Chương 9

Ngày đã dài hơn. Thời gian như trẻ lại. Chớm hạ, ngày nào cũng như ngày nào, vào quãng ba giờ chiều, cái nắng đầu mùa chợt nhợt đi, những tảng mây đen nặng chứa các điểm dông bão lừ lừ bay về thành phố. Gió mùa đông nam đang hấp tấp đuổi theo những lưỡi khí lạnh chưa kịp rút của mùa đông, vượt lên, đột ngột hoá lạnh. Mưa đổ xuống thành phố. Những cơn mưa ngắn ngủi, mạnh như thác đổ.
Mưa mùa hạ ào ào cảm giác hứng khởi.
Ếch nhái ở góc vườn rậm nổi điệu nhạc i uôm hào hứng, những đám cưới của loài sinh vật này tắm gội trong mưa chợt rơi chợt tạnh, cũng ngắn ngủi, ồn ào như những cơn mưa. Mưa giội xuống mặt đất một nguồn sinh lực mới và những hàng me bên hè phố ngày nào chỉ loi thoi mấy chồi lộc, giờ nhánh, cành đã xanh đầm lá non.
Cây trong vườn nhà ông Bằng tốt tươi hơn ở những nơi khác. Kể từ khi xuân sang, trên lá cành của chúng đã thấy có sự hăm hở khác lạ. Giờ thì nhãn đã ra hoa. Lặng lẽ, trên những chòm lá cao tít, hồng bấy lá non, hoa ngoi lên, ngầu ngầu một sắc nắng nhẹ, như phấn thông vàng. Hoa gọi ong. Cây mít bật những chồi hoa cánh mở đầy đặn. Rồi sấu. Rồi vải. Lạ, vải kết quả từ lúc nào mà nhanh vậy. Một sớm mai trở dậy, đứng dưới gốc sấu hoa rụng đầy, mịn xanh như bột đậu đồ, ngẩng lên cành vải đã thấy những chùm quả non nho nhỏ, xanh như ngọc.
Cây trong vườn năm nay hứa hẹn một mùa quả sai theo một vòng sinh thái quen thuộc, mà vẫn có gì lạ lẫm khác thường. Hay là cây cùng hoa rung cảm với giai điệu du dương của bản Vườn khuya cổ điển? Hay là cây đã xúc động vì câu chuyện tình yêu và hơi ấm bàn tay ve vuốt, êm ái của chị Hoài?
Vào đêm, đứng ở vườn cây mới thấy sự kì ảo của hương cây, hương hoa. Trong thanh lặng, hoa các loài từ cúc, nhài đến nhãn, vải bốc toả, thơm nồng dậy. Không khí trong sạch, tĩnh mịch lạ, đến nỗi thấy phảng phất cả một dải hương hoàng lan từ đầu phố về họp hội; và dường như có thể nghe thấy tiếng ngọn mướp hương Phượng và chị Hoài gieo đêm ba mươi Tết vươn mình, với những cánh tay mảnh như tơ, bắt cành leo lên giàn.
Vào những đêm trong sạch, đẹp trời nhất ở đầu mùa hạ ấy, con mèo đen hay bị kích động; nó thường leo lên và kêu gào ở trên mái nhà.
Nó nguyên là một con mèo vô chủ. Không hiểu nó từ đâu tới, chỉ biết từ quãng ông Táo chầu giời nó đã quẩn quanh ở căn nhà này. Chiều ba mươi Tết, nó đột nhập vào bếp và bị Lý trừng phạt quá nặng. Nhưng, mèo vốn là loài có sức sống dai bền; hơn nữa, nó lại là con mèo hoang. Nó vẫn sống, nhưng gầy còm, xơ xác. Tình cờ nó đến buồng Phượng. Phượng không xua đuổi, lại còn cho nó ăn. Nó trả ơn bằng việc đuổi hết lũ chuột hay đến buồng Phượng quấy phá. Được ăn uống có điều độ, con mèo đen hồi sức rồi béo dần. Bộ lông nay đã mượt, lại đã có cái dáng óng ả của lứa tuổi thanh tơ, nó đẹp đến nỗi có thể gọi nó là con mèo nhung được rồi. Tuy vậy, thật tình nó vẫn chưa thích sống gần người, nó vẫn nhớ đời sống lang thang.
