Dịch giả : Hiba Nhất Như - Diễn giả : Ito Ryocho
Phần thứ ba mươi sáu
Trận đấu bên bếp lửa.
( Nguyên văn: Norikuragtake nabebuta jiai )

Musashi quan sát trận đấu từ đầu chí cuối, lấy làm ngạc nhiên lắm. Nghĩ thầm thiếu niên này ắt khôg phải là kẻ hầu hạ bên cạnh một người tầm thường. Biết đâu đó lại là người hầu của tiên sinh Tsukahara Bokuden mà mình đang tìm đến cầu đạo. Nghĩ rồi nhanh chân đuổi theo thiếu niên vào trong núi. Thiếu niên vốn quen đường thuộc lối nên bước đi thoăn thoắt như bay. Được một lát thì thấy tuyết rơi lả tả nên vội lấy áo rơm đan đã chuẩn bị sẵn mặc vào. Lúc này thì hoàn toàn mất dấu vết của thiếu niên. Khi leo lên đến núi Norikuragatake thì thấy bốn bề hoàn toàn là một màu trắng xóa, dấu chân in trong tuyết cũng mất hút. Musashi đang bần thần không biết phải đi theo hướng nào thì bỗng đâu trong cơn gió tuyết đưa lại có âm sắc tiếng tiêu.
- Không ngờ trong vùng núi sâu thế này lại có người thổi tiêu.
Nghĩ rồi lần theo tiếng tiêu mà đi, được một lát thì thấy một căn nhà lợp tranh, trụ trúc, bên trong dường như có người đang thổi tiêu. Musashi đến gần lắng nghe, độ nhiên tiếng tiêu im bặt rồi cánh cửa đẩy ra. Musashi nhìn xem thì thấy một lão nhân hình dong quắc thước, đầu tóc bạc phơ, râu dài đến ngực, trán rộng như Đông Hải, nhãn quan sáng rực như bắn từng tia điện vào người ta.
- Trong âm sắc tiếng tiêu nghe có sát khí, tất có vị võ gia phương nào ghé thăm. Nay mở cửa ra thì quả nhiên không sao. Trong cơn mưa tuyết nạn nghĩa này xin tráng sĩ chớ ngại mà hãy tạm lưu lại nơi này đêm nay. Xin mời tráng sĩ.
- Đa tạ hảo ý của tiên sinh. Xin thất lễ.
Vừa vào đến hiên thì đã nhìn thấy thiếu niên lúc nãy.
- Ồ, mời chú vào. Lão ẩn cư bảo là có khách đến nên mới ra đón đây. Nào xin mời vào.
Lát sau đem nước ấm đến, Musashi rửa chân rồi theo thiếu niên vào phòng trong. Giữa gian phòng là một bếp lửa lớn, lão nhân lúc nãy đang ngồi chính tọa, nói
- Trong cơn mưa tuyết thế này chẳng hay tráng sĩ định đi đâu. Mà thôi hãy cứ tạm lưu lại nơi này một đêm. Nếp nhà thanh đạm e không xứng nhưng xin cứ thong thả.
- Xin đa tạ hảo ý của tiên sinh muôn lần. Được như thế này thì không gì bằng.
- Mọi chuyện để ngày may hãy nói. À, cháo chín rồi, mời tráng sĩ dùng.
- Đa tạ tiên sinh.
Cháo nóng mang ra, Musashi vui vẻ dùng.
- Bây giờ đã đến giờ ngủ.... Này tiểu đồng.
- Dạ...
- Mau dẫn khách đến phòng nghỉ.
- Dạ.... Nào mời chú đi lối này.
Thiến niên dẫn Musashi đến một căn phòng, bên trong đã chuẩn bị sẳn nệm ngủ và mọi thứ. Vừa mới ngồi xuống thì thiếu niên hỏi.
- Này, này chú ơi.
- Có chuyện gì?
- Chú là kiếm khách phái nào?
- Ta à, ta theo phái song kiếm.
