ĐÊM NGUYÊN TIÊU

Ngưỡng u nhược nhi lưu phán

Phủ quế chi dĩ ngưng vọng
........
Mậu Thìn. Quảng Hựu năm thứ tư.
Từ Lộ ngẩn ngơ bên cây đèn lồng thứ mười bẩy. Cây đèn lồng Mỹ nhân.
Chao đèn khảm hình một người con gái. Nàng giấu một nửa mặt sau tấm lụa, nghiêng nghiêng hiếng mắt, nụ cười hàm tiếu.
Từ châm lửa. Cây đèn toả rực, nhuộm căn nhà trong làn ánh sáng nâu nẫu hồng đào. Những sợi khói trắng đầu tiên vừa uốn lượn, gương mặt mỹ nhân lung linh chuyển động. Nụ cười với làn môi mọng, khoé môi lũm xuống như hai lúm đồng tiền được chiếu sáng từ bên trong, quyến rũ mê hồn. Bàn tay trái nàng cầm bút lông. Ngọn bút run rẩy trên một đoá mai chưa liền cánh, mỏng manh như khẽ động thì sẽ tan biến ngay vào thinh không. Lá mai mới lìa cành màu vàng sẫm tơi bời liệng trong gió xuân. Mỹ nhân mặc áo thiên thanh, quần tha thướt xếp nếp màu hồng đào rủ trên mặt đất. Eo lưng thon bó trong dây lưng lụa ngũ sắc kết nút bên hông buông chùng tới tận gót chân. Búi tóc nặng trĩu cuốn cao trên đầu cũng cài một cành chín bông mai trắng.
Từ Lộ say đắm ngắm gương mặt mỹ nhân. Đường viền đi qua cằm và hai mang tai không mềm dịu. Các mỹ nhân được coi là tuyệt sắc đương thời bao giờ cũng phải mang có chiếc cằm tròn và gương mặt nở nang như khuôn trăng. Nhưng chiếc cằm có đường viền cứng cỏi của nàng lại hoà hợp kỳ lạ với đôi mắt dài như hai nét bút bay bướm được phác qua bởi cơn thần hứng của một nhà thư hoạ, biến thành đôi dòng sông thăm thẳm khôn dò. Nửa buồn nửa vui, khoé mắt như nước đọng. Ngự trị kiêu sa, làm sáng rực đôi mắt là đường mày màu khói nhạt dường như hơi cau, đa đoan đến não lòng. Từ Lộ đã phải nhọc công vẽ đi hoạ lại cả tháng trời mới phang phác được cái nét cau cau quyến rũ đến thiêu đốt lòng người của nàng.
- Nhuệ Anh!
Từ bất giác gọi lên thành tiếng, rồi thổn thức áp mặt vào chao đèn lồng mang gương mặt người con gái. Toàn thân run rẩy. Dào dạt những đợt sóng yêu đương khao khát xô bờ.
Mỹ nhân là ái nữ của quan Ngũ phẩm Tôn Trinh, bạn đồng khoa của Từ Vinh cha chàng. Cách đây ba năm, Tăng Đô án Từ Vinh và quan Ngũ phẩm Tôn Trinh thực hiện lời hứa từ thủa cùng nhau lều chõng, cho đôi trẻ làm lễ
đính ước. Nhuệ Anh tiểu thư càng lớn càng đẹp. Bao nhiêu công tử con nhà danh giá dạm hỏi nhưng Tôn Trinh vẫn một lòng không bội ước vì đôi trẻ càng lớn lên càng quấn quýt, xứng đôi trai tài gái sắc. Hôn lễ sẽ được cử hành vào dịp cuối năm, khi Từ Lộ đủ mười tám và Nhuệ Anh vào tuổi trăng tròn.
Từ Lộ mong mỏi đêm Nguyên tiêu này từ hàng tháng trước.
Gia pháp hà khắc, quan Ngũ phẩm Tôn Trinh cấm cung con gái từ lúc nàng đủ mười ba tuổi. Ngày ngày có thầy đến tận tư gia dạy kinh sách, lễ nghĩa, học vá may thêu thùa, dệt vải. Thi thoảng, những dịp hội chùa, lễ tết, ông cho con gái ra khỏi nhà. Mỗi khi đi nhất thiết phải có mẹ, thêm hai người hầu tháp tùng. Từ Lộ, dẫu là vị hôn phu, cũng chỉ được phép sang thăm mỗi năm vài ba bận, đi cùng Từ Vinh cha chàng. Mỗi lần gặp mặt, lúc đôi bạn già mải cuộc cờ, chén rượu, hàn huyên thế cuộc, đôi trẻ mới được mắt trong mắt ngắm nhau. Rồi Từ Lộ nâng cây sáo Tiêu Tương lên môi, thổi khúc Phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như, mà tiếc rằng thời khắc sao vùn vụt trôi chẳng thương tình. Từ Vinh và Tôn Trinh lặng người lắng nghe tiếng sáo. Quan ngũ phẩm Tôn Trinh không tiếc lời khen ngợi:" Quả thực nghe như không phải người mà là thần tiên lựa hơi!". Tăng đô án Từ Vinh không giấu nổi vẻ hài lòng nhưng vẫn cau mày: " Hơi ngại. Tiếng sáo nghiêng về thanh chuỷ".
Năm qua mưa thuận gió hoà, thiên hạ thái bình, lại dịp nhà Tống sắc phong vua Nhân Tông ta làm Nam Bình vương, đêm Nguyên tiêu năm nay[ Năm Quảng hựu thứ tư (1088).]triều đình mở hội đèn Quảng chiếu ở sân Long Trì. Tăng ni nối nhau đi quanh đèn tụng kinh niệm phật. Quan viên thắp hương làm lễ " chầu đèn ". Quan Ngũ phẩm cho phép con gái yêu cầm đèn lồng đi chơi khoảng một canh, có người hầu gái tháp tùng. Nhuệ Anh tiểu thư rạng rỡ mặt mày, cả ngày nói cười ríu ran như chim hót. Nàng đã hẹn gặp Từ Lộ. Mỗi người sẽ mang theo một chiếc đèn lồng để làm hiệu nhận ra nhau trong đêm.
