Chương 6

Những đợt sóng cồn Tết nhất đã lặng dần. Hết giờ giải lao, cuộc sống lại trở về nhịp điệu thương nhật hàng ngày.
Phượng đã đi làm đều đặn.
Mất xe đạp, hai vợ chồng mất cái phương tiện duy nhất để đi lại cho nhanh chóng. Phượng phải dậy sớm hơn. Năm giờ, bếp dầu xanh biếc. Sáu giờ rưỡi, ăn sáng xong, xới cơm, sẻ thức ăn ra hai cái cặp lồng. Loanh quanh đến bảy giờ hai vợ chồng mới ra khỏi cổng. Và Phượng phải sấp ngửa để kịp có mặt ở xí nghiệp lúc tám giờ. Từ nhà đến xí nghiệp xa đến sáu cây số.
Đó là một xí nghiệp in cỡ trung bình, nằm ở phía tây thành phố, có hơn trăm công nhân, gồm hai phân xưởng: xếp chữ và in, với một cái văn phòng có gần chục con người. Bộ phận văn phòng làm việc ở căn nhà sát hè phố. Tầng trên là hai buồng của hai ông chánh phó giám đốc. Tầng dưới là một căn buồng rộng, nơi làm việc của các nhân viên hành chính, tài vụ, kế toán, gồm toàn phụ nữ, dưới quyền chỉ huy của một bà trưởng phòng, kể từ ngày đến nhận việc Phượng vẫn chưa được gặp - bà đang nghỉ phép kết hợp với Tết.
Căn buồng là một thế giới của phụ nữ với bao chuyện hết sức pha tạp và vui vẻ. Các cô ở đây đều ít tuổi hơn Phượng và phần lớn đều xinh xắn, dễ coi. Ngay từ hôm đầu đến làm việc, Phượng đã nhận ra điều hết sức quý báu ở cái tập thể lao động nữ nho nhỏ này: đó là sự tận tuỵ và nền nếp quy củ của nó. Rõ ràng là nó được điều khiển bằng một thái độ nghiêm túc cần thiết của một người đứng đầu.
Phượng hoà hợp với bầu không khí cần mẫn, giản dị ở đây. Ngồi vào bàn là cô cắm cúi biên chép, quay máy tính. Xí nghiệp không lớn, tổng doanh thu không nhiều, các khoản mục cũng giản đơn. Tuy vậy, cũng phải mất một thời gian để tìm hiểu ngọn nguồn các sự việc. Công việc lặng lẽ thu hút Phượng. Phượng có thể say mê âm thầm làm việc suốt buổi, mặc xung quanh ầm ĩ, ồn ào, đến nỗi giờ giải lao các cô cùng phòng phải xô vào kéo Phượng ra, bắt Phượng tham dự vào các trò chơi tuổi trẻ của các cô.
Như hôm nay, sau giờ thể dục giữa giờ, các cô đẩy Phượng đến cái bàn nước ở giữa buồng. Các cô làm trò gì vậy? Đoán tuổi thọ hay xem nốt ruồi? Không, hôm nay các cô đang cược nhau xem cô Thuỵ Lan nhân viên đánh máy, bụng đã to kềnh kệnh, sắp nằm chỗ, sẽ đẻ con trai hay con gái. Cô Thuỵ Lan bị dằn bàn tay xuống mặt bàn. Một cô rút chiếc
nhẫn vàng ở tay mình, bứt sợi tóc buộc vào cái nhẫn. Và khi Phượng bị đẩy đến sát cái bàn với tư cách nhân chứng thì cái nhẫn đã được thả lửng lơ giữa lòng bàn tay và kẽ hai ngón cái - trỏ của cô Thuỵ Lan. Ở cả hai nơi, cái nhẫn đều lắc lư phân vân. Phượng chưa hiểu thế nào thì các cô đã phá lên cười. Và cô Thuỵ Lan ộ ệ bê bụng đi về bàn máy xụng xịu cãi rằng: Mẹ cô bảo chửa con so to thế thì nhất định là con trai!
- Con gái!
- Con trai!
Lập tức căn buồng chia thành hai phe. Phe nào cũng lớn tiếng la, tưởng như bên nào la to hơn thì bên ấy thắng cuộc.
Nhưng, chợt cả hai phe cũng im bặt.
Rồi lịch kịch tiếng guốc chạy về chỗ.
