Dương ghé mình cõng vua Nhân tông lấy đà nhảy phóc vào bờ. Phải nói, viên dũng sĩ trẻ tuổi này bay vào bờ mới đúng. May mà y gồng người đứng vững được, nếu không thì cả vua tôi ngã vào mấy tảng đá cạnh bờ, chưa biết tính mệnh sẽ ra sao. Cũng vì gồng người nhảy vào bờ đá rắn, Đặng Dương bị chồn xương sống, phải đứng lặng giây lâu, rồi mới dùng thuật phi hành chạy theo vua.
Ta còn nhớ, chàng trẻ tuổi người mạn Đà Giang đi bán sản vật của rừng, lúc về ghé qua hội thi võ kén người tài của Hưng Ninh vương Trần Tung. Chàng đoạt ưu hạng. Hưng Ninh vương lưu chàng lại dưới trướng. Sau thấy chàng là người trung hậu, lại đem tặng cho nhà vua. Tới đây quả Đặng Dương đã biểu lộ được lòng trung, cũng đúng như điều Hưng Ninh vương dự cảm.
Sau khi lên bờ, nhà vua sai đem thuyền ngự quành về cửa Ngọc Sơn(Mũi Ngọc thuộc Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh) để lừa quân Nguyên.
Hai vua và đoàn hộ giá hết đi bộ lại đi ngựa tới nửa đêm thì đến một ấp nhỏ thuộc đất Thủy Chú (Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay) liền dừng lại. Dân trong hương ấp đem cơm rượu ra thết đãi, nhưng không biết trong đoàn ấy có hai vua và Trần Hưng Đạo.
Ăn xong, trằn trọc mãi không ngủ được, Nhân tông bèn vời Trần Thì Kiến là gia thần của Hưng Đạo tới bên mình và hỏi:
- Ta nghe nói, ngươi tinh thông Dịch lý, vậy ngươi thử tính xem chiến cuộc này rồi sẽ đi tới đâu, quân ta có thắng được giặc không?
- Tâu thánh thượng - Trần Thì Kiến thưa.
- Không có thánh chúa gì ở đây cả - Nhân tông ngắt lời- Ngươi phải biết, tai mắt giặc nhan nhản. Thôi bói đi.
- Dạ tâu, phép bói Dịch của cổ nhân, phải dùng cỏ thi bói trên mai rùa mới linh nghiệm. Nay những thứ đó khó kiếm, xin bệ hạ bốc tạm mấy que tăm. Nói rồi Trần Thì Kiến lấy một nắm tăm đưa cho Trần Nhân tông bốc. Tính ra được quẻ Lôi địa dự.
Nhẩm tính một lát, Trần Thì Kiến nói:
- Tâu, quẻ này Chấn ở trên, Khôn ở dưới: Chấn có tính động, Khôn tính thuận. Quẻ này vui lắm.
- Vui là thế nào?
- Tâu, đó là điềm đại hỷ, suy từ lời tượng rằng: "Lỗi xuất địa phấn, dự, tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức, ân tiến chi thượng đế, dĩ phối tổ khảo". Tức là Chấn lôi ở trên, Khôn địa
ở dưới, tượng là sấm ra khỏi mặt đất, khí dương ở dưới đất bùng lên mà thành ra tiếng. Vạn vật nhân lúc ấy hấp lấy khí dương mà nảy sinh. Tiên vương xem tượng ấy làm ra nhạc, nhạc đã thịnh, công đức khinh tiến lên tới thượng đế mà phối tổ khảo.
Soán từ lại nói: Lợi kiên hầu, hành sư. Thật là hợp với việc ra quân của bệ hạ. Cứ như lời quẻ này thì sang mùa hè quân ta lợi thế, giặc suy yếu cho tới khi bị diệt, và vào khoảng tiết hạ chí thì bệ hạ có thể làm lễ hiến phù trước nhà thái miếu.
( Lễ hiến phù là lễ thắng trận được tổ chức trước nhà thái miếu. Trong lễ này các tù binh được giong tới và có thể chém một vài tên lấy máu tế.)
Vua vui lắm, nói:
- Nếu quả như lời ngươi nói, sau này ta sẽ có thăng thưởng.
Đầu canh ba, Hưng Đạo gọi viên trưởng ấp đến căn dặn việc trông nom, gom góp dân binh đánh giặc, rồi cho một thanh kiếm. Hưng Đạo hộ giá hai vua ra cửa sông Nam Triệu (cửa sông Bạch Đằng) rồi qua cửa Đại Bàng theo đường biển mà vào  Thanh Hóa. Vua đi rồi, đại quân cũng lui theo.(Việc Hưng Đạo tặng kiếm cho dân ấp. Để lưu dấu sự tích này,dân lấy luôn tên Lưu Kiếm để đặt tên ấp. Hiện huyện Thủy Nguyên vẫn còn thôn Lưu Kiếm).
Tám ngày sau, khi hai vua đã vào tới tận Thanh Hóa, bọn Lý Hằng, ô-mã-nhi, Giảo-kỳ, Đường-ngột-đải theo lệnh của Thoát-hoan mới rải binh vây Tam Trĩ.
Khi binh ta và triều đình đã rút khỏi Trường Yên, Thiên Trường, Thoát-hoan chiếm trọn một dải từ Lạng Châu đổ về, khiến nhiều kẻ hoang mang rối trí, kéo nhau ra hàng giặc. Phần đông những kẻ ra hàng đó lại trong hoàng thân quốc thích cả. Như Vũ Đạo hầu cùng hai con trai là Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn và Minh Thành hầu. Lại thêm con trai của Hoãn là Minh Trí hầu, và con rể hắn là Trung Hoài hầu cùng quyến thuộc về hàng quân Nguyên.
Tệ hại hơn là Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, em ruột thượng hoàng Trần Thánh tông đã đem con trai là Nghĩa Quốc hầu và bọn Trần Lộng, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cùng cả gia quyến về hàng Thoát-hoan.
Đám vong thần của nhà vong Tống đang tá túc từ năm Kỷ mão(1279) được triều đình bao dong, nay cũng sợ hãi kéo nhau ra hàng như tham chính Tăng Uyển Tử, Tô Bảo Chương con trai của thiếu bảo Tô Lưu Nghĩa và nhiều người khác nữa.
Được biết tin này, Hưng Đạo vương tâu lại với vua Nhân tông. Nhân tông vừa lo lắng, vừa buồn phiền. Nhà vua nói với Quốc Tuấn:
- Những kẻ khác ra hàng giặc còn có thể hiểu được; đến như thúc phụ Chiêu Quốc vương cũng ra hàng thời con không hiểu nổi. Việc ô nhục này trong hoàng gia, biết bao giờ mới gột rửa được? Có nên để cho phụ vương con biết không?
- Bệ hạ nghĩ thế là làm theo đạo hiếu. Nhưng việc Trần ích Tắc ra hàng, không còn là việc riêng của hoàng gia nữa.  Mà là việc lớn quốc gia. Đó là viên thượng tướng của triều đình đã phản bội dân tộc ra hàng giặc. Là người trị nước, thượng hoàng không thể không biết đến.
Suy nghĩ giây lâu, Hưng Đạo nói tiếp:
- Nhân việc Ích Tắc theo giặc, tưởng hoàng tộc ta cũng có phần trách nhiệm. Ấy là việc không uốn nắn để y sống buông thả, xa phí. Lại cũng không răn đe đám thuộc hạ và môn khách của y để hết lời tâng bốc, khiến y ngỡ là mình tài cao đức lớn mà không được cất nhắc xứng đáng.
- Dạ, quả có thế. Nhưng con tưởng tước trật đã đến cực phẩm rồi, còn cất nhắc gì hơn được nữa?
