Chương ba

Đông Nghi ơi, mi hãy mở mắt ra đi chứ. Cố gắng lên, cố gắng mở mắt nhìn ra ngoài khu vườn. Nắng đã lên rồi đó. Hay ít nhất nắng cũng đã đâm thủng sương mù và những ngọn lá già nua đang cố lay động để hất những giọt nước tai ác xuống đất. Có lẽ đêm qua sương mù dày lắm, đôi mắt mày đã mở thao láo cả đêm, bây giờ đã dày sương mù, lệ đã cứng thành bụi. Mở mắt ra, mở mắt đi Đông Nghi. Đông Nghi cố gắng để mở đôi mắt mà quả thật nàng không muốn mở mắt ra nữa. Giữa bàn lá thư viết cho Tuấn còn đó, viết lở dở,viết không đầu, không đuôi và đã bôi nhòa những giọt lệ.
Nói cho anh nghe đi chứ Đông Nghi, em đang làm gì, đang nghĩ gì trong thành phố đó? Hơn một tuần lễ rồi không có thư em, anh còn phải chờ đợi trong bao lâu nữa? Anh đang chờ đợi được em cho phép, được em gật đầu để dồn tất cả những ngày phép trong một năm để trở về Huế, để trông thấy mặt em. Cô Đông Nghi, cô nàng tôn nữ sầu mộng. Làm sao anh chịu đựng được sự xa cách, chịu đựng được những tháng ngày lẻ loi như thế này. Anh muốn biết gia đình em, muốn được mẹ em nhận anh vào gia đình. Đông Nghi ơi, sao em không tả cho anh nghe về mẹ? Người đàn bà Huế búi tó hay vấn tóc trần đều đẹp quý phái cả. Tóc em cũng dài lắm, ngày nào anh trở về để trông thấy tóc em búi ngược như người đàn bà hiền thục nhất. Em ơi, mình sẽ có bao nhiêu ngày chiều vàng núi Ngự, bao nhiêu sáng soi chung mặt dưới dòng Hương Giang. Anh sẽ nói với mẹ như thế nào? Bắt đầu như thế nào? Em ơi, cùng với anh đứng trước mặt mẹ nhé. Anh nói anh yêu Nghi, yêu Nghi, như vậy đã đủ chưa hở Nghi? Anh đang giận và tự cười anh đây. Từ ngày có Nghi, yêu Nghi, anh đã hết khật khùng rồi, có điên mấy cũng phải tỉnh dậy trước nhan sắc rực rỡ, đằm thắm của em … Tội nghiệp em ở trong một thành phố nghiệt ngã đó. Nhưng em đừng nói với anh là em chỉ có một mình. Em có mẹ. Phải, anh nhìn ảnh em, uống hết những dòng thư của em, qua tâm hồn và đức tính của em, anh đã nhìn được ra mẹ.
Anh đã nhìn được ra mẹ. Tay Đông Nghi muốn bấu cho lủng mặt bàn. Phải đó, nếu anh ra được mặt mẹ. Khuôn mặt của mẹ đêm qua, đêm kia. Buổi tối đêm trước mẹ đi không về. Gần mười hai giờ đêm Đông Nghi mới rủ thằng Rọm ra đóng cửa. Bà ngoại ốm gần liệt giường không ai chăm sóc. Đông Nghi phải đi lạy lục, năn nỉ O Cau tới ở đêm trông giúp. Buổi sáng sớm, Đông Nghi dậy nấu nước, sắc thuốc cho ngoại xong, nàng phải đến trường.
Nghe thấy tiếng rên của bà ngoại, Đông Nghi dấu lá thư viết dở vào ngăn kéo rồi mở cửa đi ra nhà ngoài. Ngang qua tấm sập gụ, Đông Nghi thấy mẹ vẫn còn nằm ngủ vùi.
Từ hôm bà ngoại ốm, mẹ nàng phải ra ngủ ở sập gụ căn ngoài để buồng trong cho bà ngoại nằm cho kín gió. Đông Nghi thấy mẹ nằm ngữa, một vạt áo trước lật lên bày một khoảng bụng trắng phêu. Thêm vào đó, cáo áo trắng vải phin mỏng nổi bật cái nịt ngực bằng ren nịt thật chặt. Hình ảnh trang trọng của mẹ bình thường không còn nữa, và Đông Nghi cảm thấy khó chịu như nhìn một cảnh không đẹp mắt. Đông Nghi rón rén đi vào phòng ngoại. Bà ngoại nằm xây mặt vào trong vách, mái tóc bạc của bà xổ tung, rủ xuống chân giường. Đông Nghi ngồi xuống bên cạnh, vén tóc cho bà ngoại. Nàng sờ tay lên trán bà ngoại, thấy trán bà vẫn hâm hấp như mọi ngày, nhưng hơi thở của bà coi có vẻ nặng nhọc hơn. Bà Ấm nhận ra cháu thì xoay lại:
- Con Nghi đó hở?
Đông Nghi cầm chặt lấy tay bà ngoại, tự dưng nàng cảm thấy thương thân mình, thương thân bà. Đông Nghi ứa nước mắt:
- Bà ăn cháo, cháu đi nấu nghe bà.
- Thôi, cháu sửa soạn đi học đi.
Đông Nghi vẫn đặt một tay lên trán ngoại. Ánh sáng mờ mờ của căn phòng đóng cửa bít bùng với ánh đèn dầu đặt đằng góc phòng hắt lại, tạo cho khuôn mặt bà ngoại một vẻ gầy gò, hốc hác như chỉ còn da bọc xương.
- Bữa ni chủ nhật, cháu nghỉ mà bà.
Giọng bà Ấm áy náy, rung rung:
- Ừ, để trưa rồi nấu cháo cho bà. Bữa ni cháu nghỉ vô ngồi chơi với bà nghe cháu.
- Bà coi trong mình ra răng, có bớt mệt không?
- Không răng mô. Bà già, bà đau ốm lặt vặt, cháu ơi.
Đông Nghi dạ nhỏ. Bàn tay Đông Nghi vẫn nằm gọn trong bàn tay già nhăn nheo.
- Cháu sợ bà chết không?
Nước mắt Đông Nghi trào ra ướt đẫm cả má.
- Bà ơi, bà đứng chết. Bà chết, cháu sống với ai.
Bà Ấm cố mở lớn mắt nhìn khuôn mặt cháu gái, nước mắt bà cũng trào ra:
- Ừ, bà không chết mô. Nhưng bà già rồi, bà sống cũng không mấy nữa.
Rồi giọng bà ngoại nhỏ hơn:
- Con đó đã đi qua hàng chưa?
Đông Nghi biết bà hỏi con đó là ai rồi. Con đó đã đi qua hàng chưa, giọng nói của bà ngoại vừa mỉa mai, vừa khinh bạc. Đông Nghi nói thật nhỏ:
- Mạ con đang ngủ ở ngoài sập.
- Nằm cho thúi thây, trây trúa ra luôn.
Đông Nghi cầm lấy tay bà ngoại. Bà ơi, bà đừng nói thế. Mỗi lời đay nghiến của bà là một đòn xóc, moi móc tim gan, phèo phổi của cháu rồi. Đông Nghi lay lay tay bà ngoại:
- Bà ghét cháu không?
- Tự nhiên răng lại nói với bà rứa?
- Tại bà ghét mạ con.
Bà Ấm trợn mắt. Rứa ra con ni hắn không hề oán ghét chi mạ hắn hết. Giọng bà lạc đi:
- Cháu thương mạ lắm lắm hả?
- Cháu thương mạ, nhưng mạ mô có thương cháu, phải không bà?
Đông Nghi thấy bà ngoại thâm trầm:
- Túi qua cháu có thấy cái thằng Bồ Đào đưa mạ cháu về không?
- Có.
- Có rì rầm chi không?
- Dạ không.
- Lát nữa mạ cháu dậy nói vô bà biểu.
- Dạ.
Bà Ấm quay mặt vào trong vách:
- Thôi cháu ra ngoài cho bà nằm.
Đông Nghi rón rén đi ra khỏi phòng. Nàng khép cánh cửa lại rồi đi xuống bếp. Thằng Rọm đang ngồi sắc thuốc cho bà ngoại, mặt nó gục vào hai đầu gối, trông đằng sau y hệt một đứa con nít. Đông Nghi đi tới gần. Thằng Rọm ngẩng đầu lên hỏi:
- Bữa nay chủ nhật Nghi hí?
- Ừ.
- Bà ngoại dậy chưa?
- Chưa.
Thằng Rọm cười hích hích. Hắn đưa tay áo lên quẹt mũi:
- Con Cau nói rứa mà đúng rầm rầm.
Đông Nghi bước tới gần thằng Rọm:
- O Cau nói chi?
- Mạ mi với thằng Bồ Đào. Cái thằng có vợ con đùm đề mà mê gái.
Suýt nữa thì Đông Nghi đưa tay bịt miệng thằng Rọm lại. Tay chân nàng bỗng run lẩy bẩy:
- O Cau nói với Rọm rứa?
- Ừ.
- Răng O biết được?
- Biết chứ răng không biết. Biết mạnh a rồi. Con Cau hắn nói thấy thằng nớ ôm vai mạ mi nữa.
Đông Nghi ôm mặt, nàng không muốn nghe gì nữa hết. Đầu óc Đông Nghi như có lúc vừa lạnh đi, bất tỉnh trong một giây ngắn. Nàng lại ứa nước mắt:
- Thôi Rọm ơi.
- Nói cho mà nghe lại kêu thôi, hỏi tao, tao mới nói.
Đông Nghi thấy thằng Rọm lớn tiếng, nàng năn nỉ:
- Nói nhỏ thôi Rọm ơi, mạ nằm ngủ trên sập.
- Tao sợ chi, mạ mi nói, tao cũng nói cho mà nghe …
Nhưng thằng Rọm chưa nói dứt lời thì Đông Nghi đã nghe thấy tiếng mẹ gọi thằng Rọm ầm nhà. Rồi tiếng guốc mẹ bước xuống cửa bếp:
- Rọm ơi, Rọm, biểu. Mi đi mô rồi?
Đông Nghi kéo tay thằng Rọm:
- Lên đi.
- Không lên.
- Mạ xuống.
- Xuống thì xuống chớ, tao sợ chi.
Tiếng guốc của bà Phúc Lợi đã xuống tới nơi. Đông Nghi quay mặt lại. Mắt nàng vừa chạm đôi mắt mẹ đã vội cúi xuống. Đông Nghi rất bực mình vì sự nhút nhát, quá mặc ảm của mình, nhưng trong phút này, nàng vẫn không kìm hãm được sự run rẩy. Khi mô đứng trước mạ, tui vẫn như con thỏ con đứng trước con thú dữ.
Bà Phúc Lợi chống hai tay cạnh sườn:
- Rọm, sao tao kêu không ư hử chi hết rứa hỉ?
- Có ư hử không nghe thì thôi cha.
- Mi nói với tao rứa hả? Đồ mất dạy, tổ cha mi.
- Ê, đừng chưởi bới, bà con dòng họ hết. Có bà con tui mới làm mọi, nấu cơm, giặt giủ cho chớ. Chớ ai dám vô ở nhà mi, mà nhà mi dám thuê ai hỉ?
Bà Phúc Lợi giận đến tím mặt lại. Đông Nghi đứng cúi đầu xuống đất, không dám ngó mặt mẹ, cũng không dám ngó thằng Rọm. Nàng đứng chết cứng mà nghe hai bên đối đáp.
- Thằng ni giỏi hí, mi cải tay đôi với tao.
- Dữ như cọp, ai mà dám cải. Phải thì nói …
- Mi làm chi tao kêu hoài không lên?
Thằng Rọm nói cụt ngủn:
- Sắc thuốc.
Đông Nghi cảm thấy như đôi mắt mẹ chiếu thẳng vào mặt mình:
- Tụi bây nói chi tao mà cải vả om sòm?
Đông Nghi khổ sở ngó tằng Rọm. Thằng Rọm vẫn nhìn vào lò lửa, nói trống không:
- Tui với nó nói chuyện chơi, được không?
Đôi mắt mẹ quắc lên, liếc như chém từ mặt thằng Rọm sang bổ mạnh vào mặt nàng:
- Nghi, ngửng mặt tao ngó coi.