Rồi lào xào tiếng bảo nhau chuyền qua các bàn. Má sắp lên đấy!Má sắp lên đấy. Má là ai vậy?
Phượng hỏi cô ngồi bên cạnh. Cô này đáp sõng sượt, nhưng lửng lơ: Má ấy là bà ấy, chứ còn ai vào đây nữa! Không khí vừa có vẻ sợ sệt, ái ngại, lại vừa có vẻ khích bác, ghét bỏ. Chẳng lẽ phụ nữ lại sợ phụ nữ đến thế! Mà người phụ nữ này là ai vậy? Thôi, thế thì Phượng hiểu rồi. Má ấy là bà trưởng phòng hành chính! Chỉ có bà ấy thôi. Phượng thở phào. Thật lòng, Phượng rất muốn gặp bà để trình diện trước bà như một nhân viên dưới quyền tự nguyện nhập cuộc.Về tổ chức thì Phượng đã gặp ông trưởng phòng rồi. Ông này là con người đứng đắn chứ không phải loại người xấu như Lý đã nói. Nhưng, nói chuyện với ông thật không thoải mái một chút nào. Mặt ông lạnh băng. Suốt buổi ông giảng đạo đức mà lại nói toàn những điều sơ đẳng, vỡ lòng. Ông bảo đây là xí nghiệp nhỏ, nhưng nhỏ hạt tiêu, có truyền thống đứng đầu ngành in từ nhiều năm nay, được chọn vào đây là một vinh dự đặc biệt. Vì ở đây chẳng những tiền thưởng cao, phúc lợi nhiều, mà đây còn là hòn đảo tươi đẹp của chủ nghĩa xã hội, công nhân ở đây tay nghề vững, tuyệt đối không có hiện tượng tham ô, móc ngoặc, tham gia thị trường tự do như nhiều nơi khác.
Dừng lại để hút thuốc lào, rồi ông đẩy về phía Phượng cái đơn xin chuyển công tác của Phượng: “Cô ghi vào cuối lá đơn: Tôi xin cam đoan tự lo lấy hộ khẩu tem phiếu và nhà ở. Rồi về gặp bà trưởng phòng! Nhớ, từ nay đi đâu, làm gì, phải xin phép bà ấy!"
Cái lối nói ấy chứng tỏ ông không biết đang nói chuyện với ai. Phượng hơi phật lòng, nhưng im lặng chịu đựng.
Vậy là còn phải gặp bà trưởng phòng hành chính.
Bà trưởng phòng hành chính ấy là người thế nào? Muốn sao thì đó cũng là một câu hỏi của những kẻ mới đến với người đứng đầu đơn vị.
Phượng muốn hiểu. Thì cũng chẳng phải dò hỏi ở đâu, lâu la gì. Như bất cứ ở nơi nào, các cô nhân viên ở đây có thói quen nhận xét đánh giá người phụ trách mình một cách vừa công khai vừa ngấm ngầm. Nhiều cô còn nhại tiếng, bắt chước dáng điệu cử chỉ của bà nữa. Cùng là một trò vui! Tổng hợp tất cả những ý kiến rải rác thì có thể hình dung như sau: Bà là một phụ nữ đứng đắn, xốc vác với công việc, nhưng tính khí đồng bóng quá thất thường, lắm lúc rộng rãi xởi lởi rất đáng yêu, nhiều khi khắt khe, soi mói và có những ý nghĩ, việc làm rất quái gở, rất đáng ghét. Về đời riêng, bà đã bốn sáu bốn bảy tuổi, nhưng vẫn sống độc thân. Nghe đâu, trước bà và ông giám đốc ở xí nghiệp này có tình ý với nhau, sau không hiểu vì lí do gì mà không lấy được nhau. Đối với bà, các cô không ra yêu, không ra ghét, e dè sợ sệt cũng không hẳn.
Cuối cùng thì bà trưởng phòng đã xuất hiện, xuất hiện một cách thật bất ngờ so với chờ đợi của Phượng. Là bởi vì, cứ tưởng, như miêu tả của các cô trong phòng, bà sẽ như sấm sét hiện lên trước mắt Phượng kia. Vậy mà không. Lúc ấy căn phòng im phắc, Phượng chỉ nghe thấy tiếng lướt nhẹ rất ý tứ của một đôi dép mỏng và một hơi gió thoảng qua mặt Phượng có mùi nước hoa thanh tao như hương huệ.
