Chương 4

Lần đầu tiên tôi không tin ở thị giác của mình. Tôi có nhìn lầm không? Chiếc xe hơi đã đến đầu ngả tư và ngừng lại vì đèn hiệu đã bật đỏ. Tôi nhìn lại kỹ hơn. Không thể nghi ngờ ở mình nữa. Trên xe đúng là thầy Chung. Bên cạnh ông là Thi. Tôi không lầm được dáng người nhỏ nhắn ấy. Vẫn chiếc áo dài trắng vải nội hóa Thi mặc hàng ngày và mái tóc dài xỏa đến vai. Tôi lạ lùng nhìn theo chiếc xe hơi, và lạ lùng nhìn thầy Chung vừa lái xe vừa cười nói thân mật với Thi.
 
Tôi bàng hoàng một phút. Chiếc xe đã vọt đi mất mà tôi thì ngơ ngác, nghe như bên tai còn có tiếng cười. Tôi nghĩ giá hôm nay đừng ra đường, thì khỏi thấy cảnh này, khỏi thêm cho mình một điều thắc mắc. Chưa bao giờ tôi thấy trong lớp thầy Chung nói chuyện riêng với một ai. Thầy trẻ tuổi, nhưng nghiêm trang -  nghiêm trang đến độ chưa hề nhếch mép cười với ai một cái dù là trước một chuyện hết sức dí dỏm. Cái nghiêm trang đến khó tính của thầy đã làm cho tôi mất đi một phần sự vui vẻ ngay hôm đầu tiên, lúc thầy tưởng rằng tôi lo chơi không đứng dậy chào. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Thi nói chuyện riêng với một giáo sư nào. Vậy mà hôm nay, bỗng nhiên nhìn thấy Thi ngồi trên xe với thầy Chung, tôi cho là mình vừa chứng kiến một chuyện lạ kỳ. Hết nghi ngờ thị giác, tôi lại đâm ra ngờ vực nhận xét của mình. Tôi có xét đoán lầm lẫn về Thi trước đây không? Tại sao tôi luôn nhìn Thi như một nữ sinh ngoan, tốt, có một không hai? Vì tôi đã căn cứ trên một sự tương đối chăng? Giữa một đám nữ sinh ăn mặc lòe loẹt, cười cợt tự do, tôi thấy Thi đoan trang trong  tà áo trắng, hiền lành nhã nhặn. Giữa những kẻ vô tình, ỷ lại, bê tha, tôi thấy Thi chăm học, có chí tự lập. Thế thôi. Tôi chưa hiểu gì hơn nữa. Những đức tính ấy không phải là khó tìm trong một con người. Mẫu người như Thi chưa phải là hiếm có trong xã hội. Tôi đã nhìn người bằng một nhãn quan tuyệt đối. Bây giờ tôi thất vọng. Phải chăng ai ai cũng có những góc cạnh không đẹp mà mình chưa hoặc không nhận thấy? Khổ cho trí tưởng tượng của tôi, tôi muốn quên đi những điều trông thấy thì qua hôm sau tôi được biết chính Tuyết, cô học trò lẻo mép nhất lớp, cũng thấy cảnh thầy Chung và Thi ngồi trên xe hơi. Tuyết nói cho mấy cô bạn nghe, cười khúc khích với nhau, rồi khi thấy Thi đi ngang, họ cùng phá lên cười làm cho Thi ngơ ngác một lúc.
 
Thi đi cùng với Lan, người bạn thân nhất, khi đến trước mặt tôi, Thi hỏi:
Đồng vẫn chưa đi học lại hở anh Nghiêm?
Tôi lắc đầu:
Đồng quyết nghỉ học luôn.
Thi tròn xoe đôi mắt:
Nghỉ luôn?
Hắn đã nhất định rồi. Tôi không khuyên được.
Anh biết nhà Đồng không?
Tôi có đến một lần.
Thi muốn nhắn… Đồng đi học. Thi có chuyện cần nói.
Tôi có thể biết được không?
Thi tủm tỉm cười, lắc đầu, ra vẻ bí mật. Tôi lấy làm lạ, nhưng không hỏi tiếp. Tôi lơ đãng nhìn ra chỗ khác. Thi ngạc nhiên một thoáng, rồi kéo tay Lan đi. Tôi không nhìn theo. Tôi sợ ấn tượng không tốt đã có trong đầu sẽ khiến tôi nhìn Thi bằng đôi mắt đầy ác cảm. Tôi ngao ngán nhìn trang giấy trắng mở ngỏ. Vắng Đồng, tôi thấy sự học là một cái gì đó khó nuốt. Tôi hết có ai để bàn nhau về một bài toán, đố nhau cỏ cây hoa lá, định lý, định đề…
Bây giờ tôi nhận thấy rằng sở dĩ tôi thích học là vì tôi có bạn. Đi học mà thiếu bạn thì kể như một sự mất mát. Tôi nghĩ không biết giờ này Đồng đang làm gì? Nấu bắp, khoai cho em mang đi bán, đi lang thang tìm một việc làm mới, hay là đang phụ trộn hồ, khiêng gạch ở một công trường nào? Những ý tưởng so sánh người này với kẻ kia, cảnh này với cảnh nọ làm cho tôi cảm thấy đầu nặng trĩu. Tôi muốn thốt lên những lời phẫn nộ.
 
