20. Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh

Độc giả đã biết trận Vụ Quang Sơn, cụ Phan khéo bố trí và thâu được kết quả ra thế nào. Quan quân (tức là binh lính của bảo hộ) vì quá khinh thường bên đối địch lại bị trời mờ sáng về mùa lạnh, sương mù bịt bùng tứ phía, thành ra trúng kế của nghĩa binh mà đại bại. Nước trên nguồn tống xuống ào ào, với mấy trăm cây gỗ lim, cây nào cây nấy lớn tướng, xô đẩy quan quân phải ngã nhào ngộp nước mà chết có, bị đạn mà chết cũng có. Lại lúc bấy giờ một đội nghĩa binh mai phục bờ sông bên này nổi dậy vừa đánh chiêng trống vang trời, vừa chĩa súng loạn xạ, còn đội nghĩa binh giả thua mà chạy hồi này cũng quay trở lại tiếp chiến ở bờ sông bên kia, khiến cho quan quân mắc kẹt ở giữa sông, hốt hoảng lúng túng với nhau rồi bị cây và nước đẩy trôi đi, chứ không ngó thấy bờ bến ở đâu mà lên: vả lại hai bên bờ đều bị nghĩa binh chận đánh dữ dội, quan quân muốn lên bên nào cũng chẳng được.
Duy có mấy chục người có sức chịu đựng mạnh hơn, thì trôi theo dòng nước xuống mãi hạ lưu một đỗi rất xa, thế nước chảy bớt mạnh đi rồi, mới ngoi ngóp lội vô bờ mà chạy thoát thân. Ấy là những người sống sót; còn ba phần tư bị nước lôi cuốn chết chìm. Một lão ngư ông ở trên sông Vụ Quang nói chuyện rằng lão còn nhớ lúc đó người ta vớt lên được một trăm mười mấy cái xác là ít; cá sông được một bữa no nê, là vì thấy nhiều xác mất đùi hay nát bấy thân thể ra rồi.
Cụ Phan từ lúc khởi nghĩa đến giờ, có trận này là thắng lợi nhất, thống khoái nhất. Đã hơn một năm, nét mặt cụ Phan lúc nào cũng nghiêm, cũng buồn, cũng lo, nhưng hôm nay tướng sĩ ngó thấy lộ ra cái nét vui vẻ một chút. Tuy vậy, cái nét vui vẻ đó chỉ như bóng mặt trời giữa cơn giông tố, chỉ hé ra trong giây lát, rồi những đám mây u ám lại che khuất đi ngay.
Vì cũng là một trận chót hết của nghĩa binh Phan Đình Phùng.
Từ đây, thầy trò chỉ có việc chạy thất điên bát đảo và đói xanh mặt lòi xương cho đến cùng tuyệt thì thôi, không còn đánh chác gì được nữa.
Sau lúc thắng trận thu quân, nghĩa binh tụ họp ở bên khe núi, những súng đạn, đồ vật và lương thực đã bắt được của lính tập chất lại một đống. Phần nhiều súng đạn lính tập chìm sâu tận đáy sông hay là nước đánh trôi băng đâu mất. Nghĩa binh chịu khó lặn mò chỉ kiếm được có bốn chục khẩu súng và một ít đạn mà thôi.