Vào đầu mùa hạ năm nay, đêm nào nó cũng đi lang thang. Quãng mười giờ, nó nhảy từ buồng Phượng, qua cửa sổ, ra sân. Sau khi dạo quanh nhà một vòng, nó phắt lên cây. Nó chuyền từ cành nhãn sang cành vải, sùng sục tìm tổ chim trong các chùm lá rậm, rồi bắt đầu cào cấu thân cây và phát ra những tiếng kêu man rợ. Từ lúc đó nó đã trở thành con vật hoang dại. Nó bám theo ống nước, leo lên mái nhà. Ôi, cái mái nhà dốc bốn chiều mái, nhô cao giữa đêm đen thăm thẳm, với nó thật là một khoảng không vắng vẻ, giữa vũ trụ mịt mùng; ở đây nó có thể tha hồ lăn lóc, thả sức kêu gào.
Nó kêu, nó gào, nó rít. Thoạt đầu còn ra tiếng mèo dại, càng lúc sau càng biến âm, lạc giọng, lạc tiếng. Ngoău! Ngoău! Ngoău! Không có một con vật nào phát ra những âm thanh như thế cả. Đó là tiếng khóc giận dữ, đớn đau, là thanh âm khùng nộ, là nỗi niềm phẫn khích. Tưởng như nó đã tích vào nó cả tiếng sấm sét gió mưa, cả tiếng ếch nhái trong phút hoan lạc lúc chiều, giờ mới phát ra.
Tất cả chim sẻ ngủ đêm trong trần nhà nghe tiếng con mèo hoá dại kêu đều im thin thít như đã chết cứng. Và lũ chuột có cảm giác bị hàng ngàn con mèo điên bao vây, cuống cuồng lao chí mạng xuống tầng dưới căn nhà, rồi biến vào các hốc, hang ngoài khu vườn.
Từ lúc con mèo hoang bắt đầu lên cơn động dại, Lý đã thức. Lý vừa mơ một giấc mơ thú vị. Chị sẽ nằm trong chăn, co người lại, lưng quay về phía Đông, để nối tiếp giấc mơ bỏ dở đó; và sẽ giữ mãi trạng thái khoái cảm ấy trong cơn mơ - tỉnh, tỉnh - mơ, cho tới buổi sớm mai khi chim sẻ ríu ran cất tiếng gọi ngoài vườn.
Đẹp và lạ nhất trên đời này là những giấc mơ. Không cái gì mất dạng, rơi vãi đi cả. Trí nhớ là một anh thủ kho thật mẫn cán. Ở đó có tất cả những bóng hình của những cái đã qua. Cả những ngày Tết vui chơi vừa rồi. Cả cái cô nữ sinh Đồng Khánh vợ viên quan ba tàu bay ngày nào mặc áo hoa hiên mỗi trưa đi qua khung cửa hẹp nhà Lý, tưởng như chỉ là một ảnh hình, một hương sắc thoáng qua rồi tan biến vào hư vô. Vậy mà còn cả, còn hết, mà lại có phần rực rỡ hơn, tươi mưởi hơn. Lý gặp lại người phụ nữ đài các, sung sướng ấy. Chị ta vẫn trẻ như thế, vẫn mặc áo hoa hiên như thế, đi giữa kinh thành Ba Lê, nơi Lý chỉ biết lờ mờ do đọc vụng trộm cuốn Bí mật thành Ba Lê do anh ta cho mượn. Chỉ khác, bây giờ người phụ nữ quý phái ấy là chủ một khách sạn và chồng chị ta, cái ông quan ba tàu bay ấy, đã giải nghệ, trở thành ông chủ một hãng đồ chơi điện tử. Hai người vẫn là vợ là chồng của nhau, nhưng được tự do thả mình theo một mốt sống mới của những con người hiện đại: một vài tuần, các cặp vợ chồng thân nhau lại đổi vợ đổi chồng cho nhau một vài ngày! Hiện đại gì mà lại quái gở thế! Bằng con vật à? Lý ngây ngô muốn hỏi thì có tiếng đáp ngay bên cạnh. Hoá ra viên quan ba tàu bay ngồi ở ghế lái, đang lái chiếc Pơgiô 405 có máy điều hoà nhiệt độ đưa Lý đi chơi. Xe phóng ghê cả người. Ơ kìa, thế nào mà ban ngày ban mặt mà đường vẫn sáng ánh đèn thuỷ ngân. Lý hỏi thì ông ta đáp: “Nước Bỉ nợ đầm đìa mà ăn chơi xả láng vậy đó, em”. Tiếng em nghe ngọt lịm mà Lý bủn rủn. Lý chưa kịp trấn tĩnh thì ông ta đã ghé sang Lý, rạo rực: “Anh ở cạnh nhà Lý, anh đã viết thư cho Lý. Giờ em là vợ anh rồi, Lý à”. Lý kêu thất thanh, ông ta cười, biến ngay thành anh ta, đúng là anh ta, anh trưởng phòng xấu trai, kệch cỡm, hay trúng xổ số, giàu có, hay cho Lý vay tiền, đã cùng Lý đi chơi Tết, chơi hội, có nhiều sách báo phương Tây, hay cho Lý xem ảnh và đã có lần kể cho Lý nghe cái tục lệ đổi vợ đổi chồng hiện đại trên kia!