Đông Nghi đưa mắt sợ sệt, nàng vẫn chưa dám nhìn vào mặt mẹ:
- Dạ, thưa mạ ….
- Lên nhà tao biểu coi.
Bà Phúc Lợi bỏ đi lên nhà. Đông Nghi dợm bước theo. Thằng Rọm nói vọng lên:
- Đ ngủ lang về nhà ỏm làng, ỏm xóm.
Không biết bà Phúc Lợi có nghe không mà Đông Nghi không thấy bà quay lại. Đông Nghi thấy thằng Rọm đưa mắt nhìn nàng, rồi mỉm cười khuyến khích, hai tay nó đánh chéo vào nhau, Đông Nghi không hiểu nó muốn nói chi hết.
Lên tới nhà trên, Đông Nghi không còn can đảm đến trước mặt mẹ nữa. Nàng đẩy cửa buồng, chạy vào phòng ngoại, ôm lấy bà mà khóc nức nở:
- Ngoại ơi, ngoại ơi.
Cánh tay bà ngoại đưa lên vỗ về trên lưng Đông Nghi. Một lúc sau, Đông Nghi ngửng lên, nàng thấy đôi mắt hấp hem của bà cũng dầm dề nước mắt. Đông Nghi ôm chặt bà hơn. Cùng lúc đó, Đông Nghi nghe tiếng dép của bà Phúc Lợi đi vào. Đông Nghi vẫn úp mặt trên ngực bà. Một cánh tay của Đông Nghi được nhấc lên, rồi tiếng của mẹ:
- Nghi, ra đây nghe mạ nói chuyện.
Giọng nói của bà dịu dàng hẳn. Đông Nghi còn phân vân chưa biết tính sao thì bà ngoại đã giựt tay Nghi lại:
- Tui tưởng cô không còn quyền hạn chi để nói chuyện với nó.
Giọng bà Phúc Lợi sửng sốt:
- Mạ cũng rứa. Mạ bênh nó leo lên đầu, lên cổ. Con của con thì con dạy.
- Cô hết dạy được nó rồi.
- Tại răng như rứa được. Mạ nói khó nghe quá.
Giọng nói của bà Ấm như chìm trong tiếng nấc nghẹn ngào:
- Kể từ khi cô bỏ căn nhà ni đi ngủ lang …
Tiếng ngủ lang của bà bị chìm ngỉm trong tiếng nấc, nhưng mẹ đủ nghe rồi. Đông Nghi thấy mẹ ngồi bệt xuống giường, tay bà bám chặt vào mép chiếu:
- Trời phật ơi, mạ mà cũng nghĩ như rứa, trách chi con Nghi nó khinh con.
Bà Ấm vẫn một tay ôm cháu, day mặt vào tường:
- Nếu cô muốn bước đi bước nữa thì cô cứ việc lấy chồng. Con cô, tui sống thì tui nuôi, tui chết thì cho nó về làm đầy tớ bên nội.
- Mạ tưởng họ bằng lòng cho con Nghi vô nhà họ làm đầy tớ?
- Thì làm đầy tớ thiên hạ, có răng không?
- Mạ nói con đi ngủ lang? Ai nói với mạ?
Bà Ấm không dằn được cơn tức giận, bà day mặt lại, đưa tay đấm vào ngực:
- Cái ni nói, cái ni nói. Thôi đùng có nói nữa mà tui hộc máu, tui chết.
- Con nói con ngủ bên cửa hàng, răng bà không hỏi chị Nại?
- Tui què, tui đui, tui nằm một chỗ mà.
Bà Phúc Lợi đứng lên. Bà nhìn mặt bà Ấm, nhìn vào mặt Đông Nghi rồi đi thụt lùi ra cửa:
- Tui biết rồi. Tại răng mười mấy năm mạ cứ nghĩ một điều mãi. Chừ hiểu nữa. Nghi, con cũng khinh mạ luôn phải không?
Không mạ ơi, con không còn đủ sức để khinh ghét ai, để thương xót ai được nữa. Con thương xót con quá, con tội nghiệp con quá. Đông Nghi muốn nói với mạ một câu nào đó, nhưng nàng không nghĩ ra được một câu nào hết. mạ đã tới cửa, đã sắp khuất. Cánh tay của Đông Nghi muốn đưa lên, muốn kéo níu. Nhưng đâu rồi sức lực của ta? Đông Nghi vẫn bấu chặt một tay xuống chiếu, một tay vẫn nằm gọn trong tay bà. Nước mắt Đông Nghi trào ra như mưa:
- Mạ, mạ …
Nhưng cánh cửa đã khép lại. Tiếng guốc của mẹ giận hờn, cương quyết đi xa khỏi cửa buồng. Đông Nghi khóc vùi trên ngực bà. Bà ơi, cháu khổ vô vàn, chẳng thà cháu đừng sinh ra, hay cháu sinh ra mà cháu đừng sống. Không, cháu cũng ham sống lắm. Như lúc này, cháu đau khổ đến ngất lịm, cháu vẫn sung sướng được bàn tay bà thoa trên lưng, luồn trên tóc. Cháu được nước mắt bà nhỏ chung với lệ đau khổ của cháu. Nhưng sao cháu có bà, cháu vẫn thấy chưa đủ, bà ơi. Đông Nghi áp mặt mình lên ngực bà, dưới lớp vải mỏng này là đôi vú nhăn nhúm. Đôi vú này đã nuôi mẹ, đã xẹp lép vì mẹ, đã nhăn nhúm vì ta. Bà ơi, bà nói ra cho cháu biết điều chi mà ghê gớm đến như rứa?
Có tiếng mở tủ rồi đóng cửa tủ. Tiếng guốc của mẹ kéo lê từ nhà xuống bếp, rồi tiếng mẹ quát tháo thằng Rọm, rồi mẹ bỏ đi. Thằng Rọm dưới bếp hát một bài hát bội. Bà ngoại vẫn nằm im, tay bà vẫn đặt trên lưng Đông Nghi, mặt bà nhìn lên mái nhà, những rui, kèo đã cũ, những mảnh ngói đã có kẽ hở. Đông Nghi không biết bà đang nghĩ gì. Đông Nghi cũng không muốn đụng mạnh để vỡ tan cảm giác buồn khổ đến lịm người lúc đó.
Nhưng Ngoại đã đẩy Đông Nghi ngồi dậy:
- Thôi nín đi, đừng khóc nữa, hổ ngươi lắm.
Đông Nghi ngồi dậy theo đà tay đẩy của bà ngoại. Khuôn mặt của bà ngoại chỉ trong giây lát mà như già hơn mấy tuổi. Đông Nghi nhìn thấy những giọt lệ còn ngập trong tròng mắt bà. Tội nghiệp ngoại quá, ngoại đã già, những năm cuối đời không được thảnh thơi. Thấy Đông Nghi còn nhìn mình, bà Ấm đưa tay vuốt ve vai cháu:
- Thôi cháu đi học bài đi, lát trưa nấu cho ngoại bát cháo.
Đông Nghi nghe lời bà, nàng vào phòng học. Nhưng Đông Nghi không tài nào học vào nổi một chữ. Hình như đã lâu, mấy tuần rồi, Đông Nghi không nhìn rõ khuôn mặt ông Bồ Đào. Ở hắn có cái gì khác lạ, có cái gì ghê gớm thế? Mạ mà mê được thằng cha trời đánh, thánh vật đó?
Đông Nghi cố tìm mọi lý lẽ để bào chữa cho mẹ, nhưng cuối cùng nàng vẫn không chấp nhận mối tình vô luân đó. Ông Bồ Đào đã có vợ con. Ông mê mẹ vì lẽ gì? Mẹ giàu có? Không, gia đình ông còn giàu có hơn. Vì lẽ gì nữa, trời ơi, sao tôi ngu muội, tôi tối thui như đêm mịt mù, đầu óc tôi đã bị mục rã, mối đã gặm, dán đã ăn hết rồi hay sao? Tui mà đi ngủ lang? Trời ơi, mạ mà cũng tin thế? Bà ngoại đã tin thế đó. Cả Đông Nghi nữa, Nghi cần chi phải hỏi chị Nại. Hỏi làm chi một sự đã rồi. Tang chứng còn đó, cái mặt ông Bồ Đào đó. Làm sao gặp hắn, làm sao nói với hắn? Tui lạy ông, ông buông tha mạ tui ra, danh giá nhà tui đổ cái rập với cái bộ mặt màu mỡ của ông rồi. Làm sao để có can đảm nói như rứa nữa ….
Đông Nghi muốn sang cửa hàng gặp chị Nại, dù sao được hỏi, được giải thích, dù chị Nại nói dối, sự giải thích dối trá ấy cũng có còn hơn không. Đông Nghi sẽ bớt dằn vặt, bớt khổ sở. Có lý do mà tựa, bám riết vào. Cứ giả đò như lời chị Nại nói đúng đi cũng chẳng làm răng hết.
Nghĩ thế nhưng Đông Nghi không rời khỏi nhà. Buổi xế trưa, nàng vội nấu cháo cho bà ngoại. Một lát sau, chị Nại đi xích lô về, mang theo miếng thịt bò và mấy cái cật heo nói của mạ mua gửi về đó để nấu cháo cho bà ngoại ăn. Đông Nghi phải nấu nồi cháo khác. Đông Nghi hỏi chị về đêm hôm mẹ không ngủ nhà, chị Nại nói:
- Bà ngủ bên cửa hàng mà.
- Răng chị biết? Túi chị có ngủ lại mô mà rành đã chớ?
- Thì bà nói rứa.
- Chị thấy mạ ngủ thiệt ở cửa hàng?
- Tui về, sáng tui vô, thấy mạ có đó rồi.
- Chị tới lúc mấy giờ?
- Tám giờ.
Đông Nghi thở dài thất vọng. Tám giờ, giờ mà mọi người đủ sức sửa soạn lại khuôn mặt, mọi nhà đã mở toang, hột bụi trên đường cũng bị quét đi hết. Đông Nghi lại hối hận vì đã lỡ hỏi chị Nại cho sự nghi ngờ không lối thoát. Chả thà đừng biết thêm để còn có thể nghĩ khác đi, tin khác đi. Chị Nại ăn cơm trưa xong nói với Đông Nghi:
- Chiều ni em sang trông cửa hàng, tui xin bà nghỉ, cháu nhỏ ở nhà nóng đầu.
- Có mạ bên mần chi?
- Mạ biểu em sang cửa hàng, chắc mạ đi mô đó.
- Mạ đi mô mới được chớ?
- Không chắc, sợ mạ đi đó. Em cứ qua,  chủ nhật mà.
Đông Nghi làm thinh, nàng bưng cháo vào cho bà ngoại. Bà Ấm đã gặp chị Nại, đã hiểu thịt ở đâu đem về. Nhưng bà sợ Đông Nghi buồn nên cố ăn cho hết bát cháo. Đông Nghi ngồi quạt cho bà, pha nước cho bà uống. Bà Ấm uống xong bát nước, vả mồ hôi ra như tắm. Thấy cháu ngồi quạt, bà không đành:
- Thôi cháu đi ngủ trưa đi.
- Cháu ngồi quạt cho bà một lát rồi cháu sang cửa hàng.
- Sang mần chi?
- Mạ nhắn chị Nại về biểu cháu rứa.
Bà Ấm làm thinh không nói gì thêm nữa. Đông Nghi hỏi:
- Cháu có đi không?
- Qua hay không, tùy cháu.
