Chương 5

"Chưa được vào! Chưa được vào!" Đông ngập ngừng ở ngưỡng cửa, láng máng nghe thấy tiếng Lý hắt ra. Trời sáng tờ mờ. Đám tổ tôm chơi bù mấy ngày Tết kéo một mạch cho đến tận giờ. Giờ là năm rưỡi sáng và đứng dậy ra khỏi cái chiếu tổ tôm là mắt Đông đã díp lại rồi.
"Chưa được vào! Chưa được vào!" Một lần nữa, lại nghe thấy tiếng Lý gắt. Nhưng lần này, không thể đừng được nữa, Đông đã buồn ngủ quá rồi. Mắt hấp him, chân lệt xệt, vừa bước vào buồng tay Đông vừa quờ quờ sờ soạng tìm cái giường.
Đã tìm thấy cái giường, sờ trên chiếu thấy những quân bài tú lơ khơ vứt bừa bộn, Đông liền gạt đi, và ngẩng lên, thấy lờ mờ một hình khối thân thể phụ nữ sáng mờ, biết là Lý vợ mình đang đứng trước cái tủ gương ở cạnh mình, nhưng cũng chẳng nói được một câu, Đông liền lăn ạch xuống giường.
Lý đã dậy và từ lúc nãy đã đứng trước gương. Nghe thấy tiếng Đông ngáy, Lý quay lại, vứt cái áo vừa túm lấy che ngực, lườm chồng một cái thật nặng, rồi lại trở về với bóng hình mình trong gương.
Lý đang soi gương thử chiếc xu chiêng mới, chiếc xu chiêng ni lông, cỡ bốn mươi, màu da người.
Trong gương, bây giờ là một cô gái mình trần, đẹp mỡ màng. Gương Tàu, soi rất thật mặt, mà lại như soi một người khác, một thiếu nữ đã nảy nở chín muồi, hoàn thiện về thể chất và sắc đẹp. Lý rất có ý thức về sức đẹp được trời phú bẩm của mình, chị hướng sự chú ý tới cái đẹp của làn da, gương mặt, khuôn ngực, và ít lâu nay bỗng nảy sinh một khoái cảm mới: ngắm mình gần như khoả thân trước gương mỗi sớm mai trở dậy. Như giờ đây, chị yêu thích vẻ sắc sảo, hài hoà của mỗi đường nét trên khuôn mặt mình, mỗi chi tiết giới tính trên cơ thể mình, và làn gương theo thế đứng mỗi lần thay đổi của chị, lại một lần hiện lên đến táo bạo những nét hình uyển chuyển như biến ảo, khiến chị ngợp trong kiêu hãnh và thân hình như nở bung vì đã tới tột đỉnh của hài lòng. Chị cười với mình trong gương. Chị đưa con mắt lá răm tình tứ liếc mình trong gương. Chị uốn éo đi lại trước gương. Chị yêu thích làn da trắng hồng mơn mởn thanh tân và nhiều lúc xoa vỗ bắp tay, bả vai, bầu ngực, cặp chân hừng hực sức sống của mình, chị rơi vào trạng thái đê mê nhục cảm.
Lý thuộc loại phụ nữ qua thời thiếu nữ mới thật sự hoàn chỉnh nhan sắc. Vào tuổi bốn mươi, chị đẹp đầy đặn, toàn vẹn và thuần thục.
