Chương Ba Mươi Chín

Sau khi đặt viên phấn trên bàn, thầy Bảo vui vẻ nói:
- Các em trong lớp này đều chăm chú nghe giảng bài, thảo nào, tỉ lệ phần trăm đạt điểm cao bài kiểm tra vừa rồi của lớp nhiều hơn và cao nhất trong khối lớp bảy. Đa số các em đều đạt điểm mười chín hay hai mươi. Các em giỏi lắm đó!
Thầy Bảo vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao lên:
- Thưa thầy, hôm nay thầy có phát bài cho tụi em không?
- Thầy phát bài cho tụi em đi nghe thầy!
- Phát bài cho tụi em đi nghe thầy!
Từ  dãy bàn cuối của lớp, con chị ngửng đầu lên, đưa đôi mắt chờ đợi sự ưng thuận của thầy. Con Mỹ Lệ, trưởng lớp của lớp Bảy một, ngồi đầu bàn cuối và ngồi cạnh nó, cằn nhằn bên tai:
- Thầy Bảo đã nói vậy tức là thầy sẽ phát bài. Cả lớp ồn ào như vậy thế nào cũng bị la cho coi!
Đúng như Mỹ Lệ nói, khuôn mặt của thầy Bảo đang vui chợt nghiêm lại. Thầy đưa ngón tay trỏ ngăn trước môi, và đảo mắt nhìn quanh lớp. Những tiếng ồn ào chợt nín bặt nhưng những con mắt mong mỏi chờ đợi vẫn dính chặt vào người thầy giáo dạy môn Công Dân Giáo Dục.
 Đứng sau chiếc bàn giáo sư, im lặng trên bục nhìn xuống lớp một lúc, thầy Bảo gật đầu vài cái ra vẻ ưng thuận sự trật tự trong lớp rồi mở cặp lôi  ra một xấp giấy. Thầy nói:
- Thầy sẽ đọc tên và đem bài đến tận chỗ của các em vì vậy khi nghe tên mình thì các em giơ tay lên. Nhớ giữ im lặng.
Con chị mỉm cười. Con số hai mươi bằng mực đỏ rõ rệt trên một góc của giấy kiểm tra hiện ra trong đầu của nó. Nó chăm chú theo dõi từng động tác của thầy Bảo và tiếp tục nghe thầy nói.
- Bởi vì bài kiểm tra này có một câu đòi hỏi suy luận cho nên một vài em có số điểm chênh lệch so với cả lớp. Nếu em nào có thắc mắc gì thì đưa tay lên, thầy sẽ đến chỗ giải thích cho.
Con chị mỉm cười hài lòng. Nó rất thích người thầy giáo dạy môn Công dân giáo dục này của lớp nó. Đúng với tên của môn học mà ông đứng trên bục giảng dạy mỗi ngày, thầy Bảo là một người thầy hết sức gương mẫu. Mặc dù khuôn mặt thầy còn rất trẻ nhưng trong ý nghĩ của nó, thầy Bảo thật sự đóng một vai trò như ba ruột của nó bởi vì ông là người đã chỉ cho nó phương pháp sống tốt và cách cư xử đúng đắn trong cuc sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với nó, những bài giảng của thầy Bảo rất quan trọng cho nên nó hết lòng chú ý lắng nghe để mà áp dụng trong đời sống thực tế. Chăm học môn mình yêu thích, con chị tự tin rằng nó sẽ có điểm cao và sẽ là một trong những đứa học sinh có điểm mười chín, hai mươi mà thầy Bảo vừa khen ngợi.
- Hoàng Thị Đan Hạ.
Con chị giật mình đưa tay lên. Thầy Bảo đến sát bàn cuối bên cánh trái của lớp, vói người qua trước mặt con Mỹ Lệ rồi úp tờ giấy kiểm tra trước mặt của con chị.
Thầy Bảo vừa quay người đi, con chị vội vã lật ngược tờ giấy kiểm tra lên. Nhìn vào số điểm, nó chau mày thất vọng.
- Mười hai điểm trên hai mươi?- Nó hỏi một mình nhưng lớn tiếng đến độ những đứa ngồi gần đều có thể nghe được.
Con Mỹ Lệ nhìn sang, sửng sốt:
- Tại sao Hạ có mười hai điểm vậy? Cộng lại tất cả số điểm mà thầy cho các câu coi thầy có cộng đúng không!
