CHƯƠNG 2

Khi sứ đoàn của Sài Thung đến phủ Tư Minh(Nay là huyện Ninh Minh thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) thì đội quân hộ tống An Nam quốc vương Trần Di Ái, theo lệnh thiên tử nhà Đại Nguyên Hốt-tất-hệt đã hạ trại ngoài cổng thành chừng năm dặm.
Nom đám lều trại, ngựa chiến, ngựa thồ của một ngàn quân Mông Cổ sắp đặt ngay ngắn tề chỉnh, khí giới lương thảo đâu vào đó, Sài Thung lấy làm hài lòng. Và đám quân tân phụ bốn ngàn tên lấy từ quân bản bộ của lộ Quảng Tây, cũng hạ trại liền sau đó. Sài Thung có cảm giác khó chịu thấy lũ quân người phương Nam - đồng bào của y lờ mờ dưới những chóp nón tre đan rộng vành, mặt mũi đứa nào đứa ấy buồn thiu, ủ rũ không hồn như lũ lính ma trơi. Với lòng khinh ghét, Sài Thung không thèm nhìn đám quân tân phụ, mà đi thẳng vào khu lều trại quân Mông Cổ. Viên lễ bộ thượng thư người Hán, được vua nhà Đại Nguyên sủng ái, cất nhắc vào chức An Nam phó đô nguyên súy. Vì Sài Thung từng lãnh chức chánh sứ sang Đại Việt nhiều lần: vừa quen thung thổ, vừa am tường phong tục, lại có nhiều thủ đoạn trong nghề bang giao. Lần này, Sài Thung còn lãnh một trọng trách vừa to lớn, vừa mới mẻ, tức là bang giao có vũ trang. Sài Thung nắm trong tay một bộ máy triều đình của nước An Nam, do thiên tử nhà Đại Nguyên áp đặt. Từ quốc vương đến các đại thần, đều lấy ra từ đoàn cống sứ của Đại Việt Chẳng hạn Trần Di Ái dự hàng quốc thúc của An Nam quốc vương Trần Nhân tôn, vốn là viên chánh sứ sang đại đô năm trước được giữ lại. Thiên tử nhà Đại Nguyên đã mông ân cho y làm An Nam quốc vương, và phế truất cha con Nhật Huyên(Tên thật của Trần Thánh tông là Trần Hoảng, bọn vua quan và sứ giả nhà Nguyên đều gọi sách mé là Nhật Huyên.). Ngay cả bộ máy cai trị của thiên triều, cũng đã sắp đặt đâu vào đấy.
Sài Thung khấp khởi, phen này y chỉ dùng ba tấc lưỡi với một đạo binh nhỏ, cũng thừa sức làm cho vua tôi nhà Trần phải run sợ đầu hàng. Vì rằng, nếu năm ngàn quân kia không xong, thì sẽ có năm mươi ngàn, sẽ có năm trăm ngàn. Sẽ có ức, triệu quân đến làm cỏ xứ này. Vì rằng Trung Nguyên mênh mông là thế, vĩ đại là thế, còn bị vó ngựa Mông Cổ đạp nát cả thành trì, vua tôi nhà Tống cõng nhau nhảy xuống biển chết trôi, chết chìm, huống chi lũ sẻ Thăng Long, đọ sao được với đại bàng thảo nguyên. Sài Thung mỉm cười bước vào lều trướng của viên tướng người Mông Cổ, để bàn kế tiến binh vào đất An Nam cùng với sứ đoàn của y.
(Trận đại bại của vua tôi nhà Tống ở Nhai Sơn năm Kỷ mão (1279). Quân Nguyên đánh úp, quân Tống thua. Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Qua bảy ngày, xác nổi lên mặt biển đến hơn mười vạn người. Đến đây kết thúc triều đại nhà Tống. Hốt-tất-liệt thống trị Trung Hoa và đổi niên hiệu là Đại Nguyên.)
Ba ngày sau, khi vừa canh một, Sài Thung đã đốc thúc đám Trần Di Ái dẫn đường qua cửa Tư Minh, để vào đất Đại Việt. Đám lính hộ tống người Mông Cổ quân ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc đi cách xa chừng nửa dặm. Sau cánh quân người Mông Cổ là quân tân phụ.
