Phần III - 5 -

Để lính tiếp tục vậy thị trấn, đột ngột Lử trở về làng. Nhà Giàng Súng những ngày này trở thành điểm tụ hội của bọn phản loạn. Lão Sếnh và thầy cúng A Đa gần như suốt ngày có mặt ở đó. Súng khoe lấy được một địu thóc và chửi loạn bọn Pha Linh tranh của lão một tạ muối. Lão Sếnh khoe:
- Tôi lấy được hai chiếc giày, toàn bên phải, với lại xé được một mảnh vải hoa. Vải hoa này con gái Hmông may áo đẹp lắm. Ngó xuống căn nhà của gái gầu phàng, lão Sếnh nhấp nháy hai con mắt bạc phếch. Gái gầu phàng đang là vải, cắt cỏ ngựa, xay ngô, giã gạo. Việc ăn uống của lính bây giờ trông cả vào tay đám đàn bà con gái ở không công nhà lý trưởng. Thầy cúng A Đa là người ít nói. Nhưng khi thấy Lử khật khưỡng đi vào sân, lão là người đứng dậy, chào Lử trước nhất.
- Chào quan lớn Lử ạ.
Lử nghênh nghênh mặt. Cái mặt lọt thỏm trong chiếc mũ sắt Tây mới thả dù xuống. Hai túi áo da kềnh kệnh khiến dáng đi của hắn thêm khạng nạng.
- Quan lớn, quan bé gì! Đang sốt ruột bỏ cha đây. Vuốt hai thẻo ria mép nhọn hoắt, nhìn Lử, thầy cúng A Đa nheo nheo mắt:
- Hiền tại vi. Năng tại chức. Khổng Tử nói: không có búa rìu, sao đốn được cây. Quyền bính như dụng cụ của thợ, có nó mới biến loạn thành trị, việc gì mà sốt ruột, ông Lử.
Giàng Súng xoa xoa hai bàn tay:
- Anh Lử, hút thuốc nhé. Ai dà, anh đội cái mũ sắt trông thật đẹp, đáng mặt quan lớn rồi!
Lử nghĩ: "Thằng cha quản ma nói có lý thật. Châu Quan Lồ chột hơn ta vì nó có quyền bính trước ta". Lão Sếnh nhấp nhổm:
- Na nủ Lử! Lo gì! Thằng Việt Minh sắp chết rồi còn gì.
- Đ. mẹ - Lử lừ mắt nhìn lão già nghiện - Nó còn đủ sức bắn ông lộn mấy vòng, nữa đấy.
Giàng Súng cười hậc hậc. Lử cắn môi:
- Không dễ đâu. Tôi phục trượt một đoàn tiếp viện của Việt Minh hôm nọ. Mấy hôm nay lại nghe nói quân Việt Minh đông lắm đang qua sông Chảy vào đây.
Kéo vạt áo, nâng hai túi áo, ghé đít xuống sạp, Lử tiếp:
- Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Tôi muốn bàn với Giàng ly trang một việc.
- Hút thuốc đã.
- Thôi, vội lắm. Ngày mai phải nuốt xong cái phố Pa Kha, không là thằng chột nó chiếm mất.
- Việc gì mà gấp thế? Lử sõng sượt:
- Ông cho một đứa gái gầu phàng đến giữ nhà cho tôi.
- Á! - Giàng ly trang kêu to.
- Hé hé…- Lão Sếnh cười - Tôi biết ngay mà. Ông hai Lử ơi, na nủ Lồ những ba bốn vợ cơ. Con Seo Say ấy mà, nó là nhân tình của tôi, nó mà không bỏ theo na nủ Lồ, tôi biếu nó cho ông Lử ngay.
Giàng ly trang
thô lố hai con mắt to:
- Anh định chấm đứa nào, anh Lử?
Lử chun mũi, vệt ria mép đùn lên đen xì, gọn thon lỏn:
- Con Seo Cả.
