Dịch giả : Fossion René & Trần hữu Sơn
Phần 1. Chương 4
CUỘC CHIẾN BẨN THỈU

 
Dưới cái nhìn tổng quát, một số phân tích gia cho rằng cuộc chiến tranh ở Nga là cuộc nội chiến giữa phe Bônsêvich Đỏ và phe Bảo Hoàng Trắng.
Nhưng trên thực tế, ngoài các cuộc giao chiến giữa hai phe Hồng Quân và Bạch Quân ra, vấn đề quan trọng là những gì xảy ra ở hậu tuyến sau khi chiến tuyến di chuyển về phiá trước. Đặc điểm của những diễn biến ở hậu phương là các cuộc đàn áp bằng vũ lực tại những nơi mà Hồng quân hay Bạch quân chiếm đóng.
Tại các vùng do Hồng Quân kiểm soát,  các cuộc đàn áp được tổ chức có phương pháp và rất quy mô. Đối tượng là  quần chúng của mọi tầng lớp. Đặc biệt đối với lãnh tụ của các đảng phái chính trị hay các đoàn thể chống đối, các công nhân đình công đòi hỏi yêu sách, các người trốn quân dịch, lính đào ngũ. Đơn giản hơn nữa là các công dân thuộc các giai cấp xã hội bị tình nghi thù địch với cái tội là đã sinh ra và lớn lên trong các thành phố của phe đối nghịch nay được tái chiếm.
Điểm quan trọng của cuộc nội chiến là cuộc đương đầu của hai phe trước hàng triệu nông dân, lính đào ngũ, bất phục tùng. Họ là yếu tố quyết định thành hay bại của cuộc chiến cho cả Hồng Quân lẫn Bạch Quân.
Suốt trong mùa hè 1919, những người nông dân đã nhiều lần nổi lên chống chính quyền Bônsêvich ở các vùng trung lưu sông Volga, sông Don và trên toàn vùng Ukraine. Nhờ các cuộc nổi loạn này, Đô đốc Koltchak và Tướng Denikime đã phá vỡ hằng trăm cây số sâu vào chiến tuyến của Bônsêvich. Nhưng sau đó vài tháng, Koltchak đã tính toán sai lầm khi ông quyết định trao trả ruộng đất lại cho các địa chủ. Nhóm nông dân vùng Tây Bá Lợi Á  kịch liệt chống lại quyết định của Koltchak. Vì thế Bạch quân dưới quyền chỉ huy của Đô Đốc Koltchak thất trận.
Các cuộc hành quân của Bạch lẫn Hồng quân chỉ diễn ra từ cuối năm 1918 đến đầu năm 1919, nghĩa là chỉ hơn một năm, trên thật tế không phải là cuộc nội chiến. Đó là các cuộc chiến vô cùng bẩn thiểu với mục đích là đè đẹp các thế lực của nông dân nổi dậy ở những vùng họ chiếm đóng. Ở các vùng đất do Bônsêvich kiểm soát, đã diễn ra các cuộc đãu tranh giai cấp, chống lại lớp người giàu có, các phần tử mà họ cho là xa lạ với xã hội , truy lùng lãnh tụ của các phe đối lập,  đàn áp những người đình công,  tấn công những đơn vị Hồng quân bị nghi ngờ tiếp tay trong các cuộc nổi dậy của nông dân.
Trong các vùng do Bạch quân chiếm đóng, những người bị tình nghi gốc Do Thái thân Bônsêvich bi truy nã gắt gao. Không phải chỉ có Bônsêvich mới đàn áp. Các cuộc khủng bố trắng đã diễn ra ở vùng Ukraine để tàn sát những người Do Thái xảy ra vào mùa hè 1919 dưới quyền chỉ huy của Tướng Denikine và các lực lượng vỏ trang Petioura. Họ đã giết lối 150.000 người Do Thái. Những nhà nghiên cứu nhận định rằng không thể đánh giá các cuộc khủng bố đỏ cũng giống như đánh giá các cuộc khủng bố trắng. Cuộc khủng bố đỏ được tổ chức có hệ thống, có phương pháp, có suy tính kỹ lưỡng và được thi hành trước khi xày ra cuộc nội chiến. Nó được lý thuyết hóa để chống lại tất cả mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong khi đó, cuộc khủng bố của Bạch quân chỉ do các đơn vị ngoài tầm kiểm sóat của quân Bạch Nga. Nó không nằm trong kế hoạch hay tính toán của bộ chỉ huy Bạch quân.  Các cuộc đàn áp này thường do các toán công an, cảnh sát hay các toán phản gián thực hiện. Tướng Denikine đã nhiều lần lên án các cuộc khủng bố này. Để đối đầu với cơ quan phản gián của Bạch quân, phía Hồng quân đã cho cơ quan tình báo chính trị Tcheka kết hợp với  '' Lực lượng bảo vệ nội chính cộng hòa'' lập thành một lực lượng có nhiều đặc quyền và được tổ chức rất chu đáo.
Khó có thể trình bày hết các hình thức khủng bố của cuộc nội chiến. Ở đây chúng tôi chỉ nêu những điểm tiêu biểu về các cuộc đàn áp của nhóm Bônsêvich. Tuỳ theo phương pháp thực hiện và tuỳ ưu tiên giải quyết, các cuộc đàn áp đều đã xảy ra trước  cuộc nội chiến. Cuộc đàn áp thực sự mở rộng vào cuối mùa hè năm 1919. Chúng tôi chỉ chọn ra đây các sự kiện rõ ràng và xảy ra liên tục theo thời gian để có thể theo dõi từ đầu của chế độ bônsêvich:
Các vị lãnh tụ chính trị không thuộc phe Bônsêvich, từ những người thuộc phe bảo Hoàng đến các thành phần vô chính phủ.
Các công nhân thợ thuyền đãu tranh cho quyền lợi sơ đẳng của họ, như có việc làm, có cơm ăn, có quyền  tự do căn bản và tôn trọng nhân phẩm.
Các nông dân, lính đào ngũ có liên hệ đến các cuộc chống phá chính quyền của lực lượng nông dân, hay các đơn vị Hồng quân nổi loạn.
Các người Cosaques bị coi là thành phần chống chính quyền Bônsêvich vì họ thuộc giai cấp riêng biệt của xà hội. Họ bị lưu đày từng khối đông quần chúng. Hiện tượng giải trừ người Cosaque là một điềm báo hiệu cho các cuộc lưu đày của thành phần giàu có cùng với các sắc dân đã diễn ra với mức độ quy mô trong những năm 1930 sau này. Nó nói lên tính liên tục trong chính sách đàn áp của Lenine và Staline.
Người ta biết rất nhiều về các cuộc lùng bắt các đối thủ đảng phái chính trị đối lập chống lại chính quyền bônsêvich.
Các lãnh tụ có tên tuổi của các đảng phái chính trị thường để lại các chứng từ. Có số còn bị tù đày, có vị lưu vong ra nước ngoài, hiện đang còn sống. Các lãnh tụ gốc nông dân hay công nhân là những thành phần nồng cốt thường bị xử bắn không cần xét xử. Có khi họ bị thanh toán trong các cuộc hành quân truy lùng do tổ chức công an chính trị Tcheka phát động. Điển hình là cuộc đàn áp diễn ra ngày 11 tháng 4 năm 1918 tại Mạc Tư Khoa nhắm vào thành phần vô chính phủ. Họ đã bắn tại chổ hàng chục người. Các cuộc hành quân truy lùng các thành phần vô chính phủ vẫn tiếp tục mấy năm liền sau đó. Lực lượng gọi là vô chính phủ vừa chống lại chính quyền chuyên chế của Bônsêvich, vừa chống lại những người của chính quyền cũ.  Như lãnh tụ Makkno gốc nông dân thuộc lực lượng vô chính phủ. Lúc đầu ông hợp tác với Hồng quân để chống lại Bạch quân. Khi thanh toán xong Bạch quân, ông quay ra chống Hồng quân. Họ bị Hồng quân và các toán Tcheka kết tội là các tên lưu manh phá rối và bị xử bắn. Trong số đó có rất nhiều nông dân bị giết. Theo bản thống kê của những người nông dân còn sống sót bỏ chạy qua Đức hồi năm 1922 cho biết con số người bi bắn lên đến 138 người vào năm 1919 đến 1921. Cho đến ngày 1 tháng giêng năm 1922 có tất cả 608 người bi bắt cầm tù.
Từ mùa hè 1918 cho tới tháng 2 năm 1919, nhóm Xã hội thiên tả vẫn còn là đồng minh của chính quyền Bônsêvich nên được đối đãi khoan hồng. Nữ lãnh tụ Spiridonova của phe xã hội cách mạng được phép chủ tọa một phiên đại hội của đảng. Nhưng khi lên án về các vụ đàn áp của các toán công an chính trị Tcheka, bà bị bất cùng với 210 đảng viên của bà vào ngày 19 tháng 2 năm 1919.  Tòa án cách mạng Bônsêvich kết tội họ là những người điên nên giam họ trong các trung tâm người bịnh tâm thần. Đây là hình thức đàn áp người đối lập chính trị đầu tiên của chính quyền chuyên chế Sô Viết. Bà Maria Spiridonova vượt ngục và tiếp tục bí mật chỉ huy lực lượng xã hội cách mạng thiên hữu. Theo báo cáo của cơ quan công an chính trị Tcheka, trong năm 1919, họ đã phá vỡ 58 tổ chức xã hội cách mạng và năm 1920 phá vỡ 45 tổ chức khác. Trong vòng hai năm này, có tất cả 1875 người thuộc đảng xã hội cách mạng bị bắt cầm tù. Ngày 19 tháng 3 năm 1919, Djerjinski tuyên bố, ông ta sẽ không phân biệt các Bạch quân thuộc cánh xã hội cách mạng hay thuộc phe Krasnov nữa. Các đảng viên đảng xã hội cách mạng cũng như các thành phần mensêvich sẽ bị bắt giam làm con tin. Họ sẽ bị kết án tùy theo các hoạt động chính trị của các đảng của họ.