Thực ra, cô nữ sinh Lý, ngay từ những năm đầu lên thành phố vừa học vừa tập nghề may dưới sự bảo trợ của ông chú bà thím giàu có, hiếm con, tốt bụng, trông đã ngồ ngộ, hay hay lắm rồi. Những câu đùa chớt nhả, những lời ướm hỏi bóng gió và cái lối tán tỉnh sàm sỡ của đám trai hàng phố đã sớm thức tỉnh ở cô cái ý thức về ưu thế của mình và cô đã ra sức chăm chút nó. Tuổi mười lăm, da óng ả, tuyết nhung, mắt lóng lánh sáng trong, Lý đã thấy thinh thích một cái nhìn đưa đẩy, một cái vuốt má nghịch ngợm của một người đàn ông. Cửa hàng may "Mon tailleur" của ông chú Lý ở cạnh nhà vợ chồng viên quan ba tàu bay chính quyền Bảo Đại. Cô vợ là nữ sinh trường Đồng Khánh, lấy chồng, bỏ học, ở nhà chỉ lo việc nội trợ. Viên quan ba đã tứ tuần còn rất trai lơ, mỗi lần ở sở về, đi qua cửa hàng may hay ngó vào nhay nháy mắt, và tìm mọi cơ hội để vuốt má Lý, động chạm vào thân mình Lý. Còn cô vợ của người đàn ông này, mỗi sớm tha thướt cái áo dài hoa hiên ra chợ, ngồi ở các hàng bún gà, xáo vịt, giò chả ngon nổi tiếng, đến chín giờ, đủng đỉnh xách cái làn đồ ăn về qua, thế nào cũng ngó vào cái cửa sổ Lý vẫn ngồi học bài và tập may, cất tiếng thánh thót: "Cô Lý chăm quá! Chưa đi học kia à? Hay là thôi học, sửa soạn lấy chồng đấy? Để chị làm mối cho một ông quan ba nhé. Thích quan ba tàu bay hay tàu bò nào?" Cô ta đánh thức niềm ao ước cuộc sống lứa đôi ở Lý từ lúc Lý mới dợm chân vào thời thiếu nữ.
Một ngày kia, trước mặt Lý xuất hiện một chàng trai sĩ quan, mũ đính sao vành vàng, bụng kênh kênh khẩu K.54. Thành phố tưng bừng chào đón các chiến sĩ từ vùng kháng chiến về giải phóng. Vợ chồng viên quan ba tàu bay đã tếch vào Nam. Ông chú bà thím Lý cũng vội vã ra đi. May mắn, Lý đã không nghe theo lời xui dại ngon ngọt của họ. Lý đi theo tiếng gọi của trái tim thiếu nữ. Trong niềm thiện cảm và kính trọng chung của người thành phố với những chiến sĩ giải phóng, cô cảm mến và chẳng bao lâu đã yêu tha thiết anh đại uý quân đội nhân dân Việt Nam nọ sau vài lần anh đến nhờ lơvê hộ một cái gấu quần, lộn cổ hộ một cái áo sơ mi. Tình yêu giữa cô thợ may tập sự với anh bộ đội người thành phố ra đi kháng chiến chín năm, giờ đóng lon quan ba, trở nên thắm thiết ngay sau khi thành phố sạch bóng quân thù được hai tháng, nhưng phải tới năm 1960 đám cưới của họ mới được tổ chức.
Lấy Lý, Đông hoàn toàn mãn nguyện. Lý xinh đẹp, ít học nhưng thông thạo thực tiễn và đảm đang. Lấy Đông, Lý cũng mãn nguyện. Cái mộng thành vợ một sĩ quan như cô nữ sinh Đồng Khánh áo hoa hiên vẫn hằng vẩn vơ lưu giữ trong tâm trí Lý đã mau chóng hài hoà với những cảm quan mới mẻ và thực tế của cuộc sống hôm nay. Đông gần như xa nhà suốt từ năm 1961 cho đến tận khi hoà bình lập lại. Anh chỉ được sống với vợ trong những ngày nghỉ phép năm, hoặc về thủ đô họp hành, học tập. Năm 1963, Lý mới sinh thằng Dư và dọn về ở hẳn với ông bà Bằng: khi ấy chị Hoài đã đoạn tang chồng trở về quê, và Lý theo lời khuyên của Đông, đã xin vào làm ở một cửa hàng ăn uống của thành phố.
Tựu trung Lý vẫn là một phụ nữ thông minh, quyền biến, đầy ý chí tự lập. Chị một mình nuôi con, ngay từ lúc thằng Dư còn trứng nước, nhất định không hé răng nhờ cậy sự giúp đỡ của ông bà nội nó. Đã xảy ra một vài vụ va chạm mẹ chồng nàng dâu; đã xảy ra, nhưng không để lại không khí căng thẳng ở ngoài mặt. Đông về phép thương vợ vất vả nhưng hết sức yên lòng vì thấy mọi việc đều suôn sẻ. Lý vui vẻ, tiến bộ. Thằng Dư khoẻ mạnh, được Lý chăm sóc hết sức chu đáo, từ miếng ăn, manh áo tới việc học hành. Hơn nữa, trong sự quán xuyến của Lý, hai đứa em sau rốt là thằng Cừ và thằng Cần - Luận đã đi bộ đội - cũng sống rất thoải mái như con nhà khá giả. Đông quý vợ nên vô tình đã có lần làm nổi cơn ghen của bà mẹ. Bà đòi nọc Đông ra để đánh roi vì tội cả nghe vợ, và ông thiếu tá lúc đó, cũng đã chấp nhận để giữ được mọi sự thuận hoà.
