Chương 26

Nhà vua từ khi cưới được Huyền Trân mà ông gọi là “đóa Bạch trà kiều diễm”, ông chưa dời nàng được một ngày nào. Ông quí hoàng hậu tới mức đưa cả nàng tới dự lễ thiết triều. Cũng qua các buổi lễ đó mà Huyền Trân biết được thiên hướng chính trị của triều đình và năng lực của các đại thần.
Nhà vua kéo dài tuần trăng mật bằng những cuộc du ngoạn, những cuộc tuần thú trên vương quốc giàu đẹp của mình.
Nhà vua đã dẫn hoàng hậu tới thăm kinh đô cổ xưa của nước Champa ở Sinhapura. Đó là một khu đền đài tháp cổ được tạo dựng với một nghệ thuật độc đáo, khác hẳn với cách xây dựng theo lối cung điện, đền chùa của Đại Việt.
Có nơi còn cả một thung lũng đền đài, nom như một hành cung của thượng đế. Thật khó mà tưởng tượng được đó lại là công trình do con người tạo dựng. Huyền Trân cũng đi xem các xưởng làm gạch. Những người thợ thủ công gầy gò đen đủi cứ nai lưng ra mà trộn đất, đóng gạch, nung gạch. Những viên gạch mỏng màu đỏ hồng kiểu như là gạch lá nem của Đại Việt. Nhà vua cũng dẫn hoàng hậu tới xem những người thợ tạc tượng. Hoàng hậu xem không chán mắt những bàn tay nghệ sĩ tài hoa. Khi xem tới những nhát đục cuối cùng của pho tượng nữ thần Apsara,hoàng hậu hết nhìn pho tượng lại nhìn nghệ sĩ điêu khắc. Đến nỗi bà không tin vào mắt mình nữa. Rõ ràng là hai thái cực khác nhau. Tượng đã mỡ màng, sinh động, duyên dáng, kiều diễm như một vũ nữ đang trình diễn. Còn người tạc tượng hệt như một bộ xương biết cử động. Tóc ông ta phủ đầy bụi đá, loại đá gan gà màu tím sẫm. Mắt ông ta, ngoài đôi tròng lấp lánh tỏa sáng là hai hõm sâu như đáy huyệt. Bộ ngực trần trơ xương. Duy chỉ có hai bàn tay là sinh động.
Ông ta buông đục thở phào. Liếc nhìn bức tượng, ông mỉm cười với vẻ hài lòng, rồi đứng dậy chắp hai tay cung kính, có ý chờ nhà vua và hoàng hậu sai bảo. Như đoán được ý nghĩ của hoàng hậu, vua hất hàm hỏi nhà điêu khắc:
- Tượng thần Apsara do chính tay ngươi tạc từ những phiến đá kia, hay có ai giúp rập thêm vào?
Thấy nhà vua hỏi đúng như lòng mình đang băn khoăn, hoàng hậu vừa chăm chú nhìn người nghệ sĩ, vừa lắng nghe ông ta trả lời.
Dường như nhà nghệ sĩ không nhìn đức vua, cũng không một mảy may cử động, tiếng ông phát ra nghe như một âm vang từ xa thẳm vọng về.- Tâu đức vua và hoàng hậu chí kính. Đúng là tượng nữ thần Apsara, do bàn tay vụng về của kẻ đói khát khốn khổ này tạo nên, từ những phiến đá thô kệch kia.
Nhà vua lại hỏi:
- Thế còn các tượng hộ pháp, tượng sư tử, tượng thần Shiva và các tượng kia cũng là do tay người tạo nên cả?.
Nhà vua nói với giọng bình thản có pha chút tự hào, bởi trong vương quốc ông trị vì, có biết bao kẻ tài giỏi vẫn một lòng một dạ thờ vua, chịu thương chịu khó làm ăn như thế.
- Bẩm đức vua, đúng như thế ạ. Kẻ khốn khó này đã làm việc suốt đời cùng với lũ học trò bất hạnh.
Hoàng hậu tiến lên vài bước, gần chỗ nhà điêu khắc và pho tượng, nàng ôn tồn hỏi:
-Xin nghệ sĩ tha thứ cho tính tò mò của phụ nữ. Tôi muốn mua một bức tượng nữ thần Apsara, nhưng tôi muốn được chứng kiến từ nhát đục đầu tiên vào phiến đá mà tùy tôi lựa chọn.