Đối với chính quyền bônsêvich, đảng xã hội cách mạng luôn luôn là đối thủ chính trị nguy hiểm của họ. Người ta còn nhớ kết quả của cuộc tuyển cử tự do vào tháng 11 và 12 năm 1917. Trong cuộc bầu cử tự do này, đảng xã hội cách mạng thiên hữu đã chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc Hội. Ngay sau khi Quốc Hội lập hiến giải tán, đảng xã hội các mạng vẫn còn tham dự chính quyền tư cấp địa phương cho đến Ủy ban hành pháp trung ương Xô Viết. Nhưng đến tháng 6 năm 1919, đại diện của nhóm Xã hội cũng như nhóm mensêvich bị đẫy ra khỏi các cơ quan chính quyền. Từ đó các đảng chính trị này kết hợp với nhau thành lập đơn vị chính quyền tạm thời tại Samara và Omsk. Nhưng chẳng bao lâu họ cũng bị Đô đốc Bạch quân Koltchak giải tán. Đứng giữa hai thế lực Hồng và Bạch quân, các tổ chức chính trị của nhóm mensêvich cũng như nhóm cách mạng xã hội không chọn được con đường chính trị nào để hoạt động. Hơn thế nữa họ còn bị các tổ chức xã hội đối lập khác xâm nhập, phá hoại, trở nên yếu thế.
Ngày 20 tháng 3 năm 1919, khi Bạch quân tấn công,  chính quyền Bônsêvich cho phép nhóm Xã hội cách mạng tái bản tờ báo của đảng dưới cái tên Dân Quyền - Delo naroda.
Ngày 31 tháng 3, cơ quan công an chính trị Tcheka mở cuộc bố ráp tìm bất các phần tử của nhóm xã hội cách mạng và mensêvich, mặc dù họ được phép hoạt động. 1900 đảng viên của hai đảng này bị bắt tại Mạc Tư khoa và tại các thành phố Toula, Somolensk, Voronej, Penza, Samara và Kostroma.
Ngày 28 tháng 8 năm 1918, Lenine  viết một bài báo đăng trên tờ Sự Thật  - Pravda, kết án nhóm xã hội cách mạng và Mensêvich là những tên tay sai của Bạch quân, địa chủ và tư bản.. Liền sau đó, cơ quan công an chính trị Tcheka bắt giam 2380 người.
Ông Victor Tchernov, vị chủ tịch Quốc Hội một ngày, nhân các thợ xếp chữ tổ chức lễ đón chào phái đoàn nhân công Anh ngày 23 tháng 5 năm 1920 đã giả dạng lên diễn đàng tố cáo hành động lố bịch của chính phủ và cơ quan Tcheka. Sau đó chính quyền chuyên chế truy lùng ông và những đảng viên xã hội khác. Tất cả gia đình ông bị bắt giữ làm con tin.
Trong một  bản tin nội bộ của cơ quan Tcheka đề ngày 1 tháng 7 năm 1920 có ghi những lời đểu cáng như sau:  Nếu không cho họ hoạt động công khai, thì họ sẽ hoạt động bí mật. Và như vậy rất khó kiểm soát. Tốt hơn hết là để cho họ hoạt động '' bán hợp pháp''. Muốn bắt họ lúc nào cũng được, và nhất là cho người trà trộn vào để chỉ điểm các cán bộ nồng cốt của tổ chức họ. Đối với các đảng chống Xô Viết, làm như vậy chúng ta dễ kiểm soát. Khi muốn bắt chúng ta chỉ cần kết tội như gây chia rẽ, tạo rối loạn, loan các tin thất thiệt,..Lợi dụng tình hình nội chiến, chúng ta ghép họ vào các tội phản động, phản cách mạng, phản tổ quốc, lũng đoạn hậu phương, làm gián điệp cho địch,..''..
Đầu năm 1918, đảng bônsêvich, nhân danh giai cấp công nhân đứng lên cướp chính quyền, đã mở các cuộc đàn áp lại công nhân. Các cuộc đàn áp kéo dài đến năm 1919, 1920 và đạt cao điểm vào năm 1921. Điển hình nhất là cuộc đàn áp công nhân đình công biểu tình ở thành phố Kronstad. Từ đầu năm 1918, công nhân Mạc Tư khoa đã biểu lộ sự nghi ngờ của họ đối với chính quyền bônsêvich.
Ngày 2 tháng 7 năm 1918, công nhân tổ chức đình công nhưng thất bại. Đến tháng 3 năm 1919 chính quyền bônsêvich bắt giam một số lãnh tụ đảng xã hội cách mạng. Trong đó có bà Maria Spidonova. Mới trước đó bà được các nhân công nghinh đón khi bà đến viếng các công xưởng trong thành phố Petrograd. Các cuộc lùng bắt tiếp tục diễn ra trong lúc tình hình đang căng thẳng vì các cuộc đình công, chống đối.
Ngày 10 tháng 3 năm 1919, nhân một kỳ đại hội của công nhân công xưởng Poutilov, 10.000 công nhân đã đọc tuyên cáo long trọng lên án chính quyền bônsêvich. Họ cho rằng chính quyền Bônsêvich là chính quyền độc tài Cộng sản, cai trị bằng các toán công an chính trị Tcheka và các toà án cách mạng. Bản tuyên cáo đòi hỏi trao quyền lại cho các Xô Viết công xưởng;  Công nhân có quyền tự do chọn ban đại diện; Bãi bỏ hạn chế lương thực; Được quyền mang thực phẩm mỗi lần 24 ký từ miền quê về thành phố; Trả tự do cho những đảng viên các đảng chính trị còn bị giam giữ kể cả bà Maria Spiridonova,..
Để chận đứng phong trào chống đối mỗi ngày một lớn rộng, đích thân Lenine phải trở lại Petrograd ngày 12 và 13 tháng 3 năm 1919. Nhưng khi Lenine lên diễn đàn trong các công xưởng 1ể nói chuyện, các công nhân không cho ông nói. Họ trương biểu ngữ và phản đối Lenine và Zinoviev. Họ hô khẩu hiệu: đả đảo Do Thái và các ủy viên.  Họ đã ghép phong trào bài trừ người Do Thái cùng với  bài trừ Bônsêvich vào một. Những thiện cảm của họ trong những ngày đầu của cuộc cách mạng tháng 10 giờ đây gần như tiêu tan. Bằng chứng, những lãnh tụ bônsêvich lớn như Trotski, Zinoviev, Kamenev, Rykov, Radek,.. đều là gốc Do Thái. Vì thế dưới mắt của quần chúng, có sự trùng hợp giữa Bônsôvich và Do thái.
Ngày 16 tháng 3 năm 1919, các lực lượng vỏ trang công an Tcheka tấn công công xưởng Poutilov đã bị lực lượng công nhân thợ thuyền chống trả. 900 công nhân bị bắt và sau đó 200 người trong số này bị hành quyết, tại Schlusselbourg, cách Petrograd 50 cây số. Không hề có phiên tòa nào xét xử họ cả. Và theo luật lệ mới, tất cả công nhân đình công đều bị sa thải. Muốn làm trở lại, họ phải làm bản tự khai là họ đã bị các tên đầu sỏ phản động lạm dụng gây ra tội ác. Từ đó công nhân bị kiểm soát gắt gao. Vào mùa Xuân, cơ quan công an Tcheka tổ chức mạng lưới các tên chỉ điểm trong các công xưởng. Những tên chỉ điểm có nhiệm vụ theo dõi công nhân rồi báo cáo cho cơ quan công an theo tiêu chuẩn lao động cần cù, thành phần phản động hay thành phần lười biếng.
Cũng trong mùa Xuân 1919 cũng đã xảy ra các cuộc đình công và bị đàn áp dã man ở các trung tâm kỹ nghệ Toula, Sormovo, Orel, Briansk, Tver, Ivanovo-Voznessesk, Astrakhan. Họ cùng có một nguyện vọng. Dù được tiếp tế phiếu thực phẩm, nhưng với đồng lương chết đói, họ chỉ có thể mua lối 250 gram bánh mì mỗi ngày. Công nhân đòi hưởng khẩu phần hằng ngày bằng khẩu phần của Hồng quân và của nhân viên thuộc cơ quan công an Tcheka. Ngoài ra, nguyện vọng của họ cũng có tính cách chính trị. Họ đòi bỏ các đặc quyền dành cho Cộng sản; Đòi trả tự do cho các tù chính trị; Đòi tự do bầu ủy ban thợ thuyền của công xưởng; Bãi bỏ tất cả các cuộc trưng binh của Hồng quân; Đòi tự do báo chí, tự do tư tưởng,..
Sự kiện vô cùng nguy hiểm cho chính quyền Bônsêvich là các đơn vị Hồng quân đóng ở các khu kỹ nghệ Orel, Briansk, Gomel, Astrakhan nổi loạn và đứng về phía công nhân. Dưới khẩu hiệu đả đảo bọn Do Thái và cá ủy viên chính trị'', các đơn vị Hồng quân  nổi loạn chiếm đóng một phần các thành phố. Nhưng sau nhiều ngày giao chiến, lực lượng chính phủ cùng các toán công an vỏ trang đã tái chiếm. Lại xảy ra các cuộc lùng bắt, đàn áp dã man. Hàng trăm người  bị hành quyết. Hàng ngàn công nhân bị sa thải, bị tịch thu thẻ tiếp tế lương thực. Cuộc đàn áp quan trọng nhất xảy ra tại Toula và Astrakhan trong tháng 3 và tháng 4 năm 1919. Chính Dzerjinski có mặt trong các cuộc đàn áp này. Toula là thành phố sản xuất vũ khí cho nước Nga. Vũ khí này dùng để chống lại các cuộc đình công của công nhân xưởng sản xuất vũ khí. Vào mùa Đông 1918-1919 xưởng đã chế tạo 80% vũ khí cho Hồng quân trên toàn nước Nga.
