Phần I - 13 -

  Gió đem mưa bụi xám như tro về, giăng màn u ám trên Can Chư Sủ. Sau sự kiện Lử giết ông già tam thất rồi bị bắt, làng xóm buồn thê thiết. Cảnh buồn. Người càng buồn hơn. Tất cả, xem ra chỉ có con chim hoạ mi của Pao là không biết buồn. Đánh thắng con Triệu Tử Long, nó được Pao đặt tên là con Chiến Thắng. Con Chiến Thắng hót píu píu véo von mỗi sớm, mỗi trưa, mỗi chiều. Nhưng, tiếng hót của nó cũng không rót được niềm vui vào nhà hố pẩu. Nhà hố pẩu tê giá. Suốt từ tết đến giờ, ông già không rời bếp lửa. Đi đâu? Làm gì bây giờ? Ngồi bên lửa, nhìn ta sân thấy cái cần cối chè qua vụ chỏng chơ trong mưa lạnh mà não lòng quá. Chao ôi, còn đâu cái cảnh Pao - Lử - Pùa quay cối chè buổi nào! Trời chẳng chiều lòng người. Tan rồi hợp, hợp rồi lại tan. Lần tan này chắc gì lại được như lần trước. Máu đã đổ rồi. Máu còn chảy nữa ư? Cái vui thì mong manh, chóng vánh quá đi. Còn cái buồn thì sao mà dày mà nặng thế!
Lử gây tội, hố pẩu đau giận và xót xa. Lử gây tội Lử phải chịu tội, điều ấy là hợp tình. Giáo hoá, mở lối cho kẻ có tội, trị tội nó, bắt nó đền tội là điều phải lẽ. Nhưng xót đau quá là cái cảnh em trói anh, ruột thịt hại ruột thịt! Chao ôi! Nỗi vui thanh bình mới được nhóm lên chưa kịp đậu thế là đã tiêu tan. Cảnh nồi da nấu thịt, người trong cùng dân tộc giết hại lẫn nhau đã ở trước nhãn tiền rồi.
Đau trong dạ, mặt lại như có vết chàm nhọ. Con dại cái mang. Cái chết của ông già tam thất đã là món nợ chẳng bao giờ trả được. Mấy hôm nay, Pao ở ngoài trại lo thu xếp việc chôn cất ông già, trông nom cơ ngơi vườn thuốc, dỗ dành con bé Séo Dín. Hố pẩu xin con bé về, nguyện nuôi nấng nó suốt đời. Nhưng nó cứ ôm mộ bố khóc. Con Xồm thương nhớ chủ chiều nào cũng tru hai ba hồi, tiếng vẳng về tận đây, nghe ai oán quá! Nỗi đau xé ruột, nỗi buồn đứt gan càng chiều lạnh càng nặng. Ngồi cạnh đống lửa tắt, quên cả nhóm lại hố pẩu như hoá đá.
Mãi tới lúc con Chiến Thắng hót rộ một hồi, ông già mới chợt tỉnh. Ông thở một hơi dài, nhìn quanh. Buồn đau, cô quạnh này chỉ còn cách nhờ điếu thuốc làm dịu đi thôi. Nhưng lịch kịch sửa soạn bàn đèn xong, vừa mở nắp hộp thuốc, ngoảnh ra mảnh sân mưa lăn phăn, xám mù, ông bỗng nhận ra một bóng người cao, gầy đang nhanh nhẹn đi vào.
- Giàng ly trangGiàng ly trang - Hố pẩu quen miệng gọi tên đời cũ của ông Giàng Súng - Vào hút thuốc đi… dà dà… Sao lạnh thế, nhỉ?
Bước xuống đất, hố pẩu cúi thổi lửa. Ngoài hiên, Giàng Súng đứng lại gườm gườm nhìn con Chiến Thắng, nghe tiếng hố pẩu mời, bước vào, lại đổi mặt, tươi tỉnh:
- Ầy, ầy, hố pẩu đừng gọi tôi thế, chủ tịch Pao nó không bằng lòng.
Bếp đã có ngọn lửa. Bước lên sạp bàn đèn, hố pẩu im lặng. Có lửa rồi sao vẫn rét. Tay cầm kim nướng điếu thuốc dịt vào lỗ tẩu mà cứ lẩy bẩy. Hay là Giàng Súng mang hơi sương vào.
