Chương 3
Động lực của tăng trưởng của nền KT

1- Dân chủ là gì?
Dân chủ và nhân quyền là một đề tài khá nhạy cảm, là chiêu bài mà Mỹ và một số tổ chức người Việt cực đoan ở hải ngoại thường lợi dụng để gây sức ép. Ngày 20/07/2004, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam. Đây là vật cản không nhỏ với nước ta trên con đường hội nhập và hợp tác quốc tế. Có lẽ vì lý do đó, các nhà nghiên cứu, các báo thường ngại bàn đến khái niệm này.
Vậy dân chủ là gì? Tại sao chúng ta phải né tránh? Điều gì đang ẩn chứa đàng sau khái niệm này?
Sử cũ chép lại, vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, một số đô thị Hy Lạp với dân số giới hạn từ 10 đến 15 ngàn người đã sinh hoạt như những quốc gia tự trị. Dân chúng tụ tập ở một nơi công cộng gọi là Nghị Trường (Forum) quyết định những công việc cần làm và ai sẽ làm những công việc đó. Mỗi người đều có thể được cử ra nhận nhiệm vụ điều hành bộ máy nhà nước. Như vậy người cầm quyền với kẻ thuộc quyền tuy hai nhưng là một. Tất cả mọi người đều cai trị mà mỗi người vẫn tự điều khiển mình. Từ ý niệm này, danh từ dân chủ đang được dùng ngày nay, theo tiếng Anh là Democracy phát xuất từ danh từ Demoscratos của Hy Lạp, trong đó Demos là nhân dân và Cratos là cai trị.
Định nghĩa về dân chủ nêu trên đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong việc trị nước để chấm dứt những sự ức hiếp, bóc lột, lạm dụng quyền hành của một người hay của một nhóm người. Tránh được các tệ đoan trên, mỗi cá nhân trong cộng đồng mới hưởng được tự do, bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để toàn dân hàng triệu người cùng thảo luận, thỏa hiệp chung về một vấn đề và trực tiếp giữ việc trị nước? Trả lời câu hỏi này, nhân loại đã trải qua hàng chục thế kỷ đấu tranh khốc liệt, từng bước hệ thống hóa lý tưởng dân chủ để ngày nay người ta đã định nghĩa dân chủ là “chính thể vì dân, do dân và bởi dân”.
Bất cứ một chính khách, một đảng phái hay một nhóm người nào lên nắm chính quyền đều cho rằng, chế độ mà mình đang điều hành là vì dân, do dân và bởi dân. Không một ai ngồi ở đỉnh cao quyền lực lại phủ nhận điều này, kể cả Thủ tướng Đức quốc xã Hitle. Tuy nhiên, người dân được hưởng quyền tự do đến đâu lại là một câu chuyện khác.
Bác Hồ đã đặt tên cho nước Việt Nam non trẻ là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Cái tên này đã bao hàm cả ý chí, nguyện vọng của người cầm quyền cũng như của dân chúng sau hơn 80 năm dài nô lệ. Tuy nhiên, trong thể chế chúng ta, vẫn bắt gặp vô số những cấm đoán khó hiểu. Cách đây hơn 20 năm, mẹ tôi từ quê ra Hà Nội thăm bác tôi, thương anh quanh năm ăn gạo hẩm, cụ mang theo 10kg gạo quê làm quà, liền bị quản lý thị trường thu trắng…. để giải thích cho các chế tài này, đảng ta thường giải thích bằng thuật ngữ: “Nắm vững chuyên chính vô sản”. Những sự cấm đoán như vậy ngày nay nghe có vẻ hài ước, nhưng ngay tại thời điểm đó không ai dám phản đối. Hiện nay xung quanh ta vẫn còn không ít điều cấm kỵ mà người dân vẫn phải cam chịu.
Mới đây, khi đọc cuốn Phát triển là quyền tự do (Development as freedom) của Amartya Sen, một nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn Độ, công trình này của ông đã đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế học năm 1998. Sau nhiều dẫn chứng thực tế, Amartya Sen đã lập luận một cách đầy thuyết phục rằng: “quyền tự do vừa là mục tiêu cuối cùng của đời sống kinh tế, vừa là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được phúc lợi chung”. Amatya Sen cho rằng, “sự phát triển được coi là một quá trình mở rộng các quyền tự do dân chủ thực sự mà người dân được hưởng”. Đó là một chân lý. Không thể bàn về tăng trưởng mà không đề cập đến tự do dân chủ.