Đông từ lúc còn là học trò trường Bưởi đã tham gia phong trào học sinh cứu quốc. Mười sáu tuổi, gia nhập Trung đoàn thủ đô đi kháng chiến, theo gương anh cả Tường, công nhân nhà máy điện, đã xung phong Nam tiến. Kháng chiến lần thứ hai, Đông luôn có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió, lúc khu 4, khi Trường Sơn, lúc B2, khi B3. Cuộc sống chiến sĩ tạo cho anh một nếp sống nếp nghĩ lành mạnh, giản dị. Điều khác biệt thú vị nữa là, trong khi bạn bè không ít người đi chiến trường mà lòng dạ không ngớt lo âu cho cuộc sống gia đình thì Đông gần như là một kẻ vô lo, kể cả việc tiêu pha lương phạn trong những năm tháng gian khó, thiếu thốn, kề cận cái đói rét, khổ sở nhất.
Lý đã không phụ lòng Đông. Chị yêu chồng, quý con. Trong những năm ấy, chị có cái tâm lí của người phụ nữ đã yên bề gia thất, một người mẹ đã có một đứa con trai kháu khỉnh, một người vợ đang có một ông chồng sĩ quan ngoài tiền tuyến. Vả chăng có đôi ba anh chàng si mê vẻ đẹp thời gái một con của chị, tỏ ra quyến luyến chị thì chị cũng vô tình bỏ qua, hoặc vì bận rộn mà không có sự cảm nhận tinh tường. Chị có đọc tiểu thuyết xưa đâu mà rung động với những mối tình thầm. Kể ra thì chị cũng có nhận được vài lá thư tình thật. Có một ông thiếu tá gửi cho chị một lá thư dài. Ông viết: "Lý không biết tôi đâu. Nhưng, tôi biết em. Mai tôi đi vào mặt trận rồi, tôi muốn nói lời cuối cùng với em: Tôi yêu em, từ lâu rồi, mặc dầu biết rằng… đã muộn, đã lỡ". Đọc những dòng thư ấy, chị bảo ông ta là hâm, là ngớ ngẩn, và đưa lá thư ấy cùng với những lá thư tương tự cho các bạn chị xem để họ cùng… cười. Rồi chị quên ngay. Vớ vẩn hết, tất cả những cái gọi là tình đầu, tình thầm, tình muộn, tình lỡ làng…
Những ngày ấy đẹp dung dị biết bao!
Những ngày ấy, Đông ở xa mà chị sung sướng.
"Ông trung tá nhà tao được cái đức ăn, đức ngủ là không ai bằng. Một cân gạo một bữa, tao không nói ngoa. Còn ngủ, đặt mình chưa đầy một phút đã thành chiến sĩ thi đua kéo gỗ ngành lâm nghiệp rồi!". Chen vào lời bè bạn, chị lanh chanh kể về chồng mình với một thái độ kiêu hãnh, yêu quý không che giấu.
Ngày ấy, cuộc sống bình dị và rất khác bây giờ. Chiến tranh thu hút toàn bộ nghị lực của mọi thành viên dân tộc và mặt trận, nơi đối đầu sinh tử với kẻ thù, trở thành người hướng dẫn đạo đức, tình cảm cho mỗi con người ở hậu phương. Ngày ấy, có thể sống gian khổ, thiếu thốn mà không kêu ca. Ngày ấy, những đòi hỏi của cá nhân bị dồn ép lại và ham muốn khát khao không có nhân tố kích thích, con người chưa phải đối đầu với một cuộc sống bị nhiều ngoại cảnh chi phối, thúc ép.
