21. Chết ở giữa rừng

  Ai đọc Tam Quốc, tới lúc Khổng Minh nhắm mắt ở Ngũ Trượng Nguyên mà có cảm giác ngậm ngùi thống thiết ra sao, tôi tưởng đọc tới đoạn dưới đây có lẽ cũng phải có cảm giác ngậm ngùi thống thiết như thế.
Vì hai đàng tâm sự gần giống nhau, chí hướng gần giống nhau, gặp phải thời thế khó khăn vất vả gần giống nhau, cho đến chung cuộc hai đàng cũng gần giống nhau: chỉ vì nước mà lo, lo mà bệnh, bệnh mà chết ở giữa đường.
Xem đoạn trước, độc giả đã biết tình cảnh đói khát ốm đau khổ sợ, lạnh lùng của Phan và 2700 bại binh tàn tốt tụ họp ở trên núi Quạt ra thế nào.
Phan về tới núi Quạt nhằm ngày 12/10/1895. Lúc này thân hình đã liệt nhược và bệnh lị đã trầm trọng lắm rồi. Ai nấy đều rầu buồn lo ngại và đoán biết tướng tinh đã đến lúc u ám.
Tướng sĩ và gia nhân xúm nhau hầu hạ thuốc men ở bên mình cụ tối ngày sáng đêm. Các tướng thân cận thì có ba ông là Nguyễn Mục, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Khai; còn gia nhân thì có phu nhân tức là "cố nghuếch rừng" ở trên đầu sách đã nói vì sao có cái danh hiệu ấy, cả hai người con trai là Phan Bá Ngọc và Phan Đình Cam, lúc này cũng ở luôn bên giường bệnh phụ thân; thêm một người cháu kêu cụ bằng chú ruột nữa.
Một ngày, cụ đi lị không biết là mấy chục lần; người càng gầy, mắt càng hóm, sức càng đuối. Mệt quá, cụ nằm nhắm mắt lừ đừ thiêm thiếp; vậy mà người ta nghe chốc lát cụ lại trằn trọc thổn thức và thở dài nhè nhẹ. Chắc là lúc tâm sự quốc gia đang nhắc nhở kích thích ở bên trong.
Bệnh tình một ngày một nặng thêm, cụ cũng tự biết mình đã lâm vô cảnh thật tử nhất sinh rồi, thuốc men nhân lực không sao cứu vãn lại được nữa. Cho nên hễ nghe lúc nào trong mình hơi khỏe lại được giây lát, cụ dạy ông Nguyễn Quỳnh và hai ông kia ngồi gần kề bên giường để dặn dò việc quân.
Cụ vừa thở hổn hển vừa nói:
- Tôi với các ông đồng cừu khởi nghĩa đã mười năm nay, đến giờ công việc chắc hỏng muôn phần mà người lại vội phải chia lìa xa cách nhau, nghĩ đến nguồn cơn xiết bao thảm thiết. Nhưng mà cổ nhân đã nói không sai: "Mưu việc ở người, nên việc ở trời", việc trời đã sắp đặt lỡ rồi, sức người không làm sao đổi xoay chống chọi được nữa. Nay mai tôi chết, trong đám các ông, ai liệu có thể chạy ra ngoại quốc để vừa lánh mình, vừa cầu học được càng hay. Nếu không thì sớm lo giải tán binh sĩ đi, cho họ về nhà cày cấy làm ăn, còn các ông thì sắp đặt mà ra đầu hàng bên nghịch cho xong, chứ có vọng động can qua nữa, đã không cưỡng nổi với mệnh trời, lại kéo nhây cảnh khổ liên luỵ cho sinh dân, vô ích...
Các tướng đều bưng mặt khóc nức nở, không ai nói được câu gì.
Cụ lại vời phu nhân lại ngồi bên giường, và con cháu đứng sắp hàng trước mặt mà nói:
- Bấy lâu tôi lo việc nước đã không xong, mà cảnh quê nỗi nhà cũng phải biến hoạ tơi bời, nay giữa đường lỡ dở, tôi phải bỏ mà đi, biết bao mối di hận ôm ấp trong lòng, nói càng thêm đau mà nói cũng chẳng hết. Chỉ biết là số trời đã định sao thì mình phải chịu vậy, không chống nổi mà cũng không tránh được bao giờ. Thôi thì sau ngày giờ nào tôi nhắm mắt rồi, mấy mẹ con cứ ra hàng phục cho được an toàn; ta biết thế nào bên nghịch cũng có lương tâm quý trọng nghĩa khí của ta, chắc không nỡ hại vợ con ta đâu mà sợ.
