Dịch giả : Đặng Thái Mai
Màn III

 
Ngõ Hạnh Hoa - Số 10 - Nhà Lỗ Quý.
Quang cảnh nhà Lỗ Quý:
Chuông đồng hồ nhà ga vừa đánh 10 tiếng. Trên con đường ban ngày sặc sụa những mùi hôi thối, đàn bà, đàn ông, người già, người trẻ, giờ này, đang kéo đoàn kéo lũ đi trên phía bờ ao hóng lấy chút gió mát từ khu vực tô giới thổi lại. Sau trận mưa giông vừa rồi, không khí vẫn oi ẩm, khó chịu. Gầm trời tối om, phủ kín mít sau những lớp mây đen ngàu, dễ sợ. Đám người hóng mát trông như những ngọn cỏ bị mặt giời sấy đã lâu ngày, tuy vừa được mấy giọt sương mù lúc nửa đêm rưới xuống, nhưng bên trong vẫn nóng rực và mong mỏi được một trận mưa thứ hai nữa. Chỉ mấy chú ễnh ương nấp náu đằng sau mấy khúm lau đôi bên bờ ao là cứ inh ỏi kêu gào không ngừng. Câu cười tiếng nói của lũ người đi hóng mát nghe ồn ào từng loạt, từng loạt, đứt rồi lại nối. Trên khoảng không vắng ánh sao, không tiếng sấm  động. Thỉnh thoảng một làn chớp nhoáng chạy qua, loè lên trong nháy mắt, hé cho thấy mấy cành dương liễu rung rinh bên bờ ao. Làn chớp qua, giời đất lại đen ngòm như trước.
Người hóng mát mỗi lúc một thưa. Bốn bề im lặng dần. Tiếng sấm bỗng lại dập dồn chuyển. Mấy con  ễnh ương dường như cũng sợ hãi không dám gào to như hồi nẫy. Gió lại thổi vi vu. Lá liễu xào xạc. Trong ngõ tiếng chó sủa oang oang. Đêm càng khuya, làn chớp nhoáng xanh sẫm lại càng dễ sợ, tiếng sấm vang càng dữ dội, cảnh vật bốn bề lại càng ủ dột. Tiếng ễnh ương, tiếng mõ cầm canh, tiếng chó mỗi lúc một thưa. Cơn giông lại tới tấp đổ xuống.
Rồi mưa dồn, gió dập, cho đến cuối màn kịch.
Nhưng người xem chỉ nhìn thấy căn phòng của Phượng, tức là phòng trong của nhà Lỗ Quý. Cảnh vật vừa tả trên đây, chỉ là bức cảnh nhìn qua khung cửa sổ bằng gỗ của căn phòng.
Quang cảnh trong phòng Phượng.
 
Cơm nước vừa xong. Mọi người trong nhà đều có vẻ rầy rà khó chịu. Ai nấy đều theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Trong góc phòng, Hải đang cặm cụi lau chùi gì ấy. Thị Bình và Phượng đều ngồi yên. Cả nhà im hơi lặng tiếng. Khoảng giữa căn phòng, Thị Bình đang cúi đầu xếp đũa bát, trên chiếc bàn tròn. Quý nằm ngả lưng trên một chiếc ghế dựa đã hỏng. Hắn ta say tuý luý, mắt nổi những tia máu, lưng dựa vào ghế như một con khỉ, vừa ợ, vừa nhìn Thị Bình. Bàn chân không khi gác lên ghế, khi lại bỏ xả xuống giữa nền nhà. Hai cái đùi chạng háng ra theo hình chữ nhân. Quý mặc chiếc áo chẽn trắng, nửa trên đầm đìa những bồ hôi, dính sát vào mình, tay lia lịa phẩy chiếc quạt nan.
Phượng đứng nơi cửa sổ giữa phòng, lưng quay về phía người xem, mặt đăm đăm nhìn ra ngoài cửa số có vẻ áy náy. Ngoài cửa sổ, trên bờ ao, có những người hóng mát, chuyện vãn cùng nhau, có tiếng ễnh ương kêu. Phượng có lúc tắc tỏm dường như lắng nghe những chuyện bên ngoài, thỉnh thoảng quay lại, liếc nhìn qua Lỗ Quý, rồi lại quay mặt đi ngay, ra vẻ bực bội. Bên cạnh Phượng, về mé tay trái, một chiếc giường gỗ đặt sẵn ở đây, trên trải một chiếu đơn, cùng với một cái chăn, một chiếc quạt; tất cả bấy nhiêu đồ đạc đều xếp đặt chỉnh tề.
Căn phòng nhỏ này cũng như tất cả các căn phòng của người nghèo là một túp nhà rất thấp, mái nhà sát đầu người. Đầu giường treo một bức vẽ quảng cáo của một công ty thuốc lá. Bên trái, dán một bức tranh Tết đã cũ, nhiều chỗ rách nát. Bên cạnh chiếc  ghế tròn kề nơi Lỗ Quý ngồi, có một chiếc bàn vuông bé, trên có gương lược, đồ trang điểm ngày thường của đàn bà. Có phần chắc đây là chiếc bàn trang sức của Phượng. Trên bức tường bên trái, có một chiếc ghế gỗ. Một chiếc ghế tròn đứng lẻ loi bên cạnh chiếc bàn tròn khoảng giữa. Về phía tay phải, dưới chân giường của Phượng, có mấy đôi giầy khá "mốt". Kế đó có một chiếc hòm. Mặt hòm trải một tấm vải trắng. Trên hòm, đặt một chiếc bình sứ, mấy chiếc bát đàn. Một ngọn đèn dầu hoả, có chao bằng giấy màu hồng, đặt trên chiếc bàn tròn. Ngoài ra còn một ít đồ đạc vặt lô nhô dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, khó mà nhận rõ. Tuy vậy mọi người vẫn thấy ngay rằng đây là phòng một người con gái.
Phòng có hai cửa. Mé trái - tức là phía có cái giường gỗ - có một tấm cửa thông ra phía ngoài. Cửa treo một bức màn vải hoa màu hồng sặc sỡ. Trong phòng còn có một ít than; một vài áo đồ cũ của Phượng để thay. Mé bên phải, một cái cửa đã hỏng, thông ra phía buồng ngoài là buồng của Quý và cũng là chỗ ngủ của vợ chồng Quý và Thị Bình tối nay. Cửa ngoài của căn phòng này lại mở ngay ra trước cái ngõ hẻm bùn lầy bẩn thỉu trên bờ ao. Bên xó tường, nơi cánh cửa đi từ phòng này vào phòng Phượng, dựng một tấm ván phản.
 
Màn mở, giữa lúc Quý bắt đầu xổ ra từng tràng huấn từ gia trưởng mắng vợ, chửi con. Không khí trong nhà có vẻ chìm lỉm, căng thẳng. Giữa bầu không khí âm thầm này, bỗng từ phía bờ ao vẳng vào, mấy câu ca xuân tình dâm đãng, xen lẫn với những câu trò chuyện của người đi hóng mát bên ngoài. Mỗi người trong nhà vẫn tiếp tục theo đòi ý nghĩ riêng của tâm trạng mình, cúi đầu im lặng, không nói năng. Quý, vì uống rượu quá nhiều, bồ hôi đầm đìa mình mẩy, và nói năng cũng có vẻ mệt nhọc, phèo cả bọt miếng, mặt đỏ hây hây trông rất dễ sợ. Hắn ta có vẻ tự hào với địa vị và uy phong của mình trong gia đình. Hắn ta cầm chiếc quạt rách phẩy lia lịa, múa máy, chỉ trỏ. Đầu óc của hắn ta, hình như cũng bị bồ hôi tẩm ướt nhễ nhại, luôn luôn nhô về đằng trước, cặp mắt lim dim vẫn liệng đi liệng lại nhìn người nọ rồi đến người kia.
Hải vẫn lau khẩu súng. Hai người đàn bà trong nhà vẫn im lặng, ngồi chờ Lỗ Quý mắng. Giữa lúc đó tiếng ễnh ương lại inh ỏi xen lẫn với tiếng hát từ ngoài kia vẳng lại.
Phượng đứng nơi cửa sổ. Vô tình bỗng thở ra một hơi dài.
 
°
Quý:  (Khạc) - Chém cha đẻ mẹ nó chứ! (Khạc ra một bãi đờm) Chúng mày thử nghĩ lại xem nào, chúng mày có đứa nào ăn ở với tao cho phải không đã nào? (Nói với Phượng và Hải) Hai đứa mày hãy giương tai lên mà nghe tao nói đây. Cả hai đứa chúng mày có phải là tao làm lụng vất vả để nuôi cho khôn lớn đến ngày nay không? Cho đến bây giờ, đã đứa nào làm gì cho tao nhờ chưa? (Quay về phía Phượng). Mày nói đi, tao xem! (Quay về phía Hải) Mày nữa, mày nói đi! (Nhìn Thị Bình đang đứng cạnh chiếc bàn giữa phòng) Cả mày nữa! Mày cũng nói lên xem nào! Con quý giá của mày cả đấy! (Lại khạc một bãi đờm nữa. Trong nhà im lặng. Tiếng hát, tiếng đàn từ bên ngoài vọng lại).
Hải:  (Hỏi Phượng) - Con nhà ai ngoài kia thế nhỉ? Mười giờ tối rồi mà còn hát xướng à?