Đêm mùa hè mát rượi. Trời đầy sao. Sương tưới đẫm cây cỏ hai bên vệ đường. Rừng cây âm u, đầy bí hiểm. Thỉnh thoảng lại lóe lên một đám lân tinh biếc sáng, như lũ ma trơi rập rình nô giỡn. Rồi tiếng nước suối tuôn róc rách. Tiếng gió lao xao trên đỉnh ngàn cây. Và tiếng côn trùng rỉ rả. Vẳng đâu đây có tiếng cú rúc. Tiếng tắc kè. Tiếng mang tác. Thảng có tiếng chim hốt hoảng đập cánh soàn soạt vút bay lên, xen cả tiếng chạy rậm rịch của đám thú ăn đêm.
Nằm trên cáng, Sài Thung căng mắt ném cái nhìn mơ hồ vào những vòm cây đen sẫm mỉm cười. Viên chánh sứ lấy làm đắc ý. Y nhớ hồi tháng chạp năm Mậu Dần (1278), cách đây gần bốn năm, thiên tử nhà Nguyên cử y làm chánh sứ sang điếu tang An Nam quốc vương (Trần Thái tôn). Y dẫn đoàn đi theo đường tắt Vĩnh Bình để vào đất Đại Việt. Y đã bị quan quân Đại Việt ngăn lại và Nhật Huyên đã gửi cho y một bức điệp văn, lời lẽ khôn ngoan tới mức không thể nào quên được: “Nay nghe quốc công đến biên giới tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi... "
Hừm! Sài Thung phát đánh đét một cái vào mặt, y di bàn tay và xòe ra trong đêm tối. Không nhìn thấy, nhưng y biết là đẫm máu. Những con muỗi quái ác như báo cho y biết là đã bắt đầu vào miền đất ẩm ướt phương Nam. Mặc dù vậy, mạch suy tư của quan thượng thư bộ lễ vẫn cứ tiếp nối. Y lại cười khẩy - "Nhật Huyên, vậy là lần này ta cho quân đi đúng đường vào đất nhà ngươi. Sao không có đại quân nghênh rước"?
Sài Thung tự nhủ: "Sớm mai ta sẽ cho quân tiến thẳng vào dinh thự hiệp trấn Lạng châu. Ta sẽ quở trách y vô lễ không ra địa đầu biên ải nghênh rước sứ giả thiên triều". Và Sài Thung mơ tưởng, chuyến bang giao vũ trang này của y thành tựu, mà nhất định phải thành tựu, sẽ là một kỳ tích không tiền khoáng hậu trong lịch sử, ngay cả đến Trương Nghi, Tô Tần cũng không sánh được. Y sẽ là người đứng ra cai quản xứ An Nam này. Chính y chứ không phải tên Mông Cổ võ biền Bột-nhan Thiết-mộc-nhi trị vì cái vương quốc bé nhỏ mà giàu có này. Y sẽ có kế sách đuổi tên Mông Cổ kia đi nơi khác. Nếu không, thì khí hậu lam chướng và gái đẹp phương Nam cũng giết hắn: Hoặc giả, các món ăn bổ béo, các thứ quý lạ và bạc vàng cũng giết hắn. Nghĩa là có y thì không có hắn. Trường suy tưởng của Sài Thung cứ miên man như một đàn kiến.
Bỗng một phát pháo hiệu nổ vang. Rồi hàng loạt pháo nổ như trời long đất sập. Lập tức từ hai cánh rừng, quân ùa ra như thác lũ bọc lấy bọn Trần Di Ái, Sài Thung.
Đám người ngựa của quân Mông Cổ đều sa xuống hố. Tiếng ngựa hí, tiếng người kêu cứu, tiếng khóc, tiếng chửi chìm đi trong tiếng reo hò của quân Nam.
Tảng sáng, bọn Trần Di Ái chạy tháo thân vào rừng. Đám gia binh của Hưng Vũ vương Nghiễn nhận mặt được, nên chẳng mấy chốc y đã bị bắt giải về kinh, theo đường ngựa trạm.
Từ lúc có tiếng nổ, Sài Thung lo chạy thoát thân, y đinh ninh rằng bọn Trần Di Ái đã chết trong đám loạn quân. Có điều lạ là Sài Thung không tìm cách quay lại đất Trung Quốc, mà lầm lũi đi theo cánh quân Đại Việt áp sát y.
Khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, cũng là lúc y quá mệt nhọc. Bởi sau trận phục kích bất ngờ quan bỏ lính, tớ bỏ chủ chẳng còn ai võng, cáng y nữa. Cái bụng y to, cái chân y ngắn, lại chạy tụt mất cả giầy, hai bàn chân mũm mĩm bị đất đá, gai sỏi chà sát rơm rớm máu tươi. Y nhìn trước ngó sau, không thấy có một tên quân Mông Cổ nào chạy theo y.
Sài Thung rất đỗi hoang mang. Y tự nghĩ: Chẳng nhẽ binh lính của thiên triều lại bị cái lũ man di này giết hết cả rồi sao? Chẳng nhẽ hàng ngàn thiên binh thiên tướng bị bọn Nam man này dùng quỷ kế bắt hết rồi sao? Giữa lúc y muôn phần bối rối thì may thay, cái quán dịch - nơi tiếp sứ của quan hiệp trấn vùng địa đầu biên ải đã gần kề. Sài Thung bèn ngồi phệt xuống không chịu đi nữa. Quân lính Đại Việt được lệnh áp sát y chứ không dọa nạt, quát lác, đánh đập. Nhưng cũng không để cho y sai khiến.
Một lát sau, quan hiệp trấn ngựa xe võng lọng, tiền hô hậu hét từ nhà quán dịch tiến về sứ đoàn thiên triều.
Ở cái trấn biên thùy lại có cửa quan thông với nước lớn Đại Nguyên, viên hiệp trấn thường nhẵn mặt các sứ đoàn Nguyên Mông. Vì vậy vừa nhìn thấy Sài Thung, quan hiệp trấn không nhịn được cười, phải quay đi vờ đưa tay áo thụng lên che miệng. Thật không ngờ, quan chánh sứ nhà Đại Nguyên, chân không giầy, áo quần rách mướp, mũ đại thần có hai cánh chuồn thì rơi mất một, còn một chiếc thì quay ngược về phía trước. Mặt mũi quan chánh sứ bị gai cào rớm máu. Nom quan lớn thiên triều y hệt một tên hề. Bấm bụng để khỏi bật thành tiếng cười, quan hiệp trấn làm ra vẻ nghiêm trang xuống kiệu, bước về phía quan chánh sứ nhà Đại Nguyên nghiêng mình thi lễ.
Không hiểu vì tức giận hay vì xấu hổ, Sài Thung liền quay ngoắt mặt đi. Một lát sau, dường như đã trấn tĩnh, y liền quát:
- Vua tôi nhà các người to gan lớn mật, dám phục binh chống lại sứ giả thiên triều.
Quan hiệp trấn Đại Việt ôn tồn đáp:
- Bẩm đại quan, tôi phụng mệnh triều đình, rước đại nhân về nghỉ nơi dịch quán.
Sài Thung hầm hầm tức giận bước lên kiệu. Lũ tùy tùng nghênh ngáo đi theo.
Bỗng một hồi chiêng nổi lên, người ém từ trong rừng ùa ra, cờ quạt, tàn lọng màu sắc rực rỡ, cùng đồ tế khí vàng son lấp lóa hòa với tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên ầm ầm. Không khí rõ ra một ngày hội. Đám quân kiệu, quân rước, áo nậu nẹp vàng, tề chỉnh. Khuôn mặt ai nấy đều hân hoan. Và những dũng sĩ đánh song đao cùng con kỳ lân cứ vờn trước kiệu của Sài Thung, ném ra những lời chúc mừng kính cẩn: "Sài Trang khanh thiên tuế! Thiên tuế?..."
Nom bộ mặt xây xát, bầm tím, mũ áo rách bươm, xộc xệch với dáng điệu vênh váo kệch cỡm của Sài Thung trên kiệu, Với cách tiếp rước theo nghi lễ trang trọng của quan biên trấn, khiến ai nhìn thấy cũng phải bưng miệng cười.
Vào nghỉ trong quán dịch tới xế chiều, vừa đói mệt, vừa uất ức căm giận, xấu hổ, Sài Thung cứ mong ngóng mãi không thấy một đại thần nào của triều đình nhà Trần lên biên trấn tiếp rước, cũng chẳng thấy viên quan bản hạt dâng cơm rượu.