Như đã nói ở bài trên, chúng ta đã nhìn thấy những vết lở loét trên cơ thể của nền kinh tế và ra sức chữa trị. Việc chữa trị vết viêm nhiễm ngoài da cũng như những cuộc cải cách, vận động được tiến hành qua hàng chục năm nhưng bệnh tình không những không hề thuyên giảm mà có phần còn trầm trọng thêm. Vậy đâu là cốt lõi của vấn đề? Từ thực tiễn Việt Nam, xin được bàn đến mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế.
2- Mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng
Nhìn vào lịch sử, qua các chu kỳ tăng trưởng kinh tế chúng ta sẽ thấy mối quan hệ nhân quả giữa tăng trưởng kinh tế và mở rộng dân chủ. Mỗi bước tiến của nền kinh tế Việt Nam đều gắn liền với một bước tiến của nền dân chủ. Sau cải cách ruộng đất năm 1954, người dân được làm chủ ruộng đất đã tạo cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong những năm sau đó.
Hợp tác hoá một cách ồ ạt đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, gây ra nạn thiếu hụt lương thực trầm trọng trong những năm tiếp theo. Chính sách “khoán hộ”, trao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân đầu những năm 80 đã tạo ra bước tăng trưởng đột biến về lương thực. Từ một nước thiếu đói triền miên, sống nhờ bằng nguồn lương thực viện trợ từ nước ngoài đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Nhân chuyện “khóan hộ” cũng xin được nói thêm, sáng kiến này đã được ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đưa ra áp dụng ở tỉnh này từ năm 1965, nhưng do thiếu dân chủ, đặc biệt là không chịu lắng nghe những ý kiến khác biệt nên sáng kiến này phải chui lủi mất 15 năm, cho mãi tới tận năm 1980, bằng sự mạnh dạn của ông Đoàn Duy Thành việc “khoán hộ” mới được  áp dụng ở Hải Phòng. Nhờ thắng lợi của chính sách này đã góp phần giúp cho việc Việt Nam tránh được sự sụp đổ theo hiệu ứng domino từ Đông Âu.
Luật doanh nghiệp (1999) với những cơ chế thông thoáng đã mở ra một giai đoạn mới phát huy nội lực, tạo ra một bước tăng trưởng mới trong việc huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong mọi tầng lớp dân cư…
Trên đây chỉ là một vài ví dụ thực tiễn không thể chối cãi ở Việt Nam. Chúng ta thử phóng tầm mắt sang một số nước khu vực để kiểm nghiệm chân lý này.
Một chuyên gia cao cấp của Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ cho biết, Lý Quang Diệu, người đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singapore gần 30 năm (1965- 19930) đã tham vấn với Chính phủ Việt Nam: Trong điều kiện dân trí thấp, nên áp dụng chế độ quân chủ, khi trình độ dân trí cao, cần phải áp dụng chế độ dân chủ. Từ nguyên lý đó, ông này cho rằng, “trình độ dân trí Việt Nam hiện còn thấp nên chỉ có thể áp dụng chế độ dân chủ một cách hạn chế. Nếu thoáng quá dễ dẫn đến bạo loạn?!”
Ông này cũng thường xuyên nói với tôi về bài học từ các con rồng châu Á, họ đã duy trì chế độ quân chủ nghiêm ngặt trong nhiều năm, khi đạt được những bước tiến về kinh tế họ từng bước mở rộng dân chủ. Đó là các bước đi mà Việt Nam đang học tập. Sau này khi có điều kiện đọc một số tài liệu về các nước, thông qua các website bằng tiếng Anh và tiếng Việt, hỏi chuyện các cán bộ ngoại giao đã từng sống ở đó, đi thăm một số nước, tôi mới nhận ra một điều, thực tiễn ở các nước “con rồng” châu Á không phải hoàn toàn như những thông tin mà chúng ta đang có.
Do xuất phát điểm thấp, lại chịu sự ảnh hưởng nặng nề của nền văn minh châu Á,  nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của Hàn Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan, và Singapore, không thể so sánh được với các quốc gia phương Tây và cũng không phản ảnh trung thực với những điều ghi trong hiến pháp. Tuy nhiên vào thời điểm bắt đầu đổi mới, những điều kiện này đã được phát triển hoặc cải thiện hơn cả điều kiện kinh tế.
Trường hợp của Hàn Quốc chẳng hạn, từ lúc Lý Thừa Vãn bắt đầu cầm quyền (1948), Hàn Quốc đã áp dụng một thể chế độc tài khắt khe.  Nhiều quyền tự do của người dân đã bị hạn chế với lý do là để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhiều vụ vi phạm nhân quyền, dân quyền đã xảy ra, khiến đã xuất hiện sự bất mãn trong quần chúng. Ông Lý có lý do để bào chữa cho sự mất dân chủ này là phải giữ ổn định tình hình để Bắc Triều Tiên không thể lợi dụng thời cơ tiến hành xâm lược.
