Chương 5

    
gười trong tỉnh không mấy ai là không biết rằng bên nhà cụ án và bên bà Thông quý mến nhau, đi lại với nhau mật thiết, chỉ vì những người trẻ tuổi thân nhau. Thế nhưng cũng đã có nhiều kẻ rỗi thì giờ bàn tán, đặt để những điều tiếng xấu. Họ kêu bà Thông có những bốn cô con gái nhớn, bà nghĩ đến việc sau này của các cô sớm như vậy là hơn. Họ bảo nhà ông Thông cũng chẳng giàu có gì, mà bên cụ án thì chỉ có độc một người cháu trai để thừa hưởng gia tài của cụ. Một vài người đàn bà mỉa mai khen bà Thông biết lo liệu khôn ngoan. Ở tỉnh nhỏ, không làm sao người ta ăn ở cho vừa lòng khắp mọi người được. Nhà nào cũng là cái bia cho dư luận. Bởi vì đời người phong lưu ở trong tỉnh nhỏ thường tẻ nhạt.
Phần đông người ta không biết làm thế nào để tiêu cho hết ngày giờ, nên người ta thường thích soi mói và để ý đến đời riêng của kẻ khác. Bà Thông cũng đã nhiều lần nghe u Ái đi chợ về kể lại cho nghe như vậy. Vì có nhiều kẻ tò mò không nhịn được, họ phải hỏi ngay người ở cùng nhà với bà Thông cho rõ chuyện mới thỏa lòng. Nhưng u Ái đã trả lời họ những câu mát mẻ để tỏ lòng khinh bỉ của người đầy tớ trung thành không chịu được người ngoài miệt thị chủ mình. Còn bà Thông, bà chỉ mỉm cười. Bà biết rằng nhà mình tuy nghèo thực nhưng lương thiện. Và các con mình tuy đương tuổi nhớn lên, nhưng lòng vẫn trắng trong. Bà chỉ nghĩ mừng cho cụ án đã đổi được tính tình xưa, nhờ thế đứa cháu trai của cụ mới trở nên khỏe mạnh, vui vẻ và chăm học. Bà Thông kính trọng cụ án như một người cha có tuổi, hơn thế nữa, như một người mà gia đình nhà chồng đã chịu ơn. Một đôi khi, nếu buổi chiều mát mẻ, cụ án cũng bảo cháu đưa sang nhà trước cửa. Bà Thông bảo các con pha nước, và chính bà thường thân hành đứng tiếp chuyện cụ và chuyên nước trà vào chén cụ. Cụ án cũng nhân dịp đó kể những chuyện ngày xưa, những kỷ niệm lúc thiếu thời, cho bà Thông và các con nghe. Nhưng không một lần nào cụ đả động đến việc người con trai của cụ và người đào hát. Tư đó, không ngày nào là Hòa và Xương không gặp mặt nhau. Hòa mỗi ngày lại tấn tới thêm lên một chút trong sự học. Bây giờ không cần ai nhắc nhở, Hòa cũng học hành ăn ngủ rất đều. Cụ án không thấy chàng thỉnh thoảng lại cáo ốm, vào buồng mình nằm hàng buổi như trước nữa. Và người thầy giáo của Hòa cũng vậy, cũng mỗi ngày lại ngạc nhiên thêm vì thấy cậu học trò mình thương mến như em không còn tỏ ra nhọc mệt, ngại ngùng trước những bài ra nhiều lúc khó khăn hóc hiểm.
