Phần V - 3 -

Căn nhà đá dài nguyên là kho muối của thổ ti Hoàng Văn Chao. Tường được xăm đá tảng, hơi ẩm và tối. Nhưng rộng thênh. Trổ thêm mấy cửa sổ, giờ nó thành hội trường lớn. Bước vào lòng căn nhà, Đắc bị quáng bóng tối. Anh chớp chớp mắt, đứng lại và có cảm giác bị bất ngờ: Đông quá! Có đến mấy trăm người. Mấy trăm con người đang ngồi xệp dưới đất kia hôm qua còn cầm súng bắn vào mình, còn trốn chui trốn lủi trong hang đá, góc rừng. Mấy trăm con người, xanh đen lòng nhà, lộn xộn tóc dài, hoa roi, trọc lốc, bù xù, cờm cợp, đủ hết các lứa tuổi, từ đứa trẻ dại tới ông già râu bạc. Tất cả đều rách rưới, hôi hám, mặt ai nấy đều tăm tối, ngờ nghệch, thiếu hẳn đi cái sáng láng của tư duy. Tách từng người ra, họ có tên tuổi, diện mạo, tính nết riêng, nhưng tập hợp lại mới thấy họ chỉ có chung một khuôn mặt, ô hợp, mê muội, bán khai.
Trên cái nền đá mới tôn cao làm bục nói, có hai người. Một là Giống nặng nề, phục phịch và một người đàn ông nữa, vẻ lanh lẹn, sắc sảo.
Giống nói, giọng ngập ngừng:
- Vàng A Chảo nó nói: Lử gọi nó ra lính, khi ấy nó đang đi cày nương. Con đàn bà Tây khám người nó bảo tốt, chọn nó vào lính rồi cho nó về Hà Nội học nhảy dù. Tập nhảy dù. Tập trượt. Tập cài dù. Tập mở dù. Tập ngã để không dập đầu xuống đất. Tập sai bị đánh, bị đá…
Mấy trăm gương mặt cùng nghếch lên. Người tên Chảo nói tiếp, nhưng tiếng nói mỗi lúc một méo đi. Rồi anh ta bỗng ngồi thụp xuống, hai tay úp mặt, tu tu khóc. Giống giơ tay ra hiệu mọi người yên lặng để anh phiên dịch lại bằng tiếng Kinh. Cả mấy trăm khuôn mặt phỉ đều gục cả xuống, và dường như cùng lúc, tiếng khóc như dàn đồng ca âm ỉ nổi lên khi người tên Chảo dứt lời kể khổ.
- Chảo nó bảo - Giọng Giống tròng trành, mặt Giống hoen nước - Nó đã về nhà, Lử lại bắt nó lên rừng - ở rừng, cơm không có ăn. Khổ lắm! Một hôm, có người làng lên tìm, bảo: Con mày ốm đấy. Xin Lử, Lử không cho về. Tuần lễ sau, lẻn về thì thấy nhà vắng tanh. Thấy một con chó đang tha cái đầu con nó ở sân. Vợ nó phát điên, chạy lên rừng, ngã xuống vực, giờ chưa tìm thấy…
Tiếng Giống chìm nổi rồi chìm hẳn. Tiếng khóc giờ nổi lên càng nức nở. Người ta gục trên đầu gối. Người ta đập đầu xuống đất. Người ta lăn trên nền nhà. Ai oán, xót xa, tiếng khóc như từ tiền kiếp thê thảm vọng về. Na kín đáo chùi mắt.
Mắt Đắc khô lạnh đăm đăm. Còn những khổ đau nào nữa đang quằn quại ở khối người đông đảo kia?
Kìa, thay chỗ Chảo là một ông già hom hem, lưng còng, mồm dẩu, đầu đội vành khăn to. Ông già vừa nói được mấy câu đã mếu xệch miệng như đứa trẻ bị đòn.
- Cụ Cư Tráng Hoà ở Tả Van Chư nó nói nó đã sáu mươi tám tuổi - Giống dịch ra tiếng Kinh ngắc ngứ.
Na quay lại với Đắc:
- Trong lớp có ngót ba mươi cụ trên sáu mươi tuổi bị bọn trùm phỉ mê hoặc, xúi giục cầm súng chống ta, anh ạ.
Đắc cắn môi. Ông cụ bằng tuổi ông nội Đắc. Ông nội anh, mặc quần đũi, áo the đen ngồi trên cái tràng kể đọc Kinh Dịch và thơ La Phông Ten.
Giọng Giống bỗng cao vống lên:
- Cụ Hoà nó nói: Châu Quán Lồ bảo theo nó thì tha hồ nhiều gạo ăn, nhiều vải mặc. Thế là cụ Hoà cầm một khẩu súng, đeo một cái địu đi đánh Pa Kha. Một hôm có một bộ đội đi trong rừng. Cụ Hoà nó thấy bộ đội có đôi giày mới, thế là vác dao ra chém.
- Trời!
Na kêu lên một tiếng khẽ. Đắc đi xuống phía sau hội trường. Không ai để ý đến anh. Đám người nọ vẫn vật vờ kể lể nỗi thống khổ của đoạn đời lầm lỡ.