- Hé hé…- Lão Sếnh vỗ đùi - Con này đẹp ngang con Seo Say. Tóc nó xanh mướt như con chim câu. Hai tay thon như thân cá quả. Đẹp! Tôi ghen với ông hai đấy, ông quan à! Giàng ly trang gật gật:
- Nước tốt phải chảy vào ruộng ta chứ. Nhưng, anh Lử này, con này hơi khó sai, khó khiến đấy. Trước, nó theo thằng Pao mà.
- Thằng Pao chết mẹ nó rồi còn gì!
- Thì bây giờ nó được anh vời đến là phúc cho nó rồi. Nhưng mà anh Lử ơi, cơm ăn có đủ em mới theo chàng làm dâu, tiền bạc có nhiều em mới theo chàng làm vợ đấy.
" Đ. mẹ, lão này vòi tiền đây!” Lử nghĩ, vỗ bộp vào vai lão lý trưởng:
- Ông lý, tôi thích con này. Vì sao ông biết không? Vì nó xinh và mông nó to. Con bướm nó có lần tôi thấy rồi. Thật đấy. Nhưng tôi muốn làm đúng lý lối dòng họ. Đây là tiền nộp cho ông để chuộc cô ấy. Muốn thêm, trả sau. Tôi nhờ ông quản ma, ông Sếnh đây làm ông mối chính, ông mối phụ luôn. Cưới phải vui. Đ. mẹ, thằng A Sinh trốn rồi, có thằng thầy khèn này có phải vui không! Thôi thời chiến, không dài dòng. Tôi muốn cưới ngay.
Lử rút trong túi ra hai xấp bạc Đông Dương Tây mới thả xuống, dúi vào tay lão lý trưởng rồi thong thả đi ra sân.
Giàng Súng nói:
- Seo Cả này, ông Lử có lòng yêu thương con thế là ta mãn nguyện rồi. Từ độ con nương thân ở nhà ta, ta vẫn có lòng quý mến con, Seo Cả ạ. Loài cỏ hôi, hoa hèn, lũ rau ngải, rau đắng sao xứng với con. Chim câu phải có đôi, con phải chắp cánh với phượng hoàng mới phải à.
Thầy cúng A Đa thêm:
- Con gái phải theo ý mẹ, phải theo lời cha. Ông lý đây là cha, là mẹ. Phải nơi kết tóc, xe tơ rồi đấy cô Seo Cả ạ.
Lão Sếnh tiếp:
- Số ông Lử còn làm to, kém gì na nủ Lồ. Thắng thằng Việt Minh thì ông Lử sẽ là ông châu đoàn, ông tri châu ấy chứ… Hé hé… chào bà tri châu ạ.
Mặc tất cả, Seo Cả vẫn bằn bặt. Chị đã là người chết rồi. Hồn chị đã bay đi cùng Pao, người chị trao thân gửi phận, còn lại đây là thể xác chị thôi. Số phận sao cay nghiệt với chị thế.
Thoát khỏi nhà Seo Cấu, ẩn náu ở đây, tưởng tránh được miệng cọp dữ, giờ lại rơi vào miệng hổ ác! Chao ôi, quanh chị toàn là beo, là hổ. Chị mê man, từ ngày được tin Pao chết, đêm nào cũng mê toàn thấy hổ vằn, hổ hoa, thuồng luồng, rắn rết. Tỉnh dậy, mặt chị dại đờ, nghe Giàng Súng nịnh nọt, lão quản ma lý sự, lão Sếnh tán tỉnh, cứ như nghe chuyện người khác vậy. Chị đã chết rồi, đây là người khác trùng tên Seo Cả với chị thôi. Seo Cả kia tha thiết, Seo Cả này thờ ơ. Seo Cả trước mạnh mẽ, Seo Cả giờ mệt mỏi yếu đuối. Pao chết rồi thì Seo Cả xưa cũng chẳng còn nữa.
 Seo Cả nay dửng dưng, không thèm muốn, chẳng chối từ. Chân duỗi song song, chị ngồi tựa lưng vào cây cột cái, tóc tai bơ phờ. Mặt chị dài dại, mắt chị lạc thần sắc. Chị chẳng hay biết gì xung quanh. Thôn xóm đầy người ngựa, ồn ào náo động. Hôm nọ, làng nổi khèn đám ma. Có người bảo chị:
“Seo Cấu chồng cũ của mày chết đấy! Ra viếng nó một tí đi”.