Nhà điêu khắc chưa kịp trả lời, đức vua cười sảng khoái và nói:
- Cả đất nước này là của ta. Từ ánh sáng mặt trời đến gió mưa và mọi sinh vật, hoàng hậu muốn gì mà chẳng được. “Đóa Bạch trà kiều diễm của ta”. Sao nàng phải hạ mình tới mức đi hỏi mua tượng của cái tên nghệ sĩ ẩm ương kia làm gì. Đoạn đức vua quay về phía nhà điêu khắc:
- Ta ban cho ngươi một đặc ân, ngươi phải làm cho hoàng hậu một trăm tượng nữ thần Apsara!.
Hoàng hậu vội hét lên, ngăn lại:
- Không! Không!. Như một người biết mình có lỗi, hoàng hậu nói giọng nghẹn ngào:
- Vương thượng ơi, sao người không biết giữ gìn tài năng quí báu của đất nước. Mỗi bức tượng kia là một công trình nghệ thuật siêu phàm. Cả đời người, làm được vài công trình như vậy, góp vào kho báu nhân gian, cũng là vĩ đại lắm rồi. Thiếp chẳng qua tò mò, vì thấy bức tượng đẹp đến mức không tin rằng bàn tay người thường có thể làm được, mà phải có sự giúp rập của thần linh, nên thiếp muốn được xem tận mắt khi nó còn là một phiến đá. Nhưng bây giờ thì thiếp tin. Xin bệ hạ hãy coi thân xác nhà nghệ sĩ héo khô đi thế kia, mà trong từng thớ đá của bức tượng, bệ hạ cứ nhìn kỹ, sẽ thấy sự chuyển động. Ấy là máu và hồn của nghệ sĩ đã phả dồn vào trong đá. Chỉ còn thiếu một chút nữa, là tượng chưa bước ra khỏi đá để hòa vào với nhịp sống đời thường.
Nghệ sĩ lắng nghe tiếng nói của hoàng hậu khiến ông xúc động. Ông tự nhủ: “Ta sống ở đất nước này, tim ta sắp kiệt khô đến giọt máu cuối cùng rồi. Ta chưa một lần nào, nghe ai nói được một điều gì về nghệ thuật và người nghệ sĩ, ưu ái như bà hoàng hậu này. Nghe nói bà ta là con đức vua Đại Việt - Một đức vua dũng lược đã hai lần đánh thắng quân nhà Nguyên, nhưng bây giờ ngài lại nhường ngôi báu để xuất gia, tu Phật”. Ông ngước mắt nhìn hoàng hậu. “Đúng bà là nữ thần sắc đẹp do Thượng đế phái xuống đất nước này”. Nghĩ vậy, ông bèn mạnh dạn nói với hoàng hậu:
- Muôn tâu lênh bà, nếu đức bà cho phép, kẻ hèn mọn này xin tạc hầu đức bà chân dung của người, để lưu lại cho hậu thế.
Huyền Trân mỉm cười:
- Chính ông mới là người đáng được ghi lại dấu ấn cho thế gian. Vì ông làm ra cái đẹp. Nhân danh cái đẹp ông đem lại cho con người tình yêu cuộc sống - một chân lý vĩnh hằng mà thế gian hay quên lãng, để luống cuống đi tìm niềm phúc hạnh ở tận đẩu tận đâu.
Thấy hoàng hậu ưu ái nhà điêu khắc, đức vua tỏ ý quan tâm, ngài hỏi:
- Vậy chớ sau khi làm việc ở đây, nhà ngươi ăn ở thế nào. Các quan chức sở tại có ban cấp gì cho ngươi không?.
- Tâu bệ hạ, kẻ nô lệ của người, đội ơn bệ hạ được ở trong túp lều ở mé núi phía sau kia. Hàng ngày kẻ tôi đòi của bệ hạ làm các công việc này được vợ con nuôi cho một bữa. Các quan chức sở tại không ban cấp cho gì, nhưng vợ chồng kẻ nô lệ này được các quan tha cho một phần lao dịch.