Càng gần tới đêm Nguyên tiêu, Từ Lộ chẳng thiết ăn uống, trong lòng lúc nào cũng hồi hộp, nao nức. Chàng đã mất bao công phu để hoạ bức hình Nhuệ Anh. Sau đó lại chạy đôn chạy đáo cậy thợ khéo nhất kinh thành khảm lên chiếc chao đèn. Nhuệ Anh trông thấy cây đèn này sẽ hiểu tình chàng dành cho nàng sâu nặng biết dường nào.
Ngoài kia, trời dần tối. Nao nức tiếng cười.
Từ Vinh phu nhân sai người đốt mười sáu ngọn đèn lồng.
Nước Nam ta vốn không có tục mở hội hoa đăng. Nhưng từ khi thắng trận, đức vua vui mừng, cho ngưòi đi học cách chế tác đèn lồng của thợ giỏi phương bắc, về dạy lại cho thợ kinh thành, rồi truyền mở hội. Được lệnh, những thế gia vọng tộc và những nhà có của ăn của để đều nao nức sắm đèn. Đây cũng là dịp để nhà nhà khoe giầu sang phú quí. Từ Vinh phu nhân cũng háo hức. Nguyên tiêu này đúng dịp cậu quý tử của bà tròn mười bảy tuổi. Bà đặt thợ khéo trong nội kinh làm cho mười bảy chiếc đèn lồng. Bà tin rằng, nếu những ngọn đèn lồng cháy đều, rực sáng trong hội hoa đăng, con trai bà sẽ luôn gặp may mắn và dòng họ Từ sẽ càng thêm thịnh vượng.
Cây đèn lớn nhất có hình sáu rồng chầu châu ngọc treo giữa nhà toả ánh sáng lộng lẫy rắc vàng lên những đồ gia bảo. Căn nhà lớn, cửa thấp, lối
vào hun hút sâu, hai bên rườm rà những bụi trúc quân tử không cắt tỉa, những gốc hoè cổ thụ hoa vàng. Từ Vinh phu nhân lướt qua các đồ vật được bày biện trong nhà, không giấu được vẻ hài lòng. Dinh cơ của Tăng quan đô án Từ Vinh càng khiến cho người ta kính nể vì vẻ huyền ảo và sang trọng. Mười một ngọn đèn lồng khác mang đủ hình mười một con giáp, hắt đủ mười một màu quây quần dưới mái hiên quanh nhà. Trên lầu cao, bốn chiếc đèn toả ánh tím rực như màu cầu vồng. Cùng với chiếc đèn lồng Mỹ nhân trên tay Từ Lộ, căn nhà rực rỡ như có mười bẩy mặt trăng mặt trời cùng chiếu rọi.
Từ Vinh phu nhân thong thả dạo gót ra trước bàn thờ, tra thêm trầm vào chiếc lò hương chạm bạc. Tự tay bà đánh bóng nhưng đồ tế tửu bằng vàng để đợi Tăng quan đô án xong việc ở trong cung thì về đốt trầm lễ Trời Phật thánh thần ông bà tổ tiên. Phu nhân nóng lòng ngóng ra cửa sổ. Sáng nay chồng bà vội vã cùng hai tên gia nhân rời nhà vào giờ tỵ, hẹn đến giờ mùi sẽ về, cùng vợ con sửa soạn cho ngày tết Nguyên tiêu. Nhưng bây giờ đã là đầu giờ dậu. Ngoài đường ngựa xe nhộn nhịp. Nam thanh nữ tú áo xiêm đẹp đẽ trâm cài ngọc giắt đổ về hướng thành nội. Phu nhân càng mong ngóng tiếng vó ngựa của chồng. Có lẽ đường đông quá, ngựa không trẩy nhanh được. Bà đưa mắt nhìn về phía Từ Lộ. Vẻ tuấn tú của cậu con trai khiến người mẹ nở nang trong lòng. Mới mười bẩy tuổi nhưng con trai bà đã nổi tiếng trong vùng vì sự học cũng như các môn cưỡi ngựa chơi cờ bắn cung, đợt khảo thí vừa rồi đã đỗ chức Tăng quan., Đã thế tiếng sáo của con bà còn được coi là ngón tuyệt chiêu không ai sánh kịp. Có người quá yêu đã ví tiếng sáo của Từ như tiếng đàn của Tư mã Tương Như, mỗi khi cất lên có cả đàn chim phượng bay về nhảy múa quanh người. Lòng tự hào về tài cầm kỳ thi hoạ của con trai nhiều lúc làm dịu đi nỗi lo lắng dội lên trong bà mỗi khi bà nhận thấy tính cương trực của Từ đôi khi hơi quá, đến mức thành ương ngạnh.
Tiếng chuông báo giờ tuất. Ngân nga như khẽ lay những bóng sáng rực rỡ muôn màu trong bóng đêm lạnh buốt. Từ Lộ với tay lấy chiếc sáo trên trên vách thư phòng giắt vào thắt lưng. Chùm tua đỏ lấp lánh chỉ vàng buộc đuôi cây sáo rủ xuống điểm nhịp bên hông, Từ Lộ xách đèn lồng Mỹ nhân, khoác thêm áo trừu, cúi đầu xin phép mẹ cuối giờ tý sẽ trở lại nhà. Dù cha chưa về, Từ Lộ không chút lo lắng. Một đêm đô hội như đêm nay, ngay cả kẻ cướp cũng mải vui chơi, cha chàng sẽ không gặp điều gì nguy hiểm. Có lẽ ông về muộn là bởi các bạn đồng liêu chèo kéo nán lại chút nữa trong nội kinh để thường ngoạn đêm hội hoa đăng hiếm hoi này. Không có gì đáng lo lắng. Cả ngôi nhà sáng rỡ, đầy ắp gia nhân. Mẹ cũng sẽ không có thời gian mà buồn vì đã có mấy bà bạn mới tới, tay ôm lồng ấp đang ngồi quây trên chiếc sập gụ giữa nhà. Họ sẽ chơi bài và ép nhau nhấp rượu phạt hay hoạ thơ liên vần trong lúc đợi cha chàng về vào tiệc Nguyên tiêu.