Bữa trưa hôm đó, đợi cho bà ngủ, Đông Nghi mới rón rén ra khỏi phòng. Nàng nghe tiếng chị Nại cải nhau với thằng Nại ở góc vườn, cạnh lu nước mưa. Rồi chị Nại te tái xách nón đi ra cửa. Đông Nghi nằm nghỉ được mười mấy phút, nhìn đồng hồ đã gần hai giờ. Đông Nghi thay áo quần, sang Tỷ Muội mượn xe đạp sang cửa hàng. Tỷ Muội rủ buổi chiều nhớ về sớm đi tắm rồi lội lên Đò Cồn, bẻ bắp về nướng ăn, Đông Nghi nói không chắc. Đông Nghi đạp xe một mình sang phố. Đường vắng ngắt, Đông Nghi đạp xe đạp được tự nhiên hơn. Nàng nghĩ sang tới cửa hàng, thế nào mẹ cũng la sao dám đi xe dằn. Mẹ thường biểu không mua xe đạp cho Nghi không phải vì không có tiền mà sợ đi xe đạp đen người, sợ xe dằn, sợ có xe như ráp thêm cho Nghi hai cái chân nữa, Đông Nghi đi chơi nhiều hơn. Nhiều lý do để Đông Nghi đi mô cũng phải leo lên cái xích lô. Đi xe ngoài hoặc gọi bác Đậu rồi tới tháng mạ trả tiền. Cả đi học muốn đi xích lô, mạ cũng không cấm. Đông Nghi thèm đi xe đạp lắm, tự do đạp bằng chân, tự do suy nghĩ, nhìn ngắm. Buổi trưa trời nắng nhưng gió sông thổi lên làm nón nàng mấy lần muốn bay, Đông Nghi tưởng tượng ra lúc này mẹ đang nằm nơi cái sập nhỏ bên trong cửa hàng. Bà sẽ búi tóc khi thấy nàng đi vào và bà sẽ hỏi chi nữa hỉ? Chắc bà hối hận vì cử chỉ ban sáng, và thấy có mặt bà ngoại nên mạ càng giận, càng làm nư thêm. Giờ mạ nghĩ lại, mạ muốn tâm sự với mình rồi. Đông Nghi tưởng tượng ra cảnh khi nàng bước vào cửa hàng: Con qua đó à? Mạ muốn giữ bộ mặt lạnh lùng, nhưng không được lâu nữa. Mạ bước tới, mạ kéo cả Đông Nghi ngồi xuống sập. Mạ ôm Đông Nghi và dụi mặt vào tóc, vào vai nàng: Con ơi, con không biết, con không thể nào biết được mạ thương con như thế nào. Nhưng còn ông Bồ Đào đó. Lỡ trưa này nàng sang và gặp ông ta? Chắc ghê gớm lắm. Không, không được đâu. Mạ cũng chả bao giờ ôm Nghi vào lòng, mạ chả bao giờ khóc với Đông Nghi. Mạ lạnh lùng, mạ có thừa can đảm để làm mặt lạ.
Để mẹ sống cho mẹ. Tôi lãng mạn quá, mơ mộng quá. Tôi chỉ nhìn trên mây mà không nhìn vào thực tế bao giờ. Giả dụ mình sang rồi mẹ sẽ bảo: Mi trông cửa hàng để mẹ đi đây một chút. Một chút thôi rồi cả buổi chiều đi ra, đi vô lóng ngóng. Đi ra, đi vô mà tức tối khi nghĩ ra mẹ đã đi với ông Bồ Đào. Không, mình nối giáo cho giặc. Không sang cửa hàng nữa, cho cuộc hẹn hò trật lất chơi, cho mạ biết là mình đã lớn, đã can dự được vào đời sống mẹ.
Nghĩ thế Đông Nghi hăm hở đạp xe qua cầu rồi nàng đạp vòng lên ngã cửa Thượng Tứ. Lúc này đến nhà một con bạn nào cũng được hết, một con bạn nào đó và cho nó cả buổi chiều. Đi cho thật tối để mạ về trước, mạ sẽ hoảng hốt. Để coi mạ còn hoảng hốt như ngày xưa còn bé, mỗi lần Đông Nghi đi chơi, mạ về không thấy là đôn đáo đi tìm không. Chắc chi bà còn thương như ngày trước nữa. Nhưng bà ngoại sẽ hoảng. Kệ, mình sẽ xin lỗi bà ngoại sau. Đông Nghi bẻ xe theo hướng đến nhà Trà. Tới trước cổng nhà Trà, Đông Nghi đẩy cổng, thấy bên trong cổng, giữa sân có chiếc xe đạp của ai dựng ở gốc cây trứng cá, Đông Nghi dựng đại xe vào đó luôn.
- A, cùng thanh tương ứng, cùng khí tương cầu, anh chị không hẹn mà tới cùng lúc. Coi chừng hai xe cùng rớt cái bịch xuống đất cùng lúc chừ nghe.
Đông Nghi ngửng đầu lên thấy Trà đứng trên thềm cười cười, nói nói. Đông nghi hiểu chiếc xe đạp này của ai rồi, nàng luýnh quýnh làm sao mà cả hai chiếc xe cùng ngã rạp xuống đất thật. Đông Nghi cố loay hoay dựng, nhưng càng luýnh quýnh thêm. Vinh đã đi ra tới, giọng Vinh nhẹ nhàng:
- Thôi Nghi vô đi, để tui dựng cho.
Đông Nghi thả tay ra, chạy vào với Trà. Trà lôi tuốt Nghi vào nhà:
- Vô đây, kệ anh nớ, tập hầu hạ cho quen.
Nghi bấu vào vai bạn:
- Khỉ, nói chi lạ rứa.
Trà cười khúc khích nói lớn:
- Rứa không phải hai người hẹn chiều ni đến đây à?
- Nói tầm bậy, mình đi có việc, tiện đường ghé vô Trà chơi đó chừ.
Trà cười nghi ngờ rồi nó làm bộ liếng thoắng:
- Rứa há. Mình xin lỗi ấy nghe. Thôi ngồi chơi.
Đông Nghi ngồi xuống ghế. Cái bàn vuông và bốn cái ghế gỗ là kiểu thông thường nhất ở mọi nhà. Đông Nghi cúi nhìn mấy tấm ảnh lót dưới kiếng có trải tấm nỉ màu xanh. Trà đùa:
- Ngoài nớ, chớ chỗ đó có chi đâu mà nhìn.
Đông Nghi chưa kịp trách bạn thì Vinh đã vào tới:
- Trà đang nói xấu chi anh đó?
- Dạ mô có. Em nói Đông Nghi có duyên ghê, tới lúc mô cũng có anh Vinh chực sẵn.
Vinh kéo ghế ngồi đối diện với Nghi:
- Cô Trà lớn rồi mà như con nít phải không, Đông Nghi?
- Dạ.
- A, mi vô phe với anh Vinh. Mi người lớn rồi hí.
Đông Nghi nhìn Trà van nài:
- Thôi chớ Trà, thôi mình về nghe.
Đông Nghi dợm đứng dậy, nhưng Trà đã đứng dậy trước Nghi, dúi bạn ngồi xuống:
- Thôi, mới đùa có chút mà đã giận. Xin lỗi nghe. Ngồi chơi nói chuyện với anh Vinh chút. Anh mới nhắc đó.
Cực chẳng đã, Đông Nghi phải ngồi xuống. Nàng không dám nhìn thẳng vào mặt Vinh.
- Nghe nói đông Nghi học giỏi lắm há?
- Nghe ai, nghe Trà phải không?
Trà chen vào, giọng lau chau. Vinh vũng đâm ra lúng túng. Đông Nghi dạ nhỏ rồi nàng chợt giật mình, dạ như rứa rồi Vinh tưởng rằng mình kiêu, cho mình học giỏi làm sao. Nàng bào chữa:
- Dạ, tụi này học ngang sức nhau.
- Trà phải nhờ anh Vinh kèm thêm về toán lý hóa đó. Trà ghét môn vật lý dễ sợ.
- Nghi cũng rứa.
- Mà Trà cũng không ưa giờ anh văn của thầy bờ ri đăng tin. Nhai hoài không nhỏ, nuốt vô mắc cổ.
- Thấy ni tốt đó chớ.
Vinh lừa mãi mới có dịp được xen vào:
- Đông Nghi có tánh thương người hỉ?
- Dạ mô có.
Đông Nghi cúi mặt nhìn xuống tấm kiếng, cười một mình. Vinh nhìn trộm mặt Đông Nghi một cái rồi nhìn lơ ra sân:
- Hôm ni trời đẹp ghê.
- Ê, anh Vinh mớ ngủ, nắng chảy mỡ mà bảo trời đẹp.
Trà nhìn Vinh cười tinh ranh. Thừa dịp Đông Nghi nhìn xuống mặt bàn, Vinh trợn cô em họ một cái ra điều đe dọa. Trà che miệng cười khúc khích. Vinh cố vớt vát:
- Trời mùa thu mà không đẹp à?
- Mùa thu mà buổi sáng mai hay buổi chiều im mới đẹp, buổi trưa nắng chết cha mà ngồi tả cảnh, tả tình …
Đông Nghi thấy Trà bắt bí Vinh quá, đâm thương hại. Nàng ngẩng đầu hỏi Trà:
- Trà làm mấy bài toán chưa?
- Rồi.
Đông Nghi giả vờ thở ra, tiếc hụt:
- Rứa mà mình nói sang ghé vô Trà làm chung, mình giải không ra.
Trà vẫn nghịch ngợm:
- Thôi bạn ơi, toán với tung chi nữa, số bay mù hết rồi. Thôi ở đây chơi rồi ta cho mượn vở nháp về chép. Hay nhờ anh Vinh giảng hộ, toán một cây đó nghe.
- Nghi thích môn toán không?
- Dạ không thích mà cũng không ghét.
- Con gái mà giỏi toán khô khan lắm. Nghi là người trung bình.
- Dạ.
- Mấy tuần ni không thấy Nghi sang Trà chơi.
- Dạ tại bà ngoại bị đau …
- Rứa há?
- Dạ.
Trà chen vào:
- Còn chuyện chi nữa không? Đố ngày mai trời mưa hay nắng, trên cây có mấy con kiến, dưới đất có mấy con trùn …. Hết chuyện hỏi thăm nhau rồi há?
Trà cười lớn. Đông Nghi cũng thấy tức cười nhưng nàng cố nhịn mãi đến đau bụng. Tuấn của ta chắc không nhà quê như rứa, quả thiệt Vinh quá lù đù. Đông Nghi thấy ngồi mãi cũng không có chuyện chi hơn. Nàng định về rủ Tỷ Muội đi tắm, Đông Nghi nói:
- Thôi để Đông Nghi về, bài chưa làm chưa học chi hết.
- Mai mô có bài chi. Chỉ có hai giờ đầu là giờ toán. Toán tao cho chép, ngồi chơi đã.
Rồi Trà đứng lên:
- Anh Vinh tiếp dùm em, em đi rót nước cho mà uống. Đừng có chọc Nghi giận bỏ về, em bắt đền đó nghe.
Trà nói xong bỏ chạy vào phòng trong, che khuất bởi tấm màn. Đông Nghi không kịp nói một lời nào. Bây giờ, chỉ còn nàng với Vinh ngồi cách nhau một mặt bàn hẹp. Tay chân Đông Nghi thấy quá thừa thải, nàng dấu hai bàn tay vào trong vạt áo dài. Im lặng một chút, Vinh mở lời:
- Hình như hôm ni Đông Nghi không được vui?
- Dạ có chi mô.
- Anh thấy lâu ni Đông Nghi có vẻ muốn tránh anh, phải không?
Vinh đã đổi cách xưng hô khi vắng mặt Trà. Đông Nghi công nhận là nàng có lẩn trốn Vinh thiệt. Nghi tránh ra đóng cổng, tránh đi học về một mình và ít qua nhà Trà nữa, mặc dù nàng biết Vinh luôn chờ nàng ở nhà Trà. Đông Nghi tìm câu trả lời:
- Dạ mô có.
- Đông Nghi nghĩ răng về chuyện đó?
- Dạ Nghi có nghĩ chi mô. Nghi không biết nữa.
- Nghi làm anh không yên tâm. Hay Nghi có yêu ai rồi không yêu anh?
Đông Nghi chối biến:
- Dạ không có mô, chưa có mô.
Tuấn ơi, chắc anh giận em lắm. Em xin lỗi Tuấn nghe. Lòng người ta phức tạp nữa đó. Nhưng anh hiểu em hơn ai hết phải không? Đông Nghi thầm nhủ những lời che đậy cho lời nói không phải vừa rồi. Vinh đặt cả hai tay lên bàn nhìn chăm chăm vào mặt Nghi:
- Nghi.
- Dạ.
Nghi vừa bỏ một tay ra khỏi vạt áo đặt trên mặt bàn đã vội rút tay dấu dươi bàn. Bàn tay Vinh như đang muốn vươn tới. Đông Nghi ngồi thẳng lưng lại, liếc nhìn vào trong. Sao Trà đi rót nước lâu thế? Chắc con nhỏ muốn phá Đông Nghi đây. Được rồi, cho con nhỏ biết tay. Đông Nghi cố lấy dáng điệu tự nhiên trước:
- Mấy bài toán Trà nhờ chắc anh đã giải xong, nếu chưa, anh giảng cho Nghi nghe với.