Chị ngơ ngác. Sao mà chị có lắm cuộc đời thế. Hôm qua thì hố pẩu tới xin chị cho Lử. Ấy là lúc chị tỉnh nhất. Chị khóc. Chao ôi, phải chi là hố pẩu đến hỏi chị cho Pao? Ông già nghe chị khóc cũng rầu rĩ. Đánh nhau là chuyện người khác, dựng đời con cái, tiếp nối dòng họ là việc đời nào cũng phải có mà sao lại cay cực như thế này? Thấy ông già mếu máo, chị lại như đi vào hôn mê.
Chị lại đi vào hôn mê. Lúc này đây, hai ông mối - lão Sếnh gầy và lão quản ma béo hú - tới cất tiếng hát nheo nhéo xin vào cửa, rồi mắc hai cái ô đen lên cột.
- Thưa ông lý, ông chánh.Hôm nay là ngày lành tháng tối Vì có cây dây leo nó bò tít lên ngọn cây ớt…
Thầy cúng A Đa hát như nói, nói như hát, giọng óc lí nhí. Lão Sếnh đặt đôi gà xuống đất, chai rượu trên bàn, mở gói thuốc lào véo cho mỗi cô gầu phàng một dúm. Lão Giàng Súng cười hấc hấc, đặt cái ghế dọc theo chiều nhà, rồi rót hai chén rượu mời hai ông mối; ấy là dấu hiệu chứng tỏ nhà gái nhận lời.
Seo Cả không hay biết mọi chuyện đang xẩy ra ở xung quanh. Lão Sếnh mổ gà, thầy cúng A Đa xem chân gà, đầu gà, khen chân gà duỗi thẳng, xương đầu gà trong, không gợn vết, ấy là điềm lành, điềm tốt; điềm lành điềm tốt cho ai nhỉ? Seo Cả dửng dưng. Lão Sếnh cầm cái đầu gà nhảy tâng tâng:
- Tốt đẹp rồi. Em ơi, em đi đến cõi sung sướng như người Hmông ta đi đến Nước Sung Sướng rồi. Ta bỏ Việt Minh, ta tìm lấy nước không bị ai lấy thóc gạo… Hé hé…Có nhận được tôi không, em Seo Cả?
Seo Cả đáp thản nhiên:
- Một lần tôi đi lạc đường, tôi gặp ông ở nhà ma, ở nước ma. Ma nó cho tôi ăn tiết lợn nấu với canh cải. Tôi ăn, một lúc nhai phải một ngón tay người.
- Hú!
Lão Sếnh buột búi tóc, chạy vụt đi.
Seo Cả không nghĩ ngợi, chẳng bận tâm. Kể cả giờ đây, sau ba ngày nhà Giàng ly trang ngả trăm mâm mới hết khách gần khách xa, bọn đang đánh nhau với Việt minh ở thị trấn Pa Kha cũng kéo về ăn cỗ cưới. Ngồi trong buồng, nghe súng nổ đì đòm ở xa xa, chị ngẩn ngơ nhớ tới tiếng pháo thuở con gái son vọng về. Nhớ cái lần ngồi trong buồng chờ nhà Seo Cấu tới đón dâu, chị chẳng khóc.
 Bà cô bảo:
- Tao phải tát cho mày khóc chứ, sắp xa tao, mày không buồn, người ta bảo con nhà vô phúc à?
 Lúc ấy, chị đang ngấm ngầm nghĩ phương kế thoát thân.
Ngoài sân chợt nổi một chặp khèn. Có ai thổi khèn hay nữa từ ngày A Sinh đi đâu biệt tăm. Khèn này như khèn ma thổi ỉ eo, làm mê muội con người.