Ra khỏi cổng, Từ thoáng rùng mình vì lạnh. Kinh thành sáng như sao sa bởi muôn ngàn chiếc đèn lồng đủ hình đủ kiểu đang lung linh chiếu rọi. Trên cao xa kia, chiếc đèn lồng màu đỏ rực, lớn ngang chiếc cót thóc nhà nông phu, đang đung đưa khiêu khích trong gió, là chiếc đèn lồng nhà Diên Thành hầu, giàu có quyền thế lệch thiên hạ. Tiền để làm ra nó có thể mua cả một trang ấp. Cây đèn toả ánh sáng xanh lành lạnh, chao đèn mang hình đôi chữ Dũng, chữ nhân đứng trang trọng trước cổng một dinh thự bề thế, có hào
nước bao quanh, là của Thái uý Lý Thường Kiệt. Thái sư Lý Đạo Thành treo hai bên mái hiên rêu phong đôi đèn đơn sơ, chao đèn mang đôi chữ Nhẫn viết theo lối thư hoạ tuyệt đẹp. Rực lên như một bông hồng khổng lồ giữa nội kinh là khóm đèn lồng màu tía trên Càn Nguyên điện nơi hoàng đế thiết triều. Tử Cấm thành lộng lẫy uy nghi toả rạng vàng son, rõ rành là chỗ thượng đẳng dành cho thiên tử. Bao quanh Tử Cấm Thành, Thuý Hoa cung, Ngênh xuân cung, Long Đức cung, Long An điện và Long Thụy điện đêm nay cùng đua nhau khoe vẻ hào hoa, không hổ là nơi hoàng hậu, các phi tần và các hoàng tử cư ngụ. Tại Chính Dương lầu, Giảng Võ điện, Tập Hiền điện và trên bốn cổng thành Đại Hưng, Tường Phù, Quảng Phúc, Diên Đức, đều kết hàng chuỗi đèn lồng nhỏ toả ánh bạc như sóng sông Ngân lững lờ toả ra các hướng trên bầu trời. Trên những con đường trong nội kinh, theo lệnh của Đức hoàng đế Nhân Tông, cuộc thi đèn đã được khởi xướng. Các cung nữ, quan quân trong triều phải ăn mặc lộng lẫy, tay mỗi người xách mỗi cây đèn lồng nhỏ ngồi trên xe ngựa diễu quanh kinh thành để cho dân chúng được chiêm ngưỡng một bữa no mắt, hưởng ân sủng của hoàng đế nhân thời đất nước vào cơ thái bình thịnh trị.
Từ Lộ rảo bước qua cầu Tây Dương bắc qua sông Tô. A’nh đèn rực sáng của kinh thành phản chiếu xuống dòng sông. Con sông vốn bình lặng thường ngày đêm nay bỗng biến thành một dòng sông chở đầy sao. Những lá thuyền chài đêm nay không thiu thiu ngủ như hàng đêm, mà cũng nao nức cùng với ánh đèn dầu lạc của dân chài.
Từ Lộ vừa qua cầu. Phía bên kia đã thấy bóng một ngọn đèn lồng nhỏ đang di động về hướng chàng. Dù ngọn đèn này lẫn trong muôn vạn đèn khác trong hội hoa đăng nhưng từ trong tim, Từ Lộ đã cảm thấy ngọn đèn đó là của chàng, đến với chàng. Không ghìm được, Từ Lộ chạy nhanh về phía chiếc đèn nhỏ. Càng gần, bóng đèn càng hiện rõ hai chữ Tiêu tương tuyệt đẹp được viết bằng nét bút tài hoa.
Chỉ riêng chàng biết căn nguyên hai chữ tiêu tương đó. Vì yêu tiếng sáo của chàng, Nhuệ Anh đã thuê người lên núi Yên Tử tìm khóm trúc tiêu tương, chọn một đoạn đẹp nhất mang về làm chiếc sáo tặng cho chàng. Cây sáo này chàng luôn đeo bên người, nâng niu còn hơn báu vật.
Treo chiếc đèn Mỹ nhân vào thành cầu, Từ dừng lại và rút sáo ra thổi. Lại như mọi lần gặp nhau, tiếng sáo réo rắt điệu phượng cầu hoàng của Tư Mã Tương Như. Làn gió xuân mơn man trong khí xuân buốt lạnh, tiếng sáo như gọi những sợi mưa bụi từ trên trời xuống khẽ hôn vào đôi má trinh nữ nóng bừng của Nhuệ Anh. Nhuệ Anh rảo gót hài thêu về hướng đèn lồng Mỹ nhân, bỏ xa người đầy tớ gái đang vừa đi vừa chạy. Nàng nhận ra dung nhan của mình đang được chiếu rọi dưới ánh đèn và trong lòng tràn ngập hân hoan. Dù cuộc hôn nhân sắp tới là do cha mẹ đôi bên sắp đặt nhưng Nhuệ Anh thật mãn nguyện.
Đèn lồng giơ cao soi tỏ hai gương mặt. Tiếng sáo ngừng bặt. Khúc phượng cầu hoàng buông lơi. Cây đèn Mỹ nhân ghé gần búi tóc của Nhuệ Anh. Gương mặt mỹ nhân trên đèn lồng và gương mặt của Nhuệ Anh ngoài đời toả sáng vào nhau. Đôi mắt Nhuệ Anh đăm đắm nhìn. Cách nàng một bước chân, phía đối diện, cây đèn Tiêu tương soi tỏ gương mặt người nàng yêu. Mày rậm mắt sáng miệng như vành trăng treo. Vầng trán thanh cao, chỉ hiềm
bên thái dương có chút khuyết hãm. Cha nàng đã có lần nói về cái tướng phúc phận không trọn vẹn của vành thái dương này. Nhưng ông cũng lại nói Từ Lộ đẹp ở tướng "ngưỡng nguyệt khẩu". Vả lại tướng tuỳ tâm sinh tướng tuỳ tâm diệt. Nhuệ Anh không hiểu gì tướng số. Nàng chỉ biết ngày đêm mơ tưởng đến khuôn mặt người yêu cùng tiếng sáo mê hoặc của chàng. Và nàng biết tiếng sáo ấy ánh mắt ấy chỉ dành cho nàng mà thôi. Nghĩ đến ngày cưới của mình đã được đôi bên cha mẹ ấn định vào tháng mười cuối năm nay lòng Nhuệ Anh rạo rực. Nàng vừa sợ vừa mong. Nàng sợ cái ngày phải rời nhà cha mẹ, nơi nàng được nâng niu quấn trong nhung lụa, về một gia đình nàng chưa bao giờ đặt chân vào mặc dù cũng chỉ ở đất Yên Lãng này và cách nhà nàng chưa đến một dặm.