Hình như đề nghị của Nghi không phải lúc làm Vinh nhăn mặt. Vừa lúc đó, Trà lò đầu ra:
- Đợi nước sôi đã nghe, đang nấu.
Đông Nghi giận Trà mà cũng phải phì cười. Vinh lắc đầu:
- Chắc trong lớp nó nghịch lắm.
Trà hình như chưa đi xuống bếp, nó nghe được câu hỏi của Vinh lại ló đầu ra:
- Không nghịch lắm, chỉ vừa đủ dành tặng anh Vinh thân mến thôi.
Biết Trà lại sắp giở trò gì để mua vui, Đông Nghi chặn trước:
- Không có nước uống là Nghi về đó nghe.
- A, anh chị ngồi tâm tình bắt tui hầu trà, cũng được, làm bà mối mệt rứa đó.
Vinh nhìn Đông Nghi mỉm cười, không dấu mắt được vào đâu, Đông Nghi cười lại như một thỏa thuận. Thôi chết rồi, Đông Nghi tái mặt. Thái độ của ta có thể làm Vinh hiểu lầm lắm. Đông Nghi không biết Trà có nhìn thấy nụ cười đồng lõa của nàng và Vinh không, Đông Nghi nói lớn để lấp liếm sự ngượng ngùng:
- Thôi, Trà không ra ngồi nói chuyện là Đông Nghi về a nghe.
Nhưng Đông Nghi không nghe tiếng Trà trả lời nữa. Đông Nghi nhìn ra sân, chiếc xe đạp của Nghi dựng bên trong chiếc xe của Vinh, không hiểu sao Đông Nghi thấy hai chiếc xe dễ thương lạ. Hai chiếc xe dễ thương, nhưng hai người ngồi ở đây thì ít dễ thương quá.
- Hình như bên vườn của Nghi có nhiều hoa lắm hỉ?
- Dạ mệ ngoại trồng đủ thứ.
- Anh thấy có cây ngọc lan.
Đông Nghi nói:
- Không hiểu răng bà ngoại ưa trồng nhiều cây ngọc lan trong nhà, em thấy hoa ngọc lan thường trồng ở chùa hơn. Hoa ngọc lan tinh khiết, ở cảnh chùa thích hợp …
Nghi bỗng giật mình và rủa thầm: Hố mất rồi, tự dưng đi xưng em. Đông Nghi sửa lại:
- Vườn Nghi có cây bại hoại, vì rứa chuối nhà hay chín trước ngày lắm.
- Ừ, ngày còn nhỏ anh vẫn nhìn thấy bà ngoại anh hái hoa bại hoại bỏ trên chuối xanh mà cúng, sáng ngày, chuối chín đều, thơm phức, ngon lắm.
- Dạ.
- Ngày còn nhỏ, anh thích nhìn tụi con gái chơi buôn bán, cứ lấy vỏ bưởi cắt nhỏ, hái bông ngũ sắc bỏ vào mấy cái vỏ nghêu, con gái chơi tức cười rứa đó.
- Hồi nhỏ Nghi cũng thích chơi rứa.
- Có đánh thẻ không?
- Có.
- Có đánh bi không?
- Đánh bi thì mấy đứa con trai hắn phá. Tụi con trai ưa phá lắm. Chơi cò cò, tụi nó lấy chân chà đường chỉ, lượm mạng đem đôi vô bụi. Con trai ác dễ sợ.
- Con trai chỉ được ác hồi nhỏ, lớn lên thấy con gái sợ hết hồn. Như anh chừ ngồi trước mặt Nghi cho ăn bánh anh cũng không dám.
Anh chàng hôm nay tiến bộ quá rồi. Ai nói con trai Huế lù đù? Đông Nghi thấy bối rối, nàng cứ đưa tay vén tóc cho ra đằng sau lưng, rồi lại lôi mớ tóc thả đằng trước vai. Vinh ngồi nhìn dáng điệu lúng túng của Đông Nghi với vẻ vui thích, khám phá.
- Anh không có em gái cũng thiệt, có một cô em gái chắc vui lắm.
- Trà đó chi anh.
- Trà mô phải em ruột. Mà nó nghịch như con trai, dạo trước trong nhà nói bà mụ bắt lộn nó thành con gái, cho nó con trai mới đúng.
- Thôi cho Nghi làm em gái anh hỉ?
Vinh cười hiền lành:
- Không được mô …
- Tại răng rứa?
- Tại ….
Vinh đỏ mặt. Đông Nghi hỏi xong câu đó cũng cảm thấy mình táo bạo quá. Nàng nghĩ tới Tuấn sau câu nói với Vinh và thấy hối hận. Nhưng tại em ở đây buồn quá, cô đơn quá. Trưa nay em đi tìm mẹ, tìm mẹ để mong được mẹ thương, như anh nói tìm mẹ để khóc với mẹ, để được mẹ ôm, mẹ hun. Rứa mà em không có can đảm tìm mẹ đó. Đông Nghi tự nói thầm như để phân trần sự có mặt hôm nay của mình ở nhà Trà. Vinh hình như cũng sốt ruột, chàng gọi lớn:
- Trà ơi, Trà.
Trà vén bức màn, bưng khay nước đi ra, cười lỏn lẻn:
- Kêu chi rứa?
- Để người ta ngồi một mình hoài.
- Hai mình đó chớ.
Trà đặt khay nước xuống bàn, vỗ vai Đông Nghi:
- Nói chuyện nhiều chưa?
- Người ta muốn về bắt chết đây nì. Nghi phải ra cửa hàng với mạ.
- Uống nước đi đã rồi về. Anh Vinh đưa về hỉ?
Đông Nghi dẩy nẩy:
- Thôi, không được mô, dị lắm.
Vinh đề nghị:
- Tui đưa về, nhưng đi xa thôi.
- Tùy anh, tui không biết.
Trà bưng ly nước đưa tận tay Nghi:
- Thì uống đi đã rồi về. Còn nắng chang chang mà đòi về, dị thiệt. Mấy giờ rồi anh Vinh?
- Hơn ba giờ rồi, ba giờ hai mươi lăm.
Trà nhìn đồng hồ treo tường:
- Đồng hồ bốn giờ kém mười rồi. Đồng hồ anh Vinh giữ khách đó.
Vinh hỏi:
- Nghi ra cửa hàng hya về nhà?
Nghĩ tới mẹ, Nghi buồn bả hẳn. Nhưng nàng không muốn làm phiền Vinh.
- Chắc Nghi ra cửa hàng. Đây ra đó có chút, anh đừng đưa Nghi làm chi cho mệt.
- Thôi được, tui cũng đi ra phố mua mấy cuốn sách.
Đông Nghi uống xong chiếc nước, đứng dậy:
- Trà ơi, mình về nghe. Mai đi học hỉ?
Trà cầm tập vở đưa cho Nghi:
- Mấy bài toán giải rồi, về coi lại không mai đi học, bà thầy truy dữ lắm đó.
Nghi cầm tập sách đi ra sân. Vinh đã nhanh nhẹn dắt lấy xe chàng dựng vào hàng hiên và dẫn xe ra cho Đông Nghi. Đông Nghi chào Trà lần nữa rồi đạp xe ra đường trước. Vinh lẽo đẽo đi sau. Tới cửa Thượng Tứ, thấy vắng, Vinh đạp xe gần lại:
- Nghi đi xe còn dở lắm nghe.
- Nghi ít đi xe lắm. Mạ không cho, xe ni của Tỷ Muội.
- Em có cô bạn tên Cam Đường?
- dạ, có răng không anh?
- Không, anh hỏi rứa thôi.
Đông Nghi buông một tay giữ lấy quai nón, một ngọn gió vừa thổi tới chiếc nón của Nghi suýt lật đằng sau. Đông Nghi đạp xe nhanh hơn và Vinh lại thụt lùi phía sau. Qua tới cửa hàng, Đông Nghi thấy cửa hàng đóng cửa. Nàng nhảy xuống dựng xe, đập tay gọi cửa, con Tý ghé mắt qua cửa sắt ra dấu không có bà. Đông Nghi hỏi:
- Biết mạ đi mô không?
- Đi với ông Bồ Đào khi trưa lận.
- Khi mấy giờ?
- Khi hai giờ.
- Có nói khi mô về không?
- Bà nói đóng cửa nghỉ luôn, chiều ni nghỉ cả chiều. Bà nói tối đóng cửa cẩn thận mà ngủ.
- Bữa trước bà có ở lại?
- Dạ?
- Bữa trước bà ngủ lại bên ni có biết không?
- Khi mô?
- Bữa trước đó.
Tý ngẩn ngơ một lúc rồi gật đầu. Có thì phải, có mấy đêm tui xin bà về mà.
Đông Nghi thất vọng, nàng biểu Tý đóng cửa lại rồi ra lấy xe đạp đi. Đông Nghi định trở về nhà, nhưng xe Vinh đã tiến đến bên cạnh:
- Mạ đi vắng rồi hỉ?
- Dạ.
- Ừ, chiều chủ nhật phải nghỉ chớ, bán cả tuần cũng mệt rồi.
Đâu có phải vì lý do đó. Mạ đi với ông Bồ Đào kia mà. Đông Nghi mím môi lại, gió hất ngược tạt vào khuôn mặt nàng càng làm cho sự nóng nực hừng hực lên sau đó.
Mạ đi mô? Tìm một căn nhà nào vắng vẻ hay lên núi Ngự để già nhân ngải, non vợ chồng. Dám lắm, đã một lần như thế rồi. Hèn chi mạ chả bảo mình sang. Mình sang để ngồi trông cửa hàng cho mạ đi với trai? Ông Bồ Đào mà là trai? Không, hắn là con quỷ sứ quyến rũ đàn bà tiết hạnh. Nhưng mạ tiết hạnh thì làm gì hắn quyến rũ được? Trời ơi, Huế bằng cái lỗ mũi, chưa chi mạ nó đã làm nó tan hoang hết rồi. Chuyện sẽ đổ bể tùm lum, rồi ai cũng biết. Bọn con trai sẽ nhìn nàng mà thì thầm: Con nớ có bà mẹ ác liệt lắm.
Đông Nghi nhớ lại câu chuyện của một cô bạn học cùng lớp. Cô bạn mồ côi cha, ở với mẹ, rồi tự nhiên mẹ nó có bầu. Cả lớp không ai làm thân với nó. Nó đi học không dám cất mặt nhìn ai, rồi vì xấu hổ quá, con nhỏ bỏ nhà đi mất. Bà mẹ nó ở lại một thời gian, không chịu nổi miệng tiếng và sự hất hủi của bà con, cũng phải bỏ xứ mà đi. Bỏ xứ mà đi cũng không yên nữa. Lâu lâu Nghi nghe tụi bạn nói: Mi biết má con Thuận chừ làm chi không? Nghi chưa kịp hỏi, chúng đã nói: Làm gái giang hồ. Nhiều khi Đông Nghi thấy chuyện vô lý, hỏi tụi bạn làm sao biết được tin đó, chúng nó cũng bảo nghe người ta nói lại. Đó, cái miệng người ta sắc bén như rứa đó. Lời nói giết người không cần gươm dao mà. Rồi đây mạ cũng rứa, đố chạy đi mô cho khỏi.
- Đông Nghi nghĩ chi mà buồn rứa?
Mắt Đông Nghi đã mọng lệ:
- Không, Nghi bị bụi vô mắt.
- Chừ Nghi đi mô?
- Dạ đi về.
- Còn sớm mà, tụi mình lên Trà Am chơi đi.
- Xa quá.
- Lên núi Ngự ăn bánh bèo. Mình đi ngã An Cựu, gần lắm. Nghi đi hí?
Lên núi Ngự. Mắt Nghi sáng lên. Phải, lên núi Ngự, biết đâu mẹ và ông Bồ Đào đang ngồi đó. Mẹ đã từng ngồi, đã từng có người nhìn thấy. Tỷ Muội ơi, rứa mà tao giận mi, tao chưởi mi. Mi đừng giận tao tội nghiệp. Tao chừ như con điên rồi. Rồi mi cũng khinh tao, không ai còn chịu tao được nữa. Tao làm nổ thành phố cho mà coi. Phải có một tiếng nổ, dù tiếng nổ của một cây pháo, Đông Nghi cúi đầu:
- Nghi sợ lắm, tụi bạn biết nó cười.