Phượng:  - Hai vợ chồng lão xẩm đấy mà. Tối nào họ cũng đến đây hát. (Thở dài cầm quạt phẩy)
Quý:  - Đốn đến thế là cùng! Tao vừa lên đây được hai năm, là con cái có việc làm tất. (Chỉ vào mặt Thị Bình) Thế mà chỉ một mình mày làm hỏng bét chuyện. Mỗi một lần, mày về nhà là thế nào cũng xẩy ra chuyện. Tao hỏi mày: đầu đuôi câu chuyện hồi chiều là thế nào? Sao mà tao vừa đi gọi thợ điện về là người ta bắt con Phượng nghỉ việc, và tống cổ cả tao nốt? Con mẹ mày! Mày không lên đây thì làm gì xúi quẩy đến thế? (Lại khạc ra một bãi đờm).
Hải:  (Buông cái súng vừa lau) - Dượng muốn mắng tôi đây thì mắng, cứ nói thẳng đi, làm gì mà phải "dương đông, kích tây"? Thấy đẻ tôi hiền lại càng doạ riết!...
Quý:  - Tao mắng mày? Mày là cậu Cả, tao mắng thế nào được mày? Nhà người ta giàu có sang trọng, mày còn chửi vào mặt nữa là! Thứ tao thì ăn thua gì mà dám mắng mày?
Hải:  (To tiếng) - Hễ đi nốc lấy vài ngụm rượu về là cứ làu bàu, làu bàu khôngcho ai ăn ngồi; có nửa giờ đồng hồ rồi, còn chưa đã nư à?
Quý:  - Đã nư? Hà! Cái thằng này... tao chết đắng cả ruột, tao tức cháy cả gan thế này, đã thế nào mà đã? Thì xưa kia tao thiếu gì người hầu hạ? Rượu, thịt, chơi bời, tao có thiếu thứ gì? Thế mà từ ngày lấy con đẻ mày, là vong gia bại sản, một ngày một đốn; một ngày một đốn...
Phượng:  - Thì ai bảo cha bao nhiêu tiền đem đánh sạch sành sanh?
Hải:  - Con Phượng, không cần nói, để cho ông ấy nói cho sướng miệng.
Quý:  (Nói một cách khoái trá, dường như chỉ một mình là bị hy sinh) - Tao nói cho mày biết: tao vong gia bại sản, tao một ngày một đốn. Người ta khinh tao, chúng mày cũng khinh tao. Bây giờ đây lại càng thậm tệ, mong sao cho người ta hành, mà người ta cũng không thèm! Rồi đây tao với chúng mày sẽ chết đói nhăn răng cả tụi. Chúng mày nghĩ xem chúng mày  đã làm nên công trạng gì cho tao nhờ chưa (Duỗi đùi ra, thấy không có chỗ gác, gọi Thị Bình) Mày mang cái ghế lại đây tao duỗi cái đùi một tí mấy chứ!
Hải:  (Nhìn Thị Bình) - Đẻ cứ để như vậy xem nào.
(Thị Bình vẫn mang ghế lại, Quý duỗi chân).
Quý:  (Nhìn Hải) - Nhưng trách ai? Mày chửi vào mặt người ta, người ta tức, thì người ta đuổi; chứ sao? Chém cha cái đứa nào gọi tao là làm bố mày! Hải, mày nghĩ xem, tao ngần này tuổi đầu mà rồi cũng chết đói với mày. Mày là thứ gì mà tao phải chết đói với mày? Tao hỏi thiệt mày: tao có đáng chết khổ, chết sở như vậy không?
Hải:  (Đứng vụt dậy nói to) - Chết thì chết rấp đi! Già cho lắm mà làm gì, những thứ người ấy!
Quý:  (Giật mình) - Con mẹ nó! à cái thằng này!
Thị Bình:  (Nói cùng một lúc với Quý) - Thằng Hải!
Phượng:  (La cùng một lúc với Thị Bình) - Anh! 
Quý:  (Thấy Hải sức vóc khoẻ mạnh, tay lại có súng nên cũng hoảng, đành phải cười lạt) - Đẻ mày xem, con đấy, chưa động đến là đã vùng vằng... Hèm! Kể ra cũng không trách được thằng Hải; cả bọn nhà họ Chu chúng nó có đứa nào là ra hình người đâu! Tao hầu hạ chúng nó hai năm giời, tao biết tim đen nhà chúng nó ấy chứ lị! Trở đi, trở lại chỉ có tụi nhà giàu sẵn tiền, sẵn bạc là gì cũng gọn hết! Làm những việc hư hốt đến đâu mặc, bề ngoài chúng nó vẫn giữ được thể diện như thường. Miệng đầy những câu văn minh, đẹp đẽ, nhưng thực ra thì chúng nó chỉ là giai đi ăn trộm, gái đi làm đĩ mà thôi. Đồ chúa đểu! Chao! Hồi nẫy, lúc mình ra về, thời cụ chủ rồi đến bà chủ, làm duyên, làm nụ nói với mình toàn những giọng quan thoại: Hảo tung xi, minh ớ chiền (1)! Ai lại còn lạ gì kẽ tóc, chân lông chúng nó mà còn...
Phượng:  - Thôi cha! Cha đừng bới chuyện nhà  người ta làm gì nữa!
Quý:  (Giọng kiêu ngạo) - Ấy, ngày mai tao sẽ đem câu chuyện của thằng Cả và nhà mụ chủ độ nọ ra tao công bố cho mà xem! Tao sẽ làm cho cả cái thằng già, cái lão chủ oắng pát tàn kia cũng phải cúi đầu xuống mà van lạy tao nữa kia! Đồ vong ân! Đồ bội nghĩa! Mẹ... chúng nó! (Lại khạc ra một bãi đờm, nhổ ra giữa nhà, rồi hỏi Phượng) Trà đâu?
Phượng: - Cha say rồi ư? Tôi chẳng vừa đặt chén nước cho cha trên bàn là gì?
Quý:  (Cầm chén nước) - Đây là nước lã chứ trà đây hả, tiểu thư?
Phượng:  - Thì chỉ có nước lã chứ làm gì còn trà?
Quý:  - Đồ bú dù! Thì mày cũng biết là sau bữa cơm, tao vẫn phải uống chén trà ngon cơ mà!
Hải:  - A! Cơm xong rồi cần có trà ngon kia à! Phượng, thế mày không pha trà Long Tỉnh thứ 4đ80 một gói ấy, để nhấp giọng cho cha?
Phượng:  - Chè Long Tỉnh? Trong nhà một cánh  chè rời cũng không còn nữa là!
Hải:  - Dượng nghe rõ chưa? Thôi thì uống chén nước lã vậy, đừng nhiều lời nữa. (Rót một chén nước lã bưng tới bàn đặt trên, trước mặt Quý rồi đi vào).
Quý:  - Đây là nhà tao không phải nhà mày! Nếu mày ngứa mắt, mày cứ cút ngay đi là hơn!
Hải:  (Xông tới) - Dượng, dượng...
Thị Bình:  - Thôi, đừng, đừng con, con hãy nể mặt đẻ đây với, đừng cãi nhau làm gì nữa.
Quý:  - Mãy hẵng sờ vào gáy xem: mày về đây chưa được hai hôm là việc nhà rối beng! Tao đã không nói gì mày thì chớ mày lại còn định đánh tao kia à? Mày cút ngay ra khỏi nhà tao, cho tao nhờ!
Hải:  - Đẻ ạ, con không tài nào chịu được nữa, thôi đẻ cho con đi.
Thị Bình:  - Nói nhảm, trời lại sắp mưa mà con đi đâu?
Hải:  - Con có chút việc chưa làm xong. Có lẽ con cũng phải lên đằng hiệu xe tay, đi kéo mấy giờ xe.
Thị Bình:  - Hải này, con...  
Quý:  - Đi, đi! Để cho nó đi! Chỉ tai hại vì một mình nó. Bảo nó cút, cút, cút ra ngay!
Hải:  - Giữ hồn! Đừng chọc điên tiết tôi lên làm gì!
Quý:  - Có đẻ mày đấy, mày làm gì tao mày cứ làm đi! Đồ pha nòi!
Hải:  - Thế nào? Chửi ai đấy?
Quý:  - Chửi mày! Mày...
Thị Bình:  (Nói với Quý) - Khổ quá! Đừng sĩ diện nữa, im đi xem nào.
Quý:  - Sao tao lại không sĩ diện? Mày về với tao, tao có con riêng đâu, mà mày cũng mang thứ ấy về!
Thị Bình:  - Giời hỡi giời!
Hải:  - Để... để tôi bắn chết cái thứ người già mà dại này đi xem nào!
Quý:  (Đứng vụt dậy, thấy nguy quá, phải đứng im, xanh cả mặt, gào to) - Kìa súng! Súng, súng kìa!
Phượng:  (Chạy tới giằng lấy tay Hải) - Anh ơi!
Thị Bình:  - Thằng Hải, mày buông chiếc súng ra.
Hải:  (Nói cùng Quý) - Tôi bảo này: xin lỗi  ngay đẻ đi, nói ngay: "tôi xin lỗi và từ rầy tôi không nói nhảm, chửi nhảm như thế nữa".
Quý:  - À...