- Y không yên tâm với vị thế sắp đặt ấy. Lúc thường y đã khích bác kẻ nọ người kia rồi. Nay nhân giặc sang, y muốn nhờ tay giặc mà leo lên cái ghế quốc vương. Phải thừa nhận y có tài. Nhất là cái ngón thi, thư, họa, nhạc; y đạt tới mức trác việt. Song đấy chỉ là những nét tài hoa xuất chúng trên đường nghệ thuật thôi, chớ trong công cuộc chính trị, y làm sao đủ tài đủ đức, đối với việc trị bình thiên hạ. Tưởng bệ hạ cũng nên lấy đó làm gương trong việc giáo dưỡng hoàng thái tử.
- Dạ, con xin lĩnh ý quốc phụ.
Lại nói An Tư công chúa vào Thăng Long được Thoát-hoan tiếp rước nồng hậu. Y vẫn ngự trong đại điện Thiên An với một bầy mỹ nữ đem theo từ hành sảnh Kinh Hồ.
Thoát-hoan sai mở dạ yến mừng được An Tư. Nhưng ngay từ phút đầu, công chúa đã thấy ghê tởm tên tướng giặc con trời này. Vừa thấy nàng, mặt y đã hớn hở. Y nhìn như muốn nuốt chửng lấy nàng. Y gạt hết cả đám cận thần không cho theo. Ngay cả thị nữ theo hầu như Kim Liên cũng bị gạt lại và thân dẫn nàng vào cung Thúy Hoa trước hồ Ngoạn Ngọc, ngay phía sau đại điện Thiên An. Cung Thúy Hoa nay không còn bài trí như xưa nữa. Hết thảy theo lối Hồ, từ màn trướng đèn, hoa đến màu sắc, mùi vị đều kệch cỡm, trái khoáy. Mặc dù hương xạ xông khắp nơi, vẫn không át được mùi gây gây khó chịu như là mùi mỡ cừu, mỡ chó, khiến An Tư lợm giọng.
Vừa bước vào phòng the, Thoát-hoan bế thốc lấy nàng, quệt bộ râu dê cứng queo vào má nàng, phả theo mùi hôi nồng của rượu và cả mùi hôi ngựa. Y đặt nàng vào giữa giường thất bảo, rồi lùi ra xa vài bước kéo chiếc đôn ngồi ngắm nàng như ngắm một báu vật. Hết nhìn công chúa, y lại ngoái nhìn bức chân dung nàng treo trên tường. Và nói:
- Ta đi khắp gầm trời, chưa thấy có người con gái nào đẹp như nàng. Ta ao ước nàng từ lâu.
An Tư vẫn tưởng Thoát-hoan nói tiếng Thát-đát, hóa ra y lại dùng tiếng Hán để nói với nàng. May có mấy năm Yến Ly bầu bạn, An Tư cũng học được tiếng của nàng, nên hiểu điều Thoát-hoan nói.
Thoát-hoan cứ ngồi thế mãi, hết ngắm An Tư lại ngắm bức chân dung nàng. Lúc này An Tư đã bớt sợ. Nàng lấy can đảm nhìn thẳng vào mặt y. Trước hết nàng thấy đôi mắt híp một mí, mà nàng thường nghe nói đó là thứ mắt lươn, biểu hiện của kẻ gian xảo. Cặp lông mi thưa với nước da vàng sạm. Hai bên gò má y, thịt nổi cuộn thành múi. Vành môi trên lún phún bộ râu dê. Cằm tròn dầy, sệ xuống. Chiếc mũi hình củ tỏi tròn to như nắm tay nằm thù lù giữa mặt. Trán thấp, vuông, tóc đỏ hoe như râu ngô. Cổ ngắn, to như cổ trâu. Cả bộ mặt và con người y toát lên sự thô bỉ, nom tựa một con bò thiến được nuôi vỗ béo phì.
An Tư tự hỏi: Không biết trong vầng trán kia, y chứa chấp những gì? Cũng không biết đường nét thanh quí của dòng giống quí tộc y biểu hiện ở chỗ nào? Phải chăng tên giặc này ẩn tướng? Phải chăng đây là tướng tinh của kẻ khát máu? Công chúa tự so sánh hình thù tên giặc này với vẻ tao nhã của Chiêu Thành vương. Thật là một trời một vực. Nàng ao ước, giá như Chiêu Thành vương lọt được vào đây mà hạ thủ nó. Chợt An Tư ngẩng nhìn về phía Thoát-hoan, thấy y vẫn chú mục nhìn bức chân dung của mình treo trên đó. Nàng sửng sốt buột miệng hỏi:
- Xin thái tử làm ơn cho tiện thiếp biết, chẳng hay ai đã biếu thái tử bức vẽ xấu xí này?
Lời nói bất ngờ lọt vào tai Thoát-hoan, y sung sướng quá hét lên:
- Thì ra nàng nói được tiếng Hán! Hảo lớ! Hảo lớ! Ôi mới tuyệt diệu làm sao. Điều ta lo ngại nhất khi nói chuyện với nàng lại phải qua thông dịch. Và cả khi các chuyện kín đáo trong chốn buồng the, mà không hiểu được ý tứ nhau, thời đáng buồn biết mấy!
Thoát-hoan nhảy dài lại phía An Tư, ôm chặt lấy nàng, nói:
- Người đẹp nhất thế gian ơi, em thật là hoàn hảo. Ta không còn ao ước gì hơn.
Không thấy Thoát-hoan trả lời, An Tư vừa gỡ khéo vòng tay y ra, vừa hỏi lại.
Thoát-hoan ôm nàng chặt hơn, rồi bế nàng ra chỗ bức chân dung, trỏ vào dòng lạc khoản, thấy đề:
Thiệu bảo đệ tứ niên - Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc phỏng họa.
(Thiệu bảo đệ tứ: nghĩa là Thiệu bảo năm thứ tư. Thiệu bảo là niên hiệu đầu tiên của triều Trần Nhân tông, bắt đầu từ năm Kỷ mão (1279). Năm thứ tư, tức là năm Nhâm ngọ (1282).
An Tư bực mình nghĩ lại cái buổi mà nàng cùng Hưng Đạo vương ghé thăm phủ Chiêu Quốc. Trần Ích Tắc đã giữ nàng lại vẽ một bức tương tự thế này. Đúng là bức này có khác hơn, sinh động hơn. Dường như anh ấy thể hiện được cái hồn của ta trong đó. Công chúa bức và thầm trách: "Sao anh ấy lại không cho ta xem bức họa này? Và vì sao nó lại lọt vào tay giặc?".
An Tư đã tụt khỏi vòng tay Thoát-hoan và ý tứ ngồi vào chiếc đôn đối diện với y. Nàng lại hỏi:
- Xin Trấn Nam vương cho biết, vì sao bức họa này lại tới tay ngài?
Thoát-hoan nheo mũi cười:
- Trần ích Tắc gửi Sài Thung đem về biếu ta từ năm Nhâm Ngọ. Có chuyện gì mà nàng phải bận tâm?
"Vậy là y đã câu kết với ngoại bang từ năm đó - An Tư nghĩ - Quân đê tiện, bán cả Tổ quốc, bán cả em gái".
Đêm ấy, Thoát-hoan lôi An Tư ra dự dạ yến. Lũ chúng nó xúm xít lại chúc mừng y và mừng nàng. An Tư thấy lòng lạnh tanh, chỉ mong sao quân ta đột nhập vào, ắt sẽ diệt gọn được bầy đàn đầu não chúng nó.