Giờ thì cuộc sống triển khai trên hai hướng: phong phú hơn và phức tạp hơn. Lý cũng vậy, Lý không ra ngoài lệ đó. Điều riêng biệt của chị có lẽ chỉ là ở chỗ: khi vào tuổi ổn định, chị bỗng đẹp hẳn lên và cá tính chị đã phát triển thành hệ thống dưới áp lực mạnh mẽ của hoàn cảnh.
Một bận đang đi trên hè phố, bỗng nghe thấy một tiếng gọi hết sức nồng nàn, Lý đứng lại và nhận ra trước mặt một ông già mặc quân phục xanh, đeo quân hàm đại tá. “Tôi là người cách đây gần hai chục năm đã gửi một lá thư cho Lý. Chà, Lý vẫn trẻ và có phần đẹp hơn hồi ấy”. Ông tự giới thiệu và ghi địa chỉ. Hoá ra ông đại tá đã về hưu này chính là tác giả của lá thư thổ lộ tình yêu muộn mằn với Lý mà Lý đã đem ra giễu cợt cùng bạn bè. Thì ra đời có lắm cái lắt léo, éo le, kì lạ mà Lý chưa hề được biết tới và không hiểu mùi vị hương sắc nó thế nào. Ôi, cái nhan sắc làm mê hồn đàn ông của Lý! Đã có nhiều cuộc ghen tuông âm thầm của mấy anh trai trẻ trong phòng. Ganh ghét nhau vì Lý mấy ông đã vợ con đàng hoàng còn mặt nặng mày chì với nhau. Sóng gió làm nghiêng ngả cả ông giám đốc đã có cháu nội. Ông không một lời nói quyến rũ, không một cử chỉ bờm xơm với Lý. Nhưng, một hôm, ông cắp cặp ra đi. Ông chuyển về Sở. “Ở lại đây thế nào tớ cũng mắc sai lầm với cô em mất, Lý ạ". Gặp Lý trước khi chuyển công tác, ông nói vậy với vẻ tiếc nuối thành thật. Trời! Lòng đàn ông không ngờ cũng kín đáo và sâu sắc vậy!
Những chuyện ấy có thể để lại dư âm dai dẳng và nuôi dưỡng những cơn cuồng hứng đột khởi thầm lặng trong Lý; nhưng có lẽ cũng chỉ vậy thôi, nếu như không có những nhân tố kích động khác. Đông từ chiến trường trở về, do cá tính và sự hun đúc của môi trường, bắt đầu sống cuộc sống thường nhật với gia đình, bỗng trở nên một bóng hình xa lạ thế nào! Trong khi bên chị lúc này, cạnh những con người biết quý trọng những giá trị thật sự, cũng không ít kẻ chỉ nhăm nhăm lợi dụng cái phần tăm tối ở chị, mà ở chị cái phần này cũng dư thừa, dồi dào như cái đẹp tươi sáng vốn có ở chị. Cuộc sống đang chuyển đổi. Những khó khăn
tất yếu của thời kì sau chiến tranh, giao lưu thông tin và những ảnh hưởng xa lạ tứ xứ đang kích thích dục vọng bấy lâu bị dồn tụ vì hoàn cảnh khắc nghiệt. Chị bừng lên, đẹp hơn, giới tính bộc lộ đầy đủ hơn và đáo để hơn. Những ao ước trong sáng lớn dậy cùng những khát vọng mây mù. Yêu đời nồng nhiệt và những hoan lạc thầm kín cùng lúc đồng thời bộc phát. Cũng như hình bóng chị trước gương, chị vừa là vẻ đẹp của tự nhiên cao quý, vừa là vật chất hoá những thèm muốn tục luỵ phàm trần.
Lý đã bước vào những ngày sống bất ổn kể từ sau cái Tết nguyên đán cổ truyền, với biểu hiện trước hết là trong quan hệ với Đông, thể hiện ngay ở cái câu nói cửa miệng: Tại sao tôi lại lấy ông nhỉ? của chị; nó đã chẳng còn là một câu nói đùa nghịch thông thường giữa vợ chồng nữa rồi.
