Chương 10

  Bà Phủ về Saigon hôm thứ sáu. Sáng chúa nhật thì Bằng lên chơi thật sớm với ba người bạn của anh, một gái hai trai.
Mỉa mai thật! Trước kia, người ta đợi khách mãi mà chẳng có ma nào đến. Bây giờ người ta đang có khách quí, đang bận rộn vì ông khách quí đó thì nọ kéo nhau cả bầy, cả lũ lên đây.
Cả ba người bạn của Bằng hôm nay đều lạ hoắc đối với các cô. Bằng giới thiệu:
- Chị Thu Ba, anh Tế, anh Sang.
Ba cái tên ấy họ cũng chưa nghe bao giờ.
- Bạn anh là bạn tôi, bốn chị em Thái-huyên trang đồng nói và cũng tiếp đón niềm nở họ, đúng điệu bạn trẻ với nhau.
- Có gì lạ anh Bằng? Quá hỏi.
- Chỉ có mỗi việc lạ thôi là chị Xuyến được chọn đóng phim.
- Ồ thích quá!
- Nhưng chị ấy lại không được đóng phim.
- Sao lạ vậy?
- Vì vị hôn phu của chị là anh Thịnh gởi tối hậu thơ cho chỉ nói hễ chỉ mà đóng phim thì ảnh từ hôn ngay.
- Vậy rồi chỉ chiu thua sao? Chúa ngục!
- Nếu cô ở vào địa vị của chị Xuyến?
- Thì em chọn một cái một: Đóng phim.
Bằng cười chế nhạo Quá. Hai người bạn trai của anh cũng cười bằng giọng ấy. Nhưng cô Thu Ba lại về phe với các cô gái Thái-huyên trang và hỏi:
- Tại sao các anh lại cười?
- Tại chúng tôi vui.
- Tại sao các anh lại vui?
- Vì thấy phụ nữ cương quyết lắm, say mê nghệ thuật lắm. Các cô bỏ hai món lên mâm cân, rồi thì cái món "anh chồng" thấy nhẹ hều như tim bấc.
- Đó là tại anh chồng ấy tồi.
- Nếu không cho vợ đóng phim là tồi thì trong xã hội Việt Nam có rất nhiều đấng nam nhi tồi lắm.
- Trong đó có cả anh, Hoa nói.
- Thôi chấm dứt chuyện Saigon. Ở đây có gì lạ, Bằng hỏi.
Cả bốn chị em Thái-huyên trang đều nhìn nhau mà cười, khiến Bằng đoán được có chuyện gì đây. Chàng hỏi:
- Tôi đọc thơ cô Hoa, nghe tên hai người: anh Xôn và cậu công tử bi-da-ma thường được nhắc đến luôn. Cậu công tử ấy đi coi mắt cô Quá chắc?
Hoa vỗ tay khen:
- Hay! Anh là thầy bói ở núi nào về vậy, mà đoán việc như thần?
Tế nói:
- Chúng tôi muốn xem cho biết cái cần vọt thế nào, anh Bằng đưa chúng tôi đi ngay kẻo nắng.
- Nhỏ em dữ! Muốn xem thì đi lấy. Lại phải dắt đi nữa? Đó, rừng cần vọt mọc lên phía sau xóm trong đó.
Quá đề nghị sốt sắng:
- Chị và hai anh để tôi đưa đi cho.
Bằng phản đối:
- Ba đứa nầy thì cô khỏi phải đưa. Chúng nó tự xưng là thổ công ở mọi nơi đó mà.
Ba người bạn Saigon cười hì hì rồi dắt nhau đi vào xóm trong.
Khi họ đã đi xa, Hoa nói với Bằng:
- Có chuyện là nầy: một anh chàng lật xe trước sân rồi con Quá nó ra tay nghĩa hiệp đem vào nhà, biến nhà thành nhà thương, rồi chị Hương ra tay lang băm săn sóc mấy hôm nay.
Bằng ngạc nhiên hỏi:
- Thật à?
- Thì anh cứ vào mà xem. Hắn nằm trại số 1, buồng thượng hạng, giường cũng số 1.
- Xí, bộ chỉ có một mình em đem hắn vào nhà à? Cô Quá cãi.
- Nhưng chỉ có một mình mầy là rối lên, và tận tâm săn sóc hắn thôi.
- Chưa chắc.