Khi tiệc vẫn còn đông, Thoát-hoan mặt đỏ ửng như chiếc hoa gạo rụng cuối mùa, không nói một lời, y kéo mạnh tay An Tư lôi một mạch về cung Thúy Hoa.
Và suốt đêm, y dày vò nàng. An Tư đau đớn hét lên:
- Quân vũ phu! Nàng khóc tức tưởi và nghĩ đến Chiêu Thành vương. Lại bực giận vì nỗi phẩm tiên rơi xuống tay phàm.
Hôm sau, An Tư đòi Thoát-hoan trả lại Kim Liên cho nàng. Y còn đưa đến cho công chúa chọn lấy mười trong số sáu mươi tì, thiếp của y để vào hầu cận nàng. Đám tì, thiếp kia vừa xuất hiện, An Tư sửng sốt khi nhìn thấy Yến Ly. Yến Ly vờ quay đi như thầm nhắc công chúa: "Hãy giữ kín mối quan hệ cũ ”. An Tư thoái thác vì không cần đến số người hầu cận quá đông. Ngoài Kim Liên, nàng chỉ chọn thêm một người. Người ấy là Yến Ly. Trong danh sách, nàng mang cái tên Bảo Bảo.
Thoát-hoan ưng thuận. An Tư đâu biết dược, xung quanh nàng có tới cả chục đô quân cấm vệ thuộc dòng Thát-đát, giám sát việc ăn ở của nàng. Không sáng nào nàng không phải ra khỏi cung để cho lũ kia lục soát. Hai thị nữ hầu cận cũng bị khám xét thường ngày. Kể cả An Tư, bất luận ngày đêm, chỉ được quanh quẩn trong lâu đài, hoặc đi dạo từ hoa viên ra hồ Ngoạn Ngọc, chứ không được đi xa hơn. Và cấm không được tiếp xúc với ai. Cũng cấm ngặt An Tư, không được mời ép Thoát-hoan ăn uống bất cứ thứ gì trong phòng mình.
Đó là lời cảnh tỉnh nghiêm ngặt của viên đô tổng quản. Nói xong, y còn lưu ý:
- Nếu lệnh bà trái các lời dặn trên, lập tức bị lấy đi sinh mạng mà ngay đến thái tử cũng không kịp ngăn.
An Tư biết, y không dọa. Nàng còn lường, ngay cả khi không vi phạm các điều cấm kỵ, vẫn cứ bị lấy đi sinh mạng.
Khi chỉ riêng có hai người, Yến Ly mới thổ lộ:
- Em bị Sài Thung tiến dẫn làm tì thiếp cho Thoát-hoan. Cả song thân em và em đều chống lại những không được. Em đã toan quyên sinh. Bỗng một hôm gặp Đỗ Vỹ, đại nhân cho biết Thoát-hoan đã đem năm mươi vạn binh sang chinh phục Đại Việt, và khuyên em hãy vì mối thù chung của cả hai nước mà theo Thoát-hoan vào trong quân. Phu nhân em cũng khuyên: "Cơ hội đáp đền ơn nghĩa Đại Việt đã tới, con không nên bỏ lỡ". Cực chẳng đã, em phải nhận. Trên đường tiến quân của Thoát-hoan, đại nhân vẫn cho người tới, hai bên vẫn thông được tin tức cho nhau. Nhưng từ khi vào đất Đại Việt, không có tin tức gì của đại nhân nữa. Dạo chúng mới tràn qua biên ải, Tôn Hựu phao ầm lên là bắt được Đỗ Vĩ, và đã chém đầu. Em có đến tận nơi xem, nhưng không phải. Dạo đó sứ của Đại Việt là các ông thiện trung đại phu Nguyễn Đức Dư và triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn có qua trại quân Thoát-hoan thương nghị, em đã có mật báo, và có gửi lời thăm chị.
An Tư vội nắm chặt tay Yến Ly với vẻ xúc động:
- Trời ơi, thế mà chị không nghĩ ra. Không ngờ "nghĩa nữ của Thăng Long" lại hóa là em. Nhìn gương mặt dạn dày gió sương của Yến Ly, An Tư hỏi:
- Song thân em vẫn mạnh chớ?
- Đội ơn chị hỏi thăm, em cũng không biết thế nào. Dạo em giã biệt Yên Kinh về hành tỉnh Kinh Hồ thì hai thân em đã yếu lắm.
An Tư ái ngại hỏi thêm:
- Thoát-hoan đối xử với em thế nào?
- Chao ôi, nó là hoàng tử nhà Đại Nguyên, nhưng em vẫn coi nó như một tên giặc của nhà Tống. Thằng này trở mặt như trở bàn tay ấy chị ạ. Mà nó thô bỉ lắm. Rồi chị sẽ thấy hết. Dạo em mới về với hắn, hắn chiều em như một thiên thần. Sự thật thì cô gái đẹp nào mới đến với nó cũng thế thôi. Nó là thằng háo sắc, háo dục, như giống sơn dương. Nó yêu ai là chết với nó suốt ngày đêm... Nói ra thêm ngượng, nhưng là chỗ bạn gái, lại chịu chung vận rủi, em không thể không nói hết với chị. Nhưng chị cho em hỏi nhé: Vì sao chị lại đến đây?
Nghẹn đắng ở trong lòng, An Tư không nói được thành lời. Nước mắt cứ ứa ra thành đôi dòng lăn trên hai gò má. Cảm kích nỗi lòng công chúa Đại Việt, một bậc quốc sắc thiên hương mà phải đem thân vào trại giặc cho nó dày vò, Yến Ly nói:
- Em chắc vì nạn nước chị mới phải vào đây. Lau khô hai hàng lệ, An Tư dịu dàng đáp:
- Số là có kẻ dâng cho Thoát-hoan bức chân dung chị kia kìa - Công chúa vừa nói vừa chỉ lên bức tranh treo trên tường - Thế là Thoát-hoan đòi Đại Việt phải nộp chị cho nó. Triều đình không ép chị. Thánh tông, Nhân tông đều không muốn chị vào trại giặc. Chị cũng không muốn. Nhưng rồi vẫn cứ phải đi. Bởi quân nó đánh rát quá. Thế là vì nạn nước, chị phải quên mình. Em có biết kẻ nào đã dâng bức tranh kia cho Thoát-hoan không?
- A! Việc này thì em biết. Chính Sài Thung đem đồ được biếu từ Đại Việt về bán tại cửa hàng nhà em. Và y có đem bức chân dung này ra khoe. Nhận ra hình chị, em xin với phụ thân em mua lại, nhưng Sài Thung không bán. Y bảo đây là bức họa của một quan lớn Đại Việt tặng. Sau em thấy treo trong trướng phủ của Thoát-hoan. Đôi lần em tò mò hỏi, y nói là Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc nhờ Sài Thung đưa tặng chân dung em gái ông ta, để tỏ ý cầu thân.
An Tư tím mặt lại, nàng hết sức căm giận Ích Tắc đã táng tận lương tâm.
Yến Ly lựa lời:
- Em không bênh gì Chiêu Quốc vương. Bây giờ có đổ tới ngàn tội lỗi lên đầu ông ta cũng là hợp cả. Vì ông ta đã đi theo giặc rồi.
An Tư sửng sốt:
- Lại còn thế nữa?
- Chính mắt em trông thấy ông ta vào điện Thiên An. Sợ ông ta nhận ra, em phải lánh mặt. Trong việc này em thấy có điều gian dối nơi Sài Thung. Chị nhìn bức vẽ kia nhé. Dòng lạc khoản chỉ đề năm tháng và tên người họa. Không có lời đề tặng. Nếu như đó là vật tặng, không thể không có đôi lời. Cho nên lai lịch bức họa này em nghi lắm. Hoặc là có kẻ nào lấy cắp, rồi do hạnh ngộ nào đó, nó về tay Sài Thung. Còn Sài Thung thì nhờ nó để mong tiến thân. Bởi từ trước, y đã được phong An Nam phó đô nguyên súy. Nhưng chưa bình xong Đại Việt, y không có đất cai trị.