Từ Lộ bước tới. Trong lòng chàng trai đê mê dịu ngọt. Đặt cây đèn lồng xuống đất, chàng rụt rè tìm bàn tay nhỏ nhắn của Nhuệ Anh được giấu kín trong tay áo bông chần bằng lụa hồng. Đắm đuối nhìn vào mắt nhau. Đêm hoa đăng rạng rỡ của kinh thành giờ đây dường như thu cả vào trong mắt của cặp trai tài gái sắc. Thiên hạ biến mất. Chỉ còn đong đưa trên cầu Tây Dương đôi đèn lồng Mỹ nhân - Tiêu tương và cặp tài tử giai nhân.
Bỗng vang tiếng ngựa hí chói óc kề sát trên đầu. Đôi trai gái giật mình ngẩng trông lên. Ngay trên đầu là hai cặp móng sắt sáng loáng của bốn chân ngựa vừa bị ghìm lại bất chợt, đang hung hãn chỉ chực xuống vó giẫm nát chàng trai. Đôi hàm ngựa ô lực lưỡng tức giận sùi bọt không ngừng cất tiếng hí rợn người. Từ Lộ vội vã kéo người yêu nép vào thành cầu. Cây đèn Mỹ nhân bị cặp móng ngựa dập xuống vỡ tan tành trong nháy mắt. Phía sau hai đầu ngựa vang lên một tràng cười.
Từ Lộ gịân điên người quắc mắt nhìn lên. Ngất ngưởng trên xe, sau lưng gã đánh xe lực lưỡng vận áo đỏ là một công tử mặt trắng tai vểnh, hàng ria non đứt đoạn trên mép, mặc áo cừu đỏ tía, đi hài mũi cong thêu đôi chim phượng. Trước thành xe có chiếc biển được chiếu rọi bởi ngọn đèn toả sáng từ bên trong mang ba chữ lớn "Diên Thành Hầu ".
Từ Lộ không lạ gì người ngồi trên xe. Đó chính là công tử Lý Câu- cậu quý tử độc nhất của Diên Thành hầu hoàng thân. Lý Câu vốn ỷ thế cha, không việc gì là không dám làm, vung tiền của như hắt nước qua cửa sổ, ăn chơi bợm bãi khét tiếng khắp kinh thành.
Trong đầu Từ Lộ loé lên một tia chớp. Cách đây một năm, Từ Vinh cha chàng làm một việc mà sau đó người kinh thành gọi ông là kẻ vuốt râu hùm.
Nhà Diên Thành hầu đã nức tiếng giầu có ở kinh thành. Nhưng lòng người tham không đáy. Mùa xuân năm ngoái, ông đã cho quan hầu đày tớ chăng dây cướp trắng hơn hai trăm mẫu ruộng của dân phía bắc hồ Dâm Đàm. Trong số đó có ruộng đất của nhiều nhà chùa mới khai phá. Dân mất ruộng kéo nhau lên huyện, phủ...đưa đơn kiện. Nhưng Diên Thành hầu quyền thế nghiêng trời. Đám dân đen không những ra về tay trắng mà trên lưng còn lằn vết đòn roi vì tội mưu toan lấn chiếm, ruộng đất của triều đình đã ân ban cho hoàng thân quốc thích. Là quan Tăng đô án của triều đình, cha Từ Lộ đã đến từng chùa chiền, làng xóm trong vùng để thu thập chứng cứ. Những lá đơn của ông vẫn nối nhau gửi đến Đô hộ phủ ngục tụng để mong có ngày rõ được trắng đen. Diên Thành hầu đâu có dễ bỏ qua cho kẻ dám vuốt râu hùm. Mối
hiềm thù càng như dầu đổ vào lửa, khi nhan sắc Nhuệ Anh đã tình cờ lọt vào mắt công tử Lý Câu trong một lần đi lễ chùa. Từ đó Lý Câu như bị thiêu đốt. Trái với thói quen bợm bãi của những cuộc trăng gió rải rác khắp kẻ chợ cùng quê, lần này Lý Câu vật vã hối thúc cha mẹ đến hỏi Nhuệ Anh về làm vợ. Lời cầu hôn của cậu quí tử con nhà quyền thế bậc nhất kinh thành đã bị khước từ....
Tràng cười khả ố của Lý Câu vụt tắt khi nhìn thấy ánh mắt bừng bừng nộ khí của Từ Lộ đang quắc lên nhìn thẳng vào hắn. Bàn tay Từ Lộ nắm chặt lấy cây sáo trúc vung lên. Ánh mắt giận dữ và chùm tua đỏ buộc trên đuôi sáo trúc khiến cặp ngựa ô đột nhiên hoảng hốt. Lại đúng lúc gã đánh xe ngẩn ngơ ngắm vẻ đẹp khác đời của Nhuệ Anh mà lơi lỏng tay cương. Đôi ngựa dựng ngược bờm, tung vó hí lên một hồi dài và hất công tử Lý Câu ngã sóng soài trên cầu Tây Dương. Chiếc áo cừu màu đỏ bảnh bao bết đất.