Trước đó có nhiều vụ bất ổn xảy ra tại Toula. Những tay nghề giỏi trong các hãng xưởng Toula lại là các thành viên của nhóm Mensêvich và nhóm Xã hội cách mạng. Đầu tháng 3 năm 1919, các cuộc truy lùng khởi đầu. Hàng trăm thành viên đảng xã hội cách mạng bị bắt đã làm nổ bùng cuộc chống đối. Cao điểm của cuộc nổi loạn xảy ra vào ngày 27 tháng 3 khi công nhân mở cuộc tuần hành đòi tự do và chống đói. Có cả hàng ngàn công nhân và nhân viên hỏa xa tham dự cuộc tuần hành. Ngày 4 tháng 4, Derjinski ra lịnh bắt 800 người cầm đầu cuộc tuần hành. Quân chính phủ dùng vũ lực giải tỏa các công xưởng bị chiếm đóng từ nhiều tuần lễ qua. Công nhân lại bị sa thải. Thẻ tiếp tế không còn giá trị. Nạn đói đang diễn ra. Muốn được cấp phát thẻ tiếp tế để được mua 250 gram bánh mì mỗi  ngày thì họ lại phải làm đơn cam kết nếu bỏ sở làm thì sẽ bị kết án tử hình.
Ngày 9 tháng 4, cơ quan Tcheka đem xử bắn 26 người. Ngày hôm sau các hãng xưởng hoạt động trở lại.
Thành phố Astrakhan nằm trên cửa sông Volga, là địa điểm chiến lược then chốt cuối cùng của người Bônsêvich để ngăn chận sự liên lạc giữa các toán quân của Đô đốc Koltchak ở phía Đông và cánh quân của Tướng Denikine ở hướng Tây Nam. Tháng 3 năm 1919 xảy ra cuộc nổi dậy và cuộc đàn áp kinh hoàng các cuộc đình công của nhân công thợ thuyền. Khởi đầu vì lý do kinh tế, vì các tiêu chuẩn cấp phát lương thực. Sau đó với lý do chính trị, đòi thả các chính trị phạm. Ngày 10 tháng 3, Trung đoàn 45 có nhiệm vụ đàn áp cuộc biểu tình, nhưng đã quay súng lại và gia nhập lực lương công nhân thợ thuyền. Họ đập phá trụ sở Bônsêvich, giết chết nhiều cấp lãnh đạo đảng. Chủ tịch ủy ban quân quản Serge Kirov của thành phố Astrakhan ra lịnh dùng hết mọi phương tiện để tiêu diệt không nương tay những '' con rận của Bạch quân''. Các đơn vị còn trung thành với chính phủ khóa chặt các ngõ vào thành phố, cho truy lùng bắt công nhân và tái chiếm lại thành phố. Vì không đủ chỗ nhốt, họ dùng xà lan chở công nhân và quân nhân, cột vào các cục đá, xô xuống sông Volga cho chết chìm.
Ngày 15 tháng 4, nhà nước mở chiến dịch đánh tư sản.  Họ viện lý do, những người tư sản đã xúi giục các cuộc nổi dậy. Trong hai ngày liền, các căn nhà sang trọng của các thương gia, tư sản trong  thành phố Astrakhan bị nhà nườc tịch thu và đem chủ gia ra bắn.  Có lối 600 người bị bắn và 1000 bị chết chìm. Từ trước đến nay người ta được biết tại thành phố này chỉ có các cuộc đụng độ giữa phe Hồng và Bạch quân. Gần đây, các tài liệu lấy từ trung tâm văn khố cho biết đó là các cuộc tàn sát công nhân tàn bạo, vĩ đại và xảy ra trước  các cuộc tàn sát ở thành phố Kronstadt do người  bônsêvich chủ trương.
Cuối năm 1919 và bước qua năm 1920, vì phải động viên trên 2000 công nhân cho chiến trường cho nên đã tạo nên một bầu không khí tồi tệ giữa chính quyền Sô Viết và công nhân. Troski đề nghị quân sự hoá các cơ xưởng trong kỳ đại hội đảng lần thứ tư tổ chức vào hồi đầu tháng 3. Theo ông, con người vốn lười biếng. Dưới chế độ Tư bản người  ta phải làm việc vì để sinh tồn, vì lẽ kinh tế thị trường hướng dẫn nhân công. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sự hữu dụng của công nhân là nguồn năng lực lao động thay thế cho thị trường. Nhà nước có nhiệm vụ hướng dẫn, xử dụng và chỉ huy công nhân. Công nhân phải tuân theo lịnh như quân nhân trong khuôn khổ một nhà nước công nhân, bảo vệ quyền lợi giai cấp vô sản. Đây là căn bản và hướng đi của công cuộc quân sự hóa các lực lượng lao động. Một số lãnh tụ bônsêvich và nghiệp đoàn chỉ trích quan điểm của Troski. Theo quan điểm này, còn có nghĩa là cấm đình công, cấm đào nhiệm trong thời chiến và tăng cường quyền kiểm soát cho các ban giám đốc các xí nghiệp. Từ nay các nghiệp đoàn và các ủy ban công xưởng lệ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên. Công nhân không được phép rời nhiệm sở. Họ sẽ bị trừng phạt khi vắng mặt hay đi trễ. Hiện tượng vắng mặt và đi trễ xảy ra thường xuyên trước đây vì công nhân còn phải tìm công việc khác làm thêm để có thể nuôi gia đình. Sự kiểm soát giờ giấc, vì thế gây thêm khó khăn cho công nhân. Họ không kiếm được thêm tiền. Nạn đói đe dọa. Trong bản phúc trình đề ngày 6 tháng 12 năm 1919 của cơ quan công an Tcheka gởi về chính phủ đã viết: '' Nhiều công nhân trong nhiều công xưởng luyện kim ở Mạc Tư Khoa tỏ ra thật vọng và bất mãn. Họ sẵn sàng đình công, bạo động, nổi dậy nếu chúng ta không giải quyết cấp bách vấn đề tiếp tế lương thực.''
Đầu năm 1920, mức lương hằng trung bình của công nhân ở thành phố Petrograd là 7000 đến 12000 rúp. Với đồng lương này không thể nào so với giá thị trường 700 rúp cho một lít sữa, 3000 rúp nửa ký thịt heo, 5000 rúp nửa ký thịt bò. Mỗi công nhân được phân chia một số lượng thực phẩm tùy theo loại hạng.
Cuối năm 1919 ở Petrograd, công nhân làm việc nặng mỗi ngày lãnh 250 gram bánh mì; mỗi  tháng được quyền mua 250 gram đường, 1 ký cá khô và 125 gram dầu ăn.
Trên lý thuyết, công nhân được chia làm 5 loại bao tử lao động. Hạng nhất là các công nhân làm công việc nặng. Kế đến là quân nhân của Hồng Quân. Trí thức được xếp vào hạng ăn không ngồi rồi, không được cấp phát gì cả.  Tuy phân chia như vậy nhưng trên thực tế, phứt tạp và bất công hơn nhiều. Trong hạng nhân công còn phải chia ra nhiều đẳng cấp. Ưu tiên dành cho các công nhân phục vụ trong các cơ quan thiết yếu cho sự sống còn của chế độ.
Mùa đông 1919-1920, tại Petrograd có tất cả 33 loại phiếu mua thực phẩm. Mỗi phiếu chỉ có giá trị trong một tháng. Với phương pháp tập trung phiếu phân phối thực phẩm, chính quyền Bônsêvich đã xử dụng vấn đề '' đói và no''như là một vũ khí quan trọng để thưởng hay trừng phạt những ai hưởng ứng hay chống lại chính quyền.
Ngày 1 tháng 2 năm 1920, Troski báo cáo cho Lenine biết, phải cắt giảm số lượng bánh của các công nhân không phục vụ để cung cấp thêm cho các công nhân phục vụ cho ngành vận tải. Nếu cần phải bỏ chết đói hàng ngàn người để cứu chế độ, họ sẵn sàng cho chết đói ngay. Trước tình trạng này, những ai còn có thân nhân ở miền quê, họ phải trở về quê để xin thêm thực phẩm. Nhưng con số người có thân nhân ở miền quê rất ít. Chính sách quân sự hóa lao động các công xưởng kể như thất bại. Năng xuất sản xuất rất thấp. Nhiều cuộc đình công, bỏ việc và bạo động xảy ra liên tục, rồi các cuộc đàn áp thẳng tay.
Báo Sự Thật-Pravda, số ra ngày 12 tháng 2 năm 1920 cho rằng nhân công đình công là những con muỗi vàng phá hoại. Chỗ đứng của họ là các trại tập trung.