- Ta muốn xem nơi ở của ngươi?. Nhà vua vừa nói vừa bước về phía có túp lều bên mé núi. Nhà điêu khắc gắng sức chạy theo nhà vua. Hoàng hậu cùng đi. Đó là một gian lều làm bằng tre, lợp lá. Tường vách trát bằng phân bò, tỏa ra mùi hôi ngai ngái. Trong lều có sàn làm giường ngủ cho cả gia đình năm người. Thức ăn, vật dùng để phía ngoài lều. Trong lều bày ngổn ngang những tượng đá, tượng đất, tượng gỗ. Những tượng toàn thân, bán thân và cả tượng khỏa thân thu hút Huyền Trân như hồi còn nhỏ, nàng được xem những thứ đồ chơi lạ. Bầy dê đang ăn cỏ phía ngoài nhà, thấy khách cũng dáo dác chạy về kêu be be trước cửa.
Vào một buổi khác, nhà vua dẫn hoàng hậu đi săn. Những cánh rừng sát biển đẹp như những khuôn tranh. Tiếng sóng biển từ xa ì ầm vọng lại, xen với tiếng thác nước đổ ào ào và tiếng rừng xao động cùng hàng trăm tiếng chim, tiếng thú hòa thành một tiếng reo ca. Chó cứ dẫn đường và ngựa cứ mải miết đi. Thích thú với những cảnh đẹp lạ lùng, hoàng hậu cứ lẽo đẽo theo nhà vua và phường săn đi mãi tới nửa chiều. Mệt quá, nàng buông cương rồi gục xuống bờm ngựa. Con ngựa khôn ngoan dừng lại rồi hí lên một hồi dài, khiến con ngựa của nhà vua đi đã khuất cũng dừng lại hí vang như để đáp lời, và cứ thế nó quay lại. Đôi ngựa bạch do đức vua và hoàng hậu cưỡi, là hai con ngựa quí mua của người Hồ, chúng quyến luyến nhau tới mức không thể nào tách chúng xa nhau.
Đặt hoàng hậu bên một thảm cỏ xanh mượt mà, nhà vua vừa quạt cho hoàng hậu vừa trò chuyện với nàng. Đôi ngựa vẫn rũ bờm đứng chờ. Đoàn tùy tùng được phép tản ra sân ngay tại cánh rừng nơi nhà vua đang nghỉ. Lát sau hoàng hậu tỉnh hẳn. Nàng như vừa trải qua một giấc ngủ nhẹ. Người cảm thấy lâng lâng. Cuộc hành trình tiếp tục. Trước lúc lên đường, hoàng hậu vuốt ve con ngựa có nghĩa của mình rồi nói thầm vào tai nó những điều gì, khiến đôi mắt nó cứ sáng lên và cái bờm hơi lúc lắc. Đó là dấu hiệu tỏ ra cảm thông của loài vật. Thay vì tiếp tục cuộc đi săn, đức vua dẫn “đóa Bạch trà kiều diễm” của ông ra tắm suối nước nóng. Đó là một phương pháp trị bệnh mà không một người Chăm nào quanh vùng không biết. Sau một hồi ngâm mình vào dòng nước nóng, hoàng hậu thấy mình khoan khoái khỏe hẳn lên, như chưa hề có chuyện xảy ra trên lưng ngựa lúc nửa chiều. Nhà vua thấy hoàng hậu lại tung tăng như một con sóc nhỏ,ông không khỏi hãnh diện về vương quốc của mình có biết bao thứ quí lạ ở trên đời. Nhà vua và hoàng hậu cứ dùng dằng ngâm chân mãi bên dòng nước ấm.
Thấy sự lạ, hoàng hậu liền hỏi:
- Tâu hoàng thượng, suối nước nóng này bắt đầu từ đâu? Và lòng suối có bao giờ cạn không ạ?.
- Đóa Bàch trà kiều diễm của ta ơi, đây là quà tặng của Thượng đế cho xứ sở của ta. Chẳng biết có từ bao giờ, nhưng người già nhất của địa phương nói là, từ thời ông bà cụ kỵ của họ đã thấy rồi. Suối nước nóng không bao giờ cạn. Và người ta dùng nước suối này trị được nhiều thứ bệnh nan y. Dòng nước bắt nguồn từ đâu, không ai biết. Chỉ thấy từ trong lòng quả núi kia chảy ra.
- Tâu bệ hạ, suối này có tên gọi là gì ạ?.
