ĐẠI ĐĂNG KHOA

Không mưa. Không mây. Giao trì yến.
Từng cánh bích đào rụng lạng hoàng kim điện
Rèm châu nửa cuốn hương trời
 
Khúc nhạc nổi tiếng thường được tấu lên trong cung của Hoàng đế nhà Tống rộn ràng ngân trên những còn đường đất lỗ chỗ vết chân trâu bên bờ sông Nhuệ. Tiếng kèn, tiếng tỳ bà, tiếng ngũ huyền cầm, tiếng đàn tranh réo rắt pha lẫn tiếng sênh rộn ràng làm náo động cả một vùng. Trên con đường dẫn vào làng Nha Thượng bên bờ sống Nhuệ nước sông in bóng một đoàn người xiêm áo sặc sỡ rồng rắn kéo nhau đi làm đỏ cả một khúc sông. Dẫn đầu đoàn người là ông mai bà mối áo vóc hồng miệng bỏm bẻm nhai trầu mắt lúng liếng như người trong cơn say. Tay ông mai bà mối nâng một giải lụa hồng bay phất phơ trong gió xuân. Mười hai cô gái thanh tân môi hồng đào răng đen nhức áo tứ thân cổ viền trắng uyển chuyển đội trên đầu mười hai cỗ quả sơn son thiếp vàng. Những mái tóc buộc túm cao trên đỉnh đầu cài trâm sừng trạm bạc hình chim phượng khiến đuôi tóc xoè ra như những đuôi công. Họ bước đi như múa trong tiếng nhạc thảy ra từ ngón tay của mười hai nhạc công trong giáo phường đang mải miết búng trên đàn sáo. Gío rung rặng ổi ven sông Nhuệ rắc những cành hoa trắng muốt của mùa xuân trên vai trên tóc đoàn người.
Công tử Lý Câu xuống ngựa. Hai tiểu đồng để tóc trái đào cúi khom lưng nhấc vạt áo thụng xanh chùng quết đất để lộ dáng hài mũi cong có đính những hạt minh châu màu hồng. Một tiểu đồng áo đỏ đang đứng đằng sau vội bước lên phía trước, hấp tấp quỳ dâng trước mặt công tử một bộ điếu bát khảm vàng với chiếc điếu là đoạn trúc ngà cong vút. Một tay tựa vai tiểu đồng một tay Lý Câu xoè ra vít ống điếu. Tiểu đồng tra thuốc lào vào nõ điếu rồi quay mặt che người chắn gió thận trọng kéo bùi nhùi châm lửa. Lửa từ chiếc đóm vừa bén vào dúm thuốc lào vàng rộm, Lý Câu ghé miệng ngậm lấy ống điếu rồi chúm môi như trẻ con mút vú mẹ. Tiếng rít qua nõ điếu tanh tách vang giòn. Lý Câu khoan khoái vươn cổ ngửa mặt lên trời. Từng cụm khói màu trắng nối nhau phun ra khỏi miệng công tử. Một chén ngọc nước chè mạn đã được tiểu đồng rót sẵn trên tay tiểu đồng để công tử chiêu cho ngọt giọng.
Xong đâu đấy, công tử oai nghiêm phất tay áo rộng. Đàn sáo lại vang lừng. Đoàn người sặc sỡ nối nhau nhịp nhàng chuyển bước. Trao dây cương cho tên lính hộ vệ, Lý Câu xênh xang nhập vào đoàn người, đi cùng ông bà mai mối. Theo sau Lý Câu có bốn tiểu đồng khác lặc lè khiêng một thúng tiền đồng. Kèm bên thúng tiền là một bà già tóc bạc da hồng, mặt mũi phúc hậu, môi ăn trầu cắn chỉ, cứ hai mươi mốt bước lại sục tay vào vốc một nắm tiền tung hú hoạ lên đầu đám người hiếu kỳ kéo ra xem đông nghịt ven sông. Người lớn reo hò la hét tranh nhau nhặt tiền. Cứ mỗi lần như vậy, trên mặt Lý Câu lại giãn nở một nụ cười tự đắc.
… Mây xuân cùng trúc lẻ
Mềm mại hẹn cùng Tiêu Hán
Má hồng ngất ngây thanh thản…
Từ trong nhà, quan Ngũ phẩm Tôn Trinh đã vẳng nghe tiếng đàn sáo rộn ràng từ xa vọng tới. Ông chậm rãi leo lên lầu ngóng đợi đoàn người đang đến làm lễ Đại đăng khoa cho Lý Câu và Nhuệ Anh con gái yêu của ông.
Ký ức những ngày qua dồn đập đổ về khiến lòng ông chua xót.