Hải:  (Đi tới một bước nữa) - Nói ngay!
Quý:  - M... ày..., m... ày, mày hằng... hẵng... buông khẩu súng ra trước đã,
Hải:  - Không, nói ngay đi!
Quý:  - Ừ cũng được, (Nói với Thị Bình) Xin lỗi, từ rầy về sau, tôi không bao giờ nói nhảm, chửi nhảm nữa.
Hải:  (Chỉ vào cái ghế tròn) - Bây giờ lại đấy mà ngồi.
Quý:  (Tiều tuỵ ngồi xuống ghế, miệng còn lẩm bẩm) Đồ lộn nòi.
Hải:  - Có thế chứ! Đây chẳng cần phí hơi, phí sức gì nhiều lắm đâu!
Thị Bình:  - Cất súng đi nào, Hải, con hẵng cất khẩu súng đi!
Hải:  (Buông khẩu súng, cười) - Đẻ, đẻ đừng sợ, con chỉ làm cho người ta biết giữ hồn thôi.
Thị Bình:  - Đưa đây cho đẻ. Súng mày lấy ở đâu  thế này?
Hải:  - Con lấy ở trên mỏ về đấy. Lúc chúng con xô xát cùng bọn cảnh binh, con rút được một khẩu đấy.
Thị Bình:  - Thế bây giờ mày mang theo bên mình làm gì?
Hải:  - Làm gì đâu!
Thị Bình:  - Không, con phải nói thiệt đi.
Hải:  (Mỉm cười) - Chẳng có gì sốt. Bọn nhà Chu Phác Viên ép uổng con quá chừng, bây giờ hết đường đi, thì đấy cũng là một con đường.
Thị Bình:  - Nói nhảm, đưa đây cho đẻ.
Hải:  (Không chịu đưa) - Đẻ!
Thị Bình:  - Vừa rồi giữa bữa cơm tối, đẻ đã nói với con: việc đằng ấy thế là xong rồi; họ Lỗ nhà mình từ rầy đừng nhắc đến nữa.
Hải:  (Cúi đầu, nói nhỏ và thong thả) - Thế nhưng bao nhiêu máu chảy trên mỏ thì sao? Những cái bạt tai nó vừa đánh vào mặt con, thì sao? Cho là xong thế nào?
Thị Bình:  - Ừ, xong rồi. Đằng ấy thế là cho xong  đi. Báo oán, trả thù, bao giờ cho hết? Việc gì cũng ông trời xanh xui khiến cả, con ạ, đẻ muốn con chịu khó thì hơn.
Hải:  - Đẻ muốn thế thì mặc đẻ. Tôi...
Thị Bình:  (Nói to) - Hải, con là con yêu của đẻ. Con hẵng nghe đẻ nói: xưa nay không bao giờ đẻ phải nặng lời cùng con như thế này. Lần này hễ con đập đánh một người đằng nhà họ Chu, bất kỳ già hay trẻ, hễ con đụng đến người ta, là đẻ từ con ngay!
Hải:  (Khẩn khoản) - Nhưng đẻ ạ...
Thị Bình:  - Con chẳng lạ gì đẻ nữa: nếu con nhất định làm một việc mà đẻ hết sức can ngăn không muốn cho con làm, thì đẻ sẽ lập tức chết trước mặt con, cho con xem. Con đưa khẩu súng đây cho đẻ.
Hải(Không chịu đưa).
Thị Bình- Đưa đây ngay cho đẻ! (Chạy tới, giật lấy khẩu súng).
Hải(Vẻ khổ sở) - Đẻ, sao đẻ...
Phượng- Anh, anh cứ để cho đẻ giữ xem nào.
Hải- Nếu vậy đẻ lấy thì lấy, nhưng đẻ cất  ở đâu phải cho con biết kia!
Thị Bình- Được rồi, đẻ bỏ nó vào trong cái hòm này này (Mở hòm bỏ súng vào) Nhưng sáng sớm, thế nào đẻ cũng ra trình đồn cảnh sát và nộp súng cho người ta.
Quý- Đúng! Đúng rồi! Thế mới đúng lý chứ!
Hải- Thôi, im cái miệng đi!
Thị Bình- Hải, đẻ cấm con không được nói với dượng con như thế.
Hải:- Vâng, thôi thì đẻ cho con đi đằng này. Con phải đi lên xưởng xe xem có người quen...
Thị Bình- Được, con đi. Nhưng thế nào rồi cũng phải về. Người trong một nhà, con không được bực bội vô lý,
Hải- Vâng, con sẽ về ngay.
(Hải đi ra, khép cửa lại. Quý sẽ đứng dậy nhìn theo, rồi hầm hầm trở về đứng bên cái bàn vuông).
Quý- Đồ ôn con! (Hỏi Thị Bình) Vừa rồi bảo mua trà sao không mua?
Thị Bình- Hết cả tiền lẻ rồi.
Quý- Vậy, Phượng, tiền tao đâu!... Tiền  vừa mới lĩnh ở đằng nhà chủ về đâu?
Phượng- Cha hỏi hai tháng tiền công họ trả thêm cho mình ấy ư?
Quý- Phải rồi, tất cả trước sau, tiền công, tiền thưởng là đi 60$00!
Phượng- Vâng, nhưng còn tiền trả nợ cho người ta...
Quý- Thế nào, mày còn trả nợ nữa kia?
Phượng- Vừa rồi bác Tam lại gõ cửa réo tiền nợ bạc của cha. Đẻ đã đưa tiền giả rồi.
Quý(Hỏi Thị Bình) - Sáu chục đồng thế là giả nợ bạc tuốt?
Thị Bình- Vâng, tiền nợ bạc của cha nó lâu nay thế là giả hết rồi cả đấy.
Quý- Con mẹ mày, chỉ một mình mày là báo hại, làm cho "gia đạo" của tao thế là sạch sành sanh! Lúc này là lúc giả nợ bạc đấy à?
Thị Bình:  - Giả đi cho xong chuyện. Cả cái nhà này tôi cũng thấy không cần giữ lại làm gì nữa.
Quý:  - Sao lại không cần giữ?
Thị Bình:  - Tôi định đến ngày kia là về Tế Nam. 
Quý:  - Đẻ mày muốn về Tế Nam thì cứ về. Tao cùng con Phượng sẽ ở lại đây. Cái nhà này vẫn phải giữ.
Thị Bình:  - Lần này, tôi đem con Phượng về một thể; không để nó ở lại một mình trên này nữa.
Quý:  (Cười nói cùng Phượng) - Phượng, mày nghe không, đẻ mày định bắt mày về đấy.
Thị Bình:  - Lần trước, lúc tôi ra đi, còn chưa biết công việc làm ăn thế nào. Đem nó đi chỗ xa lạ không tiện, mà ở nhà thì có thím Trương chăm nom nó. Cho nên tôi mới để nó ở lại. Bây giờ, dưới ấy đã có việc làm, mà con Phượng ở đây chả làm gì. Thế nào tôi cũng đem nó cùng đi.
Phượng:  (Đau đớn) - Thế nào? Đẻ nhất định đưa con cùng đi hở, đẻ?
Thị Bình:  - Ừ, từ rày về sau, dầu thế nào đẻ cũng không để cho con ở xa đẻ được.
Quý:  - Không được đâu! Việc này chúng mình còn phải bàn lại kỹ lưỡng mới  được.
Thị Bình:  - Không việc gì phải bàn bạc. Cha nó muốn về thì ngày kia về nốt. Nhưng tôi nói trước cho mà biết: về Tế Nam thì không có bạn bè đánh bạc đâu!
Quý:  - Lẽ tất nhiên là tao chẳng đi rồi. Nhưng đẻ mày định đưa con Phượng về làm gì?
Thị Bình:  - Con gái thì phải theo đẻ nó chứ! Trước kia là bất đắc dĩ đó thôi.
Quý:  - Con Phượng ở đây cùng ta, ăn ngon mặc tốt, ra vào những chỗ mặt to, tai lớn. Mụ định đưa nó cùng về làm gì? Có mà tôi sống!
Thị Bình:  - Cãi vã nhau vô ích. Cha nó thử hỏi nó xem, nó ưng theo tôi, hay ưng ở lại đây.
Quý:  - Nó ưng ở lại cùng cha nó hẳn đi chứ!
Thị Bình:  - Thì hỏi nó lại xem.
Quý:  (Chắc thế nào cũng thắng) - Phượng, lại đây con! Mày nghe đấy: mày ưng thế nào tuỳ mày. Ưng theo đẻ, hay ưng theo cha? (Phượng quay mặt lại  nước mắt đầm đìa) Kìa, con bé này chuyện gì mà khóc?
Thị Bình:  - Phượng!
Quý:  - Mày nói đi chứ! Có phải cô dâu lên kiệu về nhà chồng đâu mà sụt sịt! Nói đi tao nghe nào?
Thị Bình:  (An ủi con) - Phượng, con nói đi cho đẻ nghe. Hồi chiều, con đã nói phân minh là nhất định con theo đẻ về, bây giờ con nghĩ thế nào, thế? Con, con gái yêu của đẻ, con nói đi. Con cứ nói thiệt cùng đẻ. Thế nào đẻ cũng vẫn yêu con kia mà.