Quân lính hối hả bắt nồi nấu cơm ăn để lấy lại sức khỏe đã chịu vất vả trọn đêm. Rồi thầy trò ngồi quần tụ trên những tảng đá bên khe, dưới bóng cây mát mẻ, ăn cơm rất vui vẻ ngon lành. Bữa ăn này thêm có vô số bánh mì, cá hộp và rượu chát vừa mới bắt được, tướng sĩ chia sớt với nhau mỗi người một miếng, gọi là bữa tiệc khao quân. Ai nấy lâu nay ăn đói mãi, đã não ruột mòn hơi, bây giờ được một bữa tinh thần khoan khoái, cơm bánh tràn trề, lại thêm mấy món ăn lạ, hầu hết chưa được nếm qua bao giờ, thành ra ăn uống với nhau ngon miệng hả lòng lắm. Nhiều người có cái cảm giác như được dự bữa đại yến của vua ban. Trong đám tướng sĩ, có năm ba người chân chất quê mùa hết sức, đến đỗi không dám để môi vào một nhễu rượu chát, vì tưởng là thuốc độc của bên địch cố ý để lại cho mình vớ được ham ăn thì chết. Đó cũng là một hạng tư tưởng khờ khạo như tướng sĩ trào đình ta buổi đầu, thấy lính Pháp to lớn phục phịch thì nghĩ đâu họ không biết chạy, hay là nghĩ vơ vẩn rằng đóng cây nhọn giữa lòng sông có thể đâm lũng tàu trận của Pháp vậy.
Một điều nên chú ý là bữa ăn này tướng sĩ ăn đông ăn tây, còn chủ soái là cụ Phan thì vẫn ăn mấy nắm cơm chấm muối như thường. Cụ nói những vật thực đã bắt được kia là công lao huyết hãn của tướng sĩ, giờ cụ khao thưởng hết cho tướng sĩ.
Ăn no lại sức rồi, bây giờ nghĩa binh toan tính hành động sao đây?
Thì chỉ có nước là tính đến thượng sách của 36 kế là hơn.
Vì sự thế bắt buộc phải vậy.
Phan bàn định với tướng sĩ:
- Ban đầu quân ta cùng đường gấp nước, đóng đồn ở vùng núi này chỉ tạm đỡ nhất thời mà thôi, ta đã nói trước rằng đây không phải là chỗ có thể trú chân trường cửu cho ta. Hồng phúc con sông giúp ta đánh thắng được một trận như hôm nay là may mắn quá rồi, đừng nên tưởng rằng trận thắng này tức là có thể lưu lại ở đây yên ổn được. Chỉ nội chiều nay hay là ngày mai, địch quân kéo đại đội binh mã tới báo thù quyết chiến với ta, thì ta làm sao? Cái diệu kế "Sa nang ông thuỷ" mới rồi chỉ dùng được một lần là hết, không ai để cho mình dùng được tới lần thứ hai. Lo đánh đã khó, mà lo ăn còn khó hơn. Thật khổ là việc lương thực bị nghẹt, không sao chuyển vận tiếp tế như mấy năm trước. Ví dụ quân Pháp lại không cần đánh ta, chỉ vây bọc trái núi này độ mười ngày luôn, cũng đủ làm cho quân ta chết đói nhăn răng hết. Bởi vậy, ta phải quyết kế lui chạy là hơn; mà phải lui chạy tức tốc mới được.
Ngừng lại ra dáng suy nghĩ một lát, Phan nói tiếp:
- Có mấy nơi quân ta có thể lui về đóng đồn, để ta đắn đo lựa chọn coi thử nơi nào phải hơn.
- Bẩm cụ, xin cho lui binh lên miền núi Khai Trướng có được không?
Nguyễn Mục hiến kế như vậy.
- Phải đó, ý kiến của tướng quân rất hiệp với ý kiến ta, ta vừa toan nói.
Tức thời cụ truyền lệnh cho tướng sĩ sắp đặt cho kịp đúng ngọ thì nổ trại kéo quân đi, không được trì hoãn. Cụ dặn dò tướng sĩ bỏ lại hết những đồ vật gì kềnh càng, vô dụng; ngoài ra khí giới, mỗi người chỉ được đem theo y phục vừa cần dùng thay đổi. Còn dư ít nhiều lương thực thì sang sớt ra từng bao nhỏ, đãy nhỏ, mỗi người đều đeo trên vai. Thế là ngoài khẩu súng để phòng đánh và túi gạo để phòng đói, quân sĩ không phải khiêng vác những quân nhu vật dụng nào khác, nặng nhọc, rộn ràng. Chủ ý Phan muốn cho quân sĩ nhẹ nhàng để đi cho mau, lên dốc xuống đèo cho dễ, rủi khi giữa đường có gặp địch quân cũng dể ẩn núp hay đối chiến.
