Chương 3

Người đi đường và những nhà lân-cận rất ngạc nhiên mà thấy người “nhà lầu mới”, tên họ dùng để gọi nhà ông Nam Thành, mãi đến lúc mặt trời mọc hai sào rồi mà chưa thức dậy.
Thói quen ở chợ họ chưa bỏ được và đêm thức sáng trắng vừa qua đã dìm họ vào một cuộc mòn-thiếp đi, vào lúc hừng đông.
Ông Nam Thành là người dậy đầu tiên. Ông lấy củi gõ vào cột tre nhà bếp ba hồi ba dùi theo lối đánh trống ở nhà quê.
Bà Nam Thành và các cô con gái đang mơ màng, nghe tiếng mõ tre ngạc nhiên hết sức. Tỉnh dậy họ vẫn còn ngơ ngác mà thấy mình nằm giữa một cái buồng mà nắng chui vào tứ phía. Giây lát sau họ mới tỉnh hẳn và buồn cười lắm. Họ nghe ông gia trưởng đứng dưới sân kêu với lên:
- Đàn bà hư, con gái hư, thức dậy mà làm ăn chớ nằm hoài đó sao?
Bà Nam Thành vừa bới đầu vừa ra chiếc thang bắc tại góc hủng thước nách nhà, trong khi bốn cô con gái còn chần chờ ở lại: cô Hương lo xếp mền mùng cho cha mẹ và cho mình, cô Hồng cô Hoa thì tập thể thao còn cô Quá thì vật vựa và rên hì-hì những tiếng rên sung sướng.
Thang gác bắc đứng sững, các bực thang lại nhỏ xíu khiến bà Nam Thành sợ hãi, đứng đó mà ngó xuống không biết làm sao.
Ông Nam Thành vào tới nơi, dòm lên rồi la:
- Bà xuống thang kiểu đó thì té gãy cổ. Phải quay mặt vô trong, đưa lưng ra ngoài y như hồi leo lên, vén ống quần cao một chút kẻo nó vướng. Như vậy, nhưng bước lui chứ không phải bước tới đâu! Coi chừng!
Bà Nam Thành làm y theo như lời chồng dặn, bà mập quá khiến chiếc thang mỏng manh kêu lên răng rắc.
Mỗi lần thang kêu như vậy, bà kinh hãi dừng bước mà la.
Xuống tới đất, bà nói:
- Thôi đi ông, tối nay tôi ngủ dưới này.
- Rồi nó quen đi chớ.
- Sao ông làm thang gì mà quá là thang của đài mô-tô bay vậy?
Ông Nam Thành cười ha hả, nhớ lại lần đưa vợ đi xem mô-tô bay năm ngoái. Bà Nam Thành leo lên đài được nửa thang thì không dám tiến nữa, cũng chẳng dám lùi. Kịp chuyến xe phát chạy. Cả đài rung chuyển như con tàu say sóng làm bà hoảng vía la mã-tà om trời.
Bốn cô con gái cũng lục tục leo xuống tới nơi.
Ông Nam Thành ra lịnh:
- Rửa mặt đi rồi một đứa đi chợ, một đứa cho heo cho gà ăn, một đứa kéo nước còn một đứa ra cửa ngõ treo tấm bảng này.
Tay ông Nam Thành cầm một cái qiai dây kẽm, treo một tấm tôn hình chữ nhựt.
Cô Quá chạy lại giựt băng trên tay cha, lật ngửa ra cho mọi người xem. Bảng nền đen, trên viết nét trắng ba chữ sau đây: THÁI-HUYỀN TRANG.
- Huyền Trang? Bộ ông là Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Tây Trúc đó à? Bà Nam Thành hỏi.
- Huyên Trang chớ không phải Huyền Trang.
Mà sao ông lại họ Thái?
- Dốt ơi là dốt. Trang là cái trang trại trong đó có nếp nhà tranh. Trang ấy tên là trang Thái-Huyên, hiểu chưa?
- Chưa, cô Hoa đáp hớt mẹ. Thái-Huyên là gì ba?
- Thái là hái. Còn Huyên là một thứ thảo mộc tượng trưng cho sự thanh nhàn, không lo nghĩ. Thái Huyên trang là cái trại mà nơi đó ta hái được, hưởng được sự thanh nhàn.
- Ông già chữ nho quá sá ta! Cô Quá khen mỉa. Nhưng cây Huyên nói nôm na là cây gì ba?