Tới mức không chịu được nữa, Sài Thung đập phá quát tháo. Lính hầu của quan hiệp trấn ló vào, bị Sài Thung vơ lấy khay trà đánh lên đầu tóe máu. Người lính ôm đầu chạy. Lát sau yên ắng, quan biên trấn áo mũ chỉnh tề bước vào, nghiêng mình sá Sài Thung.
Sứ giả thiên triều đập án quát:
- Nhà ngươi láo thật? Định bỏ ta chết đói ở cái xó này phỏng?
Quan biên trấn làm ra vẻ run sợ:
- Bẩm đại quan, bản chức đã sửa soạn cơm rượu đầy đủ ngay từ khi đại quan mới tới. Nhưng không thấy đại quan cho gọi, nên bản chức không dám tự tiện.
- Quân láo thật, dám lỡm cả sứ thiên triều.
- Bẩm quan lớn, đó là tục nước chúng tôi. Kẻ dưới phải kính cẩn với người trên. Nếu bề trên không cho gọi hỏi, kẻ dưới đều không dám tự tiện.
- Được rồi, ta cho phép ngươi dâng cơm.
Một mâm cỗ đầy, với hai tầng bát đĩa, lập tức được bê vào. Nom có vẻ ngon, nhưng nguội ngơ nguội ngắt, ruồi bâu đầy. Loáng thoáng đã có con ngã vào âu canh. Cơm thì rắn và đóng vầng đóng chóc. Rõ là một mâm cơm thịnh soạn, thuần những đồ sơn hào hải vị. Nào gân nai, nấm thả, nào hải sâm, yến sào. Vậy mà quan chánh sứ không nuốt nổi. Bởi càng nghĩ càng uất. Mang danh một trọng thần của thiên quốc mưu cao, chước lạ vừa mới đem ra thi thố đã bị bọn "man di" làm cho sập đổ. Bây giờ không biết số phận của một ngàn tên quân Mông Cổ, bốn ngàn tên quân tân phụ ra sao. Bọn lính tân phụ chẳng kể làm gì, chứ đám quân Mông Cổ kia mà bị nguy hại thì còn gì là uy danh thiên triều. Và chắc chắn là Hốt-tất-liệt sẽ không để cho y sống yên ổn. Lại cả cái đám triều đình do y dẫn từ đại đô về cũng bị giết chết hết, không còn một mạng nào. Bây giờ kiếm đâu được một đứa ra hồn để vẽ mặt, đặt nó lên ngôi quốc vương An Nam.
Hết nghe tên Hán gian hạnh họe lại nhìn nó dằn bát đũa trên mâm cơm, quan hiệp trấn thừa biết y đang nuốt phải mật đắng của quân dân Đại Việt. ông thầm kính trọng đức Hưng Đạo điều binh khiển tướng thế nào, mà mỗi bước quân kia đi là đúng vào diệu kế của quân mình. Thoạt tiên, ông được Hưng Vũ vương cho hay mật chỉ của triều đình, là ông với danh nghĩa quan biên trấn, phải lo tiếp rước sứ nhà Nguyên long trọng. Nhưng phải ráng che tai, bịt mắt Sài Thung và đám tùy tùng của hắn. Tuyệt nhiên không để chúng dòm ngó vào được kho tàng của ta, binh lực của ta. Đường ngang lối tắt của ta, một bước cũng không cho y lui tới. Bởi vậy, quan biên trấn đã nghĩ ra cách mở hội đón y. Che mắt y bằng cờ quạt, tàn lọng, và người chen người suốt dọc đường chúng đi. Bịt tai y bằng tiếng trống, chiêng, hò hát. Nhưng thảm hại cho viên chánh sứ, là hắn đang đau như hoạn, vẫn cứ phải gượng sầu mà lên mặt vênh váo.
Trong khi hắn đang lo són máu, thì Hưng Vũ vương hả hê vì đã làm được đúng như ý cha mong muốn. Nghĩa là tướng quân phục binh quanh dải rừng, đã đào sẵn một cái hào rộng ngay chỗ giáp ranh biên ải. Đêm ấy chờ cho đoàn sứ giả vừa đi qua, chợt lũ người, ngựa quân Mông Cổ ập tới, vương cho nổ pháo đùng đùng. Ngựa nghe tiếng nổ và khói pháo cay sè hoảng hốt nhảy chồm lên. Thế là người, ngựa chúng nó nhất tề lăn xuống hố.