Phu nhân ngồi nghe, nước mắt chảy xuống ròng ròng nãy giờ, tới đây mới gạt luỵ và nói:
- Xin ông tịnh dưỡng, may được bình phục, cho mẹ con tôi được theo hầu mãi ở trong chỗ gian nan cơ khổ thế mà vui, chứ ông bỏ đi một mình, tôi có sung sướng chi ở đời nữa...
Rồi cụ bảo người cháu tới bên dặn dò đinh ninh:
- Hễ chú nhắm mắt thì cháu dẫn thím và hai em cứ ra trước đồn Pháp mà tự thú. Cháu đã có học chắc biết "Chí thành chi đạo khả dĩ cảm nhân” (giữ đạo rất mực thành thật, tất nhiên có thể cảm được lòng người) ta quyết rằng người Pháp không xử tàn nhẫn đâu mà lo.
Nói vừa dứt lời, cụ truyền đem bút mực lại và bảo người cháu đứng đó chép lời cụ đọc. Ai cũng nghĩ rằng cụ đọc một tờ chúc thư hay là viết thư để lại cho Chính phủ bảo hộ, ký thác vợ con.
Người ta phỏng đoán sai hết.
Cụ đọc cho chép một bài thi cảm khái.
Bài thi như vầy:
Nhưng trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công,
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong,
Cửu trùng xa giá quan san ngoại,
Tứ hải nhân dân thuỷ hoả trung,
Trách vọng dũ long ưu dũ đại,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.
Dịch nôm:
Nhung trường vâng mệnh đã mười đông,
Việc võ lôi thôi vẫn chẳng xong,
Dân đói kêu trời vang ổ nhạn,
Quân gian dậy đất rộn đàn ong,
Chín trùng lận đận miền quan tái.
Trăm họ phôi pha đám lửa nồng,
Trách vọng càng to càng mệt nhọc,
Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng.
Từ hôm đó trở đi, bệnh thể của cụ càng giờ càng thêm trầm trọng; thuốc men thay đổi nhiều phương cũng vô hiệu. Một vị danh y trong miền nghe tin cụ đau phải mạo hiểm muôn vàn mới lên được núi Quạt để trị bệnh cho cụ mà cũng không giảm chút nào.
Lối 8 giờ sáng ngày 13 tháng 11, cụ mất. Trước giây phút cuối cùng, cụ mở mắt ngó quanh chư tướng, hình như muốn nói gì nữa, nhưng hết hơi rồi không nói được nữa, chỉ thấy hai bên khóe mắt ứa luỵ, rồi thì nhắm luôn. Linh hồn thênh thang lên trên thế giới những anh hùng nghĩa sĩ cổ kim đông tây vì việc nước nhà hy sinh, không kể thành công hay là thất bại. Cụ hưởng thọ 49 tuổi. Khí tiết đầy tràn non nước Lam, Hồng, công việc ghi chép lịch sử Hồng Lạc.
Các hàng tướng sĩ như con mất cha mẹ, kêu gào khóc lóc, vang dậy núi non. Hồi nào Cao Thắng chết, họ thương khóc một, bây giờ họ khóc thương tới mười. Vì cái chết của Cao Thắng đau đớn cho nghĩa binh thiệt, nhưng còn có hy vọng ở cụ Phan, bây giờ cụ Phan mất, nghĩa binh phải tuyệt vọng hẳn.
Nhiều binh sĩ cả tháng nhịn đói nằm sương, mòn hơi hết sức, cũng không cầm đậu nỗi sự bi ai, đến đỗi thương quá, khóc quá rồi chết luôn. Có mấy chục người thân binh tự đâm cổ chết theo chủ tướng.
Ông Nguyễn Quỳnh tức thời xếp đặt việc tang, không dám để chậm trễ, vì e có sự bất trắc thình lình xảy tới chăng. Gia nhân và tướng sĩ cùng chọn ngày 16 là ngày an táng;
Tang lễ cử hành, cố nhiên đơn sơ và giản dị. Duy có việc tẩm liệm di thể của cụ, tướng sĩ hơi phí khổ tâm. Thay vì phải dùng quan tài như thường, tướng sĩ chặt cây gỗ vàng tâm thật lớn ở trong rừng, đem về khoét lũng thân cây, đặt di thể trong đó, trên đậy nắp gắn lại chắc chắn. Di thể mang áo mão tấn sĩ.
Đúng ngày an táng, tướng sĩ sắp hàng làm lể cử ai và lạy trước linh cữu, rồi rước linh cữu xuống táng dưới chân núi Quạt. Lúc linh cữu hạ huyệt rồi, trên chỉ đắp đất bằng phẳng, chứ không đắp cao lên thành mồ. Tướng sĩ dụng tâm chôn cất như thế, là vì phòng sợ mai sau có kẻ điềm chỉ mà mộ cụ bị khai quật lên chăng.
