Chương 8(hết)

Vừa đặt xuống giường, Bích Chiêu đã bị bà Lài gọi giật ngược:
- Ba con bị làm sao rồi kìa. Mau gọi xe cấp cứu.
Nhảy khỏi giường nhanh hơn sóc, Chiêu hớt hải chạy bổ sang phòng ba. Ông đang vật vã giãy giụa như người bị động kinh. Dì Lài, mẹ Chiêu đã giữ chặt tay ông nhưng dường như không được.
Bích Chiêu hoảng sợ thật sự. Cô thụt lui tới chỗ đặt điện thoại, nhấn mãi mới ra số cấp cứu.
Tông cửa chạy sang nhà hàng xóm cũng là bác sĩ, Chiêu nhấn chuông liên hồi, ông bác sĩ vừa thò đầu ra, cô đã lu loa:
- Ba cháu làm sao ấy, bác Triệu ơi. Cháu sợ quá.
Ông bác sĩ hộc tộc chạy theo Chiêu lên phòng ông Thực và tới sát bên ông.
Giọng ngạc nhiên, bác sĩ Triệu kêu lên:
- Hình như là ngộ độc thuốc. Anh Thực có uống gì không chị?
Bà Chinh đưa mấy vỏ thuốc còn trên bàn:
- Dạo này ổng mất ngủ nên mới uống thuốc ngủ. Đây nè.
Trán nhíu lại, ông Triệu nhìn tên thuốc:
- Lạ thật. Thuốc ngủ đâu gây triệu chứng này. Phải chở vào bệnh viện ngay. Nếu không sẽ bị suy tim, suy hô hấp.
Bích Chiêu nói:
- Cháu đã gọi cấp cứu rồi ạ.
Bà Chinh gào to:
- Thuốc này của bác sĩ Kiên. Sao ổng lại muốn ba con chết chứ.
Bích Chiêu thảng thốt:
- Mẹ nói gì vậy?
Mặc chồng mình cho bác sĩ Triệu, bà Chinh tiếp tục gào:
- Chớ không phải sao?
Chiêu vội bảo:
- Chuyện đâu còn có đó, mẹ đừng vội kết tội người ta như vậy.
Bà Chinh la lên:
- Hừ! Đợi ba mày ngừng thở hãy kết tội phải không? Mày vì thằng Kha nên lú lẫn u mê rồi. Thật không thể nào đo được lòng dạ con người.
Bà Lài quát:
- Im hết đi! Đã đủ lộn xộn rồi. Mấy người còn muốn giết nhau nữa hả?
Ông Thực vẫn không thôi giẫy giụa. Xe cấp cứu tới. Chiêu và bà Chinh theo xe vào bệnh viện bác sĩ Kiên đang nằm.. Đợi băng ca đưa ông Thực vào phòng cấp cứu xong, Chiêu ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ Kha.
Không cần lịch sự gõ cửa, Chiêu đẩy mạnh vào và đứng thở hào hển trước mặt Kha.
Đang nằm trên giường, anh bật dậy:
- Sao em lại vào đây giờ này?
Bích Chiêu ôm ngực:
- Ba em bị ngộ độc thuốc, phải cấp cứu.
Nhìn Kha bằng cái nhìn ngờ vực, cô gần từng tiếng:
- Tại sao vậy Kha?
Kha nhíu mày:
- Anh không hiểu em muốn hỏi gì.
- Thuốc đó là của ba anh đưa tối hôm qua đấy.
- Em nghi ngờ ba anh sao?
Bích Chiêu căng thẳng:
- Đó là thuốc độc chớ đâu phải thuốc ngủ. Tại sao vậy? Anh giải thích đi.
Bước xuống giường, Kha cà nhắc cái chân bị bông gân.
- Tình trạng bác Thực thế nào rồi?
- Em không biết.
- Chúng ta đến phòng cấp cứu.
- Mẹ em sẽ xé xác anh đấy.
Kha làm thinh khập khểnh đi. Bích Chiêu kéo anh lại:
- Anh sẽ giải thích thế nào đây? Rằng bác Kiên đưa nhầm thuốc à?
Kha trầm ngâm:
- Mọi sự giải thích bây giờ đều vô ích, nhưng anh lại tin ba mình không nhầm thuốc mà có người đã tráo chúng.
Bích Chiêu thảng thốt:
- Không lý nào. Nguyệt Càm không làm thế. Ba em là bác của nó mà.
- Vậy tại sao ba anh lại làm? Em phải bình tĩnh suy xét lại.
- Nhưng chắc gì mẹ chịu tin anh.
Kha siết tay Chiêu:
- Chỉ cần em tin thì khó khăn, trở ngại nào anh cũng không sợ.
Chiêu và Kha ra tới phòng cấp cứu đã thấy Toản ngồi cạnh bà Chinh. Nét mặt mẹ cô đã bớt lo lắng.
Bà đang nghiến răng:
- Làm bác sĩ như ba cậu chỉ có đi giết người. Hừ! Vậy mà ông nhà tôi lại tin tưởng một gã lang băm, một kẻ mất hết lương tâm. Tại sao tôi không lường được cơ chứ.
Toản gắt lên:
- Mẹ đừng lải nhải nữa. Đây là bệnh viện, người ta đuổi mẹ ra đấy.
Bà Chinh vẫn ấm ớ:
- Nhưng mà mẹ tức lắm. Trên đời này chả ai tốt, nêu không có quyền lợi đi kèm.
Bích Chiêu hạ giọng:
- Hại ba mình thì bác Kien sẽ được hưởng lợi gì hả mẹ?
Toản kéo Kha ra một góc. Chiêu chả biết hai người đã thầm thì to nhỏ cái gì, nhưng mặt ai cũng đăm đăm, nặng trĩu.
Cửa phòng cấp cứu rộng mở. Người y tá bảo ông Thực đã qua nguy hiểm nhưng vẫn phải được theo dõi đặc biệt.
Bích Chiêu chép miệng:
- Bỗng nhiên hai ông bố cùng nằm viện một lúc. Thật lạ lùng.
Bà Chinh nói:
- Mẹ thấy không nên vây vào chuyện ngoài xứ đó nữa. Từ ngày ba con về xứ tới nay, nhà mình gặp toàn xui xẻo. Con Cầm nói biết đâu lại đúng. Các cụ không đồng ý hiến đất nên mới quở con quở cháu.
