Chương 16

Sau khi thăm Đại Việt trở về, quan Bố-đề đã trình bày sai lạc những điều mắt thấy tai nghe với quốc vương Chế Mân. Ông ta mô tả Đại Việt là một xứ đất đai cằn cỗi, quanh năm rét buốt, không thấy mặt trời. Dân tình ngu muội, đói nghèo. Chính sách cai trị của các vua nhà Trần hà khắc. Lòng dân căm giận triều đình. Hơn mười năm sau chiến tranh, đất nước vẫn còn xơ xác. Các quan đầu triều thì bè này phái nọ xâu xé lẫn nhau. Họ đua nhau tham nhũng, đua nhau sống xa xỉ. Người đứng đầu trăm họ thì nhu nhược bỏ cả việc trình chính xuất gia, cầu lấy cái nhàn của đạo Lão, đạo Phật làm thú tiêu dao. Đi đâu ông ta cũng ra giảng điều nhân nghĩa vờ, còn dân thì thiếu đói thật…
Phải nói quan Bố-đề đã gieo vào lòng vị quốc vương trẻ tuổi một mối hoài nghi. Trong tâm tưởng vị vua hình dung về đất nước Đại Việt hoàn toàn khác. Nghĩa là nó mỹ lệ, nó hoàn hảo hơn đất nước đáng muôn ngàn lần yêu dấu của ông khá nhiều. Bởi nếu không thế, sao nó đủ mạnh để đương đầu thắng lợi với một đế quốc hùng cường như đế quốc Nguyên-Mông.
Vẻ lưỡng lự nhà vua hỏi:
- Vậy còn đội quân hùng mạnh của họ thì sao?.
Quan Bố-đề cười ngất làm rung cả chòm râu loăn quăn bạc phếch. Ông ta phải nhấc chiếc mũ bình thiên có đính viên ngọc bích trước vành trán ra khỏi đầu cho đỡ nóng. Rồi ông ta ôm bụng ho khù khụ. Mãi lâu sau, ông ta mới lấy lại được vẻ bình thản đáp lời quốc vương:
- Chắc là bệ hạ muốn hỏi đến đội quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn?
- Đúng thế! - Chế Mân gật đầu xác nhận.
- Tâu bệ hạ, đội quân của Trần Quốc Tuấn quả là danh bất hư truyền. Nhưng  nó đã chết cùng với ông ta từ năm ngoái rồi.
- Khanh nói sao? Hưng Đạo vương mới mất mùa thu năm ngoái, mà năm nay quân cơ đã tan rã? Làm gì có chuyện hoang đường đó. Một đạo quân lớn, oanh liệt dường ấy, dù bậc kỳ tài như Hưng Đạo vương có mất đi, thì những danh tướng như Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng… những cây trụ chống trời ấy không đủ sức duy trì một đội quân thiện chiến sao?.
- Bệ hạ đa nghi quá. Thần chỉ tâu trình bệ hạ những điều mắt thấy tai nghe. Bệ hạ chắc biết, Tôn Vũ tử của Trung Hoa cổ xưa đã dạy được một đội nữ binh đầy dũng mãnh lấy từ trong cung cấm. Hưng Đạo đại vương là tướng của nhà Trời, người thường sao làm nổi các việc đó. Kỵ binh của Mông Cổ tiến về xứ sở nào, thì ở đó thành quách đều sụp đổ, các ngai vàng và các đấng quân vương phải quì mọp dưới chân họ mà dâng quốc ấn, nộp ngọc tỷ. Vậy mà nó đã sụp đổ dưới tài thao lược của Hưng Đạo. Và trên thế gian này, chỉ có Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm được việc đó. Bệ hạ chưa được tận mắt thấy cảnh hoang tàn của Thăng Long. Bệ hạ cũng chưa thấy được cảnh các sứ đoàn nhà Nguyên hống hách ở Thăng Long, và dân chúng cũng như quan quân Đại Việt hãi sợ người Nguyên sau khi Hưng Đạo viên tịch. Việc thôn tính Đại Việt để rửa mối hận xưa của người Nguyên, chắc chẳng còn bao lâu nữa. Thần đã tâu bày hết sự thực, dám xin bệ hạ liệu tính kế trước đi.