°

*

Bạn đồng liêu là Tăng đô án Từ Vinh bị người hại chết trong đêm Nguyên tiêu. Tôn Trinh buồn đau, bối rối. Nỗi oan trái của nhà Tăng đô án giáng lên đầu mẹ con Từ Lộ khiến cho tương lai tưởng đã rạng ngời của Nhuệ Anh bỗng sập tối như bị một đám mây đen phũ phàng che kín. Gia thế họ Từ không hẳn vào hàng đại phú nhưng nề nếp gia thư danh giá nổi tiếng khắp đất kinh kỳ, mà chỉ trong chưa đầy một tuần trăng đã tan nát. Bao nhiêu tài sản quý giá từ thời ông cha để lại nay như có chân chạy về nhà Diên Thành hầu và lũ tay chân nha lại. Từ Vinh phu nhân lìa đời. Từ Lộ bị khép tội vu oan giá hoạ cho hoàng thân nhất đẳng công thần Diên Thành hầu. Tội đáng xử trảm. May được ân vua mở lòng khoan thứ nên mới thoát chết. Không biết Từ công tử phiêu bạt nơi đâu. Nghĩ đến tình bạn và lời hẹn ước cũ, Tôn Trinh đã cho người bí mật đi dò tìm tông tích mong có thể giúp đỡ được phần nào chàng trai lúc hoạn nạn. Những người biết Từ Lộ đều quả quyết là chàng không đi đâu ra khỏi kinh thành. Tai hoạ giáng xuống, lòng quá đau đớn phẫn uất nên Từ chủ tâm lánh mặt mọi người mà thôi. Nhuệ Anh, sau khi Từ Lộ bỏ đi không thiết ăn uống, suốt ngày than khóc, ban đêm giam mình trong thư phòng với những vần thơ sầu oán bạc mệnh… Giữa lúc đó Diên Thành hầu sai người đến đánh tiếng mai mối Nhuệ Anh cho công tử Lý Câu.
Tôn Trinh chẳng ưa gì Lý Câu. Diên Thành hầu là bậc quyền thế thiên hạ, lời sấm giọng sét chỉ sau đấng chí tôn nhưng người kinh thành ai chẳng có lần truyền tai nhau về những điều mờ ám mà cha con ông ta đã làm. Chuyện cái thây Từ Vinh bỗng dưng trôi ngược trên sông, dựng đứng ba ngày ba đêm, tay cứ chỉ thẳng vào nhà Diên Thành hầu đã ám ánh Tôn Trinh. Đêm ông không ngủ, tâm trí không thoát ra được câu chuyện oan khốc nhà Từ Vinh. Ông ngờ vực mối liên quan giữa Diên Thành hầu và cái chết tức tưởi của người bạn đồng liêu. Ông biết Từ Vinh từng dâng lên đấng cửu trùng những tờ tấu tố cáo tội lỗi của cha con Diên Thành hầu, vì được che chở nên nên cha con nhà này vẫn vô sự. Công tử Lý Câu cũng không thèm giấu giếm sự tức tối và nhiều lần cho người giở giọng doạ cha con ông sau khi Nhuệ Anh khước từ lời cầu hôn của hắn, chỉ một mực trao duyên gửi phận cho Từ Lộ. Tai tiếng của công tử Lý Câu đã danh khắp đất này. Chưa qua hai mươi tuổi mà trong nhà công tử Câu đã nuôi một lũ nàng hầu con hát lả lướt khêu gợi đủ vẻ. Ấy thế mà ra đường gặp con gái nhà lành mặt mũi tươi tắn là lập tức cho gia nhân túm tóc lôi tay đưa về dinh thự ép chuyện mây mưa rồi mới thả. Nếu không phải là quý tử của Diên Thành hầu, hẳn giờ này Lý Câu đã nằm rũ trong lao kinh nội.
Trước đây, khi mai mối đến ngỏ lời dạm hỏi, Tôn Trinh đã uốn lưỡi khéo chối. Nại cớ tuổi Nhuệ Anh còn ít, nhà lại chỉ có một gái, nên chưa muốn xa con. Những tưởng khi mai mối ra khỏi cửa là chuyện đã xong. Nhưng tới tuần trăng sau, vào dịp tết hoa nở ngày rằm tháng Hai, bỗng có người khiếng đến đặt trước sân nhà ông một chiếc quả lớn đựng đầy trầu cau bánh trái thượng hạng. Hỏi ra là gia nhân trong phủ Diên Thành hầu theo lệnh công tử Lý Câu mang quà Tết đến. Vợ chồng Tôn Trinh chưa kịp nói câu nào, lũ gia nhân nhà Diên Thành hầu đã lặng lẽ rút đòn khiêng, kéo nhau mất biến suo dậu tre ngà đầu ngõ. Thế là ván đã đóng thuyền, mặc dù Nhuệ Anh lăn lộn khóc lóc một mực xăm xăm đòi trả trầu cau. Nhuệ Anh và cô hầu gái xoã tóc, mặt mày không điểm trang, cố tình ăn mặc rách rưới lê lết khiêng chiếc quả ra đến đầu ngõ toan mang đi trả. Đón nàng đầu ngõ là ngũ phẩm phu nhân tay cầm con dao cau sắc như nước:
- Nhuệ Anh! Cứ mang mâm trầu đi. Nhưng hày dùng dao này đâm cổ mẹ trước đã.
Nhuệ Anh dừng sững lại. Mẹ nàng vật mình khóc:
- Dù con có hứa hôn với công tử Từ Lộ nhưng bỗng dưng nhà có trọng tội với triều đình. Nhà cửa tan nát. Vị hôn phu của con thì biệt tăm tích không lời nhắn gửi, không biết sống chết ra sao. Nếu nó có lòng với con, ít ra cũng phải có lời từ biệt… Nay công tử Lý Câu cũng là người khôi ngô, con nhà danh giá. Con gái có thì… Chuyện ăn chơi đối với đám công tử con nhà quyền thế như vậy âu cũng là lẽ thường tình. Đàn bà là phận tôi mọi, nếu để bụng chuyện ấy thì không sống nổi đâu con ạ. Con không thấy đó sao, ở kinh thành này đã bao nhà tan nát vì trái ý Diên Thành hầu… Cha mẹ sinh con ra chưa mong con báo đáp điều gì… Nay chỉ xin con… đừng đang tâm hãm hại cha con vào vòng lao khổ…
Dứt lời, bà mẹ lùi mấy bước, quì thụp xuống, hai tay chắp lại vái sống về phía con gái.