- Là cây kim châm. Mẹ con bây xào lăn thịt gà mỗi bữa bằng bún tàu, nấm mèo, kim châm, quên rồi sao?
- Ba bây sắp thành đồ gàn rồi đó, bà Nam Thành pha trò. Thấy không ai cười, cô Hoa nhắc đến công việc nhà:
Tụi mình oẳn tù tì theo lời giao kết, đặng đi cho heo ăn chớ!
Nhưng Quá chưa chịu thôi về vụ tấm bảng kia. Cô chế nhạo cha:
- Ba làm như nhà mình là biệt thự ở Sài Gòn, có để nào là biệt thự Tố Nga, biệt thự Quỳnh Hoa, villa Eldo-rado…Sao ba không treo bảng: attention chien méchant (1)?
- Chó mình còn nhỏ xíu ai sợ, vả lại ở nhà quê chẳng ai thèm sợ chó. Chó mà rượt họ là họ đá cho mà gãy mõm.
Cô Hương ít nói, lại đề nghị một câu khiến cả nhà cười lăn chiêng.
- Họ không sợ chó thì mình đề: attention trích méchant
Quả thế, bà Nam Thành đã xin con chó con, lại còn mua thêm một con trích. Chó giữ ăn trộm còn trích thì hăm dọa trẻ con cùng heo gà hàng xóm. Chim trích dữ lắm, thấy chó, heo, gà và con nít lạ là nó mổ chạy tét.
- Hè! Oẳn tù tì hè! Cô Hoa lại nhắc.
- Nhỏ em dữ hôn!
Bà Nam Thành mắng yêu con và cười hiền lành.
- Ra cái gì, ra cái này!
Cô Quá thắng nên được chăn nuôi.
Chỉ mới đem về có một con heo hai tháng thôi mà từ sớm đến giờ nó đã hét nghe điếc cả tai. Ba con gà mái vừa mặc áo là còn nhốt trong giỏ được lôi ra buộc ở cột tre nhà bếp.
Quá vừa vãi gạo cho gà vừa nói:
- Trưa nay em chọi nó gãy giò, làm thịt để bớt công nuôi
Trong khi cô Hồng đem xe đạp ra để đi chợ bữa đầu thì cô Hoa gánh thùng đi lại giếng, Hương lót tót theo em vì chưa có công việc gì làm cả.
Bà Nam Thành đón bắp nấu trên đường mua đặng ăn sáng cho đỡ tốn tiền chớ không nấu nướng gì.
Cuộc đất này nguyên trước kia có người ở nên có đào giếng. Quanh miệng giếng, thành gạch đã đóng rêu xanh lơ. Ông Nam Thành lúc cất nhà có trồng trụ hai bên miệng giếng: một cây ví ngang bằng gỗ căm xe, lăn mình trên đầu trụ bằng hai cái bạc đạn xe hơi cũ, mani-quen cũng bằng sắt cũ, ông lượm đâu đó rồi mướn thợ rèn đập lại.
Bà Nam Thành mua bắp xong trở vào đó dòm xuống giếng rồi kinh hãi kêu lên:
- Trời ơi, nó sâu bắt ngán. Con coi chừng, rủi ro thì khốn!
Hai cô con gái cũng dòm theo. Cô Hoa tuy sợ nhưng ngỡ giếng là phải sâu như vậy, vì cô chưa thấy giếng lần nào. Cô Hồng có ở nhà quê Hậu Giang, quen thấy giếng cạn nên nay cũng hoảng lắm.
Hoa lấy cái thùng trên miệng giếng rồi quăng đại xuống. Sợi dây dừa tháo ra mau lẹ vì sức trì của cái thùng, mani-quen thì quay lia lịa.
Giây lâu thùng xuống đụng mặt nước, kêu lên một cái đùng. Bà Nam Thành nói:
- Mầy cầm dây mà thòng xuống lần lần, chớ làm như vậy, nội một ngày là thùng bể nát.
Vừa lúc ấy ông Nam Thành đến. Bà Nam Thành hát điệu ru con:
Lấy chồng về miệt Tân-Ninh
Kéo dây giếng ba mươi sải, thất kinh ông bà
Hai cô gái nghe câu hát kỳ lạ cười ngất lên.
- Tân-Ninh là ở đâu, ông biết không ông? Bà hát xong hỏi chồng như vậy.