Chiêu lắc đầu:
- Hết tin lời nguyền trăm năm, tới tin các cụ tổ quở. Mẹ làm sao vậy? Con tin chắc một điều, có người sống không muốn ba hiến đất, nên đã bày ra đủ chuyện, kể cả những chuyện hại chết người độc ác nhất để chúng ta chùn bước. May thay ba và bác Kiên vẫn ổn chớ không như ý họ muốn.
- Mà họ là ai mới được?
Bích Chiêu chưa biết trả lời sao thì Nguyệt Cầm hớt hải chạy vào:
- Bác Thực sao rồi ạ?
Bà Chinh không trả lời mà giận dữ hỏi:
- Cháu đi đâu mà tới giờ mới về?
Nguyệt Cầm nhỏ nhẹ:
- Cháu đi xem ca nhạc với bạn. Hồi chiều cháu có xin phép bác Thực rồi ạ.
Thấy bà Chinh bực bội quay đi, Cầm hỏi Chiêu:
- Bác Thực không sao chứ?
Tự dưng Chiêu cũng bực, cô xẵng giọng:
- Không sao mà vào bệnh viện. Hình như Cầm thích ba tôi có sao lắm phải không?
Nguyệt Cầm kêu lên:
- Trời ơi! Chị nói vậy tội nghiệp cho em. Em xem bác Thực như cha, quan tâm, hỏi han bác là bổn phận của con cháu. Chẳng lẽ em có gì sai?
Bích Chiêu nhếch môi không trả lời, cô chán ngấy bộ mặt mà cô biết chắc rất giả dối của Cầm. Lúc nãy, khi Chiêu và ông Thực vào bệnh viện thăm ông Kiên về đã thấy Cầm ngồi ở cửa.
Với thái độ thành khẩn, ăn năn, Cầm xin lỗi ông Thực. Thế là bao nhiêu bực dọc nghi ngờ ông dành cho Cầm tiêu tan hết.
Nguyệt Cầm mồm mép bảo rằng vì quá lo cho dòng họ nên đã lỡ lời, cô ta tuyệt nhiên không nhắc tới bác sĩ Kiên và Kha. Chính vì vậy, ba Chiêu bớt căng thẳng. Ông vui vẻ cho phép Nguyệt Cầm đi xem ca nhạc rồi bảo với dì Lài rằng Cầm còn quá trẻ con, ham chơi, nói không biết cân nhắc, suy nghĩ. Ông đề nghị cả nhà phải gần gũi thương yêu Nguyệt Cầm hơn để con bé không tủi thân vì ăn nhờ ở đậu.
Ba Chiêu đã gạt ngoài tai những lời Kha cảnh báo vì muốn xem Cầm như con ruột, nhưng nếu chuyện ông uống thuốc có liên quan tới Cầm thì đúng là ba cô nuôi ông tay áo rồi.
Thấy Chiêu và mẹ không muốn trò chuyện với mình, Nguyệt Cầm mon men đến chỗ Toản và Kha.
Khác với vẻ mềm mỏng vừa rồi, Nguyệt Cầm …..ba đá như dân giang hồ:
- Tự dưng hai ông lão rủ nhau vào viện. Theo hai anh, đây có phải là sự rủi ro trùng hợp không?
Toản mặt mày lơ láo:
- Anh thật không hiểu nổi tại sao ba anh lại bị ngộ độc thuốc. Đúng là xui tận mạng.
Nguyệt Cầm liếc xéo về phía Kha:
- Em nghĩ anh Kha hiểu tại sao đấy.
Kha gật đầu:
- Anh thì hiểu quá đi chớ. Hồi ở ngoài xứ, bác Thực cũng từng bị lậm thuốc nên ngủ li bì. May mà có Bích Chiêu và anh ra tới nếu không …..Hừ! Chỉ cần người ta cho uống tiếp một liều như vậy nữa, chắc chắn bác Thực sẽ suy tim, trụy mạch mà chết thôi.
Nguyệt Cầm nói ngay:
- Thuốc đó cũng do bác sĩ Kiên cho mà.
Kha thản nhiên:
- Cầm từng nói với anh, những người họ Vũ nhà em nếu tới số, uống nước cũng sặc mà chết, huống hồ chi đây là thuốc.
Cầm khoanh tay:
- Nói như anh vậy, bác sĩ Kiên không chịu trách nhiệm gì cả à?
Toản kêu lên:
- Cầm ơi! Bác Kiên đang hôn mê thế kia thì chiệu trách nhiệm gì cơ chứ.
Cầm khinh khỉnh:
- Anh dễ quá đâu có được. Thử hỏi một bác sĩ tắc trách như vậy có xứng đáng đứng ra thành lập một nơi gọi là trung tâm gì đó dành cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam không? Chắc chắn là không rồi. Vừa bất tài, vừa vô đạo đức làm sao đủ tư cách. Ông ta về vườn là vừa.
Kha nóng mặt. Anh không ngờ miệng lưỡi Nguyệt Cầm cay độc đến thế.
Đang lúc Kha còn đứng chết trân thì Bích Chiêu lên tiếng:
- Cầm không phải lo, ba tôi biết chọn mặt gởi vàng mà.
Nguyệt Cầm cười nhạt:
- Chọn mặt gởi sinh mạng thì đúng hơn. Anh, chị không nghĩ tới sự sống của bác Thực, nhưng em nghĩ. Thật là tồi tệ khi giao đất đai của giòng họ cho một người như ông Kiên. Em cực lực phản đối.
Quay sang Toản, Nguyệt Cầm hỏi:
- Anh nhớ em đã nói với anh những gì không? Là cháu đích tôn, đã tới lúc anh thể hiện quyền của anh rồi đó.
Toản khó chịu:
- Ba anh vẫn còn sống mà em.
- Đúng vậy. Nhưng anh phải có trách nhiệm giải thích hơn thiệt với bác. Mà em tin chắc sau vụ này bác Thực ….cạch ông Kiên tới già.
Kha nổi khùng lên:
- Đủ rồi Cầm. Tôi không bỏ qua cho ai lăng nhục ba tôi đâu.
Nguyệt Cầm hơi nghiêng đầu:
- Rất tiếc lời tôi nói là sự thật. Bỡi vậy anh đừng mơ tới cái làng Hòa Bình ấy nữa.
Bích Chiêu mỉa mai:
- Cầm không nói chả ai bảo Cầm câm đâu.