Đúng ngọ, quân sĩ lên đường, nhắm phía Khai Trướng mà đi.
Núi Khai Trướng tục gọi là núi Giăng Màn, dịch nghĩa tên chữ ra tên nôm.
Qua phía bên kia núi Giăng Màn là địa phận của dân Mường. Phan liệu chừng ở núi Giăng Màn cũng không yên thân được nào, vả lại khó mua lúa gạo cho quân sĩ ăn, thành ra lại phải bỏ núi Giăng Màn kéo quân sang nương náu ở đất Mường.
Nghĩa binh lúc này trong lưng có tiền, nhưng chỉ khổ có một nỗi là không mua được lúa gạo mà ăn; phần bởi miệt này là thượng du, lúa gạo không được dồi dào như trung châu, phần bởi dân làng sợ lệnh của bảo hộ và Nguyễn Thân, dầu có lúa gạo dư dật có thể bán được, họ cũng chẳng dám bán cho nghĩa binh.
Ở đất Mường, nghĩa binh chỉ có thể mua khoai bắp để ăn trừ cơm. Sẵn có bắp nhiều, Phan mua trữ một nơi trong núi, trong ý muốn tích trữ lương thực và dưỡng sức quân sĩ ít lâu, rồi trở về chiến đấu một phen nữa. Tạm lánh ở đất Mường cốt có hai việc đó.
Bởi vậy cụ phát lệnh tiễn và viết mật thư sai ông Tán tương quân vụ Nguyễn Quýnh qua núi Quạt nhắm địa thế và cất dinh trại sẵn sàng, để nữa nghĩa binh trở về.
Dù có tráng chí như vậy mặc lòng, hồi này thực lực của nghĩa binh suy vi kiệt quệ lắm rồi, không khác gì người đau bại hai chân, bị vấp té nhào, nếu không có ai nâng đỡ thì khó bề tự mình dậy nổi. Nhưng Phan vẫn bền lòng vững chí, không hề vì những nông nổi chạy ngược chạy xuôi, nhịn đói nhịn khát, mà sinh ra chán nản chút nào.
Trong những cơn bôn ba cực khổ, có khi Phan với tướng sĩ ngồi bệt dưới đất chuyện vãn với nhau. Cụ thường nói đi nói lại về chuyện nhân lực thiên mạng và bày tỏ khí tiết của mình: nếu quả lòng trời quyết định rồi, không thể cho ta xoay trở lại thời thế được nữa, thì chỉ có một nước là chết để báo đáp cái ơn tri ngộ phú thác của vua Hàm Nghi và tấm lòng tín yêu của anh em hương quốc mà thôi. Ngoài cái chết ra, không còn có thể làm cách gì khác.
Hồi này tình thế đã nguy, mà Phan thường nói đến tiếng “chết” hoài, tướng sĩ nghi ngại và nói nhỏ với nhau cho là điềm gở.
Kể từ lúc Phan bắt đầu khởi binh năm 1885, đến hồi nói đây là năm 1895, trước sau 10 năm, mấy trăm kiện nhi theo trận mạc bô đào luôn bên mình cụ, trừ ra ít nhiều người đã chết ở sa trường, chết vì bệnh hoạn, còn lại bao nhiêu vẫn ngậm cay nuốt đắng mà theo, một bước không rời. Cụ khéo đối đãi và huấn luyện tướng sĩ, chẳng những rèn đúc họ cũng can đảm nhẫn nại như mình mà thôi, lại cảm hoá được tinh thần họ nữa. Ai nấy đều có chí mạnh, gan to, chẳng quản lưu ly, coi thường tính mạng. Nếu có thời vận và đủ lực lượng, thì tướng ấy, quân ấy có thể tung hoành chưa biết đến thế nào, đâu có tới nỗi phải lâm vào cảnh ngộ cùng khốn mà chết giữa rừng.