Trời sáng rõ, lũ chúng nó, những đứa nào còn sống sót lồm cồm leo lên bờ. Không thấy Sài Thung, như rắn không đầu, bèn tìm đường chạy tháo trở lui.
Trận bang giao có vũ trang này của Sài Thung, được xem là một kỳ mưu ở đại đô Yên Kinh. Hốt-tất-liệt hết lời cổ súy. Vậy mà mới mấp mé biên thùy thôi, nó đã bị đại bại. Quân thì ôm đầu máu chạy về, tướng thì mặt mày xây xát ngồi đây, với áo quần mũ mão bờm rách, như một tên hành khất, còn mấy con tất bù nhìn Trần Di Ái và đồng bọn, bị trói giật cánh khuỷu giải về triều từ đêm trước rồi. Nay y ngồi đây, đợi triều đình ta cho người đón về Thăng Long. Y ngồi đây, hẳn là y đang toan tính một nước cờ khác, liều lĩnh hơn, hiểm độc hơn. Quan biên trấn mường tượng mối bang giao giữa hai nước, sẽ ngày một phiền toái thêm. Kẻ kia cậy thế nước lớn sẽ còn lấn tới.
Ông rùng mình nghĩ đến cảnh can qua.
Sài Thung lòng dạ bồn chồn, ăn uống không được, đứng ngồi không yên. Y vẫy gọi quan biên trấn lại gần hỏi:
- Bao giờ thì vua tôi nhà ngươi đến đây rước ta?
- Bẩm đại quan, tôi đã cho chạy ngựa lưu tinh về tâu triều đình rồi. Đại quan chờ cho dăm ba bữa nữa, chúa công tôi sẽ có người lên rước thiên sứ về kinh.
Những lời nói ngọt ngào bình thản đến lạnh lùng của quan biên trấn, càng như chọc tức Sài Thung. Đôi mắt y như hai cục lửa, cứ long lên sòng sọc. Không kìm nén được, Sài Thung ném ra một giọng nói miệt thị:
- Dân di địch các ngươi không biết lễ nghĩa. Ta chưa thấy một tiểu quốc nào lại dám nghênh đón sứ thần đại quốc như vua tôi nhà ngươi.
(Bọn thống trị Trung Quốc xưa coi dân các nước ngoài Trung Hoa là Man di, Địch quốc. Bởi trong chữ Man có bộ trùng, trong chữ Địch có bộ khuyển. Có nghĩa là chúng coi các dân tộc khác như dòi bọ, chó má.)
Quan biên trấn giận tên giặc già đến bầm ruột, vẫn vờ như không biết và dẽ dàng đáp:
- Thưa đại nhân, ở nước chúng tôi từ loài trùng vô tri vô giác như con tằm, con ong, đều có nghĩa đối với người cho nó ăn. Nó giả tơ, giả mật cho người có công chăm sóc nó. Ở nước tôi trẻ con cũng biết con tằm “đáo tử ti phương tận"( Đến chết vẫn còn nhả tơ ). Con chó, con ngựa là những vật nuôi trong nhà cũng trung thành với chủ cho đến lúc chết. Thật là khuyển mã chí tình. Nhưng con người, dù ở nước lớn hay nước nhỏ mà bất nghĩa bất nhân, thì đúng không bằng loài sâu bọ chó má thật.
Như giẫm phải tổ ong bò vẽ, Sài Thung hét lớn:
- Quân vô đạo! Ta đã bảo dòng giống vua tôi nhà các ngươi không có lễ nghĩa.
- Đại nhân quá lời đấy. Chắc đại nhân nóng giận mà chưa kịp nghĩ chăng? Được biết đại nhân sẽ qua thăm nước chúng tôi, quốc vương tôi sai tôi phải túc trực để tiếp rước đại nhân. Khi đại nhân vừa tới địa đầu biên ải, chúng tôi đã kịp nghênh tiếp. Biên dân chúng tôi nô nức đi đón đại nhân vui như trảy hội. Đại nhân tới đâu, từ lão phu tới bọn mục đồng đều kính cẩn vái chào. Từ quan đến dân, chúng tôi đều tỏ lòng hiếu khách, không hề có một sự sơ suất nào. Đại Việt chúng tôi là một nước văn hiến lâu đời sánh ngang Hán, Đường, tưởng như văn hiến bên quí quốc cũng đến thế mà thôi. Hà cớ gì đại nhân khinh mạn nước tôi. Đại nhân có thể coi thường tôi, thậm chí khinh miệt tôi, nhưng chớ có động đến quốc thể chúng tôi.
