Phần III - 9 -

Đeo cây đàn ghi-ta, vai khoác ba lô gài cây sáo trúc, Quang Ngọc leo dốc lên trấn Pa Kha. Anh đang theo đơn vị bộ đội do Na chỉ huy đánh vào các ổ phỉ quanh châu theo kế hoạch tác chiến của Đắc, thì được gọi về. Anh hiểu, Đắc muốn anh trở về châu, dùng âm nhạc để động viên các thương binh và có điều kiện để gần gũi Dung lúc này đang phụ trách bệnh xá mới thành lập. Từ buổi Dung theo đoàn cán bộ bổ sung vào Pa Kha, hai người chỉ mới gặp nhau trong chốc lát. Cuộc sống bận rộn, căng thẳng quá.
Ngọc bước chầm chậm vào phố. Niềm vui được gặp lại Dung không lấn át được cái cảm giác bùi ngùi thường có ở anh sau những trận đánh lớn, nhất là giờ đây, trở về nhìn thấy thị trấn trong cảnh ngổn ngang đổ nát. Gió tung tở những đống tro than. Khu nhà gạch tường vôi vỡ toác và lỗ chỗ vết đạn. Phảng phất đâu đó mùi tử khí ngưng dưới tầng sương, nằng nặng khăn khẳn. Cắm cúi bước, tới giữa phố, anh sững người, né tránh vì suýt xô phải một bóng phụ nữ.
- Anh Quang Ngọc!
Bóng phụ nữ là Nguyệt. Hốt hoảng chào anh xong, cô liền sấp mặt, cúi đầu vội vã như là trốn chạy anh. Anh có cảm giác như vừa bước hụt.
Ôm thằng bé Quang Duy, Ngọc áp má nó vào má mình. Nước mắt anh tràn ra giàn giụa. Trong giây phút tạm lắng của chiến tranh, những điều giản dị của cuộc sống hàng ngày bỗng trở nên thật quý giá hiếm hoi. Dung mới từ trạm xá về. Tóc tết đuôi sam, mặt rỡ ràng, mắt rưng rưng, chị cười:
- Anh xem con có lớn không? Con biết lẫy, biết ngồi rồi đấy, anh à. Con còn biết gọi ba, ba rồi cơ. Chị Châu cũng là ba, anh Chính cũng là ba.
Thằng bé quay mặt lại, chân đạp ngực bố, giơ hai cánh tay mũm mĩm, miệng phì phì, nhoai về phía mẹ. Dung vỗ vỗ hai bàn tay:
- Kìa! Con trai mẹ đang phun mưa! Duy à, ba đấy, ba Quang Ngọc của con đấy mà. Con nó sắp tè đấy. Anh đưa em. Nào… con trai mẹ tè rồi ngủ khì nhé.
Thằng bé kêu ự ự. Tè xong, nó giụi đầu vào ngực mẹ, mắt gà gà. Tóc nó lơ thơ, da nó trắng hồng. Đôi mắt dài, nó có hàng mi rậm giống mẹ. Cái mũi cao, cái miệng nhỏ thì lại hệt bố. Đối với Dung, thằng bé là hạt ngọc. Còn Quang Ngọc là cả cuộc đời của chị. Chị là con gái vùng trồng hoa, bị tên tỉnh đảng trưởng Quốc dân đảng rắp tâm chiếm đoạt, đày đoạ ê chề. Anh là nhạc sĩ lang thang đi đàn thuê hát mướn cho bọn Tàu Tưởng ở Lao Cai. Cách mạng đã cứu vớt họ ra khỏi bể thẳm nhục nhã, đau buồn. Tình yêu của họ là bông hoa do cách mạng gây trồng, vun xới.
Đặt thằng bé Duy xuống giường, Dung quay lại nhìn chồng:
- Anh có điều gì buồn phiền phải không?
- Gặp em và con trong hoàn cảnh này, anh xúc động quá…
Ngập ngừng, Quang Ngọc nói, nhưng nhìn mặt chị sáng trong, đầy tin cậy, anh hiểu, không nên giấu chị một điều gì.