Tuy nhiên, đã đến lúc Seo Cả ra khỏi cơn mê muội. Điều kỳ lạ gì vừa xẩy ra ở trong chị khiến chị bừng tỉnh? Người chị lạnh toát và mồ hôi tự nhiên đổ ra xâm xấp. Một chấn động rất kỳ lạ vừa xẩy ra trong da thịt, huyết mạch của chị. Ngực chị bỗng mưng mưng, nằng nặng. Tim đập dồn. Chị thở rộn rực. Đã có một cái gì đó, như một vật lạ, vừa xuất hiện ở trong chị, vừa hình thành và nó đã cựa quậy. Lim dim mắt, mệt mỏi và sung sướng, óc chị bỗng tràn trề ánh trăng. Chị nhớ tới ánh trăng tươi hồng bên bờ sông Chảy với Pao đêm thần tiên nọ. Chập chờn, dật dờ như ngọn cỏ lắt lay trong gió, chị ngất ngây sung sướng.
Một bà già tới mặc váy áo mới cho chị. Đó là bộ váy áo chị dệt, may, thêu lấy. Chị có một đám lanh riêng. Tháng sáu chặt, tước, ngâm, nối, rồi dệt cho tới tháng hai mới xong. Đám đất ấy lại gieo lanh tiếp, định mùa sau may cho Pao. Chỗ lanh ấy đủ dệt mười hai vuông đủ may một áo một quần cho Pao.
Bà già nọ đeo vòng cổ cho chị rồi sụt sịt:
"Đẻ con gái, chôn nhau ở gầm giường, hồn nó bí bức, nên mới thua thiệt người ta đấy, em à".
 Chị ngẩng lên nhìn bà già:
"Sao bà khóc?".
Chị được dẫn ra cửa. Một bọn lính đeo súng, mặt mày bẩn thỉu đứng ở sân cười cợt ngả nghiêng.
- Gạo vào nồi rồi chạy đằng nào được em ơi!
- Con này mắn đẻ lắm đây. Ông hai khoe đã có lần chui vào váy nó rồi đấy, chúng mày ạ.
- Váy đàn bà chuyến này buộc chân ngựa ông hai rồi, hớ hớ…
Chúng nói chúng nghe, hơi đâu chị bực bội. Nhưng lúc sau chị lại bật cười.
Đi trước đoàn đón dâu là một lão béo ị, cổ cằm dính liền nhau. Nốt ruồi trên má mọc mấy cái lông loăn xoăn trông thật nghịch mắt. Chị nghĩ không biết đã gặp lão ở đâu, ở nước nào. Sau mới nhớ ra là lão thầy cúng A Đa.
Lão vừa đi vừa tung những hạt cơm tẻ rời rạc sang hai bên đường, theo phong tục đó là của bố thí cho ma đói ma khát. Đi được ba chục bước chân, từ nhà Giàng Súng đến nhà hố pẩu chỉ cách nhau chưa đầy tiếng hú, lão bắt cả đoàn dừng lại mở cơm ra ăn. Ăn không hết, đổ ra đường. Đó cũng là tục lệ.
Ở cửa nhà, hố pẩu mặc quần áo mới, đứng lóng ngóng và không giấu nổi vẻ ngượng ngùng. Đèn trong nhà sáng trưng cả ba gian. Đoàn đưa dâu bước vào. Chị đứng trước bàn thờ. Có tiếng ai đó giục “Lạy tổ tiên đi! Từ nay là ma họ Giàng rồi nhé!".
"À, lạy tổ tiên!" Seo Cả nghĩ. Chị xuống gối, chắp tay. Chị đã quen việc lễ tổ tiên. Đã một lần chị làm việc này ở nhà Seo Cấu. Cả việc ngồi trong buồng cô dâu nữa, chị cũng đã quen.
Ngồi một mình, hai tay bó gối mắt chăm chăm nhìn hai ngón chân cái. Rồi chú rể vào. Rồi sẽ ở lại trong căn buồng này ba ngày, mười ngày. Đó là những ngày yên ả, khép nép và ý tứ, từ nay ma nhà chồng đã cai quản hồn chị. Chị ngồi trong buồng, như ngồi giữa sương, mây.
Ngoài sân, mặt trời đã đem ánh sáng đi hết. Bóng tối từ trên trời thả xuống, bóng tối từ mặt đất dâng lên. Cái sân nhoà nhoà rồi chuyển dần sang màu bồ hóng.