Bằng trừng các cô em bằng đôi mắt trách cứ rồi nói:
- Các cô lãng mạn vừa vừa chứ. Bây giờ đến lượm xác bất kỳ anh tài xế chạy ẩu nào để nuôi trong nhà thì…
- Không, hắn không phải là tài xế…
- Nhưng hắn lái xe, thì cũng thế…
- Hắn, người đàng hoàng lắm…
- Đâm xe vào lề đường không phải là một cái giấy chứng chỉ tốt đâu các cô em à.
- Đứng đắn lắm mà. Hắn tên là Long, họa sĩ Long, anh có quen hay không?
- Chưa biết, phải nhìn mặt mới rõ. Tôi quen cả lô người tên là Long.
- Vậy anh vô đó xem.
- Ta đi nào! Ưng ai hắn không phải là họa sĩ giả cho tôi khỏi thất vọng.
- Xí, nếu muốn làm oai, người ta xưng sĩ quan, đốc-tờ chứ ai lại xưng là họa sĩ làm gì.
- Biết đâu? Họa sĩ nghe nên thơ hơn. Các cô gái lãng mạn như cô thì phục họa sĩ hơn đốc-tờ.
- Xuỵt, đừng nói nữa, hắn nghe đó!
Họ vào tới nhà. Cô Quá đi trước rồi theo sau cô, Bằng và Hoa, Hương và Hồng đã ra sau bếp để lo bữa cơm cho khách.
Long đang đọc báo tuần, nghe động, ngước lên. Hai người đàn ông gặp nhau và cùng một lượt cả hai đều đưa tay ra, như quen biết đã từ lâu.
- Hai anh đã quen nhau rồi đó chớ. Hoa hỏi.
- Quen mặt. Bằng cười và đáp như vậy.
- Tôi cũng quen mặt anh bạn đây nhiều lắm. Ta đã gặp nhau ở đâu?
- Có lẽ khắp mọi nơi nào mà tuổi trẻ ưa tới lui. Tôi là Bằng, anh họ của các cô đây.
- Tôi là Long, và tiểu sử tôi, đoạn sau, chắc các cô đã kể cho anh nghe rồi.
- Đoạn trước chắc hay hơn nhiều? Bằng hỏi đùa.
Cả bốn đều cười xòa rồi Long cãi:
- Thường thường các nhà văn hễ bí lắm thì mới cho nhân vật bị đụng xe. Bí tức là đoạn trước không lối thoát và vì thế, không hay. Đụng xe xong mà không chết, thì câu chuyện sẽ kéo dài bằng nhiều tác động ngộ nghĩnh được mới hay.
Bằng vừa la lên, vừa vỗ trán mà hỏi:
- Có phải anh đã triển lãm tranh ở hẻm Eden năm kia đó không?
- Chính tôi đó.
- Thế thì đoạn trước hay lắm và cũng khá lành mạnh. Anh Song đã đưa tôi đi xem triển lãm và đã nói nhiều về anh. Thôi, anh nghỉ, ta sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Bằng là người yên lòng nhứt. Anh cứ lo các cô em họ của anh nuôi phải một tên phiêu lưu.
 
°
Thế nào anh Bằng, cô Quá sốt ruột hỏi, khi ra tới ngoài.
- Người đàng hoàng, có thể làm bạn được.
- May quá.
- Sao lại may?
- Vì nếu là người tầm bậy, anh sẽ cười cho mà chết.
 
°
Ba người khách xem cần vọt vừa về tới nhà thì Long cũng đã vừa ra ngoài.
Song nói:
- Ngỡ gì! Cái cần vọt mình đã thấy rồi trong từ điển Larousse.
- Nông cụ xứ nào vậy? Trong đó có nói rõ hay không? Long hỏi.
- Có, đó là nông cụ của xứ cổ Ai Cập.
- Mình vẫn còn dùng thì xứ mình là cổ Việt Nam đó.
Quá mời họ vào phòng bịnh rồi giới thiệu:
- Anh Long, họa sĩ, chị Thu Ba, anh Tế, anh Song, bạn ở Saigon lên chơi.
- Hân hạnh!
- Hân hạnh!
- Hân hạnh!
- Hân hạnh!
Long nói đùa:
- Cô Quá giới thiệu chưa hết lời, phải nói rõ là: "Long họa sĩ cà nhắc" mới đúng.