- Có một điều kỳ lạ là ở vương quốc của ta thiếu nhiều tên gọi quá. Mà nàng thì cái gì cũng muốn có tên gọi rõ ràng. Bữa trước, nàng đã đặt tên cho một dòng sông đầy hoa đẹp. Sông ấy thuộc về Đại Việt. Hôm nay, ta xin nàng hãy vì ta mà đặt cho dòng suối này một cái tên. Ta hy vọng tên gọi đó sẽ mãi mãi trường tồn cùng với tên nàng.
Lại một bất ngờ nữa đến với Huyền Trân. Nàng thầm nghĩ: “Hẳn là ta cũng có duyên nghiệp với non nước này. Thật tình ta thấy mến yêu vương quốc của chàng, với biết bao thứ kỳ hoa dị thảo. Biết bao thứ quí giá trên đời. Ngay dòng suối nóng này cũng lần đầu tiên ta đặt tên cho nó. Suy ngẫm mãi, Huyền Trân thấy đặt tên cho một vật cũng không phải là chuyện dễ. Không phải người ta cứ tùy tiện gán ghép thế nào cũng xọng. Dòng suối này đã có từ lâu. Và chắc nó sẽ tồn tại với thời gian, ta mong cầu như thế. Vì nó sẽ giúp ích cho đời mãi mãi”. Với từ tâm đó, Huyền Trân chợt lóe ở trong đầu một cái tên, nàng thốt lên khe khẽ:
- VĨNH HẢO - Vương thượng ơi, thiếp xin Thượng đế độ trì cho xứ sở của vương thượng tốt lành vĩnh viễn, mà suối này là một tượng trưng bất diệt.
Tới một hôm, nhà vua hỏi Huyền Trân:
- “Đóa Bạch trà kiều diễm” của ta ơi, ta đã dẫn nàng đi hầu khắp vương quốc của ta. Đã xem xét gần như tất cả các cảnh đẹp nổi tiếng, đã tiếp xúc với đủ các hạng người, đã tận mắt thấy kho tàng châu báu, và đặc biệt là lực lượng hải binh và hạm thuyền của ta. Vậy chớ hoàng hậu có cảm nghĩ gì về quê chồng mà từ nay hậu sẽ là bậc mẫu nghi?.
Từ dạo về làm dâu xứ này, được nhà vua sủng ái cho đi đó đi đây. Lại được tham dự đôi buổi thiết triều. Được đi thăm các lực lượng hải binh, tượng binh, kỵ binh và thường xuyên tiếp xúc với đội cấm binh. Được mặc nhiên ra vào chốn cung cấm và gặp gỡ các hàng quan nhất nhị phẩm, trong lòng Huyền Trân cũng nhóm lên đôi điều trái ý. Nàng cũng mong có một cơ hội nào đấy được bầy tỏ với đức vua. Nay được hỏi đến, thật không còn dịp nào tốt hơn. Vậy mà nàng lại đắn đo cân nhắc. Khộng hiểu những lời nói thẳng có còn làm đẹp ý nhà vua nữa không. Lưỡng lự giây lâu, Huyền Trân đáp:
- Từ dạo xa quê hương xứ sở, xa tình thương tôn tộc, xa đồng bào, lòng thiếp vô cùng luyến nhớ. Nhưng cũng có phần nguôi ngoai được là nhờ có bệ hạ đoái thương. Đất nước của bệ hạ thật muôn phần tươi đẹp. Thiếp không ước gì hơn thế nữa. Song có vài việc, nếu không nói ra được với bệ hạ, lòng thiếp vô cùng áy náy. Mà nói ra, thiếp chỉ e bệ hạ chẳng hài lòng. Nếu không may, lại có kẻ dèm pha khích bác, khiến bệ hạ bất bình, không những không giúp ích gì được cho bệ hạ, mà mệnh thiếp cũng khó vẹn toàn.