Tuy nhiên, không thể cứ vin vào ổn định chính trị để vi phạm nhân quyền. Giới sinh viên là thành phần trẻ và cấp tiến đã phản ứng quyết liệt. Ngày 19/4/1960, sinh viên Seoul đã nổi loạn đòi dân chủ hóa khiến tổng thống Lý Thừa Vãn- người đã khai sinh ra Ðại Hàn Dân Quốc, buộc phải từ chức Tổng thống vào tháng Tư 1960, sau đó ông phải đi lánh nạn tại Hawai. (Ngày 6 tháng 11 năm 1958, Lý Thừa Vãn, đã sang thăm miền Nam Việt-Nam. Trong dịp này ông đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt.  Chi tiết lịch sử này sau này đã được con cháu họ Lý ở Hàn Quốc xác nhận lại và tìm về cội nguồn ở làng Đình Bảng- Bắc Ninh).
Trước những đòi hỏi về dân chủ, chính phủ phải tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 26/7/60 thiết lập thể chế đại nghị. Ông Yun Po Sun đắc cử Tổng thống. Ông này chỉ chấp chính được 10 tháng. Ngày 16/5/61 cuộc đảo chính của quân đội đã đưa tướng Pác Chung Hy lên nắm quyền. Ông này đã phát động kế hoạch phát triển kinh tế, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ của họ đã tiến một bước dài. Tiếp đó, nhân quyền và sinh hoạt dân chủ vẫn tiếp tục được cải thiện.
Năm 1997, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế tiền tệ nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ Hàn Quốc đã phải vay khẩn cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị - kinh doanh. Với việc mở rộng dân chủ, Hàn Quốc đã tranh thủ được sự chia sẻ của dân chúng, quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng trong thời gian 3 năm (1998-2000). Hàn Quốc đã trả xong nợ của IMF, dự trữ ngoại tệ đã đạt 133 tỷ USD (cuối năm 2003). So với những Con Rồng Á Châu khác, điều kiện dân chủ của Hàn Quốc cao nhất, và kinh tế cùng khả năng kỹ thuật của họ cũng cao nhất.
Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân, có 5.000 năm lịch sử của chế độ phong kiến, Trung Quốc tự cho mình là trung tâm thế giới. Rất khó để thay đổi tính bảo thủ của quốc gia này. Thế nhưng, nếu suy ngẫm kỹ ta thấy, dưới triều đại Mao Trạch Ðông, đặc biệt là 10 năm Đại cách mạng văn hoá vô sản, lực lượng chuyên chính Hồng Vệ Binh tác oai tác quái lên mọi mặt đời sống xã hội, bất kỳ ai, kể cả đương kim Chủ tịch nước như Lưu Thiếu Kỳ cũng có thể bị trói, bị kết tội là “tư sản”, là “xét lại” dẫn đi hạch tội ngoài đường phố. Khi Ðặng Tiểu Bình thâu tóm được quyền lực, bắt đầu công cuộc “cải cách mở cửa” mà đầu tiên là cải cách về nhân quyền và dân chủ.
Những gì xảy ra tiếp theo đó cũng chứng minh được rằng một khi đã phát triển kinh tế, không thể không phát triển dân chủ. Những đòi hỏi về dân chủ luôn luôn đi kèm theo đó, nếu không đáp ứng thích nghi, thế nào cũng hỗn loạn.
Ngày nay, Trung Quốc dẫu chưa đạt được trình độ dân chủ như các nước phương Tây, nhưng với phương châm “một đất nước- hai chế độ” bên cạnh một Trung Quốc cộng sản, trong lòng Trung Quốc còn có Macau, Hồng Kông, là những vùng lãnh thổ phát triển theo mô hình phương Tây, người dân được tự do bày tỏ tư tưởng, tự do tham gia đảng phái, tự do kiến nghị các quyền cơ bản lên Chính phủ trung ương. Còn ngay Trung Hoa đại lục, các nhà xuất bản, các báo, các hãng phim,  vẫn có thể tự do in ấn những tác phẩm trái chính kiến, đề cập đến những chuyện “thâm cung bí sử” một cách thoải mái mà không gặp phải bất cứ cản ngại nào. Đó là lý do để nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
3- Động lực của kinh tế- động lực của chính trị
Trong bài viết ở phần trên, chúng ta đã thấy giữa tăng trưởng kinh tế và mở rộng dân chủ có mối quan hệ biện chứng, nhân quả. Mở rộng Dân chủ đã góp phần giải phóng mọi năng lực tiềm ẩn trong mọi tầng lớp dân cư, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, vậy dân chủ có phải là động lực cho hệ thống chính trị không, chúng ta sẽ bàn sâu thêm về lĩnh vực này.