- Trong báo thấy có Nghệ sĩ mù, Nghệ sĩ cà lăm. Bây giờ lại có họa sĩ cà nhắc nữa.
Quá có dịp so sánh ba người khách bạn trai. Long không đẹp hơn hai người kia, có phần nào xấu hơn họ ỏ chỗ thân thể không được nở nang lắm. Nhưng toàn thể người họa sĩ này, thở ra một vẻ gì khác lạ nàng không nói được mà vẫn cảm thấy. Vẻ ấy cho chàng trai nghệ sĩ một biệt sắc dễ mến mà những người bạn khác không có.
Đến chiều Bằng và ba người bạn Saigon về, bốn cô gái Thái-huyên trang đưa họ một đỗi đường. Nhưng bốn cô không nghe buồn buồn như họ bị mang đi mất cái không khí vui vẻ của những ngày chúa nhật trước. bởi vì không khí ấy còn nguyên ở đây với người khách ăn dầm nằm dề từ hôm rày.
 
°
 
Tối hôm ấy cả mấy chị em đều bị bắt làm khổ dịch gói bánh tét bánh ít để cúng giỗ ngày mai, trừ cô Hồng ra vì khi sáng cô làm cá bị đứt tay.
Chưa giao thiệp rộng với người trong vùng, và đám giỗ chỉ sẽ sơ-sịa thôi, nhưng bà Nam Thành nhớ lệ cũ, cứ làm bánh làm trái lu bù. "Để cho con nó học". Bà nói với ông như vậy.
Mưa đầu mùa vài mươi đám liên tiếp, rồi ngưng lại rất lâu. Trời nóng bức như chưa mưa bao giờ cả.
Như có ai rắc những hạt vàng trên nền trời đêm thẳm, những hạt vàng long lanh, tuy nhỏ li ti mà cũng soi sáng được cảnh bao la dưới nầy, cỡ ngồi gần nhau, hai người thấy mặt nhau được khá rõ như nhà thắp đèn dầu.
Long cà nhắc lôi từ nhà ra sàn chiếc ghế bố dài kiểu tàu thủy, rồi mở ra để nằm mà ngắm đầu hôm.
Trời đêm nay khác hẳn trời của cái đêm mà chàng vỡ lòng yêu. Đêm ấy sáng trăng trên sông Đồng Nai, ngoại giới và nội tâm chàng thưở ấy đều vang lên điệu thơ tình ái.
Khác hẳn nhưng chàng lại nghĩ đến đêm đó là vì lòng chàng, sau nhiều thất vọng chua cay, mấy hôm nay lại bắt đầu bâng khuâng như lòng gã trai tơ.
Đêm sao không thơ mộng bằng đêm trăng, nên chỉ bâng khuâng của Long cũng xa huyền ảo hơn. Đây là một mối bâng khuâng không mơ màng lắm, chàng không chỉ mơ yêu, mà yêu hẳn, không chỉ yêu hẳn thôi mà lại quyết định kết nghĩa vợ chồng với người chàng yêu.
Không, đã qua rồi, tuổi phiêu lưu tình ái. Chàng không được phép yêu suông nữa, mặc dầu chàng là nghệ sĩ.
Gia đình nầy hiền lành quá, một là nên xa hẳn họ, hai là nên chánh thức hóa, hợp pháp hóa tình cảm của mình. Không, không nên để cho người ta phải khổ.
Long còn đang nghĩ vẩn vơ thì tiếng bước đạp lên sỏi, lên lá khô khiến chàng day đầu ra sau mà ngó.
Bóng một thiếu nữ lướt nhẹ đến bên chàng. Chưa nhận được ai, mà sao chàng có cảm giác đó là Hồng, người chàng mong đợi đêm nay, mong đợi bâng quơ và không mảy may hy vọng gặp mặt được người mà mấy ngày rày chàng chưa hề có dịp trao lời, trừ cái đêm đầu vừa tỉnh cơn ngất lịm.
Long ngồi dậy ngay ngắn thì thiếu nữ đã tới bên chàng và quả người đó là Hồng.
- Chào cô Hồng.
- Chào anh.
Hồng tay xách một chiếc ghế một, đặt ghế xuống sàn và sắp ngồi. Long đứng lên nói:
- Cô ngồi ghế bố, dễ chịu hơn.
- Không, để anh nằm nghỉ. Em nói câu chuyện rồi đi ngay.