Nhuệ Anh rụng rời. Chân nàng dính chặt xuống mặt đất. Rồi không nói một lời, Nhuệ Anh buông mâm lễ vật. Chiếc mâm đồng rơi xoảng và những tấm bánh, buồng cau lăn lóc tung toé trước ngõ. Nhuệ Anh cắn vào môi bật máu. Từng bước câm lặng, nàng giẫm lên la liệt trầu cau, bánh trái, rồi như một cái xác không hồn lặng lẽ trở vào buồng.
Nửa đêm hôm đó, Nhuệ Anh mặc áo cánh ngắn, tóc vận gọn cài trâm gỗ, bó rơm vào đế giày để chân đi không phát ra tiếng động. Nàng rón rén bước qua mình cô hầu thân tín đang ngủ mê kêu ú ớ, nhẹ bước như một con mèo lẹ làng ra khỏi nhà. Băng mình qua đêm tối, quên cả sợ hãi, Nhuệ Anh đi tìm Từ Lộ. Nhiều người đồn rằng Từ đã bị pháp sư ĐẠI ĐIÊN dùng bùa phép giết chết. Riêng Nhuệ Anh biết chỗ chàng ẩn náu. Cái am nhỏ thờ thần đất ấy nằm bên cạnh bờ sông gần cầu Quyết nhưng đã nhiều năm không hương khói mà thành hoang phế, chung quanh là cánh rừng rậm rịt những tầng mây gai tối sẫm, lại thêm tiếng kẽo kẹt ghê người phát ra từ những thân tre khô xác cọ vào nhau mỗi khi gió thổi khiến người bạo gan cũng sởn gai ốc. Chốn ấy hầu như không có ai đặt chân tới. Tiết Thanh minh năm ngoái, nàng và Từ trốn cha mẹ, lựa lúc cô hầu gái và lão bộc đang mải xem thiên hạ lễ bái tảo mộ, mới rủ nhau lẻn đi chơi. Hai người mải mê trò chuyện, không nhận ra mình đã lạc bước tới tận cầu Quyết, lạc tới cửa miếu hoang. Nhuệ Anh nhìn bụi cây dày đặc, thấy trời sắp tối, lại lo về muộn, cha quở mắng, oà lên khóc. Nàng càng khóc, Từ Lộ càng hoảng hốt, vừa dỗ dành vừa loanh quanh mãi không tìm thấy đường về. Mãi sau, lão bộc sốt ruột chạy bổ đi tìm, may mới đón được họ.
Tai hoạ xẩy ra, Từ mất tích. Bằng linh cảm, nàng luôn cảm thấy chàng đang sống, đang ở đâu đây, rất gần. Sau nhiều lần cho gia nhân lùng sục dò tìm, nàng bí mật ăn mặc như một người hái củi tha thẩn khắp nới. Tay vờ nhặt củi khô mà mắt thì sục sạo dõi tìm. Cuối cùng Nhuệ Anh tới ngôi miếu thổ thần hoang phế bên sông.
Trong miếu, giữa tấm thân rỗng của bức tượng thổ thần mà mối đã ăn mất một bên chân, Từ đang ẩn náu, tím ruột bầm gan tìm kế trả thù. Chàng đã thành một người khác. Không còn dấu vết gì của chàng trai hào hoa phong nhã nồng nàn. Gương mặt tuấn tủ yêu dấu ngày nào nay xanh tái. Đôi mắt dịu dàng tình tứ trước đây nay như bốc lửa dưới đôi mày rậm. Nhiều lúc đang nói chuyện cùng nàng mà cái nhìn của Từ như đặt vào khoảng không. Trong con ngươi của đôi mắt rừng rực ấy loé lên một ngọn lửa man dại.