Theo thống kê chính thức của Bộ Lao Động, 77% các công xưởng đủ loại ở Nga đã tham gia vào các cuộc đình công phá hoại trong sáu tháng đầu của năm. Xí nghiệp quan trọng nhất là các xưởng luyện kim, hầm mỏ, hỏa xa vì các nơi này chính sách quân sự hóa được thi hành triệt để. Các phúc trình được coi như là tối mật của cơ quan công an chính trị Tcheka gởi về Trung Ương đã nói rõ các vụ đàn áp công nhân chống lại chính sách của nhà nước. Các công nhân bị bắt vì bị truy tố là những phần tử phá hoại, đào ngũ, rồi bị đưa ra tòa án cách mạng. Tháng 4 năm 1920, tại thành phố Simbirsk có 12 công nhân phục vụ trong ngành sản xuất vũ khí đã bị Tòa án Cách mạng buộc tội đình công, tuyên truyền chống phá chính quyền Bônsêvich. Nếu ta phân tích chính sách '' Cái lưỡi gỗ'', chúng ta cỏ thể biết các công nhân đã ngưng làm việc khi họ chưa được phép. Họ chống đối ban giám đốc khi bị bắt buộc đi làm thêm vào ngày chủ nhật. Họ cũng đã tố cáo những người Cộng sản có quá nhiều đặc quyền, tố cáo tiền lương quá thấp.
Ngày 29 tháng giêng năm 1920, các cuộc đình công lan tràn đến các vùng Tây bá lợi á. Lenine gởi điện văn cho Smirnov, chỉ huy trưởng ủy ban quân sự cách mạng quân khu 5 và khuyến cáo: '' P. đã báo cáo cho tôi hay, công nhân ngành hỏa xa phá hoại và công nhân vùng Ijevsk cũng gây nổi loạn. Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao đồng chí chấp nhận sự việc như vậy. Tại sao đồng chí không ra lịnh đàn áp các vụ phá hoại.''.
Vào năm 1920, do chính sách quân sự hóa lao động, tại vùng Ekaterinboutg đã xảy ra nhiều vụ đình công. Có 80 nhân công bị bắt hồi tháng 3 và bị giam trong các trại tập trung.  Trong tháng 4 có 100 nhân viên hỏa xa phục vụ trên  đường xe lửa Riazan - Oural bị kết án.  Tháng 5, trên đường xe lửa Mạc Tư Khoa - Koursk  120 nhên viên. Xưởng luyện kim Bransk có 152 công nhân bị bắt trong tháng 6. Sự kiện quan trọng hơn hết, đó là vụ đàn áp ngày chủ nhật 6 tháng 6 tại xưởng chế tạo vũ khí Toula. Công nhân xưởng vũ khí từ chối không chịu làm thêm giờ phụ trội. Họ viện cớ ngày chủ nhật là ngày duy nhất để họ trở về miền quê mua thêm thực phẩm. Ban giám đốc nhờ cơ quan an ninh Tcheka đưa nhân viên đến bắt các người thợ. Quân luật được thi hành tại xưởng. Họ thành lập một ủy ban gồm có lãnh tụ đảng, đại diện công an, tố cáo âm mưu chống cách mạng do các tên gián điệp Ba Lan chủ mưu cùng với 100 tên mọi rợ [ ám chỉ các thành phần đảng xã hội cách mạng và  nhóm Mensêvich]. Cuộc đình công lan tràn rất nhanh. Kế hoạch đãu tranh thay đổi. Cả ngàn nhân công cùng với vợ con đến bao vây văn phòng của công an và xin được bắt giam luôn. Họ làm như vậy để chứng tỏ lời buộc tội cho họ chống phá cách mạng là vô căn cứ.  Bị phản ứng bất ngờ, các chỉ huy công an địa phương không biết giải quyết bằng cách nào và cũng không biết phải báo cáo làm sao với cấp trên. Một ủy ban hỏi cung đã tra hỏi hàng ngàn nhân công và vợ con họ hầu tìm ra thủ phạm chính.  Muốn được thả ra, được làm việc trở lại và được cấp thẻ lương thực thì  nhân công phải làm tờ tự khai với lời lẽ như sau:
'' Tôi, ký tên dưới đây là một con chó hôi thúi, phạm tội ác, đã ăn năn trước tòa án cách mạng và Hồng quân. Tôi đã kê khai các tội của tôi. Tôi hứa sẽ làm việc chăm chỉ trở lại.''
Không như ở các trung tâm khác, công nhân ở trung tâm Toula chỉ bị kết án nhẹ. 28 người đưa đi trại giam, 200 không cho định cư tại Toula.
Vì thiếu tay nghề nên ban giám đốc phải giữ lại một số thợ chuyên môn. Việc đàn áp cũng như việc tiếp tế lương thực vì thế cũng tuỳ thuộc vào từng loại công nhân. Mặt trận chống lại công nhân chỉ là một trong những mặt trận nhỏ của cuộc nội chiến. Mặt trận chính của chính quyền Bônsêvich chính là mặt trận chống lại lực lượng vũ trang nông dân.  Các tài liệu mật ngày nay phơi bày cho chúng ta thấy  trận chiến  đàn áp đẫm máu, cuộc chiến bẩn thiểu là cuộc chiến của chính quyền Bônsêvich tấn công những người lính gốc nông  dân. Trong cuộc chiến quyết định giữa người Bônsêvich và toàn thể khối nông dân dẫn đến sự hình thành một chính sách khủng bố. Derjinski chê trách nông dân là những người không hiểu biết đâu là quyền lợi vật chất của họ. Ông coi nông dân là những con thú, cần phải dùng súng đạn để chế ngự. Troski thì cho rằng phải dùng cây chổi sắt để thanh toán họ như đã thanh toán đẫm máu các'' băng đảng ăn cướp'' ở Ukraine. Các '' băng đảng '' này do các lãnh tụ nông dân và lãnh tụ Nestor Makhno lãnh đạo.
Các cuộc nổi dậy của nông dân bắt đầu từ mùa Hè năm 1918 sang đến mùa Hè 1919.  Cuộc nổi loạn mỗi lúc mỗi gia tăng. Cao điểm của nó là vào mùa Đông 1919-1920. Đến lúc này chính quyền Bônsêvich thấy nguy nên họ nhượng bộ. Có hai lý do gây nổi loạn. Thứ nhất là vì nhà nước trưng dụng lương thực. Kế đến là lịnh bắt nông dân đi lính. 
Tháng giêng 1919, xảy ra các cuộc lùng kiếm lương thực quá bừa bãi. Trung ương cho tái tổ chức. Mỗi tỉnh, quận, xã, tổ hợp nông dân bắt buộc phải đóng cho nhà nước một số lương thực nhất định và định kỳ từng mùa. Số lương thực này không chỉ riêng ngũ cốc mà còn gồm cả 20 loại khác. Khoai tây, mật ong, trứng gà, bơ, sữa, thịt,.. Mỗi tổ nông dân đều phải chịu trách nhiệm giao đủ số lương lương thực. Chính quyền địa phương chứng nhận và sẽ trao đổi vật dụng do các nhà máy sản xuất, cần dùng cho cuộc sống hằng ngày. Nhưng đến cuối năm 1920, số lượng cung cấp chỉ bằng 15% nhu cầu. Nhà nước chỉ trả một số tiền tượng trưng theo giá quy định của nhà nước. Trong lúc đó đồng rúp mất 96% giá trị.
Từ năm 1918 đến năm 1920 chỉ số trưng dụng lương thực tăng lên gấp 3. Khó mà biết con số chống đối của nông dân có tăng theo tỉ lệ này hay không.
Lý do thứ hai của các cuộc nổi loạn này là số lính đào ngũ trong trận chiến tranh với Đức. Họ gọi đó là cuộc chiến đế quốc.  Các quân nhân gốc nông dân rời bỏ hàng ngũ chạy vào các khu rừng, tổ chức thành ''quân đội xanh'',chống lại chính quyền Bônsevich. Có khoảng 3 triệu lính đào ngũ trong hai năm 1919-1920. Các toán công an lùng bắt trở lại khoảng 500.000  quân nhân trong năm 1919. Qua đến năm 1920, các toán công an phối hợp với ủy ban chống đào ngũ, truy lùng và bắt được 700.000 đến 800.000 lính đào ngũ. Một số lính đào ngũ trốn về nông thôn, nơi họ quen biết địa hình nên dễ lẫn tránh, trốn thoát các cuộc truy nã. Trước tình trạng đào ngũ trầm trọng này, chính quyền phải cho thi hành các biện pháp mạnh. Họ xử bắn hàng ngàn lính đào ngũ và bắt thân nhân của các quân nhân này giữ làm con tin. Chính sách '' bắt làm con tin'' được áp dụng từ mùa hè năm 1918. Theo lịnh của Lenine ký ngày 15 tháng 2 năm 1919,  các toán công an địa phương bắt '' các con tin'' đi quét tuyết trên các đường xe lửa. Nếu không thi hành chu toàn, công an có quyền đem họ ra xử bắn.
Ngày 12 tháng 5 năm 1920, Lenine ra chỉ thị cho các ủy ban cách mạng tỉnh phải chống lại việc đào ngũ. Các quân nhân đào ngũ được gia hạn một tuần lễ để ra trình diện.  Bất kỳ ai giúp đở hay che chở các đào binh đều bị kết án như là những con tin và sẹ bị trừng phạt.  Tuy vậy, mức độ đào ngũ cũng không thuyên giảm.  Cuộc chiến dẹp quân đào ngũ đã diễn ra rất tàn ác, gay go, đẫm máu và kéo dài có nơi đến 4, 5 năm.
Ngoài lý do bị trưng thu tài sản, bị bắt đi lính, giới nông dân còn cho rằng các ủy viên cộng sản là những người ngoại lai. Cán bộ cộng sản đã xâm phạm vào quyền lực nội bộ của địa phương. Họ lý luận đơn giản rằng chính sách tịch thu lương thực của cộng sản khác với  chính sách cải cách điền địa của người bônsêvich năm 1917. Ở nông thôn, sau các hành động bạo tàn của Bạch quân, rồi kế tiếp chính sách trưng dụng của Hồng quân đã làm họ vô cùng khốn khổ.