Nhuệ Anh quên cả giữ ý bật cười khanh khách. Lý Câu vừa đau vừa bẽ mặt, không biết trút nỗi nhục vào đâu, liền vung roi da quật túi bụi lên lưng, lên mặt người đánh xe. Lưng áo người đánh xe rách toạc, máu chảy ròng ròng từ trên mặt xuống cổ ướt đẫm mà vẫn phải nén đau không dám ta thán một lời, quì xuống khom lưng cho Lý Câu giẫm lên vai mà bước vào xe. Trước khi ra roi cho ngựa phi, Lý Câu còn quay lại, gầm lên với Từ Lộ:
- Thằng tiểu đô án hèn mọn kia! Hãy nhớ lấy đêm Nguyên tiêu này. Nếu mày muốn giữ lấy cái mạng sống hèn mọn thì hãy lập tức rời xa tiểu thư. Nàng là của ta. Quên điều đó thì chớ trách cha con ta xử ác!
Và hắn ngoái sang, đánh mắt, cố nở một nụ cười tươi tỉnh với Nhuệ Anh:
- Xin nàng đừng quên. Tết Thanh minh sắp tới, nàng sẽ nằm trên giường cưới của ta!
Cỗ xe ngựa phóng vụt đi dưới sức nặng của chiếc roi da.
Từ Lộ nhìn chiếc đèn lồng Mỹ nhân với bao nhiêu công phu và tấm tình nâng niu gửi gắm của chàng bây giờ tả tơi dưới vó ngựa. Chàng giận bầm gan tím ruột, nộ khí xung thiên đuổi theo bóng ngựa.
Vừa chạy được mấy bước thì nghe tiếng chân người thình thịch phía sau và tiếng gọi giật hốt hoảng:
- Thưa công tử! Công tử!...Mời cậu mau mau về nhà. Có sự biến....
Từ Lộ khựng lại. Nhìn nét mặt hớt hải của tên gia nhân, chàng chợt nhớ hôm nay cha về muộn.
Từ Lộ cúi đầu bái biệt Nhuệ Anh. Nàng cũng đang tái mặt vì lo lắng, hỏi dồn tên gia nhân:
- Có việc gì vậy? Sao không mau mau nói ra?
Nhìn nét mặt tái nhợt của tên gia nhân, Từ Lộ linh cảm thấy một điều gì khủng khiếp đã xẩy ra. Ngực chàng thắt lại. Chàng ngắt lời tên gia nhân đang mắt tròn mắt dẹt định kể lể, quay sang an ủi Nhuệ Anh:
- Xin nàng đừng bận tâm. Ta về nhà xem có sự gì rồi sẽ nhanh chóng tin lại cho nàng ngay...Hãy tha thứ cho ta đêm nay, tài hèn sức mọm không kịp cấm cản kẻ vô hạnh. Xin nàng hãy để ngoài tai những lời sằng bậy của kẻ đó. Dù thế nào đi nữa, Từ Lộ này chỉ mong nàng hiểu cho rằng, nàng là nhụy hoa, mà ta là chiếc đài hoa, suốt kiếp này ta sống chỉ để nâng niu cho cánh hoa được vươn nở dưới ánh mặt trời...
Từ Lộ cùng tên gia nhân tiễn Nhuệ Anh và người tớ gái qua bên kia cầu, đến cổng nhà nàng rồi quay người rảo bước. Nước mắt lưng tròng, Nhuệ Anh cùng người tớ gái lặng đứng trông theo với chiếc đèn lồng Tiêu tương đang lẻ loi hắt sáng.
Đêm hội đèn Quảng Chiếu vẫn toả ánh sáng huy hoàng. Văng vẳng lúc gần lúc xa tiếng ai hát như giễu cợt:

…… Ngưỡng u nhược nhi lưu phán

Phủ quế chi dĩ ngưng vọng
Tương tri linh hề thử ngộ
Thuyên hà vi hề độc vãn
(°)…….
x
x x
Vừa đặt chân đến trước cổng, Từ Lộ đã nghe tiếng than khóc vẳng ra từ trong nhà. Đám tớ trai tớ gái nhốn nháo đi lại. Mười sáu chiếc đèn lồng đã bị thổi tắt từ khi nào, chỉ còn một chiếc lớn nhất ở giữa nhà soi gương mặt đau khổ như ngây dại, chứa chan nước mắt của mẹ chàng. Bà tựa lưng vào người hầu gái. Chị người hầu lớn tuổi đang vuốt ngực cho bà, cố sức khuyên giải bằng cái giọng khàn khàn cũng ướt đẫm nước mắt.
Trước mặt bà, một trong bốn tên lính hầu đã đi theo cha chàng sáng nay đang quì sụp. Aó quần tả tơi, một vệt máu chảy từ trán xuống cẳm đã khô bết lại thành một vệt đen sẫm như nhát chém chia khuôn mặt anh ta ra thành hai nửa. Tên lính không ngớt đập đầu xuống đất:
- Xin phu nhân cứ trừng phạt con cho đỡ đau lòng...
Từ Lộ vội chạy vào nhà, nắm lấy vai tên lính mà lắc, hỏi dồn ;
- Có việc gì vậy....Cha ta đâu?
Mẹ chàng từ nãy giờ đã kiệt sức, bây giờ bỗng oà lên nức nở:
- Từ Lộ...con. Mau đi tìm cha.. Mẹ chết mất...!
Từ Lộ nhìn khắp nhà. Cái không khí rạng rỡ ban tối của đêm hội hoa đăng biến đâu mất. Trong nhà chỉ còn trĩu nặng mùi trầm đang toả ra từ chiếc lư bạc. Gió lạnh rú từng hồi ngoài kia, lay lay những ngọn khoái trầm như bàn tay ai đang khắc khoải vẫy gọi...
Như trong cơn mê, chàng nghe những lời kể dài dòng tiếng nọ lấp tiếng kia của tên lính hầu. Nhưng chàng cũng đủ hiểu là Từ Vinh cha chàng và bốn tên lính hầu cận vào kinh, khi về đến gần Trúc Sơn bỗng bị một toán người bịt mặt cầm gươm đao xông ra chặn đường. Bốn người lính chưa kịp trở tay thì ba người đã bị chém gục. Cha chàng ra sức chống trả. Thường nhật, vũ dũng của quan Tăng đô án đã vào hàng cao thủ. Trong kinh thành không mấy kẻ địch nổi. Nhưng lần này, chỉ sau mấy hiệp đấu, Từ Vinh đã thét lên một tiếng tay ôm trán lăn lộn trên mặt đất. Hai con ngươi lòi khỏi tròng rồi tắt thở. Người lính hầu còn lại cố sức lao vào cứu chủ thì bị thêm một nhát chém vào mặt. Khi tỉnh dậy không thấy thi thể quan Đô án và ba tên lính hầu đâu nữa.