Quan biên trấn giận tới mức không thể kìm giữ được lời nữa. Mặt quan đỏ gay, lời lời phẫn uất, khiến Sài Thung chột dạ ngồi im.
Đúng lúc ấy bỗng vang rộn tiếng nhạc ngựa, tiếng quân rậm rịch ở phía ngoài. Rồi một người dong dỏng cao, mặt mũi tuấn tú, áo thụng tía, đai ngọc, mũ bình thiên, chân mang hia đen thêu đôi phượng đỏ, tiến vào dịch quán. Người ấy nghiêng mình thi lễ:
- Bản chức có lời chào đại quan.
Liếc nhìn sắc diện và y phục Sài Thung, mặc dù đã được đám liêu thuộc quan biên trấn bẩm báo từ trước, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải không khỏi giấu mặt cười thầm. Để cho sứ thần thiên triều đỡ mất thể diện, Chiêu Minh vương bèn dâng bức điệp văn úy lạo của quốc vương Đại Việt, và một chút quà biếu. Nhìn nét mặt Sài Thung đọc bức điệp văn có hơi vui một chút.
Chiêu Minh vương truyền cho khiêng vào trước Sài Thung hai hòm quà biếu. Một hòm đựng đầy y phục đại quan may theo kiểu phương Bắc. Hòm kia thuần các đồ vàng bạc như bộ đồ trà bằng bạc trạm. Một bộ chén ngọc nạm vàng. Một viên ngọc minh châu to bằng quả trứng chim sẻ, đựng trong hộp vàng. Và một cặp ngà voi, cùng một trăm nén vàng.
Chiêu Minh vương sai viên nội nhân bày quà cáp lên kỷ. Đám quà cáp càng chồng chất cao bao nhiêu, thì gương mặt Sài Thung càng tươi tỉnh lên bấy nhiêu. Cuối cùng các vết nhăn trên khuôn mặt vốn đầy sát khí kia, như cùng một lúc giãn ra hết, và một nụ cười đầu tiên của Sài Thung đã nở trên đất Đại Việt. Y quay về phía Trần Quang Khải, hơi nghiêng đầu đáp lễ.
- Ta có lời chào quan tướng quốc thái úy. Và y thầm nghĩ: "Vậy là cha con Nhật Huyên cũng đã biết điều. Đã cử viên quan đầu triều đến tận biên trấn rước ta. Và với món lễ này - Y lại nhìn xuống đống châu báu, vàng bạc - cũng tạm được".
Tướng quốc thái úy bèn mời Sài Thung sang nghỉ tại dinh quan biên trấn, để ngày mai lên đường về Thăng Long.
Trước sự tiếp đón long trọng của quan tướng quốc, lễ lạt lại ưu hậu, Sài Thung đã có phần nào nguôi ngoai. Chặng đường từ biên trấn về tới Thăng Long nếu đi ngựa mất bảy ngày. Nhưng lấy cớ để bảo trọng quan chánh sứ thiên triều, Trần Quang Khải sức cho quan biên trấn phải cho lính cáng. Suốt chặng đường đi cáng mất hai mươi ngày, cứ ngày đi đêm nghỉ. Sài Thung nằm cáng trước, Trần Quang Khải nằm cáng sau, hai người trò chuyện vui vẻ lắm. Đêm đêm lại cùng ngủ trong các dinh hay trong dịch quán, hai bên đã có phần nào hiểu biết nhau thêm. Tuy đi bộ, nhưng suất dọc đường, sứ thiên triều như bị bưng tai, bịt mắt. Lộ trình chỉ đi theo một đường thẳng, hai bên rừng núi ken dầy. Thảng có đường ngang đường rẽ, ngã ba ngã tư đều đã được trồng kín các loại cây cối và dây leo. Dù là người trong vùng cũng khó nhận ra, huống chi bọn ngoại nhân từ Yên Kinh tới.