Quý:  (Cười đắc ý) - Có gì đâu. Mụ bảo đưa nó về, nó không ưng về đấy thôi mà, tao biết lắm chứ: nó bỏ chỗ này đi không dứt đâu! (Lại cười).
Phượng:  (Bảo Quý) - Thôi đi! (Nói với Thị Bình) Thôi, đẻ đừng hỏi con nữa, lòng con khổ lắm rồi. Nhưng đẻ ạ, con nhất định về cùng đẻ, đẻ nhá! (Nằm úp mặt vào lòng Thị Bình, nức nở khóc).
Thị Bình:  - Con đẻ ơi, hôm nay, đẻ thấy lòng con dường như còn có nhiều nỗi éo le... 
Quý: - Đẻ nó nhìn xem: con bé này toàn là bộ điệu tiểu thư. Bắt nó về thì chỉ khổ cho nó.
Thị Bình:  - Thôi cha nó đừng nói nữa (Nói cùng Phượng) Đẻ xấu số, đẻ tệ với con, con đừng trách đẻ, con ạ. Từ rày con sẽ luôn luôn sống cùng đẻ một chỗ. Không ai lừa đảo con nữa đâu. Con ơi! Con là khúc ruột của đẻ.
(Hải từ phía bên trái đi vào)
Hải:  - Đẻ, thím Trương vừa về xong, con gặp thím ấy ngoài đường.
Thị Bình- Thế con có nhắc thím ấy chuyện bán đồ đạc của nhà ta không?
Hải:  - Vâng, con nhắc rồi, thím ấy bảo là sẽ có thể sắp xếp được.
Thị Bình:  - Con lên xưởng có tìm được người quen không?
Hải:  - Có đấy ạ. Nhưng con phải đi ngay, con phải tìm một người nhận thực nữa kia.
Thị Bình:  - Thế hai đẻ con ta cùng đi nhé. Phượng, con ở nhà chờ đẻ, đẻ về ngay  giờ đấy.
Hải:  (Nói với Quý) - Dượng tỉnh rượu chưa! (Nói với Thị Bình) Tối hôm nay có lẽ con không ngủ nhà đâu, đẻ ạ.
(Hải cùng Thị Bình đi ra)
Quý:  (Nhìn theo) - X... ì...! Đồ lạc loài! (Chạy lại bên cạnh Phượng, chỗ cửa sổ) Đẻ mày đi rồi, Phượng, con định thế nào, nói đi.
(Phượng chỉ thở dài và yên lặng đứng nghe tiếng ễnh ương và tiếng sấm bên ngoài).
Quý:  - Mày thấy không? về đằng ấy, lòng mày xem chừng còn vấn vương khá nặng.
Phượng:  - Vấn vương gì? Giời nóng nực chết ngây người đi được ấy chứ!
Quý:  - Thôi, mày đừng giấu tao nữa. Xong bữa cơm chiều đến giờ, con mắt mày cứ nhìn chằng chằng thất thần đi thế kia mà! mày nghĩ chuyện gì?
Phượng:  - Tôi chả nghĩ gì sốt.
Quý:  - Phượng, con là con gái ngoan của cha,  cha chỉ được một mình mày là con yêu, bây giờ mày theo đẻ mày đi về, cha ở đây một mình lẻ loi quá!
Phượng:  - Thôi cha đừng nói nữa, lòng tôi đang rối beng lên đây. (Chớp nhoáng phía ngoài) Đấy! Lại sấm sét đằng kia. Cha nghe không?
Quý:  - Thôi mày đừng đánh trống lảng nữa! Mày nhất định về Tế Nam với đẻ mày ư?
Phượng:  - Phải! (Thở dài một hơi)
Quý:  (Hát với một giọng buồn bã) - Hoa khai, hoa tạ, niên niên hữu; nhân quá liễu cá thanh xuân bất tái lai! (1) A! này, Phượng này, đời người đáng sống, cũng chỉ khoảng vài ba năm là cùng; ngày xuân đẹp đẽ, khi dịp tốt đã lỡ rồi, là xong chuyện. 
Phượng: - Cha, cha đi nghỉ đi, tôi mệt lắm rồi!
Quý: - Công việc làm đằng cụ chủ chẳng lo gì. Đã có cha. Ngày mai cha con ta vẫn  có thể trở lại làm. Bây giờ, mày về mày đành lòng bỏ một chỗ ăn ở sung sướng như thế này sao? Mày đành lòng bỏ anh Cả...
Phượng: (Sợ hãi) - Thôi cha đừng nói nữa, cha đi ngủ đi. Ngoài đường người ta đi dạo mát về hết cả rồi, cha còn thức làm gì?
Quý: - Con đừng suy nghĩ vẩn vơ làm gì, con ạ! Trên đời này không tin được một ai đâu, chỉ có đồng tiền là chắc chắn hơn hết! Nói thế nhưng cũng chỉ có đẻ mày cùng mày là không biết đồng tiền là quý thôi.
Phượng: - Cha lắng nghe xem, hình như có tiếng ai gõ cửa ấy. (Tiếng gõ cửa)
Quý: - Gần 11 giờ rồi, còn ai đến chơi bây giờ nữa?
Phượng: - Cha để tôi ra xem.
Quý: - Không! Để tao ra. (Đi ra phía cửa bên trái) Ai đấy?
(Tiếng Xung giả lời bên ngoài) -  Nhà cụ Quý đây phải không?
Qúy: - Vâng, đúng rồi, ai hỏi gì? 
(Tiếng Xung bên ngoài) - Tôi muốn hỏi người này một tí.
Quý: - Ai đấy!
(Tiếng Xung bên ngoài) - Tôi ở đằng nhà cụ chủ.
Qúy: (Mừng rỡ, ngoảnh lại bảo Phượng) - Đấy, mày thấy không? Người đằng nhà cụ chủ lại đến đấy.
Phượng: (Sợ hãi) - Ấy chết!... cha, cha bảo người ta rằng nhà mình đi vắng cả rồi.
Quý: - Giề! Việc gì mà!... (Đi ra mở cửa)
Phượng: (Lật đật sắp xếp qua loa những đồ vật bừa bộn trong buồng, khuân những đồ không cần vứt vào nhà trong, để chờ khách vào, tiếng Qúy và tiếng Xung ở ngoài đi vào).
Xung: (Nhìn Phượng mừng rỡ) - Kìa Phượng!
Phượng: (Ra vẻ lấy làm lạ) - Kìa anh Hai!
Quý: (Cười nịnh) - Hè... hè! Anh Hai  đừng cười nhé! Chúng tôi ở chỗ này nghèo khổ chả ra tuồng gì.
Xung: (Cười) - Chỗ này khó tìm quá. Nhưng ngoài kia có nước hồ đẹp lạ.
Quý: - Anh Hai ngồi xuống đây đã. Phượng  bưng cái ghế đẹp kia lại đây!
Xung: (Thấy Phượng không nói năng gì) - Phượng, thế nào, Phượng buồn bực lắm à?
Phượng: - Không... Anh Hai đến đây làm gì? Bà mà biết thì...
Xung: - Mợ bảo Xung lại đây chứ.
Quý: (Bắt đầu hiểu) - Bà bảo anh Hai tới cùng chúng tôi đấy à?
Xung: - Ừ. Nhưng chính Xung cũng định lại đây thăm Phượng cùng cả nhà. Đẻ Phượng, và anh Phượng đâu?
Quý: - Chúng nó vừa đi xong.
Phượng: - Anh Hai làm thế nào mà tìm được nhà?
Xung: (Ngây thơ) - Mợ chỉ nhà cho Xung đấy chứ. Xung có biết đâu. Ngoài kia có vũng nước to, vừa mưa xong, đường trơn quá, tối giời, đi không khéo ngã dễ như chơi.
Quý: - Thế anh Hai không trượt chân chứ?
Xung:  - Không. Xung đi xe nhà thích lắm kia. (Nhìn quanh quất trong nhà, nói với  Phượng ra vẻ đắc ý). Té ra Phượng ở đây!
Phượng:  - Tôi xem chừng anh nên trở về chóng hơn một tí thì hơn.
Quý:  - Thế nào?
Xung:  - Ấy chết! Suýt nữa quên! Chẳng là mợ bảo tôi rằng: Cha con nhà cụ Quý ra về, mợ không yên tâm tí nào. Mợ sợ rồi đây Phượng và cụ Quý chưa có việc làm ngay, cho nên mợ bảo tôi đưa ra biếu đẻ Phượng 100đ00 (Đưa tiền ra).
Phượng:  - Thế nào?
Quý:  (Đắc ý bảo Phượng) - Đấy mày xem, nhà người ta giàu có, có khác, ăn ở thiệt thuỷ chung!
Phượng: - Không đâu! Anh Hai này, anh cám ơn bà hộ chúng tôi. Chúng tôi còn có cách sống. Anh cầm trở về cho thì hơn.
Quý:  - Cái con này, can gì đến mày mà mày cũng chõ mồm vào? Bà đã bảo anh Hai thân chinh đưa đến, mình phải bái lĩnh tấm lòng tốt của bà chứ! (Rút ngay tờ giấy bạc. Nói với Xung) Chốc nữa anh về, thế nào anh cũng làm ơn  bẩm bà hộ rằng: Chúng tôi vẫn vui vẻ, xin bà an tâm, và chúng tôi xin bái tạ.