Ban kế hoạch của cơ quan tình báo công an chia lực lượng võ trang nông dân ra làm hai loại.  Loại tổ chức từng nhóm nhỏ vài trăm người và tổ chức định kỳ. Loại thứ hai đông hơn, có khi lên đến hàng chục ngàn nông dân tham đự.  Loại này được tổ chức có kế hoạch, có đường lối chính trị  do các lãnh tụ cách mạng xã hội lãnh đạo. Họ có khả năng chiếm đóng các vùng rộng lớn ở nông thôn cũng như ở thành phố.
Đầu tháng 4 năm 1919, lính đào ngũ và nông dân nổi dậy chống chính sách của nhà nước về việc bắt lính, thu mua lương thự và trưng dụng tài sản tại vùng Lebiadinski thuộc tỉnh Tambov. Họ trương khẩu hiệu '' Đả đảo cộng sản! Đả đảo Sô Viết ''. Dùng vũ lực, các toán nông dân phá 4 trụ sở Uỷ ban hành chánh cách mạng và dùng cưa,cưa 7 cán bộ cộng sản cho đến chết. Lực lượng tiếp trợ của cộng sản cùng với tiểu đoàn 212 công an đến dẹp tan nhóm nông dân nổi loạn. 60 người  bị bất và 50 người bị bắn tại chổ. Khu hoàn toàn bị phá hủy.
 Ngày 11 tháng 6 năm 1919, vào lúc 16 giờ 15, tỉnh Voronej báo về trung ương:'' Tình hình trở lại bình thường. Cuộc nổi lọan ở Novokhopersk đã bị đè bẹp. Phi cơ của chính phủ đã san bằng thị trấn Trechia nơi bọn phản loạn nông dân khởi xướng. Cuộc tảo thanh vẫn còn tiếp tục.
Ngày 23 tháng 6 năm 1919, cuộc nổi loạn của lính đào ngũ ở Volost Petropavlovskaia đã bị đàn áp. Thân nhân của các đào binh bị bắt làm con tin.  Khi chúng ta đem một  thân nhân ra xử bắn thì đào binh của thân nhân này từ trong rừng ra đầu hàng.  Chúng ta đã xử bắn 34 đảo binh để làm gương.''
Ba bản phúc trình kể trên được lấy ra trong hàng ngàn bản phúc trình khác trong thư khố của cơ quan chính trị công an Tcheka vừa mới cho phép công chúng tha khảo. Điều này đã nói lên sự kinh hoàng trong trận chiến của chính quyền Bônsêvich chống lại giới nông dân. Phương cách của chính quyền cộng sản áp dụng là bắt thân nhân của những người lính nông dân đào ngũ đem đi xử bắn và dùng phi cơ san bằng nhà cửa, làng xóm của nông dân. Bất kỳ ai che chở đào binh đều bị xử bắn, nhà cửa bị tiêu diệt.
Từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 30 tháng 11 năm 1918, trong 12 tỉnh ở Nga đã xảy ra 44 cuộc nổi loạn loại nhỏ có vài trăm người tham đự.  Có 2320 người bị bắt giam, 620 người bị giết chết và 982 người bị xử bắn. Đồng thời cũng có 480 cán bộ cộng sản và 112 nhân viên của các toán trưng thu bị giết chết.
Trong tháng 9 năm 1919, tổng kết 48375 lính đào ngũ trong 10 tỉnh của nước Nga. Bị bắt lại 7325, giết chết 1826 và đem xử bắn 2230 người.  Phía chính quyền chết 430. Đó là chưa kể con số thương vong của thường dân.
Cao điểm của các cuộc nổi loạn xảy ra ở các thời điểm và tại các vùng khác nhau. Vùng Trung lưu sông Volga và Ukraine vào tháng 3 đến tháng 8 năm 1918. Vùng Samara, Oufa, Kazan, Tambov từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1920.
Từ  cuối năm 1920 đến giửa năm 1921, nông dân ở các vùng Ukraine, lưu vực sông Don, Kouban, bị đàn áp nặng nề. Ngọn lửa chống đối của nông dân tàn lụi khi nạn đói khủng khiếp của thế kỷ thứ 20 bắt đầu bao trùm trên toàn nước Nga.
Nông dân đòi bỏ chính sách trưng thu; đòi cho tự do thương mại; đòi tự do bầu cử và đòi chấm dứt giai cấp cai trị của cộng sản.
Ngọn lửa của cuộc nội chiến ở tỉnh Samar vừa tạm lắn xuống, thì tại Ukraine bùng nổ dữ dội. sau khi ký hòa ước với Đức và quân Đức Hung rút khỏi đất nga vào cuối năm 1918, chính quyền cộng sản dồn nỗ lực đàn áp nông dân Ukraine. Đây là 2 vùng trù phú nhất của nước Nga thời Nga Hoàng. Chính vùng này đã cung cấp thực phẩm nuôi những người '' vô sản'' ở Petrograd và Mạc Tư Khoa. Vì phải cung cấp với chỉ tiêu quá cao, cộng thêm vào đó bị quân Đức- Hung tịch thu trước khi rút đi, dân Ukraine không còn đủ lương thực để sống chờ đến vụ mùa năm tới. Dân Ukraine không đủ ăn. Trước đó vùng Ukraine bị tái phân chia đất đai theo chính sách mới của nhà nước năm 1917, nay lại bị quốc hữu hóa,  kế hoạch canh tác thay đổi,. Nông dân trở thành người làm công. Họ bất mãn và chống lại chính quyền. Họ học nhiều kinh nghiệm chiến đãu trong thời kỳ bị quân Đức- Hung chiếm đóng.
Đầu năm 1919, Ukraine có chừng vài chục ngàn nông dân võ trang.  Các cấp chỉ huy có nhiều kinh nghiệm gốc Ukraine như Simon Petlioura, Nestor Makhno, Hryhoryiv và Zeleny.  Họ chủ trương lấy đất cho nông dân, cho tự do thương mại, cho bầu cử tự do các Xô Viết, không bị chi phối bởi những người ở thủ đô Mạc Tư Khoa và những tên Do Thái.  Họ coi dân thành phố Mạc Tư Khoa, bônsêvich và  người Do thái là một. Tất cả nhửng thàng phần này sẽ bị đuổi ra khỏi Ukraine.  Sự kiện này giài thích tại sao các cuộc nổi dậy và đàn áp đã diễn ra trong một thời gian quá lâu giữa những người bônsêvich và lực lương nông dân. Hơn thế nữa, nông dân cũng chống lại Bạch quân vì họ không muốn tái lập chính sách đại điền chủ như xưa.
Cuộc nổi loạn lớn nhất xảy ra hồi tháng 4 năm 1919 chống lại các toán trưng thu nông sản của chính quyền.  Có 93 cuộc bạo động xảy ra ở tỉnh Kiev, Tchernigov, Poltava và Odessa. Trong 20 ngày đầu tháng 7, công an ghi nhận có 210 vụ chống đối với trên 100.000 nông dân võ trang và hàng trăm ngàn người dân ủng hộ.
Đất Ukraine của người Ukraine, không có người Bônsêvich cũng không có người Do thái.
Dưới tay lãnh tụ Zeleny cũng có khoảng 20.000 tay súng, kiểm soát gần hết tỉnh Kiev, ngoại trừ thành phố. Họ tổ chức thanh toán người Do Thái sinh sống trong các thành phố.
Lãnh tụ Nestor Makhno chủ trương tinh thần quốc gia, xã hội và vô chính phủ. Dưới trướng ông phục vụ vài chục ngàn tay súng.  Ông chống lại sự nhúng tay của chính quyền vào nội bộ của nông dân. Ông đòi quyền tự trị cho nông dân, dựa trên căn bản các Sô Viết do dân bầu ra.
 Hàng trâm cuộc nổi loạn của nông dân đã đóng vai trò quyết định ở hậu phương của Hồng quân. Nhờ đó, bạch quân của Tướng Denikine mới đạt được một số chiến thắng.
Bạch quân xuất phát từ phía nam Ukraine vào ngày 19 tháng 5 năm 1919. Họ tiến quân mạnh mẻ đánh phá Hồng quân, trong khi lực lượng này đang bận tay đối phó với nông dân.
Ngày 12 tháng 6, Bạch quân chiếm Kharkov; ngày 28 tháng 8 chiếm  Kiev và ngày 30 tháng 9 chiếm Voronej.
Trong lúc tháo chạy, Hồng quân ra lịnh giết hàng loạt các con tin mà họ còn bắt giữ.  Khi rút qua các làng mạc có quân du kích nông dân, Hồng quân cũng như lực lượng võ trang công an ra tay tàn phá nhà cửa và đàn áp gắt gao dân chúng địa phương và hành quyết vô số lính đào ngũ.
Đầu năm 1920, trừ một vài đơn vị nhỏ Bạch quân dưới quyền của Tướng Wrangel đang ẩn núp trong vùng  Crimee, toàn thể Bạch quân đều tan rã. Cuộc chiến bấy gìơ chỉ là các cuộc đụng độ giữa nông dân và Hồng quân cho đến cuối năm 1922.
Trong tháng 2 và tháng 3 năm 1920 xảy ra cuộc nôị loạn lớn từ vùng sông Volga đến Oral trong các tỉnh Kazan, Simbirsk và Oufa. Trong vùng này có các sắc dân Nga, dân cái tên đạo quân'' con ó đen'' với quân số trên 50.000 người.  Lực lượng chính phủ đã cửa bị thiêu dùng súng đại liên càn quét những chiến sĩ Ó Đen trong tay chỉ trang bị chỉa ba hay gậy gộc. chỉ trong vài ngày, hàng ngàn nông dân nổi loại bị giết, hàng trăm nhà rụi.