- Hôm qua, cả tiểu đội anh hy sinh tám đồng chí. Toàn những đồng chí tốt.
- Đêm qua, ở bệnh xá em cũng có hai đồng chí chết. Ngày nào cũng có thương binh về. Nhiều lúc em cũng rối bời ruột gan. Nhưng…
- Không! Đâu có phải là anh không hiểu ý nghĩa của sự hy sinh. Anh sẵn sàng chết cho sự nghiệp vĩ đại này.
- Anh.
Nghe tiếng Dung thất thanh, Ngọc hiểu ngay rằng anh đã nói điều quan trọng nhưng chưa đúng lúc. Không đúng lúc thật, nhưng thật tình anh đang lúng túng quá. Lý trí chưa đủ soi tỏ ngõ ngách. Những nghịch lý, phi lý còn đầy rẫy trong cuộc sống khiến nhiều lúc anh như con cá mắc trong các mắt lưới.
 Khốn nạn, cái thằng Vận! Cái thằng Vận là nguyên cớ của bao thảm kịch. Sao lại có nó ở trong hàng ngũ của anh? Chính nó khiến anh hoài nghi, ngờ vực cuộc đời này. Nhìn đâu anh cũng thấy bóng hình nó. Nó đứng lù lù chắn ngang đường anh đi, nó phủ bóng đen vào anh. Sao con người lại có thể có hình dạng là nó?
- Anh nằm nghỉ đi, anh - Dung khe khẽ dịu dàng.
Nghe lời Dung, Ngọc đứng dậy, nhấc cây đàn treo lên vách. Buồng của họ ở tầng dưới trụ sở ban cán sự châu, giáp với văn phòng hành chính của Khả.
Bên ấy vừa chợt có tiếng một người trai Hmông. Và Ngọc nhận ra ngay đó là tiếng chiến sĩ Tếnh. Tếnh nói, giọng nức nưởi, xót xa:
- Nhờ đồng chí Khả báo cáo ngay với đồng chí Đắc hộ tôi: Cái ông Vận nó là người không tốt. Tôi và nó đi Pha Linh để cứu đồng chí Tích. Nó hèn nhát, nó đối với đồng chí không tốt. Nó ác độc như con thú dữ, nó giết ông già, bà già, phụ nữ, trẻ con Hmông ở Hầu Thào. Không vì kỷ luật, tôi bắn chết nó rồi. Sau đó, nó bỏ trốn. Một mình tôi đi Pha Linh. Tôi vào tận Pha Linh. Đồng chí ơi, anh Seng tôi bị Châu Quán Lồ đánh chết thảm thiết lắm. Đồng chí Tích bị nó giết rồi. Đồng chí ơi, phải đi đánh tan cái chuồng thú Pha Linh đi. Tôi trinh sát hết mọi chỗ, tôi ghi nhớ hết ở trong đầu đây rồi. Đánh Pha Linh đi, không nhanh ngày nào, còn nguy hại ngày đó đấy, đồng chí Khả ơi.
- Ai vào căn buồng của tôi đới?
Khả từ ngoài sân, đâm bổ vào văn phòng nhận ra Ngọc, liền tươi như hoa:
- Ôi! Nhạc sĩ! Anh mới về, hả? Các cô gái Hmông nghe sáo anh mê tít thò lò. Thế nào, đánh bọn phỉ này ngon ơ chứ anh Ngọc?
Ngọc khẽ lắc đầu:
- Cũng không đơn giản đâu. Anh Khả, cậu Tếnh người Hmông vừa vào đây, đâu rồi?
- Tôi dắt tay ông tướng, chỉ đường đi Can Chư Sủ tìm anh Đắc rồi!
