Chương 7 (chương kết)

Tối đó, tất cả khối phải lên hội trường để tiếp tục nghe về ‘cuộc đời và sự nghiệp’ ông già thêm một lần nữa sau khi được nhà nước ân huệ một miếng thịt mỡ. Anh bạn ngồi bên cạnh cứ than vào tai tôi: ‘Biết rồi nói mãi khổ quá, tha cho con về ngủ đi ‘già’ ơi’! Tôi mong chấm dứt sớm để còn về lán thưởng thức miếng thịt đang nằm trong túi. Mắt thì nhắm, tai chẳng thèm nghe, đầu chỉ nghĩ đến miếng thịt, lâu lâu tôi đưa tay rờ vào túi quần kiểm soát để chắc rằng miếng thịt vẫn còn đó. Nhưng vừa đụng vào miếng giấy nylon thì miệng tôi lại đầy nước bọt.
Khi được quản giáo tha tội cho về ngủ thì trời đã khuya, chắc vì ảnh hưởng tí mỡ trong cơ thể, anh em tù yên lặng lên giường, không ồn ào đòi ăn hàm thụ món nầy món kia như thường lệ. Tôi cẩn thận lấy miếng thịt trong giấy nylon ra từ từ để vào miệng. Cảm giác đầu tiên, đầu lưỡi như bị tê hẳn vì qua một năm không được miếng cá miếng thị tươi nào trong miệng. Mùi thơm, ngọt, béo của thịt chạy dài từ lưỡi lên tận trên óc nảo rồi xuống tới tim, gan, phèo, phổi, dạ dày… Tôi như ngất ngây trong sung sướng và cảm khoái trong người, tưởng như hạnh phúc độc nhất cuộc đời không gì hơn ngoài miếng thịt.
Thật ra không phải miếng thịt mà là cục xương dính một ít thịt và mỡ, anh em ‘nể tình’ nhường cho tôi chọn trước. Nhìn bốn miếng thịt lều bều trong thau, tôi biết ngay miếng nào nhỏ, miếng nào lớn như đâu cam đảm gắp miếng thị lớn vào chén mình khi anh em nhường trước với câu ‘kính thầy’. Nhưng thật ra cục xương mới đáng đồng tiền bát gạo trong lúc nầy, tôi không dám nhai mà ngậm yên trong miệng, đợi nước miếng trào ra hòa lẫn mùi mỡ, mùi thịt, mùi xương rồi mới nuốt phần nước, dùng lưỡi chặn miếng xương lại. Như vậy tôi có thể kéo dài thời gian thưởng thức miếng thịt ân huệ của ngày lễ trong vài tiếng đồng hồ. Răng của tôi rất chắc, nhiều lần không cầm được lòng, định nhai nát ra rồi ực một cái cho sướng miệng. Nhưng không dám, sợ sẽ chấm dứt quá nhanh cơn đê mê thích thú của một người đói cả năm nay, ngày đêm mơ ước thèm thuồng. Nằm ngậm miếng thịt mà lòng tái tê ngao ngán. Chỉ là miếng mỡ không ra gì nhưng kể từ ngày cọng sản vào cưởng bức miền Nam nó trở nên quá vĩ đại và quý giá vô cùng.
Thời gian sau đó, người ta cho phép gia đình thăm nuôi. Thật là trớ trêu, dưới chế độ cọng sản, nhà nước bắt đi khổ sai nhưng lại để thân nhân gia đình phải gồng gánh cơm gạo, cá thịt, thuốc men đi nuôi tù. Nhưng suy nghĩ cho kỹ cũng nên ‘cám ơn’ nhà nước vì không có gia đình thăm nuôi chắc chắn anh em tù cải tạo, nếu không chết vì đói thì cũng không còn sức để bò về đến nhà sau ngày phóng thích. Tù trong các tỉnh chung quanh Sàogòn được vợ con thân nhân hàng tháng tay xách vai gánh thăm nuôi, nhờ vậy những bầy vượn đói của Xã hội chủ nghĩa đã lấy lại sắc thái và phong độ con người. Những bộ xương cách trí nhờ miếng ăn của người thân đã bắt đầu trở lại có da có thịt. Thực phẩm thăm nuôi không gì ngoài ký đường, lít gạo, con khô, lon thịt, thùng mì nhưng dưới chế độ cọng sản là những món ăn cao sang của những gia đình thuộc chế độ cũ cũng như anh em tù cải tạo. Có đói rồi mới thấy chén cơm trắng, gói mì khô, cục đường đen, miếng cá mặn hay tí thịt mỡ nó quý giá làm sao, nhưng trong hoàn cảnh cùng cực anh em tù đã biết chia sớt cho nhau đó là điều cảm động của tình nghĩa ‘huynh đệ chi binh’ vẫn còn lại trong lòng những sĩ quan cũ. Một trường hợp ngần như ngoại lệ, anh Thọ được thăm nuôi thường xuyên, mỗi lần người nhà lên, anh cần thêm một người thật khỏe ra gánh hộ vào. Gia đình anh chắc chắn đã bị cướp lột sạch từ đầu đến chân qua những lần đánh tư bản mại sản, nhưng có lẽ người nhà đã khôn khéo cất giấu được phần nào, nay vẫn còn sức nuôi anh theo lối công tử ngày xưa. Ngoài những thức ăn căn bản, quà của anh lúc nào cũng có vài ký café hạng sang với đường phèn, hộp sữa đặc, chục nem chua, đòn chả lụa, gói khô bò, vài ký lạp xưởng. Bù lại những ngày đói khổ, miệng Thọ lúc nào cũng ngậm cục đường hay đang nhóp nhép nhai sống miếng khô bò khúc lạp xưởng. Nhưng Thọ là người tốt bụng với anh em. Trong lán, một B chừng hơn năm chục tù, người nào cũng được ít ra một lần thưởng thức một vài thứ thuộc loại đại xa xỉ phẩm của chế độ cọng sản.