- Cách đây không xa lắm. Hôm cất nhà, người trong xóm có rủ tôi đi Tân-Ninh ăn thịt nhím một bữa. Đó là một làng rừng, ở tại biên giối mấy tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Bình Dương. Đất ở đó cao và khô ráo, các giếng nước đều sâu thăm thẳm thiệt đó.
- Gả con Quá về đó cho nó khóc thất kinh ông bà chơi.
Câu nói đùa không đâu của Hương bỗng không hiểu sao, làm cho bà Nam Thành buồn vô hạn. Bà nhìn lại hai đứa con gái đang có mặt rồi lòng thương con của bà như lộ ra hết nơi hai mắt của bà bấy giờ như muốn ứa lệ.
 
°
 
Cô Hồng đạp xe máy về đến cửa ngõ, bóp chuông kêu om lên. Con chó mới nuôi mà đã biết chủ, chạy ra ngoắt đuôi một cách vụng dại, rồi nhảy bổ lên cào quần áo cô gái đi chợ về.
Cô Hồng cầm tờ nhựt báo TIN-SƯƠNG phất phất lên rồi nói lớn:
- Xe hơi đụng trước nhà mình ở Ô-Ma!
Thấy báo, cả nhà mừng như gặp lại Sài Gòn. Hôm qua đến nay họ như bị cách biệt với thế giới bằng một bức tường khoảng không. Họ đói tin tức mọi nơi, nhứt là tin Sài Gòn nhưng lại quên mất báo. Sáng kiến của Hồng đem tươi sáng và hy vọng trở lại lòng họ.
Ông Nam Thành giựt lấy tờ báo trên tay con, rồi banh ra đọc ngay giữa sân, trong nắng sớm.
Kháng chiến An-giê-ri tăng gia hoạt động vô cùng mãnh liệt. Hội nghị Cô-lôm-bô ắp khai mạc.
- Thôi mà ông, xem có ai giựt hụi hay không mà!
Bà Nam Thành van nài vì chán tin thế giới.
Quá thì chạy ra trước mặt cha để đọc trang tư, đọc các quảng cáo của rạp chiếu bóng.
Cô Hồng nói:
- Hôm nay khởi đăng “DƯỚI BÓNG TRĂNG THU” tiểu thuyết tình cảm của Bích Sơn, mùi tuyệt diệu.
Nhưng ông Nam Thành nhứt định chiếm độc quyền số TINH SƯƠNG ấy, đọc mê tin thế giới ở trang đầu, vừa đọc thầm vừa gật đầu như hài lòng lắm.
Chán nản, bà Nam Thành với lấy giỏ đồ ăn rồi bốn mẹ con cùng ra sau nhà bếp, cô Hồng dắt xe đạp đi sau hết.
Ông Nam Thành khi đốn cây tạp để dọn đất đã soạn được một đống củi to để ngoài sân sau. Củi đã chẻ nhỏ rồi, mấy mẹ con dùng rất tiện và thầm cám ơn ông gia trưởng chu đáo hết sức.
Bà Nam Thành phê bình giỏ thực phẩm:
- Đồ ăn ở đây nới hơn ở Sài Gòn nhiều lắm. Mà con ba cũng khéo mua, chỉ phiền có một việc là chợ xa quá, qua mùa mưa sẽ khổ.
- Còn cái khác nữa chớ má: khúc đường gần chợ thì quanh co như ruột vịt. Mình đương đi bỗng đâu một chiếc xe cam-nhông lù lù hiện ra thấy hết hồn. À, có hồ tắm tụi bây ơi, mặc sức mà lội vì không có ma nào tắm hết.
- Xí! đừng có mong tắm. Ba mầy có cho đâu. Về nhà quê, con gái mà đưa đùi đưa ngực ra họ cười cho mà thúi cái đầu.
Cô Quá trề môi, ẹo cổ, nhõng nhẽo như lúc bé mẹ cấm ăn quà.
- Vậy chớ họ xây hồ tắm làm gì?
- Làm gì mặc họ. Họ xây cho đờn ông con trai chúng nó tắm, chớ có xây cho bây đâu.
 
°
 
Cái gì lần đầu và lần chót người ta cũng làm cho trịnh trọng ra cả. Mà nghĩ cũng phải: công việc làm ra trong hai lần đó mang tính cách kỷ niệm và vĩnh biệt.