Sau vụ đàn áp mau lẹ lực lượng nông dân '' chỉa ba'', cuộc nội loạn lan tràn xuống các vùng dọc sông Volga., rồi đến vùng Tambov, Penza, Samara, Saratov và Tsaritsyne.  Lãnh tụ Bônsêvich, Tướng Anton-Ovssenko, chỉ huy các cuộc đàn áp nông dân vùng Tambov xác nhận chương trình trưng thu năm 1920-1921 sẽ dẫn đến nạn đói lớn. Các toán trưng thu chỉ để lại cho mỗi người khoảng 16 ký lúa mì, 24 ký khoai tây sống trong một năm.  Với số lượng thực này họ chỉ có thể sống trong một năm. Nó khởi đầu cho cuộc chiến đãu sống còn của nông dân từ mùa hè năm 1920.  Cuộc đãu tranh diễn ra liên tục và kéo dài trong hai năm. 
Cuộc đãu tranh lớn thứ ba diễn ra trong vùng Ukraine giữa chính quyền và nông dân trong năm 1920. Hồng quân đánh bại Bạch quân và tái chiếm các thành phố của Ukraine từ tháng 12 năm 1919 đến tháng 2 năm 1920. Nhưng nông thôn vẫn còn trong tay nông dân. Khác với toán quân'' Ó Đen '', lực lượng nông dân này phần lớn là lính đào ngũ có mang theo vũ khí tối tân dưới quyền lãnh đạo của Tướng Makhno. Vào mùa hè năm 1920,  quân số lên đến 15.000 trong đó có 2500 kỵ binh. Họ có 100 khẩu đại liên, 20 súng đại bác và 2 xe thiết giáp. Họ tổ chức thành hàng trăm nhóm từ vài chục đến vài trăm tay súng. Họ mãnh liệt chống lại các cuộc tấn công của quân chính phủ.
 Chính quyền Bônsêvich vào đầu tháng 5 năm 1920 bổ nhiệm ông Felix Dzerjinski làm tư lệnh chiến trường hậu tuyến Đông nam.  Cũng nên biết, ông Dzerjinski la chỉ huy trưởng lực lượng công an chính trị Tcheka.  Ông ở lại Kharkov hai tháng để tổ chức 24 đơn vị An ninh nội chính đặc biệt của cộng hòa Nga. Đơn vị này bao gồm các tóan kỵ binh và các phi đội có khả năng săn đuổi các tổ chức nổi loạn. Nhiệm vụ của họ là trong vòng 3 tháng phải giải quyết xong các nông dân  chống chính phủ. Trên thực tế, các cuộc hành quân bình định phải kéo dài hơn 2 năm, từ mùa hè năm 1920 đến mùa thu năm 1922.  Hàng chục ngàn nông dân cũng như quân chính phủ bị giết chết.
Kế đến là giai đoạn tiêu diệt người Cosaque trú ngụ dọc sông Don và Kouban.  Đó là nhóm dân riêng biệt nằm định cư trong một khu vực đặc biệt.
Đây là lần đầu tiên, tân chính quyền thi hành chính sách phân loại, tiêu diệt và lưu đày tập thể đông đảo một sắc dân. Đây không phải là cuộc trả đũa mang tính chất quân sự. Chính sách này đã được hoạch tính từ lâu. Nhiều nghị định hành chính do các nhân vật lớn trong chính quyền Xô Viết ban hành. Như các ông Lenine, Ordjonikidze, Syrtov, Sokolnikov, Reingold.
Năm 1919, chính quyền thất bại trên nhiều mặt trận. Qua năm 1920, Hồng quân tái chiếm các vùng dọc sông Don và Kouban.  Chiến dịch tiêu diệt người Cosaque tái diễn tàn bạo và ác liệt hơn lần trước.
Tháng chạp năm 1917 tất cả quy chế họ được hưởng dưới chế độ Nga Hoàng đều bị bãi bỏ.  Người Bônsêvich xếp dân Cosaque vào loại quân cướp, kẻ thù của giai cấp.  Dân Copsaque đồng loạt đứng dưới cờ của lãnh tụ tinh thần Krasnov. Ông ta liên minh với Bạch quân ở phía nam nước Nga vào mùa Xuân 1918.
 Mãi đến tháng 2 năm 1919, Hồng quân mới tổng tấn công vào Ukraine và miền Nam nước Nga. Các toán tiền phương của Hồng quân xâm nhập được vùng đất của dân Cosaque dọc theo sông Don. Liền ngay sau đó, Hồng quân cho thi hành một số biện pháp, nhằm tiêu diệt các đặc tính của dân vùng này. Họ tịch thu ruộng đất sở hữu của người Cosaque phân chia cho các người khai hoang gốc Nga, là những người không được hưởng quy chế của người Cosaque. Họ ra lịnh dân Cosaque phải giao nạp vũ khí. Không thi hành mệnh lệnh bị tử hình. Hội đồng hành tỉnh, hội đồng điền địa bị giải tán và đặc ra ngoài vòng pháp luật. Một nghị quyết đã được  Bộ chính trị đảng cộng sản bí mật soạn thảo từ ngày 24 tháng giêng năm 1919, nhằm tiêu diệt dân Cosaque.: ''  Xét vì cuộc nội chiến chống người Cosaque, vì nhu cầu tối hậu chính trị trong cuộc chiến mất còn, phải áp dụng một cuộc khủng bố toàn diện chống lại các người Cosaque giàu có. Biện pháp tiêu diệt phải được được áp dụng cho tới người cuối cùng''.
Reingold,  chủ tịch Ủy ban cách mạng vùng sông Don được lệnh phải áp dụng trật tự Bônsêvich trên vùng dân Cosaque sinh sống. Ông ta nhìn nhận: '' Chúng tôi có khuynh hướng tiêu diệt toàn bộ người Cosaque, không phân biệt loại nào. ''
Trong vòng vài tuần lễ, từ 15 tháng 2 đến 15 tháng 3 năm 1919, các toán công an đặc biệt đã bắn chết 8000 người Cosaque. Ở mỗi thị trấn, chính quyền Bônsêvich thiết lập một toà án nhân dân. Họ chỉ cần vài phút kết tội, tuyên án tử hình các phần tử mà họ cho là phản cách mạng. Đứng trước hành động quá tàn bạo này, dân Cosaque chỉ còn có một con đường sống duy nhất là kết hợp với nhau chống lại tân chính quyền. Cuộc nổi dậy bắt đầu ngày 11 tháng 3 năm 1919 tại thị trấn Veshenski. Được tổ chức khéo léo, họ kêu gọi động viên tất cả nam giới tuổi từ 16 đến 55. Họ gởi các điện văn đến các vùng dọc sông Don, đến các vùng lân cận tỉnh Voronej, kêu gọi dân chúng chống lại  bônsêvich. Điện văn viết: '' Chúng tôi không chống lại các Xô Viết. Chúng tôi đòi hỏi có bầu cử tự do. Chúng tôi chống lại các người cộng sản, các hợp tác xã, các người Do thái, chính sách trưng thu, các cuộc hành quyết do công an chủ trương.''
Vào đầu tháng 4 năm 1919, lực lượng Cosaque lên đến 30.000 chiến sị võ trang thiện chiến. Họ tấn công vào phía sau lưng của Hồng quân, trong khi cánh quân này đang giao tranh với các đơn vị Bạch quân của Tướng Denikine ở vùng phía nam của Nga.
Đầu tháng 6, quân Cosaque bắt tay được quân Bạch nga trong vùng sông Don. Dân Cosaque được giải phóng khỏi bàn tay '' ô nhục'' của Mạc Tư khoa, của Bônsêvich, của Do thái. Nhưng người bônsêvich lật ngược lại tình thế. Họ phản công mạnh vào tháng 2 năm 1920. Vùng đất của dân Cosaque bị tái chiếm lần thứ hai. Cuộc đàn áp tái diễn với mức độ khủng khiếp hơn lần trước bội phần. Nhà nước bônsêvich ra lịnh trưng thu hàng trăm ngàn tấn nông phẩm. Một con số vượt mức sản xuất của nông dân. Họ ra lịnh tịch thu tất cả dụng cụ, vật dụng, kể cả cái ấm nấu nước của dân Cosaque. Trước tình thế này, ai còn có thể cầm súng chống lại nhà nước đều gia nhập vào lực lượng  Cosaque.
Bị chận đứng ở Crimee, Tướng Wrangel mưu toan thoát khỏi vòng vây của Hồng quân, tìm cách bắt liên lạc với các toán Cosaque ở Kouban, ngày 17 tháng 8 năm 1920 ông cho 5000 quân đổ bộ ở Novorossiski. Dưới sức tấn công của ba cánh quân: Bạch quân, quân Cosaque và phe nông dân nổi loạn, Hồng quân phải rút ra khỏi thị trấn Ekaterinodar. Tướng Wrangel tiến quân và phía nam Ukraine. Nhưng cuộc chiến thắng của Bạch không kéo dài được lâu. Hồng quân đưa quân vào trận, tràn ngập quân của Tướng Wrangel. Tháng 10, quân của Tướng Wrangel rút lui về Ukraine. Cuộc tháo chạy rất hỗn loạn, làm cản trở cuộc thoái quân. Hồng quân tái chiếm vùng Crimee. Đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến giữa hai cánh Hồng và Bạch quân. Cuộc thảm sát lớn nhất đã diễn ra tại đây. Hơn 50.000 thường dân bị quân bônsêvich tàn sát.