Con chị vội mở rộng tờ giấy làm bài kiểm tra. Liếc sơ các phần ghi chú bằng chữ đỏ và cộng nhanh các số điểm, nó thở dài:
- Tại Hạ làm sai câu này nè!
- Câu nào vậy?
- Câu hỏi cuối! Câu số năm!
Mỹ Lệ nghiêng người chụm vào đầu nó, nhìn chăm chú trên trang giấy, gật gù:
- Ừ, đúng rồi! Đan Hạ làm sai câu này! Thầy Bảo có ghi chú là nhận thức vấn đề không đúng đây nè!
Xoay lại nhìn con chị, con Mỹ Lệ an ủi:
- Nhưng mà môn này có hệ số một thôi à! Hơn nữa mười hai điểm là trên điểm trung bình rồi Hạ đừng buồn làm chi.
Con chị liếc số điểm hai mươi trên giấy kiểm tra của con Mỹ Lệ và điểm mười chín của con Tuyết Lan rồi thở dài:
- Nhưng mà thầy Bảo nói nhiều đứa học sinh của lớp mình đạt mười chín và hai mươi điểm. Hạ có mười hai điểm tức là điểm chót bét rồi!
 Thầy Bảo đang dáo dác tìm cánh tay đưa cao để  đến hoàn lại tờ giấy kiểm tra cuối cùng, bước nhanh đến chỗ của chúng, hỏi:
- Các em đang thắc mắc điều gì vậy? Sao không giơ tay lên hỏi thầy? Các em có biết nói chuyện như vậy sẽ làm ồn trong lớp không?
Con Mỹ Lệ nói bắp bắp:
- Dạ... dạ thưa thầy... thưa thầy tụi em đang thắc mắc tại sao Đan Hạ không có điểm câu số năm.
Thầy Bảo kéo giọng kính cận lên:
- Câu hỏi nào vậy? Đưa cho thầy xem.
Con Mỹ Lệ rút tờ giấy làm bài và trao cho thầy bằng hai tay dùm cho con chị. Thầy Bảo lật qua lại tờ giấy đôi với đầy chữ chi chít, vừa đọc vừa nói:
 - Câu hỏi của câu số năm là... theo em, em phải làm thế nào để chọn được những cuốn sách bổ ích, thích hợp lứa tuổi của mình. Hãy giải thích những điều em vừa nêu...và câu trả lời của em là... A đây! Câu trả lời của em là: Để có những cuốn sách bổ ích thích hợp với lứa tuổi của mình, em phải tự tìm kiếm những cuốn sách dành cho tuổi của mình. Khi đến tiệm sách em phải đến chỗ bán những cuốn sách dành cho con nít. Em sẽ tìm những cuốn sách hình, sách có tranh ảnh hoặc sách về truyện cổ tích. Em sẽ không tìm những cuốn sách dày dành cho người lớn hay truyện tiểu thuyết. Sở dĩ em làm như vậy là vì em biết rằng lứa tuổi người lớn và trẻ em khác nhau nên phải đọc sách khác nhau. Người lớn đọc sách của người lớn, trẻ em đọc sách của trẻ em.
Thầy Bảo ngừng đọc, nhìn con chị:
- Mặc dù em có lý luận riêng của em nhưng hiểu biết vấn đề chưa được đúng đắn. Những lý lẽ trong câu trả lời không đáp ứng yêu cầu câu hỏi. Em nên để ý nhiều đến chữ bổ ích.
Đọc ánh mắt thất vọng và bất mãn của con chị, thầy Bảo nói:
- Cho thầy mượn tờ giấy làm bài kiểm tra của em.
Dứt lời, ông bước nhanh về phía bảng đen, đứng trên bục hỏi cả lớp:
- Các em nghe thầy đọc câu hỏi này và giơ tay lên cho thầy biết em nào muốn trả lời.
Thầy Bảo đọc câu hỏi số năm xong, vài cánh tay đưa lên. Con Lộc đứng dậy trả lời:
- Thưa thầy, theo em nghĩ muốn tìm những cuốn sách bổ ích và thích hợp với lứa tuổi của mình, em phải hỏi ý kiến và lời khuyên của cha mẹ, thầy cô, anh chị hoặc những người đã từng đọc sách. Những người đã từng đọc sách, sẽ biết cuốn sách nào là sách tốt và sách nào là sách không nên đọc, như thế họ có thể chỉ cho em tìm được một cuốn sách bổ ích.