Bữa ăn hôm nay là bữa ăn đầu tiên tại Thái Huyên trang. Hôm nay họ chỉ ăn bánh mì thịt quay thôi.
Ông Nam Thành nói:
- Coi thì không có gì lạ nhưng mười năm sau, hai mươi năm sau trong một lúc buồn vui nào đó, các con bỗng nhớ lại bữa cơm đầu tiên nầy với tất cả mùi vị, màu sắc của các thức ăn, nhớ cả giọng nói của người thân yêu quanh bàn thì các con sẽ bùi ngùi không biết bao nhiêu. Lầu đài ký ức là một lầu đài kiên cố nhứt, không thời gian hay mưa nắng nào tàn phá nổi. Mà nó lại xinh đẹp làm sao, càng cũ càng đẹp ra, qua lớp bụi thời gian, cái gì cũng sẽ hiện lên với muôn màu rực rỡ.
Chỉ có Hương và Hồng là chú ý đến bài diễn văn văn hoa của ông gia trưởng.
Cô Hoa cằn nhằn:
- Má bán làm gì cái radio. Phải đem lên đây thì giờ nầy mình nghe ca có phải là thú không?
- Trên nầy làm gì có điện mà mầy trách tao bán máy.
- Không cần điện, sửa lại chạy pin cũng được. Ông Nam Thành cắt nghĩa.
- Vậy hà, ai mà biết đâu.
- Từ sớm đến giờ, bà có đếm thử cây tôi trồng chưa?
- Có nhưng mà trồng mỗi thứ vài cây thì thất sách lắm.
- Sao vậy?
- Bạn hàng họ lên, không lẽ họ chỉ mua có vài thúng sa-cô-chê rồi về. Bạn hàng sa-cô-chê nào có mua bưởi, mua xoài đâu. Bưởi cũng có vài cây, xoài cũng vậy mà bạn hàng của những thứ sau nầy lại không mua sa-cô-chê.
- Nhưng trồng độc một thứ lại sợ tiêu thụ không kịp. Tôi chỉ tính bán tại chợ Thủ Đức thôi, không cần bạn hàng xa. Còn về phần hàng bông, rau cải để sống xắp-thời bây giờ thì giao cho bà đó.
- Ba à, sao dưới mỗi gốc cây ba đào lỗ làm chi sâu dữ vậy?
- Bây quét nhà, quét sân có rác cứ đổ xuống đó. Đã tốt cây lại chắc gốc, trồng như vậy trúng cách lắm đó.
Hương nói:
- Thích quá, có sẵn một cây mít thật sai, một cây me cũng sai và một cây chanh rất mỏng vỏ.
- Cây mít có lợi nhiều thứ, rồi ba sẽ nuôi dê bằng lá mít. Dê đẻ nhiều lại cho sữa tươi rất bổ.
- Ông tính rào miếng đất nầy lại hay không?
- Không rào sao được. Nhưng rào bằng gạch thì ta không đủ tiền. Rào bằng gỗ cũng mất đi hai vạn bạc. Để rồi tôi trồng xương rồng, rẻ nhứt mà lại chắc nhứt, không con gì vô lọt hết. Phía trước mặt tiền không sợ trâu bò tuôn phá, mình sẽ trồng bông bụp coi cho đẹp.
Phần con Hương thì phải vẽ họa đồ vườn hoa nhỏ. Nó có óc thẩm mỹ lắm, rồi ngoài việc làm bếp, nó trồng bông hoa chưng dọn nhà cửa.
 
°
 
Trưa quê đã buồn mà trưa ở đây lại buồn gấp mấy lần ở xóm làng. Nhà hàng xóm ở xa quá, tiếng gà gáy trưa, tiếng cối đá xay bột vẳng đưa lại, mơ mơ màng màng như là từ dĩ vãng xa xưa đưa tới.
Heo gà, chó nhà cũng chưa đông đúc cho dân số Thái Huyên trang được sầm uất hầu đỡ tẻ lạnh.
Cây cối còn lùn bân mặc sức cho nắng đổ xuống vườn, cái thứ nắng hè buồn một nỗi buồn tẻ và chết như nỗi buồn nơi sa mạc.
Cho đến cả xe cộ ngoài đường cũng a tùng để tăng thêm cái buồn trưa nắng. Bao nhi êu xe nh à, xe du lịch rộn rịp trên đường Thiên Lý khi sáng bây giờ đã rút lui đi đâu mất hết. Chỉ còn những chiếc cam-nhông tiền sử hổn hển kéo những rờ-mọt gỗ, khúc gỗ nào cũng như một thây người vừa bị lột da và những bành sao su sống phết vôi trắng chói lòa lên dưới nắng hè.