Ôi! Cái người đàn ông năm chục tuổi đầu chưa vợ nọ với những đầu mày cuối mắt, giọng điệu ỡm ờ, cử chỉ mơn trớn, cách nói lạ tai, tiêu xài vô độ, vừa hay hay vừa lố bịch, cứ lởn vởn quanh Lý, thức dậy trong Lý tất cả những chuyện tưởng như là vô nghĩa mà kích thích Lý vô cùng. Ôi, cái người đàn ông ấy đã cầm tay Lý, đã bá vai, ôm eo Lý. Lý ẩy anh ta ra. Thì anh ta ghé tai Lý: “Lý ơi, anh thèm em quá rồi. Cho anh yêu đi!” Ôi, Lý đã tái mặt, cả trong giấc mơ vừa rồi, tim vẫn đập dồn, nghẹt thở.
Sau cái Tết ngắn ngủi, đã có những ngày như hẫng hụt. Đã có những lúc chợt nổi cơn tức hứng bất thường. Đã có những ngày quăng mình hoàn toàn, bất cẩn vào các đám hội hè, vui chơi thoả thích. Đã có những chiều lang thang vô định như một kẻ mắc bệnh trầm cảm. Đã có những buổi vẩn vơ một mình trên ghế đá. Đã có những đêm ngột ngạt, trơ trọi trong buồng vắng, Đông đi chơi tổ tôm chưa về. Đã rừng rực khát khao tiền bạc, giàu sang, phú quý. Đã nổi cơn ghen nồng nã với kẻ sung sướng hơn mình; đã có lúc lên cơn phá phách, thề đạp chân lên dư luận để thoả niềm thèm khát, nỗi hứng tình.
Nhưng, cũng đã có những ngày hồi tỉnh, hổ thẹn với chính mình. Đạo lí như một vành đai nhân hậu. Công luận như một mệnh lệnh ân tình của xã hội. Lương tâm còn sáng, trí thông minh còn đủ để nhận biết đâu
là giới hạn. Còn gã trưởng phòng thì thật xấu trai, lố bịch và sự giàu có của anh ta mới đáng nghi ngại làm sao. Đã có nhiều lúc Lý căm ghét anh ta. Đồ hợm của! Đồ gian manh! Đồ nịnh đầm! Đồ dâm đãng! Đồ mất dạy! Ngôn ngữ anh ta bỉ ổi! Thủ đoạn của anh ta xảo trá! Âm mưu của anh tàn ác! Đòi hỏi của anh ta với Lý là đĩ bợm. Đã có hôm cùng anh ta đi ăn một bữa đặc sản trở về, Lý ghê tởm móc họng nôn oẹ hết ra. Đã có lúc nghe những lời gạ gẫm sát sạt của anh ta, Lý đỏ mặt bỏ đi và nguyền sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa.
Ấy là những buổi chiều đi làm về, Lý đứng ở cái sân hoa nhãn, hoa vải rắc đầy mặt đất, lắng nghe những âm thanh dặt dìu của gió hút trong các chùm lá biếc. Trong sâu xa, Lý cũng là kẻ yêu đời, sáng trong. Lý hân hoan nhìn Phượng đổ ào gáo nước tưới gốc mướp hương, reo vui với một ngọn mướp nhoài xa trên giàn. Lý nhớ thương chị Hoài, kể lại cho Phượng nghe chuyện chị vỗ về âu yếm từng thân cây xanh. Và thấy Phượng dạo này xanh nhợt, Lý hiểu Phượng rất nhớ con. Đã có lúc Lý hăng hái nhận việc chạy hộ khẩu cho hai mẹ con Phượng. Đã có những phút đòi vượt ra khỏi vòng cương toả, nhưng đã xảy ra sự thu mình tự nguyện, trở về yên vui trong những nền nếp, chuẩn mực ổn định. Những ngày ấy chợt ấm, chợt lạnh như tiết trời tháng tư, cảm xúc không xác định. Như chiều nay, anh ta hỏi: “Lý nói câu cuối cùng đi: đi Sài Gòn hay không đi? Để còn đặt vé máy bay. Ông giám đốc bảo, tuỳ phòng xếp sắp”. Xí nghiệp đang cần nhựa cao su, phụ tùng các loại máy, hoá chất, nhưng đi cả tháng trời biền biệt với anh ta? Con mắt có lẹo của anh ta nheo nheo đầy ẩn ý. Hứa hẹn những cuộc tiêu pha thoả thích hay nhắc nhở những món nợ Lý vay phải trả. Đời đã vay là phải trả. Nhưng anh ta cười rất lẳng: tiền của tôi cũng là tiền của Lý thôi! Và tất nhiên, Lý đã phải lên mặt sưng sỉa. Này, bỏ ngay cái thói quen dùng tiền mua chuộc bẩn thỉu đi. Con này khinh. Con này biết tỏng chuyến này đi, anh sẽ đòi hỏi gì, sẽ lợi dụng hàng, tiền, xe cộ xí nghiệp như thế nào rồi. Đã thế thì, xin chào, “Không đi - Đi!” “Không đi - Đi!”. Ngột lên một cảm giác sinh tử. Bối rối Lý quay đi nhột nhạt: “Để tối nay về suy nghĩ đã!”