Nhuệ Anh biết, trong lòng chàng giờ đây chỉ có hận thù. Chàng nghĩ đến cái chết oan khiên của song thân. Nỗi đau của Từ như một thứ phong thấp nhập tâm phế. Nó khiến chàng câm lặng, ngày đêm nung nấu trong trí não một điều gì ghê gớm. Cháy ruột vì thương xót, Nhuệ Anh vẫn không khỏi chạnh lòng khi hiểu rằng với Từ, nàng không phải là tất cả của chàng, ngự trị trọn vẹn trái tim chàng như trước đây nàng đã lầm tưởng. Bây giờ nàng mới hiểu rằng trong con người Từ có một mảng tối mà nàng không hiểu và không thể với tới. Vẻ lặng lẽ u uẩn của Từ như muốn xua đuổi Nhuệ Anh. Nước mắt ròng ròng, tim đau như xé, chiều đã muộn, Từ vẫn ngồi cắn môi bật máu, cố không nhìn nàng. Nàng đành nín lặng ra về. Ngắm những vệt gai cào trên má in rõ mồn một trong tấm gương đồng treo đầu giường, Nhuệ Anh đổ vật xuống giường, ôm mặt khóc nức nở. Khi chiếc gối ướt đẫm nước mắt phả vào mặt nàng một mùi mặn lành lạnh, nàng như người sực tỉnh, đứng vụt dậy, giật đứt tấm lụa màu thiên thanh đang dệt dở trên khung cửi trùm kín chiếc gương đồng. Những vuông lụa dệt dở rủ xuống xơ xác như khăn tang,
Đêm rằm tháng Hai, Nhuệ Anh lần đến được ngôi miếu thì trống trên chòi điểm canh ba. Bụi cây đen ngòm quanh miếu khiến nàng chợn rợn như có bóng người rình rập. Trong bụi tre gai kẽo kẹt tiếng quỷ đưa võng. Giữa trời le lói vài ngôi sao nhợt nhạt. Tiếng chim lợn bay ngang qua đầu kêu "éc..éc..!" như đánh rơi những điềm gở. Vầng ngực của Nhuệ Anh thốt đau nhói vì sợ hãi. Nàng quay ngoắt ra phía sau. Không có gì đáng nghi ngại. Nhuệ Anhn vững dạ hơn chút ít. Nàng thận trọng gõ lên cánh cửa ọp ẹp của ngôi miếu ba tiếng khoan ba tiếng nhặt. Đó là ám hiệu mà nàng đã dặn Từ Lộ. Bên trong vẫn im ắng. Nhuệ Anh lặp lại ám hiệu thêm hai lần nữa, trong lòng rối bời. Chàng ốm… Chàng đã dại dột làm điều gì đó để bị bắt. Chân tay nàng bủn rủn.
Cố định thần nhìn kỹ cánh cửa, thấy hơi hé mở. Dường như có một làn hơi ấm mong manh phả ra Từ bên trong, lẫn giữa mùi lá mục và oai oai rêu phong. Làn hơi ấm đó chính là Từ. Cái mùi quen thuộc ấy không thể lẫn vào đâu được. Nàng dấn bước. Bóng tối trong căn miếu lập tức bưng chặt lấy mắt. Ánh đèn đom đóm soi rõ pho tượng thổ thần đắp bằng đất sét giờ đã bị mủn mất nửa đầu. Con mắt còn lại đang lừ lừ nhìn nàng Từ trên cao. Nhuệ Anh chột dạ cố trấn tĩnh để khỏi sợ hãi. "Lạy thổ thần phù hộ. Con đến đây không phải vì tà tâm…!". Nàng nín thở, cố nhướn mắt trông cho rõ người con trai đã khiến trái tim nàng ngày đêm bị bóp nghẹt.
- Nhuệ Anh. Xin nàng đừng tìm ta nữa.
Tiếng nói vang lên Từ phía sau khiến Nhuệ Anh giật bắn người.
Tựa lưng vào bức tượng, Từ Lộ ngồi xếp bằng trước một trang giấy đang viết dở. Những dòng chữ sẫm tối dường như hắt lên ánh đỏ. Nhuệ Anh nhìn kỹ. Trong cái bát sành trước mặt Từ không phải là thứ mực Tàu thông thường. Đây là một thứ nước sền sệt phả lên mùi mặn. Nàng nhìn đầu ngón tay trỏ của Từ Lộ. Đầu ngón tay đã bị cắn nát dù được dịt lại bằng mạng nhện nhưng vẫn đang rỉ máu. Nhuệ Anh hiểu rằng những dòng chữ đó được viết bằng máu của chàng.
- … Ta chỉ sống nốt kiếp này để báo thù!…
Nhuệ Anh lao tới ôm lấy bàn tay Từ Lộ, ấp lên ngực. Nàng khóc tức tưởi. Nước mắt của nàng làm ướt tay chàng. Hơi ấm của dòng nước mắt phút chốc làm tan băng giá giá trong lòng Từ Lộ. Từ khi song thân mất, Từ chỉ còn là một con thú bị săn đuổi. Ở đâu chàng cũng cảm thấy có hình bóng của bè lũ Diên Thành hầu và pháp sư Đại Điên truy tìm lùng sục. "Nhỏ cỏ phải nhổ cả rễ…". Chàng đã nghe người ta nói lại những lời đắc ý của Đại Điên khi hắn giết được cha chàng và thây cha chàng đứng sững trước cửa nhà Diên Thành hầu. Chàng đã chọn ngôi miếu hoang này làm nơi ẩn náu để tránh mọi điều bất trắc, nuôi chí, đợi cơ hội trả thù. Nhưng đêm nay dưới ánh mắt nồng nàn của người yêu, lòng Từ dịu lại, mềm ra thoáng chốc. Chàng đăm đắm ngắm gương mặt Nhuệ Anh. Chiếc cằm thanh tú hơi nặng ra vì khóc nhiều, những sợi tóc mai bơ phờ rối tung trước trán, rủ thành lọn bên thái dương, bết lại vì nước mắt mà trông càng quyến rũ. Từ Lộ xót xa bội phần ngắm vị hôn thê. Nếu cha chàng không chết vì tay Đại Điên và Diên Thành hầu thì gương mặt đẹp não lòng và thân hình trời cho này sẽ mãi mãi kề cận bên chàng, mãi mãi là của chàng. Đó là điều mà nhiều vương tôn công tử ở đất kinh thành này đều mơ ước. Nhưng giờ đây, mọi cánh cửa đều sập lại trước mặt chàng. Thù nhà khiến chàng không nghĩ được đến bất cứ một điều gì khác ngoài tiếng gọi báo oán. Trái tim Từ rắn trở lại. Tay chàng nắm chặt. Một dòng máu tươi rỉ xuống Từ đầu ngón tay trỏ mà chàng đã cắn nát để viết bức huyết thư trước mặt.