Giờ đây, ngắm mình rực rỡ trong gương, Lý không khỏi không nhớ lại con người đã gây xáo động cho mình và những ngày vui vẻ ở cái Tết vừa qua. Ba ngày Tết, hai người cuốn lấy nhau và sau đó còn hứa hẹn gặp gỡ nhau vào những dịp hội hè tháng giêng. Anh ta khen chị đẹp tuyệt trần, anh ta nức nở trước sự khéo léo của chị. Anh ta nâng niu, chiều chuộng chị, cung đốn đủ mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu quái ác nhất của chị. Trước mặt chị, anh ta dám mở một chai Martel hơn nghìn bạc. Anh ta đi đôi giày thửa tận Pari. Anh ta mời chị ăn những bữa ăn tốn cả trăm bạc. Anh ta tặng chị một cái nhẫn hai đồng cân. Nào có phải ai xa lạ. Anh ta, chính là kẻ đã tung tiền cho chị vay. Anh ta, chính là gã trưởng phòng vật tư xấu giai, quá lứa ở xí nghiệp chị… Chỉ khác xưa, giờ anh ta giàu hơn lên rất nhiều. Bà bác từ Pari gửi của về và vận đỏ kéo đến khiến anh ta liên tục trúng số độc đắc; ôi, hai ngọn nguồn của cải của anh ta.
Đã có lúc Lý cười thầm anh chàng dại gái và dơ dáng nọ. Đã có lúc chị coi hắn chỉ là điểm nghỉ ngơi vui chơi chốc lát của chị. Chị nghĩ, chị có thể bứt khỏi hắn bất cứ lúc nào. Vì chị là người có bản lĩnh. Nhưng, rời xa hắn trong chốc lát, chị bỗng nhận ra điều trước nay chị chưa hề nhận ra; cuộc sống sao trống vắng, buồn tẻ thế. Thì ra bấy lâu nay chị sống trong khổ ải, gò bó, tẻ nhạt mà không biết, bấy lâu nay chị chẳng được hưởng sự sung sướng, chị chẳng có hạnh phúc mà chị không hay. Ôi, cuộc sống đâu chỉ là ngày hai bữa no đủ. Cuộc sống còn là hẹn hò nhớ nhung, nuối tiếc còn là những éo le, âu sầu, ao ước và sự thoả mãn những cảm giác mới lạ nữa chứ!
- Tổ tôm tổ tép vào, sáng bảnh mắt ra còn ngủ! Làm rơi hết cỗ bài của người ta rồi.
Nghe tiếng Đông ú ớ nói mê, Lý quay lại, cúi xuống nhặt những quân bài tú lơ khơ rơi dưới đất, vừa gắt vừa đẩy chân Đông vào trong giường.
- Khiếp quá, đặt mình là ngáy!
- Ơ ơ…
- Ơ ơ cái gì?
- Vừa mê một giấc sợ quá.
- Còn là mê nhiều!
Đông đã tinh tỉnh, chống tay ngồi dậy, gãi gãi chỏm đầu, lờ mờ:
- Ồ, cô bói bài tây đấy à? Mặc áo vào chứ không là cảm lạnh đấy.
Vứt cỗ bài vào tủ, Lý quay lại, hậm hực:
- Cảm lạnh chứ ốm lăn ra đấy cũng chẳng được một lời thăm hỏi của ông đâu.
- Ốm thế nào được mà ốm!
- Ốm thế nào được! Ông thì có quan tâm đến ai! Còn nhớ cái lần tôi bị chó dại cắn không? Quá người dưng! Thật còn nhớ đến già.
Đã tỉnh hẳn, Đông đứng dậy, nhét vạt áo vào trong quần, chậc chậc lưỡi:
- Sao hồi này cô cứ hay tạo ra những chuyện tức tối không đâu thế!
- Tức tối không đâu. Có thế nào người ta mới tức chứ.
- Cô thử nghĩ xem, hoàn cảnh mình: con lớn đi học nước ngoài, hai vợ chồng khoẻ mạnh, đồng lương không đến nỗi, có gì đáng phàn nàn nữa. Còn xã hội thì cũng có gì phức tạp lắm đâu.
Lý mặc áo, quay lại, nhoe nhoe đôi môi mỏng còn dấu son:
- Đơn giản quá nhỉ. Thế cho nên cứ tổ tôm tối ngày mà.