Vì thua trận, dân Cosaque lại một lần nữa hứng chịu các đòn đàn áp trả thù. Karl Lander, thuộc sắc dân Letton, chỉ huy trưởng công an Tcheka được bổ nhiệm đặc trách tòan quyền Bắc Caucase và vùng sông Don. Ông cho thiết lập các tòa án đặc biệt xử tội dân Cosaque. Chỉ trong vòng tháng 10 năm 1920 đã lên án và đem đi hành quyết 6000 người. Thân nhân, hàng xóm của những binh sĩ lần lượt cũng bị bắt làm con tin, đưa đi giam trong các trại tập trung, còn gọi là trại tử thần. Trong bản phúc trình gởi về Mạc Tư Khoa, trưởng cơ quan công an vùng Ukraine, ông Martynlatsis viết: '' các con tin gồm có phụ nữ, trẻ em, người gìa, tập trung vào một trại ở gần Maikop. Họ sống trong một hoàng cảnh thật kinh hoàng. Họ sống trong những vũng bùn, trong cơn lạnh và đày tuyết rơi của tháng 10. Họ chết như các con ruồi. Phụ nữ chấp nhận những hành động xấu xa để thoát chết. Các binh lính canh gát lợI dụng tình trạng này để bán các phụ nữ vào những việc đê tiện.''
Kháng cự lại lịnh của trại đều bị trừng phạt nặng nề.
Theo ông Lander, viên toàn quyền Bắc Caucase, các cuộc khủng bố đỏ xảy ra rất bình thường. Hằng ngày có trên 300 ngườ bị xử bắn. Công an địa phương nhận lệnh phải thiết lập danh sách ở mỗi vùng một số người nhất định. Chính vì trình trạng này đã xảy ra các vụ tố cáo nhau vì tư thù. Tại Kislovodsk, vì không biết cách nào tìm ra phạm nhân nên họ đem các bệnh nhân trong bịnh viện ra bắn cho đủ chỉ tiêu.  Phương pháp tiêu diệt mau lẹ là thiêu đốt tất cả làng mạc và tống dân Cosaque đi lưu đày. Trong tập hồ sơ lưu trữ của ông Sergo Ordjonikidze, chủ tịch ủy ban cách mạng vùng Bắc Caucase còn lưu lại một số phúc trình về các cuộc đàn áp dân Cosaque từ tháng 10 đến trung tuần tháng 11 năm 1920.
Ngày 23 tháng 10, Sergo Ordjonikidze ra lịnh:
Tiêu hủy hoàn toàn làng Kalinovskaia.
Đuổi tất cả cư sống trong các làng Ermolovskaia, Rmanovskaia, Samachinskaia và Mikhailosakaia đi nơi khác sinh sống.
Nhà cửa phân phối cho sắc dân Tchchene, là giống dân luôn luôn trung thành với chế độ Bônsêvich.
Cho cán bộ công an hộ tống đưa đi đày tất cả đàn ông tuổi từ 18 đến 55 lên các vùng phía Bắc lao động khổ sai.
Trục xuất phụ nữ và trẻ em, đưa đến các làng ở phía Bắc.
Trưng thu tất cả gia súc, tài sản.
Ba tuần lễ sau, Sergo Ordjonikidze phúc trình về diễn tiến các cuộc hành quân như sau:
Làng Kalinovskaia bị tiêu hủy và lưu đày 4220 người.
Làng Ermolovskaia lưu đày 3128 người.
Làng Romanovskaia đợt một lưu đày 1660. Vì thiếu xe số còn lại là 1661 người.
Làng Samachinskaia đợt một đưa đi 1018. Số còn lại vì thiếu xe 1900 người.
Làng Mikhailovskaia đợt một đưa đi 600. Số còn lại 2200 người.
Ngoài việc đưa đi lưu đày, chính quyền còn xử dụng 154 toa xe lửa chở lương thực trưng thu. Những người bị lưu đày thuộc thành phần thân nhân của các người chống đối chính phủ.  Thành phần còn ở lại là những người thân chính quyền, gia đình của Hồng quân, công nhân viên nhà nước cộng sản.
Công tác chuyển vận người lưu đày gặp nhiều trở ngại vì thiếu phương tiện. Cho nên, thay vì đưa tất cả lên miền Bắc, một số di chuyển xuống miền hầm mỏ Donetz, gần đó hơn. Hệ thống đường xe lửa không được tu bổ hoàn hảo, cũng là một trong những lý do chậm trễ. Chiến dịch tiêu diệt dân Cosaque là một kinh nghiệm tổ chức cho chính quyền cộng sản để 10 năm sau họ áp dụng vào chính sách đàn áp điền chủ, phú nông.
Dân Cosaque trả một giá quá đắc khi họ chống lại chính sách đàn áp của chính quyền Bônsêvich. Theo các ước lượng đáng tin cậy, với dân số không quá 3 triệu, đã có khoảng từ 300.000 đến 500.000 người bị giết hay bị đưa đi đày và chết trong các trại tử thần trong 2 năm, 1919 - 1920.
Con số người bị giết trong chiến dịch khủng bố đỏ, tiêu diệt các thành phần phản động trong nửa năm sau của năm 1918, không thể nào biết chính xác được. Để thiết lập một xã hội mới trên căn bản con người mới, giai cấp mới, theo người cộng sản, họ phải liên tục thi hành các cuộc tàn sát như vậy.
Trong tờ nhật báo Thanh kiếm đỏ - Krasnyi Metch, tiếng nói của công an Tcheka, số ra đầu tiên, phát hành tại Kiev, viên chủ bút nhận định: '' Tất cả việc làm của chúng tôi đều được cho phép. Chúng tôi bác bỏ quan niệm của chế độ cũ về luân lý và nhân đạo. Đó là những điều do bọn tư sản trưởng gỉa đặt ra để bóc lột và đàn áp giai cấp thấp kém hơn. Quan niệm luân lý của chúng tôi từ trước đến nay chưa hề có. Quan niệm nhân đạo của chúng tôi dựa trên căn bản của một lý tưởng mới. Tiêu diệt tất cả các hình thức áp bức và bạo động. Đối với chúng tôi, mọi hành động đều được cho phép, vì chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới không phải vung gươm lên để áp bức, tạo ra chế độ nô lệ, mà để giải phóng nhân loại thoát khỏi xiềng xích. Phải đổ máu! Và máu chảy thành sông! Máu đào sẽ nhuộm đỏ các ngọn cờ đen của bọn trưởng gỉa ăn cướp. Cuối cùng tiêu diệt thế giới cũ để giải thoát chúng ta ra khỏi các con chó ăn xác chết. Những con chó này sẽ không bao giờ trở lại.''
Lời kêu gọi này đã gợi trong tâm tư các hành động bạo lực và ý chí trả thù xã hội của các thành viên thuộc cơ quan công an Tcheka, phần lớn được kết nạp là những tên tội phạm, bất hão trong chế độ cũ.
Trong văn thư đề ngày 22 tháng 3 năm 1919, lãnh tụ Bônsêvich  Gopner mô tả hành động của công an ở vùng Ekaterinoslavl như sau:'' Có 5 tên công an phạm tội ác, bạo động, ngang ngược và chuyên quyền. Họ bị giựt dây bởi các thành phần đê tiện và các tên mang bản án. Họ có súng trong tay. Họ bắn bất cứ người nào họ muốn hay họ ghét. Họ lục soát, cướp bóc, hảm hiếp phụ nữ. Họ muốn bắt ai thì bắt. Mua bán giấy tờ gỉa, đòi tiền hối lộ. Rồi tố cáo những người đưa hối lộ để đòi thêm tiền,.''  
Trong văn khố của Ủy ban trung ương cũng như củ Dzerjinski còn lưu lại một số phúc trình về hành động say máu bạo động của các nhân viên công an.  Vì không có căn bản pháp lý nào nên các nhân viên công an tỏ ra vô trách nhiệm, tự thi hành các hành động khát máu, vô nhân đạo.
Sau đây là ba bản báo cáo lấy ra từ hàng chục bản báo cáo về các hành động suy thoái của công an địa phương trong một xã hội vô luật pháp.
Ngày 22 tháng 3 năm 1919, một huấn luyện viên công an  vùng Systran thuộc tỉnh Tambov
gởi báo cáo về cho Dzerjinski: '' Tôi đã kiểm soát lại các vụ nổi loạn ở vùng Volost Novo-Matrionskaia. Việc bắt người rất hỗn loạn. Tôi đọc lời khai của 70 người bị tra tấn mà tôi chẳng hiểu gì cả. Ngày 16 tháng 2, có 5 người bị xử bắn. Ngày hôm sau 13 người. Trong khi đó lệnh xử bắn đề ngày 28 tháng 2. Khi tôi hỏi viên chỉ huy công an giải thích cho tôi, ông trả lời là ông không có thời giờ lập biên bản.Và cũng chẳng lập biên bản làm gì. Công việc chính là tiêu diệt các thành  phần tư sản, kẻ thù của giai cấp.''
Ngày 26 tháng 9 năm 1919, viên thư ký đảng bônsêvich vùng Iaroslavl báo cáo các nhân viên công an cướp bóc và bắt bớ người vô cớ. Họ biến văn phòng công an trở thành ổ điếm. Họ mang các phụ nữ tư sản về trụ sở. Họ ăn nhậu say sưa và còn dùng thuốc phiện.