°°°
 
Bài toán dễ, nhưng hình như Thi không nhớ kỹ giáo khoa nên lúng túng. Thi đứng lặng trước bảng đen có đến năm phút mà chưa chứng minh được hai đường thẳng trực giao. Tôi đã làm xong bài toán ra giấy nháp, nhìn lên bảng và sốt ruột. Tôi không tin rằng Thi dễ đầu hàng bài toán căn bản như vậy. Tôi nhớ lại hôm nọ Đồng không thuộc bài “Cảnh già” của Nguyễn Khuyến là vì Đồng có một nỗi băn khoăn làm bận trí. Một người bình thường nào cũng vậy.
 
Thi có vẻ ngượng. Mà thầy Chung cũng đang sốt ruột. Có lẽ ông đang hối hận đã gọi Thi lên làm toán trên bảng để cho Thi phải bí như vậy. Ông hỏi:
Này, nghĩ ra chưa?
Thi ngại ngùng lắc đầu. Thầy Chung bảo:
Thôi, cho về chỗ. Tôi mời… anh Long.
Thi bước xuống bục, mặt buồn thiu. Thầy Chung nói thêm:
Phải học bài lại nhé! Gì thì gì mà học dở thì tôi vẫn cho zero như thường đó.
Tôi nghe từ phía nhóm của Tuyết có tiếng cười. Chỉ có tôi mới hiểu ý nghĩa của giọng cười đó. Tự nhiên tôi nóng bừng mặt. Tôi xấu hổ thay cho Thi chăng? Không phải! Tôi xấu hổ cho tôi, trót chứng kiến quá nhiều chuyện mà lẽ ra tôi đừng thấy đừng nghe. Tôi quá lẻ loi ở lớp học này. Tôi muốn ở nhà vài ngày để nghỉ ngơi. Nhưng kỳ thi đệ nhất bán niên sắp đến rồi. Tôi không thể phí bỏ những ngày học tập. Tôi đến lớp ngồi, ráng nuốt những lời giảng của thầy như người bệnh suyễn khó khăn nuốt chửng con thằn lằn. Nghi em tôi phải đỡ tôi lên, dìu tôi xuống thang lầu. Thấy thế, cô nàng Tuyết lại xì xào với bạn rằng vắng Đồng, tôi thiệt hại nhiều lắm, vì Đồng lúc trước dìu tôi lên xuống và chở tôi về; tôi chơi với Đồng, không phải vì Đồng mà vì “nhờ cái vai của Đồng”. Tôi không giận họ, nhưng buồn quá! Tôi, có lúc, đã nảy ra ý nghĩ bỏ trường này mà đi. Tôi sẽ qua một trường khác, kỷ luật hơn, nổi tiếng hơn, để tiếp tục học. Tôi sẽ không có gì để suy nghĩ.
 
Nhưng bỗng nhiên nhìn Phát đang ngồi lù lù trước mặt, tôi cầm lòng không được. Mái tóc Phát hình như cả tháng nay chưa hớt, rũ lòa xòa nơi cổ áo. Nước da của hắn đến hôm nay xanh xao thấy rõ. Tôi thấy hắn che miệng ngáp trong giờ học. Phát vẫn bị Đĩnh đi theo nói to nói nhỏ. Tôi buồn bực thấy Phát yếu mềm và mất tự chủ. Hắn cứ nhận ở Đĩnh những gói giấy nhỏ và tiếp tục đi vào lớp học trống ở cuối hành lang. Tôi không biết làm sao để can thiệp.
 
