Phần 4 - 1
TRỞ LẠI VẤN ĐỀ TÌM HIỂU THÊM VỀ VỊ TRÍ SÀI GÒN

Có cả thảy mấy vị trí mang tên "Sài Gòn"
và tuỳ thời đại xoay hướng đổi chỗ như thế nào?
1. Prei Nokor,Sài Gòn của Cổ Cao Miên, trước năm 1680.
2. Đề Ngạn,nơi tụ tập của người Tàu, từ năm 1778.
3. Bến Nghé,nơi tụ tập của người Việt, từ năm 1790.
°
Đoạn này, theo tôi rất là quan trọng.
Tôi xin mở một dấu ngoặc, vừa để ôn lại những tài liệu đã biết rồi, vừa để nhơn đó, nhận định và tìm hiểu vị trí Sài Gòn, đã tuỳ thời, đổi chỗ như thế nào.
Có cả thảy ba vị trí đáng để chú ý nhứt:
1. Chỗ nào là "Cổ Sài Gòn" thành luỹ mà người Cam Bốt gọi là "Prei Nokor"?
Đời xưa, trước năm 1680, người Cam Bốt vùng Thuỷ Chân Lạp có một thành luỹ giữa rừng già, gọi "Prei Nokor". Nhờ những cuộc đào đất tìm cổ vật trước đây, khoảng năm 1940-1944, nghiệm ra Prei Nokor có lẽ ở vùng đồn Cây Mai (Phú Lâm) chạy dài tới vùng Chợ Quán, lối nhà cũ Hội quán Hội Đức Trí Thể Dục (S.A.M.I.P.I.C - Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle, Physique des Indigènes de Cochinchine) (nay là trụ sở cơ quan cố vấn quân sự Mỹ quốc, đường Trần Hưng Đạo), ăn luồn lên Gò Vấp và Bà Điểm.
Hội quán Đức Trí Thể Dục xây trên một nền chùa Thổ, nền này còn to hơn đường lộ rất nhiều; mấy mươi năm về trước, đào gặp tại đây đồ cổ đồng, tảng đá lớn, ngạch cửa bằng đá, đặc biệt nhứt là một cây đèn đồng ten xanh rất cổ tạc hình một hình nhân Thổ đầu đội mũ, chưn quỳ, hai tay dang một bồn để đựng dầu thắp, các vật này hiện có trưng bày nơi trung đường Viện Bảo tàng trong vườn Bách thảo. Sách sử cổ lại cho biết người Cam Bốt có ở vùng Thị Nghè, vùng Cầu Bông (cổ danh gọi "Cầu Cao Miên").Nơi đây, đã đào gặp một món đồ đất nung đặc sắc của người Cao Miên dùng. Từ Thị Nghè, người Miên ở giáp liên tiếp đến Gò Vấp, chạy dọc thẳng lên Biên Hoà, những nơi đất gò lên cao hoặc có giồng cát khô ráo. Kinh nghiệm cho ta biết phong tục người Khmer thích làm nhà trên chỗ cao ráo đất giồng, đã vậy còn thêm cất nhà sàn, cao cẳng; rất khác người Việt, tánh ưa tìm chỗ có sơn thuỷ: dòng nước, khúc quanh bóng mát, nhà nền đát, không nối cột làm cẳng cao như nhà Miên (B.S.E.I., năm 1942, trang 26).
Prei Nokor, định chừng ắt giữa khu đất giáp vòng có:
Đông: Gò Vấp qua Thị Nghè.
Tây: Phú Lâm.
Nam: Vàm Bến Nghé
Bắc: Bà Điểm.
Lõm giữa này, đất tư mùa khô ráo, tức nhiên đúng với sở thích người Cao Miên. Những chỗ nào có người Miên ở khi xưa, nay ta có thể đoán được không sai nhờ hai việc sau này: thứ nhứt, khi ta gặp một nền đát to lớn cao hơn vùng chung quanh (tỷ như vùng nhà Hội Đức Trí Thể Dục cũ trên đường Trần Hưng Đạo hoặc vùng Đồn Phú Lâm Chùa Gò, còn gọi là Phụng Sơn Tự); thứ nhì khi ta gặp gần nềncao thêm có cây "bồ đề”(còn gọi cây "đa”, cây “lâm vồ” vì bao giờ người Thổ cũng thích trồng cây thứ ấy để nhắc tích xưa Đức Phật Thích Ca đắc đạo. ngộ đạo dưới gốc cổ thụ loại này.
Theo bài Pháp văn “Souvernirs historiques” của cụ Trương Vĩnh Ký thì "chùa Cây Mai ngày xưa là ngôi chùa Chân Lạp, có ao hồ bao bọc chung quanh và dùng làm nơi đua thuyền trải những khi lễ Phật”. Vịn theo bấy nhiêu tài liệu vắn tắt nhưng hết sức quan trọng này, và nghiệm cho kỹ, ta biết vùng Cây Mai quả là một yếu điểm của người Miên xưa. Muốn đua thuyền (ghe ngo) thì nước bọc chung quanh Đồn Cây Mai chưa đủ dùng. Khúc đua phải dài trên năm ba cây số ngàn ghe ngo mới đủ sức lấy trớn thi tài. Như vậy khúc đua phải dài ra tới vùng nước Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) hoặc xa hơn nữa thì càng đắc thế; vả lại dọc theo đường Sài Gòn Mỹ Tho, tôi nhớ có một người Thổ nói với tôi đó là "Sre pren" (ruộng khô cạn nước). Theo tôi trước khi thành ruộng gò, có phải đây là di tích chỗ đua thuyền ghe ngo của người Chân Lạp chăng? Khảo ra đường nước Chùa Cây Mai ăn thông với con rạch trước đây gọi rạch Lò Gốm, rạch này bị lấp đi một phần khi xây xất khu Chợ Lớn mới.
Cho đến ngày nay, điển “Prei Nokor” đẻ ra Việt danh “Sài Gòn" chưa lấy làm ổn thoả. Muốn nói "Prei Nokor" là "rừng gòn" hoặc "rừng bò" hoặc "xứ ở giữa rừng" đều được. Điển đã "lạc Ông Bổn", mất căn rồi, thì ai muốn nói sao cũng được. Cắt nghĩa “Sài Gòn" do "Thầy Ngồnn" của Tàu cũng thông và nghe lọt tai hơn!