- Cười chi mà cười. Bộ Nghi tưởng chuyện đề nghị của anh không đứng đắn hay răng?
Đứng đắn hay răng tôi cần gì phải không anh Tuấn? Em phải sống mạnh bạo, phải gạt bỏ mọi mặc cảm. Mình sống cho mình nhiều nhất, có sống cho mình mới cho mọi người. Trong một lá thư nào, Tuấn viết thế. Tôi cũng cần sống mạnh bạo. Xấp vải ông Bồ Đào cho ta còn để trong rương, sẽ lấy ra đi may chiếc áo dài, eo sát hơn chút nữa. Đông Nghi đạp xe chậm lại:
- Đi cũng được, nhưng anh đừng đi gần Nghi quá, Nghi sợ người ta mét mạ lắm.
Vinh cười, lần này chàng đạp xe lên trước:
- Được rồi, ráng mà đạp theo anh nghe.
Nghi vừa đạp xe theo Vinh, vừa có ý nghĩ ngộ nghĩnh như mình đang dự một cuộc đua xe đạp. Nhưng tại sao ta lại cứ lẻo đẻo đi theo xe một thằng con trai. Đông Nghi muốn bật cười thành tiếng.
Chỉ một lát sau, Vinh đạp xe chậm lại rồi Đông Nghi qua mặt. Xe lên khỏi đường rầy, sắp tới núi Tam Thái, Vinh đi chậm lại chờ. Con đường này hoàn toàn vắng vẻ rồi. Nơi đây, Đông Nghi đã có lần mơ được cùng người yêu ngồi dưới chân núi, bứt những cọng bông trang hay cây tràm, cây chổi mà nói chuyện tâm tình. Dạo nghĩ như thế, Đông Nghi vẫn chưa chọn được ai là người yêu mình hết.
Bây giờ nàng đang đạp xe đạp đi song song với Vinh trên con đường vòng quanh chân núi này. Cây tràm, cây chổi và bụi cây vẫn xanh um trên sườn núi. Những bông trang đỏ mọc rải rác, loại cây này nở hoa quanh năm.
Đông Nghi nhớ lại những lần đi chơi núi với bạn, cả bọn leo lên tận đỉnh núi Ngự Bình, nhìn xuống thành phố như trong bản đồ và con sông Hương như cái lạch nhỏ chảy vòng vo, xanh mướt. Lát nữa mình cũng sẽ rủ Vinh leo lên đỉnh núi, nhìn xuống thành phố và một nơi nào đó, khuất giữa những chòm cây xanh um là ngôi nhà của nàng. Nàng sẽ đứng nhìn lại nơi mình vừa ra khỏi đó và chắc sẽ bồi hồi, sẽ ngẩn ngơ không hiểu tại sao nơi chút đất đai nhỏ bé đó lại là nơi xảy ra bao nhiêu thảm kịch.
- Nghi đã đi đường ni lần nào chưa?
- Đi rồi. Mùa hè Nghi đi núi với tụi bạn. Đôi khi lên tới dòng Thiên An lận.
- Có đi Lăng không?
- Có, đi gần hết các Lăng rồi.
- Đố Nghi Lăng Tự Đức có chi?
- Có cây sâu, có xoài. Đặc biệt nhứt hạng là cái mạch nước trong đá, tụi Nghi cứ lấy lá bẻ lại như cái loa rồi hứng nước uống.
- Như cái loa ba nước chảy hết.
- Ừ hí.
Đông Nghi phì cười. Nàng nói lại:
- Hứng nước trong lá chuối hay lá xoài non, uống mát mà ngọt lắm.
- Đố Nghi Lăng Minh Mạng có chi?
- Lăng Minh Mạng có hồ sen, có nhiều xoài và nhãn.
Rồi Đông Nghi liếng thoắng:
- Nghi thích đi Lăng Khải Định, Lăng không đẹp nhưng mấy ngọn đồi thì chui ôi là sim với móc. Anh Vinh ưa ăn móc không?
- Anh đâu phải con gái.
Nghi cười kiêu ngạo:
- Con trai thì hơn chi con gái? Nghi ghét ai làm dốc lắm.
Vinh làm hòa:
- Hôm ni mới nói được nhiều chuyện với Nghi.
Nghi quay mặt nhìn vào sườn núi. Một vài tà áo dài phất phơ trên sườn núi chi chít những ngôi mộ cũ. Đi được một đoạn, Vinh chỉ vào ngôi nhà nằm bên đường, có giàn su trước sân:
- Nghi có thích ở vắng vẻ như ri không?
- Nghi sợ ma lắm.
- Con gái cô mô cũng sợ ma hết.
Mấy cái quán bánh bèo đã hiện ra, nhưng quán nào cũng đông hết. Đông Nghi tìm kiếm mấy chiếc xe hơi đang đậu trước quán, có cái nào của ông Bồ Đào không, nhưng nàng không trông thấy. Vinh đề nghị:
- Mình lên chút nữa tìm quán mô vắng vẻ chút.
Đông Nghi che thấp vành nón xuống và đạp xe nhanh hơn, nàng sợ người quen trông thấy. Khi vào quán ngồi rồi, Đông Nghi mới thấy mình đã làm một việc hết sức rồ dại. Lỡ có đứa bạn nào trông thấy, ngày mai đồn, rồi cả trường sẽ biết, mạ sẽ biết. Còn cây roi của mạ nữa, mỗi lần quất vào da như đau thấu thịt xương, đứt dây thần kinh, văng tràn nước mắt. Thấy Đông Nghi thay đổi nét mặt, Vinh hiểu ra, an ủi bạn:
- Nghi đừng có sợ, quán ni vắng mà.
- Giờ ni còn sớm, lát nữa đông lắm.
- Ăn bánh bèo xong mình leo núi chơi.
Đông nghi liếc nhìn quanh, quán không đông mấy. Vinh và Đông Nghi ngồi tuốt bên trong, được treo bớt nhờ một cái màn đã cũ treo ngăn đôi gian nhà trên, màu đã ngả vàng, dính đầy bụi và bồ hóng. Phía ngoài là cái bàn dài. Vinh gọi bánh bèo rồi hỏi Đông Nghi uống gì. Đông Nghi nói uống nước cam chai. Còn Vinh muốn tỏ ra mình là người lớn, sành điệu, chàng gọi một chai bia lớn với cái ly và cục nước đá thật bự.
- Cô cậu ăn bánh bèo có thịt heo không?
Vinh nhìn Đông Nghi mặt tươi tỉnh:
- Nghi có ăn không?
Đông Nghi thấy ngại ngùng quá, nàng không quen ngồi ăn với người lạ bao giờ. Ở nhà cũng vậy, dạo trước mạ hay có khách, Đông Nghi cứ chờ ăn mâm sau, đôi khi thằng Rọm dọn cho trong phòng, đôi khi ngồi ăn dưới bếp với thằng Rọm. Nghe Vinh hỏi, Nghi lúng túng:
- Răng cũng được anh.
Bà chủ hàng vừa là chủ nhà bưng lên một lô chén bánh bèo nhỏ xíu. Người Huế vốn tỉ mỉ, ăn uống cũng lích ca, lích kích lắm. Bà ngoại Nghi thường kể ngày xưa các mệ ăn uống thiệt thanh lịch, mỗi món ăn đựng một ít trong những chiếc đĩa nhỏ xíu và mỗi bữa ăn thường có nhiều món. Lúc nào cũng có chén nước mắm gạn trong nước ruốt, bỏ cơm vào là nổi lều bều, ăn vào nhức cả răng, có mấy trái ớt xanh hay chùm ớt chỉ thiên trái li ti mà cay xé lưỡi. Chén bánh bèo cũng tượng trưng cho tính nết trên. Mỗi chén bánh cầm lọt hai ngón tay, lấy cái chèo bằng tre nậy ra bỏ vào miệng, chưa nuốt đã trôi mất tiêu vào cổ, chỉ để lại nơi lưỡi một chút bột chín nhuyễn, một chút béo, một chút cay, một chút hành thơm thơm và chút ngọt của nước mắm nấu với đường được gạn ra để lắng trong trong cái thẩu lớn.
Tuy mẩu bánh có chút xíu mà hai người ăn trước mặt nhau hết sức dè dặt. Đông Nghi chỉ ăn hết chừng năm chén. Vinh ăn hơn nàng ba bốn chén chi đó. Trong khi ăn, cả hai như tránh nói chuyện với nhau. Nghi cho rằng ai bắt gặp miệng mình trong khi nhai thật là xấu hổ. Vinh cũng thế, mỗi khi hỏi Đông Nghi một câu, chàng đợi cho miếng bánh tan hết trong cổ rồi mới hỏi.
Khi ăn xong ra khỏi quán thì mặt trời đã ngã đằng sau núi. Vinh gởi bà chủ quán hai chiếc xe đạp rồi cả hai đi bộ lên núi. Không gặp mạ ở đây, Đông Nghi ngẩn ngơ và cảm thấy cuộc đi chơi mất hết hứng thú. Nhưng giá gặp mạ thì chắc Đông Nghi cũng không đủ bình tĩnh ngồi được trước mặt mạ rồi. Đông Nghi cố nhớ lại lời nói của Tỷ Muội để đoán xem mạ đã ngồi ở quán nào, nhưng nàng không đoán nổi.
Đến một khúc dốc, Vinh cầm tay Đông Nghi:
- Đi khéo kẻo bổ em.
Đông Nghi để yên tay nàng trong tay Vinh. Nàng không thấy rung động nhưng có một chút xao xuyến nhẹ. Qua khỏi khúc đó, Vinh thả bàn tay Nghi ra, chàng nhảy tới trước, đưa tay giữ mấy nhành gai chắn đường cho Nghi đi qua. Lên tới đỉnh núi, chọn một chỗ ngồi nhìn xuống sườn núi và thành phố rồi cả hai không biết nói chuyện gì với nhau. Đông Nghi vừa nhìn xuống thành phố vừa bứt nát bông hoa trang mà nàng vừa rứt được ở một bụi cây đằng sau lưng. Còn Vinh thì ngồi hết nhìn trời đến nhìn đất. Trên đỉnh núi vắng tanh, mấy cặp khác chỉ đến lưng chừng núi hoặc đưa nhau đi tìm những quả sim chín.
Tự nhiên Đông Nghi đâm ra hồi hộp, mặc dù Nghi không cảm thấy yêu Vinh, nhưng lúc này một mình với người con trai này trên đỉnh núi, Đông Nghi đâm ra hoảng hốt. Không hiểu ma lực nào đã xúi dục nàng theo Vinh lên tới đây. Nhất định không hoàn toàn vì chuyện mẹ. Có cái gì xúi dục Nghi đây mà. Đông Nghi nhìn về phía những rặng cây xanh để đoán vị trí ngôi nhà của mình. Đông Nghi nhớ tới bà ngoại, bây giờ chắc bà đang một mình, đang mong ngóng Đông Nghi. Cái điệu này chắc mẹ nàng cũng chưa về.
Đông Nghi cảm thấy hối hận và thương bà ngoại dào dạt.
- Nghi ơi.
Đông Nghi không quay lại, nàng có cảm tưởng như bàn tay Vinh vừa chạm hờ lên mái tóc nàng:
- Dạ.
- Chiều đẹp quá há Nghi.
Chán muốn chết, ai mà không biết buổi chiều đẹp. Chỉ có buổi chiều đẹp trời như thế này, Nghi mới dám đi lên núi với một người con trai như Vinh, chứ trời mưa như trút, với Vinh chưa có lý do gì khiến nàng liều lĩnh đi dầm mưa như thế. Bộ không còn chi để nói nữa hết sao? Tôi biết buổi chiều đẹp rồi. Đông Nghi nặt một hòn đá ném mạnh vào một bụi cây đằng trước mặt:
- Ờ, chiều đẹp.