- Nhưng người ta sẽ nghĩ em ngu, mà em thì không muốn thế.
Kha định nói nhưng Toản đã ngăn lại. Anh hỏi:
- Theo em thì anh phải làm gì cho xứng với vai trò cháu đích tôn?
- Chặc! Em đã nói với anh hôm trước rồi đó.
Toản thộn mặt ra:
- Anh đã quên rồi.
Bích Chiêu thất vọng nhìn anh mình. Ông anh Hai của cô rốt cuộc cũng chỉ là chú nai tơ khờ khạo trước con hồ ly tinh Nguyệt Cầm sao?
Không thể im được, Bích Chiêu buột miệng:
- Anh không thể làm trái ý ba đâu.
Nguyệt Cầm nói:
- Nếu là ý tưởng cao siêu thì cũng nên làm khác, tuổi trẻ luôn nhạy bén và thực tế hơn lớp già. Chính bác Thực từng nói thế. Do đó, nếu có dịp, anh nên thể hiện ý trẻ của một người đang học cao học. Bác Thực sẽ không phiền đâu.
Toản gật đầu, giọng chắc nịch:
- Ba tôi sẽ không phiền vì ý của ông cũng là ý tôi.
Kha cười nhạt và bước đi, Bích Chiêu ngần ngừ nhưng không dám đi theo. Cô biết với chuyện vừa xảy ra quan hệ giữa gia đình mình và gia đình Kha đã khác nhiều.
Dưới tác động của Nguyệt Cầm tình hình có mòi xấu hơn nữa. Bích Chiêu nuốt tiếng thở dài. Mới một ngày thôi, bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Cứ như vậy chuyện gì nữa sẽ đến trong tương lai. Có lẽ mẹ và dì Lài đúng khi bảo:
“không nên động tới những gì mình đã từ bỏ nó để đi tìm một cuộc sống bình an; dù là động tới với mục đích tốt”.
Nguyệt Cầm nhấp nhỏm nhìn qua ô cửa kính của quán cà phê. Cô ngồi đây hơn hai giờ đồng hồ rồi mà vẫn chưa thấy Chín Tấn đâu cả.
- Đúng là khốn nạn.
Cố nén lắm, nhưng Cầm vẫn phải buột miệng chửi đỏng. Mấy hôm liền Cầm hẹn Tấn nhưng gã không đến. Hừ! Chắc Chín Tấn định đánh bài chuồn với Nguyệt Cầm này hay sao ấy. Hừ! Với con ngốc nào thì có thể Chín Tấn thoát, chớ còn với cô thì đừng hòng.
Bước tới chỗ điện thoại, Cầm gọi nhưng máy di động của Tấn không có tín hiệu nào, kể cả bảo ngoài tầm phủ sống.
- Con cáo già lại đổi số máy rồi. Đúng là đồ cầm thú.
Nguyệt Cầm hậm hực trở về bàn. Đến nước này, cô đành phải xuất đầu lộ diện cho Chín Tấn một phen tức tối thôi.
Ngoắc chiếc xe ôm chớ không dám gọi taxi như trước đây nữa, Cầm bảo bác tài chạy tới ngã Bảy. Xe ngừng trước một tiệm đồ gỗ cao cấp, Cầm bước xuống, trả tiền và xăm xăm bước vào trong.
Một phụ nữ trạc ngoài bốn mươi đon đả chào mời.
Nguyệt Cầm lạnh tanh:
- Tôi muốn gặp ông Tấn.
Người phụ nữ nhíu mày:
- Tấn nào ạ?
- Chín Tấn.
- À! Ông chủ cũ tiệm này. Ổng mới sang tiệm lại cho tôi nên đâu còn ở đây nữa.
Nguyệt Cầm thảng thốt:
- Sang lại lâu chưa?
- Khoảng nửa tháng.
- Chị biết ổng hiện giờ ở đâu không?
- Không. Nhưng ổng có cho cái số di động. Cô chờ một chút nghen.
Nguyệt Cầm chẳng buồn chờ, cô thừa biết Tấn cho số điện thoại nào rồi. Thất thểu trở ra, Cầm đứng tần ngần bên lề chẳng hiểu phải đi đâu để tìm cho ra Chín Tấn, một khi gã đã cố tình tránh mặt cô.
Nhìn đồng hồ, Cầm lại ngoắc một chiếc xe ôm khác, cô bảo chở mình qua quận Bảy, nơi có mấy trường gà mà Tấn rất mê chơi. Gã có thể trốn Cầm, nhưng không thể xa trò đen đỏ này. Nếu hôm nay không gặp, thì chịu khó ….phục kích, bảo đảm ngày mai, ngày mốt cũng gặp được hắn ở cái trường gà nổi tiếng lớn độ đó. Cầm đang cần tiền, mất Chín Tấn coi như cô mất nguồn tài trợ dồi dào. Nói Tấn tài trợ cho Nguyệt Cầm cũng không đúng, hai người cùng ……mánh mung, cô thu lãi hàng tháng là lẽ đương nhiên. Lần này nếu Chín Tấn chơi bẩn định chiếm đoạt phần hùn của Cầm thì coi như hắn tới số rồi.
Chiếc Honda chạy vào con đường đất mấp mô, băng qua một cánh đồng cỏ rộng mênh mông có nhiều nhà lớn đã xay hoặc đang xây dở dang, Cầm bảo ngừng xe trước một ngôi nhà có cổng săt cao, tường xây kín mít sát bờ kênh.
Một gã đàn ông mặt mày rằn ri bước đến hất hàm:
- Kiếm ai?
Cầm nói tên chủ trường gà, gã mặt rô mở cánh cổng sắt cho cô kèm theo lời lầm bầm:
- Đàn bà cũng mê đá gà.
Cầm cười thật duyên:
- Anh có thấy Chín Tấn ở trỏng không?
Gã đàn ông nhíu mày:
- Chín Tấn hở? Có độ nào thiếu ổng đâu. Dạo này ổng ăn dầm nằm dề ở trường gà này luôn.
Nheo con mắt thật lẳng, gã hỏi:
- Em đi tìm thằng chả hả?
- Hổng được sao?
- Được chứ. Nhưng coi chừng thằng chả thua đậm dễ quạu lắm đó. Chín Tấn hổng biết …..thương hoa tiếc nguyệt đâu.