Nhuệ Anh rùng mình khi cảm thấy hơi lạnh Từ trong tim Từ chuyền qua những đầu ngón tay của bàn tay mà nàng đang ôm trước ngực. Bất giác Nhuệ Anh buông tay nhích về phía sau. Nhưng không thể kìm nén được, nàng lại nhòai thân đổ gục hai vai vào lòng Từ Lộ:
- Chàng ơi… Nguy rồi!… Sáng nay, Tết hoa nở, gia nhân của Lý Câu lại đội lễ vật tới…!
Vừa nghe thấy mấy tiếng "Lý Câu…" khắp người Từ Lộ rúng động. Chàng nắm hai vai Nhuệ Anh, đẩy nàng ra. Mấy ngón tay Từ bóp chặt đôi vai mảnh dẻ của Nhuệ Anh. Đôi mắt Từ như lồi ra, trừng trừng nhìn vào mắt nàng. Ánh mắt đó khiến đầu lưỡi Nhuệ Anh líu lại:
- …Từ Lộ! Hãy đưa em đi…! Hãy đưa em đi bất kỳ nơi nào. Đôi ta như cây liền cành…
Đôi mắt Từ vẫn mở trừng trừng trong bóng tối miếu hoang. Tưởng như chàng không còn nhìn thấy vị hôn thê phủ phục trước mặt, không nghe giọng nói van nài khẩn thiết của nàng. Một làn gió từ bên ngoài lọt vào cửa miếu, đốm đèn đom đóm trên bệ thờ thần vụt tắt. Im lặng. Mãi sau trong bóng tối âm u, tiếng của Từ mới lại vang lên rành rõ, ớn lạnh, vô cảm vô hồn:
- Nhuệ Anh… Xin nàng hãy quên ta đi. Xin nàng hãy coi như ta không còn trên cõi đời… Đời ta, dẫu sau này có thác xuống làm ma nơi âm phủ hay đầu thai vào kiếp khác… Ta vẫn vĩnh viễn mang ơn nàng…!
Nhuệ Anh còn chưa hết bàng hoàng vì những lời của Từ thì nàng đã thấy đôi bờ vai của mình trùng xuống chạm nền gạch lạnh toát của miếu hoang. Từ đã xoay người. Giờ đây chàng quay lưng lại phía nàng, úp mặt về phía tường rêu, hai con mắt vẫn mở trừng trừng lạnh lẽo…
Khi Nhuệ Anh tức tưởi chạy đến cổng nhà thì đã quá canh ba. Đôi bàn chân trần bé nhỏ tướp máu. Nỗi uất ức tuyệt vọng bóp nghẹt tim nàng. Nhuệ Anh lặng lẽ đẩy cánh cửa để vào nhà mà không nhận ra cha nàng đã bí mật theo sau nàng, đau đớn ngắm nhìn nỗi tuyệt vọng của con. Ông đã về trước, rút sẵn chốt cửa chờ con. Trong lòng quan Ngũ phẩm Tôn Trinh vừa đau xót lại vừa gần như nhẹ nhõm. Ông nghĩ, vậy là việc nhân duyên của con gái mình với Lý Câu đã là số mệnh, hoạ phúc thiên định. Cha con ông không phải là kẻ thất phu sai lời hẹn năm xưa với Tăng đô án Từ Vinh. Ông lại tự hứa với mình, dẫu buông xuôi cho con gái lấy Lý Câu nhưng ông sẽ ngầm lo liệu giúp Từ Lộ khi có dịp. Âu cũng là trả cái nghĩa với người bạn đồng liêu năm xưa.
… Xe vàng chuyển
Cờ nghê bóng quyện
Tiêu xa luyến…
Tiếng đàn sáo đã vang lừng trước cổng kéo Tôn Trinh trở lại thực tại. Tôn Trinh tái người khi nhận ra đây là nhã nhạc chỉ dành cho bệ rồng. Công tử Lý Câu lại ngông cuồng đến mức này ư? Ông nheo mắt che tay nhìn kỹ, cố tìm trong đám người theo sau ông mai mối xem có thấy gương mặt song thân chú rể. Theo phong tục cha ông để lại Từ bao đời nay, Đại đăng khoa bao giờ cũng là lễ trọng nhất và không thế vắng mặt song thân chú rể. Nhà Diên Thành hầu đã ngạo nghễ bỏ qua lễ vấn danh, lễ sơ vấn mà vào ngay lễ Đại đăng khoa này. Một sự ngạo ngược đã đành. Vậy mà nay trong dòng người đã đến trước cổng nhà ông kia vẫn không thấy mặt vợ chồng Diên Thành hầu. Họ cậy thế coi rẻ người quá lắm. Trong lòng Tôn Trinh trào lên niềm uất tủi. Nhưng nhìn lại, ông thấy bà vợ mình đã loe xoe xiêm áo bên cạnh… Không thể dừng lại được nữa rồi. Quan Ngũ phẩm đành sửa mũ xốc áo quát lũ gia nhân ra mở rộng hai cánh cổng.