Anh Tuấn ơi, lúc này Nghi chỉ muốn mình bay bổng xuống chân núi, hay có đôi cánh để trôi nổi trên những đám mây giăng làng xóm ở trên trời kia. Trên trời kia, chiều nay mây nổi lên làng xóm, em nghĩ ra đó là những ngôi nhà khuất sau những bóng cây. Khung cảnh tưởng tượng ra như một bức tranh vẽ. Ồ, đó là ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà không xây, ngôi nhà không bao giờ có trong thực tế. Em mơ mộng thật là lãng mạn. Con gái Huế đa sầu, đa cảm mà cũng đa tình nữa. Anh chỉ nhắc tới đa sầu, đa cảm mà thôi. Còn đa tình nữa, anh chưa nhìn bộ mặt thật, anh chưa lật lòng, lật phổi, lật tim gan của em lên mà xem. Vậy mà cù lần vậy đó anh Tuấn. Anh chàng Vinh ngồi kia, hai tay đã run rồi, cứ nhìn cái mặt cố làm vẻ trầm tĩnh cũng đủ cho em ghét.
Không, rõ ràng mình không ghét Vinh đấy chứ. Vậy mà mình đã tìm lời, đã đặt điều cầu cứu. Kể ra lúc này ngồi với Vinh ở đây, mình cũng thấy lòng thanh thản nhiều. Đông Nghi muốn quên hết, cho tôi sống một giờ phút này. Vinh như choáng váng trước vẻ nhìn đặc biệt của Đông Nghi. Chàng cúi đầu ngẫm nghĩ, rồi như sự vắng vẻ của đỉnh núi cao làm Vinh lấy lại bình tĩnh. Bàn tay Vinh đã nắm chặt tay Đông Nghi lúc nào:
- Em.
- Anh.
Sự giả tạo hay có một phần rung động thật đó. Đông Nghi ngẩn ngơ mất vài giây khi tiếng kêu thoát ra khỏi cổ họng. Cái gì vừa xẩy ra vậy? Sau phút bàng hoàng trôi qua quá nhanh, nhanh đến nổi mình không nhận thấy, mình đang nghi ngờ. Khuôn mặt ai vừa tượng hình ở chân trời kia? Khuôn mặt ai mà Nghi không thể gọi ra bằng tên được. Anh. Tôi vừa gọi ai đó, tên người ở trước mặt mình hay người ở nơi xa xôi khác? Tại sao tiếng nói đó còn vọng lại bên tai Nghi như một điệp khúc. Mặt Nghi bỗng nóng bừng, bàn tay Nghi run rẩy trong bàn tay đầy truyền cảm của Vinh. Tiếng gọi này có thể cũng đã lọt ra từ miệng mẹ và còn lẩn quất đâu đây, còn vang vọng trong hơi núi. Một cơn gió thổi tới, hơi hướm Vinh tạt đầy mặt mũi nàng. Đông Nghi thấy một cảm giác lạ lùng làm da tay, da chân nàng nổi gai ốc. Hơi hướm đó chợt đọng lại và ấm một khoảng ngực nơi trái tim đang đập dồn dập ở bên trong … Những cảm giác mới mẻ đó làm Đông Nghi sợ hải, nàng đứng bật dậy:
- Mình đi xuống thôi anh, ở đây vắng vẻ quá.
Giọng Vinh lạc hẳn đi, yếu đuối:
- Không, Nghi ngồi xuống đây với anh.
Bàn tay Vinh đã cầm chặt chéo áo của Nghi. Vạt áo căng dài, Đông nghi hơi ngã người ra đằng sau, vạt áo che gần hết khuôn mặt của Vinh. Đông Nghi chỉ nhìn thấy đôi mắt của Vinh, đôi mắt như thu hết bóng tối từ chân núi vừa dồn tới. Chưa bao giờ Đông Nghi bắt gặp một đôi mắt kỳ lạ như thế, đôi mắt ươn ướt, nửa long lanh, nửa tối sầm kia như trì kéo nàng tới gần, ngồi xuống.
- Ngồi xuống đây với anh, Đông Nghi.
Đôi mắt vẫn nhìn Nghi, vẻ say mê mù mịt hết khuôn mặt. Phải có những giờ phút như thế này để nổ tung ra chứ. Đông Nghi ơi, chỉ có một buổi chiều như thế, chỉ có một lần cảm xúc như thế. Đông Nghi không suy nghĩ gì thêm nữa, nàng ngồi xuống bên cạnh Vinh, cánh tay chàng đã choàng qua vai nàng:
- Nghi ơi, em yêu anh đó chớ?
Yêu Vinh không? Tại sao mình lại vừa giật mình? Có tiếng nói nào vừa thoát ra từ cơn gió, lọt vào tai mình? Không, không phải. Lại sai nữa rồi, có đấy chứ. Cánh tay Vinh vẫn đặt hờ trên vai Đông Nghi. Như thế này là đã quá lắm. Dù nghĩ thế, Đông Nghi vẫn để yên mà không tìm cách gỡ cánh tay người con trai ra. Lặng đi một lúc, tiếng Vinh nhắc lại:
- Đông Nghi, em có yêu anh không?
- Dạ.
Khi nào bối rối quá, Đông Nghi dùng tiếng dạ. Những đứa con gái khác cũng thế. Mỹ Chánh có lần cười khúc khích: Ưa hay không ưa cứ dạ tưới đi, dạ là có, dạ là không. Mặc cho họ hiểu răng thì hiểu.
- Cho anh cầm bàn tay Nghi chút nghe.
Vinh đưa bàn tay mặt ra, cánh tay trái vẫn choàng trên vai nàng. Tự nhiên Đông Nghi cúi đầu:
- Anh làm em dị quá!
- Dị chi mà dị. Tụi mình lớn rồi.
- Em sợ.
- Sợ mạ biết há. Anh cũng thấy mạ khó quá. Nhiều lần anh muốn vô nhà chơi mà anh sợ mạ em.
- Thôi bỏ chuyện đó đi anh.
- Ừ. Mà đưa bàn tay anh cầm chơi, nói lơ hả?
Đông Nghi nghĩ tới Tuấn, lòng nàng chợt lạnh đi. Mặt trời đã khuất hẳn bên kia dãy núi, từng đàn chim bay về tổ. Đông Nghi sực nhớ nàng cũng phải về nhà. Nhưng Vinh thì còn như quá say sưa với hương vị tình yêu, chàng đứng dậy hái một nắm bông trang, đưa tận tay Nghi:
- Anh tặng em, hoa này mộc mạc nhứt, như tình yêu tụi mình rứa.
Như tình yêu tụi mình? Có phải tôi đang yêu Vinh đây không? Tôi có cảm tình với Vinh, chắc chắn thế. Ở đây buồn quá rồi, nếu không phải Vinh, là một người nào khác chắc Đông Nghi không lựa chọn nổi. Đông Nghi cố tươi cười cầm nắm bông trang chung với những cọng lá tràm, lá chổi. Bất chợt Đông Nghi cảm thấy sợ hải vì sự liều lĩnh của mình. Thế nào Trà nó cũng biết, lỡ ra có người nào bắt gặp mình đi chơi núi với Vinh nữa thì sao? Nhưng những chuyện đó cũng chưa tai hại bằng chuyện Vinh đang nghĩ là Nghi đã yêu Vinh ghê gớm lắm. Mà không ghê răng được khi mình dám nhận lời đi chơi núi với Vinh, nhận lời leo lên đỉnh núi chỉ có hai đứa vắng vẻ. Mặt Đông Nghi bỗng méo như sắp khóc:
- Anh Vinh …
- Chi rứa em?
Mắt Vinh vừa bắt gặp khuôn mặt của Đông Nghi, niềm vui đang rực rỡ trên khuôn mặt bỗng bay mất theo ánh nắng:
- Kìa Nghi, tại răng rứa?
Đông Nghi nuốt nước mắt, nàng dấu quanh:
- Thôi về anh, túi rồi, Nghi sợ lắm.
Giọng Vinh chợt bàng hoàng:
- Hình như Nghi sợ vụ đi chơi núi ni lắm hỉ?
- Dạ.
- Dạ là sợ?
- Dạ.
Vinh hỏi dồn dập:
- Như rứa là em không yêu anh?
- Dạ …
- Dạ là không?
- Dạ không phải …
Vinh đưa hai tay lên trời:
- Nghi làm anh điên cái đầu rồi. Nghi làm anh thiệt không biết trời trăng chi nữa hết.
Đông Nghi không chịu đựng được nữa, nàng bật khóc. Chiếc khăn tay bằng vải phin nõn quấn chặt trong mấy ngón tay Vinh. Vinh nhìn vào mặt người yêu, ánh mắt như muốn bốc lửa. Nhưng chừng mấy giây sau, khi giọt nước mắt của Đông Nghi rơi xuống đất, mắt Vinh dịu hẳn lại và chàng sững sờ:
- Anh xin lỗi, anh đã làm Đông Nghi buồn.
Rồi rút mùi xoa lau nước mắt cho Đông Nghi, giọng Vinh buồn nản:
- Thôi, để anh đưa về.
Nghi còn dùng dằng:
- Anh Vinh. Anh đừng giận Nghi.
Hai người di xuống chân núi. Khi đã ra khỏi chân núi gồ ghề, Vinh hỏi nhỏ bên tai bạn:
- Tại sao em khóc?
Đông Nghi quay mặt nhìn ra đường:
- Tại Nghi sợ tụi bạn biết, tụi bạn cười.
Nghe Nghi nói câu đó, bao nhiêu thắc mắc của Vinh tan biến hết. Đông Nghi cũng thở phào nhẹ nhõm. Như rứa là tránh hết mọi hiểu lầm về phía Vinh và chàng cũng không thể giận nàng, cũng không thể hiểu thêm gì về nàng nữa hết. Quán bánh bèo còn thật đông khách. Đông Nghi đứng đợi ở ngoài xa. Vinh vào dắt lần hai chiếc xe đạp. Đông Nghi thấy Vinh chìu mình cũng cảm động:
- Lần sau chắc anh không dám đi chơi với Nghi nữa.
- Sợ Nghi chê anh, còn anh thì …
Vinh nhìn Nghi chăm chăm. Nghi tránh đôi mắt say đắm của Vinh, nàng leo lên ngồi trên yên xe, chống chân muốn đạp:
- Thôi về anh, trời túi rồi.
Vinh nhìn đồng hồ:
- Hơn sáu giờ, chừ mình về tới là bảy giờ. Hay mình vô uống nước đã.
- Không được, Nghi mượn xe của Tỷ Muội, chiều ni hắn đi tắm bến.
Vinh cười:
- Tắm chi nữa, chừ tối rồi. Chắc Nghi hay đi tắm với Tỷ Muội rồi lội lên Đò Cồn, bẻ bắp về nướng hả?
Nghi vừa đạp xe, vừa hỏi:
- Răng anh biết?
- Nghi làm chi mà anh không biết.
Nghi mắc cỡ:
- Anh dị quá à.
- Anh còn biết em có cô bạn thân tên Cam Đường nữa.
- Anh nhắc khi ở nhà Trà rồi.
- Cô nớ hư lắm, răng mà em thân?
Đông Nghi quay mặt nhìn phía chân núi, những cây cối xanh tươi, những gò mồ mả cao thấp. Huế rứa đó, căn bệnh cố hữu của Huế, một cố tật của Huế, Huế của em rứa đó anh Tuấn. Chuyện trong chưa rõ, ngoài ngõ đã hay. Cam đường chỉ là một nạn nhân của bệnh cố chấp ở Huế. Cũng không phải vì bệnh cố chấp nữa. Cam Đường là nạn nhân của bệnh đồn đại. Họ khơi từ chuyện người này tới người khác và vô phúc khi những con mắt rình rập nhìn tới. Đâu phải chỉ mới Cam Đường là nạn nhân, những lời nói sắc như gươm dao, ác độc như lời phù thủy đã chém ngã bao nhiêu người rồi. Tự nhiên Đông Nghi thấy tầm thường. Buổi trưa ở nhà Trà, Vinh nhắc một lần, Nghi không để ý, nàng cho rằng Vinh có quen biết Cam Đường. Đến giờ thì chuyện đã rõ. Vinh yêu Nghi nhưng chàng không an tâm vì Nghi chơi thân với Cam Đường. Thành phố này không dung dưỡng những người hiền lành, không dung dưỡng cả những người dám chọn lựa đời sống khác sự sắp xếp chung. Những người nằm dưới mồ mả kia cũng vậy, họ đẻ ra con cháu và đẻ cả ra một bệnh di truyền. Đông Nghi thở dài nhẹ nhẹ.
- Răng Nghi không trả lời anh?
- Trả lời chi?
- Trả lời câu anh vừa mói đó.