Từ Lộ dặn người nhà cố chăm sóc an ủi mẹ chàng cho chu đáo, rồi lập tức sai thắng ngựa. Chàng cùng tên bảy tên gia nhân tốc lực phóng đến Trúc Sơn. Đám người xem hội hoa đăng vẫn trùng trùng trẩy về phía kinh thành. Bây giờ, những ánh đèn rực rỡ, quần áo lộng lẫy và tiếng cười nói như những mũi dao thọc vào trái tim đau đớn của chàng.
Đến chân núi Trúc, Từ sai gia nhân đốt đuốc. Bảy bó đuốc thắp lên rực sáng, soi tỏ cả từng bụi cây rậm. Chàng và đám gia nhân quần nát cả một vùng, vạch từng gốc cây từng ngọn cỏ để tìm cha. Tìm đến lúc trời gần sáng vẫn không thấy thi thể của Từ Vinh và ba tên lính hầu.
Loang lổ trên mặt đất những vũng máu đã khô cứng. Tiếng những con chim lợn ăn đêm đến hồi về tổ cất lên từng hồi não nuột. Tiếng chuông chùa Phổ Am vẫn thong thả ngân vang báo đã qua giờ sửu sang giờ dần. Trời rạng sáng. Từ Lộ cùng đám gia nhân mệt nhoài bơ phờ trở về. Nước mắt đã khô hoen trên má chàng trai.
Đứng trước bàn thờ, Từ Lộ đốt ba nén hương. Chàng quì xuống dập đầu khấn cha, những tiếng khô khốc bật ra từ cổ họng:
- Lạy cha...Hồn cha có thiêng xin ứng nghiệm. Xin cha hiển linh chỉ cho con trai cha biết mặt biết tên kẻ lòng lang dạ sói. Con xin nguyện bỏ hết đèn sách công danh sự nghiệp, nếm mật nằm gai để trả thù này....
Một cơn gió lạ lạnh buốt thổi thốc vào nhà. Từ Lộ sởn da gà. Ba nén hương vừa thắp bỗng bùng cháy như ba cây đuốc nhỏ. Chiếc lư trầm cổ kính thoắt đen xám lại như một lời nguyền.
Mọi người trong nhà rởn tóc gáy.
Trời sáng hẳn. Những tia nắng đầu tiên của một ngày xuyên qua ánh vàng vọt của những cây đèn lồng cuối cùng còn lại trong kinh thành. Từ Lộ đứng lên. Mẹ chàng nhợt nhạt nằm thở thoi thóp trên giường. Người thầy thuốc giỏi nhất kinh thành đã được mời đến. Ông ta đang vén tay áo, bắt mạch cho mẹ chàng bằng những ngón tay dài xương xẩu. Giọng người thày thuốc luận bệnh nghe đều đều buồn nản bên tai Từ Lộ:
- Bệnh của phu nhân do uất khí mà thành. Uất khí ở tâm nghịch lên não khiến tâm thần hôn mê. Bệnh này không nặng mà cũng không nhẹ. Cần uống mươi thang phát tán uất khí để thăm dò. Rồi sau đó tuỳ tình thế mà tìm thuốc trị tiếp. May ra mới khỏi được....Tôi không dám đoan chắc có cứu được hay không. Cũng còn là tuỳ vận số của phu nhân....
Từ Lộ nán lại bên giường mẹ, ngắm nhìn mãi gương mặt trắng bệch như sáp của bà. Chàng đau xót nhớ lại, chỉ mới đêm qua mẹ còn tươi đẹp, đường bệ đi lại trong nhà, tự tay sửa soạn bàn thờ, đốt những ngọn đèn lồng cho gia nhân treo lên, đợi cha chàng về mở lễ Nguyên tiêu. Vậy mà giờ đây....
Tai hoạ đã đổ ập xuống làm tan tác cả một nhà đang ngập tràn hạnh phúc. Tăng quan đô án Từ Vinh là quan triều đình cai quản hàng nghìn tăng ni, nổi tiếng là người chính trực. Cả đời chỉ vì điều thiện. Kẻ nào đã sát hại cha chàng?
Nhớ lại lời kể của tên lính hầu sống sót và nhìn những vũng máu đọng trên đất, ruột gan Từ Lộ như bị một thuốn sắt nung đỏ xuyên qua. Chàng bật dậy, nhẩy lên mình ngựa điên dại phóng khắp kinh thành trong nỗi vô vọng tìm cha.
Đã qua hai ngày.
Người ngựa, gia nhân nhà Từ Lộ đều mệt lả. Triều đình cũng đã cử quan quân đi tra xét tìm kiếm khắp nơi. Tăm tích vụ sát hại Tăng đô án Từ Vinh vẫn mù mịt. Khắp kinh thành xôn xao bàn tán về vụ kỳ án. Người ta nói chỉ có bàn tay của quỉ sứ thì mới có thể giết người một cách tàn bạo mà lại thần bí như vậy. Từ Lộ và các quan quân đã thuê dân chài buông lưới khắp các sông hồ để tìm xác Từ Vinh. Vẫn không thấy. Từ Lộ lại bắt đầu nhen nhóm hy vọng cha chàng còn sống. Người có việc gì, ở đâu đó và nay mai lại sẽ trở về với mẹ con chàng....
Tảng sáng ngày thứ ba, Từ thiếp đi sau hai ngày đêm mệt lả vì tìm kiếm. Bỗng mơ màng thấy cha. Khuôn mặt đẫm máu, đôi tròng mắt lồi ra khỏi hốc. Vẻ đau đớn khôn cùng. Từ vùng dậy gọi "Cha!"
Gương mặt chợp chờn như gần như xa rồi biến đi sau lối cửa chính.