Nghe thấy tiếng kẹt cửa, dẫu đã biết, Seo Cả vẫn giật mình. Không cần ngẩng lên chị cũng biết, Lử đã bước vào.
Lử đã vào buồng. Hôm nay trông Lử chỉnh tề, sạch sẽ hơn mọi hôm. Có lẽ là vì bộ quần áo dạ sĩ quan Tây cho. Và cái đầu mới cạo, gáy và thái dương trắng hếu, tóc như cái nồi úp chom chỏm ở trên chóp. Cũng khác mọi khi, hắn có vẻ ung dung chậm rãi hơn. Và không say. Không say, không càn rỡ như những lần trước gặp Seo Cả.
- Hé! Thế là cái số ông trời nó buộc ta. Nếu không thì là cái hơi cô mình ta ngửi thấy một lần ta rúc vào bụng cô mình đấy. Hé!
Nghe tiếng Lử, lúc này, Seo Cả đang ngồi ở trên giường mới ngẩng dậy. Chị hơi ngạc nhiên, vì sao mà giọng Lử lại dịu dàng tử tế thế. Cả điệu bộ của hắn nữa. Đứng quay mặt vào vách, hắn chậm rãi cởi từng cái khuy trên cái áo dạ sĩ quan. Hết cái áo, đến cái quần. Và khi hắn quay lại, thì Seo Cả vụt đứng dậy, hai tay run bật bật vội ôm lấy mặt. Trần truồng, trông Lử như con quỷ đói. Hắn gầy vêu, người chỉ là những đoản khúc chắp nối và rặt xương gân. Y hệt quỷ, hắn nhe răng và phắt cái đã nhảy tót lên giường, tóm lấy cổ tay Cả. Và khi thấy Cả vằng tay, giật lui vào bên trong vách, thì hắn sõng tay, đứng ngẩn, nhênh nhếch hàng ria mép:
- Cái gì? Đ. mẹ. Cho sướng mà không biết hưởng sướng, hả? Nhưng mà lần này anh không cần rúc váy nữa đâu!
Lử gằn, rồi sáp lại. Tưởng hắn cáu thì hắn lại nghiêng đầu mặt rãn ra, nhơn nhơn cười cợt:
- Thôi mà cô em. Anh sẽ cho cô em sướng như lên tiên mà. Anh không nói sai đâu. Cô em chưa được nếm mùi, chứ ối đứa đã được anh cho hưởng rồi. Cứ là mê tơi. Há! Thằng Pao gà sống thiến là cái mẹ gì. Anh ấy à, anh sẽ chơi em cả đêm, cả đêm, cho kỳ em xin thua anh mới thôi. Nào, lại đây, bỏ cái váy ra đi, cô mình!
Giọng Lử càng lúc càng nhờn nhợn. Lử có vẻ khoái vì tình thế mèo vờn chuột này. Nghĩa là, cũng như con chuột thôi, Seo Cả đừng có hòng thoát khỏi móng vuốt của Lử. Thật thế, vờn vỡ đùa nghịch chán chê rồi sẽ đến lúc Lử xoè móng vuốt ra đấy. Cơn dục đã vọt tới đỉnh cao rồi đây. Người Lử bỗng cứng đơ. Khắp cơ thể hắn, chỗ nào cũng nổi gân, phồng căng, tưng tức.
Nhưng lạ thay, đúng lúc biến thành con mèo, nhẩy tới để vồ gọn con mồi. Lử bỗng thấy như kẻ bước vào chỗ trống không, hắn chưa lao tới đích đã bị bật trở lại, rơi bịch xuống đất và ngã ngửa trên nền nhà. Như có rớp, sự việc lần này tương tự như một lần đã xẩy ra.
- Trả Pao cho tao đây!
Seo Cả bằng toàn bộ sức mạnh bừng thức do một vật lạ đã xuất hiện và khuấy động trong cơ thể, sau khi bất thình lình đẩy ngã Lử, đột ngột cất tiếng gào thật thống thiết.