Phượng:  - Cha này, không thể được đâu!
Quý:  - Mày trẻ con, biết gì nào!
Phượng:  - Cha nhận tiền, chốc nữa đẻ và anh về không nghe đâu.
Quý:  (Nói với Xung) - Thiệt rõ làm tội anh Hai đi bao nhiêu là đường đất! Để tôi đi lên phố mua ít thức điểm tâm anh xơi cho vui. Anh ở nhà cùng cháu một chốc đã. Tôi xin phép anh...
Phượng:  - Cha đừng đi, và chớ nhận tiền đấy.
Quý:  - Mày im miệng nào! Vào pha ngay chén trà bưng ra hầu anh, tao về ngay giờ. (Đi ra vội vã).
Xung:  - Để cha Phượng đi đi cũng hay.
Phượng:  (Chán nản) - Tệ quá đi mất! (Bực bội). Ai bảo anh cho tiền làm gì?
Xung:  - Phượng, Phượng, hình như Phượng không thích gặp tôi phải không Phượng? Sao lại thế?
Phượng:  - Cụ ông xơi cơm rồi chứ?
Xung:  - Vừa ăn xong. Vừa rồi ba lại phát cáu,  mợ bỏ cơm, đi lên gác, thế là Xung phải lên theo, khuyên mợ có đến nửa tiếng đồng hồ. Nếu không thì Xung đến đây từ lâu rồi kia.
Phượng:  (Ra vẻ vô tình) - Thế anh Cả đâu?
Xung:  - Từ chiều Xung không gặp anh. Xung chắc là anh ấy buồn bực; cho nên lại về phòng uống rượu thôi. Bây giờ hẳn còn say tuý luý chứ gì.
Phượng:  - Úi chào! (Thở dài)... Thế anh bảo người nào dưới nhà đi hộ anh có hơn không? Hà tất anh phải tự mình đi đến cái ngõ chật hẹp bẩn thỉu như thế này.
Xung:  (Rất thành khẩn) - Hẳn bây giờ Phượng tức chúng tôi lắm nhỉ? Phượng ạ, câu chuyện hồi chiều thiệt tôi cũng lấy làm khó chịu hết sức. Nhưng Phượng chớ cho anh Cả là người hư hốt. Sau lúc đó, anh ấy ăn năn lắm. Phượng không biết, đối với Phượng, anh ấy vẫn quý lắm.
Phượng:  - Anh Hai ạ, bây giờ tôi không phải người đằng nhà cụ chủ nữa rồi.
Xung:  - Nhưng chúng mình vẫn có thể coi  nhau là những người bạn chí thiết luôn luôn chứ sao?
Phượng: - Tôi định theo đẻ về Tế-Nam, nay mai đây.
Xung: - Đừng, Phượng hẵng khoan về. Rồi đây Phượng cùng cha Phượng cũng vẫn có thể trở lại làm kia mà. Sắp sửa dọn đến nhà mới đấy, ba cũng sẽ lên mỏ, bấy giờ Phượng sẽ trở về, bấy giờ tôi sẽ sung sướng hết sức.
Phượng: - Anh Hai thiệt tốt lòng quá.
Xung: - Phượng ạ, những cái việc nhỏ nhen ấy có làm quái gì! Phượng đừng buồn. Cuộc đời còn to tát hơn nhiều chứ! Phượng gắng sức học đi. Phượng sẽ biết rằng trên thế giới này biết bao người xưa kia cũng phải chịu những nỗi đau khổ như chúng mình bây giờ, và sau đó họ được sung sướng.
Phượng: - A! Cái kiếp đàn bà, bao giờ cũng vẫn là đàn bà. (Bỗng giật mình) Anh nghe kìa! Quái! (Tiếng ễnh ương kêu)
Xung: - Không! Phượng không phải là một cô con gái tầm thường! Phượng có sức…. 
Xung: - Có những lúc Xung quên hết những sự trạng hiện giờ (mơ màng) Xung quên cả gia đình, quên cả Phượng, quên cả mợ, quên cả bản thân Xung nữa. Xung tưởng tượng một buổi sáng mùa đông, gầm trời bảng lảng, trên mặt bể không bờ không bến... úi chao! Một chiếc thuyền nhẹ lướt qua như con chim én, gió bể thổi vi vu không khí nghe tanh tanh, mằn mặn; trong lúc đó con buồm trắng trùm tròa dương thẳng cánh, in như một con diều tà tà liệng trên mặt nước, con buồm sẽ vùn vụt như bay, chỉ lờ đờ mấy vừng mây bạc, Xung ngồi ngay đầu mũi thuyền, nhìn thẳng trước mặt, trước mặt là thế giới của chúng ta đấy, Phượng ạ.
Phượng: - Của chúng ta, thế nào?
Xung: - Hẳn chứ, Xung cùng Phượng hai đứa mình có thể bay, bay xa, bay tới một chỗ, một thế giới thật sạch sẽ, sung sướng không tranh dành, không giả dối, không có những sự bất bình,  không có... (ngửng đầu lên, nhìn mơ màng) Phượng bảo thế có hay không?
Phượng: - Anh Hai tưởng tượng đến vui!
Xung: - Phượng có ưng cùng đi với Xung không? Chúng ta cùng đưa cả... ấy đi nữa cũng được.
Phượng: - Ai kia?
Xung:  - Người Phượng nói với Xung hôm qua ấy mà, người mà Phượng bảo Phượng đã nhận lời rồi ấy! Xung chắc rằng nhất định người ấy cũng giống Phượng, và dễ yêu như Phượng.
(Hải đi vào)
Phượng:  - Anh!
Hải:  (Lạnh lùng) - Chuyện gì đấy?
Xung:  - Chào anh Hải.
Phượng:  - Anh Hai lại thăm chúng mình đấy.
Hải:  - A!... Ai ngờ đâu hai người còn ngồi cùng nhau ở đây. Dượng đi đâu?
Phượng:  - Đi lên phố mua gì ấy.
Hải:  (Bảo Xung) - Kể cũng lạ, đêm khuya thế này, mà cậu Hai còn chịu khó đi đến chỗ nghèo khổ này... để thăm  
chúng tôi kia à?
Xung:  - Tôi cũng có ý muốn gặp anh, anh Hải ạ, tôi rất lấy làm tệ với anh.
Hải:  - Việc gì kia?
Xung:  (Đỏ mặt) - Câu chuyện chiều hôm nay, lúc anh ở đằng nhà ấy mà!...
Hải:  (Vùng vằng) - Tôi xin anh đừng nhắc lại câu chuyện ấy nữa.
Phượng:  - Anh, anh đừng thế. Người ta có lòng tốt tới thăm nom mình, an ủi mình kia mà.
Hải:  - Này anh Hai, chúng tôi không cần an ủi, chúng tôi sống chết cũng chỉ có một nắm xương nghèo này, chúng tôi không cần anh giữa lúc nửa đêm còn đến an ủi!
Xung:  - Thiệt anh Hải hiểu lầm lòng tôi.
Hải:  - Tôi không hiểu lầm. (Ngoảnh lại bảo Phượng) Con Phượng, mày đi vào trong nhà đi.
Phượng:  (Khẩn khoản) - Anh!...
Hải:  - Mày đi vào ngay đi! Tao còn có chuyện muốn nói với cậu Hai đây.  (Thấy Phượng vẫn đứng đấy) Đi vào ngay đi.
(Phượng thong thả bước vào)
Hải:  - Này anh Hai: tôi đã nói chuyện cùng anh, tôi biết rằng đằng nhà anh, chỉ anh là còn tử tế đôi tí. Nhưng tôi bảo anh, anh nhớ lấy: từ rày về sau nếu anh còn bén mảng tới đây, tới để... an ủi chúng tôi cũng vậy, tôi sẽ không nể mặt anh đâu!
Xung:  (Cười) - Tôi vẫn nghĩ rằng: làm người dầu thế nào thì đối với những kẻ có thiện cảm với mình, mình cũng không nên cự tuyệt như vậy!
Hải:  - Thiện cảm thế nào giữa hai người như tôi cùng anh? Thiện cảm thì cũng tuỳ ở địa vị người này, người kia chứ!
Xung:  - Anh Hải ạ, tôi thấy rằng ý kiến anh lắm lúc cũng quá thiên. Bao nhiêu người giàu có nào phải đều là người hư hết! Thì trong bọn họ chả nhẽ lại không có một người nào có thể gần gũi với các anh được hay sao?
Hải:  - Anh còn đầu non, tuổi trẻ tôi có nói  nhiều anh cũng chả hiểu nào! Tôi chỉ nói trắng ra một câu cho anh rõ: anh không nên đi lại chỗ này, chỗ này không phải là chỗ anh đi lại.
Xung:  - Sao lại thế? Sáng nay anh còn nói cùng tôi rằng: anh bằng lòng kết bạn cùng tôi. Tôi chắc rằng Phượng cũng có ý nghĩ như vậy, thế thì tôi cũng có thể đi lại giúp đỡ bà con chút đỉnh chứ!