An Tư thở dài:
- Chị căm thằng giặc Thoát-hoan này lắm, nó tàn sát không biết bao nhiêu sinh linh Đại Việt; tội ác chất chồng, chị chỉ mong sớm tối có thể hạ thủ được nó. Em bảo chị phải làm gì bây giờ? Giúp chị nhé, Yến Ly!
Nắm chặt tay An Tư, Yến Ly thở dài:
- Phải cẩn trọng lắm chị ơi. Sức liễu yếu chúng ta làm gì nổi nó. Chị phải thấy, chúng canh phòng nghiêm ngặt lắm. Hở ra mất đầu như chơi. Nhưng em đã có cách giúp chị. Khẽ buông tay An Tư, nhìn vào tận mắt công chúa, Yến Ly hỏi:
- Chị có nhớ câu thành ngữ: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân" ( Sắc đẹp chẳng phải là sóng vẫn nhấn chìm được người).
An Tư hiểu ý, gật đầu:
- Đấy chúng ta phải đánh giặc bằng cách đó. Phải dụ cho nó đắm chìm trong tửu, sắc. Cho cơ thể nó hao mòn sinh lực. Cho thân hình nó phì nộn ra, bạc nhược ra, để cứ nghĩ đến hành binh là nó ngại, nghĩ đến cưỡi ngựa là nó chán, và chỉ thích đi kiệu, đi cáng thôi. Làm nó được tới mức ấy, là chị em mình đã giết nó tới tám chín phần. Để nó chết theo cách ấy, lợi hơn nhiều là giết hẳn nó, thằng khác lên thay, nó hung ác gấp bội.
Gương mặt An Tư bừng sáng hẳn lên. Nàng nắm lấy hai bờ vai của Yến Ly lắc mạnh:
- Sao em cao kiến thế! Hẳn là trời phái em đến cứu chị, cứu Đại Việt.
- Chị An Tư - Yến Ly nói nhỏ - Có mấy điều em dặn chị, lỡ quên thì khốn. Tức là chị không bao giờ được lộ ra trước bất kỳ ai, mối thiện cảm giữa hai chị em mình. Em giữ đúng thân phận một con thiếp, bị giáng xuống làm nàng hầu. Hai là không bao giờ chị được nói tiếng Việt với em khi có mặt kẻ khác. Chị phải dặn Kim Liên thật cẩn thận, nếu không trước khi ta hạ sát nó, bộ hạ nó đã giết ta rồi.
Còn việc thông tin tức với bên ngoài, khó lắm. Ta cứ liệu dần, không nôn nóng. Một đằng chỉ có hai chị em mình. Đằng này là năm chục vạn đứa, tưởng chị em mình cẩn trọng đến mấy cũng không thừa.
Vừa gặp được Yến Ly có bầu có bạn, vừa ý thức được việc ra đi của mình không phải là vô ích, An Tư phấn chấn hẳn lên. Nàng cảm như mình là một con người khác, hoàn toàn khác. An Tư nắm lấy hai bờ vai Yến Ly lắc mạnh:
- Không. Nhất định không chỉ có hai chị em mình chống lại nó. Chị tin rằng Chiêu Thành vương của chị không để cho chúng sống yên. Cả Đại Việt cũng sẽ vùng lên. Chị tin như thế, Yến Ly ạ.
Lại nói đại quân của Hưng Đạo và triều đình đã lui vào Thanh Hóa, bèn bắt tay ngay vào việc chỉnh bị quân ngũ, lương thảo, lo chống giặc từ mặt bắc tràn vào. Nhân tông cũng cử người qua Chiêm Thành vay lương, phòng công cuộc kình chống Thát-đát còn kéo dài. Sở dĩ có mệnh này là do mấy năm trước, ta đã đem quân cứu Chiêm Thành, hai bên đã ước thúc phải trợ giúp lẫn nhau khi họa biến.
Từ sau ngày lập hạ, thời tiết nắng nóng thất thường. Bằng vào sự trải nghiệm trong dân gian như nhãn sai lúc lỉu, các giống cây, lá đều xanh mướt. Các loại côn trùng quen sống ở thấp như kiến, chuột đều dời tổ lên cao. Và nữa xem tinh tượng, cũng thấy phù hợp với các loài côn trùng, thảo mộc, Hưng Đạo biết thời tiết khác thường; mưa nhiều, nắng ít, lụt lớn. Ông lại cho quân đi thám thính các vùng giặc đóng, xem chúng đã phát bệnh gì chưa. Quân về bẩm báo: trong trại giặc các bệnh thời khí như trướng bụng, ỉa chảy, đau lưng, nhức xương, sốt rét cùng các loại cảm mạo đã phát sinh. Loáng thoáng đã có tới vài trăm tên giặc chết về các loại bệnh này.
Hưng Đạo sai những đạo quân triều đình đã chia về các động, sách, nay phải phối hợp với dân binh người địa phương ở tất cả các châu, quận nổi lên đánh tỉa các trạm, trại giặc. Ngăn chặn các trạm, trại không cho chúng tiếp ứng với nhau. Lại phải nhằm vào các kho lương, kho cỏ mà đốt. Và làm bẩn tất cả các nguồn nước giặc thường phải ăn uống, tắm giặt.
Mùa hè đến, trại giặc bắt đầu uể oải. Khác với dạo mùa đông, sớm tinh sương khi mới nổi hiệu kèn đầu, lính đã rục rịch. Xong hiệu kèn thứ hai, quân ngũ đã chỉnh tề. Sang hiệu kèn thứ ba, quân có thể xông ngay ra các ngả theo hiệu cờ. Nay thì khác hẳn. Dứt hiệu kèn thứ ba rồi mới có vài tên thò mặt ra trước lều trại. Đứa nào đứa ấy mắt híp lại, vẻ mệt mỏi. Phải đến hàng giờ sau lính mới ra khỏi trại: đứa đứng, đứa ngồi, đứa ngáp, đứa thì ngã vật ra, nom không còn vẻ gì là thể thống của một đội quân.
Giặc lại đánh vào Thanh Hóa, Hưng Đạo tự đi xem xét thế trận hai bên. Tiểu tướng quân Trần Quốc Toản xin được nghênh chiến. Ông ưng cho, nhưng dặn:
- Cháu phải hết sức cẩn trọng, không được ham đuổi giặc như trận Vạn Kiếp, lỡ mắc mưu chúng. Lại khi nghe thấy trống thu quân, phải cấp kỳ quay về, một bước cũng không tiến thêm.
Quốc Toản cúi lạy:
- Tiểu tướng xin lĩnh mệnh.
Sáng sớm giặc đã đến trước trại ta hò la thách đánh. Chúng réo gọi cả tên hai vua ta mạ lị. Quân vào bẩm, Quốc Toản vẫn cười vui. Chàng tiểu tướng quân hôm nay ra trận với tư thế điềm đạm của một vị tướng đã từng trải. Dù sao thì chàng cũng đã so đao với Ô-mã-nhi ở Vạn Kiếp, lại đối mặt với viên tả tướng Đường-ngột-đải ( Tang'utai) trong ải lũy Nghệ An. Bữa nay tuy tiết trời đã sang hạ, nhưng trước khi lâm trận, Quốc Toản có thói quen phải mặc tấm áo đại hồng rách, mà mẫu thân chàng đã vá tiếp vào đấy mấy miếng vải màu chàm.