- Song kiếm... À đúng rồi, lão ẩn cư có nhắc đến kiếm sĩ Miyamoto Musashi xứ Higo cũng sử dụng song kiếm. Mà một kiếm còn sử chưa thông thì làm sao thạo song kiếm được nhỉ, lạ thật. À, mà bây giờ chú cũng chưa ngủ được phải không, hay là ta làm một ván đi. Bên ngoài có tuyết nên cũng sáng sủa lắm.
- Thế à, thế thì đấu một ván vậy.
Bên ngoài sân chỗ có mái che tuyết không tới được nhưng nó hắt ra một thứ ánh sáng cũng dễ chịu lắm.
- Nào chú, đi thôi.
- Ừ thì.
Musashi cầm lấy hai thanh mộc kiếm vào thế thủ.
- Ồ, thế thủ lại quá. Hay đấy, nào!
Thiếu niên xông vào, Musashi đang đứng ngang hai chân bỗng rút chân trái về rồi tả kiếm hữu kiếm hợp thành khóa chữ thập âm dương kẹp chặt mộc kiếm của thiếu niên vào giữa.
- A lạ quá chú ơi. Cứ như cái kẹp chĩa ba vậy.
Thiếu niên toan nhấc kiếm lên thì khóa chữ thập cũng theo đó mà di chuyển, muốn phá mà chẳng sao phá nổi. Được một lát thì dường như đuối sức, mặt thiếu niên biến sắc. Đột nhiên thấy cánh cửa trong nhà hé ra.
- A không xong rồi chú ơi. Lão ẩn cư nhìn thấy rồi. Thế nào cũng bị mắng cho xem, thôi để mai vậy.
- Ừ thì dừng.
Rồi đêm đó trận đấu phải dừng lại. Sáng hôm sau khi Musashi vừa tắm gội xong thì lão chủ nhân đến chào hỏi.
- Tráng sĩ dậy sớm thế. Chắc là hôm qua đi đường còn mệt, xin cứ tự nhiên mà thong thả. Bây giờ cháo hãy còn chưa chín.
- Đa tạ tiên sinh.
- Xin thất lễ, dám hỏi tráng sĩ là người đang lang thang tu hành võ nghệ?
- Vâng, tiểu sinh là kẻ tu hành võ nghệ.
- Thế tráng sĩ thuộc môn phái nào.
- Phái song kiếm Shinmen...
- Ồ, thế tráng sĩ người vùng nào....
- Là Kumamoto thuộc Higo. Tiểu sinh tên gọi Miyamoto Musashi.
- Ồ ồ, hóa ra lại là Miyamoto xứ Higo. Lâu nay vẫn được nghe cao danh tráng sĩ công phu được lối đánh song kiếm, thật không ngờ lại được diện kiến nơi này. Thật quý hóa quá.
- Xin tiên sinh bỏ qua cho nếu như có nhầm lẫn. Dám hỏi tiên sinh có phải là Tsukahara Bokuden...
- Ahahahaha tráng sĩ có nhãn quang thật tinh tường. Ta chính là Bokuden.
- Ồ, tiểu sinh cũng vì muốn diện kiến tiên sinh nên mới lang bạt đó đây. Thật ra cũng là muốn cầu học thuật Tengusho Tobikiri nơi tiên sinh. Xin được tiên sinh chỉ giáo.
- Không biết ý tráng sĩ muốn học thuật này để làm gì...
- Thực ra là phụ thân của tiểu sinh là Yoshioka Munisai đã bị Sasaki Kentosai Ganryu ám sát bằng thủ đoạn không quang minh chính đại.
- Hả... hóa ra là vậy. Ganryu quả là kẻ đáng ghét. Hắn vốn là môn đệ của Bokuden này tên gọi Rokkaku Kaizo nhưng tính tình ngạo mạn nên đã phá môn. Được rồi, ta sẽ truyền lại cho tráng sĩ. Mà học thuật này chắc là tráng sĩ muốn phá thế chém én Tsubame Gaeshi của nó?
- Vâng, đúng như tiên sinh dạy.
- Được rồi. Nhưng xin thất lễ, Bokuden muốn được xem võ nghệ của tráng sĩ.
- Vâng, xin theo lời chỉ dạy.