Phan và nghĩa binh sang trú túc ở đất Mường Cô Ta nhằm hồi tháng 8 năm Ất Mùi (1895). Nhưng chứ tưởng rằng cụ sang ở đất Mường xa xôi hiểm trở mà chắc yên ổn tấm thân. Là vì bảo hộ dò biết tin tức nghĩa binh nương náu chỗ nào, là phái quân lính đi tập nã ở chỗ đó. Thành ra nghĩa binh ở đâu cũng lo sợ giật mình hoài, không thể yên thân được. Lúc nào nghĩa binh cũng để sẵn khí giới và hành là bên mình, bất cứ trưa nắng hay đêm khuya, hễ nghe hơi động một chút là phải hấp tấp đi liền. Đi, không phải nghĩa là tướng sĩ sợ chiến đấu mà tránh: họ chỉ sợ có sự rủi ro thình lình xảy đến cho cụ Phan hơn là tính mệnh của mình.
Đang ở Cô Ta, nghe động chạy sang Cá Tang; đang ở Cá Tang, nghe động lại phải chạy qua Ban Bức. Nghĩa binh đổi dời quanh quẩn trong ba nơi ấy luôn mấy tháng trường rất là vất vả, cực khổ, không nơi nào dám ở yên một tuần; mà từ nơi này chạy qua nơi kia có phải gần gũi gì đâu, vì nó cách khoảng nhau hàng 36 giờ đồng hồ, đường lối hết sức gồ ghề, hiểm hóc. Tướng sĩ đã khéo biến báo, bứt các thứ giây trong rừng kết lại thành như giày dép để mang vào chân mà đi, thế mà có nhiều người còn đổ máu chân cẳng, đủ biết đường sá gian nan đến thế nào.
Ngó thấy tướng sĩ như vậy, Phan thương tâm quá, vùng lên khóc lớn vừa khóc vừa nói:
- Vì ta mà các ngươi phải khổ sở đau đớn trăm bề. Hay là các ngươi đem ta ra mà nạp cho Pháp, rồi ai nấy trở về quê hương an nghiệp làm ăn, kẻo để các ngươi chịu khổ sở đói khát mãi như vầy, lòng ta lấy làm bất nhẫn lắm.
Tướng sĩ xúm lại khuyên giải và chỉ tay lên trời mà thề rằng:
- Chúng tôi vui lòng theo cụ đến chết, cực khổ thế này có thắm gì đâu. Đến chết còn vui lòng, huống chi cực khổ thế mấy mà chịu không kham!
Tình cảnh lưu ly khốn khổ như vậy đã đành, còn chỗ thảm thiết hơn nữa, là vì lo nghĩ vất vả quá, rất nhiều tướng sĩ thụ bệnh, nguy hiểm nhất là bệnh lị. Trong mấy tháng nương náu ở đất Mường, chính cụ Phan cũng mắc phải bệnh lị đến nỗi không ăn, không uống gì được, vả lại có gì mà ăn, thuốc men bổ dưỡng chẳng có, thành ra gầy còm suy nhược rất mau. Người cụ bây giờ xanh xao ốm yếu, mà hai vành con mắt lúc nào cũng rươm rướm những giọt lệ thương cảm quá độ, không lúc nào khô. Thương cảm non sông, thương cảm cho thân thế mình, thương cảm những tướng sĩ theo mình; nhất là thương cảm đại sự hư hỏng cảnh ngộ long đong... Quân sĩ thấy ông chủ tướng bệnh hoạn ốm yếu đổi hẳn trước mắt như thế, ai nếu đều phải động lòng ứa luỵ.
Có mấy người cảm khích quá sức, đến nỗi rút gươm ra gào lớn: "Ta không mặt mũi nào ra hàng để cầu yên thân, cũng không nỡ lòng nào trông thấy cảnh tượng đau đớn mãi được, thà chết trước đi còn hơn", thế rồi tự đâm cổ mà chết tốt.