Quân Pháp không hay việc cụ Phan đã mất, vì tướng sĩ vẫn đóng trên núi Quạt như thường và giữ cách trầm tĩnh êm đềm, không lộ ra một hình tích gì bày tỏ cho bên ngoài biết trong quân vừa có đại biến. Duy có quân thứ các nơi nghe tin chủ tướng mất rồi, sinh ra chán nản, lần hồi tản tác, trở về quê hương, hoặc trốn qua Lào qua Xiêm cũng nhiều. Còn bản bộ tướng sĩ của Phan, thì vẫn theo hầu phu nhân để chờ ngày ra thú.
Cách mười mấy hôm sau, quân Pháp đi tuần, bắt được một tên nghĩa binh ở trên trại lén xuống xóm làng tìm mua lương thực. Trước còn dỗ dành, sau doạ bắn chết, nếu như không nói rõ binh tình trên núi, thành ra tên lính nọ phải thú thật rằng cụ Phan đã qua đời trên mười bữa nay và nó chỉ cả nơi chôn di thể nữa.
Quan quân buộc nó đi dẫn đường tới đào mộ lên lấy thi thể cụ Phan đem về.
Lạ thay! đêm bữa 29 ở trên sơn trại, phu nhân đang ngủ nằm mộng thấy cụ Phan hiển linh về, nói với phu nhân như vầy:
- Ngày mai ta thử ra trước mặt quân Pháp, xem chúng làm gì ta.
Phu nhân cho là điềm lạ, suy nghĩ phân vân. Té ra chiều bữa sau, là ngày 30, có tin báo lên sơn trại rằng: không hiểu sao quân lính bảo hộ biết chỗ, đã đào mộ cụ Phan lên đem về đồn Linh Cảm rồi. Trong mộng, cụ nói “ta thử ra trước mặt quân Pháp” là ám chỉ vào việc đào mả đó.
Mấy hôm sau phu nhân dẫn con cháu và các tuỳ tướng ra thú ở đồn Linh Cảm. Các quan binh Pháp tiếp đãi một cách tử tế. Một đoàn khác ra thú ở trước quân môn Nguyễn Thân.
Phu nhân và các người tuỳ tùng bị áp dẫn vô Huế nghị xử. Các tướng như Nguyễn Trạch, Nguyễn Mậu cả thảy 23 người bị chém. Còn phu nhân và con cháu thì bảo hộ giữ ở Huế ít lâu, rồi thả cho về làng Đông Thái an nghiệp.
Người ta thuật chuyện rằng cụ Phan và Cao Thắng, sau hiển thánh ở làng Khê Thượng, huyện Hương Khê, dân làng cảm mộ anh hùng, lập đền thờ tự, đến nay đang còn.
Nói về quân Pháp biết chỗ, khai quật được mả cụ Phan lên, đem di thể về đồn Linh Cảm giao cho Nguyễn Thân xem xét có phải thiệt là di thể Phan Đình Phùng không.
Bấy giờ Nguyễn Thân mới biết cụ Phan mất rồi, đắc chí, miệng cười ha hả, dơ tay lên ngang trán mà nói:
- Từ nay ta được ngủ yên rồi!
Hôm sau, lão sức đòi các phụ lão ở làng Đông Thái và họ hàng bà con cụ Phan lên đồn Linh Cảm nhìn nhận đích xác. Rồi đó Nguyễn Thân dở thủ đoạn “anh hùng" của lão để hành hạ tới nắm xương khô thịt nát của người cừu địch với lão mà lúc người ấy còn sống, lão không dám xuất trận giao phong, bây giờ người ta chết rồi mới lên mặt dương oai diệu võ.
Mà lão dương oai diệu võ cách nào?
Không nói ra thì bỏ quên mất sự thật, mà nói thì mình phải thương tâm và gớm ghiếc.
Nguyễn Thân sai đem di thể cụ Phan ra chỗ địa đầu của tổng Việt Yên, đổ dầu châm lửa mà đốt cho xương thịt cháy ra tro, rồi tro ấy trộn vào thuốc súng, nhồi trong súng thần công của ta mà bắn xuống La Giang.
Dân xã quanh miền, phải tuân lời sức của Nguyễn Thân ra đứng chứng kiến việc làm tàn nhẫn này; ai thấy cũng phải đau lòng và khinh thầm Nguyễn Thân trong bụng. Nguyễn Thân nay cũng qua đời lâu rồi, nếu ở dưới cửu nguyên có gặp cụ Phan, chắc lão không dám nhìn mặt.