Lenin định nghĩa: “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Trong đó, kinh tế là khái niệm phản ánh thuộc tính về hạ tầng cơ sở, còn chính trị là khái niệm thuộc thượng tầng kiến trúc. Giữa chính trị và kinh tế luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tương thích lẫn nhau, cái này là hệ quả của cái kia và ngược lại theo đúng quy luật của cặp phạm trù nhân quả.
Trở lại đề tài của bài viết trước, chuyện đúng sai của một chọn lựa vẫn là việc xác định cho rõ liên hệ giữa phát triển kinh tế và cải tổ hệ thống chính trị, xây dựng dân chủ, một vấn đề đã và sẽ còn được đặt ra với các quốc gia không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Vấn đề tiếp theo là suy xét kỹ những yếu tố đặc thù của Việt Nam để định giá sự lựa chọn này, đồng thời, để đi tìm một hướng đi thích hợp nhất.
Những kết quả nghiên cứu của Lenin đã chỉ ra, kinh tế và cấu trúc chính trị của xã hội có liên hệ  tương hỗ với nhau. Tuy nhiên xác định bản chất của những liên hệ này và thiết lập cấu trúc thế nào để tương thích lại không phải là điều đơn giản. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, cả thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của một Trung Quốc đang trong tình trạng chuyên chính, đồng thời với sự khốn khó kinh tế của một nước Nga trên đà phát triển dân chủ khiến các nhà nghiên cứu kinh tế không khỏi bối rối.
Tuy cách diễn đạt có khác nhau, nhưng các nhà kinh tế học từ cổ điển đến hiện đại, kể cả K.Marx đều thừa nhận: Cạnh tranh là động lực của sự phát triển. Khi chấp nhận nền kinh tế thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần, Đảng ta cũng đã ngầm ý thừa nhận chân lý: thị trường tự do là động cơ lớn nhất để phát triển kinh tế. Nhờ tạo dựng một lực lượng kinh tế dân doanh sản xuất năng động, khó chấp nhận sự trì trệ và gò bó của chính quyền, cùng với một giai cấp trung lưu thích hưởng thụ hàng hóa lẫn các phương tiện giáo dục và quyền tự do lựa chọn, nó làm cân bằng quyền lực nhà nước.
Nền kinh tế nhiều thành phần trong giai đoạn đầu như là một áp lực cạnh tranh với hệ thống chính trị. Để thích ứng với cuộc cạnh tranh này nhà nước phải không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của dân chúng và từng bước chấp nhận những định chế dân chủ. Điều này đã giải thích cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có một động lực khác mạnh hơn để cải tạo hệ thống chính trị.
Liên hệ này được nhìn thấy khá rõ trong trường hợp của Mỹ và các quốc gia  phương Tây nói chung. Ðặc biệt, mới đây nhất, sự phát triển vượt bậc bằng kinh tế thị trường ở Hàn Quốc (đã nói ở phần trên), Ðài Loan, Singapore. Những nước này trước hết, tạo nên thịnh vượng cho xứ sở, và sau đó, phát triển dân chủ, như là một môi trường cạnh tranh để không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị.