Đi - Không đi! Đi - Không đi! Bây giờ đây tỉnh dậy lúc đêm hôm, trong tiếng mèo kêu thảm thiết, phương trình đã liên tục hoán đổi số hạng, nhưng vẫn chưa có nghiệm số! Tắt rồi cháy, cháy rồi lại tắt những dục vọng ngút lửa. Những lời tỉnh táo vang thầm. Những biện hộ trỗi dậy mạnh mẽ.
Trên mái nhà, tiếng con mèo càng lúc càng khẩn thiết. Ngồi hẳn dậy, Lý thấy hình như có con chuột vừa leo qua cái chăn mình đắp. Đông cũng thức giấc lúc đó.
- Mê một giấc kinh quá! - Chống tay ngồi dậy, Đông lẩm bẩm, chùi nước rãi rớt ra mép. - Đến Xuân Lộc thì gặp thằng Cừ. Vừa nói mấy
câu, một quả đạn pháo ở đầu rót tới nổ đánh ùng, chết ngay hai đồng chí bên cạnh. Máu mê lênh láng…
- Đừng nói nữa!
Lý thét, áp tay vào tai, ngực dội lên dẹp xuống.
Đông đã lại cất tiếng ngáy rờn rờn. Giá như là một người khác chứ không phải là Lý. Người đó sẽ an ủi Đông và thương Đông vô cùng. Đông đáng được đền bù sau những gian nan đã chịu đựng. Giá như là một người đàn ông khác chứ không phải là Đông. Người đó sẽ quãi tay kéo Lý vào lòng mình và dịu dàng: “Thức làm gì thế Lý, ngủ đi em, mai còn đi làm”.
Nhưng, không đổi được khác. Đông tốt lành, nhưng xa cách, ít lắng nghe, gắn liền vô tình với hoang vắng, vô tích sự. Và Lý thì vốn chông chênh, lúc này càng chông chênh.
Ngoău! Ngoău! Ngoău! Con mèo gào càng lúc càng ai oán, như tiếng gào của một linh hồn ma quái đau khổ và đói khát hiện về đòi báo oán. Con mèo đứng trên nóc buồng Lý. Sao lại thế? Lý sởn gai gà. Con mèo muốn trả thù Lý về cú đá thập tử nhất sinh hôm nào chăng? Tiếng nó như gai cào vào da thịt Lý.
Ngoằu! Ngoằu! Con mèo hoang nhất định trả thù. Nó sẽ kêu cho tới lúc Lý phải chịu thua nó mới thôi.
Một tiếng đồng hồ sau, Lý bừng bừng những cảm giác đòi thoả mãn và bất chấp, chị lao ra cửa với những ý nghĩ hết sức quái đản. Giá lúc ấy Đông tỉnh giấc, và gọi: “Lý, em đi đâu? Sao mặc phong phanh thế?”…
Vườn cây có hơi sương đêm rười rượi mát và hương hoa thơm thức tỉnh Lý. Chị ngồi ở cái ghế đá dưới vòm cây táo, lát sau thở một hơi dài buồn rã rượi: “Thôi, đi Sài Gòn một chuyến cùng anh ta cho đỡ buồn!”

*

Nửa đêm về sáng ấy có cơn mưa rào.
Mưa tạnh, nghe thấy văng vẳng như tiếng người gọi đò: “Anh Luận ơi” ở ngoài cổng, Phượng tỉnh giấc, chạy ra.
Đứng trước hai cánh cổng sắt là một người phụ nữ và hai đứa trẻ. Người phụ nữ nhỏ nhắn mặc bộ quần áo bảo hộ xanh bạc, đi đôi giày vải không dây, vai đeo một cái ba lô cũ bẹp rúm, mặt vêu vao, héo hắt, hai con mắt đỏ heo. Hai đứa trẻ trạc năm, sáu tuổi, cao xấp xỉ nhau, chân đất, quần cộc, lem luốc, vầng trán dô che hai con mắt gườm gườm tức tối. Tất cả đều ướt nhèm và run rẩy.