Cổng vừa mở, Lý Câu đã hấp tấp gạt đám tiểu đồng vây quanh, vượt lên chen qua ông mai bà mối để vào sân trước. Trong thâm tâm, vị công tử ăn chơi này cũng ngạc nhiên vì những hành xử khác thường của chính mình. Từ lúc còn là một đứa trẻ mười ba tuổi, Lý Câu vỗ ngực không biết bao nhiêu gái đẹp đã qua tay mình. Từ các tố nữ yểu điệu trông chốn phòng khuê cho tới những bông tầm xuân hé nụ nơi thôn dã. Từ bọn ca kỹ nhẵn mặt khách làng chơi đến các tiểu thư con quan nhất nhị phẩm, mỗi khi Lý Câu muốn thì lập tức trong phủ đệ của hắn lại phấp phới những bóng hồng. Lý Câu như con ong hoang cả thèm chóng chán, không đậu cánh hoa nào được vài tuần trăng. Điều này không phải không gây cho Lý Câu và vợ chồng Diên Thành hầu nhiều tai tiếng phiền nhiễu. Nhưng công tử là con một. Theo phép vua ban, Lý Câu sắp đến tuổi tập ấm tước cha. Diên Thành hầu phu nhân đã có ý chấm nhiều đám môn đăng hộ đối. Nhưng cậu con trai ngỗ ngược không nghe.
Lý Câu nhìn thấy tiểu thư Nhuệ Anh trong lễ Vu Lan ở chùa Diên Khánh năm ngoái. Vẻ đẹp khác lạ của người con gái đứng mơ màng bên bụi hoa ngâu trước sân chùa khiến công tử họ Lý ngẩn người. Đến lúc người con gái quay mình toan dời bước vào lễ Phật thì công tử Câu vội len theo. Trên tay công tử là chùm hoa ngâu vừa hái mong tặng cho người đẹp. Nhưng cô tiểu thư dửng dưng. Nàng cúi chào sư trụ trì rồi cùng mấy cô bạn ríu rít soạn lễ. Công tử Câu vỗ tay gọi kẻ hầu. Nhưng vẻ xăng xái, nể trọng của mấy tăng ni nhận lễ và dáng vẻ đoan trang lạ thường của người con gái khiến công tử phải chùn tay. Lập tức cho người dò hỏi, biết nàng là tiểu thư con quan Ngũ phẩm Tôn Trinh, thì trong dạ mừng thầm, tưởng chừng như vưu vật đã nằm gọn trong tay rồi.
Nào ngờ Nhuệ Anh đã hứa hôn với Từ Lộ, con quan Tăng đô án Từ Vinh. Hoa đã có chủ. Nhưng với Lý Câu thì điều đó chẳng hề gì. Những cản ngại đối với gã bao giờ cũng làm tăng thêm sự hấp dẫn. Mỗi lần gặp, nhan sắc khác thường của Nhuệ Anh lại thêm một lần nữa làm Lý Câu bồn chồn nghiêng ngả.
Những đêm dài sau cuộc truy hoan, lần đầu tiên công tử Lý Câu thấy trong lòng trống trải. Và bóng dáng Nhuệ Anh với nét mày đa đoan nằm ngang trên đôi mắt long lanh, mới nhìn như vui, ngắm kỹ như u uẩn sầu đong đã ngày đêm ám ảnh. Lý Câu thấy mình đang nằm úp trên gương mặt quyến rũ kỳ lạ ấy, hai khuỷu tay ngập trong mớ tóc mây xoã tung của nàng và cuộc mây mưa đạt đến khoái lạc khôn tả trong tiếng gào thét của Nhuệ Anh. Tỉnh dậy, vạt đệm da cáo trắng ướt đầm dưới chỗ gã nằm.
Từ đó, những cuộc ân ái với mọi giai nhân khác đều trở nên nhạt như nước ốc. Cơn thèm khát càng dâng cao tột độ. Lý Câu hiểu rằng, hắn sẽ héo mòn tâm can nếu không độc chiếm vợ chưa cưới của Từ Lộ về làm của riêng. Nhưng dù đã hãm hại được gia đình Tăng đô án Từ Vinh, nhưng trong mắt Nhuệ Anh vẫn chỉ có hình bóng Từ Lộ độc chiếm. Nhuệ Anh càng xua đuổi, càng cao ngạo, ngọn lửa dàm mê càng rừng rực thiêu đốt Lý Câu.
Một buổi tối, khi song thân của Lý Câu vừa thưởng thức món hùng chưởng hầm sâm, đang ngồi xỉa răng bằng tăm ngà, thì giật nẩy mình khi cậu quý tử chạy vụt tới. Đồng thời, từ tay cậu, một lưỡi đao sáng loáng cắm phập xuống chiếc sàn gỗ lim, rung lên bần bật. Phu nhân lẩy bẩy. Diên Thành hầu vốn biết tính nết cậu quý tử, đứng vụt dậy nhìn con trừng trừng. Cậu quý tử một mực đòi cha mẹ phải đến hỏi Nhuệ Anh về làm vợ. Nếu cứ ngăn cản, cậu sẽ dùng lưỡi đao này đâm chết cha mẹ rồi tự đâm vào cổ mình. Việc Lý Câu bỗng dưng gắn bó với một người con gái, mà đó lại là vị hôn thê của con trai Tăng đô án Từ Vinh, khiến cả vợ chồng Diên Thành hầu vừa ngạc nhiên, vừa phẫn uất…
°

*

Ông bà mai mối nhả miếng trầu đang nhai dở, hai tay nâng cái dải lụa hồng, còn đang định lựa lời mở miệng thì Lý Câu phất tay sải ba bước tới mặt vợ chồng Tôn Trinh đang đứng trên thềm nhà. Cúi mặt vái hai vái mà mắt vẫn ngước lên dáo dác tìm kiếm:
- Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt, song thân tôi cho mang lễ vật tới làm lễ Đại đăng khoa. Hẹn sau mười ngày nữa, lễ Tiểu đăng khoa cử hành, đón Nhuệ Anh tiểu thư về cùng tôi gá nghĩa trăm năm.