Nguyệt Cầm gượng cười:
- Cám ơn anh đã dặn dò.
Gã gác cổng cười hi hi:
- Chuyện nhỏ mà.
Băng qua một khoảng sân trồng nhiều cây kiểng, Cầm ra phía sau ngôi biệt thự. Tại đây có một khoảng sân rộng cầu năm sáu trăm thước vuông đang chặt cứng người ta. Tiếng chửi thề văng tục lẫn tiếng xuýt xoa la hét vang lên điếc con ráy. Cầm dáo dác tìm và thật dễ dàng nhìn thấy Chín Tấn.
Hắn không quây quanh độ gà đang đá mà ngồi nhâm nhi bia lon mặt lầm lì thật dễ sợ. Gương mặt Chín Tấn khiến Nguyệt Cầm nhớ tới lần hắn bày mưu tính kế với ba mình và chú Hai Thể cách loại Sáu Bảnh ra khỏi cuộc chơi. Lần đó gương mặt của Tấn cũng lạnh lẽo vô cảm và ác độc như vậy. Rõ ràng Chín Tấn đang gặp chuyện gì rồi.
Ngồi xuống đối diện với gã, Nguyệt Cầm vờ ríu ra ríu rít như bình thường.
- Trời ơi! Tìm anh mệt gần chết.
Chín Tấn vội liếc xung quanh rồi gắt:
- Tìm anh làm chi vào lúc dầu sôi lửa bỏng này.
Mặt Nguyệt Cầm ngơ ngác:
- Đang thua độ à? Hết bao nhiêu mà trông anh khó coi thế?
Chín Tấn đanh mặt:
- Đừng giả vờ nữa. Đã dặn đừng tìm anh lúc này mà vẫn không nghe. Anh không muốn bị công an sờ gấy đâu.
Cầm hất hàm:
- Nếu không tìm anh sao em biết anh đã sang tiệm đồ gỗ cho người khác, sao em biết anh định cho em ra ria. Thiếu anh, em vẫn sống, nhưng thiếu tiền thì chết đó.
Chín Tấn móc bóp ra, giọng cộc lốc:
- Bao nhiêu?
Nguyệt Cầm lớn tiếng:
- Tôi không đi xin đâu mà anh hỏi giọng đó. Anh định ….xù tôi hả? Hổng dễ đâu Chín Tấn.
Chín Tấn nhìn quanh. Trường ga náo nhiệt chẳng ai để ý tới hắn và Cầm. Vận hắn đang đen như mõm chó, hắn không muốn Nguyệt Cầm làm ồn ở nơi này, xui sẽ càng thêm xui vì đàn bà, nhất là hạng quỷ quái như ả ta.
Tấn đấu dịu:
- Khổ quá. Anh chỉ hỏi em cần bao nhiêu để anh chi chớ có dám bảo em đi xin đâu. Sao lại bắt lỗi băt phải cơ chứ.
Nguyệt Cầm chanh chua:
- Khỏi cần vuốt ve, tôi ngấy lắm rồi. Anh nói đi. Tại sao phải sang tiệm đồ gỗ ở ngã Bảy mà không nói với tôi tiếng nào?
Chín Tấn ngập ngừng:
- Nói, chắc chắn em không chịu, bỡi vậy ….
Cầm cắt ngang:
- Bỡi vậy anh mới lén bán để ăn chơi một mình cho sướng phải không? Đồ khốn nạn! Nên nhớ vốn của tôi bỏ vào đó không ít đâu.
Tấn cười khẩy:
- Nhiều là bao nhiêu so với thiên hạ mà em la dữ vậy? Phải chi em được toàn quyền sử dụng hết đất đai ngoài nhà thì còn có cơ may làm giàu. Hừ! Họ chỉ chừa em một rẻo đất thừa cùng ngôi nhà hơn trăm tuổi, chả biết sập lúc nào ấy thì làm đếch gì. Đã vậy, lâu nay em còn lôi tôi vào cuộc để cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Mẹ kiếp! Lúc nào cũng nơm nớp bị cảnh sát truy lùng. Suy cho cùng tôi và lão Hai Thể có khác gì nhau.
Nguyệt Cầm cố dằn lòng:
- À, anh lòi mặt móc ra rồi à? Thì ra lâu nay anh theo tôi đâu vì nghĩ tôi sẽ giữ được đất đai ngoài ấy.
Chín Tấn so vai:
- Tôi luôn tin em mà. Nhưng kết cục thì sao? Em vẽ vời đủ thứ, xui tôi giúp mọi chuyện, giờ tôi cũng bị lôi vào tròng mà chả được xơ muối gì. Cái viễn cảnh mở lại chợ gỗ làm đầu nậu chỉ là hão huyền, tiền chỉ chi mà không thu vào có núi cũng lở.
Nguyệt Cầm xụ mặt:
- Tôi cũng đâu có muốn như vậy. Anh thấy đấy, ngay cách độc ác nhất tôi cũng sử dụng, nhưng vẫn không thành công, chắc tổ tiên nhà tôi ủng hộ việc làm này, nên cuối cùng đất đai đã hiến hết.
Chín Tấn nghiến răng:
- Lẽ ra tôi không nên nhúng tay vào, để tụi giang hồ làm tiền. Em có biết hai thằng đâm xe vào bố con bác sĩ Kiên đã ….hốt của tôi bao nhiêu “vé” rồi không? Mẹ kiếp! Chúng nó sẽ còn làm tiền tôi dài dài. Cảnh sát đã truy ra chúng, thế là phải tọng cho chúng ăn để chúng nhận lỡ uống rươu say và quẹt phải người, sợ quá nên chạy luôn. Hừ! Nếu không, chúng khai có người thuê chúng đụng cha con bác sĩ Kiên thì tôi và em có nước húp cháo.
Nguyệt Cầm khó chịu:
- Anh quá dở khi lộ mặt cho chúng nắm thóp làm chi rồi bây giờ than thở.
- Đừng có nói giọng đó với tôi. Coi như từ giờ chúng ta không hợp tác làm ăn nữa. Đường ai nấy đi cho nhẹ.
Nguyệt Cầm nhếch mép:
- Anh đùa với tôi chắc? Đường ai nấy đi à? Tôi với anh ngoài làm ăn, còn tình nghĩa. Nếu trước kia tôi không chung vốn để anh vào đây mở tiệm thì bây giờ anh cũng chui nhủi trốn như ông Hai Thể thôi. Đừng nghĩ hất tôi ra khỏi đời mình nha. Hổng dễ đâu.