Thoáng qua Phượng một linh cảm sợ hãi và nhận ra cái dáng nét quen quen ở khuôn mặt hai đứa bé, Phượng ngồi thụp xuống, ôm chầm lấy đứa nhỏ:
- Cô Cừ phải không? Tôi là Phượng, vợ anh Luận. Hai cháu đây à? Vào nhà đi!
Vợ Cừ bỏ cái nón rách, thở đánh phào, nhột nhạt:
- Em nhận được thư anh Luận, vừa lúc nông trường người ta…
- Tôi biết rồi. Thôi, vào nhà đi đã. Khổ, ướt hết cả rồi. Tàu Nam lên từ lúc mười hai giờ kia mà.
- Em xem nhầm địa chỉ anh Luận ghi. Xuống tàu, ba mẹ con hỏi thăm, đi đến nơi thì người ta bảo: không có ai là Luận ở đây cả. Thế là lại lộn lại. Mưa ướt, đường xa, thằng Quân em cứ èo ẹo đòi bế. Em bảo chúng: “Quân anh, Quân em cố đi đi, mẹ mệt sắp đứt hơi rồi đây”.
Người phụ nữ đưa mu tay quệt đuôi mắt, vừa nói vừa lếch thếch dẫn hai con vào nhà. Tới buồng Phượng, trong khi hai đứa trẻ liền leo tót lên giường, thì chị ngồi phệt xuộng đất, không thể kìm nén lâu hơn được nữa, bật lên tấm tức:
- Khổ quá, ở trên tàu xuống, em giữ chặt tay hai cháu, dẫn chúng ra cửa chỉ sợ chúng lạc. Người chen vào chen ra lộn xộn, chẳng hiểu thế nào mất hết cả hai bọc quần áo, chăn màn. Cả cái túi em để ví tiền với giấy tờ nông trường họ cấp cũng chẳng còn.
Phượng đã dự đoán được phần nào độ bi đát của hoàn cảnh khi thoạt nhìn thấy vợ con Cừ ở cổng, nhưng không ngờ lại tiếp xúc ngay với cái tai hoạ bất ngờ thê thảm của vợ con Cừ khi vừa gặp gỡ như thế này. Phượng xua xua tay, như để lấy lại sự bình tĩnh cho chính mình.
- Thôi, cô và hai cháu lên được đây là mừng lắm rồi. Chúng tôi ở trên này sốt ruột lắm về tình hình cô ở dưới đó. Khó khăn gì rồi cũng tìm cách gỡ được. Ở đây, đã có các bác. Giờ, đi tàu mệt, ba mẹ con nghỉ ngơi, tôi nấu ù nồi mì ăn cho đỡ đói đã nhé.
Phượng nhóm bếp dầu, đặt nồi.
Vợ Cừ vẫn ngồi dưới đất, vò vò khăn tay giụi mắt, nức nức mấy tiếng rồi oà lên nức nở.
- Cô Cừ… - Phượng gọi giật, giọng ngột lên lo sợ.
- Chị ơi, đời em, đời hai con em thế là hỏng hết cả rồi. Em đang đứng máy dệt chiếu thì nhận được thư anh Luận. Chưa kịp bóc xem thì ông đội trưởng báo lên gặp tổ chức nông trường ngay. Lên tới nơi, nghe người ta nói, em mới hiết: anh Cừ anh ấy chạy ra nước ngoài rồi. Chị ơi, em ngất ngay lúc bấy giờ. Các chị cùng đội vội đưa em đi bệnh viện và trông hai cháu hộ em. Được một tuần, em ra viện thì nhận được quyết định của nông trường cho… thôi việc.
Không nghe Phượng gọi, vợ Cừ gục đầu xuống thành giường, giọng càng nhức nhối hoang mang:
- Chị ơi, em đâu có ngờ. Khi anh ấy phục viên, em bảo: thôi, anh cứ về thành phố, ở đây có các anh các chị, có điều kiện học hành, không phí tuổi trẻ đi. Anh ấy được đi nước ngoài học kĩ thuật một năm, em mừng quá. Các cháu đi khoe khắp hàng xóm. Rồi anh ấy về, có lần viết thư cho em, còn bảo: cố gắng chịu đựng ít lâu nữa rồi anh thu xếp cho ba mẹ con lên ăn ở làm việc ở trên này. Em có ngờ đâu anh ấy lừa dối mẹ con em. Bây giờ thế này em biết làm thế nào! Mẹ em thì đã tám mươi, lại mù loà. Anh trai em thì thương binh, những bảy tám cháu, vợ lại yếu đau. Không có hai cháu thì em thắt cổ chết ngay rồi, chị ơi…
Nước mắt Phượng ứa ra hai khoé mắt. Cơ cực, thảm thương đến thế này cơ ư? Phượng cố nén mà giọng vẫn cay sè:
- Cô Cừ, lúc này phải bình tĩnh. Rồi ta sẽ bàn cách. Anh Luận đi công tác về, anh ấy sẽ bàn với anh Đông. Không lo, cô Cừ ạ.