Đến đây hoàng hậu tự dưng xúc động, nước mắt lã chã tuôn rơi, khiến khuôn mặt thiên thần của nàng càng thêm trong sáng, tỉ như viên ngọc quý vừa được chuốt rửa bằng một thứ nước thơm tinh khiết. Không cầm lòng được, Chế Mân nắm lấy tay hậu, và thốt ra những lời dịu ngọt từ đáy lòng ông:
- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta ơi. Lúc nào ta cũng muốn nghe nàng nói. Chỉ riêng giọng nàng cất lên, ta thấy còn hay hơn cả ban nhạc cung đình. Ta thề sẽ không bao giờ mếch lòng, nếu những lời nàng nói không hợp ý ta. Nhưng không làm gì có cái chuyện trái ý ta. Bởi nàng là ý nghĩ trong ý nghĩ của ta, nàng là hơi thở trong hơi thở của ta. Vậy nàng chỉ nói điều mà ta nghĩ. Nếu không tin nàng cứ thử cất tiếng lên xem.
Thấy trong lời nói của nhà vua biểu lộ một tình cảm chân thực, Huyền Trân mạnh dạn:
- Đất nước của bệ hạ giàu, nhưng dân thì đói khổ. Dân làm ra tất cả, nhưng triều đình để họ sống như một bầy thú. Bệ hạ có một đội quân lớn, nhất là hải binh và tượng binh, vừa đẹp vừa hùng, nhưng chưa phải là đội quân bất khả chiến thắng. Thần dân của bệ hạ có nhiều bậc kỳ tài, nhưng triều đình chưa cố kết họ lại được để thành sức mạnh.
- Ta bảo rồi mà, nàng đã nói điều ta nghĩ. Ta thừa nhận điều nàng nói là có thực. Đau đớn hơn nữa là đất nước ta trong mỗi con người đều có mầm chia rẽ, đều có mầm thù nghịch đối với nhau. Nhưng nàng có biết vì sao mà vương quốc của ta trở nên nông nỗi này không? Đức vua có vẻ bùi ngùi.
- Thiêp không dám giấu bệ hạ điều thiếp nghĩ. Song nếu những điều từ cửa miệng nột người con gái còn nhỏ tuổi nói ra, không làm đẹp lòng bệ hạ xin bệ hạ hãy coi như lời nói của một kẻ thơ dại mà tha thứ cho thiếp - Đất nước của bệ hạ giàu có là điều rõ ràng, như mỗi bàn tay của bệ hạ và của thiếp đều có năm ngón. Ruộng đồng trong vương quốc thì một năm có hai ba vụ gặt. Điều đó không phải xứ sở nào cũng có được. Rừng bạt ngàn biết bao thứ quý, lạ: Trầm hương, tê giác, voi trắng, tùng hương, hổ phách, quế, hồi, hạt tiêu, sa nhân, nấm hương... ấy là chưa kể đến hàng trăm loại gỗ quý. Biển ấm, với đủ các loại tôm ngon cá hiếm. Rồi đồi mồi, hải sâm... Nhiều loại sản vật của rừng, của biển quí hơn vàng hoặc ngang vàng. Vậy mà người dân sống đói khổ, chui rúc trong những túp lều lụp xụp như loài dã thú sống trong hang hốc. Ấy là bởi tô dịch quá nặng nề để nuôi một đội quân tốn kém, và một lớp quan lại sống xa hoa. Đội quân của nhà vua từ tượng binh đến hải binh đều quá chú trọng về hình thức. Nào quần áo đẹp, mũ giầy đẹp. Cung ná đẹp. Thuyền, tàu, cờ, xí từ nước sơn đến mái chèo, nhất loạt giống hệt nhau. Tiến lui theo hiệu cờ tiếng trống nhịp nhàng, ăn ý. Tượng binh đã đẹp, hải binh còn diêm dúa và tốn kém hơn nhiều. Nhưng các đội quân tề chỉnh ấy chỉ có tác dụng diễu hành vào các dịp vui lễ tết, hoặc uy hiếp đám dân lành, chứ gặp đối thủ mạnh là tan vỡ ngay. Vì sao vậy? Vì tướng lĩnh không có kế sách. Còn vì người lính không cố công đánh giặc. Nói tới đây, Huyền Trân giật thốt tưởng như mình đã đi quá trớn, làm phật lòng nhà vua. Nàng ý tứ dừng lời để dò xem nhà vua có còn muốn nghe hay người sắp nổi cơn thịnh nộ.