Bà định vá cho đám gia nhân cày cuốc mặc đỡ. Ai ngờ Quốc Toản vì lòng kính yêu mẹ, cứ đòi mặc ra trận. Bà đã nghiêm dạy: "Ra trận con phải ăn mặc đàng hoàng như một
vị tướng của triều đình, kẻo giặc nó khinh". Nhớ lời mẹ dạy, Quốc Toản chỉ dám mặc tấm áo đó trong lần sát với thịt da mình, như để có cái tình của mẹ, có bàn tay mẹ che chở. Mặc xong tấm áo vá cũ, chàng đeo mảnh giáp bộ tâm trước ngực rồi phủ ra ngoài bằng tấm áo bào màu tía có thêu đôi chim phượng trắng đang múa, lưng thắt đai dát bảy viên ngọc quý. Tấm áo này do An Tư công chúa, cô chàng và sẽ là người thím ruột may tặng. Trên đầu, chàng đội chiếc mũ đâu mâu có dát viên hồng ngọc ngay trước vành trán, luôn tỏa sáng, cứ như chàng có thêm con mắt tuệ. Lưng chàng dắt thanh đoản kiếm, chân đi hia đen, thêu hình hai con đại long sà leo quấn quýt quanh thân hia, màu trắng. Y phục vừa xong, viên cận vệ nâng cây đại đao dâng chàng. Trước sân, con Ô long đã đóng sẵn yên cương, chờ chàng. Quốc Toản tay nắm đại đao, tay cầm cương ngựa, chàng khẽ gõ cán đao xuống đất lấy đà, loáng đã vút lên mình ngựa. Lập tức con Ô long tung cao hai vó sau phóng đi như bay. Ngọn cờ đỏ do mẫu thân chàng may, thêu sáu chữ vàng: "PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN" được một tiểu tướng giương cao trên lưng con tía mật, đang vun vút lao đi trước chàng.
Các tướng tả, hữu của Trần Quốc Toản hôm nay cũng được theo ra trận gồm mười dũng sĩ, trạc tuổi chàng, gương mặt cũng hao hao như chàng, do đô tổng quản Lê Như Hổ đích thân tuyển lựa và huấn luyện. Mười viên tiểu tướng quân này đã kinh qua thập bát ban võ nghệ, lại học thêm đủ các thuật phi hành nhanh như sóc, và bơi lặn dưới nước như đi trên bộ.
Mười viên tướng tả, hữu đó vận cũng gần giống như chủ tướng, chỉ có điều là áo của họ màu đỏ, trước ngực thêu hình con nghê đang múa, và mũ đâu mâu của họ không có dát ngọc. Cả mười viên tiểu tướng đều sử đại dao như Trần Quốc Toản, và cỡi trên lưng những con ngựa Ô long như ngựa của chàng.
Nom Trần Quốc Toản và mười viên bộ tướng của chàng, ai cũng phải có chung một cảm nghĩ: Đây là các thiên tiên đồng tử đi dạo chơi nơi hạ giới. Ấy vậy mà họ đang đi vào trận. Họ sắp phải đánh nhau với một đội quân tự xưng là thiên binh, và lũ tướng thì ngạo xưng là thiên tướng của một tên vua hung bạo có cái tên là Hốt-tất-liệt, và y cũng mạo xưng là thiên tử trong một cái triều đình rắn rết tiếm xưng là thiên triều.
Cách giặc chừng hai tầm tên bắn, Quốc Toản ghìm ngựa lại xem xét thế trận bên kia.
Bên kia cũng có hai tên giặc mang cờ đại tướng xông ngựa ra thách đánh. Quốc Toản phảy tay, hai tiểu tướng quân vút ngựa ra nghênh địch. Đánh nhau chừng mười hiệp, tướng giặc vờ chém hụt rồi quay đầu lại. Quân ta không đuổi, chỉ khua trống đồng thanh viện.
Giặc biết không lừa được bên ta, bèn nổi kèn xung trận, và có một viên hổ tướng vọt ngựa lên phía trước, mang hiệu cờ có dòng chữ "Ô-mã-nhi Bạt-đô".
( Bạt-đô, tiếng Mông Cổ: Ba'atur có nghĩa là dũng sĩ. Đây 1à danh hiệu phong cho các dũng tướng.)
Vừa nhận ra tên tướng giặc đã bắt hụt ở Vạn Kiếp, Trần Quốc Toản thúc ngựa vút lên hươi đao chém liền. Ô-mã-nhi né được. Quốc Toản lại xông vào quấn chặt lấy Ô-mã-nhi.
Lê Như Hổ ở phía sau luôn giám sát chủ tướng, xem chàng có sơ hở gì còn kịp tiếp ứng. Trên đài cao, quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đích thân quan sát. Ông rất hài lòng với viên thiếu niên dũng lược. Và tuy còn ít tuổi, nhưng cháu ông đã tỏ ra có bản lãnh. Càng đánh, đường đao của Quốc Toản càng linh lợi. Ô-mã-nhi cũng là một tay cự phách. Y sử cây đại đao với các nước đánh, đỡ chắc nịch, kín cạnh, song lại nặng về thế thủ. Chỉ những tay đao cáo già mới vừa đánh vừa giữ sức như thế, để nhằm sơ hở của đối phương mà hạ độc thủ.
Nhìn kỹ, Hưng Đạo còn thấy một luồng ám khí hãm nơi chính trung (giữa trán) của Ô-rmã-nhi. Đây là điềm ứng vào chủ tướng y. Ngay gương mặt Ô-mã-nhi cũng gờn gợn nét hung khí.
Xem ra y có vẻ căng thẳng, mệt mỏi. Trái với Ô-mã-nhi, Trần Quốc Toản gương mặt sáng ngời, tay đao uyển chuyển luôn thay đổi thế đánh, khiến tướng giặc đã có phần nao núng. Khen cho viên tiểu tướng này cường sức, đánh tới dư ba trăm hiệp mà không có một sơ hở nào, Hưng Đạo chợt thấy ánh đao lóe lên; rồi Ô-mã-nhi bấm ngựa nhảy dài. Ông lo đến thót tim, vì tên giặc già này dùng miếng đà đao của Quan Vân Trường. Chợt nhìn thấy Quốc Toản ghìm đứng cương ngựa lại, con Ô long chồm hai vó trước lên, và chàng đặt ngang cây đại đao trước ngực khanh khách cười. Hưng Đạo thở phào và thầm khen: Giỏi!
Vừa lúc Ô-mã-nhi quay ngựa lại, bốn mắt nhìn nhau nảy lửa. Quốc Toản hét:
- Tên giặc kia, hôm nay ta quyết lấy đầu mi, chứ không cho mi chạy thoát như trận Vạn Kiếp?
Ô mã-nhi cũng thét:
- Thằng nhãi ranh không bằng tuổi con út tao kia, hôm nay tao phải chặt đầu mày treo cổ ngựa mới nghe?
Hai tướng mạ lị nhau bằng hai thứ ngôn ngữ riêng của mình. Không ai hiểu được lời nói của ai, nhưng đều đoán rất chính xác các lời vàng ý ngọc của nhau.
Hai người lại xông vào quần nhau. Ô-mã-nhi vừa đánh vừa nghĩ: "Thằng ranh con này ghê thật, ta không làm sao lừa nổi nó". Đánh vài hiệp, y lại nghĩ: "Nếu không dùng mưu đánh lén mà diệt nó, nhiều tướng thiên triều sẽ khốn đốn với nó". Ô-mã-nhi dấn lên dăm hiệp lại nghĩ: "Gương mặt thơ ngây kia sẽ làm cho nhiều tướng chết vì coi thường nó".