Tấn lạnh lùng:
- Tôi quyết định rồi. Ngày mai tôi sẽ hẹn để đưa lại em vốn.
Nguyệt Cầm liếm môi:
- Bao nhiêu?
- Bốn chục cây.
Cầm cười khẩy:
- Bốn chục cây vàng. Tôi có nghe lầm không vậy?
Tấn nhấn mạnh:
- Như thế là tình nghĩa lắm rồi. Chớ như Sáu Bảnh trước kia mất cả chì lẫn chài.
Nguyệt Cầm rít lên:
- Thì ra anh giở chiêu này với tôi.
Chín Tấn ung dung:
- Đây gọi là “Gậy ông đập lưng ông”. Rồi cũng như Sáu Bảnh, em chả làm gì được tôi đâu.
Nguyệt Cầm mất bình tỉnh, cô rít lên:
- Đồ tồi! Tôi sẽ tố cáo anh tội ….tội ….
Mặt Chín Tấn trơ tráo:
- Tội gì? Tổ chức khai thác mua bán gỗ trái phép hay mướn người thanh toán cha con bác sĩ Kiên theo kiểu xã hội đen? Chà! Dường như tội nào cũng có phần em hết. Hơn nữa, em còn thêm tội tráo thuốc.
- Anh câm đi.
Ngay lúc ấy, một cô gái trong cái quần short cực ngặn và áo hai dây mát mẻ chạy tới bá cổ Chín Tấn hôn lên mặt gã chùn chụt.
- Anh Chín ơi! Con Bạch Nhạn thắng rồi. Mình vô mánh.
Chín Tấn hất tay ả ra:
- Đi chơi cho anh bàn chuyện làm ăn.
Liếc xéo Nguyệt Cầm, cô gái nói trỏng:
- Cái mặt giống đang chờ nhận hàng cứu trợ quá.
Cầm điên tiết:
- Anh bỏ tôi để theo thứ rác rưởi này à?
- Tôi bỏ quá khứ để có một tương lai tốt đẹp hơn. Em cũng nên làm như tôi cho đẹp cả đôi bề.
Nguyệt Cầm nuốt nghẹn xuống:
- Tôi không chấp nhận thua cuộc dễ như vậy đâu.
Giọng Tấn giễu cợt:
- Không chấp nhận thì nhắm làm gì nhau. Đàng hoàng còn có bốn chục cây vàng, bằng không thì thôi.
Dứt lời Chín Tấn đứng dậy đi về phía đám đông đang vây quanh hai con gà đá.
Nguyệt Cầm giận run lên, cô chạy theo nắm tay Chín Tấn ghì lại:
- Chúng ta vẫn chưa xong chuyện. Anh phải đưa tôi vàng ngay bây giờ.
- Bây giờ thì không có.
- Vậy chắc gì ngày mai anh có. Đừng hồng hẹn rồi trốn, tìm được anh đâu phải dễ, tôi không buông anh nếu tôi chưa nhận số vàng đó.
Chín Tấn trừng mắt:
- Đây không phải chỗ để em làm giặc đâu. Chỉ cần tôi kêu lên là có người tống em ra ngoài ngay.
Phủi chỗ Nguyệt Cầm vừa vịn tay vào, Chín Tấn vênh váo bước đi, bỏ mặc cô đứng chết trân. Hăn lẩn thật nhanh vào đám đông, đang hăng máu đỏ đen. Cầm ngồi phịch xuống đất. Có nằm mơ cô cũng không tương có lúc chính cô rơi vào trường hợp này. Cầm nhớ tới Sáu Bảnh tới tiếng khóc, tiếng cười trong những đêm trời đổ mưa của hắn.
Sáu Bảnh điên cũng phải. Sau chuyện đời thay trắng đổi đen như vậy mấy ai không điên, đã vậy hắn còn bị chấn thương đầu nữa. Nhưng Sáu Bảnh điên thế mà hay. Tỉnh như cô mới thắm thía ê chề.
Nguyệt Cầm lẩm bẩm y như Sáu Bảnh:
- Tao phải giết mày, đồ phản bội! Đúng là Sáu Bảnh từng nói thế với Cầm và cô đã sợ đến mức quíu cả chân tay. Trước mặt Cầm, cái con dao sáng dới của Sáu Bảnh như đang chực đâm vào tim cô, Nguyệt Cầm ôm mặt.
Tiếng người ồn ào la hét như kích động tâm trí Cầm hơn. Cô lại lải nhải:
- Tao phải giết mày. Tao phải ….
Mắt Cầm bừng lên khi dưới ngay chân cô là một cái cựa gà bằng inox cong vút bén ngót mà tay chủ gà nào đó vứt ra. Những con gà được mang đôi cựa giả này vào chân đá rất ghê. Con thua cuộc không bao giờ còn nguyên vẹn, lắm khi bị cưa nhọn cong móc cả ruột gan ra ngoài.
Cầm nhặt cái cựa lên và nghe tim đập thình thịch. Như một con người vô hồn vô vía, cô lê từng bước về phía trước, chen vào đám đông, sức mạnh khác thường cô tới gần Chín Tấn.
Cầm gọi tên và đợi Chín Tấn quay lại, cô đâm liên tục vào ngực hắn giữa tiếng hò hét như điên cuồng của đám đông đang say máu cá độ.
Bích Chiêu dắt xe vào nhà và buông mình lên salon, người mệt mỏi đến mức không muốn động đậy. Chiêu vừa đi thăm Nguyệt Cầm về và thấy hết ham thích gì trên cuộc đời này nữa.
Cô thở dài, ray rứt, bôn chồn.
- Sao lại đến nông nỗi ấy nhỉ?
Phải vì tại người ta có quá nhiều tham vọng và thủ đoạn rồi vì không biến được những thứ ấy thành hiện thực nên mới trở nên ngây dại nửa tỉnh nửa điên không?
Bích Chiêu không biét nữa, chỉ cảm nhận rằng khi bước vào thế giới Nguyệt Cầm đang sống, cô thấy kinh khủng. Đó là thế giới của những người không ý thức được về bản thân, về không gian, thời gian. Thế giới của những người bệnh tâm thần.
Bà Lài từ bếp bước ra:
- Sao lại nằm dài ở salon vậy?