Vị chúa Chiêm thực sự băn khoăn. Chừng nào ông chưa được nghe trưởng lão Phật giáo Du Già thông báo nội tình Đại Việt, ông còn chưa tin vào lời nói của vị tể tướng này. Tuy ông ta là em ruột của hoàng thái hậu, là hàng quốc thích, nhưng chưa bao giờ Chế Mân coi ông ta là người tâm phúc. Bởi chỉ bằng trực giác, Chế Mân linh cảm như người cậu ruột của mình đang mưu toan một việc gì đó, khiến nhà vua có phần ngờ vực.
Thấy không khí có vẻ lạnh tẻ, vua không hỏi thêm điều gì, vị Bố-đề chưng hửng như bị tên. Trong lòng ông ta dấy lên niềm nghi ngại. Vẻ bực bội, ông ta dằn giọng nói thêm:
- Bệ hạ hãy dẹp bỏ ý nghĩ kết liên với Đại Việt đi. Đó là việc làm trêu tức người Nguyên, mất nước như chơi. Nếu bệ hạ tinh ý một chút, hãy hợp tác với người Nguyên, càng sớm càng hay. Như miền đất hai châu không còn lo phải trả về cho ai, mà ta còn được thêm cả châu Hoan, châu Ái nữa. Đằng nào thì ta cũng phải ngả vào tay một trong hai kẻ thù đó. Nhưng đi với kẻ nào có lợi hơn, giữ gìn được tôn miếu xã tắc, đó là sự sáng suốt của người đứng đầu trăm họ. Đây là một ván cờ quyết liệt, chọn quân nào đi quân ấy, quyết định thắng phụ là ở nước khởi đầu, dám xin bệ hạ để tâm suy xét, kẻo sau này có hối cũng không kịp.
Chế Mân là một người có tài xét đoán, ông cũng là người quyết đoán, không dễ gì điều khiển được ông. Huống chi vị tể thần này lại vừa lung lạc, vừa đe dọa, thì chỉ có nghĩa là thúc giục ông làm cái điều mà ông muốn.
Vị chúa Chiêm khoan thai đứng dậy, đôi hia cao tới gối dát bằng vàng lá và nạm hồng ngọc tỏa ra những tia sáng lấp lánh làm lóa mắt viên tể tướng, khiến ông ta phải cúi đầu xuống để tránh luồng ánh sáng mạnh. Nhà vua siết hai gót đế hia nạm bạc vào nhau, tạo thành một âm thanh sắc nhọn, khiến quan Bố-đề hơi chột dạ. Hơn ai hết, quan Bố-đề biết đó là dấu hiệu tức giận của nhà vua. Lúc này chỉ hơi khinh suất một chút là mất đầu ngay. Vì vậy ông khép nép vái nhà vua rồi đi giật lùi ra khỏi cung điện.
Nhà vua giận sôi lên, toan quát gọi ông ta trở lại, nhưng ngẫm nghĩ thế nào lại đi về phía Chùa cửu tháp (1).
Vừa đi nhà vua vừa nghĩ về giọng lưỡi điêu xảo của quan Bố-đề… Ông ta quả là một kẻ bội bạc. Sao ông ta không nhớ cuộc xâm lăng của đám quan quân nhà Nguyên năm Nhâm ngọ (1282). Toa-đô lăm le nuốt chửng Chăm-pa. Trong thế nước ngàn cân treo sợi tóc, ta đã phải cầu cứu Đại Việt. Các vua nhà Trần đã cử danh tướng Trần Đạo Tái, con của thượng tướng thái sư Trần Quang Khải, khởi một vạn quân tinh nhuệ sang sát cánh cùng ta chống Toa-đô. Chính nhờ mưu lược của tướng quân Trần Đạo Tái đã giúp ta ngăn được Toa-đô, khiến chúng không dám đụng đến kinh thành Chà-bàn. Và chính ta cũng lừa chúng nhiều phen thất điên bát đảo, suýt nữa thì ta bắt được Toa-đô. Sự chống trả quyết liệt của quân ta có quân Đại Việt hợp tác, buộc Toa-đô phải lui ra ngoài bãi biển đóng quân, để sau đó phải cuốn gói ra biên thùy mạn bắc để tràn sang Đại Việt năm Ất dậu (1285). Ấy vậy mà bây giờ ông ta tráo trở muốn kết liên với đám nhà Nguyên để thôn tính Đại Việt. Nếu nghe ông ta, thử hỏi ta còn mặt mũi nào mà nhìn thấy người Đại Việt. Dân Chăm-pa, vì thế sẽ coi ta như một kẻ phản bội. Giữ vị thế quân trưởng mà dân khinh, thì còn điều hành quốc gia sao được.