Hải:  - Anh Hai này, anh đừng tưởng rằng như thế đã là nhân từ lắm! Tôi nghe anh nói định giúp tiền cho con Phượng đi học phải không? Con Phượng là em tôi, tôi biết nó. Nó là con gái nhà nghèo, thì rồi đây cũng chỉ có thể làm vợ một anh thợ nào, giặt quần áo, làm cơm, chăm công việc bếp núc trong nhà mà thôi chứ. úi chào! Đi học, đọc sách, cái ấy là mộng tưởng của các tiểu thư kia!
Xung:  - Anh nói cố nhiên cũng đúng một phần, nhưng...
Hải:  - Bởi vậy, nếu như dầu nhà cậu Hai con ông chủ mỏ quả có nghĩ đến tương  lai của con Phượng đi nữa, thì tôi cũng xin cậu từ rầy về sau đừng có đi lại cùng nó nữa là tốt hơn hết!
Xung:  - Tôi thấy rằng anh có nhiều thành kiến quá. Anh không thể bảo rằng ba tôi là chủ mỏ thì nhất định anh phải...
Hải:  - Hiện giờ, tôi chỉ cảnh cáo cho anh, (Trừng mắt lên)...
Xung:  - Cảnh cáo kia à?
Hải:  - Tôi cảnh cáo cho anh biết: bất kỳ ngày nào, giờ nào, hễ tôi còn thấy anh lại nhà chúng tôi, ngồi trò chuyện với em tôi, thì nhất định là tôi (Dịu giọng lại) Nhưng... thôi! Anh Hai, bây giờ đêm cũng đã khuya rồi, chúng tôi cần đi ngủ đây.
Xung:  - Anh Hải, mấy lời anh vừa nói đó, thiệt tôi không hề tưởng rằng anh có thể nghĩ như vậy. Tôi không ngờ rằng những câu ba thường nói cùng tôi thế mà cũng có phần đúng.
Hải:  - Ba anh là một lão già khốn nạn!
Xung:  - Cái gì? 
Hải:  - Anh mày là đồ...
(Phượng lật đật từ phía trong chạy ra)
Phượng:  - Anh Hai, anh đừng nói chuyện với anh ấy nữa. (Chỉ vào mặt Hải) Tôi thấy anh hôm nay quái gở quá đi mất!
Hải:  - Mày nữa, mày là đồ đốn...
Phượng:  - Tôi không nói cùng anh. (Bảo Xung) Anh Hai đi về đi, anh đi về, đừng thèm nói chuyện với con người ấy.
Xung:  (Nhìn Hải) - Ừ, tôi về; (Nói với Phượng) Tôi xin lỗi Phượng, vì tôi đến đây mà phiền cho Phượng quá.
Phượng:  - Anh đừng nói nữa, anh đi về đi, anh Hai ạ.
Xung:  - Thôi, tôi về vậy! (Nói với Hải rất thuần từ) Thôi, chào anh, tôi không giận anh đâu, tôi vẫn ước ao làm bạn cùng anh (Đưa tay phải) anh có chịu bắt tay tôi một lần không?
 (Hải không để ý, quay hẳn lưng lại)
Phượng:  - Chao!
 (Xung quay mình sắp đi ra thì Quý, tay bưng một khay vừa nước chanh  vừa rượu, vừa thức ăn, từ phía cửa bên trái đi vào)
Quý:  (Thấy Xung đứng dậy ra về) - Thế nào thế này?
Hải:  - Dượng hẵng dịch ra, cho người ta đi về.
Quý:  - Không, không, sao anh Hai vừa tới đã về ngay làm vậy?
Phượng:  (Giận dữ) - Hỏi anh Hải ấy!
Quý:  (Cười nói với Xung) - Kệ thây nó, anh Hai ạ. Anh hẵng ngồi lại nói chuyện một chốc đã.
Xung:  - Không, tôi đi về thôi.
Quý:  - Nhưng cũng để mời anh xơi tí gì rồi hẵng... Tôi đi mãi lên trên kia mới biện được vài thức ăn tốt; để mời anh cầm đũa, thời vài chén rượu đã rồi hẵng!
Xung:  - Không, khuya rồi, tôi phải về đã.
Hải:  (Chỉ vào khay thức ăn, hỏi Phượng) - Tiền đâu mà bày biện thế kia?
Quý:  (Quay lại bảo Hải) - Tiền tao chứ tiền đâu nữa.
Phượng:  - Không, không phải! Tiền đằng nhà  đúng một trăm đấy!
Hải:  (Đếm tiền) - Thế nào thiếu đi đâu hai đồng rồi?
Quý:  (Cười gượng) - Ta... Tao tiêu rồi.
Xung:  (Không muốn đứng lâu nữa) - Thôi chào cả nhà, tôi về đây.
Hải:  (Níu Xung lại) - Khoan đã, về thế nào? Anh tưởng chúng tôi có thể mắc lừa các người thế này đây hả?
Xung:  - Nói gì thế?
Hải:  - Tôi còn tiền, tôi còn tiền. Trong ví tôi còn vừa đúng hai đồng đây, (Mở ví rút ra tất cả món tiền lẻ) Đây: vừa hai đồng đúng. Anh cầm về hộ đi. Chúng tôi không cần ai bố thí!
Quý: - Làm thế thì coi thế nào được?
Xung:  - Cái người như anh thiệt bất tận nhân tình.
Hải:  - Phải rồi, tôi "bất tận nhân tình"; tôi không bao giờ hiểu cái lối giả dối, cái bộ từ bi xỏ lá của các ngài, tôi không thể..
Phượng:  - Anh Hải!
Hải:  - Cầm về! Tôi bảo anh cầm về ngay, và  anh cút ngay hộ tôi!
Xung:  (Đứng nhìn một cách thất vọng, một lát sau mới cầm tiền) - Được rồi, tôi về, tôi về! Tôi lầm.
Hải:  - Tôi nói trước cho mà biết: từ rày về sau, đằng nhà họ Chu nhà anh, bất kỳ thằng nào, hễ bén mảng đến đây là tôi đánh cho chết toi!
Xung:  - Cám ơn. Đằng nhà họ Chu, ngoài tôi ra, còn ai dại gì mà tới đây nữa đâu. Thôi tôi về.
Quý:  - Này Hải này...
Hải:  - Để cho nó cút.
Quý:  - Để... để... để tôi cầm đèn anh ra, ngoài nhà ngoài tối quá.
Xung:  - Cám ơn.
(Hai người cùng đi ra)
Phượng:  (Chạy theo) - Này, anh Hai!
Hải:  - Phượng, con Phượng, mày không được đi theo nó đâu đấy!
 (Thị Bình ở phía cửa bên phải đi vào)
Hải:  - Đẻ, thằng con thứ hai của lão chủ mỏ vừa đến xong. 
Thị Bình:  - Ừ, đẻ thấy một chiếc ô tô đỗ ngoài cửa, đẻ không biết ai tới đây, đẻ không dám vào.
Hải:  - Con vừa đuổi nó ra khỏi nhà xong, đẻ có biết không?
Thị Bình:  - Có, hồi nãy, đẻ đứng nghe cả buổi ngoài kia.
 Hải:  - Bà ấy đưa biếu đẻ một trăm đồng bạc đấy!
Thị Bình:  (Tức tối) - Ai cần tiền nhà bà ấy, mà bà ấy biếu! Ngày mai tao đem ngay con Phượng về nhà là hơn.
Hải:  - Sáng mai đã về kia hở đẻ?
Thị Bình:  - Ừ! Đẻ vừa nghĩ lại rồi: sáng mai về.
Hải:  - Thế thì hay lắm. Vậy con cũng chẳng cần nói gì nữa.
Thị Bình:  - Thế nào kia?
Hải:  - Không. Lúc con trở về đây, hồi nãy ấy mà, con thấy con Phượng đang ngồi chuyện trò với cái thằng Hai ấy.
Thị Bình:  - Chuyện gì kia?
Hải:  - Con không rõ.
Thị Bình:  - Chết! Con nhà như thế thì thôi!
Hải:  - Thế để con đi lại đằng này tí đã, đẻ nhá.
Thị Bình:  - Con đi đâu kia?
Hải:  - Tiền còn xu nào đâu. Con đi thuê cái xe hàng kéo mấy giờ vậy.
Thị Bình:  - Đi làm gì? Không cần, con ạ. Đẻ còn tiền đây. Con cứ ở nhà mà ngủ.
Hải:  - Không. Đẻ giữ lấy đấy mà tiêu. Con đi đây.
 (Hải đi ra phía cửa bên phải)
Thị Bình:  (Chạy theo gọi) - Hải ơi, Hải!
 (Phượng đi vào)
Phượng:  - Đẻ, đẻ về rồi đấy ư?
Thị Bình:  - Mày mải đi đưa cậu Hai nhà bà chủ, đẻ về, mày cũng chả biết gì đến nữa.
Phượng:  - Bà chủ bảo anh ấy đến đây, đẻ ạ.
Thị Bình:  - Thấy anh mày nói hai đứa chúng mày cùng nhau trò chuyện khá lâu?
Phượng:  - Đẻ bảo là con nói chuyện với anh Hai ấy ư?
Thị Bình:  - Ừ. Nó nói những gì cùng mày thế?
Phượng:  - Có gì đâu. Chuyện thường thôi mà.(Tiếng sấm lại chuyển đằng xa)
Thị Bình:  - Con nghe đấy, tiếng sét ngoài trời kia kìa. Đẻ khổ lắm rồi, con đẻ ở đây làm những gì, thôi đừng giấu đẻ nữa.