Nhưng không, nhà vua vẫn chăm chú lắng nghe, tuy mặt người có hơi buồn. Thấy Huyền Trân ngừng lời, đức vua giục:
- Từ trước tới nay, ta chỉ nghe những lời tâu hót ngọt ngon như đường mật. Dù ta cố gắng hỏi mãi cũng thế thôi. Có lúc ta ngỡ rằng họ đều nói thật. Ta chưa từng được nghe một lời nói thẳng như nàng. Ta chắc những nỗi đắng cay mà ta chưa tìm được duyên cớ, nhưng hôm nay nàng nói thẳng ra, hẳn là sự thật. Đúng như nàng nói, đội hải binh và tượng binh của ta có hình thức choáng ngợp. Không một sứ đoàn nào tới đây mà không tỏ lòng thán phục. Và sự thật hải binh Champa đã từng làm kinh hoàng các tàu buôn nước ngoài qua lại vùng biển của ta. Nhưng cũng thật kỳ lạ, nếu đụng độ trận đầu với hải binh Chân Lạp, Tùy, Đường, Tống, Mông-Nguyên và Đại Việt, hễ bị thua thì không sao gượng nổi để đánh trận thứ hai. Trận đầu thất bại, y như rằng thành trì trên bộ không sao giữ nổi nữa. Và thế là vua tôi, đều bị bắt, bị giết. Đất nước bị dầy xéo, bị tàn phá đến điêu linh. Nàng có thể nói cho ta hay được điều này không, để ta không đi vào vết xe đổ của các vua đời trước.
Huyền Trân tự nghĩ: “Những kiến thức này thuộc về các nhà lãnh đạo quốc gia, các bậc tướng lĩnh cầm quân trăm vạn, chứ một thiếu nữ sống trong cung cấm như ta sao biết được”. Tuy nhiên, nàng thường được nghe phụ vương và các bậc huân tướng trong triều đình, luận bàn về cái nhẽ được thua của Chiêm Thành qua nhiều triều đại và trận chiến tương tranh. Nàng thấy không thể không nói để cho nhà vua biết được những bậc trí tuệ của Đại Việt đã lý giải về cái nhẽ trong hưng vong, thành bại của Champa. Mạnh bạo, nàng nói:
- Tâu hoàng thượng, thiếp là phận gái trong chốn khuê môn, không dám lạm bàn vào những việc quốc gia đại sự. Song thiếp chỉ xin nói lại những điều mà thiếp được nghe, được thấy - Bệ hạ hỏi tại sao binh nhung của bệ hạ cứ đánh thua trần đầu là thành trì tan tác. Vua tôi thất tán. Non nước điêu linh. Ấy là bởi người làm tướng thiếu kiến thức dùng binh. Các tướng lĩnh của bệ hạ chỉ cốt trau chuốt về hình thức. Và chỉ biết dốc toàn lực lượng đánh một trận, như kẻ đánh bạc hám ăn to, mà không biết lựa thời cơ dò lực lượng địch. Như đức Hưng Đạo đại vương là bậc thượng phụ thiếp dạy: “Địch tiến ta lui. Địch dùng trường trận, ta đánh đoản binh”. Tức là ta không cho kẻ địch sử dụng cái mạnh sở trường của nó. Làm cho chúng phải lúng túng, hoang mang nơi chiến trường lạ. Âu cũng bởi các tướng lĩnh và ngay cả các quan đại thần của bệ hạ nhiều người còn chưa biết chữ, thì làm sao mà học được những lời răn dạy, những kế sách thao lược của các bậc danh tướng cổ kim. Ấy thế mà đã vội dương dương tự đắc, coi thường thiên hạ như cỏ rác, thì làm sao tránh được cái họa sụp đổ.
- Vậy theo ý nàng, ta phải làm gì để quốc gia ta hưng vượng được, hỡi đóa “Bạch trà kiều diễm!”.
Huyền Trân biết: ‘Nhà vua là người cầu thị, nhưng một người con gái như ta, làm sao hoạch định được đường lối để cho ông chấn hưng đất nước?”.
Thấy Huyền Trân im lặng giây lâu, nhà vua lại giục:
- Ta biết, đây là một việc cực khó, ngoài tầm suy xét của nàng. Song nàng cũng có thể cho ta biết, những việc tương tự như thế này, bên Đại Việt thường làm ra sao?