Hơn nữa với đám vua chúa Trung Hoa ta vốn không tin họ, bởi qua mắt họ, dưới gầm trời này, mọi dân tộc, mọi quốc gia đều là di, địch, đều là tôi tớ cho họ cả. Sự khinh mạn xằng bậy ấy lại biến họ thành trò cười cho thiên hạ. Ta chắc Bố-đề cũng không lạ gì chuyện Tống Lý tông nghe Mông Cổ dỗ ngon dỗ ngọt liên minh với họ để diệt Kim Ai tông ở thành Thái Châu. Năm Giáp ngọ (1234), liên quân Mông-Tống đánh vỡ Thái Châu, Kim Ai tông tự ải. Nhưng liền đó quân Mông Cổ trở mặt, không những không chia chiến quả như ước thúc, mà chúng tháo nước sông Hoàng Hà dìm chết hàng mấy vạn quân Tống.
Tấm gương lịch sử còn trong veo, sao Bố-đề không chịu soi, lại còn định lừa cả ta để dâng hiến vương quốc của ta cho lũ người lang sói chăng? Ta ngờ rằng Bố-đề đã tư thông với giặc.
Nghĩ tới việc quan Bố-đề tư thông với lũ sứ đoàn nhà Nguyên, Chế Mân giật mình, lạnh gáy. Ông thầm nhủ: "May thay, trong lúc nóng giận, ta vẫn còn kìm nén được. Song ta quyết không tha cho bất cứ một kẻ nào phản dân hại nước, dù kẻ ấy có là Bố-đề, dù kẻ ấy có là cậu ruột ta…".
Mải suy tư, nhà vua chưa kịp nhận ra mình đang tiến gần vào khu đồi Phật, vào chùa.
Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi cao chót vót, có chín ngọn tháp, mỗi ngọn cao chín tằng, với những đỉnh tháp nhọn dát đá ngọc mầu mã não, mầu hổ phách, màu ngọc bích, luôn ngày đêm phát ra những ánh sáng huyền ảo, lúc đậm, lúc nhạt, lung linh rực rỡ, khiến cả kinh thành có cảm giác ánh sáng chiếu khắp cõi trần này, là từ nơi chín ngọn tháp trong vườn Phật tỏa ra, chứ không phải từ ngôi nhật tinh khổng lồ kia chiếu sáng. Ngang sườn những ngọn tháp là những ngôi chùa to rộng, với hàng trăm mái ngắn mái dài, nối tiếp nhau, chồng chất lên nhau, với những đường nét uốn lượn, đẽo gọt, trạm trổ của những tay thợ tài hoa tuyệt xảo xây dựng và điểm tô. Tất cả các mái của nhà chùa đều được lợp bằng một thứ ngói bọc bởi một lớp vàng dát mỏng. Chùa còn được bao quanh bằng một thành uốn lượn nhấp nhô theo hình thể của quả đồi. Xung quanh ngọn đồi Phật là rừng đại ngàn. Vị quốc vương của nước Chiêm Thành đang men theo con đường lát đá ven sườn đồi, để tiến vào ngôi chùa thấp. Gió đem theo lời ca bất tận của rừng, tiếng thì thào của các con suối, và tiếng nhạc phát ra từ các chùm chuông khánh treo quanh các hàng hiên của ngôi chùa, tạo nên một thứ hòa âm an lạc, khiến tâm hồn nhà vua trở nên thư thái. Nhà vua ung dung nện gót hia trên con đường mòn quen thuộc, chẳng mấy chốc đã vào tới cổng chùa. Trưởng lão Phật giáo Du Già xuống tận bậc thềm cuối cùng đón nhà vua vào trong ngôi chùa chính. Hòa thượng lấy làm kinh ngạc vì sự có mặt đột ngột của nhà vua.
Sau khi phân ngôi chủ khách, nhà vua liền nói ngay chủ ý của mình, muốn được nghe vị sư kể lại chuyến thăm Đại Việt trở về.