Một bàn tay khác lại giơ lên và câu trả lời là:
- Em nghĩ là khi muốn có những cuốn sách tốt em phải hỏi kinh nghiệm của những người đã từng đọc sách như thầy cô, cha mẹ và những người có uy tín khác như cô chú, bác dì cậu mợ. Sở dĩ em phải làm như vậy vì những người lớn có uy tín này là những người đã đọc sách rồi. Họ biết sách nào nên đọc hay không nên họ có thể hướng dẫn cho mình. Nếu mình tự tìm đọc đôi khi đọc nhầm những cuốn sách xấu, không hợp với lứa tuổi của mình.
Thầy Bảo nhìn quanh lớp học:
- Các em có bằng lòng với những câu trả lời vừa rồi không?
Cả lớp gật đầu và thầy Bảo nói:
- Đúng như hai em vừa trả lời. Khi muốn đọc những cuốn sách bổ ích các em phải hỏi ý của những người lớn, những người đã từng đọc sách. Theo cách như thế các em mới tránh đọc những cuốn sách xấu. Lời lẽ và ý tưởng trong một cuốn sách có thể là thuốc bổ cũng có thể là thuốc độc cho bộ não của các em. Nếu các em lỡ đọc nhầm những cuốn sách xấu thì sẽ bị tiêm nhiễm những điều không hay. Bởi thế, các em không nên tự ý tìm sách để đọc. Thầy thấy hiện nay có nhiều cuốn sách dành cho trẻ em mà trong sách lại có đầy những tiếng lóng,  câu văn không đúng văn phạm, và hình ảnh nhố nhăng cho nên khi mua đọc các em phải cẩn thận.
Ngưng một lúc thầy Bảo giảng tiếp:
 - Trái lại một số em cho rằng sách dày và nhiều chữ là những cuốn tiểu thuyết chỉ dành cho người lớn mà không bao giờ dám tìm đọc thì sẽ không bao giờ có dịp tìm hiểu và thu thập được những tinh hoa trong những cuốn tiểu thuyết giá trị và những cuốn sách văn học nổi tiếng. Tóm lại, các em cần tham khảo ý kiến của người lớn để đọc được những cuốn sách bổ ích, và phòng ngừa những cuốn sách vô ích.
 Con chị cúi đầu. Nó nhớ những tủ kính đầy sách trong căn phòng của ông bác Cả, và khuôn mặt lạnh lùng của bà bác Cả rồi mỉm cười chua chát khi nghĩ đến chuyện bước vào ngôi nhà lớn và hỏi ông bác Cả nên đọc cuốn sách nào. Nó nghĩ đến cha mẹ của nó, người mà thầy và bạn đề cập đến chuyện tham khảo ý kiến để đọc sách, rồi lắc đầu. Ba nó đã thành người thiên cổ và mẹ nó là người chẳng bao giờ đọc sách là hai vấn đề tạo chung một hoàn cảnh khó khăn cho nó khi nó muốn tham khảo ý kiến tìm đọc những cuốn sách bổ ích mà thầy và bạn nó vừa nhắc đi nhắc lại. Nó chợt nhớ lại những cuốn sách có nhan đề tiểu thuyết mà nó chẳng bao giờ dám đụng đến vì nghĩ rằng những cuốn sách này chỉ dùng cho người lớn và những cuốn truyện tranh dành cho trẻ em như chú Thoòng với những lời giễu cợt lố lăng, những hình ảnh không thích hợp mà nó đã lầm mua, rồi lắc đầu một mình. Thấm sâu những lời giải thích của thầy Bảo, nó ngước lên nhìn thẳng vào mặt ông để nghe tiếp những lời ông răn dạy.
 - Số điểm bài làm mà các em có không quan trọng. Điều quan trọng là các em phải hỏi khi có thắc mắc để có được những giải đáp đúng. Như vậy, các em sẽ làm đúng trong đời sống hàng ngày hơn.