Phượng:  - Con không giấu đẻ đâu! Con chẳng nói hết cùng đẻ rồi là gì? Hai năm nay...
(Tiếng Quý ở căn phòng ngoài): - Đẻ nó đâu, đi ngủ chứ! Khuya rồi.
Thị Bình:  - Mặc tôi. Cứ ngủ trước đi. (Nói với Phượng) Con nói làm sao?
Phượng:  - Thì con chả nói cùng đẻ rồi là gì? Hai năm nay, hôm nào, tối lại, con cũng... về nhà ngủ cả mà.
Thị Bình:  - Con ạ, con nói thiệt cùng đẻ. Đẻ bây giờ không tài nào chịu được những điều quá khổ nữa rồi.
Phượng:  - Đẻ (Khóc sụt sùi) đẻ ơi, sao đẻ lại không tin con đẻ (úp mặt vào lòng Thị Bình khóc).
Thị Bình:  (Lau nước mắt) - Con đẻ ơi! Không phải là đẻ không tin con. Nhưng bây giờ thiệt đẻ không dám tin người đời nữa. Con đẻ dại, không hiểu lòng đẻ. Đẻ khổ sở mấy mươi năm giời nay, không biết nói cùng ai được! Lúc đẻ còn xuân xanh tuổi trẻ không ai bày bảo cho, nên cứ lỡ một, lầm hai, sa đà dần dần, thành ra hư hỏng. Con ạ, đẻ sinh ra được một đứa con gái như con, đẻ không muốn con ngày sau lại lầm lỗi như đẻ ngày trước. Phượng, con là con đẻ, đẻ không còn gì quý hơn con nữa, con thương lấy đẻ cùng. Con mà lừa đẻ, là con giết đẻ đấy, con xấu số của đẻ ạ!
Phượng:  - Không đâu đẻ ạ, từ rầy về sau, con sẽ luôn luôn là con đẻ thôi mà!
Thị Bình:  - Này con, đẻ con ta chỉ ở lại đây đêm nay nữa thôi. Sáng mai thế nào chúng mình cũng về nhà.
Phượng:  (Đứng dậy) - Thế nào? Ngày mai đã về kia ư?
Thị Bình:  - Ừ! Đẻ nghĩ lại rồi, sáng mai đẻ con chúng ta đi về thôi. Từ rầy về sau, không bao giờ trở lại đây làm gì nữa.
Phượng:  - Không bao giờ trở lại nữa! Nhưng sao lại về vội thế hở đẻ?
Thị Bình:  - Mày còn muốn ở lại làm gì nữa, con?
Phượng:  - Con, con...
Thị Bình:  - Con không ưng về sớm một tí ư?
Phượng:  (Thở dài, cười, gượng) - Cũng được, thế thì mai sáng chúng ta về sớm vậy.
Thị Bình:  (Bỗng ra vẻ ngờ vực) - Con ạ, hình như con đương còn chuyện gì giấu đẻ ấy.
Phượng:  (Gạt nước mắt) - Đẻ, có gì đâu.
Thị Bình:  - Con đẻ, con nhớ lời đẻ vừa nói cùng con không?
Phượng:  - Con nhớ rồi.
Thị Bình:  - Con ạ, từ rày con không được đi lại với người đằng nhà họ Chu nữa.
Phượng:  - Vâng.
Thị Bình:  (Trịnh trọng) - Nhưng, con phải thề cùng đẻ kia!
Phượng:  (Sợ hãi) - Cần gì phải thề hở, đẻ?
Thị Bình:  - Không! Con phải thề đi!
Phượng:  (Quỳ xuống) - Đẻ (Bỗng nhảy chồm vào lòng Thị Bình) Thôi đẻ ạ, con... con thề không xuôi!
Thị Bình:  (Chảy nước mắt) - Con nỡ lòng làm khổ đẻ đến thế ư con? Già đời người, đẻ chỉ vì con mà con quên rồi sao, con? (Khóc nức nở).
Phượng:  - Thôi đẻ để con thề, để con thề...
Thị Bình:  (Đứng dậy) - Vậy thì con quỳ xuống mà thề.
Phượng:  - Đẻ, con thề cùng đẻ: từ rầy về sau con nhất định không bao giờ gặp lại người đằng nhà cụ chủ.
(Tiếng sấm dậy)
Thị Bình:  - Con ạ, giời sấm sét ngoài kia kìa. Rồi đây, con có còn quên lời đẻ mà đi gặp người ta không?
Phượng:  (Sợ hãi) - Đẻ, con không quên đâu, con không bao giờ quên đâu.
Thị Bình:   - Con phải thề đi, thề đi: nếu con quên lời đẻ thì...(Tiếng sét đánh).
Phượng(Nhắm mắt nói liều) - Thì... sét đánh con chết tươi. (Nhảy chồm vào lòng Thị Bình) Đẻ ơi! (Khóc nức nở) Giời ơi! (Tiếng sấm chuyển).
Thị Bình(Ôm con vào lòng) - Phượng ơi, Phượng! Con đẻ ơi!
(Quý đi từ phía cửa bên trái ra. Quần cộc, áo lót, mắt lờ đờ nhìn Thị Bình)
Quý- Đêm khuya rồi sao chưa đi ngủ, còn thì thầm gì đấy?
Thị Bình- Mặc tôi, cứ đi ngủ đi! Hôm nay tôi ngủ cùng con Phượng ở đây vậy.
Quý- Thế nào?
Phượng- Không, đẻ vào ngủ đi. Để con ngủ một mình ngoài này cũng được.
Quý- Con Phượng suốt ngày hôm nay nó mệt nhọc lắm rồi. Để cho nó ngủ chứ.
Thị Bình- Phượng, con không muốn đẻ ngủ cùng con ư?
Phượng- Thôi, đẻ cho con ngủ một mình vậy.
 (Quý đi vào).
Thị Bình- Cũng được. Con ngủ cho ngon giấc đi.
Phượng- Vâng đẻ đi ngủ tí đi.
(Thị Bình vào)
(Phượng cài chốt cửa bên phải. Bên kia tường tiếng Lỗ Quý hát: "Hoa tàn, hoa lại nở, năm nay còn có năm sau, đời người khi hết cái xuân xanh là rồi!". Phượng sẽ đi đến trước bàn tròn, vặn  nhỏ ngọn đèn. Bên ngoài tiếng ễnh ương kêu, tiếng chó sủa. Phượng ngồi trên mép giường thay áo, lấy dép đi, đi vài bước lại về giường ngồi, thở dài. Bên kia tường vẫn nghe tiếng Quý hát khe khẽ, tiếng Thị Bình khuyên Quý đừng ồn. Ngoài đường, tiếng mõ cầm canh nghe rời rạc, từng hồi một. Phượng lại ngồi dậy, cầm chiếc quạt nan quạt thật mạnh. Nực quá, Phượng phải mở cửa sổ đứng nhìn ra).
 (Quý từ phía cửa trái đi ra, chân lê đôi dép)
Quý:  - Con chưa ngủ à?
Phượng:  - Vâng.
Quý:  (Cầm bình rượu và nhích khay thức ăn) - Thôi, con đi ngủ đi. 
Phượng:  - Vâng.
Quý:  - Đêm khuya lắm rồi.
(Quý đi vào, Phượng đi lại phía cửa bên phải, đứng một chốc, nghe tiếng Quý cùng Thị Bình nói chuyện trong phòng. Phượng đi đến chỗ chiếc bàn tròn đấm vào mặt bàn một cái rồi khóc  sùi sụt. Ngoài kia tiếng huýt sáo nghe xa xa; Phượng đứng vụt dậy, nín thở đứng nghe, ra vẻ sợ hãi. Phượng vặn ngọn đèn to lên một tí, đi tới nơi cửa sổ ló đầu nhìn, rồi đứng dựa vào cửa sổ nhìn ra, lòng hết sức bồn chồn. Tiếng huýt sáo nghe gần hẳn lại. Phượng sẽ lấy một miếng giấy đỏ che vào bóng đèn, đặt chiếc đèn lên bậc cửa. Tiếng huýt sáo nghe rõ hơn. Xa xa lại một tiếng sấm dồn. Phượng lật đật rút đèn nơi cửa sổ, vặn nhỏ hẳn xuống, đặt đèn vào đằng sau. Ngoài cửa nghe có tiếng chân bước).
(Tiếng gõ cửa phía ngoài)
Phượng:  (Run cả người) - Ấy... chao!
Tiếng Bình ngoài cửa sổ (Nói rất khẽ) - Này, mở cửa, mở cửa cho anh vào với.
Phượng:  - Ai?
Tiếng Bình:  - Đố biết.
Phượng:  (Run cả tiếng) - Anh, anh tới đây làm gì?
Tiếng Bình:  - Đố biết nữa đấy!
Phượng:  - Giờ em không gặp anh được đâu. (Sợ   hãi) Đẻ em ở nhà cơ.
Tiếng Bình: - Phượng đừng dối anh nữa: đẻ Phượng ngủ rồi.
Phượng:  - Anh cẩn thận, anh Hải em còn tức anh lắm.
Tiếng Bình: - Hải đi vắng, anh biết rồi.
Phượng:  (Quay lưng đi vào) - Anh đi về đi!