Ô-mã-nhi vận nội công đánh dấn lên mấy đường đao, rồi vờ chém hụt để tháo chạy. Bên này Lê Như Hổ nổi trống thu quân. Trần Quốc Toản quay ngựa lại, lòng đầy hậm hực.
Hưng Đạo thấy Ô-mã-nhi đánh bậy mấy đường đao, biết y lại sắp giở mẹo lừa. Khi thấy y vờ chạy mà Lê Như Hổ nổi trống thu quân, thì ông hết lòng tin vào sự chín chắn và tài thao lược của Như Hổ. Và yên tâm, Quốc Toản có người giám hộ đầy mưu lược.
Ô-mã-nhi vừa quay đầu vừa huơ đao lên, lập tức hai toán kỵ binh từ hai cánh xông ra định chụp lấy Trần Quốc Toản.
Nhưng con Ô long đã đưa chàng về tới đầu trại, và mười dũng sĩ hộ vệ đã ở cạnh chàng. Khi đoàn người, ngựa Thát-đát xông lên, quân ta nhất tề bắn nỏ liên châu. Người, ngựa giặc trúng tên độc, ngã lăn quay, hét rống lên như hổ bị sa lầy. Lớp nọ chết chồng lên lớp kia, kể có hàng trăm tên. Lúc này Lê Như Hổ mới thúc trống cho quân ta xông ra đuổi. Giặc chạy xéo lên nhau chết vô số kể.
Ô-mã-nhi đóng chặt cửa trại năm ngày liền.
Hưng Đạo vương cho quân đi thám về biết rằng: Thoát- hoan thấy quân ta đã vào Thanh Hóa, sai Toa-đô đem quân quay lại. Toa-đô cáo ốm nằm dài ở Trường Yên. Y phái tả hữu đem quân đi. Nhưng bọn này mới thoát cái nạn giam buộc từ mấy năm nay trên đất Chiếm Thành, cực chẳng đã chúng phải tuân theo. Song đều tỏ ra mệt mỏi, không muốn giao tranh. Bởi vậy, Thoát-hoan phải cử Ô-mã-nhi vào trợ chiến. Ngay quân của Ô-mã-nhi và chính hắn, cũng tỏ ra mệt mỏi trước thời tiết nóng, ẩm phương nam.
Lại nói về quản quân Nguyễn Lộc, đầu mục Nguyễn Lĩnh và tướng gia nô Nguyễn Địa Lô của Trần Hưng Đạo trên đất Lạng Châu, đã náu mình trong rừng sâu núi hiểm một thời gian dài. Nay cho quân đi thám, thời biết giặc đã lập ra các trại trạm quân để duy trì việc chiếm đất, và giữ cho đường tiếp lương, chuyển quân được an toàn, thông suốt. Lại thấy giặc đi đứng nghênh ngang, chè rượu lu bù như sống trên đất của chúng. Nguyễn Địa Lô bàn với hai tướng Nguyễn Lộc, Nguyễn Lĩnh:
- Theo ý tôi, hiện tình quân giặc đúng như lời quốc công dặn lại. Vậy ta nên kíp hành động.
Nguyễn Lộc nói:
- Tướng quân nói rất hợp với ý tôi. Quân về thám vùng xuôi cũng nói giặc đã chiếm được Thăng Long. Triều đình đã lui cả vào Hoan, Diễn. Vậy đã tới lúc ta phải ra tay.
Nguyễn Lĩnh tiếp lời:
- Hai ông nói rất phải. Giặc đã kéo về miền xuôi gần hết. Mỗi trại, trạm quân của chúng quanh vùng này chỉ có vài trăm tên, đóng rải trên trục đường từ ba mươi đến sáu mươi dặm. Nếu ta đánh trại này lại cho quân phục trại kia, thời chúng không ứng cứu được nhau. Diệt vài chục trạm quân như thế trên đất Thất Nguyên, Vĩnh Bình và cả trấn Lạng Châu này chỉ nửa tuần trăng là xong hết.
Nguyễn Địa Lô lại nói:
- Đúng như tướng quân Nguyễn Lĩnh dự liệu. Ta chỉ đánh nửa tuần trăng là hết giặc trên đất Lạng Châu. Nhưng theo tôi, ta nên bất ngờ tập kích vào hàng loạt các kho quân lương, khí giới, diệt hết các trạm ngựa. Lại cũng diệt dăm ba trại quân, bắt lấy một ít tù binh rồi thả chứng về các trạm chưa bị đánh, để gây hoang mang cho quân chúng. Rồi cho các đội dân binh cứ đêm đêm vào quấy rối trại giặc, khiến chúng mất ăn mất ngủ. Ban ngày thì phục quanh trại, chờ chúng ra khỏi trạm chừng một vài dặm là đánh.
Các tướng đang bàn việc đánh giặc thì có quân vào bẩm: bắt được người lạ. Họ đòi gặp tướng quân Nguyễn Địa Lô.
Nguyễn Địa Lô nhận ngay ra người đó là Ngô Hùng, trong đoàn đội trạo nhi của ấp An Sinh.
Ngô Hùng chuyển lời thăm của quốc công tiết chế Hưng Đạo vương tới các tướng, rồi nói luôn công việc mà các quân trên trấn Lạng Châu phải làm. Đại loại cũng giống như những việc các tướng đang bàn.
Lại giao trọng trách cho các tướng phải đón đánh bằng được đoàn hộ tống các của cải châu báu, bạc vàng mà giặc lấy được trong các kho, và cướp của các nhà giàu ở Thăng Long, đưa về Yên Kinh theo đường bộ, qua ải Chi Lăng lên cửa khẩu Chi Ma trên ải Vĩnh Bình. Trong đoàn còn có một số tên phản bội ra hàng, giặc đưa về Yên Kinh, mưu toan lập triều đình bù nhìn. Phải đón bắt cho bằng được bọn chúng để trị tội. Các tướng liền chia nhau đem quân đi mai phục nơi đèo ải hiểm trở.
Minh-lý Tích-ban(Manglai-Siban) được Thoát-hoan sai dẫn bọn đầu hàng về nước. Công việc giấu kín, ngoài kẻ áp dẫn không một tướng nào được biết. Minh-lý Tích-ban đã cho bọn đầu hàng cải trang như lính Thát-đát, đi lẫn vào với đám quân tải lương. Đám này đi từ Thăng Long về tới địa đầu trấn Lạng Châu, không hề gặp một trở ngại trên đường. Chúng đã hí hửng nghỉ ngơi, chè chén, trò chuyện, cười đùa, cứ như là chúng đang ở đất Kinh Hồ. Khi bước vào đường hẻm qua ải Chi Lăng, nhìn con đường độc đạo heo hút cứ thu hẹp lại như nút cổ chai. Hai bên vách núi dựng đứng, rừng cây âm u, gió ngàn vi vút, suối chảy róc rách, mây phủ trắng xóa, khiến có cảm giác đây là thuở hồng hoang, đất trời chưa phân biệt.
Đường mỗi lúc một hẹp dần, xe một ngựa kéo phải nghiêng bánh mới lách qua được. Thỉnh thoảng một trận gió ào qua, mây trắng sà xuống lòng đường, hai người nắm tay nhau mà không nhìn rõ mặt. Tiếng chim tu hú, tiếng tắc kè, tiếng "bắt cô trói cột" như từ các khe lạch, hang hốc hoặc ngay từ một nhành cây trên đầu vẳng tới, như xa như gần, như thực như mơ, gây cảm giác hư vô, chìm đắm. Là một tướng dạn dày. chiến trận, Minh-lý Tích-ban níu tay cương của Chương Hiến hầu Trần Kiện nói nhỏ vào tai: "Tướng quân thử xem có đường tắt nào khác không. Ta e đường này có quân phục".  Trần Kiện cười sằng sặc:
- Ngỡ tướng quân lo thiếu rượu uống dọc đường, chớ quân phục thì không lo. Phạm Ngũ Lão giữ ải này đã chạy bắn vào tới Diễn Châu rồi.