A, anh chàng đã coi là có quyền hạn với mình rồi đây. Anh ta muốn yêu anh, muốn chiếm hữu, muốn cai trị, cái dân vua chú mà. Anh đúng tác phong con cháu của mấy mệ. Nghi hỏi lại:
- Chuyện Cam Đường?
- Ừ.
- Hắn hư thân mất nết?
- Ừ.
- Em lại thân với hắn chắc vì em giống hắn.
Đông Nghi biết Vinh đang trợn to mắt và chắc đang nhìn nàng như nhìn một con khủng long. Chắc Vinh nghĩ rằng không có một cô gái Huế nào lại có một lời đối đáp như rứa. Đông Nghi cũng thấy không thích thú gì với lối nói chuyện trên, nàng quay sang nhìn Vinh mỉm cười, cố hòa nhã:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi anh Vinh.
Vinh lắc đầu:
- Gần em, anh mới thấy em đầy bí mật.
- Không phải đâu mà là đầy sự kỳ cục đó.
Hai người theo con đường dốc khỏi chân núi Tam Thái, khi đến đường rầy xe hỏa, Đông Nghi đạp xe vọt lên trước, Vinh biết ý, đạp lùi phía sau. Đông Nghi cố lấy dáng tự nhiên, tà áo nàng bay phất phớt đằng sau và Đông Nghi biết Vinh đang ngắm nàng, đang thấy nàng đẹp. Buổi đi chơi núi cũng chả có gì hết. Hai người đưa nhau lên núi cao, ngồi nhìn thành phố, những lời nói vu vơ. Một cái nắm tay ngập ngừng và buông thả vội vả. Có vậy thôi sao? Nhưng nếu thành phố thấy hai người đi như thế, họ sẽ nghĩ sao và bao nhiêu chuyện ghê gớm sẽ được dựng lên trong đầu óc họ. Làm thế nào cho vỡ ra, cho hủy diệt hết những thành kiến đó. Đông Nghi nhớ tới một lá thư của Tuấn viết về những ngôi chùa ở Huế và ao ước tình yêu của hai người sẽ tuyệt diệu hơn trong những yên tĩnh. Anh sẽ về, chắc chắn thế. Và em sẽ đưa anh đi thăm Lăng tẩm, thăm chùa chiền. Chúng ta chẳng cần thề thốt, chẳng cần nói gì với nhau. Anh hoàn toàn yên tâm khi gởi gắm em ở cái thành phố đó. Em bị nhốt trong thành kiến, trong sự giáo dục khắt khe và chỉ có anh xứng đáng để đưa em đi khỏi nơi đó. Nhưng bây giờ anh cám ơn Huế, cám ơn thành kiến của Huế. Không, anh Tuấn ơi, tất cả chỉ là cái vẻ bên ngoài. Em sẽ đưa anh đi thăm Lăng Tự Đức. Ở đó, anh sẽ thấy nào cây vàng, trái ngọc, nào sơn son, thếp vàng, nhưng cây vàng trái ngọc đã mất tích và người ta thế vào những cây giả, những hoành phi, những liễn đối đã bạc màu, những sơn son, thếp vàng đã mục rã. Lá thư sẽ viết cho Tuấn đã tượng hình trong đầu Đông Nghi sau buổi leo núi và trước cái bóng của Vinh đang lẽo đẽo.
Chưa bao giờ Đông Nghi thấy thấm thía buồn nản trong sự yên tĩnh như thế. Buổi chiều đã tới thật hoàn toàn. Những sân cây đầy bóng tối. Những cụ già đứng chắp tay sau lưng, ngó mông lung ra đường. Lũ trẻ con nhìn Vinh và nàng đạp xe đi qua với vẻ tinh nghịch dò xét. Nơi chiếc ga tạm An Cựu, ông xếp ga đứng nhìn lũ trẻ đang đi bên trong đường rầy, cái cờ đỏ cắm nơi một cành cây khế. Ông cũng nhìn theo Vinh và nàng đang đi ngang qua. Thành phố với những đôi mắt xoắn chặt vào nhau làm người ta có cảm tưởng chính chiếc bóng đằng sau lưng mình cũng rình mò mình nữa.
Qua khỏi cầu An Cựu, Nghi chia tay Vinh. Vinh muốn đưa nàng đi thêm một quãng đường nữa nhưng thấy gương mặt Đông Nghi có vẻ không vui, Vinh đành từ giả. Vinh nói với Nghi:
- Tuần tới hẹn gặp ở nhà Trà nữa nghe.
Thấy Đông Nghi làm thinh, Vinh đề nghị:
- Hay mình hẹn nơi khác Nghi hí?
- Hẹn nơi khác làm chi?
Câu nói của Đông Nghi làm Vinh tiu nghỉu, nhưng Vinh cũng cố mỉm cười:
- Mình đi Trà An chơi. Trà An vắng hơn. Hay em thích đi Tây Thiên?
Thấy Đông Nghi vẫn im lặng đạp xe, Vinh cố lẻo đẻo theo một đoạn:
- Hay đi Thiên Mụ chơi em.
Đông Nghi muốn cho Vinh khỏi đi theo thêm nữa, nàng gật đầu đại:
- Được rồi, để em tính lại đã.
- Túi anh tới nghe, nhớ ra đóng cửa cho anh nhìn một cái cho đỡ nhớ hí.
Đông Nghi không trả lời cũng không quay lại. Vinh đã đạp xe quẹo trở lại, Đông Nghi đạp xe dọc bờ sông đi về nhà. Đông Nghi đạp xe thủng thỉnh để về nhà muộn hơn, Nghi muốn về sau mẹ. Bây giờ Đông Nghi bình tỉnh lắm, nàng có đủ can đảm chịu đựng cơn giận dữ của mẹ rồi. Biết đâu khi Nghi về tới sẽ thấy ông Bồ Đào có mặt ở đó nữa.
Đông Nghi ghé nhà Tỷ Muội trả xe đạp. Tỷ Muội thấy bạn về trễ trách bạn:
- Mi hẹn đi tắm mà không về sớm. Ăn cơm chưa?
- Chưa.
- Ở đây ăn cơm với mình. Có mấy chị nữa vui lắm.
- Túi rồi, tao phải về.
Tỷ Muội chợt nhớ ra, lo sợ giúp bạn:
- Mi đi túi rứa về mạ đánh chết. Bữa trước thằng Rọm mét với tao mi bị mạ mi đánh phải không?
Đông Nghi không giận, nàng cười nhạt:
- Ừ, vui lắm mi ơi.
- Thôi mi về đi, mạ mi đánh nữa chừ.
- Đánh tao thì đánh, tao có sợ mô.
Tỷ Muội trợn mắt, nó không thể tưởng tượng được Đông Nghi có thể thay đổi mau như thế. Mà Đông Nghi thay đổi thật rồi, mới một ngày, Đông Nghi thấy mình đã bỏ xa mình ngày hôm trước, hôm qua nhiều quá. Nàng đoán được câu nói của bạn:
- Mi nói dó, mi sợ mạ mi như cọp.
Đông Nghi vỗ vai bạn:
- Tao về, mai đi học hí.
- Mai sáng tao kêu mi đi học sớm. Hai đứa mình xuống đò qua Thừa Phủ chơi, buổi sáng sớm qua đò đẹp ghê, nhìn trời đầy sương, không thấy nước mô hết, đò cứ như chèo trên sương, trôi vào trong sương.
Đông Nghi chế nhạo bạn lãng mạn rồi từ giã bạn đi ra cổng. Từ nhà ra cửa ngõ nhà Tỷ Muội cũng xa ghê, hai bên ngõ trồng mấy cây bạc hà cao vút, lá dài rũ xuống như những lưỡi dao ngọt bén. Tỷ Muội đuổi theo cho bạn một trái ổi mới hái trên cây còn nguyên cuống lá. Đông Nghi đi bộ thủng thẳng về nhà.
Có thể mẹ chưa về giờ này và cũng có thể mẹ đang ngồi giữa sân hay đứng trước hiên đợi nàng. Bà ngoại chắc cũng sốt ruột lắm. Đông Nghi hơi hối hận. Nàng hối hận vì thương bà ngoại nhiều hơn là sợ mẹ. Nhưng giá gặp mẹ thì Đông Nghi sẽ trả lời ra làm sao về vụ bỏ đi chơi trọn cả buổi chiều hôm nay mà không sang trông cửa hàng. Không thể nói là không gặp chị Nại được rồi. Thế nào mẹ cũng hỏi bà trước. Đông Nghi nghĩ quanh co rồi đâm lỳ: Bị đòn là cùng, bị đòn rồi cũng quen. Đông Nghi nghĩ tới những lằn roi, những lời nhiếc móc của mẹ, nàng biết mặt mình đang đanh lại.
Đông Nghi đẩy cánh cổng, cánh cổng không khóa. Chắc mẹ về rồi. Mẹ về, cửa mới không rào bên trong. Đông Nghi khép hờ cửa lại và đi vào nhà, dù đã tự nhủ lòng là phải bình tỉnh, phải lỳ lợm, nhưng gần tới khoảng sân trống ngực Đông Nghi vẫn đập mạnh, nàng không kìm được sự hồi hộp. Nhưng khoảng sân vắng ngắt, không có mẹ ngồi ở đó. Mẹ chưa về. Đông Nghi đẩy cửa vào nhà. Nhà sao tối om thế này, đèn đuốc đâu không thắp? Rọm đâu rồi? Nó chui ở cái xó nào mà không coi nhà cửa, không bật điện. Hay cúp điện? Cúp điện thì cũng có đèn cầy hay đèn sắp chớ. Đông Nghi đứng giữa nhà, nàng với tay bật công tắc nơi chiếc cột chính gần nhất. Ánh điện đỏ bật, căn phòng nhòa ánh sáng. Nhưng Đông Nghi bỗng thấy lạnh cả xương sống. Căn nhà vắng ngắt và có một vẻ lạnh lùng. Đông Nghi dợm thêm một bước nữa. Sao không có ai hết? Mẹ đâu? Thằng Rọm đâu? Bà ngoại đâu rồi? Đông Nghi vụt chạy tới phòng bà ngoại, cánh cửa đã mở toang từ bao giờ. Ngoại ơi, ngoại nằm như ri, gió làm răng? Đông Nghi chạy tọt vào phòng. Phòng bà ngoại cũng không bật điện. Đông Nghi chỉ choáng mắt có mấy giây rồi nàng thấy hiện rõ lờ mờ những giường chiếu nhờ ánh điện ở ngoài nhà chiếu vào. Nhưng bà ngoại không còn nằm trên giường đó nữa. Một cảm giác kinh hoàng chạy thật nhanh từ các đầu mút tay chân rồi dồn cứng xương sống. Đông Nghi muốn kêu mà không kêu được, nàng há hốc mồm, hai tay đưa lên lưng chừng và cứng nhắc. Bà ơi, bà ơi. Nhiều tiếng kêu vang ra trong đầu óc mà không tài nào thốt ra ở miệng được. Một luồng gió thổi đập vào cánh cửa, tiếng động làm Đông Nghi giật mình và gai ốc mọc khắp tay chân, hai tay Đông Nghi rơi thỏng xuống như có một sự dã dượi nào vừa giật nó xuống.
- Bà ơi, bà ơi.
Đông Nghi đã kêu được rồi. Nhưng tiếng kêu của Đông Nghi chìm ngỉm trong sự im vắng của căn nhà. Bà ngoại đi đâu? Chỉ có một buổi chiều mà chuyện gì đã xảy ra cho bà ngoại, cho mẹ? Sao mẹ cũng chưa về? Bà ngoại đi đâu? Ai đã đưa bà đi?
Qua phút giây sửng sốt, Đông Nghi bỗng bải hoải tay chân vì sợ hải, chiếc giường vắng ngắt và lạnh lẻo như đã từ lâu không có người nằm. Cánh cửa sổ lay lắt theo gió như có bàn tay nào xô đẩy. Ngoài vườn cây lá xào xạc, những bóng lá gần cửa sổ lay lắt như những bóng ma. Đông Nghi kinh hoàng ôm đầu chạy bổ ra khỏi phòng bà ngoại, nàng đứng giữa nhà, dưới bóng ngọn điện, tay đè lên ngực. Đông Nghi không dám đẩy cánh cửa vào phòng mình nữa, nàng tưởng tượng ra đủ mọi chuyện kinh khủng nhất và đầu óc nàng buốt đi vì sợ hải.