Khi về đến dinh an phủ sứ lộ Kinh Bắc, thì ý đồ của Sài Thung rõ dần. Y nhất quyết phải tìm một người nào để thay thế Trần Di Ái. Sài Thung bèn mở một nước cờ thăm dò, y nói:
- Ta vẫn nghe danh quan tướng quốc thái úy, nay được tiếp kiến, ta rất lấy làm cảm mến.
- Đa tạ đại nhân. Biết kẻ kia đang giăng quỷ kế, Trần Quang Khải dè dặt đáp. Và ông cũng tương kế, tựu kế, hỏi luôn: - Đại nhân từ thượng quốc tới nước tôi lần này, chẳng hay thiên tử có điều chi dạy bảo vua tôi nước chúng tôi?
- Ta sao biết được ý thiên tử. Tất cả đều ở trong tờ chiếu được niêm phong rất cẩn thận, ta vẫn giữ đây.
Khí hậu phương nam thật lạ kỳ. Ban ngày thì nóng hầm hập mà đêm xuống, khí rừng núi loãng tan ra buốt lạnh tê tái khiến Sài Thung dù đã mặc áo Hồ cừu, tay ủ trong lồng ấp vẫn thấy rét run. Trần Quang Khải truyền đóng kín các cửa dinh lại, và cho đốt thêm ba lò than. Rượu hâm nóng. Thịt nai nướng mỡ cháy xèo xèo, hơi bay thơm phức. Không khí ấm nóng cùng với mùi thức ăn, mùi rượu làm cho con người quên bớt nỗi mệt nhọc, lo âu. Chỉ có hai người thù tạc, bọn quân hầu, nội nhân thấp thoáng ở phía ngoài chờ sai bảo. Các bọn tùy tùng của quan tướng quốc và quan chánh sứ, ăn uống khu biệt ra một nơi.
Quan tướng quốc người cao dỏng, mắt sáng, lông mày rậm, dài quá đuôi mắt, mũi thẳng, đôi lưỡng quyền rộng, cằm vuông, môi đỏ, da mặt tươi nhuận. Dáng người nhanh nhẹn, cứng cáp, đi đứng uy nghi. Tiếng nói trầm mà vang. Trời đêm tuy lạnh, nhưng quan tướng quân đã quen khí hậu nên chỉ vận lót trong mình một mảnh giáp hộ tâm sau lần áo kép ngắn, bên ngoài phủ thêm chiếc thụng gấm màu tía, ngực thêu hổ phù và chiếc đai thêu hai con phượng vờn viên ngọc quí, thắt hờ.
Sài Thung có dáng điệu riêng của một người ở miền nam Trung Quốc. Ông ta mập mạp hơi lùn vì cái bụng quá to. Nom từa tựa một cái thùng hình vuông. Được cái dáng đi khoan thai nhưng đầu lại cúi, như một người chỉ thích xem ngắm đôi chân mình. Sài Thung có cặp mắt híp. Khi nhướng lên lại hơi trố, và cặp lông mi thưa, tạo thành nửa vòng tròn nom ngồ ngộ như một chiếc lỗ đáo. Mặt ông ta thoạt nom thì tròn, kỳ thực lại gồ ghề, bởi đôi lưỡng quyền thịt nổi lên thành múi. Nhẽ ra với gương mặt ấy, Sài Thung phải có cái mũi hình củ tỏi mới tương hợp. Song tạo hóa lại đặt vào đó một chiếc mỏ chim ưng, khiến tướng ông ta bị phá cách nặng nề. Sài Thung có nước da tai tái, giống như cặp môi dầy của ông ta. Nom gương mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Ông ta có giọng nói hơi lạ, các âm tiết như phọt ra từng cục từ cổ họng cùng nước miếng phun ra như mưa phùn. Ông ta ăn uống nhồm nhoàm, vừa nhai vừa nói. Khí nóng từ lò than, cùng rượu và thức ăn, đã làm quan chánh sứ nóng bừng. Ông hé mở hàng khuy ngoài chiếc áo cừu. Một lát lại phanh cả vạt mấy chiếc áo bên trong, khiến bộ ngực ông ta lộ ra như một súc thịt trâu còn nguyên bì, vì nạm lông đen rậm phủ kín cả một vùng ức.