- Tâu bệ hạ, thật ra thiếp cũng không để tâm nhiều lắm đến việc chính trị của triều đình, mà chỉ chuyên về thi, thư, lễ, nhạc. Song le, công việc triều đình diễn ra hàng ngày, ngay bên cạnh, nên thiếp ít nhiều có được biết. Đại loại các hàng quan chức trong bộ máy quốc gia đều phải kén người tài, đức. Những người này được tuyển chọn qua các khoa thi bẩy năm một lần. Lấy từ đỗ tiến sĩ lên đến bảng nhãn, trạng nguyên; bọn người này mới thật là những kẻ sẽ giúp rập triều đình. Phụ vương thiếp thường nói: “Một nước mà không có nổi năm, bẩy người hiền đức, treo tấm gương đạo hạnh cho thiên hạ noi theo, nước ấy sớm muộn rồi cũng diệt vong”. Ở bên Đại Việt, người hiền đức, người có tài tế thế kinh bang, đến đức vua cũng phải kính như bậc thầy của mình. Thế mà ở vương quốc này, bệ hạ coi kẻ sĩ không bằng lũ súc vật chăn nuôi trong nhà. Cứ xem xét đám dê, ngựa chó, chim trong vườn ngự, biết bao người chăm sóc, phục dịch với đủ các thứ ăn ngon, bổ. Còn như nhà nghệ sĩ điêu khắc, làm ra những tác phẩm có một không hai trên đời này, thì sống đói rách như một kẻ ăn mày. Ân tứ lớn nhất mà ông ta được hưởng, là triều đình tha cho không phải đi làm tạp dịch, nhưng lại phải lao dịch nghệ thuật suốt đời. Điều làm thiếp cực kỳ kinh ngạc, nhưng cũng cực kỳ kính trọng, không biết bằng cách nào mà nhà nghệ sĩ vĩ đại ấy vẫn giữ được lòng say mê nghệ thuật, và vẫn không ngừng sáng tạo, mặc dù ông thừa biết, ông không được coi trọng như một con chó của đức vua.
Xin bệ hạ thương tình cho, vì xúc động, và cũng vì phẫn nộ nữa, thiếp không kìm nổi cái lưỡi - dù biết nó là đầu mối của mọi điều tai họa - Vương quốc của bệ hạ để cho những kẻ vô học, những kẻ ngu dốt nắm giữ quyền hành lèo lái con thuyền quốc gia. Đã thế, họ lại không một lòng một dạ chuyên tâm cho việc dân, việc nước, Ngay quan tể tướng cũng là kẻ đầu têu lập bè này, phái nọ, mưu chống lại nhà vua. Đức vua thương dân, chủ trương thiết lập một nền hòa bình trường cửu, tránh cái họa can qua cho đất nước,thì ông ta lại chủ trương chiến tranh, mưu toan biến đất nước thành bãi chiến trường. Người Nguyên thâm độc lúc nào cũng nhòm ngó ta, như cú nhòm người bệnh, thì ông ta lại mưu toan liên kết với họ. Ông ta có nghĩ rằng làm việc đó như đem cá gửi mèo, đem dê gửi cọp. Tiếc thay những kẻ bất tài, vô hạnh đó lại đang thao túng bộ máy quốc gia. Bọn chúng bổng lộc quá hậu, đua nhau sống phè phỡn, tới mức xa hoa trụy lạc. Còn những kẻ sĩ tài, đức chói ngời, thì được xem như một bầy nô lệ, thấp giá hơn cả lũ súc vật. Một quốc gia như thế, bệ hạ định dựa vào đâu để cất mình lên được mà chấn hưng? Thiếp chỉ thương bệ hạ độc hành trên con đường vạn dặm để đưa quốc gia vượt qua khúc quanh lịch sử. Thiễp xin hứa sẽ mãi mãi là người tùy phái trung thành của bệ hạ.
Tai nhà vua chứa đầy mật đắng, nên mặt ngài trở nên ngây dại. Hoàng hậu ngừng lời một lúc lâu sau đức vua mới sực tỉnh. Ngài nói, tiếng nói như từ một cõi phiêu bồng nào vọng về.
- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta, nếu mai đây ta làm được việc gì có ích cho đất nước này, ấy là công của nàng. Ta mãi mãi biết ơn nàng. Nàng trong sáng, trung thực như một tấm kính chiếu yêu.