Một hôm lao động ngoài rừng, anh em trong tổ đập được con rắn, đang nổi lửa để nướng thì Thọ đi đến, tay cầm mấy khúc lạp xưởng, vui vẻ hỏi chúng tôi:
- Cho ké được không?
Nghe vậy ai dại gì từ chối, đổi miếng thịt rắn nướng để thưởng thức hương vị của khúc lạp xưởng. Thọ đưa tay vẫy kêu thêm mấy anh em đang nghỉ bên gốc cây trước mặt. Tất cả đứng dậy tiến về phía chúng tôi trong đó có thêm Sửu, người có nhiệm vụ canh gác và kiểm soát công việc của chúng tôi hôm nay, nhưng tất cả anh em không ai phản đối sự có mặt của anh vệ binh nầy. Thật ra tất cả đều thương, anh ta hiền và dễ chịu hơn tất những người khác. Ít la lối hoặc lên tiếng chưởi bới chúng tôi mỗi khi có vấn đề. Mỗi lần dẫn chúng tôi đi làm việc, anh thường vác súng, mũi chúi xuống đất chứ không chỉa thẳng về chúng tôi. Ra đến nơi làm việc thường kiếm bóng cây, yên lặng ngồi nghỉ để mặc anh em tù làm việc tự do, không hối thúc kiểm soát không nạt nộ như những vệ binh khác. Vừa ngồi xuống, Sửu lên tiếng trước:
- Hôm nay em có dịp đến từ giã các anh.
Một người trong chúng tôi vội hỏi:
- Tạo sao?
- Em bị ‘điều’ về Bắc.
- Tại sao vậy?
Nhìn quanh một hồi, Sửu nói đủ vừa nghe:
- Bị kiểm điểm quá lơ là, không đạt tiêu chuẩn của một người vệ binh gác tù.
Tôi trả lời thay cho các anh em:
- Chúng tôi hiểu.
Rồi tôi tiếp tục:
- Nhưng tại sao anh dễ dãi với chúng tôi?
Sửu đáp không suy nghĩ:
- Các anh cũng hiền và dễ thương, chứ có gì khác lạ đâu.
- Tại sao anh nói vậy?
- Trước đây còn ngoài miền Bắc, chúng em được học tập kỹ càng rằng các anh là những tên trộm cướp của giết người không gớm tay, đi đến đâu hiếp dâm đàn bà con gái đến đấy. Bắt được chúng em là mổ thịt móc gan ăn sống, còn cắt tai bộ đội xỏ giây đeo đầy cổ đầy ngực?
Một anh bạn ngắt lời:
- Anh tin không?
- Học tập mỗi ngày, nghe hoài làm sao chúng em không tin được, nhưng bây giờ những gì chúng em thấy thì ngược lại…
Dù là tù đang đối diện với kẻ địch trước kia nhưng chúng tôi ai cũng mủi lòng qua câu nói của Sửu. Tôi thấy tội nghiệp, lấy cây bút bà vợ mới đem lên gắn vào túi áo của Sửu:
- Thân đi tù, gia tài chúng tôi chẳng có gì để tặng anh. Về Bắc cố gắng đi học, hy vọng mai kia anh sẽ dùng cây viết nầy để ghi lại những gì anh đã thấy tận mắt tại miền Nam nầy.Sửu nhìn cây viết, ‘dạ’ một tiếng nhỏ. Thọ đưa mời Sửu một khúc lạp xưởng. Ngập ngừng một lúc, anh ta ăn thật ngon lành. Yên lên tiếng hỏi:
- Ngon không anh Sửu?
Sửu thật thà trả lời:
- Suốt cả cuộc đời, từ khi lớn lên cho đến lúc vào Nam đánh giặc, chưa bao giờ chúng em biết được mùi vị miếng thịt chứ đừng nói gì đến cục dồi nầy!
Đinh Lâm Thanh
 

Xem Tiếp: ----