Ngày 16 tháng 10 năm 1919, phái đoàn thanh tra Rosenthal gởi bản phúc trình từ vùng Astrakhan về trung ương:'' Atarbekov,Viên chỉ huy lực lượng đặc biệt của quân đoàn 9 không còn nhìn nhận quyền lực của Trung ương. Ngày 30 tháng 7, khi đồng chí Zakovski từ Mạc Tư Khoa phái đến để kiểm soát các việc làm của lực lượng đặc biệt, khi gặp vị chỉ huy trưởng, ông ta cho biết là hãy nói lại với Dzerjinski, ông ta không chịu sự kiểm soát nào cả. Không có một tiêu chuẩn hành chánh nào để cho nhân viên tuân theo. Hồ sơ công tác hầu như không thiết lập. Riêng về các vụ tuyên án tử hình, tôi không thấy hồ sơ nào cả. Họ chỉ đưa cho tôi các danh sách không đày đủ và thường chỉ viết có vài chữ: Đã bị xử bắn theo lịnh của Atarbekov. Khó mà biết rõ những gì đã xảy ra trong tháng 3 năm 1919. Nhậu nhẹt xảy ra hằng ngày. Hầu hết các nhân viên công an nghiện bạch phiến. Họ cho rằng phải dùng bạch phiến mới có thể chịu đựng các cuộc bắn giết hằng ngày. Họ quá say máu bạo hành. Cần phải kiểm soát họ.''
Các báo cáo nội bộ của công an và của đảng cộng sản đã được nhiều nhân chứng xác nhận.
Tướng Denikine thành lập một ủy ban điều tra tội ác của các người Bôsêvich.  Các tài liệu này trước kia lưu trử ở thủ đô Tiệp khắc. Sau năm 1945, văn khố dời về Mạc Tư Khoa. Ngày nay dân chúng có thể đến tham khảo.
Từ năm 1926, nhà viết sử Nga Serge Melgounov đã lập bản kê khai trong tác phẩm của ông. Các cuộc khủng bố Đỏ, các cuộc tàn sát các con tin, các vụ hành quyết tập thể, các giai đoạn chính liên quan đến các cuộc đàn áp, có sự trùng hợp với các nguồn tài liệu khác.
Các cuộc tàn sát đầu tiên các người tình nghi, các con tin, kẻ thù của nhân dân bị giam trong các trại tập trung, bắt đầu từ tháng 9 năm 1918 khi cuộc Khủng Bố Đỏ mở màng.
Việc cưỡng đặc chính quyền chuyên chính vô sản tại các thành phố đang chiếm hay tái chiếm diễn ra từng giai đoạn.
Trước tiên, họ giải tán tất cả cơ cấu hành chánh cũ.Sau đó ra lịnh cấm buôn bán để ngăn chận vật giá leo thang và tránh nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa. Kế đến quốc hữu hóa hay địa phươ ng hóa tất cả công sở, xí nghiệp. Bắt những nhà tư sản, thương gia đóng thuế thật nặng. 600 triệu vào tháng 2 năm 1919 tại Kharkov. 500 triệu tại Odessa vào tháng 4. Để việc đóng thuế được thành công, họ bắt tư sản và thương gia nhốt trong các trại tập trung làm con tin. Đây là hình thức cướp giựt trá hình. Đó cũng là giai đoạn đầu của chính sách đánh cho tan thành phần tư sản mại bản.
Ngày 13 tháng 5, trên báo Izvestia có đăng nghị quyết truất hữu tài sàn của tư sản do Hội đồng công nhân thành phố Odessa biểu quyết.  Người nào có tài sản đề phải khai. Khai hết. Từ cái chén, cái nĩa cho đến đôi giày, cái quần, cái áo, nữ trang, tiền bạc,..Ai không khai tức là chống lại nhà nước, sẽ bị tử hình.
Latsis, viên công an trưởng vùng Ukraine thú nhận, tiền bạc, vật dụng thu được của tư sản đã chạy vào túi của công an và Hồng vệ binh.
Giai đoạn kế tiếp là tịch thu nhà cửa.
Trong cuộc chiến này, hình thức hạ nhục tư sản rất được phổ biến. Trên báo chí xuất bản ở các vùng Odessa, Kiev, Kharkov, Oural,.. hằng ngày loan tin các hình thức hạ nhục. Bắt thương gia tư sản, cùng vợ con đi quét đường,  lau cầu tiêu, dọn doanh trại cho Hồng vệ binh,.. Nhưng còn nhiều chuyện bi đát hơn. Họ hãm hiếp con vợ con của những người tư sản bị bắt giam. Đặc biệt ở những vùng do Hồng quân tái chiếm từ tay của bạch quân, như vùng của người Cosaque và vùng Crimee vào năm 1920, tình trạng hiếp dâm diễn ra khốc liệt và dã man hơn.
Theo tính toán, đây là gai đoạn cuối cùng của chính sách tiêu diệt giai cấp trung lưu trưởng gỉa. Hành quyết những người bị bắt giam trong các trại tập trung với cái tội, họ là những người có tài sản.
Tại Kharkov, 2000 đến 3000 bị xử tử từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1919. Khi Hồng quân tái chiếm vào tháng 12, lại có thêm từ 1000 đến 2000 người bị giết.
Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1919 tại Odessa có 2200 người. Từ tháng 2 năm 1920 đến tháng 2 năm 1921 3000 vụ.
Tại thành phố Kiev xảy ra 3000 vụ từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1919.
Thành phố nhỏ Armavir xảy ra 300 vụ từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1920.
Trên thực tế còn rất nhiều vụ hành quyết khác đã xảy ra tại nhiều nơi và trong khoảng thời gian khác nhau.
Người ta biết rất rõ các vụ đàn áp xảy ra ở Ukraine, các tỉnh phía nam nước Nga, vùng Cosaque, vùng Tây Bá Lợi Á và vùng Oural.
Thường các cuộc tàn sát diễn ra khi khi có địch tiến quân tấn công, trước khi rút lui, họ '' dọn dẹp'' sạch các trại tù tập trung.
Tại Kharkov, hai ngày trước khi các đơn vị Bạch quân tiến chiếm thành phố, ngày 8 và 9 tháng 6 năm 1919, hàng trăm con tin bị hành quyết.
Tại Kiev, trên 1800 người bị bắn chết từ ngày 22 đến ngày 28 tháng 8 năm 1919, trước khi Bạch quân tiến chiếm thành phố vào ngày 30 tháng 8 cùng năm.
Tại Ekaterinodar cũng diễn ra tương tự. Trước khi quân Cosaque và quân Artabekov chiếm đóng, trong 3 ngày, từ 17 đến 20 tháng 8, công an giết chết 1600 người. Dân số của vùng này trước khi xảy ra cuộc đàn áp là 30.000 dân.
Sau khi chiếm được thành phố, chỉ huy trưởng Bạch quân cho thiết lập một Ủy ban điều tra các cuộc tàn sát do những người cộng sản thi hành trước khi rút lui. Theo lời khai của một số nhân chứng còn sống, bản phúc trình khám nghiệm tử thi chứng minh rằng những người chết sau cùng đều có vết đạn bắn từ sau ót xuyên qua đầu. Không có vết đạn nào trong thân thể cả hay dấu vết tra tấn. Trái lại, các thi hài chôn tập thể có dấu tra tấn trước khi đem đi hành quyết. Sử gia Serge Melgounov đã tường thuật trên báo về các dụng cụ và các hình thức tra tấn của công an. Một số khác đã được những người xã hội cách mạng trốn thoát viết lại trong các hồi ký xuất bản trong năm 1922 ở Bá Linh.
Trong vòng một tháng, từ ngày 15 tháng 11 1ền ngày 15 tháng 12 năm 1920, sau khi các đơn vị Bạch quân của Tướng Wrangel rút lui ra khỏi vùng Crimee, Hồng quân tái chiếm, có khoảng 50.000 dân bị xử bắn hay bị treo cổ.
Hàng trăm công nhân khuân vác bến tàu Sebastopol bị xử bắn vào ngày 26 tháng 11, bởi vì họ đã tiếp tay, giúp cho Bạch quân lên tàu rút lui.
Ngày 28 tháng 11, chính quyền cho đăng danh sách trên báo số người bị xử tử. Danh sách thứ nhất 1634 người. Danh sách thứ hai 1202 người.
Vào tháng 12, các đợt hành quyết giảm dần. Chính quyền cho lập hồ sơ cá nhân và phân loại từng người. Theo họ, còn có rất nhiều tư sản, thương gia từ thành phố về nông thôn lẫn trốn trong đám thân nhân của họ. Ngày 6 tháng 12 Lenine cho các ủy viên biết hiện có 30.000 nhà tư sản trốn trong vùng Crimee. Đây là những phần tử tay sai và làm gián điệp cho ngoại quốc. Chúng sẵn sàng hợp tác với tư bản. Chúng phải bị trừng phạt.
Quân số của chính phủ gia tăng bao vây vùng Perekop. Chính quyền ra lịnh dân trong vùng ra trình diện tại các cơ quan công an. Họ phải làm bản tự khai bằng cách trả lời 50 câu hỏi chi tiết về đời tư, nghề nghiệp và những hoạt động trong quá khứ, lợi tức, cảm tưởng của họ đối với biến cố Pologne, họ làm gì kể từ ngày 22 tháng 11 năm 1920,.. Căn cứ theo các bản tự khai, họ sẽ được chia ra làm ba hạng. Xử bắn, đưa đi lưu đày hay được phóng thích.
Một số người sống sót đã đăng các tin trên báo những gì họ đã chứng kiến trong thành phố Sebastopol vào năm 1921.
 Toàn khu Nakhimouski treo lũng lẵn tư thi của các sĩ quan Bạch quân. Xác của thường dân và lính thì treo dài dọc theo đường phố. Đây là một thành phố chết. Ai còn sống thì lẫn trốn trong các đường hầm, cống rảnh. Các biểu ngữ: '' Hãy giết các tên phản bội '' treo đầy trên cột đèn, cửa tiệm, vách phố, hàng rào kẽm gai,..
Giai đoạn chót của cuộc nội chiến không phải là kết thúc các cuộc đàn áp.
Mặc dù không còn chiến tuyến giữa Bạch quân và Hồng quân nữa, nhưng trận chiến tiêu diệt và bình định vẫn còn tiếp tục và kéo dài trong hai năm.