Cụ Phan đã chết, nghĩa binh tự tan, Nguyễn Thân tự cho cái kết quả ấy là công trạng như trời của mình, mặc dù sự thật trận mạc gian nan chỉ là lính tập bảo hộ và các quan võ Pháp chỉ huy, còn Nguyễn Thân kéo đại binh ra từ tháng 5 tới giờ, không hề giao phong giáp trận với nghĩa binh họ Phan lần nào. Thế mà Nguyễn Thân tự nhận là công trận của mình, cho nên sai may một lá cờ bằng lụa đỏ thiệt lớn, trên viết 4 chữ thật lớn: "Tặc Phùng bố tử" nghĩa là "tên giặc Phùng sợ quá chết rồi", rồi sai lính thủ hạ vác lá cờ ấy, cỡi ngựa lưu tinh chạy đêm ngày, về kinh đô báo tin thắng trận.
Còn gan hơn nữa, Nguyễn Thân tự dựng bia đá khí khoang ghi chép công nghiệp mình ở trên đỉnh núi Tùng Sơn, sai tuần phủ Đinh Nho Quang soạn bài văn bia kỷ công có 8 câu 32 chữ như vầy:
Vệ giang chi anh,
Thạch trụ chi linh.
Thế xuất tuấn kiệt,
Vị xã tắc sinh.
Tây bình hữu tử,
Đẩu nam đại danh.
Hồng Lam thiên cổ,
Bi kệ tranh tranh
Đại ý nói khí thiêng sông núi Vệ Giang Thạch Trụ (quê hương Nguyễn Thân) chung đúc ra bậc người anh tài, cha truyền con nối, vì giang sơn xã tắc mà đẻ ra để giúp giang sơn xã tắc. Ngày trước cha đã anh hùng, giờ tới con cũng anh hùng, lập nên công nghiệp to tát, ghi chép ở khoảng sông Lam núi Hồng muôn đời.
Nhưng bia đá ấy có đứng được ở giữa non nước Hồng, Lam muôn đời, như câu văn nịnh hót của Đinh Nho Quang và cái kiêu khí mạo công của Nguyễn Thân đâu! Vì ba năm sau, bia đá ấy bị sét đánh bể ra mấy mảnh, rồi thì cỏ mọc rêu phong, ruồi bâu chuột ở; kế đó người Pháp lại phá trái núi ấy để cắm đường, thành ra bia đá mất hẳn tăm tích, không còn ai nhìn biết hồi trước nó toạ lạc ở chỗ nào nữa. Ý hẳn ông trời ghét kẻ tàn sát đồng loại, mạo nhận công lao, cho nên sai Thiên lôi đánh tan bia đá ấy đi chăng?
Nói gì sau lúc họ Phan qua đời rồi, tình thế bắt buộc nghĩa binh phải tự ra hàng đầu Nguyễn Thân; trong ý không khỏi có chỗ tin cậy và trông mong một người đồng bào quyền thế, tất sẽ bao dung che chở cho mình khỏi chết. Không dè Nguyễn Thân lại ra oai, tự tay chém giết hạng người bại trận quy hàng đó rất nhiều, không đợi tâu trình xét xử gì hết. Vì trong tay lão lúc ấy có thanh kiếm Thượng phương, cho phép "tiện nghi hành sự, tiền trảm hậu tấu" kia mà. Người ta oán hận lão không biết thế nào mà nói.
Thuở đó, văn thân Nghệ Tĩnh họp nhau, soạn ra câu đối truy điệu cụ Pha, ý tứ bao quát, văn tự hùng hồn, có thể gọi là một tiểu sự tóm tắt thân thế và sự nghiệp cụ Phan cũng được. Tôi muốn mượn ngay câu đối này làm câu kết thúc "Truyện Phan Đình Phùng" của tôi:
Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thỉ chung. Châu chi anh, Mạc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng. Khả hận giả thuỳ điên đại hạ, nhất mộc nan chi! Cung lãnh yên tiêu, thuỳ nhân bất tác thâm sơn oán. Huống đương nhật long phi vân ám cộng. Ta nhân sự vô thường khả lân La Việt giang sơn bách niên văn hiến phiên cung mã;
Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thuỷ, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu Vũ trụ, Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bách tùng điêu Vị hà tai: hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ! Tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử thời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ. Độc thử Tùng Mai khí tiết, nhất tử tinh thần quán đẩu ngưu.
Chúng tôi tạm dịch như sau:
Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau. Mặc Châu đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách. Ngao ngán nhẽ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Vả bây giờ rồng bay mây xám, xót xa việc thế khôn lường, những thương La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc;
Trời đất xưa nay thế mãi. Đá dựng ngước, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phường tuấn kiệt. Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tòng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay, đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.
Trong câu đối này, những chữ Mặc, Châu, La, Việt, Lam, Hồng, Tùng, Mai, đều là tên riêng núi sông quê quán cụ Phan Đình Phùng.
HẾT

Xem Tiếp: ----