Vị sư già tươi cười đáp:
- Tâu bệ hạ, mối bang giao giữa hai nước, theo thiển kiến của bần tăng, là rất tốt. Chắc quan Bố-đề đã có biểu tâu lên bệ hạ. Bần tăng chỉ xin tường trình lại những điều mà bệ hạ giao phó.
Chế Mân từ lúc bước chân vào tới cổng chùa đã thấy tâm hồn bình chuẩn, ông có thể minh định được những điều mà chỉ ít ít phút trước đây còn phân vân nghi hoặc. Nhà vua nói:
- Trẫm đã nghe tể tướng nói tất cả. nhưng trẫm cũng muốn nghe Hòa thượng nói lại mọi điều mắt thấy tai nghe. Nhất là các cuộc tiếp xúc riêng giữa Hòa thượng với Trúc Lâm đại sĩ - thương hoàng Trần Nhân tôn. Trẫm cũng muốn biết tường tận về phong thổ, cảnh vật, dân tình của Đại Việt.
Sau khi tiểu đồng đã dâng tới tuần trà thứ ba, Hòa thượng cho y lui, người quay vào ban thờ Phật đốt trầm, rồi thỉnh một hồi chuông. Trưởng lão Phật giáo xá nhà vua một xá, rồi tâu bày lại sự việc mà người được tham gia trong đoàn sứ giả bang giao qua Đại Việt vừa trở về.
Nhà vua cũng hiểu những việc Hòa thượng vừa làm, là để chứng tỏ điều mà Hòa thượng sắp nói đây là trung thực, vì có cả sự minh chứng của chư Phật. Chưa bao giờ nhà vua thấy gợn một điều gì với đáng chân tu này.
Đức vua lắng nghe những lời vị Hòa thượng kể, như hiện ra trước mắt mình cảnh náo nhiệt của kinh thành Thăng Long, cảnh sinh hoạt của chúng dân và các bậc trọng thần tài ba của Đại Việt. nhà vua thở dài, lòng thầm khao khát có được những bầy tôi lương đống như triều đình Đại Việt.
Đối chiếu với những điều đã nghe ở quan Bố-đề, nhà vua không khỏi hoài nghi về những chủ kiến thiên lệch của ông ta. Tại sao ông ta cố tình lôi kéo ta đi với người Nguyên, chống lại người Việt? Trong khi người Nguyên ở xa, còn người láng giềng thân cận, ta lại đi mua thù chuốc oán với họ để làm gì? Đột ngột Chế Mân hỏi:
- Hòa thượng có thấy cảnh sứ đoàn nhà Nguyên ở Thăng Long đi lại ngạo nghễ, ăn nói hống hách, hạch sách đủ điều, quấy nhiễu phố phường không còn thể thống phép tắc gì nữa không?
- Tâu bệ hạ có. Thần có nghe nói các việc đó xảy ra vào năm Giáp thân (1284) khi người Nguyên đòi vua Đại Việt phải sang chầu, phải nộp sổ đinh, sổ điền, phải nhận các quan chức người Nguyên sang cai trị.
Khi nghe Hòa thượng nói "có", nhà vua giật mình kinh sợ, tưởng như can qua Nguyên - Việt lại sắp khai triển, và như vậy thì lời quan Bố-đề nói là có lý. Tiếp đến khi Trưởng lão thuyết trình đầy đủ, nhà vua mới vỡ lẽ về những lời nói có dụng ý của quan tể tướng. Cũng là những sự việc như thế, nhưng ông ta lấy ở chỗ này gán cho chỗ khác. Lấy năm Giáp thân (1284) quàng vào năm Tân sửu (1301).
Chậm rãi, nhà vua hỏi:
- Cứ theo như ý của Hòa thượng thì sứ thần nhà Nguyên ở Thăng Long với sứ thần nhà Nguyên ở Chà Bàn có gì giống nhau, có gì khác nhau?
- Tâu bệ hạ, hai sứ đoàn đó giống nhau ở chỗ đều là người của triều đình nhà Nguyên cử tới để xác lập quan hệ bang giao, kỳ thực là để do thám. Nhưng khác nhau ở chỗ, sứ đoàn nhà Nguyên ở Thăng Long biết điều hơn. Họ không dám nghênh ngang trắng trợn ở trong triều, cũng như ở ngoài đường phố như ở Chà Bàn. Họ cũng không dám kết thân với các quan lớn Đại Việt, để gây bè kết cánh hòng làm nội gian nội gián-Ngừng một lát, lão Hòa thượng buông một tiếng thở dài như có điều gì tiếc nuối, rồi tiếp:
- Ở Thăng Long, người Nguyên biết giữ lễ, không phải vì nước họ có nền văn hiến cao, mà vì lực lượng của Đại Việt mạnh; người của Đại Việt "vua tôi một lòng, anh em hòa mục" như đức Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã nói.