- Trả Pao, trả Pao cho tao đây!
Tóc xoã rối sau lưng, hai con mắt loé sáng, chị đứng lặng ngây người nhớ lại cuộc ái ân trọn vẹn của chị và Pao bên bờ sông Chẩy. Chị nhớ từng cử động yêu đương của Pao và hồi hộp dâng đầy khuôn ngực bỗng chốc trở nên mưng mưng, nằng nặng, chị nghe thấy lời chị văng vẳng bên tai mình: "Anh ơi, con chúng ta thụ thai đêm trăng sẽ đẹp người đẹp nết lắm, anh à".
Lúc ấy súng bỗng nổ đoành đoành trong thôn. Nghe xa xa có tiếng Giàng Súng kêu như bị bóp cổ:
- Việt Minh! Có hai thằng Việt Minh. Tìm ông Lử, tìm ông Lử ngay!
Hai cái bóng áo chàm nổ súng vào nơi bọn phỉ đang tập trung ăn uống, khi bị bắn trả, ngược dốc chạy lên đỉnh núi. Rừng chè cổ đang vào vụ thu, xoà cành lá ôm họ vào lòng. Họ len lỏi giữa những gốc chè đại thụ và lát sau cùng chạy tới một cây chè lớn, gốc vừa một người ôm. Họ bíu cánh, đạp chân, trèo lên, tới cái chạc cây lớn cuối cùng thì như cái cây chia cành, họ toả ra, mỗi người ngả mình vào một bên cành.
Hoa chè trắng nhờ, thơm dịu trong đêm. Hai hơi thở dồn gấp được không khí trong lành ướp hoa bồi bổ, chỉ lát sau trở lại nhịp thở đều đặn thường khi.
Cái bóng bé nhỏ bên cành trái hình như hồi sức nhanh hơn, nhổm dậy, láu táu, giọng không giấu hết nỗi kinh ngạc:
- Đù à! (Trời ơi!) Thật là anh Pao đấy à? Thật là anh Pao đấy chứ?
Cành cây bên kia rung rinh, bóng người bên đó động đậy:
- Không phải ma đâu, Pao đây. Pao chưa chết mà, A Sinh!
- Trời, anh Pao! Gặp anh từ chiều mà tôi vẫn chưa tin - Cái bóng bé nhỏ nức lên sung sướng - Tôi ngủ mê thấy anh Pao vẫn sống. Cái lúc anh Pao nhảy xuống, tôi cũng muốn nhảy theo mà hai chân cứ bủn rủn như không có gân cốt.
Giọng người bên kia vẳng lại, thật giọng Pao, vang ngân mà sao nhức nhối:
- Có chết thì cũng phải thành hồn ma hồn quỷ về quấy nhiễu, vật chết chúng nó, A Sinh à.
A Sinh nức nở:
- Lần dại ấy tôi nhớ đến khi lìa khỏi cõi đời này, anh Pao ơi!
Tựa lưng vào cành chè, Pao im lặng, nghe A Sinh thổn thức. Họ mới tình cờ gặp nhau lúc chập tối. Pao đi tìm bọn nổi loạn, A Sinh đi lang thang. A Sinh sót xa ân hận. Pao đau đớn, uất ức. Như giờ đây, mắt Pao vẫn đau đớn, uất ức mở trong đêm tối. Mắt Pao bắt ánh sáng của con sông sao trên trời, xếch hai vệt chéo sáng như mắt nai mùa xuân bừng lửa. Pao còn sống đây. Pao không chết.