Lạ, Long băn khoăn tự hỏi. Nàng có câu chuyện gì mà xem ra trịnh trọng như thế? Chàng hồi hộp ngồi trở xuống, nín đợi nghe câu chuyện có lẽ là dữ, nó bắt chàng lo lắng vô cùng.
- Mấy bữa rày anh khỏe thật chớ? Hồng hỏi.
- Thưa cô, khỏe nhiều lắm. Cái chơn cũng đỡ. Chắc vài bữa nữa là tôi đi ngay ngắn được.
- Bữa nay anh có chắc là anh không chết hay không?
Long buồn cười quá. Thì ra cô gái muốn chế anh đã kêu chết om trời hôm nọ. Anh sắp cười ra tiếng nhưng chợt nhìn kỹ thì thấy Hồng nghiêm trang hơn bao giờ cả, nên anh hoảng và nín im.
- Thưa cô, đêm đó tôi sợ hãi thái quá nên nói xàm vậy thôi!
- Nếu như vậy thì tôi trả lại anh món ấy được?
- Món gì thưa cô?
- Lạ! Đêm ấy anh đã thiết tha, căn dặn về tấm lắc dữ lắm, mà sao…
À, Long đã nhớ ra rồi. Tấm lắc bằng bạch kim! Chàng đã nói láo về tấm lắc ấy, nên quên nó mất.
- Dạ, tôi ngỡ cô nói gì khác. Vâng, xin cô cho lại cũng tốt.
- Lẽ cố nhiên là em phải trả lại anh. Tấm lắc và câu chuyện ấy, em định là không muốn cho ai biết, nên hôm nay, em không có kể cho ai nghe cả và đợi dịp để giao lại cho anh. Dịp ấy là bây giờ đây.
Nói rồi Hồng lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ trao cho Long.
- Cảm ơn cô!
Sợ cô gái hết chuyện nói, đứng lên mà đi ngay, Long hấp tấp ca ngợi cảnh vật, không có câu bắc cầu giữa chuyện giao trả nữ trang và chuyện trời, chuyện đất.
- Đêm đẹp quá, phải không cô Hồng?
- Dạ, đẹp quá.
Long quýnh lên vì chàng không biết nói gì thêm để giữ cô gái lại mà Hồng thì có thể đi bây giờ đây.
Lạ quá, chàng không nhát gái, mà hễ nói chuyện với phụ nữ thì thường chàng hoạt bát ra, giỏi hơn cả nói chuyện với đàn ông. Dường như là đờn bà con gái đẹp, gợi hứng cho chàng nói giỏi. Nhưng sao giờ đây, hứng kéo về cả bầy, cả lũ mà chàng tìm không ra một câu nói tầm thường. Rốt cuộc chàng định khách sáo trở lại về công khó của Thái-huyên trang.
- Nếu đêm hôm đó mà được khô ráo, trong trời như thế này, chắc hai bác và quí cô đã đỡ khổ hơn nhiều.
- Nhưng nếu khô ráo thì anh đã không trợt bánh, không bị tai nạn.
- À, đúng như vậy, và tôi không bao giờ được quen biết Thái-huyên trang cả. Thành ra rủi, mà may. Không nhớ xứ nào có câu tục ngữ “Cái họa cũng hữu ích cho việc gì”. Nhưng tôi nói may là may cho tôi. Thật ra đó là một tai nạn cho hai bác và quí cô.
- Không, vòng quen biết được nới rộng ra chừng nào thì hay chừng nấy, thưa anh.
- Nhưng nới rộng trong sự dễ dàng thì hay, chớ nới rộng bằng cách túi bụi săn sóc một con bịnh thì…
- Nói ra thì thiển cận quá. Nhưng chắc anh cũng dư biết rằng kẻ sung sướng là kẻ thi ơn chớ không phải kẻ chịu ơn, nếu có ơn gì.
- Điểm tâm lý đó Âu-Châu quá hay chăng?
- Em nghiệm ra thì thấy nó vẫn đúng với người Việt Nam. Đó là điểm tâm lý của con người chớ không phải của riêng dân tộc nào.
- Riêng phần tôi, tôi thấy đó là một may mắn lớn cho tôi. Nhờ vậy mà tôi được biết cô, và mới có buổi nói chuyện đêm nay nó sẽ là kỷ niệm đẹp nhứt của đời tôi.
Hồng lo người khách lại bạo lời như đêm đó nữa, nên lảng sang chuyện khác.