Từ bàng hoàng tỉnh dậy, chạy theo. Chợt nghe tiếng chân thậm thịch ngoài đường cái. Tiếng người xôn xao gọi nhau đổ về phía bờ sông Tô. Không hiểu sao, đôi chân đưa Từ như lướt qua dòng người đang chạy.
Tới nơi, Từ đã thấy người kín đặc hai bên bờ. Giữa dòng sông Tô, xác một ai đó nổi lên từ lúc nào, nằm sấp, đang từ từ trôi ngược dòng về phía cầu Quyết.
Năm chiếc thuyền chài, mỗi chiếc có ba tên tên lính đang gắng sức chèo thuyền lại gần, quăng câu liêm, vàng lưới để vớt xác lên. Nhưng mỗi khi có thuyền đến gần thì xác người lại dướn bứt hẳn, lao vùn vụt lên phía trước. Cả những chiếc thuyền và đoàn người chạy dọc hai bên bờ sông Tô chỉ còn cách hớt hải chạy theo đường trôi của xác người. Mặt ai nấy đều lộ vẻ kinh hoàng, nhưng vẫn chạy theo như có một sức hút vô hình đang cuốn đi. Từ cũng vậy. Chàng chạy chân đất băng băng theo cái thây trôi ngược. Chân dẫm gai vướng mảnh sành tướp máu cũng không hay.
Vượt qua một khúc quanh, thây người và những kẻ vớt xác đã đến chân cầu Quyết. Từ dưới sông đã nhìn thấy ngôi lầu nguy nga của nhà quan Diên Thành hầu in bóng xuống mặt sông. Như có một sức mạnh phi thường đẩy từ bên dưới, thây người vụt rướn ngược lên, gấp gáp. Khi vừa chạm vào bóng toà lầu của Diên Thành Hầu đang soi xuống nước, xác người bỗng dựng đứng dậy.
Búi tóc dài xoã tung bết nước quấn quanh hình hài một người đàn ông đẫy đà trong bộ quan phục sũng nước. "Tăng đô án Từ Vinh...!". Dòng người ken kín hai bên bờ sông Tô cùng sửng sốt kêu thất thanh.
Từ Lộ bủn rủn chân tay. Chàng đổ sụp xuống. Rồi cố bíu vào vai mấy người đứng quanh để nhoài ra nhìn cho rõ. Thây người vừa dựng đứng dậy trên sông chính là Tăng Đô án Từ Vinh! Cha chàng.
Đôi tròng gần như bật ra khỏi hốc mắt. Từ trong hai hốc mắt sâu hoắm những giọt máu tươi ứa ra chảy loang trên mặt chan đỏ nước sông Tô. Và cái xác của Tăng đô án Từ Vinh không trôi nữa, sừng sững đứng thẳng trên mặt nước, cánh tay cứng đờ giơ cao trực chỉ đúng cổng nhà Diên Thành hầu.
Đám đông hai bên bờ sông Tô đồng loạt rú lên kinh hoảng khiến đàn cò trắng vốn thường ngày đậu trĩu nặng trên rặng tre bên sông hốt hoảng vụt bay, để rớt xuống mặt sông những tiếng kêu xáo xác như tiếng hú khóc. Đang giữa trưa mà gà trong sân các nhà bên sông táo tác gáy. Chó trong vùng thảng thốt tru lên từng hồi dài không dứt.
Trong nhà Diên Thành hầu đang như ong vỡ tổ. Tên gia nhân vừa mở cổng, nhìn thấy thây người dựng đứng ngay trước mặt, tay chỉ thẳng vào nhà thì ngã quị xuống. Gắng gượng mãi nó mới lết vào được bên trong để cấp báo.
Diên Thành hầu đang ngồi uống rượu với pháp sư Đại Điên trên lầu cao. Chung quanh mâm là mấy cô nàng hầu nỉ non đàn hát.
Nghe tin cấp báo, Diên Thành hầu quát:
- Loạn ngôn!
Rồi gạt cô hầu non kề bên, Hầu xốc áo bước ra cửa lầu nhìn xuống.
Lập tức Diên Thành hầu nhìn thấy thây người dựng đứng trên mặt sông dưới cửa lầu. Thây người đó đang ngước khuôn mặt đầm máu và hai hốc mắt sâu hoắm trừng trừng, chỉ thẳng tay vào mặt ông ta. Buông chén rượu trong tay, thét lên một tiếng khiếp hoảng, Diên Thành hầu lùi lại ngã ngồi xuống bậc thềm. Pháp sư Đại Điên vẫn thản nhiên gà gật bên mâm. Một cô người hầu chuốc rượu. Cô khác dùng đũa ngọc gắp từng miếng yến sào cua biển đưa tận miệng pháp sư.
Pháp sư khoảng trên năm mươi tuổi, vóc người mập mạp, dưới hai vành lông mày rậm rạp, đôi mắt nửa khép nửa mở. Khi khép như mắt mèo ngái ngủ. Khi mở thì trừng trừng dữ dội như mắt cọp đói. Tròng con ngươi thoáng ánh đỏ. Cái nhìn của pháp sư bao giờ cũng ngước lên cao. Lủng lẳng trước ngực áo choàng rộng màu già là một vỏ qủa bầu khô đựng rượu vẽ hình bát quái. Cây thiền trượng tạc hình con mãng xà hai đầu há miệng đỏ lòm trên đoạn tay cầm.
Diên Thành hầu gạt cô hầu non, bò lết vào. Đại Điên mở mắt. Chỉ thấy Diên thành hầu líu lưỡi, tay cuống cuồng chỉ ra phía giữa sông:
- Pháp sư...Nó...Nó....
- Hả?
- Nó...Nó...!
Đại Điên đủng đỉnh đứng dậy bước ra.
Trên sông Tô, đám gia nhân nhà Diên thành hầu đã lấy lại phần nào hồn vía, đang dùng gậy dùng sào hoặc câu liêm đứng ở bên bờ cố sức đẩy cho thây người đổ xuống. Nhưng thây Từ Vinh vẫn đứng trơ trơ. Chung quanh thây người và cả một đoạn sông Tô, oán khí ngùn ngụt bốc lên thành một đám mây đen đặc vần vụ che mờ cả mặt trời. Và gương mặt đẫm máu của thây người càng nổi bật, càng lúc càng tưởng như sáp gần lại với mỗi mặt người đứng trên bờ.