Phượng rời bỏ tập hồ sơ lưu, ngẩng lên, bỡ ngỡ. Hoàn toàn không như Phượng hình dung. Bà trưởng phòng trạc ngót năm mươi, vóc dáng nhỏ nhắn, mặc áo sơ mi cổ kiểu chữ K, gương mặt se sắt, có đôi mắt hơi lồi như mắt người cận. Bà đang cầm chiếc gương nhỏ trong lòng bàn tay, mặt nghiêng nghé soi mái tóc, soi cặp môi và bấm một cái mụn nhỏ ở dưới cằm. Khuôn mặt, dáng điệu bà toát lên vẻ linh hoạt và có cái gì đó như là sự pha tạp dang dở giữa vẻ lịch sự, tinh tế và sự dung tục tầm thường.
Nghe tiếng chào khe khẽ của Phượng, như giật mình, bà nhét vội cái gương vào túi, nheo nheo hai con mắt đầy thiện cảm và ưu ái về phía Phượng. Phượng đứng dậy thái độ khiêm nhường và kính trọng thật sự, định bước lại với bà. Nhưng, bà đã rời cái bàn, nhanh nhẹn bước tới, với hai cánh tay giang rộng và giọng nói hết sức xô bồ, vồn vã:
- A, Phượng, kế toán mới của bọn mình phỏng? Bắt tay đồng chí nào. Tôi đi phép thăm bà cụ tận trên Cao Bằng. Có nghe anh giám đốc nói về đồng chí rồi. Ngồi xuống đi, chị em, đồng chí với nhau cả thôi mà. Thế nào, có cái xe đạp lại bị nó nẫng mất, hả!
Ở gần càng thấy mùi nước hoa, phấn sáp nồng nàn toả ra từ bà. Người phụ nữ đã luống tuổi này còn ưa làm dáng. Giọng bà là giọng kim, và ngôn từ từ miệng bà tuôn chảy như dòng suối bồng bột, rất trẻ trung:
- Thế nào, cô Phượng đã xây dựng gia đình chưa?
- Em đã có một cháu gái hơn tám tuổi rồi ạ.
- Thế đăng kí thôi nhé. Một con thôi. - Bà giơ một ngón tay lên, miệng cười rất tươi. - Tôi sợ nhất là các cô choai choai tơ lỡ. Cái lí đâu đầu năm đẻ, cuối năm lại bê bụng. Đã không biết ngượng lại còn bô bô: Em phải tranh thủ đẻ, thủ trưởng ạ. Tôi chỉ ưa loại có chồng con yên ấm. Loại này họ hiền, bảo còn biết nghe, cũng không thiết chuyện nhăng nhít.
- Báo cáo chị, về phần công tác của em…
Phượng giở một cái cặp bìa. Có những việc phải nhờ bà hướng dẫn, phải hỏi người phụ trách. Nhưng, vừa nghe Phượng nói, bà đã đưa tay đẩy cái cặp bìa ra rìa bàn, kéo ghế ngồi xuống cạnh Phượng. Và sau khi đưa cái nhìn dò xét ra chung quanh như để thẩm tra xem có kẻ nào nghe trộm không, bà mới ghé sát vào mặt Phượng, hạ giọng thầm thì:
- Báo cáo đếch gì! Cậu khắc làm khắc biết. Với lại có gì cậu cứ hỏi lão giám đốc. Tớ không biết. Này, cậu ngồi sát lại đây…
Thì ra bà muốn tâm sự một cách hết sức kín đáo riêng tư với Phượng. "Này, đằng ấy cũng là đảng viên, tớ nói để đằng ấy nắm tình hình phòng mình. Tiếng là phòng tiên tiến liên tục, nhưng quần chúng toàn loại đầu bò đầu bướu cả đấy! Phức tạp ghê cả người!" Bà mở đầu vậy rồi cứ thế, chuyện xổ ra, vòng vo, lộn xộn, rối rắm. Lắm lúc Phượng không hiểu bà định nói gì. Mãi sau Phượng mới hiểu dụng ý cuộc trò chuyện này của bà: Bà khoe tài năng, đạo đức của bà! Không thế bà làm sao trị nổi các cô ở đây? Các cô ở đây, sáu cô, cô nào cũng rắc rối và bướng bỉnh. Cô Huyền mới lấy chồng đã vác bụng. Cô Thuỵ Lan nay nghén, mai động thai, lại hay gây gổ với mẹ chồng. Cô Quyến đánh máy, đi chậm bị trừ điểm thi đua, thì lơvê cái mặt lên, cãi bậy, cậy chồng mới đi Nhật Bản về có tặng ông giám đốc cái bật lửa ga. Cô Ngoãn lấy chồng già về hưu làm nghề thầy cúng chui, ăn quà như mỏ khoét, dám nói: lương tôi không đủ tiền bơm xe… vân vân. Nhưng phức tạp nhất thì phải nói đến cô Ngọc thủ quỹ. Đó, cái cô tết đuôi sam, mặt có nốt tàn nhang, ngồi ở góc phòng, cạnh cái két sắt kia kìa. Hừ, đã bướng, lại hỗn hào, dám ngang nhiên tuyên bố: "Tôi mà làm giám đốc thì tôi cho mụ trưởng phòng về hưu ngay!"