- Thường thường anh vẽ gì và ký tên là gì mà em chưa hề thấy tranh của anh?
- Dạ, tôi chỉ vẽ tranh lớn, chớ không có minh họa bài báo, hay vẽ tranh khổ nhỏ để bán, nên cô không thấy cũng phải. Tôi ký tên thật là Long.
- Tranh lớn sao khó hiểu quá vậy anh! Chắc phải có học qua nghệ thuật hội họa mới…
- Không cần phải học mới hiểu được. Có giáo dục về nghệ thuật là đủ rồi. Bằng không, chỉ cần thông minh cũng hiểu được. Như cô, tôi tin chắc cô hiểu ngay.
- Không, em có xem triển lãm mấy lần, mà cả mấy lần đều không hiểu.
- Cô nói ra không được đó thôi, chớ cô biết tranh nào đẹp hơn tranh nào. Nhứt khi so sánh hai bức tranh cùng một đầu đề do hai người vẽ, người thông minh và có óc thẩm mỹ đôi chút sẽ chỉ ngay được bức họa nào đẹp hơn.
Hồng thì muốn đưa câu chuyện sang những nẻo không nguy hiểm như thế, nhưng Long lại muốn hướng nó qua nẻo chàng định. Hai người giống hai nhơn viên gác nhíp đường rầy xe lửa, nhưng anh chàng nhơn viên đực rựa là một tay âm mưu phá hoại, định cho xe chạy vào một nơi có thể đụng chướng ngại một cái rầm rồi đầu xe sẽ vỡ tan ra từng mảnh. Chàng liền chuyển hướng:
- Với lại vẽ đẹp còn tùy thuộc tâm trạng con người vào lúc nào đó. Thường thường người ta bảo đêm trăng đẹp. Nhưng tôi, tôi lại thấy đêm sao đẹp hơn. Phải không cô.
- Dạ đẹp lắm!
- Đêm sao thì sâu thẳm và huyền bí quá, như mắt của một người có tâm sự gì uẩn, như mắt của… cô chẳng hạn.
Hồng giựt nẩy mình. Chiếc xe đã bị đưa qua nẻo khác trong một lúc nàng lơ đễnh để kẻ âm mưu giựt được cần nhíp. Lần nầy xẽ đã vào xa trên nẻo mới nên nàng không thể đột ngột kéo nó qua đường khác một cách êm dịu được. Đành là phải bằng lòng đi trên con đường ấy, rồi sẽ hay.
- Anh thi sĩ quá. Nhưng mắt em có gì là huyền bí đâu?
- Thi sĩ à? Tôi chỉ mong có cái tài của thi sĩ để nói ngay ra được những gì nó đang sôi nổi trong lòng tôi. Vẽ vời thì chậm quá! Tôi ganh tị với những kẻ biết trang sức tình cảm của họ bằng những lời diễm ảo, chớ rung động rồi phải đợi lâu lắm mới ghi lại được như tôi thì cũng hoài.
Long thấy được là Hồng bị xúc động. Chàng sợ xúc động ấy chỉ là phù du thôi, rồi cô gái sẽ giận chàng quá bạo lời nên vội xin lỗi:
- Xin cô thứ lỗi cho. Tất cả những cảm nghĩ mà tôi vừa nói ra, đã đến thình lình, đến một cách kỳ dị mà tôi không còn tự chủ được.
Hồng vẫn làm thinh. Tim nàng bị lay động một cách dễ chịu, nàng như đang say cái say thần tiên mà năm nào nàng đã say qua rồi.
Bỗng như chợt tỉnh cơn mê, Hồng hoảng hốt đứng lên, tay xách ghế, miệng nói:
- Ý chết, em quên ngâm đậu xanh. Thôi anh nằm nghỉ mát nhé.
Rồi cô ta quây quả đi vô, hấp tấp như sợ bị ai rượt bắt.
Long ngã người trên ghế, nhìn cái đêm và tưởng đến cái người, cả hai đều sâu thẳm và huyền bí bao la.
Chàng yêu Hồng vì Hồng đẹp, cố nhiên, và vì Hồng thuộc vào một gia đình mà chàng mến. Nhưng lẽ chánh là vì Hồng yên lặng quá, kín đáo quá khiến chàng ham khám phá một tâm hồn mà chàng đoán là đang ủ kín tâm sự gì, hoặc những ý tinh gì hay lạ.