Từ trên lầu, Đại Điên nhìn thấy tất cả. Không một thớ thịt chuyển động trên mặt pháp sư.
Càng lúc, Diên Thành hầu càng cảm thấy gương mặt đẫm máu của Từ Vinh với đôi môi mím chặt và tròng mắt lồi ra càng như sắp chạm vào mặt ông ta. Sóng sông Tô dồi lên hung bạo. Và cái thây của Từ Vinh càng lúc càng chuyển động như muốn áp lên tận mặt Diên Thành hầu. Ruột gan Diên Thành hầu tưởng như tuột xuống chân. Ông chới với về phía Đại Điên lắp bắp:
Pháp sư...! Chẳng lẽ...pháp thuật của ngài...
Đại Điên nhìn xuống Diên Thành hầu bằng cặp mắt mèo ngủ, khinh miệt:
- Ta xong việc đã ba ngày.. Còn bây giờ là chuyện của hầu.. Nghiệt dĩ..! Nghiệt dĩ...!
Diên Thành hầu ôm đầu rên rỉ:
- Vàng ròng sư phụ đã nhận. Không phải chỉ để lấy hồn. Phải lấy cả xác hắn...!
Giọng pháp sư Đại Điên vẫn rè rè như giọng cô hồn:
- Pháp thuật chỉ diệt được nhân thân chứ không diệt được nghiệp dĩ!
Diên Thành hầu quì sụp, mấy ngón tay quặp vào gấu áo màu già cáu bẩn của Đại Điên:
- Sư phụ...Xin gia ân...Kẻ này làm sao sống được trước cái thây dựng ngược kia...!
Lúc đó Đại Điên mới đủng đỉnh quài tay với cây thiền trượng dựng phía sau, tay kia nâng qủa bầu âm dương dốc ngược lên. Trong khi cây thiền trượng trong tay Đại Điên phóng vụt vào ngực cái thây đứng trên sông, miệng pháp sư lầm rầm niệm chú. Cặp mắt cọp đói ngước lên nhìn trời.
Bỗng từ miệng quả bầu âm dương, một luồng khí hôi thối luồn ra xanh lẹt như một chùm rắn lục bao phủ lấy vầng oán khí màu đen đang vần vũ trên sông. Một tiếng sét vụt nổ giữa trời khiến Diên Thành hầu giật mình, hai tay bịt chặt tai.
Khi Diên Thành hầu mở mắt ra thì đám hắc khí đã tan biến. Thây của Từ Vinh lảo đảo, và cây thiền trượng đã trở lại trong tay Đại Điên, để lại trên ngực Từ Vinh một lỗ sâu bầm máu. Nhưng cái thây chỉ lảo đảo chứ không chịu đổ hẳn, không chịu trôi đi. Cặp mắt lồi của thây Từ Vinh càng hoăm hoắm xoáy vào Diên Thành hầu và Đại Điên.
Đám người đứng hai bên bờ sông Tô rú lên.
Từ lúc nhìn rõ mặt cha, Từ Lộ như không còn tri giác. Chàng đứng trân trân nhìn xác cha sừng sững giữa dòng mà chỉ tay vào nhà Diên Thành hầu. Chàng nhìn thấy Diên Thành hầu, pháp sư Đại Điên, lập tức hiểu ra nguyên do cái chết tức tưởi của cha.
Khi cây thiền trượng trong tay Đại Điên phóng thẳng vào ngực cha, Từ Lộ sực tỉnh. Chàng thét lên một tiếng khủng khiếp và lao xuống sông. Nhưng sự căng thẳng trong ba ngày qua khiến Từ Lộ bất tỉnh ngay khi vừa chạm mặt sông Tô. Khi đó, cái thây của Từ Vinh chợt hơi xoay nghiêng, hướng về phía con trai ông. Nhưng tức khắc, mấy ngón tay dữ dội ấy lại xoay ngang trực chỉ vào nhà Diên Thành hầu.
Đám quân lính trên thuyền chài mau mắn kéo được Từ Lộ lên bờ. Mọi người xáo xác tìm kiếm chung quanh. Cuối cùng mới lôi đến một thằng bé tám, chín tuổi. Một người nhanh tay kéo tụt cái khố trật khỏi mông thằng bé. Thằng bé giây giụa, khóc thét. Mặc. Ba bốn bàn tay thay nhau phát mạnh vào cái mông bé nhỏ. Thằng bé ưỡn người. Dòng nước đái trẻ con vọt ra xói thẳng vào miệng Từ Lộ đang nằm bằn bặt dưới đất vừa được những bàn tay khác hè nhau cạy mở..... Từ Lộ dần dần mở mắt.
Và cái điều mà Từ Lộ nhìn thấy đầu tiên là hai hốc mắt sâu thẳm của cha mình. Hai hốc mắt đó đang hướng về phía chàng. Và khi nhận được nhỡn quang của Từ lộ, hai hốc mắt đó chợt có ánh sáng loé như ánh chớp.
Từ Lộ lẩy bẩy trỗi dậy trên đám bùn lướt mướt những đám cỏ gai cỏ chỉ và nước tiểu trẻ con. Chàng chắp hai tay vái về phía thây cha, vái trời, vái đất. Những âm thanh phát ra từ cổ họng Từ, rít chặt lại:
- Lạy cha..! Kiếp này không phải của con. Con chỉ sống để trả oán này...! Xin trời cao đất dầy chứng giám...!
Từ khấn ba lần. Đến lần khấn thứ ba, trên mặt sông, thây Từ Vinh khẽ rung động. Và bất chợt cái thây dựng lên một lần cuối cùng, mặt chạm mặt Diên Thành hầu trên lầu, rồi từ từ đổ, nằm xuống mặt sông. Đôi con ngươi trở lại nằm trong hốc mắt. Mắt khép.
Và Từ Vinh trôi ngược trở lại, xuôi dòng nước.