- Tướng quân tự phụ quá. Ta xem ải này có cái thế nhất nhân địch vạn. Nếu phía trước bị chẹn đường, hai bên đều có quân phục thời ta hết đường chạy.
- Tôi cam đoan với tướng quân, binh triều đình thua chạy tan tác hết rồi. Dân trong vùng ai cũng dạt cả vào rừng sâu, thử hỏi còn ai chống lại thiên binh? - Nói rồi Trần Kiện săm săm cho ngựa vượt qua anh em Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, vượt cả Nghĩa Quốc hầu, con của Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc, định tiến lên đầu đoàn quân cho Minh-lý Tích-ban yên tâm. Nhưng thuộc hạ của Kiện là Lê Trắc vội kéo y lại.
Đúng lúc ấy phía trước sồng sộc đá lăn chẹn lấp mất đường, bốn mặt đều có tên bắn ra như vãi và khói xông mù mịt. Kiện sợ quá tìm chỗ chúi, rúc cả vào háng ngựa.
Minh-lý Tích-ban cùng đội quân Thát-đát cụm lại để che mạng cho lũ hàng tướng, rồi cố sống cố chết tìm đường tháo chạy. Còn được vài chục con ngựa hợp lại để đi tiếp, khi vừa  thúc cho ngựa chạy nước đại thì chúng lại lăn kềnh ra vì  giẫm phải chông ba mũi. Cảnh tượng chúng thật thê thảm, phải bỏ ngựa què lại mà kéo nhau chạy bộ vào trạm quân gần đó để lấy thêm ngựa, thêm quân. Mấy ngày sau quân chúng bị săn đánh từ các ngả. Khi chúng chạy tới gần Khâu Ôn, tưởng sắp thoát sang bên kia biên ải, lại bị trận đại phục kích của tướng Nguyễn Địa Lô.
Trong mấy trận Nguyễn Lộc, Nguyễn Lĩnh chặn đánh, tướng giặc Minh-lý Tích-ban đều đem quân ra đỡ cho bọn phản bội, nên chúng đều thoát chết. Nguyễn Địa Lô tức lắm, tướng quân quyết không tha chúng. Nhất là tên Trần Kiện, trong lúc thế nước đang nguy, nó đem theo cả một vạn quân đi hàng giặc. Lại dẫn đường cho giặc tìm bắt thái sư tướng quốc thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là chú ruột, thật là táng tận lương tâm. Tên này không thể để cho sống được nữa.
Khi tướng giặc lọt vào trận địa, Nguyễn Địa Lô cho đi khỏi, rồi mới chặn khúc giữa. Một toán đánh hất Minh-lý Tích-ban về phía trước. Toán khác khóa chặt hậu quân giặc, trong đó có bọn phản bội để diệt.
Khi Minh-lý Tích-ban đã cắm đầu chạy, đám Trần Kiện cũng ngơ ngác tìm đường thoát. Nhìn rõ Trần Kiện, Nguyễn Địa Lô bèn gọi thật to:
- Chương Hiến hầu!
Trần Kiện vừa ngước nhìn về phía có tiếng gọi thì "vút" - một chiếc tên tẩm độc đã cắm trúng mắt y. Kiện không kịp kêu mà gục ngay xuống mình ngựa. Lê Trắc vội kéo xác chủ đặt lên lưng ngựa của mình, rồi theo lối quân Thát-đát mở đường máu mà chạy. Y chạy về tới Khâu Ôn thì bới đất chôn Kiện, rồi tìm đường trốn sang nước giặc. Trần Tú Hoãn cũng thoát được sang Nguyên. Nghĩa Quốc hầu, con trai Trần ích Tắc đã trốn vào trại giặc vẫn còn run cầm cập, mặt tái mét có cắt cũng không được một giọt máu.
Thế là cả đội quân của Minh-lý Tích-ban bị săn đánh, chết tới quá nửa. Các đồ vàng bạc chúng vơ vét đem về nước, đã bị quân ta chiếm lại. Bọn phản nước bì trừng trị, đứa bị giết, đứa chạy tán loạn, kinh hồn bạt vía.
Tin thắng trận tức tốc bay vào tới đại bản doanh của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương. Lại đúng dịp nắng rát mưa nhiều, nước sông lên to. Hưng Đạo biết thời cơ đuổi giặc đã đến, bèn tâu với hai vua về sự sắp đặt chiến trận. Ông nói:
- Hạn cho giặc ở trọ Thăng Long đã mãn, xin bệ hạ xuống chiếu thu hồi.
Vua Nhân tông mỉm cười. Nom gương mặt nhà vua rạng rỡ. Để mắt nhìn khắp quần thần, Trần Nhân tông phán:
- Quốc công cho nghe kế đuổi giặc.
Hưng Đạo nói:
- Sức giặc như cơn bão đã hầu tàn. Trận thắng của Nguỵễn Lộc, Nguyễn Lĩnh, Nguyễn Địa Lô trừng trị giặc Thát và bọn phản bội, đã làm kinh động tới cả lũ giặc ở Thăng Long. Nay dân binh các nơi đều nổi dậy. Giặc đang khốn đốn về lương thực. Lại thời khí nóng ẩm, giặc ốm tới nửa số quân. Số còn lại mệt mỏi, thiếu đói, mất ăn mất ngủ, hoang mang hãi sợ. Quân thiếu, lại trong một thế trận trải dài. Vừa qua, chúng đã phải đưa binh ra khỏi Thiên Trường để tăng viện cho Thanh Hóa, Trường Yên, Thăng Long. Toa-đô cũng vừa vào với cánh quân cũ ở Hoan Châu. Thế trận tới đây cũng phải chia địch ra mà đánh, không cho chúng ứng cứu được nhau.
Hưng Đạo chợt dừng, vừa lúc Phạm Ngũ Lão treo lên một tấm bản đồ có đánh dấu các nơi giặc đóng quân. Chỉ ngọn roi vào dòng sông có màu nâu đỏ, quốc công nói:
- Ngược dòng từ Thiên Trường trở lên có vài thủy trại của giặc cực lớn án ngữ các cửa sông như A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử. Bóc hết các trại quân này về mặt thủy, ta đã tiến sát Thăng Long.