Ở Nga và nhiều nước Ðông Âu, tiến trình được thực hiện theo chiều ngược lại. Dân chủ hóa đi trước,  tái cấu trúc kinh tế theo sau. Từ việc mở rộng dân chủ, hệ thống chính trị nước Nga đã tạo môi trường tốt cho các nhân tài phát triển. Trong gần 20 năm qua, nước Nga đã sản sinh ra nhiều nhân tài xuất chúng trong mọi lĩnh vực, đương kim tổng thống Putin cũng được trưởng thành trong hoàn cảnh đó. Sau một thời gian khốn khó các quốc gia này đã từng bước ổn định tình hình, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Khi đọc lại lịch sử nước Mỹ, tôi phát hiện ra rằng, cách đây một trăm năm, thu nhập  bình quân của Hoa Kỳ thấp hơn Algieria, Jordan, và Mexico. Là một quốc gia trẻ tuổi, trong những năm đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ nghèo hơn rất nhiều quốc gia chuyên chính ngày hôm nay, nhưng nhờ theo đuổi con đường dân chủ, thi hành những chính sách thông thoáng, thu hút nhân tài vật lực, đặc biệt là từ cựu lục địa châu Âu,  Hoa Kỳ phát triển vượt bậc. Nhà văn Ngô Tự Lập đã có sự ví von khá hay: Hoa Kỳ là đặc khu kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngược lại, Cuba trước đây có mức sống cao hơn nhiều quốc gia khác thuộc châu Mỹ Latin lại chọn con đường xã hội chủ nghĩa chuyên chính của Fidel Castro. Kết cục thế nào thì đã rõ, Cuba đang gặp muôn vàn khó khăn để hội nhập trở lại thế giới.  Nói như vậy không có nghĩa là cứ có dân chủ là có thịnh vượng, hoặc có thịnh vượng sẽ có dân chủ. Trong rất nhiều trường hợp, dân chủ chưa chắc đã mang lại thịnh vượng, mà thiếu dân chủ cũng chưa chắc đã mang lại nghèo đói. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không nhiều và đều có lý do riêng. Hầu hết các quốc gia độc tài đều rất nghèo và các quốc gia dân chủ rất phồn thịnh.
Thế nhưng, đi sâu vào từng trường hợp của những quốc gia đã nêu, dù là trường hợp thành công hay thất bại, và nếu loại trừ những yếu tố đặc thù của quốc gia đó, người ta vẫn ghi nhận được những ràng buộc giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Nói khác đi, không thể phát triển kinh tế lâu dài mà thiếu dân chủ, cũng như rất khó xây dựng dân chủ khi không có một chính sách phát triển kinh tế hữu hiệu. Bác Hồ vẫn thường hay nhắc lại câu nói của Nguyễn Trãi: “Nâng thuyền lên cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Dân chủ là tiền đề để giải phóng sức dân. Dân chủ là liều thuốc hữu hiệu nhất để kích hoạt mọi tế bào của nền kinh tế. Quan hệ giữa dân chủ và kinh tế chặt chẽ hay lỏng lẻo tùy theo từng quốc gia, và đặc biệt, tùy thuộc khá nhiều vào những yếu tố bên ngoài.
Nói một cách đơn giản, vẫn có một tiến trình vòng tròn: kinh tế tự do mang đến phồn thịnh, phồn thịnh tạo sức ép để có dân chủ hoặc có thêm dân chủ, dân chủ tạo môi trường thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những vòng tròn đó chồng chập lên nhau. Trong trường hợp các quốc gia đang phát triển, thật khó để bảo rằng vào một thời điểm nào đó, quốc gia này cần phải bắt đầu một giai đoạn này của tiến trình chứ không phải giai đoạn khác. Cũng như, thật khó để đo được khoảng cách thời gian giữa hai giai đoạn kế tiếp của tiến trình. 
Trong những ngày vừa qua, hàng triệu người xem truyền hình đã chứng kiến cuộc vận động tranh cử chức Tổng thống ở nước Mỹ. Đặc biệt là ba cuộc tranh luận được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Tại các cuộc tranh luận này, các ứng viên đã tập trung vào vấn đề then chốt của đất nước về đối nội như chăm sóc sức khoẻ, việc làm, thuế thu nhập… các chính sách đối ngoại như cuộc chiến tại Iraq nơi con số lính Mỹ thương vong ngày càng tăng,  cuộc chiến chống khủng bố…
Qua mỗi cuộc tranh luận, các ứng viên đã thể hiện được tài năng cũng như tính đúng đắn của các chính sách mà mình đưa ra. Cử tri có điều kiện sát hạch từng ứng viên. Các điểm mạnh, điểm yếu của họ đều được bộc lộ. Nếu một ứng cử viên nào đó tỏ ra yếu kém, thiếu hiểu biết hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ bị mất điểm, cơ hội thắng cử càng ít đi. Cùng với sự giám sát của dân chúng là các phương tiện truyền thông đưa tin, phân tích, bình luận. Các chính khách đương nhiệm muốn tiếp tục trúng cử không những không dám làm bậy mà phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, các nhà hoạt động chính trị khác muốn trúng cử phải chứng tỏ được năng lực của mình trước công chúng. Nhờ hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ này, nước Mỹ thường chọn ra được những nhà chính trị xuất sắc nhất. Thông qua những hoạt động dân chủ đó các chính khách không ngừng hoàn thiện mình và lựa chọn được phương án tối ưu phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Nhà nước Việt Nam còn non trẻ, chưa thể có những hoạt động dân chủ như Mỹ, nhưng không thể không coi đây là một cái đích để phấn đấu.