Bích Chiêu chẳng buồn động đậy:
- Chán đời quá dì Lài ơi. Vào chỗ Nguyệt Cầm về, con chỉ muốn khùng theo họ.
Bà Lài hỏi ngay:
- Có gặp nó không?
- Dạ có. Nhưng Cầm chả nhận ra con. Mặt mày lơ láo, tóc tai bù xù, đúng là điên thật rồi.
Bà Lài thở dài:
- Gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
Rồi bà nghi ngờ:
- Con đó ghê gớm lắm. Chỉ trời mới biết nó bệnh thật hay giã vờ chạy tội.
Bích Chiêu rùng mình:
- Trời! Ở tù chắc đỡ khổ hơn ở chung với người điên. Con nghĩ chả ai đủ can đam ở đó đâu, nếu người ấy bình thường.
- Ai dì không biết, nhưng Nguyệt Cầm thì dám lắm.
Bích Chiêu im lặng, cô cố hất ra khỏi đầu ý tưởng dì Lài vừa gieo vì cô cũng đã nghĩ như dì. Một suy nghĩ quá đáng thậm chí ác độc nữa, nhưng vẫn lẩn quẩn trong tâm trí cô. Mãi đến khi gặp Nguyệt Cầm, Chiêu mới nghĩ khác.
Giọng bà Lài cao lên:
- Tới bây giờ mình cũng chẳng biết nó có què thật không. Sợ trước đây nó nói láo mà chả ai kiểm tra được ngoài chuyện nghe hết người này tới người kia nói lại cho.
Bích Chiêu nhắm mắt:
- Dì thắc mắc làm chi quá khứ của Nguyệt Cầm. Điều cần nghĩ tới là tương lai của chị ta kìa. Thật khổ khi sống trong cõi mơ hồ mông lung như vậy.
Bà Lài ôm hai vai, mặt rúm ró lại:
- Rốt cuộc Nguyệt Cầm là đứa ….lãnh nợ cho nhà họ Vũ. Nghĩ chuyện đời mà thất kinh. Một dòng họ với bao nhiêu con người, mà thế hệ nào sình ra cũng có kẻ không chết yểu cũng điên khùng hay dị tật. Cầu mong khi ba con làm việc đại phúc, đại thiện này rồi đời sau cháu chắt không còn rơi vào nỗi bất hạnh ám ảnh triền miên này nữa.
Toản vào nhà ào ào như giông gió, anh nhìn dì Lài:
- Ba cháu đâu?
- Ở trong phòng.
Bà Lài chưa kịp hỏi thêm câu nào, Toản đã vội phóng đi.
Bà lẩm bẩm:
- Làm gì như đi ăn cướp thế?
Bích Chiêu ngồi bật dậy:
- Để cháu chạy theo xem sao.
Bước vào phòng ông Thực, Chiêu còn kịp nghe anh Toản nói:
- Chín Tấn đã bất đầu khai. Khai tất cả từ hồi còn ở ngoài xứ cho tới khi bị Cầm đâm.
Bích Chiêu vọt miệng:
- Hắn đà khai gì vậy anh Hai?
Toản lừ mắt:
- Chuyện gì cũng có mặt em. Đúng là lắm điều.
Ông Thực hỏi:
- Những điều hắn khai, có liên quan đến Nguyệt Cầm không?
- Dạ có. Thì ra mọi sự đúng như trước kia đã nói. Nguyệt Cầm không hề có tật chân, con nhỏ là tay mặt của chú Đỉnh, sau khi chú ấy chết, Cầm thay vì đứng về một phe với chú Hai Thể, con nhỏ lại tách ra nấp sau cái bóng của Chín Tấn. Do đó giữa Hai Thể và Cầm đã có những tranh chấp ngầm trong làm ăn. Thế nhưng vì lúc đó phải nương nhau mà sống, nên chú Thể phải nhường cháu mình một bước. Hai Thể đành chịu để Chín Tấn quản lý khu chợ gỗ béo bỡ của chú Đỉnh. Mãi đến khi công việc bắt đầu có khó khăn vì bị kiểm lâm truy quét liên tục, Chín Tấn mới vào Sài Gòn mở tiệm bán đồ gỗ cao cấp nhằm che mắt thiên hạ. Lúc này, Cầm với vai tàn tật, ngồi xe lăn điều hành mọi hoạt động ở chợ gỗ mà Tranh là phụ tá của Cầm.
Ông Thực thốt lên:
- Thật không ngờ.
Chiêu im lặng nghe Toản kể tiếp:
- Công việc của cô ta vẫn tiến triển tốt đẹp, mãi cho đến khi ba và bác sĩ Kiên ra, Nguyệt Cầm bắt đầu rối. Vì sợ ba đòi lại quyền thừa kế ngôi nhà, đất đai, nên Cầm đã có ý định cho ba chết.
Ông Thực tái cả mặt, trong lúc ông còn ngây người ra thì Chiêu nói nhanh:
- Bằng cách cho ba uống thuốc ngủ.
Toản xác nhận:
- Đúng vậy. Chín Tấn nói nếu Kha và em ra trể chừng một ngày, chắc chắn ba khó thoát khỏi tay Nguyệt Cầm.
Ông Thực ôm đầu:
- Chắc Chín Tấn xúi Nguyệt Cầm việc độc ác này, chớ bản thân nó chắc không nghĩ ra được đâu.
Toản nói tiếp:
- Không thực hiện được ý đồ này, Cầm liền vờ nghiêng về phía ba, con bé vui vẻ ủng hộ ý hiến đất, nhưng thật ra bên trong Cầm luôn ngấm ngầm phá bằng nhiều cách. Đến khi Hai Thể bị truy quét phải bỏ trốn, Nguyệt Cầm thấy khó ở lại ngoài xứ nên mới vào Sài Gòn, con bé biết Kha có cảm tình với mình nên mới điện thoại cho cậu ấy và bảo rằng đã chỉnh hình chân.
Ông Thực nhếch môi:
- Thì ra mọi người đều bị nó gạt.
Toản trầm ngâm:
- Chỉ một thời gian ngắn, Kha đã nhận ra bản chất của Nguyệt Cầm, cậu ấy có nói với con với tất cả cẩn trọng. Thoạt đầu, con không để ý, nhưng khi thấy Cầm nhiều lần bảo con nên khuyên ba đừng hiến đất, con mới tin lời Kha là đúng.