- Này, cậu theo dõi hắn hộ tớ. Mấy tháng nay cặp kè với lão trưởng phòng kĩ thuật béo ị. Đồng ý là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì có quyền. Nhưng, là ông giời thì cũng phải báo cáo tôi, tôi là chi uỷ, là thư kí công đoàn ở đây!
Những chuyện có vẻ ngồi lê đôi mách như thế sao lại nói vào lúc này Phượng nhỉ. Mà nói bao giờ cho hết. Trong khi đó việc chính là chuyên môn thì bà lại gạt đi, nói là không biết và Phượng phải tự mày mò lấy.
May quá, cửa sau vừa có một người đàn ông béo trắng, đeo kính cận bước vào tìm gặp bà.
Bà rời bàn Phượng, đứng lên, đi cùng với người đàn ông nọ ra trước cửa, dừng lại bàn bạc gì đó với ông ta, rồi quay lại phòng.
Bà đi qua tất cả các cô nhân viên, trừ cô Ngọc thủ quỹ, hỏi thăm công việc của họ, phàn nàn vài câu về một vài việc trái khoáy nào đó hoặc đùa bỡn tí chút với họ. Cuối cùng, bà đi đến cái bàn máy chữ của cô Thuỵ Lan, cái cô hay gây gổ với mẹ chồng.
- Thế nào, tối qua đến thăm cô, không thấy cô có nhà.
Cô Thuỵ Lan mặt gầy võ, dừng bàn tay trên máy, quay lại, mệt mỏi:
- Chị mới đi phép về à? Tối qua em xếp hàng mua gạo.
- Ừ, tôi về buổi trưa. Này, bụng to thế mà xếp hàng mua gạo có ngày nó chen cho bẹp ruột!
Đang nói, bà bỗng dừng lại, đột ngột quay mặt lại toang toang cất tiếng thông báo cho cả phòng biết bên căng tin trưa nay có cửa hàng thực phẩm vào bán hàng. Rồi rất tự nhiên, bà ghé người chống khuỷu tay xuống cái bàn máy của cô Thuỵ Lan, tiếp tục:
- Tối qua tôi nói chuyện suốt với bà cụ. Bà cụ cũng có phần sai. Nhưng mà cậu… ừ, người ta già cả, đừng có chấp…
Tiếng bà cứ thế nhỏ dần, nhỏ dần…
Phượng chìm vào công việc.
Thói quen chu đáo, cẩn thận thu hút tâm sức Phượng, Phượng nhãng quên hết mọi việc xung quanh.
Tới lúc Phượng ngẩng lên thì căn buồng đã vắng người. Đã đến giờ nghỉ trưa. Các cô rủ nhau xuống hợp tác xã mua vịt và cá biển. Ngoài hiên có tiếng quét quẹt quẹt. Lát sau, bà trưởng phòng tay cầm cái chổi cùn bước vào:
- Làm đâu bỏ đấy! Cứ bừa cả ra!
Không còn cởi mở như khi sáng, mặt lầm lầm bà đi trở về cái bàn kê ở góc nhà của bà.
- Ai để cái giẻ lên bàn tôi đây?
Nghe tiếng bà quát hỏi lần thứ hai, Phượng đang mở cặp lồng cơm vội ngoảnh lại, rụt rè:
- Em không rõ chị ạ. Từ nãy em vẫn ngồi đây.