Con đường nhựa không đen nữa mà tím sẫm xuống như một băng lụa vắt ngang vòng hoa tang bằng cườm trong các đám phúng điếu.
Người trong trang Thái Huyên nghe là lạ trong người là mặc dầu trời nắng gay gắt và nóng hầm, họ vẫn không thấy buồn ngủ.
Giấc ngủ trưa của họ trong mười năm nay không sai chạy bữa nào, sau bữa ăn đúng ngọ nhưng hôm qua bận dọn nhà quên buồn ngủ thì không nói gì, còn hôm nay đã rảnh rang rồi sao mà…
Không ai buồn lên gác cả. Gia đình tụ họp nơi buồng tiếp khách, ngồi lặng thinh nhìn cam-nhông mui lá dài nhoằng, uể oải bò như con trâu già mệt nhọc kéo xe rơm khô, tuy chở nhẹ vẫn không muốn bước.
- Rồi phải bày ra công việc gì để làm vào giờ trưa mới được, ông Nam Thành nói: ngồi không như vầy mà nhơi những nỗi buồn xa ở đâu đâu ấy, hại lắm.
- Chừng cây lớn có trái, chắc làm không hở ay đâu ba.
- Hay là các con làm mứt? Bà Nam Thành thử đề nghị: me, chanh, không thiếu gì. Làm mứt để dành ăn tráng miệng mỗi bữa, với lại để đãi khách. Vườn nhà chưa có món gì ăn được, có khách xa đến lấy gì làm vui miệng người ta.
- Phải rồi, mình hứa đãi anh Bằng trái cây, không lẽ lại cho ảnh ăn me chua.
Tên Bằng bỗng làm cho cả nhà phấn khởi lên. Bằng sẽ đem hương vị Sài Gòn đến, mà mứt là sẽ đưa bạn hữu anh ta tới chơi. Bằng mà cả nhà đều đặt hết hy vọng vào, Bằng ấy phải được săn sóc.
Không rủ nhau, cả bốn đều chạy túa ra vườn để thọc me và hái chanh.
 
°
 
Con chim manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác miểng sành
Tôi chọi chết giãy
Tôi làm bảy mâm
Tôi dưng ông ăn
Ông hỏi chim gì
Tôi nói manh manh
Nó đậu cành chanh
Tôi vác…
Ông Nam Thành bày ra tục ăn cơm tốt thật sớm để tránh cho các con ông cái khổ rửa chén dưới ánh đèn lu mà ngọn đèn cứ xao xuyến trước gió, chực tắt lúc nào không biết chừng.
Sàn nước rửa chén đặt giữa trời, qua mùa mưa những trận đầu hôm sẽ làm cho khổ dịch rửa chén càng khổ thêm.
Tục nầy có lợi trông thấy là chiều chiều như chiều nay chẳng hạn, cả nhà được rảnh rang ra ngồi hóng mát ngoài sân.
Cô Hương nhớ cảnh hái me, hái chanh rất vui hồi trưa nên hát lên bài hát nhà quê trên đây.
Hát dứt bài, cô đố các cô em gái:
- Tao đố tụi bây hát được hát được một bài hát khác mà có tánh cách như vậy?
- Là tánh cách làm sao?
- Là câu chót nối trở lại câu đầu, liên hồi bất tận hát được hoài không bao giờ dứt cả.
- À, đó là cái vòng lẩn quẩn.
- Em hát được, Quá nói mà mắt ranh mãnh nhìn chị.
- Thì hát đi.
- Nè:
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn bắt
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như bánh trôi sông
Bánh trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây nguời ta còn hái
Bậu lỡ thời như…
Lần thứ nhì, Quá mỉa cảnh muộn chồng của các chị cô, bằng bài hát ám chỉ ấy.
- Cái cô út nầy, bà Nam Thành nói, cô đừng có kiêu ngạo người ta, lo thân cô thì hơn.
Người miền Nam ta thường dùng sai tĩnh từ kiêu ngạo. Ý bà Nam Thành muốn nói: chế nhạo hoặc nhạo báng.