Sài Thung mượn chén để tiếp nối cuộc thăm dò. Y nói:
- Quan tướng quốc ạ, thiên tử rất mến tài ông, mong có dịp được trọng dụng.
Trần Quang Khải tuy lượng ăn uống không kém Sài Thung, nhưng ông vẫn ung dung bình thản. Biết bụng kẻ kia càn dỡ, ông lấy lòng ngay chính khiêm nhường đáp:
- Tôi chắc đại quan hơi quá chén, nên có sự nhầm lẫn chăng? Tôi là kẻ bất tài được vương huynh tôi đem lòng yêu, nên cho tập sự chức quan nhỏ, ngày đêm lo sợ. Vả lại, Đại Việt tôi là một tiểu quốc ở mãi nơi cuối biển cùng trời, thiên tử lo việc lớn bên đại quốc, người còn tai mắt nào để ý tới lũ chúng tôi.
Sài Thung vờ làm ra giận dữ, ông ta ngừng nhai, nhìn thẳng vào hai mắt Trần Quang Khải thăm dò. Bốn mắt giao nhau, Trần Quang Khải xem Sài Thung lúc này không hơn một con vật được nuôi nhốt, và được chăm sóc chu đáo. Quan tướng quốc bụng bảo dạ: "Tướng mạo tham bẩn, gian hùng, phản trắc. Người này dám làm tất cả mọi việc, trừ việc nhân nghĩa".
Nhìn gương mặt kiên nghị với tư cách đường hoàng của tướng quân Trần Quang Khải, Sài Thung thầm nhủ: "Kẻ này khó chinh phục đây".
Vẫn bộ mặt nghiêm lạnh, giọng nói cục cằn, thô lỗ, cậy thế nước lớn, y nói:
- Thiên tử thế thiên hành đạo. Việc gì xảy ra dưới cái vòm trời này mà thiên tử chẳng quan tâm. Tay chân của thiên tử ở khắp mọi nơi, kẻ nào hay dở, xấu tốt gì mà thiên tử không biết. Thật tình, mấy lần qua lại Thăng Long, ta có để mắt tới ông. Tất cả những gì mà ta lưu tâm, ta đều tâu thiên tử. Vì vậy, trước khi ta đi, thiên tử có gửi lời úy lạo ông.
- Đa tạ đại nhân, Trần Quang Khải nói và ông ngập ngừng thăm dò Sài Thung: - Bẩm đại nhân, Quang Khải tôi vốn hiếu kỳ, dám xin đại nhân bỏ qua. Chẳng hay từ khi thiên tử đại định xong Trung Nguyên, ơn mưa móc đã nhuần thấm đến mọi nhà chưa?
- Ông hỏi ta điều ấy mà không sợ mang tội bất kính sao? Các ông ở xa thuộc dòng Di, Địch thiên tử còn mông ân, huống chi dân Trung Nguyên.
- Vậy chớ lần này đại nhân đem ơn riêng gì của thiên tử cho Đại Việt chúng tôi?
- Thiên tử hạ cố cho An Nam điều gì đã có ghi trong chiếu thư gửi cho Nhật Huyên. Riêng ông, ta có chút hậu tình, muốn tiến cử để thiên tử phong cho ông làm An Nam quốc vương. Nói xong, Sài Thung tự tay rót đầy hai chén rượu, và tiếp - Chúc ông đời đời vinh hiển.
Trần Quang Khải giận tái mặt, ông đã toan thoi cho tên Hán gian này một quả thôi sơn cho hả dạ. Chợt nghĩ đến thế nước, ông phải nén lòng, nói dằn từng tiếng một để lấy lại sự bình tâm:
- Chắc đại nhân hiểu tôi thuộc dòng dõi nào? Giàu sang phú quý mà làm gì? Ngôi cao lộc trọng mà làm gì? Tiên quân tôi xưa chỉ biết lấy xã tắc làm trọng. Còn ngôi báu, Người không coi hơn chiếc áo tơi của bọn nông phu.
Sài Thung cười khẩy.
Hôm sau, Trần Quang Khải dẫn Sài Thung đến bến đò sông Thiên Đức( Sông Đuống ngày nay), y nhất định không chịu đi cáng nữa mà đòi đi ngựa. Quang Khải biết y đã trở mặt.
Ông cho lính chạy ngựa đưa tin trước về triều.