Xem thế đủ biết Phan cố kết được lòng người mạnh lắm, nhưng mà vận số nước non đến lúc cùn, và ý trời muốn tuyệt, thì biết làm thế nào?
Đã đói khát, trốn tránh, đã có bệnh tật trong mình, lại không được ở chỗ nào yên thân, nghĩa binh đến hồi này thật là thiên nguy vạn khổ. Quân lính bảo hộ dò theo tung tích mà dồn bức mãi sau lưng, không cho nghĩa binh được nghỉ ngơi trọn một ngày nào là ngày yên ổn, không phải giật mình. Chắc bảo hộ đoán biết nghĩa binh sắp tàn cuộc cho nên càng phải dõi theo dồn bức hoài, vì e để cho nghĩa binh yên nghỉ lâu lâu, tất lại có thế phục hưng tái khởi.
Bị quân Pháp ruồng ép trên đất Mường một cách nguy bức thái quá, Phan liệu thế ở nương náu quanh quẩn tại đất Mường cũng nguy, bèn quyết kế đêm đi ngày ẩn, lén lại trở về núi Quạt.
Giữa lúc bấy giờ, nghĩa binh các nơi đều rời rã tan tác không thể nào cứu ông nhau hay là giao thông tin tức gì với nhau được; bảo hộ sai quân tập nã tứ tung. Bao nhiêu quân thứ do Phan sắp đặt khi trước, bây giờ thứ nào bị đánh tan rồi không kể, còn thì đều chia đàn bể ổ, không có chỗ nào dung thân. Họ nghe tin cụ Phan trở về núi Quạt, bèn lục tục kéo cả về đây nương náu.
Nguy thay! Những lúc chỉ có đôi ba trăm người còn đói lên đói xuống, huống chi bây giờ tụ hợp 2700 mạng người ở một chỗ, thì lấy gì mà ăn?
Thành ra lúc này nghĩa binh tuyệt lương hẳn hoi.
Mấy tháng trốn tránh ở đất Mường Ban Bực, Phan có mua trữ được nhiều bắp, định bụng nay mai trở về mưu toan khôi phục, thì đem bắp ấy về làm quân lương đỡ ngặt trong ít lâu. Nhưng sau không dè bị quân lính bảo hộ theo dấu ép bức quá, nghĩa binh vội vàng, chỉ chạy thoát lấy thân, còn bắp thì bỏ lại ở Ban Bực hết thảy, chẳng đem theo được nắm mớ nào. Nay trở về núi Quạt, binh số nhân khẩu lại tăng lên thập bội, thành ra không những quân sĩ phải đói mà thôi, chính Phan đang đau bệnh lị càng ngày càng nặng thêm, mà thuốc men chẳng qua chỉ có mấy cái rễ cây đào bậy trong rừng sắc cho cụ uống, còn sự ăn thì bữa cơm bữa cháo, khi có khi không, thảm hết sức thảm.
Đến lúc bí nước tuyệt lương như vầy, thì 2700 quân sĩ phải làm thế nào? Tuy có mua lén được ít nhiều lúa gạo, nhưng đến nấu cháo lỏng mà húp mỗi người đôi ba muổng cũng không đủ, khoan nói gì đến cơm. Đói quá, quân sĩ phải đào những củ nâu và những rễ này rễ kia trong rừng mà ăn đỡ lòng; nhưng nó lạt quá, không chịu được, họ lại phải nhổ mấy cây lau sậy đốt ra thành than, làm như là muối, để chấm mà ăn với củ nâu cho đỡ lạt.
Lại gặp nhằm mùa lạnh đã bắt đầu, trên rừng núi còn lạnh hơn dưới đồng bằng; quân sĩ không còn món đồ gì là món đồ ngự hàn và cũng không có đủ dinh trại che sương che gió, tự nhiên có người phải nằm càn giữa rừng. Họ lấy cây lá phủ lên trên cho ấm. Có người đói rét đến đổi mỏi mệt, mê man, đêm nằm giữa rừng, bị cọp beo tới ăn lúc nào không hay.