- Giàng ly trang hút đi.
- Húi, tôi phải cai thuốc thôi, hố pẩu à - Giàng Súng xua tay, chối từ cái dọc tẩu hố pẩu nâng mời. Rồi co gối, toét miệng:
- Cháu Pao thế mà nó giỏi đấy, hố pẩu à. Nó đòi bỏ thuốc phiện. Nó định cấm trồng thuốc phiện… Dà dà… Con cháu thế là tài hơn ông cha rồi…
 
Giàng ly trang
! Vẫn là Giàng ly trang nửa vời, ậm ờ, khó hiểu. Vẫn là ông lý trưởng ngày trước. Chưa phải là Giàng phó chủ tịch đời mới như ông tự xưng đâu. Hai con mắt khim khíp, ông lý trưởng Giàng Súng hơi cúi xuống, tiếp:
- Giỏi hơn ông cha rồi thật chứ, hố pẩu. Xưa nay có ai dám trói người họ Giàng. Mà lại trói ngay anh ruột mình. Trói ngay trước mặt dân làng.
Hố pẩu
quay mặt đi. Chép miệng, ông lý trưởng ngày trước như bâng quơ:
- Ây dà… Nó trói được một người rồi nó trói hai người. Trói hai người rồi nó trói ba người. Cứ thế nó trói tất cả mọi người cho mà xem.
Cơn rùng mình chạy qua người hố pẩu. Thản nhiên như vô tình, Giàng ly trang hạ giọng:
- Nhưng mà trách cháu Pao là trách ta, hố pẩu à. Ta chưa bảo cho nó biết: mày làm chủ tịch tức là họ Giàng làm chủ tịch. Mày không được pha thành người khác, không được để kẻ khác nó xui nó khiến. Hố pẩu có biết không? Chính là thằng quan Kinh nó chửi mắng thằng Pao đấy chứ. Nhục! Nhục quá!
Giọng Giàng Súng lúc bổng lúc trầm. Hết chuyện trong làng ông lại nói đến chuyện ngoài Châu, chuyện Tây Phô-rô-pông và chuyện Châu Quan Lồ bên Pha Linh đang rục rịch nổi dậy. U u mờ mờ trong màn sương của những lời truyền tai rỉ rả, bỗng có lúc hố pẩu như bừng thức. Có tiếng ai văng vẳng trong sương. Hố pẩu nhận đó là tiếng thằng Pùa gọi loa. Loa của Uỷ ban Hành chính - Kháng chiến Can Chư Sủ thông báo: Ai là người lầm đường theo giặc như đi pạc-ti-dăng, bảo an, từ lính đến quan, ngày mai phải tới trụ sở nộp súng, khai báo. Ngoài hiên, con chim hoạ mi lại cất tiếng hót. Có tiếng chân hai người đập bình bịch giũ bùn. Pao và Pùa đi gọi loa trong thôn đã về. Hai anh em đang thì thầm với nhau câu chuyện còn dở.
"E hèm!". Chợt nghe tiếng người dọn giọng trong nhà. Pao liền bặt tiếng.
- Cháu Pao đã về đấy à?
Nhìn ra cửa, Giàng Súng đánh tiếng. Hai anh em Pao bước vào nhà. Hố pẩu rờ rẫm khay bàn đèn.
- Chào ông Giàng Súng. Đang định sang bên ông bàn một số việc…
Pao nói, nhưng chưa hết ý, thằng Pùa đã kêu to:
- Anh A Sinh.
Pao nhìn ra cửa. Vẫn chưa nhìn rõ hình người. Nhưng đã thấy tiếng A Sinh hổn hển tiếng nọ lấp tiếng kia:
- Anh Pao! Anh Pao! Lử nó có về đây không? Chết tôi rồi, anh Pao ơi! Tôi bị nó lừa. Nó lấy súng. Nó bắn tôi. Tôi tránh đạn được. Còn nó, nó, nó chạy mất rồi, anh Pao ơi!
Pao vùng ra hiên. Giàng Súng rón rén ngồi xuống sạp, thở một hơi dài thăm thẳm. Hố pẩu co ro. Im lặng.
Trời vẫn mưa. Ngoài hiên, Pao giậm chân thình thịch…