Đã bảo gia đình nầy rất cởi mở về việc chồng con. Bà Nam Thành vô ý thức nhưng hay lỡ lời, còn ông thì hiểu rõ sự cởi mở ấy rất có lợi, ông ví nó như một cái súc-báp giúp con ông thoát khỏi bịnh đè nén, bịnh dồn ép tình cảm rất nguy hại nên ông ngầm khuyến khích sự bộc lộ tâm tình.
Ba chị lớn là kẻ luống tuổi không bao giờ hờn giận cô em út cả. Họ cũng chẳng thèm đếm xỉa đến những lời đùa cợt của cô ta.
Nhưng chiều hôm nay, trong cảnh hoang vu của Thái Huyên trang đứng lẻ loi trơ trọi giữa cánh đồng, họ bỗng bị ý nghĩ mà Quá vừa gợi ra làm họ khó chịu. Bâng khuâng mà họ cố dẹp được lúc ở thành náo nhiệt, ồn ào bây giờ lại dâng tràn lên.
Trên con đường nhựa dài chạy ngang trước nhà, các loại xe hơi nối đuôi nhau mà bò, càng xa càng thấy chúng nó bò chậm như rùa. Để đổi vui không khí, ông Nam Thành chỉ đám xe xuống mà nói:
- Xe nầy ở Vũng Tàu về, xe nầy từ Nha Trang vô, chắc cũng có xe Huế chớ!
- Sao ông biết rõ như vậy? bà hỏi.
- Không cần thầy bói cũng đoán được. Hỏi vậy chớ còn xe ở đâu mà xuống đây nữa, nếu không ở các chỗ đó? Ta ở dựa đường Thiên Lý mà!
Rồi ông lại chỉ đám xe lên:
- Bọn này là bọn Sài Gòn, chiều đi chơi mát hoặc đi Biên Hòa ăn cháo cá cũng nên.
Bốn cô con gái đều làm thinh, cả cô út lắm lời cũng nín lặng.
Những cặp vợ chồng trẻ trên xe, xui họ nghĩ vẩn vơ về nhiều việc. Những tên nơi chốn mà người cha vừa thốt ra gợi trong trí họ những cảnh nước non xa lạ mà tiếng gọi như văng vẳng đâu đây. Tiếng gọi ấy nghe mang mang giống giống một thứ tiếng gọi khác réo rắc hơn trong giọng than vãn của gió chiều, đó là tiếng gọi của tình yêu, không rõ rệt lắm, như bị gió loãng đi vì người gọi chưa biết là ai.
Con đường Thiên Lý nối lại nhiều nơi xa xôi, nối lại những tấm lòng từ chân trời Hải Vân đến góc bể Cà Mau, con đường đưa lên đưa xuống những chàng thanh niên mà lòng còn bơ vơ chưa cắm sào nơi đâu cả, con đường thờ ơ ấy chỉ là một chuyến đò dọc thôi. Khách qua đò không bao giờ ghé bến hết. Không, không làm sao mà một chàng trai nào bỗng dưng ghé lại xóm này, cả đến người yêu bạc nghĩa của Hồng cũng không dè người lý tưởng một lúc của anh ta nay lại lùi về đây để nhơi mãi sự tàn rụng không nguôi của một mối tình thơ mộng.
“ Tháng năm chưa nằm đã sáng” Lời tục ấy muốn nói ngày của vụ cuối mùa nắng dài lắm. Tuy thế, đêm cũng đã xuống rồi.
Có bàn tay bí mật nào đã thắp cháy từng vì sao trên trời. Đầu rừng xa, trăng lưỡi liềm leo lét buồn soi.
Đèn pha xe hơi như những sợi dây đõi to, cột dính chiếc xe trước với một dọc xe sau rồi cả đoàn như được độc một chiếc đầu kéo đi.
Ông Nam Thành vừa toan bảo vợ con vào nhà bỗng nghe Quá kêu lên một tiếng kinh dị, rồi tiếp theo đó những tiếng la oái oái của cô nàng và cô nàng nhảy lung tung như đạp phải ổ kiến lửa.
Chưa ai hiểu gì thì Hồng lại kêu la y như vậy và cũng nhảy lăng-ba như bị chuột chun ống quần.
Việc khủng khiếp bây giờ lại chụp lấy Hoa. Hoa nhào càn dưới đất như bỗng bị  phong xù, thân thể co quắp rồi quằn quại, rồi lăn lộn.