Tưởng thế là xong, không ngờ, Phượng vừa xới cơm ra bát thì trận lôi đình nổ ra. Đập thình thình cái bàn, giậm chân bình bịch, rồi bà trưởng phòng hùng hùng hổ hổ đi đi lại lại và cuối cùng rít dài một hồi giận dữ:
- Đừng tưởng tôi không biết! Vải thưa che được mắt thánh, hả! Đừng có xỏ lá, ba que! Đừng có cậy tài, cậy giỏi. Đại học mà đã là cái gì! Ôi giời! Có giỏi, đấu trực diện với tôi đây này! Tôi thách đấy! Thách đấy!
Thế là thế nào? Bà trưởng phòng mắng mỏ, thách đố cái gì với ai vậy? Phượng quay mặt đi. May, các cô đã đi mua hàng về. Cô Thuỵ Lan xách một cặp vịt cỏ, mặt lấm tấm mồ hôi. Hai con vịt ngoái cổ, quạt cánh phành phạch, kêu cạc cạc váng nhà. Quên phứt cơn cáu giận, bà trưởng phòng bước ngay tới cửa phòng giang hai tay, the thé:
- Vứt hết cả ra ngoài kia! Tôi yêu cầu! Đây là cái chợ gà vịt của các chị à?
Bà quát tháo ầm ĩ, ôm xòm, giọng tức tối, lại nhuốm màu cợt nhả. Con người gì mà tính khí cứ như lật bàn tay thế? Buổi sáng, có những phút bà dịu dàng, đôn hậu biết bao!
Không hiểu chuyện cái giẻ và con vịt sẽ còn ầm ĩ đến bao giờ, vì theo các cô, bà trưởng phòng có tính nói dai, nhớ lâu đến kinh người. Nhưng, lúc ấy có chiếc ôtô chở giấy in bấm còi đi qua cổng phụ vào sân. Tiếng động cơ ôtô lấn át hết mọi náo động. Bà trưởng phòng tọt vào cái ngách sau chiếc tủ đứng, lát sau trở ra, bà mặc bộ quần áo bảo hộ xanh nhạt. Đứng giữa phòng, bà vỗ tay đôm đốp:
- Nào các cô! Mỗi người một tay chuyển giúp giấy trên ôtô vào kho nào. Cố một tí cho nhanh kẻo đổ mưa xuống thì khốn. Nào, tôi yêu cầu!

*

Buổi bốc vác giấy chạy mưa hôm ấy cung cấp những chứng cứ khác hẳn với mọi ấn tượng Phượng đã có về bà. Như một người lao động thực thụ, bà thoăn thoắt leo lên ôtô, mở mui, rỡ bạt, bắc cầu, rồi nhảy xuống đất, bà mắm môi mắm lợi lăn, đẩy, kê, kích những cuộn giấy lớn to bằng cái bánh xe máy kéo vào kho. Hết giờ tầm, các cô vội vã ra về, còn lại bà và Phượng, bà bắc thang leo lên nóc nhà kho, quét hết lá rụng giữa lúc trời vừa đổ mưa, vì sợ mái bằng đọng nước, sinh ra dột.
Bà là người về cuối cùng buổi chiều, sau khi đã đi kiểm tra toàn bộ khoá tủ, khoá bàn, khoá cửa ở phòng giám đốc. Bà là người đến văn phòng đầu tiên buổi sớm mai. Cô tạp vụ chưa tới, bà tự động đun nước, quét nhà. Tám giờ, chè đã ngấm. Bà rót nước mời chị em lại uống và hội ý. Bà sơ kết buổi bốc giấy chiều qua, khen chê từng cô, từng việc rất sòng phẳng, công bằng. Bà nói, giám đốc có chi một số tiền thù lao cho việc bốc giấy, thôi thì khoẻ bù yếu, chia đều cho mỗi người mười lăm đồng vừa vặn đủ, bà tiếng vất vả hơn cũng chỉ xin lĩnh như mọi người. Mọi người đều hể hả, vui vẻ như bà.
Nhưng, tan họp, bà lại nổi cơn giận dữ. Không hiểu chỉ là vô tình hay đó thật sự là một hành động cố ý của một kẻ quái ác nào cứ muốn trêu chọc xỏ xiên bà mà hôm qua thì mặt bàn bà có nắm giẻ, hôm nay lại thấy đặt một cái búa và mấy cái đinh.
Phượng can:
- Có thể là mấy anh thợ điện, thợ mộc đóng cái gì đó rồi để quên đi, chị ạ.