Điều mà vị Hòa thượng vừa tâu bày, làm cho quốc vương Chế Mân xiết bao đau xót. Ông thừa biết người Chiêm thiếu cái gì. Nước Chiêm có một nền văn hiến không thua kém nước nào. Từ các ngành nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc đến ca, vũ, nhạc, người Chiêm thuộc loại nổi tiếng. nghề nông, nghề rừng, nghề biển, nghề nào cũng phát đạt. sản vật phong phú. Lại có một đội hải binh và chiến thuyền cực kỳ tinh nhuệ. Nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa đủ làm nên sức mạnh của một dân tộc. Đúng là người Chiêm thiếu cái mà vị sư già đã khéo léo nhắc ông, bằng cách mượn lời vị Quốc công tiết chế bên Đại Việt. Bỗng dưng nhà vua cảm thấy lòng tự hào dân tộc của ông bị tổn thương. Có một cái gì đó đang nhen nhóm, như là một câu trả lời trong sâu thẳm của tư duy ông; nhưng ông không bao giờ dám để nó hình thành một cách trọn vẹn. tức là cộng đồng thị tộc của ông, dường như chưa đủ trình độ đạt tới một cộng đồng dân tộc. Vì vậy, nó đã bao phen tan vỡ, bao phen bị xâu xé bởi thù trong, giặc ngoài. Và hiện thời cũng đang có một nguy cơ như thế. Cứ nhìn bọn sứ thần nhà Nguyên, xăng xái kết thân với các đại thần của ông để mưu toan làm các điều phản loạn, là máu trong người ông lại sôi lên. Ông muốn đem cả lũ bọn họ ra mà chém, mà bêu đầu ngoài chợ. Ngặt vì ông chưa đủ chứng cớ, bởi chưng ông chưa có người giúp rập thân tín, tài ba để trị nước. Nghe nói, vua Nhân tôn là một người khoan nhân đức độ, lại có ý muốn cố kết với Chiêm Thành, nên chi ông đã cử vị hòa thượng Du Già là người tâm phúc của ông, lại cũng là chỗ chân tu cùng theo một đại đạo như Nhân tôn. Chẳng biết việc đó ra sao, vẫn chưa thấy vị sư già đả động tới.
Hòa thượng Du Già chưa đạt tới mức quán thông thiên hạ, nhưng đọc được ý nghĩ của người khác, với ông không phải là việc khó. Vì thế ông tiếp ngay vào điều mà quốc vương của ông băn khoăn. Hòa thượng nói:
- Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ đại xá cho sự chậm trễ của bần tăng. Ấy là vì chưa chọn được ngày lành để vào yết kiến bệ hạ. Song các công việc mà bệ hạ phó thác cho bần tăng, nhờ hồng phúc của bệ hạ đều êm xuôi, viên mãn cả. Thượng hoàng Trần Nhân tôn chỉ nay mai tới Chà Bàn.
Nhà vua lắng nghe chăm chú những điều hòa thượng thuật lại. Điều nào cũng hợp ý vua cả. Đoạn Chế Mân lên tiếng khen ngợi:
- Quả trời cho Hòa thượng tới giúp ta làm chiếc cầu nối giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Công của ông lớn lắm. Quả phúc của ông to lắm.
Còn một điều mà vị Hòa thượng băn khoăn chưa nói được, ấy là ông muốn đứng ra làm mai làm mối cho vị quốc vương của mình với nàng công chúa út của thượng hoàng Trần Nhân tôn-một trang quốc sắc. Mặc dù quốc vương của ông đã có chánh hậu, cũng vào loại lá ngọc cành vàng từ xứ Chà-và, nhưng không thể so bì với tài sắc của công chúa Trần Huyền Trân được. Hòa thượng đã toan nói, nhưng ông lại tự nhủ: "Hãy để một dịp khác, thuận hơn".