 Lật qua lại tờ giấy kiểm tra của con chị một lúc, thầy Bảo bước xuống, đến bàn cuối và đưa tờ kiểm tra về phía trước mặt con chị. Vươn hai tay để nhận nó, con chị chợt giật mình rụt cánh tay phải lại. Cánh tay vươn cao, thò ra ngoài tay áo dài để lộ ra mấy lằn roi sưng bầm và thâm tím. Nó vội xoay ngược cánh tay phải lại, và lúng túng dúi  cánh tay ấy dưới cánh tay trái để đón lấy tờ giấy bằng hai bàn tay theo phép lễ độ của trò đối thầy.
Thầy Bảo ngỡ ngàng, toan hỏi nó điều gì nhưng cử chỉ  ngượng nghịu và sắc mặt khá bối rối của nó khiến ông đành phải quay đi.
Con Mỹ Lệ thắc mắc:
- Đan Hạ bị sao vậy?
Con chị đỏ mặt:
- Hạ sợ thầy quá nên lúng túng, tay chân run lên như gặp ma đó mà!
- Không phải! Ý của Mỹ Lệ muốn hỏi là sao Đan Hạ có nhiều dấu roi trên cánh tay vậy?
Khuôn mặt của con chị tỏ ra bối rối nhiều hơn, nó nói thật nhỏ:
- Tại Đan Hạ “hoang” quá, leo hái khế trộm nhà nội, nên bị má đánh đó!
Dứt câu, nó không ngờ nó đã ứng đáp bằng những điều thêu dệt hay như thế; tuy nhiên, nó vẫn hồi hộp khi đôi mắt ngờ vực của con Mỹ Lệ, và ánh nhìn nghi ngại của thầy Bảo vẫn còn vương trong trí của nó. Không thể phủ nhận những vết tím bầm trên tay không phải là những dấu roi, nó chuẩn bị thêm những câu trả lời trong trường hợp bị hỏi dò hay hỏi vặn “Đan Hạ không hiểu vì sao Đan Hạ không bỏ tật leo cây nên bị má của Hạ đánh hoài đó Mỹ Lệ! Bởi vì má Hạ sợ Hạ bị nguy hiểm nên đánh cho Hạ sợ mà Hạ có chừa được đâu, Hạ thích leo cây hoài hà!”, “Dạ thưa thầy, em thường leo cây lắm! Má em sợ em té bị thương nên đánh em hoài mà em vẫn không từ bỏ được tính xấu này... Có lần em bị té từ trên cây khế cao xuống ngay trên lưng một con chó đang ngủ đến nỗi sau đó nó đau cả tháng đến chết. Chuyện xảy ra kinh khủng như vậy mà em vẫn không từ được cái tật leo cây nên bị má em đánh hoài...”
 May mắn thay cho con chị, thầy Bảo bận trả lời câu hỏi cho một đứa trong lớp và con Mỹ Lệ không hỏi nó thêm điều gì nữa. Một lúc sau, con Mỹ Lệ len lén chờ thầy Bảo quay lưng, thì thầm nhanh vào trong tai nó:
- Đan Hạ nghe lời má của Đan hạ đi! Đừng “hoang” nữa! Là con gái, leo cây làm gì cho bị  má đánh?
Con chị gật đầu nhưng không nhìn con Mỹ lệ. Nó nhìn những giòng chữ thầy Bảo viết trên bảng và tỏ vẻ chăm chú nghe ông giảng. Con Mỹ Lệ nhìn lên bảng, cũng tỏ ra chăm chú nghe thầy Bảo giảng giống như con chị nhưng sau đó nó kề miệng vào tai con chị nói thêm:
- Đừng cho các bạn thấy vết roi của Hạ. Đã học trường trung học rồi mà còn bị đánh, tụi nó cười chết!
Con chị quay sang nhìn con Mỹ Lệ và gật đầu. Cúi xuống nhìn chiếc áo dài trắng đang mặc, nó thầm cảm ơn chiếc áo dài đã che giấu toàn bộ những vết lằn roi trên da thịt để nó không phải nói dối thêm những lời đã được sắp sẵn kia. Thân thể của nó đang có rất nhiều vết roi. Những vết roi mà cả một tuần vẫn chưa được tan đi hết và có thể có thêm nhiều vết roi nữa tùy thuộc vào những ngày thứ ba sắp đến. Cố quên đi những dấu roi và không nghĩ đến những ngày thứ ba, con chị ngẩng đầu lên nhìn thầy Bảo. Lần này nó thực sự chăm chú lắng nghe giọng nói đều đều của ông đang vang vọng khắp lớp.