- Sao mà cô thật thà thế. - Bà lườm Phượng, dài giọng. - Thợ điện nào! Thợ mộc nào! Cái đứa nó xỏ tôi nó ở ngay trong phòng này này. Hôm qua thì nó ví tôi chỉ là cái giẻ rách vứt đi thôi. Còn hôm nay nó muốn ví tôi là thằng Pônpốt - Iêngxari đại gian ác ở bên Campuchia, chuyên đóng đinh vào đầu người đấy, tôi còn lạ!
Trời! Phượng vừa rùng mình, vừa cố nén cười:
- Chị nghĩ xa xôi quá.
- Còn cô thật thà quá thì sẽ bị nó ăn thịt có ngày đấy!
Suốt sáng ấy bà trưởng phòng cáu bẳn, hết rầy la việc này lại trách móc cô kia. Cả đến lúc một anh thợ điện hớt hải chạy vào phòng, bô bô: Lúc chiều qua, tôi vào đây uống nước, có để quên cái búa với ít đinh ở chỗ nào ấy nhỉ, các cô? Bà vẫn chưa dứt được cái mạch tức tối ấy.
Nhưng, đã xảy ra gần như là một sự biến thái bất ngờ tính cách của bà trưởng phòng. Ấy là một buổi trưa, đang giờ nghỉ, phòng vắng, chỉ có một mình Phượng nằm nghỉ trên ba cái ghế mây ghép ở góc phòng.
Vừa thiu thiu, Phượng bỗng sực tỉnh vì nghe thấy tiếng hai người nói chuyện. Hé mắt, Phượng nhận ra ông giám đốc và bà trưởng phòng.
Ôi, bà trưởng phòng hành chính đích thực của Phượng mà sao có cảm giác đó không phải là bà! Vẫn con người ấy, trang phục ấy, mà sao giờ lại mềm mại duyên dáng thế. Những tiếng gọi anh xưng em ngọt ngào. Những lời thỏ thẻ êm ái, dịu dàng, và giọng điệu, ngôn ngữ thì đậm đà cái hương vị đắm say của tình yêu chân thật. Giá ông giám đốc cũng nói một giọng như thế thì đây là một cặp uyên ương già đang tình tự. Nhưng, ông giám đốc tóc bạc, lại ngửa cổ, gác đầu lên cái tựa ghế mây lặng im và lim dim mắt như ngủ.
- Kìa, anh uống nước em mới pha đi. Chè Thái đấy, để dành mãi mà không xuống lấy. Sợ à?
Nghe cái giọng hờn mát ấy, ông giám đốc mở mắt, nhấc đầu lên. Khuôn mặt ông vuông vức, rắn rỏi, nhưng dấu vết mệt mỏi lồ lộ ở hai nét vạc bên hai cánh mũi và hai con mắt trầm trầm của ông.
- Em đã bảo anh bao nhiêu lần rồi mà anh có chịu nghe đâu. Mệt thì nghỉ. Phải đi Việt - Xô khám đi. Khổ, hay là nằm nghỉ ở nhà lại sợ con mẹ kia nó bỏ đói! Thế nào, con mẹ kia nó bắt phải mua đường phên để về làm tết bánh trôi bánh chay à! Rõ võng hãnh quá! Đây, cầm lấy quả cam này mà ăn cho nó mát phổi. Sau Tết, người dễ háo lắm đấy. Kìa, môi nứt nẻ hết rồi. Đừng uống rượu nữa. Có nghe không? Buồn thì chịu vậy chứ biết làm thế nào!
Lát sau, vào buổi làm việc chiều. Trạng thái tinh thần vui vẻ của bà trưởng phòng kéo dài gần hết buổi làm. Sắp hết giờ. Phượng đi đến bàn bà, cúi xuống kính cẩn và nhỏ nhẻ:
- Báo cáo chị, em có chút việc riêng, em muốn xin nghỉ phép mấy ngày, có được không ạ.
Thật bất ngờ, hất nửa con mắt qua cái phần trên của cặp kính lão, bà nhìn Phượng như nhìn một kẻ xa lạ và giọng bà bỗng cất cao, hách dịch vô cùng:
- Muốn gì thì phải có đơn! Mà cô mới vào làm, đã phép tắc gì.
- Chị ạ, em có việc rất cần.
- Tôi không giải quyết! Cô có đi đến đâu, tôi cũng không giải quyết.
Phượng gần như phải cắn răng để nén chịu tủi cực và thật sự buồn rầu. Một con người thất thường như thế mà lại ở cương vị này ư?