Tiếng Bình: - Không! (Người bên ngoài cố đẩy cửa sổ, Phượng ở trong cố sức giữ).
Phượng:  - Anh đừng có vào đấy!
Tiếng Bình: (Nói khẽ) - Phượng! Phượng ơi! Anh van em, em mở hộ anh!
Phượng:  - Không, không, quá nửa đêm rồi, em đã thay áo đồ rồi.
Tiếng Bình: - Thế nào? Thay áo đồ rồi kia à?
Phượng:  - Vâng, em đã lên giường ngủ rồi.
Tiếng Bình: (Run cả tiếng) - Thế... thế thì anh đành... anh... (Một hơi thở thật dài)
Phượng:  (Khẩn khoản) - Vậy anh đừng vào nữa, anh nhé. Có được không?
Tiếng Bình: - Được, thôi được, anh đành về vậy... Nhưng Phượng ơi, em hẵng hé cửa sổ cho anh...  
Phượng:  …………. nhiêu chuyện cho em rồi. Sao anh chưa chịu thôi?
Tiếng Bình: - Thì anh biết là anh lỡ rồi. Nhưng Phượng này, bây giờ anh cần gặp em; ừ, anh phải gặp em một tí.
Phượng:  (Thở dài) - Được rồi, thì ngày mai vậy. Ngày mai em sẽ vâng lời anh, gì cũng được hết.
Tiếng Bình: - Ngày mai ư? Thiệt không?
Phượng:  - Vâng, thiệt đấy. Em không dối anh đâu.
Tiếng Bình: - Thế thì được, chắc đấy, ngày mai nhé; Phượng đừng dối Bình mà tội, Phượng nhé.
 (Tiếng chân bước)
Phượng:  - Anh về đấy ư?
Tiếng Bình: - Ừ! Anh về đây, Phượng nhé.
 (Tiếng bước chân nghe xa dần)
Phượng: (Nói một mình) - Thế là anh ấy về rồi! (Mở cửa sổ một luồng gió thổi vào) Ai cha! (Bỗng thấy Bình đứng nơi cửa sổ)
Phượng:  - Giời ơi! Đẻ ơi! (Lật đật đóng cửa, nhưng Bình đã cố đẩy cánh cửa).  
Bình:  (Tay xô cửa) - Lần này thì Phượng không đuổi được anh nữa nhé!
Phượng: ( Hết sức đóng cửa) - Anh... anh... anh... về đi!
(Cuối cùng Bình đã lọt vào khỏi cửa sổ, mình mẩy đầy những bùn, má bên phải máu tươi chảy)
Bình:  - Đấy, Phượng làm gì anh cũng vào được kia mà!
Phượng:  (Lui vào mấy bước) - Anh lại say rồi!
Bình:  - Phượng ơi, sao em lại tránh anh làm gì? Em sợ gì mà không chịu gặp anh? (Quay má bên phải về phía đèn, Phượng nhìn thấy vết máu).
Phượng:  - Má anh làm sao thế?
Bình:  (Sờ má nhìn thấy bàn tay có máu) - Anh tìm nhà đi trượt, ngã ngoài đường ấy. (Đóng cửa sổ).
Phượng:  - Không, không, anh về đi! Em van anh! Anh về đi nhé.
Bình:  - Không, anh phải nhìn em lâu lâu tí kia.
 (Tiếng sấm chuyển ầm ầm bên ngoài).  
Phượng:  (Lánh ra một bên) - Không! Em sợ lắm!
Bình:  (Dịch lại) - Em sợ gì kia? 
Phượng:  (Run cả giọng) - Em sợ anh! (Lui vào) Trông bộ anh dễ sợ quá kia: đầy mặt máu là máu... em không dám nhìn anh nữa... anh,... anh...
Bình:  (Cười lạ lùng) - Em bảo anh thế nào hả, em dại của anh? (Cầm tay Phượng).
(Ngoài giời, một tiếng sét to)
Phượng:  - Trời ơi! Đẻ tôi ơi! (Chạy nép vào trong lòng Bình) Em sợ quá đi mất!
 (Một tiếng sét đánh đoành lên. Mưa to, sấm chuyển đùng đùng, sân khấu tối dần dần, một luồng gió xô hẳn cánh cửa sổ, bên ngoài đêm đen hoắc. Một đường chớp nhoáng qua người ta thấy bóng Phồn Y nơi cửa sổ. Phồn Y đứng giữa mưa, đầu tóc tán loạn, ướt đầm đìa, mặt xanh nhợt như xác ma. Phồn Y sẽ đưa tay khép cánh cửa cài chặt chốt ngoài lại. Sấm sét lại chuyển dậy đùng đùng. Căn phòng tối như mực).
Phượng:  - Anh ôm chặt lấy em, em sợ quá đi mất. 
(Sân khấu sáng dần lên. Ngoài cửa, bỗng nghe tiếng Hải gọi to, trong lúc ấy, Bình ngồi xuống nơi chiếc ghế. Phượng đứng về bên cửa, mặt lo lắng).
Bình:  - Ai ngoài kia! (Lắng tai nghe)
Phượng:  - Anh im đi.
Tiếng Thị Bình: (ở phòng ngoài) - Hải đấy à? Thế nào con lại về đấy?
Tiếng Hải:  - Mưa to quá kia! Đằng xưởng xe buồng ướt hết. Không có chỗ ngủ.
Phượng:  (Nói khẽ) - Anh Hải về đấy, anh ra đi, mau lên.
(Bình vội đến chỗ cửa sổ, đẩy cửa)
Bình:  (Đẩy không được) - Lạ quá!
Phượng:  - Thế nào?
Bình:  (Nguy ngập) - Ai cài cửa phía ngoài ấy.
Phượng:  - Thiệt ư? Ai thế nhỉ? (Sợ hãi)...?
Bình:  (Lại ráng hết sức xô cửa) - Không được, không tài nào xô nổi ra.
Phượng:  - Anh đừng lên tiếng, họ ở ngoài cửa này này!
Tiếng Hải:  (Ngoài cửa): - Tấm phản đâu, đẻ nhỉ?  
Tiếng Thị Bình: - Trong buồng con Phượng ấy.
Phượng:  - Chết rồi, anh ạ! Đẻ và anh Hải vào đấy. Anh trốn, anh trốn ngay đi!
(Phượng đưa Bình lánh vào phía cửa bên trái, Hải cầm đèn đẩy cửa đi vào).
Hải:  (Khản tiếng) - Cái gì kia? (Nhìn thấy Phượng cùng Bình đang đứng im phăng phắc) Đẻ ơi! đẻ vào đây nhanh lên, con bắt gặp quỷ sứ đây này!
Thị Bình:  (Chạy lật đật vào nhà, miệng ấp úng) - Giời!
Phượng:  (Chạy ra phía cửa bên phải, kêu lên một tiếng hết sức đau đớn) Giời ơi!
(Thị Bình đi ven theo bạo cửa, suýt ngã)
Hải:  - À! Té ra mặt mày! (Nhặt được con dao, liền chạy xông tới định đâm Bình, thì bị Thị Bình cố hết sức níu lại).
Thị Bình:  - Hải ơi! Con chớ đấy, con động đến nó, đẻ chết ngay trước mặt con cho con xem!
Hải:  (Dậm chân thật mạnh) - Đẻ buông con ra! Đẻ buông con ra xem nào! 
Thị Bình:  (Thấy Bình đứng thất thần, cũng dậm chân) - Đồ ngu, không chạy đi còn đứng làm gì đấy?
 (Bình chạy ngay về phía cửa bên phải)
Hải:  (Thét to) - Bắt lấy nó! Dượng ơi, bắt lấy nó!
(Hải cố chạy theo, nhưng bị Thị Bình níu chặt lại thành ra kéo cả Thị Bình đi theo mấy bước).
Thị Bình:  (Biết Bình chừng đã chạy xa, sẽ ngồi xuống đất, ngẩn cả người) - Giời ôi!
Hải:  (Dậm chân) - Đẻ! Đẻ! Đẻ rõ vớ vẩn!
(Quý đi vào)
Quý:  - Nó chạy mất rồi, thế nhưng con Phượng đâu?
Hải:  - Con nhà vô liêm sỉ! Nó cũng cút nốt nữa rồi!
Thị Bình:  - Giời ôi! Con tôi, con tôi...! Ngoài kia nước sông lên to thế kia! Con ơi... Phượng ơi! Muôn vàn đẻ xin con chớ điên rồ... Phượng ôi! (Chạy ra theo).
Hải:  (Níu lại) - Đẻ đi đâu kia?
Thị Bình:  - Mưa to thế này nó liều mạng nó đi.  Thôi, hỏng! Đẻ phải theo nó, đẻ phải theo nó.
Hải:  - Được rồi, để con cùng đi với đẻ...
Thị Bình:  - Thì đi nhanh lên! (Chạy ra, vừa chạy vừa gọi) Phượng ơi! Phượng ơi! (Tiếng gọi xa dần).
(Quý cũng đội mũ chạy theo. Một mình Hải dừng lại một chốc, rồi đi vào mở hòm lấy khẩu súng nhìn kỹ càng, bỏ súng vào lòng, đi ra rất nhanh. Bên ngoài mưa gió xen cùng tiếng Thị Bình gọi: "Phượng ơi! Phượng ơi!").