- À, mỗi người có một cái thú. Cô thì thích hội hè, Tết nhất…
- Thế cho nên có biết chuyện gì vừa xảy ra đâu.
- Chuyện gì?
Đông ngửng lên, mắt chớp chớp. Lý hơi cúi xuống, rít:
- Cái Phượng nó mất xe đạp rồi.
- Sao? Thế nào mà lại để mất xe đạp? Mất rồi thì làm thế nào bây giờ?
Không trả lời ngay những câu hỏi dồn của Đông, Lý đứng trước gương, sửa lại mái tóc, rồi quay lại, nhấc cái túi da, khinh bạc, và khiêu khích:
- Làm thế nào à? Dâng cho nó cái xe đạp Mifa treo kia kìa chứ còn thế nào nữa. Hừ, mưu mô của thằng Luận ghê thật.
Đông ngồi phịch xuống giường, ôm đầu kêu khe khẽ:
- Trời, sao cô lại nghĩ thế!
Lý quay gót, lững thững đi ra cửa. Nhưng, tới ngưỡng cửa, chị liền ngoắt lại, mặt tím bầm vì tích tụ uất ức kìm nén, giọng thật lạnh lùng:
- Ông Đông này, không hiểu tại sao tôi lại lấy ông nhỉ? Hừ, kể cũng lạ thật. Thôi, tôi đi làm đây. Trưa nay, ông mang tiền đi mà ăn phở. Cả chiều cũng vậy. Còn tôi, tôi đi ăn bún, ăn thịt bò khô cho nó đỡ háo. Tôi đã bảo thẳng con Phượng rồi đấy. Từ nay, tôi không phải hầu hạ thằng nào, con nào hết.

*

- Kìa, chị mua dưa cho em đấy à? Để đấy em thái. Chị Hoài, chị chuẩn bị ra ga đi. Anh Luận em đang xếp hàng mua vé rồi.
Phượng giành con dao bài từ tay chị Hoài. Mẹt dưa đã đầy. Chị Hoài đứng dậy:
- Họ gánh qua đây, có đồng một cân, rẻ quá. Nhà có vại dưa như có thức ăn khô để dành, cô ạ.
- Thôi, chị mặc áo bông, chít khăn vào đi.
Vội vàng, hai người thu xếp hành trang, đi ra cổng. Đông không có ở nhà. Ông Bằng cũng đi vắng.
- Để em xách tay nải cho. Giá em còn cái xe đạp, em đèo chị đi thì có phải chị đỡ vất vả không?
- Có gì đâu. Hai chai nước mắm cô cho. Bốn mét vải hoa, hai đôi bít tất, ít sách bút cô chú cho. Nhẹ tênh ấy mà. Cô Phượng ạ, hôm qua tôi lên buồng rửa ấm chén cho ông, ông đưa tôi tiền, tôi bảo: Con định đưa biếu ông đây, sao ông lại cho con. Ở nông thôn tiếng thế cũng đỡ. Ở đây, mỗi đồng mỗi tốn, cô ạ.
Hai người đi trên hè phố. Chốc chốc chị Hoài lại rẽ vào chào người quen ở hàng phố. Sắp đến ga hai chị em mới thủ thỉ được với nhau.
- Bao giờ chị em mình mới gặp lại nhau được, chị Hoài nhỉ? Mấy ngày vừa rồi, em bận quá, chẳng giúp gì được chị.
- Có gì mà giúp. Công tác của cô thế nào rồi?
- Lạ nước lạ cái, cũng còn nhiều cái khó, chị ạ. Em chỉ muốn sớm ổn định để đón cháu về. Vậy mà mọi việc còn ngổn ngang bời bời. Hộ khẩu của em cũng chưa nhập được. Vừa rồi, lại mất cái xe đạp. Sao mà em đoảng thế!
- Đừng buồn, em ạ. Khôn ngoan chẳng lọ thật thà đâu. Dẫu sao thì thuận lợi cũng được sáu, bảy phần rồi.
- Vâng, em cũng biết thế.
- Phượng này, em định nấu ăn riêng đấy à?
- Vâng.