Một lúc sau, cố thu hết can đảm, Đông Nghi đi xuống bếp, nàng đứng nơi cửa ngăn nhà lớn với nhà bếp mà réo om sòm:
- Rọm ơi, Rọm.
Cánh cửa đẩy ra bất thình lình, Đông Nghi nhảy lùi lại, ôm ngực suýt nữa rú lên. Một bóng đen từ trong bóng tối đi lần ra, khật khà, khật khưởng, Đông Nghi nhảy hai bước đã lên đến nhà. Nàng giương mắt nhìn về phía bóng đen đang đi tới:
- Nghi đó há Nghi?
Đông Nghi nhận ra thằng Rọm, áo quần nó xốc xếch, tóc tai rũ rượi như chui từ một gầm giường ra. Đông Nghi thở phào, có thằng Rọm, nàng không còn sợ hải ma quỷ nữa. Thằng Rọm trông ghê gớm hơn ma quỷ, chắc ma quỷ cũng còn sợ nó. Đông Nghi hỏi:
- Bà ngoại đi mô rồi?
- Bà ngoại đi nhà thương.
- Bà làm răng mà đi nhà thương?
Đông Nghi hỏi vội vả nhưng thằng Rọm cứ khật khùng:
- Có thơ đó mi ơi, mi mừng không?
- Con khỉ, tui hỏi bà mần răng mà đi nhà thương?
- Thì bà đau nhiều, tao phải đi tìm mạ mi về, mạ mai chở đi nhà thương rồi.
- Nhà thương mô?
- Tao không biết, đợi mạ mi về mà hỏi.
- Ai chở? Bác Đậu xích lô há?
- Thằng cha Bồ đào.
- Lại thằng cha nớ nữa.
Rồi Đông Nghi thắc mắc:
- Mi kiếm mạ chỗ mô?
- Bên cửa hàng chớ mô.
- Răng có ông Bồ Đào bên nớ?
- Răng không có, đi mô cũng đeo trù trù, như đĩa trâu đeo khu trâu.
- Chở khi mô?
- Khi chiều lận.
- Bà làm răng?
- Tui vô kêu bà ăn cháo tui nấu, thấy bà nằm ngay đơ. Tưởng chết tao la, tao khóc quá trời. May con Cau nó gánh nước tới, nó coi nhà cho tao đi tìm mạ mi về. Nó cam đoan là bà còn sống tao mới dám đi đó.
- Rứa khi hồi tới chừ mi ở mô? Răng đèn đuốc không thắp, túi om rứa?
- Ngủ.
- Ngủ ở mô tui kêu hoài không nghe rứa?
Thằng Rọm vươn vai, nó bẻ ngón tay kêu lắc cắc:
- Chui dưới bộ ngựa ngủ. Ngủ ngon quá trời ai biết chi mô. Ăn cơm tui dọn, nấu khi hồi lận.
- Đã đi ăn chưa?
- Ai rảnh mô mà ăn.
Đông Nghi đi vào phòng thay quần áo. Nàng vừa thay quần áo xong thì nghe tiếng xe đỗ ngoài cửa. Biết mẹ về, Đông Nghi không khỏi nóng lòng muốn biết tin bà ngoại, nàng chạy ùa ra trước sân.
Mẹ nàng với ông Bồ Đào đi vào nhà. Ông tự nhiên kéo cái ghế ra ngồi, đối diện trước ảnh ba. Đông Nghi bất đắc dĩ phải cúi đầu chào bác. Nàng quay lại hỏi mẹ:
- Thưa mạ, bà con ra răng mà đi nhà thương?
Nhưng nàng thấy gương mặt mẹ lạnh lùng. Bà hất hàm:
- Đi lấy nước.
Đông Nghi tiu nghỉu đi rót hai chén nước trà bưng ra. Nàng đứng đằng sau lưng mẹ, khổ sở muốn biết về bà ngoại:
- Thưa mạ, bà con …
Ông Bồ Đào đỡ lời:
- Con đừng lo, bà ngoại không chi mô, chắc tại bà già, bác với mạ đưa vô nhà thương Huế rồi. Chừ túi quá, nhà thương đã hết giờ, mai bác đưa con vô thăm ngoại.
- Dạ thưa bác, ngoại con có răng không?
- Không răng, không răng. Bệnh để lâu quá nhưng chữa được, bác hỏi bác sĩ kỹ rồi. Tên bác sĩ trong đó là bạn của bác, cháu đừng lo.
Đông Nghi thương bà ngoại quá, mắt nàng rưng rưng muốn khóc. Bà Phúc Lợi ngước mắt nhìn Đông Nghi, mắt bà đanh lại:
- Con ra đứng trước mặt mạ biểu.
Đông Nghi lại đứng trước mặt mẹ. Chắc chắn nàng sẽ nhận được những lời trách mắng của mẹ rồi. Buổi chiều khi về, thế nào mẹ cũng biết nàng bỏ nhà đi chơi, không sang cửa hàng. Đông Nghi cúi đầu chịu tội:
- Thưa mạ, con nghe.
- Chiều này cô đi mô mà không sang cửa hàng?
- Dạ con qua nhà bạn.
- Con đi mô?
- Con ở nhà con Trà.
Bà Phúc Lợi quát:
- Mày im đi, nói rứa mà nói được. Khi chiều tao gặp con Trà đi ra phố mua hàng. Nó đi một mình. Mà tao hỏi tại răng không sang cửa hàng hả con kia?
Đông Nghi cúi gầm mặt xuống. Tốt hơn hết là ta lỳ ra. Trước mặt ông Bồ Đào mà mạ chưởi mắng mình như rứa đó. Dù Đông Nghi biết mình có lỗi, nhưng nàng không chịu được lối mắng mỏ của mẹ. Mẹ cứ la, cứ nói, nói cho chán đi, có ngày mẹ sẽ thấy mẹ lầm.
- Cái mặt mi lỳ lỳ ra há? Mi không sợ tao phải không?
- Dạ con sợ.
- Tao hỏi mi đi mô chiều ni hở? Mi không nói mi chết với tao, mi chết với tao.
Như mọi lần, Nghi đều khóc, đều xin lỗi mẹ. Lần này, thái độ của nàng chắc sẽ làm mẹ cáu tiết thêm. Hừ, mẹ rứa đó, bà ngoại đau không lo mà bà lo sử dụng quyền hành của bà trước mặt một người đàn ông. Ba ơi, ba nhìn thấy đó chứ. Ba đã bỏ nhà ra đi, ba thoát, còn con, con làm sao để thoát hở ba? Cái mặt phì nhiêu thịt mỡ kia có quyền chi ngồi trước mặt ba nghe mẹ chưởi mắng con ba được. Đông Nghi hằn học nhìn ông Bồ Đào. Ông Bồ Đào nhẹ nhàng can mẹ:
- Thôi chị, la mắng con tội nghiệp, con nó dại.
Ông ta vừa nói gì vậy? Con nó dại, con tội nghiệp, con của ai? Con của ai mới được chứ?
Khuôn mặt đang đanh đá của mẹ bỗng biến mất. Đông Nghi thấy như mẹ vừa thở ra nặng nhọc. Đông Nghi thấy mẹ có lý khi giận mình, la mắng mình. Đông Nghi thấy bớt giận mẹ. Ông Bồ Đào nói thêm:
- Tui xin chị, tha cho cháu lần ni. Cháu làm răng biết được bà ngoại ốm nặng rứa. Chắc cháu đi chép bài vở. Thôi cháu xin lỗi mẹ cháu đi.
Đông Nghi còn đang phân vân không biết phải đối phó làm sao với tình cảnh thì đã nghe tiếng mẹ quát:
- Con chó, đồ mất dạy, miệng mồm mô hết?
Đông Nghi cực chẳng đã phải lí nhí:
- dạ cháu cám ơn bác.
- Ừ, bác biết cháu đi chép bài phải không?
- Dạ ….
- Lâu ni bác bận việc quá, bác chẳng có quà chi cho cháu, bác tệ thiệt.
- Dạ.
- Cháu ráng học giỏi, kỳ nghỉ hè ni bác cho đi Sài Gòn rồi đi Đà Lạt chơi.
- Anh đừng có bênh nó. Bây chừ nó lớn, nó đâu cần ai nữa. Bởi rứa, tôi có nỗi khổ tâm mà không ai thấu.
Giọng nói của mẹ vừa buồn bã, vừa chua chát. Đông Nghi đứng cúi gầm mặt nhìn xuống hai bàn chân của mình. Cơn giận dữ của mẹ có thể bùng lớn hơn nữa, cố gắng mà chịu đựng. Giọng ông Bồ Đào có vẻ pha trò:
- Chị thì hay suy nghĩ rồi cứ ấm ức trong bụng, tôi thấy cháu Nghi ngoan lắm đó chớ.
Đông Nghi có cảm tưởng như mẹ đang thở dài. Dưới ánh đèn néon trắng như sữa, nàng thấy mặt mẹ tái xanh và mắt quầng thâm. Lâu lắm Đông Nghi mới nhìn kỹ khuôn mặt mẹ. Khuôn mặt của mẹ cũng môi đó, mắt đó, nhưng bên trong làn da nhờ nhờ tái kia, như có những lằn nhăn se lại. Cùng lúc đó, đôi mắt của bà Phúc Lợi ngẩng lên, nơi tia mắt của mẹ sửng sốt làm Nghi luýnh quýnh.
- Nhìn chi mà nhìn nớ, rồi mày không biết nói chi nữa hay răng?
- Thôi cháu xin lỗi mạ đi. Mạ giận, mạ la chớ ai mô mà giận lẫy, dị lắm.
Đông Nghi thấy lúc này mình cũng cần yên tĩnh, nàng cúi đầu lí nhí nói:
- Con xin lỗi mạ.
Bà Phúc Lợi thở ra:
- Con biết đó, bà ngoại đau, mạ bận buôn bán rứa mà con bỏ nhà đi chơi. Mạ muốn biết con đi chơi với ai? Con gái lớn rồi, khôn ba năm, dại một giờ … Đời mạ đã khổ, mạ đã khổ, mạ biết. Chừ tới đời con, mạ không lo cho con tránh con đường của mạ hay răng?
Đời mạ khổ, mạ cũng đã biết, nhưng răng mà mạ không thương con? Con có làm chi nên tội mà mạ lạnh lùng. Con cần tình thương của mạ hơn là cần quần áo ăn mặc. Đông Nghi muốn tìm thấy trong ánh mắt mẹ một gợn nhỏ xao xuyến yêu thương. Nhưng không, qua cái chớp mắt, khuôn mặt mẹ lại bình thản, lạnh lùng như muôn đời. Ông Bồ Đào nói với Đông Nghi:
- Thôi túi rồi, cháu đi học hành đi. Sáng mai cháu sửa soạn sớm, bác đưa vô thăm bà ngoại trước khi tới trường. Để bác đưa cháu đi học luôn cũng được.
Bà Phúc Lợi ngăn lại:
- Được mà anh, phiền anh chi. Để tui bảo bác Đậu chở nó đi rồi đưa nó tới trường. Anh sang sớm bất tiện. Thôi con Nghi đi vào trong đi. Lần sau muốn đi mô, phải cho mạ biết trước chớ không được đi tự tiện như rứa hí.
Đông Nghi thấy nhẹ nhõm người, nàng thở nhẹ như thoát một gánh nặng. Đông Nghi đi vào phòng bà ngoại, cây quạt của bà ngoại còn bỏ trên giường, cả cái cơi trầu của ngoại cũng để sát bên vách. Đông Nghi nằm xuống, nàng ôm lấy cái gối của bà ngoại và đưa mũi hít thật dài. Hơi hướm của bà ngoại còn phảng phất, mùi thuốc lá với mùi mồ hôi, mùi quần áo cũ như thấm sâu vào bông gòn của chiếc gối, nồng nàn một mùi mốc cũ, ngợp lòng. Rồi hình ảnh buổi đi chơi núi với Vinh chập chờn sống lại. Đông Nghi còn tưởng tượng ra được tà áo trắng của nàng nổi bật trên những màu xanh của cây cỏ và Vinh nhìn ngắm Đông Nghi như muốn nuốt trửng nàng, một phiến thạch mềm, dễ tan như bọt.