Nghe câu nói sỗ sàng thất lễ, ông mai bà mối đưa mắt nhìn toan lên tiếng đỡ lời. Nhưng Lý Câu dã quay lại. Mười hai thanh nữ nhất loạt tiến lên, đồng loạt nhún chân hạ dẫy qủa sơn son. Các tiểu đồng răm rắp thành hàng ngang, lẹ tay mở những chiếc quả đựng lễ vật. Sáng loà giữa đám lễ vật là một buồng cau lớn, những quả cau bằng bạc khối mà chỉ khẽ đụng vào thì tiếng bạc cũng ngân rung. Một trăm cặp bánh phu thê làm bởi những tay thợ khéo nhất kinh thành được gói bằng lá dong xanh mướt cột lạt nhuộm đỏ tươi rói. Hai mâm xôi gấc hạt mọng thẫm, hai mâm xôi trắng ngật ngưỡng, trên đỉnh mỗi mâm là một thủ lợn kếch sù có gài bông hoa đỏ chói bằng lụa nơi mõm. Khi nhìn đến chiếc quả sơn son cuối cùng, mọi người đều ồ lên một tiếng kinh ngạc trước bộ nữ trang quý giá mà Diên Thành hầu tặng con dâu. Một đôi hoa tai xoè sáu cánh vàng uốn cong, nhuỵ hoa là một viên ngọc ánh hồng như hút lấy ánh sáng toả ra từ ngọn nến mà lũ tiểu đồng nhà Lý Câu vừa thắp lên. Trong chiếc hộp ngà trạm trổ tinh xảo là hai con rồng vàng chầu mặt nguyệt uốn cong thành một chiếc kiềng đỡ hai chữ "Phúc Lộc". Nằm sum vầy giữa hộp là đôi vòng cũng bằng một thứ ngọc nổi vân đen trên nền xanh biếc. Mộ chiếc trâm bằng đồi mồi có sáu dây tua mà lủng lẳng mỗi đầu dây là một viên trân châu.
Lý Câu nhìn khắp mọi người, vẻ tự mãn làm tròn đầy, nở nang khuôn mặt. Công tử quay sang nhìn vào mặt Tôn Trinh hỏi:
- Thưa nhạc phụ… sao không để Nhuệ Anh tiểu thư ra nghênh tiếp? Tôi muốn nhìn thấy bà mối đeo kiềng vàng cho tiểu thư!
Tôn Trinh nghiêm sắc mặt:
- Nhà công tử nhiều châu báu lắm, chúng tôi biết. Nhưng con gái nhà chúng tôi có đi lấy chồng đi chăng nữa cũng không phải vì chuộng kiềng vàng đâu. Song thân nhà công tử đâu, sao không diện kiến. Xưa nay con nhà nề nếp chưa từng có ai tự đi hỏi vợ bao giờ. Vả lại, công tử còn không biết phép nước, dám dùng nhã nhạc của cung đình đem rong ruổi trên đường như một bầy hát rong. Phiền công tử hãy mang lễ vật trở về nhà.
Đứng cạnh chồng, Tôn Trinh phu nhân nghe những lời của chồng thì rụng rời chân tay. Bà vội vàng đỡ lời, nói như người hụt hơi:
- Kìa phu quân, sao hôm nay ông quá lời làm vậy? Gia đình hoàng thân là chốn cao sang thì có bao giờ lại không biết phép tắc? Chẳng qua… có lẽ hôm nay ngài bận vào triều luận bàn quốc sự…
Tôn Trinh quắc mắt nhìn vợ:
- Bà chớ nguỵ ngôn với ta để bênh vực cho những điều trái nề nếp gia phong…
Thấy tình thế nguy ngập, bà mối vội bước lên, uốn lưỡi dẻo quẹo:
- Thôi mà. Trăm sự xin ông bà lượng thứ. Công tử chúng tôi tuy còn trẻ người non dạ nhưng một lòng yêu thương Nhuệ Anh tiểu thư. Ông bà ta xưa đã dạy: "Thật thà bằng ba khôn khéo". Sinh ra làm phận gái ai cũng phải lấy chồng. Nay ông bà được kết thân với nhà Hoàng thân quyền thế lệch thiên hạ, còn hưởng nhiều phúc lộc về sau. Tiểu thư được sánh đôi với Lý công tử, mỗi bước chân đi ngập trong châu báu, gấm vóc. Cái vinh hạnh chất ngất ấy thử hỏi trên đời ai là người không mơ ước? Xin nghĩ đến tương lai của tiểu thư mà cẩn trọng. Đừng làm cho Hoàng thân bất ý một lần nữa.