Mặt bộ- Quốc Tuấn nói tiếp, ông lấy cây bút đỏ vạch một đường cắt ngang giữa Trường Yên và Thanh Hóa; lại một đường chia Trường Yên và Thăng Long thành hai khu phân lập. Cây bút vạch một mũi tên đỏ ôm lấy Vạn Kiếp, quặp vào Nội Bàng, đan chéo qua Chi Lăng.Đoạn Hưng Đạo khoanh một vòng tròn, dai khít lấy Thăng Long, rồi nói:
- Cùng một lúc, ta sẽ tiến binh vào tất cả các nơi đó, chẹn hết dường giặc vào ra ứng cứu. Phải đánh cho giặc khốn đốn, không dường tháo chạy. Phải diệt cho chúng không gượng dậy được. Phải gây cho chúng nỗi kinh hoàng để dạ, mỗi khi chỉ nghe thấy hai tiếng Đại Việt đã rụng rời - Hưng Đạo ngừng lời, nhìn khắp từ quan văn, tướng súy thấy gương mặt ai cũng tươi nhuận. Nhất là vua Nhân tông, đôi má nhà vua hồng lên, cặp mắt sáng linh lợi như tỏa ánh hào quang. Thật là vượng khí. Khác với bữa trước ông nhìn bộ mặt Ô-mã-nhi, thấy thần khí của y, và nơi ứng vào cung chủ của y, đều mờ xám. Ông thầm nghĩ: kỳ này ra quân chắc là quét xong giặc dữ. Khẽ đưa tay lên ve vuốt chòm râu, đó là thói quen của Hưng Đạo mỗi khi lòng thanh thản - chợt nhận ra: râu đã bạc trắng tự bao giờ. Ông nhủ thầm: hóa ra ta đã già rồi sao? Quốc công tiết chế mỉm cười, rồi tiếp:
- Hiện đang mùa nước lớn, chiến trường lầy lội. Kỵ binh của giặc kể như là vô dụng. Quân giặc vốn người phương bắc, không thạo nghề đánh thủy, mà phương tiện thuyền bè chúng đều thiếu thốn. Xét thấy mọi mặt, giặc đang ở vào thế hãm, thất lợi - Còn về phía quân ta, quốc công nói như một tiếng reo vui - Ta còn ém được hơn mười vạn quân từ Long Hưng đến các vùng ven biển lộ Hải Đông. Cũng còn được vài vạn nữa, đang sát cánh với đám dân binh người trên các sách, động miền ngược. Quân lương thì ta còn đủ dùng trong vài năm. Sức quân ta đang khỏe, chỉ mong giết giặc lập công, khôi phục lại giang sơn. Vậy xin thượng hoàng cùng quan gia cho ý chỉ, để các quan cùng bàn.
- Lòng trời còn tựa Đại Việt ta nhiều lắm. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa như quốc công nói, ta đều hội đủ. Vậy bây giờ chính là lúc phải tiến binh gấp. Phương lược ấy coi như là thượng sách, song các quan văn võ, ai có kế hay xin góp thêm vào. Nhà vua nhìn về phía Lê Văn Hưu, hỏi vui:
- Sử quan thấy thế nào?
Lê Văn Hưu chỉnh lại vành khăn, xốc lại cổ áo, rồi tâu:
- Mối lo nhất của thần là sao cho đủ tai đủ mắt để nghe, để thấy hết các sự kiện mà chép vào quốc sử cho nghiêm cẩn.
Trần Nhân tông cũng gặng hỏi, nhưng các quan đều cho phương lược của Hưng Đạo là viên mãn.
Chỉ có thượng tướng Trần Quang Khải nói thêm:
- Lòng quân đang náo nức chờ đánh giặc lập công, xin quốc công cử tướng rồi chọn ngày khởi binh là vừa.
Nhân tông lại nói:
- Quyền thống lĩnh ở trong tay quốc công, xin tùy nghi sắp đặt. Riêng trẫm xin làm tướng đánh Trường Yên.
Quan quân đều hùa reo vạn tuế! Thế là các tướng đều tự mình xin được đánh vào chỗ nào, chỗ nào. Hưng Đạo thấy phấn chấn lạ thường. Ông hẹn với các tướng:
- Được hoàng thượng trao quyền, bản chức sẽ lập tờ ủy thác cho các tướng cùng số binh sĩ tùy tòng, chia nhau đi đánh dẹp bè lũ Thoát-hoan. Nhưng ai đã nhận đánh ở đâu đều phải lập kế sách đầy đủ, phải làm tờ quân lệnh, phải cam kết, xét thấy hợp mới được tiến binh.
Các tướng trở về trại mà lòng đang ở chiến trường.
°
Trâu Tôn, viên thầy thuốc nổi tiếng người Trung Nguyên bị bắt theo quân đi chinh phục thấy lính ốm đau, thiếu thốn đủ đường, lòng đau như cắt, xin gặp Thoát-hoan tới năm bảy lần đều không được. Sớm nay y lại vào trước cửa cung Thúy Hoa, tự hẹn: nếu Trấn Nam vương xua đuổi, thời đập đầu chết còn hơn là sẽ phải trông thấy một đội quân ốm yếu cứ chết dần chết mòn.
Thật là may mắn cho Trâu Tôn, ông chờ chưa tới giờ ngọ thời thấy Trấn Nam vương vừa thức dậy ra dạo ngoài hoa viên.
Gạt đám nữ tì léo nhéo cản, Trâu Tôn chạy vào quỳ trước Thoát-hoan.
Thấy có kẻ đến làm phiền. Thoát-hoan giận lắm đã toan đuổi, nhưng chợt nhận ra Trâu Tôn liền hỏi:
- Ngươi có việc gì đến tìm ta sớm thế?
Trâu Tôn ngửa mặt nhìn trời, ánh nắng chói chang thiêu đốt, mặt trời gần đứng bóng. Lòng se lại, viên thầy thuốc nói:
- Tâu bề trên, giờ đã chính ngọ, còn sớm gì nữa.
- Ừ thì ngọ, Thoát-hoan đáp vẻ bực bội - Nhưng ở cái xứ này nóng lắm, ẩm lắm, mưa lắm. Nhà ngươi có thấy mỗi lúc ta phải bước ra khỏi lâu đài là rất khó chịu.
Trâu Tôn được dịp nói luôn:
- Bẩm Trấn Nam vương, thế mà người lính cứ phải phơi mình kiếm củi, kiếm cỏ, kiếm lương, đi đánh nhau suốt ngày chịu mưa nắng, nhiễm bệnh thời khí ốm tới nửa số quân rồi.
- Ngươi là thầy thuốc để quân ốm không chữa trị, còn kêu gì ta.
- Bẩm Trấn Nam vương, có nhiều bệnh do thời khí phát sinh chưa lường hết được, mà thuốc từ phương bắc đem sang không hợp thủy thổ, trị không công dụng.
- Sao ngươi không kiếm tìm vị thuốc quanh đây rồi sai lính hái về? Sao không bắt đám thày thuốc bản xứ đến mà tra hỏi?
- Bẩm các việc đó đều đã có làm, nhưng không có kết quả.
- Vì sao? - Thoát-hoan gắt hỏi.
- Bẩm thầy thuốc người Nam, họ đi trơn hết cả. Các kho thuốc họ cũng chuyển đi hết. Quân tản ra tứ phía kiếm tìm, lùng sục đều vô vọng. Vì người Nam dùng kế thanh dã. Còn cây thuốc, vị thuốc cũng không hái được, là bởi khắp nơi ngập lụt.
- Vào rừng mà hái.
- Vào rừng, phải đổi cả chục mạng quân cũng chưa được một quẩy lá.
Vừa lúc đó thị nữ ra quỳ trước Thoát-hoan:
- Bẩm đức ông, lệnh bà con mời đức ông vào dùng trà.
Trâu Tôn bực bội đưa mắt lườm thị nữ. Ả lườm lại rồi vênh mặt trêu tức.
Thoát-hoan quay vào, phảy tay cho Trâu Tôn lui, còn dặn với:
- Cứ liệu mà làm, ngươi đừng đến quấy ta nữa.
Trâu Tôn hậm hực bước ra, lòng đầy căm giận. Y thầm rủa Thoát-hoan: “ Nòi giống mày ngu, chết đến cổ rồi mà vẫn chưa biết. Sức mày khỏe là thế mà suy sụp rồi. Người béo đấy nhưng thịt nhão. Da bệch như sáp. Mắt lờ đờ như có sương phủ, ấy là bệnh sắc dục thái quá, khí hư từ can, thận bốc lên.Mặt mày lại có hôn ám, khó thoát được nạn này. Ôi, ta mongcho người An Nam chém đầu mày đế dân tao đỡ khổ vì nạn đao binh, do cha con mày gây ra từ khắp bốn phương trời... "