Thực ra, nếu không có sức sống tự bên trong, không có lòng căm giận và niềm khao khát thì Pao đã chết rồi. Pao lao xuống vực như một cây gỗ, cái chết cầm chắc trong tay. Bị đá va, cành cây đập và rơi xuống vực như thế, Pao sẽ nằm chết dưới đáy sâu như cây gỗ rồi sẽ mục rã, thối mủn đi. Con rắn trườn qua chân Pao. Con nai bước qua người Pao. Và con quạ đậu trên cành cây ngó xuống nhìn xác Pao, chờ Pao thối rữa sẽ xuống rỉa thịt pao. Hơi thở Pao mất. Tim Pao như ngừng đập. Lúc ấy dường như chỉ có một đốm sáng tinh thần - nỗi ước muốn được tiếp tục những công việc dang dở - là còn sống. Nó giống như cái chấm than hồng trong bếp tro nguội lạnh, nhưng nó không lụi đi, nó cứ sáng dần, sáng dần. Pao tỉnh dậy nhờ nó. Các khớp xương trật trẹo, da thịt máu tứa nhờ nó mà lành lặn lại. Ý nghĩ không chịu chết làm Pao sống. Pao uống nước lã, ăn lá rừng. Rồi Pao bò lên rừng chè. Nhất định Pao không chết. Làng Pao lúc nhúc bọn phản loạn. Thị trấn mịt mù khói đạn quân gian ác.
Cách mạng giao chức chủ tịch cho Pao, Pao đã không giữ yên được làng xã, để con thú nổi dậy, phá chuồng, xổng ra. Pao chưa thể chết vì còn nợ nần nhiều. Pao vẫn là chủ tịch Can Chư Sủ.
Chiều nay, gặp A Sinh, A Sinh hỏi: "Ta đi đâu bây giờ?” Pao chỉ xuống làng: "Ở đây thôi”. Pao không đi đâu cả. Mất cái gì phải lấy lại cái đó. Pao mà đi, bọn bọ chó càng nhâng nháo. Từ nay, ngày và đêm là thời khắc sống trở lại mãnh liệt gấp hai trước đây của Pao.
- Anh Pao ơi! Tôi thấy nhục - A Sinh rên rỉ - Lử nó bắt tôi, nó chửi tôi, nó bắt tôi khiêng đạn.
Pao nghiến răng:
- Không nên coi cái nhục riêng to hơn cái thù chung.
- Tôi chết nửa con người vì lần ngu dại này.
- Tôi đáng chết hơn, cách mạng dạy tôi: kẻ thù không bao giờ một lần chịu thua ngay. Tôi biết điều đó mà chưa hiểu. Tôi đáng chịu phạt bằng cái chết. Nhưng tôi phải sống để sửa chữa.
- Liệu chúng có thắng được Cách mạng không?
- Cách mạng là con đường quanh co. Nhưng rồi ta sẽ đi tới đích. Tôi chỉ hơi buồn: người Can Chư Sủ mình đáng lẽ phải đi con đường như A Sinh, như tôi đi, lại phải theo Lử.
Mắt A Sinh lấp láy:
- Đứa phản động sao nó tinh quái như con cáo? Sao ta lại hay khờ hay dại?
- Thằng phản động nó sống bằng lừa lọc quen rồi. Còn Cách mạng là chân thật, không biết dối trá.
- Giờ tôi sáng mắt sáng lòng rồi, anh Pao ạ.
- Cách mạng bắt đầu từ chỗ ấy đấy.
- Ta làm gì bây giờ, anh Pao?
Chợt A Sinh nghển đầu. Qua vòm lá chè dày đặc, bình minh một ngày mới xanh xao vừa he hé. Tai A Sinh nghênh nghênh, đôi tai thẩm âm của thầy khèn lọc gió, chợt lắc lắc:
- Có tiếng máy bay!
Pao nghiêng đầu. A Sinh lại kêu:
- Máy bay Tây đến thả dù cho bọn Lử thật. Tôi nhận ra tiếng nó. Giờ tôi định thế này: ta đốt ba đống lửa, dụ nó thả dù xuống, ta lấy súng đạn của nó. Ở làng, mỗi khi có máy bay Tây lên, bọn Lử hay làm thế.
- Hay quá! Thằng phản động thua A Sinh rồi!
Hai người tụt xuống đất. A Sinh không ngờ nghệch đâu. A Sinh khôn ngoan lanh lẹn. Pao từng trải, chắc chắn.
Lát sau, ba đống lửa cháy giần giật giữa khoảng rừng chè trống. Một chiếc đa-cô-ta bay qua trấn Pa Kha lượn vòng, hoang mang nhìn xuống ba chấm lửa vàng…