Tôn Trinh không nói thêm được lời nào. Ý muốn của công tử Lý Câu cứ như một dòng thác lũ bất cần lẽ phải. Đám lễ vật sáng loá trước mắt cũng xoa dịu sự bực bội của ông đôi phần. Ông tự an ủi rằng dẫu thế nào đi nữa, ái nữ của ông cũng được một chỗ ấm thân. Dẫu Lý Câu vốn là một kẻ ngông cuồng càn rỡ nhưng con gái ông vốn bướng bỉnh, biết đâu với sắc đẹp và tài trí của nó, nó sẽ thuần phục được con ngựa hoang toàng kia… Nghĩ đến đây, tâm trạng căng thẳng đối phó của quan Ngũ phẩm Tôn Trinh chùng xuống.
Ông sai gia nhân:
- Vào mời tiểu thư ra đây.
Chưa dứt lời đã thấy tiếng Nhuệ Anh vang lên ngay sau lưng ông:
- Thưa cha mẹ, xin cha mẹ thứ có con tội thất lễ. Con xin có mấy lời với công tử.
Tôn Trinh giật mình quay lại. Con gái ông xoã tung tóc, mắt ráo hoảnh, mặt không son phấn. Nàng nhợt nhạt nói với Lý Câu đang ngẩn người:
- Nhuệ Anh tôi xin cảm ơn sự chiếu cố của công tử. Tôi xét mình phận mỏng, kém quyền thế, không xứng kết đôi cùng công tử, công tử mang lễ vật về ngay cho.
Nói xong nang phăm phăm chạy đến bên mâm cau bạc, nhặt lấy chiếc hộp trang sức đang hắt ánh sáng chói lọi rồi đặt vào tay Lý Câu. Lý Câu đang ngơ ngác chưa kịp hiểu ra chuyện gì, bất giác hai tay đỡ lấy mâm đứng như trời trồng giữa sân. Cả đám đông lặng im, há miệng nhìn.
Tôn Trinh phu nhân tái mặt, lật đật chạy ra quát:
- Hỗn nào! Nhuệ Anh! Phận gái cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Phải biết giữ bổn phận.
Nhuệ Anh nhìn mẹ:
- Thưa mẹ, mẹ có chóng quên quá không? Cha mẹ đã sắp đặt cho con một lần và con đã nghe theo. Con quyết không lấy ai ngoài Từ công tử. Xin cha mẹ đừng ép duyên con.
Lý Câu cười nhạt:
- Từ công tử?… Lẽ nào nàng chẳng biết cái thằng dở điên dở khùng ấy đã mắc vào tội vu oán giá hoạ cho người khác, may nhờ hồng ân của cha ta nên mới khỏi bị xử trảm. Mà có khi hắn đã chết rũ xương nơi nào rồi…
Không biết được sự tình nỗi oan trái của Từ Lộ là do cha con Diên Thành hầu gây nên, nhưng Nhuệ Anh cảm thấy rất rõ giọng nói của gã công tử đang đứng trước mặt nàng một vẻ khoái trá dã thú khiến nàng ghê sợ. Nhuệ Anh khinh miệt nhìn gã, ngắt lời:
- Công tử chớ quá lời. Chớ khoái trá khi nói về nỗi bất hạnh của kẻ khác. Trời có mắt. Ta không bao giờ tin người trung nghĩa như cha con Từ công tử lại có thể làm điều gì không xứng đáng. Trong lòng ta chỉ có Từ Lộ mà thôi. Ta tin sẽ có ngày chàng giải được nỗi oan khuất này.
Lý Câu vằn mắt:
- Nàng chớ hão huyền. Muốn gì thì mươi ngày nữa nàng cũng đã nằm trên giường cưới của ta. Ta đã hẹn với nàng trên cầu, vào đêm Nguyên tiêu. Cho đến nay, lẽ nào nàng chưa hiểu tính ta. Ta đã nói, đã muốn cái gì thì dẫu sét đánh ngang tai cũng mặc. Hôm nay, vì sắc đẹp của nàng, ta bỏ qua cho nàng tội bất kính. Lúc này ta chỉ muốn chạy nhanh tới đêm tân hôn. Và hãy nhớ, cái gì công tử Lý Câu này đã muốn ắt phải được.
Rồi đĩnh đạc, khoan thai, Lý Câu mở một nụ cười với vợ chồng Tôn Trinh:
- Bây giờ ta phải về, Cha ta đang mở tiệc khoản đại bạn bè khách khứa. Chắc ông bà tuổi cao, từng trải cũng biết rõ lẽ thiệt hơn mà làm cho tiểu thơ bớt bướng bỉnh.
Gã quay sang cười với Nhuệ Anh đang đỏ bừng mặt vì tức giận:
- Khi tiểu thư tức giận trông càng bội phần xinh đẹp. Ta thích ngay cả sự bướng bỉnh của tiểu thư. Mười ngày nữa, nàng sẽ còn dịp mà phô vẻ tức giận trước mặt ta.
Giáo phường lại nổi nhạc. Mười hai cô gái đội lên đầu những chiếc quả rỗng không, cùng ông mối bà mai và lũ tiểu đồng nhún nhẩy trở về. Lý Câu đi sau cùng. Xe ngựa ghé sát thềm. Trước khi bước lên xe, còn quay lại ghé vào tai vợ chồng quan Ngũ phẩm Tôn Trinh:
- Ông bà hãy cấm cung tiểu thư Nhuệ Anh ngay từ bây giờ. Đừng để tai vạ đến cả dòng họ. Xin hãy bảo trọng.