Vợ Cừ mếu máo:
- May mà em nhận được thư anh Luận, em mới theo địa chỉ anh ghi, tìm lên được tới đây, chứ không thì mẹ con em bơ vơ, biết nương tựa vào ai bây giờ. Từ ngày lấy nhau, anh Cừ anh ấy có cho em biết địa chỉ nhà ta đâu, chị ơi.
Hai đứa trẻ hoàn toàn không biết đến những nỗi đắng cay của người lớn. Từ nãy chúng đã leo lên giường, mỗi đứa ôm một cái gối đâm nhau. Rồi tranh nhau cái chăn để trùm đầu. Rồi cãi nhau chí choé. Cho đến khi nồi mì chín, Phượng dọn mâm, thì chúng nhảy xuống đất, sà vào mâm, tranh nhau ngồi đầu nồi.
- Quân anh, Quân em ngoan nào. Để bác múc cho không bỏng.
Người mẹ uể oải nhắc hai đứa trẻ. Chúng không nghe, cứ đòi múc lấy và múc thật đầy bát. Rồi tranh nhau bát đẹp bát xấu, thìa nhỏ thìa to. Rồi thi nhau xúc lấy xúc để, đến nỗi mấy miếng đầu bị nóng, nhổ phì phịt cả xuống đất. Khổ, hai đứa đều đói ngấu và không được dạy bảo chu đáo nên bộc lộ tính háu ăn, không vâng lời một cách thật tự nhiên.
- Bỏ ra! Bỏ ra! Mẹ bảo có nghe không? Quân em!
Nhoáng cái, mỗi đứa đã ăn hết bát mì và vợ Cừ vội đặt đũa xuống mâm, chộp tay thằng Quân em, nó vừa giật cái thìa của thằng Quân anh, không cho thằng Quân anh ăn. Mẹ nó dỗ ngon dỗ ngọt thế nào nó cũng không buông cái thìa.
Phượng vội đưa đũa cho thằng lớn.
- Quân anh ăn đũa vậy. Chốc nữa bác ra cửa hàng mậu dịch mua hẳn một chục cái thìa đẹp cho Quân anh.
Nhưng thằng lớn nhất định không nghe.
Vợ Cừ giật cái thìa không được, tức quá liền phát liên tiếp mấy cái vào tay thằng Quân em. Thế là thằng bé khóc oà lên, rồi vừa chửi mẹ vừa đạp liên hồi vào mâm. Phượng vội bê mâm mì lên giường. Lập tức, thằng bé chồm vào thằng lớn. Nó cắn, thằng lớn kêu oai oái, vùng ra được, chạy ra sân. Thằng bé liền phóng theo.
Phượng đặt nồi mì vào chân giường:
- Cô ăn đi, tôi ra gọi các cháu vào cho.
Cô Cừ tay chống đầu, giàn giụa:
- Con nhà tai ác quá! Kệ chúng nó, chị ạ.
Ngoài vườn, hai đứa trẻ đã tót lên cây vải, réo tên nhau chửi, rồi phát hiện ra vải đã có quả non, thế là thi nhau bẻ. Phượng gọi thế nào chúng cũng cứ lờ đi, như không nghe thấy.
Trong nhà, vợ Cừ ôm đầu ngồi trước bát mì ăn dở. Khi Phượng quay trở vào thì người phụ nữ khốn khổ đã gục đầu vào mép giường. Phượng lay gọi, hốt hoảng bế xốc cô lên giường, cô vẫn bằn bặt. Phượng vội tìm lọ dầu cao xoa thái dương, đánh dọc theo sống lưng cô, lát sau cô mới he hé mắt và liền ngay đó, thiếp đi.