Khả ngồi vào bàn máy chữ, câu chuyện của chiến sĩ Tếch như chẳng gây một xao xuyến gì trong anh. Anh vuốt tóc, xoa xoa hai tay, bắt đầu mổ chữ và dẫn Ngọc vào mối bận tâm của mình:
- Anh Ngọc ạ, cái số kiếp của tôi đến đâu cũng là bù đầu, mà toàn là việc đặt nền móng. Hà, tuổi sửu, con trâu là chuyên đi vỡ đất mà. Đến đâu cũng là tổ chức văn phòng, cơ quan. Mà ở đâu cũng là anh đầu sai, đầu mối hàng trăm việc. Hừ, cái xừ Vận làm với ăn chẳng ra cái cóc khô gì. Ngữ ấy chỉ gái thôi. Tôi vừa phải ra tay chấn chỉnh lại. Tôi phân nhà cửa cho Thương nghiệp, cho Y tế, Giáo dục. Tôi xếp sắp lại toàn bộ bộ máy, cứ là nhược cả người. Hừ, làm chánh văn buồng nguyên cái khoản tiếp khách cũng đã lử cò bợ - Khả gãi đầu - Mà cũng tại mình dễ tính. Chè tuyết lại sẵn. Còn cái món nước mưa kia nữa. Mấy cái vò kia kìa! Anh có làm một tí cho nó tỉnh táo không?
Thấy Ngọc im lặng, Khả cười hề hề:
- À, nhạc sĩ phải giữ giọng! Nhưng, phải nói là cái rượu bắp của anh Hmông này, phông-ten của Tây phải gọi là grand-père (ông).
Luồn tay trong áo vét, Khả lôi ra một cái lọ dẹt bằng bàn tay, vặn cái nắp mạ đồng, chắt ra chỉ độ mươi giọt rượu rồi ngửa cổ, đoạn há miệng khà mạnh một hơi.
- Mắt tinh hẳn lên, tinh thần sảng khoái hẳn ra, anh Ngọc ạ. à? Thế bao giờ ông Đắc về, anh có biết không? Tôi đánh cái giấy mời các thân hào, chức dịch các làng bản lên châu ăn cơm đoàn kết, chẳng hiểu bao giờ ông ấy ký để gửi đi cho kịp.
Hai con mắt nhấp nháy ngó trước ngó sau, thấy không có ai, Khả liền nghển lên, ghé sát tai Ngọc, vẻ rất bí ẩn:
- Ông Đắc này là cao tay lắm, anh Ngọc ạ. Dụng võ thì cần uy. Dụng văn phải có đức. Ông Chính thì rõ là con nhà văn. Còn ông Đắc, đúng tướng con nhà võ. Đợt này ông ấy cầm quân xông pha thì ăn chắc. Tôi sống với ông Đắc từ năm 1946, tôi biết. Ga lăng là một. Quả đoán là hai. Mưu lược là ba. Anh có biết ông ấy mời các chức sắc ở các bản làng tới ăn cơm đoàn kết nghĩa là thế nào không? Hà hà… cái này nghệ sĩ các anh thì… ngoại đạo…
Cúi xuống cái máy chữ, Khả lại tiếp tục bản độc thoại.
- Anh Ngọc này, anh có biết phương châm tiễu phỉ là thế nào không? Bốn mươi phần trăm là quân sự thôi! Còn phải chính trị. Chính trị là gì, anh có biết không? Hà hà… Là nhiều thứ lắm, nói không hết đâu, nhưng như cái bữa cơm đoàn kết này là một đấy…
Chuông điện thoại vừa đổ.
- A lô! Ai đấy! Nói to lên! - Tay áp ống nghe vào tai, đang quát nạt, Khả bỗng bật dậy như cái lò xo khom lưng, hạ giọng lắp bắp - Anh Đắc đấy ạ! Dạ dạ… Giải phóng Can Chư Sủ rồi ạ! Đánh tan ổ phỉ rồi ạ! Trời! Đang truy lùng bọn lẩn trốn! Tài thánh thật. Tìm thấy chủ tịch Pao rồi! Đang tiến sang Tả Van Chư! Điện ngay cho anh Chính ạ? Hoan hô tướng quân Nguyễn Đắc! Hoan hô quân ta giải phóng Can Chư Sủ!
Người như vỡ oà vì mừng vui tột độ, Ngọc đứng im mà lòng vang động xôn xao.