Ông bà Nam Thành đứng chết sững không kịp tìm xem cái gì, bởi vì ông bà quýnh quíu vì ba cô con gái khi không bỗng nổi cơn lên một lượt.
Bây giờ đến phiên cô con gái lớn la nhưng cô ta chỉ la có một tiếng “ý” ngắn ngủn rồi cười ngất.
- Gì đó con, bà Nam Thành bớt sợ trước cái bình tĩnh ấy nên mới hỏi được câu nầy. Vả ba cô con gái kia đã thôi kêu la, thôi nhảy múa rồi.
- Con chàng hiu má à!
- Vậy hả? Hú hồn hú vía. Tao với ba mầy thật quýnh quáng không biết đâu mà rờ.
- Trời ơi! Hoa kêu, nó nhảy lên cổ con, thình lình nghe lành lạnh, mềm mềm uơn ướt ai mà không hoảng.
- Tao mới thất kinh chớ! Tao thấy nó từ cổ con Quá nhảy qua cổ mầy. Nó ốm nhách, trắng đờ, mà hai con mắt trõm lơ như ma, tao vừa muốn chạy thì nó nhảy qua ôm cổ tao rồi.
- Hèn chi mà họ nói chàng hiu hót cổ, bây giờ em mới hiểu. Chỉ có chị hai là gan, chị ấy thì chàng hiu hay chàng nào chỉ cũng không sợ hết. Chị sợ chàng rể không chị hai?
- Con mắc dịch nói bậy hoài!
- Ai mà khéo đặt tên cho con ấy, đã con mà lại là chàng.
- Người miền Bắc thì kêu nó là con chẫu chuộc, nghe ít ghê hơn tên của ta, tiếng chàng hiu gợi hình dáng một con người mà là người ma, ghê quá!
- Mà tiếng miền nào hay hơn?
- Cũng như nhau hết nhưng thường thì danh từ miền bắc hữu lý hơn. Thí dụ người con đầu thì kêu là con cả. Như tao, tụi bây phải kêu là chị cả mới hợp lý cho, chớ sao lại kêu là chị hai. Chị hai? vậy còn chị một ở đâu?
Ông Nam Thành xen vô:
- Ta kêu đứa con đầu là thứ hai không phải ta không có lý. Ở miền Nam, trong làng có những ông hương chức gọi là hương cả. Thử tưởng tượng một nông dân gọi con đầu của y trước mặt vị hương cả rằng: “ Thằng cả ơi, mầy đi ví gà coi” thì có phải là mích lòng ông hương cả không?
- Nhưng thưa ba, ở trường hợp khác miền Bắc lại vô lý. Thí dụ ngày đầu trong tuần, tại sao họ không kêu đó là ngày thứ cả lại kêu là ngày thứ hai?
Ông Nam Thành bí lối nên hối:
- Thôi vô nhà!
Cả Thái Huyên trang đều vâng lời vị thủ lãnh của họ.
 
°
 
Kề điếu thuốc vô đầu trên của chiếc ống khói đèn, ông Nam Thành bập, bập đoạn lấy thuốc ra rồi ngâm:
Canh khuya thắp dĩa dầu đầy
Dĩa dầu vơi hết, nước mắt nầy không vơi
- Cây đèn sao lại kêu bằng dĩa, ba? Quá hỏi.
Ông Nam Thành không đáp liền câu hỏi ấy mà nói:
- Ở nhà quê mà nhát như thỏ đế vậy không được đâu, các con phải tập tánh lại. Cái gì mà mới bị con chàng hiu đeo cổ một cái là la bài hãi như bị cướp bẻ họng.
Thuở ba với má con mới cưới nhau, còn ở nhà thờ dưới làng. Tối lại thắp một dĩa dầu mù u. Cọng bấc ngâm trong dầu để lòi một đầu ra làm tim. Đèn lù mù mà nhà chỉ có hai vợ chồng trẻ, hiu quạnh quá.
Hôm nào bên cạnh có đám ma là má bây nạnh ba vô nhà trước để lên nhang đèn. Rồi ba lại nạnh má, ai cũng giả làm biếng chớ không chịu thú nhận là mình không dám vào đó, vào cái nhà thấp chũm và tối om ấy, trong khi bên hàng xóm vừa có người chết.
- Thành ra ba cũng nhát…
Ừ, ba nhát mà ba cố làm gan mới ở được nơi đó cho đến khi nhà thờ sập.
 
Chú thích.
(1) coi chừng chó dữ