- Cũng phải thế thôi Phượng ạ. Lúc khó khăn này…
Câu nói bị buông lửng. Đã đến cửa ga. Hai người quay mặt lại nhau. Phượng lẳng cái nhìn đi nơi khác vì nỗi bùi ngùi nhớ thương chợt dâng lên nơi khoé mắt. Phượng sắp phải xa một con người có cuộc đời không may mắn mà tình nghĩa mặn mà, nhân hậu, thuỷ chung vô cùng rồi.
- Phượng à, chị mới hiểu em thôi, nhưng chị thấy em là một người tốt, em sẽ là người rất tốt. Cố gắng em nhé. Không gì bằng đức độ, em à… Lý nó khác với chị em mình đấy.
Mi mắt ngấn nước, nghe chị Hoài nói. Phượng khẽ gật đầu. Chị Hoài tiếp:
- Gia đình mình tiếng thế cũng không ít chuyện đâu, Phượng ạ.
- Em biết.
- Chị rất thương em.
- Lúc này em chỉ áy náy vợ con chú Cừ, chị ạ. Em định xin nghỉ phép xuống chỗ cô ấy xem thế nào.
- Về chuyện Cừ, hôm rồi chị có nói với chú Đông rồi. Cừ nó hư thật. Nhưng nó là ruột thịt, có điều kiện gần gụi thì phải bảo ban nó. Trẻ tuổi, nó dại dột, lại dễ phẫn. Một mai nó biết nghĩ lại thì cũng nên rộng lòng tha thứ. Còn vợ con Cừ, nếu có khó khăn gì, em biên thư cho chị. Giúp được việc gì, chị sẽ cố! Thương người như thể thương thân, em ạ.
- Vâng, em sẽ biên thư đều cho chị.
- Còn việc này nữa, chị định nói với Lý, nhưng nghĩ Lý không chắc hiểu được, nên lại thôi. Chị cũng đã nói với Đông rồi, nhưng chú ấy ậm ờ, không hiểu ý tứ thế nào. Đó là chuyện của ông. Ông hồi này yếu quá. Hàng ngày lên dọn dẹp buồng ông, em phải chú ý làm việc này nhé, chị thấy ông buồn buồn vì vắng vẻ quá. Bà mất quả là ông thiếu mất một người đỡ nâng, bầu bạn. Chị dò ý ông, ông có ý ngại. Chị liền đến thẳng nhà bà Chí. Ý chị muốn hai ông bà sống gần gụi nhau cho có bạn bè lúc già cả, em ạ. Rồi ai cũng vậy thôi.
Lần này thì Phượng hoàn toàn bất ngờ. Cô nắm chặt hai bàn tay người phụ nữ giàu lòng nhân ái và đầy tinh thần trách nhiệm, mắt rưng rưng, không muốn xa rời.
Có tiếng còi tàu tu tu ngoài sân ga và tiếng bánh xe thép lăn cùng tiếng va đập của các quả đệm nối toa. Hành khách đang nằm, ngồi ngả ngốn trong phòng chờ, chồm dậy nhốn nháo.
Rút tay khỏi tay Phượng, chị Hoài cúi xuống kênh vạt áo bông, đoạn nhìn Phượng, tần ngần:
- Phượng này, nghe chị nói nhé. Nếu em mến chị, quý chị thì em phải nghe lời chị. Em vừa mất xe, em lại mới chuyển công tác về đây, lúc khó khăn hoạn nạn, chị chẳng có gì giúp được em. Lúc lên đây, chị có giắt theo ít tiền định biếu ông, mua quà cho các cháu…
- Chị Hoài!
- Kìa, chị nói rồi cơ mà.
- Không! Không! Em không lấy tiền của chị đâu.
- Chị có! Chị có! Chị ối tiền!
Luận từ phòng đợi tàu nhảy ra, tay cầm vé, tay ôm bọc bánh mì hơn chục cái, thấy hai người phụ nữ giằng đẩy nhau, đoán ngay ra nguyên cớ câu chuyện, liền la to:
- Ơ kìa, chị Hoài! Sao lại thế? Vé đây, chị cầm lấy bánh mì em gửi cho bọn nhóc ở nhà. Chị theo em vào lối cửa xe đạp. Nhanh lên, tàu trả phép đông lắm!