Giọng Toản phẩn nộ:
- Nó đúng là mất hết tính người khi sau đó đã thuê người tông vào xe cha con bác sĩ Kiên và thâm hiểm nhất là đánh thuốc khiến ba phải ngộ độc. Con thật phải dằn dữ lắm mới không cho Cầm vài cái tát.
Giọng ông Thực vẫn tràn đầy bàng hoàng:
- Không hiểu sao họ Vũ lại có đứa ghê gớm như Nguyệt Cầm. Nếu chuyện không đổ bể ra, chúng ta vẫn chung sống với nó, vẫn thương yêu nó với tình ruột rà. Vậy mà nó lại xem ta như kẻ thù, nó sẵn sàng loại bỏ bất cứ người thân nào vì quyền lợi.
Rồi ông lại nghi ngờ:
- Nhưng biết đâu Chín Tấn biết chuyện Cầm đang điên dại nên đổ hết tội cho con bé, chớ thật ra, Cầm không đến nỗi tệ như vậy.
Toản lắc đầu:
- Tới non nước này mà ba vẫn còn nghĩ tốt cho nó sao? Cho dù Cầm không chủ mưu, nó cũng phạm tội tày trời, mức độ mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Nó phải vào tù mới đúng.
Ông Thực thở dài:
- Lòng tham của con người thật kinh khủng. Ba vẫn tin rằng việc mình hiến đất là thuận lòng người. Sau này có chết, gặp tổ tiên ông bà ba tin không ai trách việc làm này của ba.
Bích Chiêu cười tươi:
- Vậy mà trước đây ba lại nằm mơ ….
Ông Thực nói:
- Trước đây khi quyết định một chuyện lớn, ai lại không gặp ác mộng chứ.
Bích Chiêu nhỏ nhẹ:
- Giờ thì ba ngủ ngon mà không cần thuốc rồi.
Toản buột miệng:
- Chưa chắc đâu. Ba sẽ lại khó ngủ vì bệnh của Nguyệt Cầm, vì cái làng Hòa Bình trong tương lai ấy.
Ông Thực chép miệng:
- Nếu ba chờ cho tới lúc bác sĩ Kiên bình phục rồi mới làm thủ tục hiến đất, có lẽ Nguyệt Cầm không đến đổi như bây giờ.
Chiêu có ý kiến ngay:
- Con lại cho chuyện mâu thuẫn giữa Cầm và Chín Tấn tất yếu phải xảy ra không sớm thì muộn. Bỡi vậy ba không nên dằn vặt mình nữa, khi điều ba ước đã thành hiện thực.
Giọng Bà Lài vang lên ngoài cửa:
- Chiêu! Có điện thoại.
- Ai vậy dì?
Bà Lài càu nhàu:
- Ai trồng khoai đất này.
Bích Chiêu chạy vội tới chỗ đặt điện thoại, cô chớp mi khi nghe giọng Kha:
- Đang ăn vụng hay sao mà bắt anh chờ máy lâu thế, hổ con?
Bích Chiêu phụng phịu:
- Lúc nào cũng nghĩ xấu cho người ta. Ghét! Kha cười khẽ:
- Ghét nhiều hay ít?
- Đương nhiên là nhiều.
- Vậy anh an tâm ở lại đây dài hạn.
Tim Bích Chiêu thất lại, cô rối rít:
- Dài hạn là bao lâu?
- Chừng nào xây xong làng Hòa Bình anh sẽ về.
Bích Chiêu mát mẻ:
- Xong làng thì anh ở lại đó lập nghiệp luôn chớ về làm chi.
Kha ậm ự:
- Anh cũng định như vậy. Không khí núi rừng phù hợp với anh hơn ở thành phố bụi bặm, nhưng ở một mình buồn lắm.
Chiêu chì chiết:
- Thì tìm thêm một mình nữa. Con gái vùng núi chiều chồng lắm đó.
- Vậy sao? Thế mà anh không biết chớ. Nhất định anh sẽ nhờ Ba Thìn giới thiệu cho anh một cô.
Bích Chiêu nuốt nước bọt, dù biết Kha cố ý trêu mình, cô cũng thấy tức. Mím môi lại, Chiêu chả thèm nói lời nào.
Giọng Kha chậm rãi:
- Sao im lặng thế kia chứ? Đừng nói với anh em đang nhòe nghen - Xì! Ai thèm khóc. Em im lặng để nghe anh vẽ vời tiếp tương lai ở vùng núi của mình đấy nhé.
- Chưa có người ở cùng, anh biết vẽ gì bây giờ. Hay em vẽ hộ anh đi.
- Anh không tốn tiền điện thoại để hỏi em chuyện này chớ?
Kha vẫn đều giọng:
- Không. Nhưng tại em gợi ý, nên anh đành chịu tốn tiền vậy. Cưới vợ vùng cao cũng nên lắm chớ khi con gái thành phố lúc nào cũng bảo ghét anh nhất trên đời. Để anh tính nhe. Công ty giao anh quản lý công trình này, ít nhất cũng sáu, bảy tháng mới xong. Thời gian ấy đủ tìm hiểu để cưới vợ rồi. Đúng không Chiêu?
Bích Chiêu nóng mặt, cô nói một hơi:
- Đúng. Vậy anh lo tìm hiểu sớm sớm đi. Em không làm phiền anh nữa đâu.
Dứt lời cô gác máy thật mạnh. Kha là thế đó, lúc nào cũng ngạo mạn, dễ ghét. Con cô lại nhất định không chịu thua để thú nhận là yêu anh.
Anh Toản vẫn bảo:
- Hai đứa bây y như trẻ con.
Và Chiêu đã hất mặt vênh váo:
- Kệ em! Vậy ma bữa nay “Trò trẻ con” ấy làm cô đau lòng mới tức chứ.
Sau khi nhận đất, bác sĩ Kiên vì không có đủ sức khỏe để điều hành công việc như trước kia nên đã giao toàn bộ kế hoạch cho một công sự tín cẩn khác. Ông ta đã nhanh chống tổ chức đấu thầu xây dựng làng.
Công ty của Kha đã trúng thầu và anh được đề cử làm trưởng công trình. Thế là Kha quay lại khu rừng Cấm.