Lúc ấy, Phượng mới thở phào và nước mắt lại ứa ra. Trước mắt Phượng là gương mặt một phụ nữ trẻ vô cùng tội nghiệp. Còn trẻ lắm, chỉ độ hăm nhăm, hăm sáu tuổi thôi. Và lúc này, trong giấc ngủ thiếp đi vì mệt nhọc, buồn nản, đớn đau, ở nơi tin cậy này, mới thấy đó thật là một khuôn mặt phụ nữ nông thôn mới quen với đời sống nông trường, còn rất nhiều vụng dại. Nét mày tỉa theo kiểu làm dáng, thô vụng, mỏng manh cong vút trên làn da trán xanh xao có những đường gân tím mờ. Đôi môi hơi mím, thỉnh thoảng lại múm mím làm rung động hàng lông tơ lớt phớt ở phía trên môi. Và như một sự nhầm lẫn, mấy đường nhăn khổ ải đã hằn in trên vầng trán nhỏ cạo sạch tóc con.
- Hai cháu yên lặng để mẹ ngủ. Mẹ ốm đấy.
Phượng nghẹn đắng quay lại bảo hai đứa trẻ vừa len lén đi vào. Chúng mới tụt từ cây vải xuống vì bị ai đó vừa quát mắng.
Chẳng nói chẳng rằng, hai đứa bé leo ngay lên giường rúc vào hai bên mẹ, lục sục một lúc, rồi nằm im.
Lát sau nghe thấy tiếng chúng ngáy khe khẽ như tiếng dế rúc. Cùng với hình mẹ chúng duỗi dài. Phượng rùng mình vì có cảm giác đó là hình
hài ba nạn nhân mới được đưa từ nơi xảy ra tai nạn về. Chưa bao giờ Phượng mong Luận về đến như thế!

*

Tiếng quát khiến hai đứa trẻ sợ hãi phải tụt từ cây vải xuống là của Đông.
Vào buồng Phượng, nghe Phượng kể lại câu chuyện bi đát của vợ con Cừ, Đông đưa mắt nhìn lướt qua khuôn mặt của ba con người đáng thương nọ, rồi ngồi xuống, thở hắt ra:
- Cái thằng Cừ khốn nạn thật!
Sau khi xổ ra cái câu ấy với một giọng nói gần như bình thản, Đông gãi gãi gáy, lẩm nhẩm một câu gì đó, rồi Đông ngồi im.
Phượng thu dọn mâm bát xong, quay lại thì Đông đứng lên:
- Cô Phượng này, vợ Cừ là công nhân gì nhỉ?
- Cô ấy có nghề dệt chiếu.
- Hừ, gay đấy! Gay đấy!
Gay đấy! Thì rõ ràng là gay go, là khó khăn rồi. Nhưng điều Phượng chờ đợi ở ông anh chồng là khác kia. Thà rằng Đông cáu kỉnh, Đông quát tướng lên: “Thằng Cừ nó làm bậy thì nó phải chịu, chứ vợ con nó có tội gì! Cơ sở nào bắt cô ấy thôi việc là bậy bạ hết sức!” Rồi đùng đùng nổi giận: “Tôi sẽ kiện việc này lên tận Chính phủ, lên tận Quốc hội cho mà xem!” Đàn ông phải thế. Không thể im lặng hoặc chiếu lệ, hoặc buồn nản, trước bất công đối với con người được. Đằng này, Đông chỉ lẩm bẩm: gay đấy, gay đấy, rồi lại ngồi thừ ra, không hiểu nghĩ ngợi gì.
- Cô định thế nào bây giờ, cô Phượng?
Câu hỏi ấy lẽ ra phải là của Phượng với Đông. Nhưng Phượng chưa kịp đáp, Đông đã tiếp lời:
- À, bao giờ Luận nó về nhỉ?
- Đợt công tác này, anh ấy không hẹn!
- Hừ, thế thì gay đấy! - Đông lại thở dài. - Bây giờ trước mắt là ăn ở ngủ nghê ở đâu, học hành của trẻ con thế nào.
- Hai đứa trẻ chưa đến tuổi đi học.
Phượng đáp hơi sẵng. Đông đập tay vào đùi:
- Ờ, nhưng còn việc làm? Gay đấy. Sống thế nào được ở cái đất thành phố này, nếu không có việc làm? Cô ấy… hừ, khó đấy, ốm yếu, con dại, lí lịch lại thế.
Mặt Đông đờ ra, những lúc khác thì Phượng thấy rất tội nghiệp, nhưng lúc này thì cô thật sự giận ông anh chồng quá.
- Về nơi ăn chốn ở thì anh không phải lo. - Phượng sẵng. - Cô ấy và hai cháu đã đến cái nước này thì em phải cưu mang. Không lẽ để ba mẹ con cô ấy đói khát. Thiếu thì bán chác cái này cái khác đi, hoặc là vay mượn. Còn để kiếm sống đơn thuần thì không phải là khó. - Trong cơn tức giận, giọng Phượng càng lúc càng rành rọt, sáng láng. - Xem ra cô ấy là người tần tảo chứ không phải loại hèn kém. Từ ngày cô ấy có con, Cừ nó có đoái hoài gì đâu. Đến cái địa chỉ gia đình nó cũng không cho biết. Đi nước ngoài về, nó không hề cho vợ con được một tí gì gọi là có.