Lại một người nữa lên tố khổ. Lại một người nữa. Cái khổ, cái tội, chẳng ai giống ai, mà cũng chẳng khác nhau. Kìa, một chú bé. Mười ba tuổi, trán dô, choắt người, cao chưa bằng khẩu súng. Lồ ngồi trên ngựa hét: "Đất Hmông của người Hmông ta”. Chú bé nhảy cỡn lên. Được bắn thằng Kinh là thích rồi. Giết cả thằng Kinh đen là chủ tịch Seng nữa. Chính chú bé cầm một tảng đá nện vào đầu Seng, đầu Seng vỡ, óc Seng phọt ra bắn vào áo chú những vụn thịt đo đỏ trăng trắng. Kia là một gã trung niên. Gã có hiểu mô tê gì đâu là tự trị. Nhưng bọn sảo quán bảo: "Đánh Kinh lấy tự trị. Đánh Thổ lấy ruộng. Đánh thị trấn lấy muối”. Hắn tưởng tự trị cũng tương tự như một mảnh ruộng, một tạ muối… Thế là hắn lên ngựa… Lại một gã khác. Gã nói gã tin Lồ là người trời, theo Lồ vì Lồ có ngọc trời. Gã giữ súng máy, gã hẹn sẽ bắn chết một trăm người Kinh để Lồ phong cho chức sảo quán. Vậy là trong cái đám người hỗn độn nọ, đã đủ mặt các hạng người tiêu biểu cho những lầm lỡ ngu xuẩn, những dục vọng hèn hạ của con người: thói đố kị, sự ghen ghét, lòng cuồng tín mê sảng về dòng họ, dân tộc, đầu óc lãnh chúa, mộng bá quyền hoà trộn với tính vụ lợi, thèm khát kim tiền của cải do đói khổ triền miên từ tiền kiếp ám ảnh. Tham vọng huỷ diệt lương tri đã được kích động. Sự khiếp hãi trước bạo lực và tính qui phục dễ dàng, bắt nguồn từ lòng sùng bái lãnh chúa, thủ lĩnh bộ tộc một cách thô sơ và mê muội, đã dọn đường cho tội ác.
Chao ôi! Con người bé nhỏ khốn khổ! Trong tay các thế lực hắc ám, họ là một con số vô nghĩa lí, là các đống thịt lót đường. Họ hèn mọn, bèo bọt, luẩn quẩn, không lối thoát. Phải mau mau giằng họ ra khỏi nanh vuốt của thú dữ. Con người đã biến thành ma vương, quỉ sứ, phải trở lại thành người, phải bước vào kỷ nguyên tự do, tự mình làm chủ lấy vận mệnh của mình, con người phải trong sạch, đẹp đẽ lên.
Đắc nghĩ, hào hùng và giận dữ.
Đi tới cạnh Na, anh nói khe khẽ:
- Đồng chí cho anh em tiếp tục kể khổ. Xong, tổng kết, phân tích rõ nguyên nhân cho anh em hiểu rõ. Đặc biệt cần cho anh em thấy âm mưu thâm độc của bọn đế quốc. à, anh em ăn uống thế nào?
- Báo cáo anh, quân nhu bên chủ lực có để lại kha khá gạo. Còn đồ hộp thì Tây thả dù lấy được còn nhiều.
- Săn sóc anh em chu đáo nhé. Thôi, mình về. Tối nay, ta họp ban cán sự.
Đắc bước ra ngoài. Gió chiều lạnh tê mặt. Anh giụi giụi hai con mắt; tưởng như anh vừa thấy lại những hình ảnh của một thế kỷ đã qua.
Bước vào trụ sở ban cán sự, Đắc xô ngay vào Khả đang chạy ra.
- Úi! Anh Đắc! một ca hiếm có chưa từng thấy!
- Cái gì thế?
- Thằng vệ sĩ của Châu Quán Lồ nó về hàng ta.
Đắc bước vào nhà.
"Thằng vệ sĩ của Châu Quán Lồ. Có thật thế không?".
Giữa phòng Khả, một gã thiếu niên mặc áo lanh chàm, đội mũ Nhật đang ngồi. Tay nó cầm cái cờ trắng. Người nó ướt rượt. Quái, lá cờ là một chiếc khăn tay thêu đôi chim và một hàng chữ: "Thương nhớ anh, người chiến sĩ hùng anh". Nó còn trẻ, cao nhong nhỏng, mặt như chưa hề vương tội lỗi, má lông tơ, hai mắt cách xa nhau, van vát. Nét nào phản ánh sự cuồng nhiệt háo hức của nó?
Đắc kéo cái ghế, ngồi trước mặt gã thiếu niên:
- Tên là gì?
Gã ngẩng lên, tiếng Kinh rất rành rọt:
- Dạ, tên em là Phừ.
- Bao nhiêu tuổi?
- Dạ, em mười bảy.