Rồi Musashi xắn tay áo, mượn hai thanh mộc kiếm.
- Tráng sĩ đừng ngại, hễ thấy chỗ nào sơ hở thì cứ đánh vào.
Đằng kia Bokuden nửa ngồi nửa quỳ trên chân phải, đôi mắt khép lại, tay vẫn còn cầm thanh đũa bếp bằng tre còn đặt một nửa trong lò lửa.
- Nào, xin mời.
Quả là một trận đấu kỳ lạ. Musashi vào thế thủ nhìn Bokuden ở tư thế kỳ lạ kia, mắt nhắm nghiền mà vẫn không có một chút sơ hở nào. Quả đúng là danh nhân thiên hạ. Phía trên bếp lò là một móc sắt được lồng vào trong ống tre, đầu móc treo một nồi cháo. Lúc này cháo đã chín nên trong nồi sục sùi, nắp nồi như muốn bật ra. Musashi đứng quan sát, dù thế nào đi nữa thì cái móc sắt treo từ trần nhà xuống kia cũng là vật cản, thật nan giải.
- Eitt!! Yatt!!
Thét rồi hữu kiếm dương cao như sắp bổ xuống, tả kiếm đâm thẳng, lùi lũi tiến tới. A chắc là chẳng phải không tấn công được từ vị trí này. Vừa nghĩ rồi một kiếm bổ xuống, tức khắc Bokuden nhẹ nhàng lách mình sang phải tránh được. Chính giữa là cái móc sắt thòng từ trần nhà xuống cản đường nên không thể ra đòn tiếp được. Lần này Musashi chém tả kiếm xuống, lại lần nữa Bokuden thoắt sang bên tả tránh được. Đánh từ đằng nào đi nữa thì cái móc giữa gian nhà vẫn là vật cản trở.
Musashi trong lòng kinh ngạc nhưng thét to một tiếng rồi nhảy qua bếp lửa, hữu kiếm toan chém xuống thì lão nhân lại lách được mà không có chút sơ hở, toan giơ tả kiếm chém xuống, chưa kịp làm gì thì bặc, Bokuden vừa mới chạm vào là nắp nồi bắn ra đập vào mặt Musashi.
- Aaaa!!
Cháo vừa chín tới nên hai má bị nắp nồi áp vào, bỏng rát.
- Tiểu sinh thật sự kinh hoàng.
- A quả nhiên danh bất hư truyền, kiếm chiêu đi nhanh lắm. Được rồi, hãy lưu lại bên Bokuden ít lâu.
Trận đấu này được người đời gọi là trận đấu bên bếp lửa ở núi Norikuragatake và vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Rồi Musashi lưu lại bên Bokuden học thuật Tengusho Tobikiri. Thấm thoát ba năm trôi qua và cũng đã hội đắc được Tengusho Tobikiri nên lễ tạ Bokuden rồi xuống núi lần theo dấu vết của Ganryu. Có một thuyết nói rằng thiếu niên hầu hạ bên cạnh Bokuden là Shimamura Tomojiro vốn là con trai của Shimamura Kojisai, một người thân thích của Bokuden ở làng Ishikawa xứ Musashino, Tomojiro được Bokden ủy thác nên Musashi nhận làm dưỡng tử, truyền dạy cho kiếm đạo. Nhân vật Tomojiro này sau này trở thành Miyamoto Hachigoro Masaharu, trong khi đó vẫn còn một người con ruột với Oguruma. Nếu xét từ điểm này thì có lẽ Musashi nhận Tomojiro làm dưỡng tử và truyền dạy kiếm đạo, cho kế thừa dòng Miyamoto là thực. Còn người con với Oguruma thì cho kế thừa dòng Yoshioka.
( ° ) Trong phần này diễn giả Ito kể rằng Tsukahara Bokuden vẫn ngồi một chỗ mà dùng nắp nồi cháo đang chín để đánh bại Musashi. Theo sử liệu ghi lại thì Musashi sinh ra sau khi Bokuden mất nên đoạn này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bokuden vốn được ưa thích trong các câu chuyện truyền miệng và thường được kính trọng như một vị tiền bối trong làng kiếm. (° )