- Cái thằng khốn nạn thật!
- Cùng lắm thì ra đón gánh rau đầu chợ, bán cuối chợ, hay mở quán nước chè, bán dăm cái kẹo, ba mẹ con cũng đủ sống. Nhưng không lẽ thế! Cô ấy đã có mấy năm là công nhân. Đẩy người ta xuống thì dễ, nâng người ta lên mới khó. Cũng còn là vì tương lai của hai đứa trẻ nữa. Chúng phải được sống trong môi trường tập thể. Trong việc này, lí lịch cô ấy có gì xấu xa mà anh lại nói thế! Chẳng lẽ cô ấy đã phải chịu cái cực cái khổ do cái đứa vô trách nhiệm gây ra, giờ lại phải gánh chịu cả cái đau đớn về mặt tinh thần nữa!
Chưa bao giờ Phượng nói một thôi dài như vậy. Và những câu nói mạch lạc, gãy gọn, biểu đạt tình cảm một cách hết sức rõ ràng của Phượng đã khiến Đông dẫu còn đang mù mờ lãng đãng, cũng phải sửng sốt vì bỗng nhận ra một nhân cách mới mẻ, ngoài sự đánh giá của mình ở Phượng. Trước nay, anh vẫn coi Phượng là một phụ nữ tốt theo cái nghĩa thường tình. Giờ thì không phải thế! Phượng hiền từ, chân thật, hợp lí, hài hoà, đầy lòng yêu thương, có thể rung động xót xa trước trước mỗi con vật bị hành hạ, mỗi cảnh đời khốn khó. Nhưng, còn hơn thế nữa, Phượng còn cứng cỏi, mạnh mẽ, bộc lộ ngay thẳng nỗi bất bình trước sự ngang trái và dám đón nhận cái trách nhiệm giúp đỡ những kẻ đang lâm vào cảnh ngộ không may ở đời.
Trong giây phút đối diện với bản lĩnh tuyệt đẹp và cao cả ấy, Đông hơi cúi xuống, lòng không khỏi phát sinh những mặc cảm về sự thiếu hụt của con người mình.
- Thôi để Luận về, tôi sẽ bàn với nó xem. Gay đấy, nhưng cũng phải cố thôi. - Đông ngáp một cái, nhìn Phượng, giọng rầu rầu. - Cô Phượng thông cảm. Lẽ ra, tôi phải đứng ra cáng đáng việc này. Nhưng tính tôi, cô biết đấy, vụng về vô tâm, lại ít kinh nghiệm. Mà cô Lý thì cô cũng biết rồi. Lý phải nói là rất tốt. Không có tay cô ấy thì tôi đâu yên tâm xa nhà mấy chục năm chiến đấu ở mặt trận. Có điều cô ấy cũng có chỗ khác người. Nhịn nhường, bỏ qua đi vẫn là hơn. Tình vợ chồng vốn
là khó nói. Hơn nữa, dịp này cô ấy lại đi vắng, không quyết định được. Đấy, sự thật thì nó cũng đơn giản như vậy thôi.
Ngừng lời, vẫn nhìn Phượng, như sợ đôi mắt Phượng soi vào tâm tư, Đông liền chuyển câu chuyện:
- À, có một vấn đề, tôi muốn hỏi ý kiến cô. Ông cụ đi chơi hội nay mai về, có nên nói cho cụ biết mọi chuyện của vợ Cừ không?
Phượng đứng dậy theo Đông, dứt khoát:
- Cụ đi hội về, anh phải gặp cụ nói ngay. Nói, cụ phải thương chúng, chúng vô tội, chúng là nạn nhân, phải cứu giúp chúng.
Đông gật đầu, lừng lững đi ra cửa, lên gác.
Lát sau, anh ôm một đống lỉnh kỉnh những là xe đạp trẻ con, ngựa gỗ, đồ chơi bằng nhựa và một xấp quần áo cũ đi xuống, vào buồng Phượng, giọng khấp khởi như vừa hoàn thành thắng lợi một nghĩa vụ quan trọng:
- Cô Phượng này, những thứ này của thằng Dư hồi nhỏ. Tôi đem cho hai đứa nó chơi. Chỗ quần áo cũ này, cô lựa, cắt may lại cho chúng. Khổ! Đúng là chó cắn áo rách! Thôi, đành cố vậy, chứ biết làm thế nào!