Mười bảy! Mười bảy! Dư trí khôn rồi, đâu có còn là lứa tuổi ngu dại? Đúng là thế. Không đợi Đắc nói, nó đã tiếp:
- Em cũng họ Châu, cùng làng với ông Lồ. Em thích ông Lồ. Vì ông làm quan to, tài giỏi mà không xa cách mọi người. Ông Lồ bảo gì, ai cũng làm theo. Em theo ông ấy làm vệ sĩ. Nhưng dần dần không thích ông ấy nữa.
- Tại sao không thích?
Tên vệ sĩ cúi đầu:
- Ông ấy ác quá. Bắn chết một đứa trẻ trên núi Chè Can Chư Sủ.
- Ô! - Khả kêu.
- Giết chết người lại giấu đi. Lại lấy chị dâu nó làm vợ. Ông ấy còn giết chủ tịch Seng, ác lắm. Một anh bộ đội đưa thư đến cho ông ấy, ông ấy cũng giết. Ông ấy làm cho em khinh.
- Bộ đội tên là Tích có phải không?
- Em không biết.
- Kể tỉ mỉ xem…
Gã thiếu niên vừa nói vừa tìm chữ. Mặt Đắc đỏ sậm. Có thể tin nó được. Những chi tiết đều khớp với những gì Đắc đã thu nhận được hôm rồi bên Pha Linh.
- Thế chú có ý định bỏ Lồ từ bao giờ? Đắc hất hàm.
Gã thiếu niên liếm mép:
- Từ lúc Lồ giết đứa bé ở núi Chè Can Chư Sủ. Nhưng thật lòng là lúc Lồ giết anh bộ đội. Em khiêng xác anh ấy đi chôn, thấy cái khăn trắng này. Khăn này anh ấy dùng để đi vào Pha Linh. Em cất cái khăn đi.
- Sao không sang hàng lúc bấy giờ?
- Lúc ấy Lồ canh gác nghiêm lắm, đi sao đượcạ!
- Đợi cho nó tan rồi mới sang hàng à?
- Không phải thế. Em tìm cách chạy rồi, nhưng không được. Cuối cùng em phải liều. Không thể sống với ông ấy được. Cô Seo Váy yêu ông ấy. Ông ấy lại nghi ngờ cô ấy. Lại nghe mụ A Linh.
"Hay là gã ghen với Lồ?" Đắc thoáng nghĩ, lại bỏ qua.
- Thế A Linh là người thế nào?
- A Linh thâm lắm.
Đắc gật đầu:
- Được rồi, thế Lồ có ngọc trời cho không?
- Làm gì có.
- Có, nó giấu ở trong nách ấy, chú không biết thì có.
- Đâu! Em tắm với ông ấy luôn mà. Nách chỉ có lông thôi.
Đắc cười:
- Thế bây giờ Lồ đâu?
- Dạ, bị bộ đội đánh, quân ông ấy tan tác. Các sảo quán đứa chết, đứa bỏ chạy. Chỉ còn ông ấy với Seo Say, A Linh và Sùng Seo Lùng cùng một ít quân chạy về Ô Tô Chải. Rồi xuống sông Chảy… Nhưng em đoán…
- Đoán thế nào?
- Thế nào Lồ cũng về quê. Có chết cũng chết ở đất quê. Ông ấy vẫn bảo thế.
Keng keng keng…
Kẻng báo động máy bay trên đỉnh núi chợt giật liên hồi. Ngoài phố, tiếng chân người chạy thình thịch. Đắc bảo Khả đưa gã vệ sĩ xuống gặp Na, dặn Na bố trí cho gã kể hết tội Lồ cho anh em lớp cải tạo nghe. Rồi anh gập cái khăn tay trắng - vật lưu niệm cuối cùng của Tích, cho vào túi ngực, đi ra cửa.
Phía tây trong ráng chiều đỏ ong, có tiếng máy bay ầm ì. Nó đánh thị trấn? Đắc chạy ngược lên núi, phía nghĩa trang liệt sĩ. Vụt qua đỉnh núi, hai cái cổ ngỗng lượn vòng. Nó đánh thị trấn thật rồi. Đắc cúi đầu. Một chiếc máy bay đã lao xuống.
Tằng tằng tằng…
Hết loạt đạn, anh ngẩng lên. Có thể thằng giặc muốn đánh lạc hướng. Anh nghĩ. Bỗng giật thót mình. Dọc theo sông Chảy, một chiếc đa-cô-ta gần như tắt máy, lừ lừ bay như con diều hâu đang dang cánh giữa hai triền núi lam.
"Nó đi tìm Châu Quán Lồ!". Anh nghĩ, lại chúi đầu xuông dưới hầm tránh đợt oanh kích tiếp theo của chiếc máy bay thứ hai.
Ngẩng lên lần này, anh không nhìn thấy chiếc đa-cô-ta đâu nữa. Nó đã mất hút. Anh chú ý tới một hiện tượng khác, cũng rất lạ: một bóng phụ nữ áo đen, giữa lúc máy bay gào rít, chạy lên nghĩa trang.
Lát sau, máy bay giặc đi, anh nhìn thấy người phụ nữ nọ ngồi im bên một nấm mồ, y hệt cảnh tượng hôm nào anh đã gặp.