Công việc bận rộn đến mức từ hôm về xứ tơi nay, Kha chưa trở lại thành phố lần nào nhưng rất thường điện thoại về đê?nói “Biết bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất” trừ chuyện nói “yêu em”. Đúng là chưa bao giờ Kha nói yêu Chiêu. Lần đó khi cố hôn cô, anh cũng chỉ lơ lửng bảo “thích em” mà thôi. Thật ra, Kha đùa hay thật? Lời tỏ tình trong điện thoại đâu có khó nói. Sao Kha lại không nói kìa?
Dì Lài từng lắc đầu phê bình:
- Cái thằng đó chắc có bao nhiêu lương là nộp vào tiền điện thoại hết. Hoang phí quá.
Bích Chiêu đã bênh Kha:
- Ở ngoài ấy buồn chết được, không gọi điện, Kha biết làm gì bây giờ hở dì?
Dì Lài đã vặn vẹo:
- Quan trọng là nó đã nói với con những gì cần phải nói chưa?
Nếu những lời “cần phải nói” câu Kha là báo tin mình sẽ lấy vợ miền núi thì với Bích Chiêu không còn gì phũ phàng, đau đớn hơn. Nhưng lẽ nào Kha lại như thế? Anh đùa đấy.
Chuông cổng reo, chắc mẹ về. Bích Chiêu ném bực ra một bên, lơn tơn ra mở cửa.
Gương mặt Kha vừa tinh quái vừa phong trần sương gió hiện ra khiến Chiêu khựng lại mất mấy giây, định rủa:
- Sao anh không chết luôn ngoài ấy đi.
Nhưng cô kịp cắn môi nhớ tới lần rủa trước kia của mình. Có điều im lặng thì ấm ức lắm, Bích Chiêu mát mẻ:
- Định về mời người ta đi ăn cưới chắc?
Kha không rời mắt khỏi cô, giọng nửa đùa nửa thật:
- Không nhanh đến thế đâu, dầu anh đã chọn được người rồi. Vì em là bạn thân nhất, nên anh muốn được nghe ý kiến của em về cô nàng của anh.
Bích Chiêu bán tín bán nghi. Cô hoang mang với những gì vừa được nghe. Kha vẫn nói đùa như thật, nói thật như đùa ……Nhưng lần này anh đùa hay thật đây?
Trấn tỉnh lại, Chiêu nói:
- Em không dám có ý kiến đâu. Anh đừng hỏi em làm gì, nhỡ sau này buồn vui lại đổ thừa em. Tội lắm.
Kha lẽo đẽo theo Chiêu. Hai người ngồi xuống ghế đá. Cô chịu trận ánh mắt của anh. Thế đấy, sau một thời gian xa cách đầy nhớ nhung, những lời đầu tiên nói với nhau lại là những lời vớ vẩn hết sức.
Kha nhỏ nhẹ:
- Nói gì với anh đi Chiêu. Vượt bao nhiêu cây số ve ^`đây, anh muốn nghe em, ngắm em, trông thấy em giận, em khóc chớ không thích em lặng thinh thế này.
Bích Chiêu khô khan quay đi:
- Em đã bảo em không ý kiến gì về chuyện vợ con của anh, đừng nói thích hay không vì em.
Xoay hai vai Chiêu lại, Kha hỏi:
- Thật sao?
Tránh ánh mắt anh, Chiêu đáp:
- Thật.
- Ngay cả khi cô gái anh tha thiết yêu, điên cuồng yêu là em à?
Bích Chiêu ấp úng:
- Anh đừng đùa nữa. Em không chịu nổi. Lúc anh nói thế này, lúc anh nói thế khác. Em biết tin vào đâu bây giờ. Hôm ở bệnh viện, khi lọt thỏm trong vòng tay anh, em đã tin rằng anh rất yêu em. Nhưng sau đó, anh lại thay đổi thái độ khiến em hụt hẫng. Em có cảm giác anh là người hoàn toàn khác.
Cắn môi rưng rưng, Chiêu nói tiếp:
- Mỗi lần nhận điện thoại, em thấy anh thật gần gũi cũng thật xa lạ. Đã có bao giờ anh nói yêu em đâu, giờ lại trách em.
Kha trầm giọng:
- Anh phải cố gắng dằn lòng hàng trăm lần để khoan nói lời thiêng liêng đó, em hiểu không?
Chiêu bướng bỉnh:
- Không. Em không hiểu.
Kha giữ chặt hai vai cô:
- Sau vụ việc bác Thực bị ngộ độc thuốc, anh luôn sống trong mặc cảm dù biết chắc ba anh vô tội. Anh muốn khi nói yêu em, giữa chúng ta không bị một bóng đen ngờ vực nào chen vào hết. Gia đình em tin Nguyệt Cầm không liên can và cho rằng ba anh vô tình lộn thuốc. Với lương tâm bác sĩ chữ vô tình ấy nặng nề lắm. Em biết không?
Bích Chiêu kêu lên:
- Nhưng em tin anh cơ mà.
- Mình em tin vẫn chưa đủ. Chúng ta sống còn có người thân nữa. Nhưng giờ đây anh đã sẵn sàng để nói yêu em, yêu em nhất trên đời rồi.
- Anh đã biết.
Kha gật đầu:
- Chính anh và Toản đến cơ quan điều tra để hỏi về chuyện đáng tiếc đó. Coi như mọi sự đã rõ ràng, minh bạch. Anh có quyền nói yêu em rồi.
Mặt Bích Chiêu đỏ lên:
- Thế còn cô nàng vùng cao nguyên của anh?
Kha kéo Chiêu vào lòng:
- Cô ta chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng phong phú của em.
- Ai biết cô ta có trong tim anh hay không.
Kha tủm tỉm cười:
- Chắc chắn là không vì tim anh bị giữ kỹ bởi mười móng vuốt hổ, nhỏ như con muỗi cũng khó lòng lọt vào huống hồ chi một cô nàng nào đó.
Bích Chiêu cấu mạnh vào hông Kha. Thật nhanh lẹ, anh khóa chặt tay cô lại và cúi xuống ….. Ngày mai, anh sẽ quay lại khu rừng Cấm để xây dựng cho xong khu làng Hòa Bình. Đó là ước nguyện của ba anh và ba Bích Chiêu.
Những ước muốn, khó khăn đã qua rồi, Kha tự hào mình được đóng góp phần công sức nhỏ bé cho quê hương. Anh tin chắc Bích Chiêu cũng tự hào như anh.
Hết

Xem Tiếp: ----