Tôi quyết định gặp ông Giám thị. Trong giờ ra chơi tôi thấy ông Giám thị cầm roi đi rảo trước các lớp. Tôi chống nạng bước ra và gọi:
Thưa thầy, con muốn thưa với thầy một chuyện ạ.
Ông Giám thị dừng lại, nói:
À, anh trưởng lớp. Có việc gì vậy?
Tôi đến gần ông hơn, nói nhỏ:
Có một chuyện tệ hại xảy ra ngay trong lớp con.
Tôi sợ người xung quanh nghe nên kề tai ông nói nhỏ cho ông nghe những điều tôi biết. Nghe xong ông trợn mắt:
Anh nói nghe ghê quá! Tôi chưa bao giờ ngờ tới.
Thưa thầy, đó là sự thật.
Nhưng làm sao để ngăn chận?
Con đề nghị là khóa cửa lớp học đó lại đừng cho ai ra vào, sau đó sẽ lựa lúc xét cặp của Đĩnh.
Ông Giám thị thốt lên:
Thằng Đĩnh? Thằng “ba trời” đó?
Vâng, chính anh ta là kẻ đã làm cho nhiều người hư hỏng.
Tôi sẽ xét lại ý kiến của anh và nói cho ông Hiệu trưởng biết.
Ông Giám thị không đợi tôi nói gì thêm, vội vàng đi thẳng. Tôi chán nản lắc đầu. Thêm một điều nữa hiện rõ trước mắt: những kẻ nóng nảy nhất là những kẻ nhát gan nhất.
 
Tôi không muốn đầu hàng. Tôi nhất định đến tìm nhà thầy Hiệu trưởng. Bốn năm trước, tôi đã có đến nhà ông một lần để chúc Tết. Tôi gặp ông ở nhà. Ông đang bệnh, mặc áo ấm, quàng khăn quanh cổ. Ông nhìn tôi, ngờ ngợ:
Anh… trông quen quen… nếu tôi nhớ không lầm…
Tôi hơi mừng, đáp ngay:
Thưa thầy, con là học trò cũ ở trường. Bây giờ con về học lại. Xưa con có đi với  bạn con đến đây chúc Tết thầy.
Ông Hiệu trưởng gật gù:
À, tôi cũng nhớ mang máng như vậy. Hôm nay anh có việc gì mà phải đến đây cực nhọc thế?
Ông chỉ vào ghế sa-lông:
Anh ngồi đi, đứng lâu mỏi chân.
Rồi ông cũng ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn tôi, chờ đợi.
Thấy ông mệt mỏi, già yếu, tôi bỗng xúc động. Cái nguyên nhân mà ngôi trường càng ngày càng tệ phần lớn là do bởi ông Hiệu trưởng không còn phong độ như xưa. Tôi ngần ngại nói:
Thưa thầy, con có một việc mà xét ra không được giấu giếm, con thấy phải trình bày với thầy để nhờ thầy giải quyết. Thầy đang ốm, mà con đến phá rầy như thế này thật con ngại vô cùng.
Ông Hiệu trưởng cười:
Tôi không lấy đó làm phiền. Tôi đã già, bệnh hoạn là lẽ đương nhiên. Anh là học trò cũ của trường, tôi cũng không giấu làm gì. Từ lúc bà nhà tôi mất, tôi sinh ra đau ốm hoài. Chắc đã đến lúc kiệt lực. Rồi thì cũng theo bà cho xong… Thôi anh có gì muốn nói cứ nói đi.
Thưa thầy, con là trưởng lớp mười một A, từ lúc vào học đến nay con thấy xảy ra nhiều điều không tốt. Nhưng chuyện nguy hiểm nhất mà trường ta phải ngăn ngừa…
Là chuyện gì?
Thưa thầy, một số nam sinh dám… hút…
Ông Hiệu trưởng lắc đầu:
Điều đó tôi cũng đã biết. Anh nghĩ coi, một ông già cũng hút, một cậu bé mười hai tuổi cũng tập tành phì phèo thuốc lá, thì những thanh niên cỡ tuổi của anh… làm sao cấm họ hút?
Tôi nuốt nước bọt:
Thưa thầy, không phải con muốn nói như thế.
Ông Hiệu trưởng xoay người đổi thế ngồi, ngạc nhiên:
Anh vừa mới nói với tôi là các nam sinh hút?
Tôi như kẻ đã vào đường cùng, đành phải nói hai chữ mà tôi không dám nói:
Thưa thầy, … bạch phiến…
Trời!!!
Ông Hiệu trưởng bật dậy như cái lò xo. Ông như vẫn chưa tin ở thính giác của mình. Tôi cúi đầu:
Thưa thầy, thật vậy.
Ông Hiệu trưởng ôm đầu, nói giọng khổ sở:
Sao lại có chuyện đó hở Trời?
Tô!!!9613_2.htm!!! Đã xem 23164 lần.


Nguồn: VNTQ - Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Được bạn: NHDT đưa lên
vào ngày: 19 tháng 7 năm 2007