Thầy giáo của Hòa là con trai một người thuộc hạ của cụ án, một kẻ tay chân người đồng hương của cụ trong khi cụ còn làm tri phủ ở một vùng xuôi. Chàng mất bố đã lâu, tuy đã đỗ bằng sư phạm nhưng vẫn chưa được bổ. Biết chàng cần phải kiếm tiền nuôi mẹ, vì thương tình người cũ của mình, cụ án nhắn chàng ở quê nhà lên kèm dạy cho Hòa. Nên Xương, Thịnh và Ái vì vậy cũng thành ra học trò của chàng trong một vụ hè. Thầy giáo Phúc tuổi hơn học trò không mấy nên chẳng được ai gọi bằng “ông” cả. Mà Phúc cũng không cầu gì hơn thế. Tính tình chàng vui vẻ, rất hợp với bốn người trai gái mà chàng yêu quý ngay tự lúc đầu. Buổi học nào cũng có vẻ anh em thân mật làm cho mọi người cùng cố gắng. Những ngày hè trong sáng đi qua rất êm đềm. Khu vườn của cụ án ngày nào cũng vang những tiếng đọc sách, tiếng cười nói của bọn thiếu niên sung sướng. Buổi chiều cụ án cho phép ông giáo dẫn học trò mình đi ra bờ sông hóng mát. Người ta thường thấy Hòa đi bên cạnh Xương bàn chuyện lên Hà Nội học. Xương thường giễu Hòa gọi đó là “câu chuyện tương lai”. Còn Phúc thì người ta nhận thấy rằng chàng săn sóc nhất là cô chị cả tên là Thịnh. Trong lúc học, trong lúc chơi, bao giờ Thịnh và Phúc cũng có vẻ quáến luyến nhau hơn cả. Có lẽ bởi vì Thịnh chỉ kém ông thầy của mình hai tuổi. Xương thì lúc nào cũng hình như không có gì thay đổi, dáng điệu vẫn nghịch ngợm như thường ngày. Thế nhưng Hòa biết rằng thiếu nữ vẫn có một sự gì giấu diếm mình. Hòa lấy làm bực tức một chút về chỗ đó. Đã lâu, chàng coi Xương như một người ruột thịt của mình, không có việc gì là chàng không nói với Xương. Vậy mà Xương tuy thân mật với chàng nhưng bao giờ chàng cũng có cảm tưởng là xa cách. Nhiều khi chàng thấy thiếu nữ đứng thờ thẫn một mình dưới gốc cây ở bờ ao, hay là Xương tuy vẫn nói chuyện với chàng, nhưng chàng biết là Xương nghĩ đâu vào chỗ khác. Ở gác nhà Xương có một gian buồng xép dùng làm chỗ chứa đồ đạc cũ. Xương thường thích ngồi trong đó một mình hàng giờ để lúc đi ra ngoài ánh sáng thì mắt long lanh và má đỏ bừng lên như người sốt rét. Mấy chị em đã hiểu tính Xương thường “khỉ” thế, nên chẳng ai lấy làm lạ cả.
Duy chỉ có Hòa là sửng sốt và lo lắng mỗi lần thấy mặt Xương biến đổi như một phong cảnh vừa qua khỏi cơn giông tố. Hòa để tâm rình. Và chẳng bao lâu chàng thỏa nguyện. Cái bí mật của Xương không có gì là bí mật nữa. Xương làm văn giấu mọi người. Thiếu nữ thường ngồi hàng giờ trên gác xép của nhà mình, chính là để viết tiểu thuyết gửi đăng một tờ báo nhi đồng trên Hà Nội. Hôm đó, Xương đi ra nhà dây thép để gửi bài, thì Hòa nấp ở bên một gốc cây chạy xồ ra giật lấy. Xương giật nẩy mình, nhưng lúc biết là Hòa thì nàng giận lắm.
- Hòa! Giả ngay đây! Tôi không bằng lòng Hòa chơi thế.
Hòa thấy rằng Xương giận thực. Chàng nhìn qua cái phong bì rồi đưa trả. Lòng đầy căm tức, chàng nói dỗi:
- Đây, mới đùa thế mà đã cáu. Tôi cứ tưởng là Xương không bao giờ giấu tôi một cái gì.
Sự thực thì Xương và Hòa đã hẹn nhau là không được giấu nhau một sự gì. Nhưng Xương cũng cứ trả lời rất ích kỷ:
- Nhưng việc này thì khác. Tôi không thể cho Hòa biết được.
Hòa mặt buồn thiu, lủi thủi quay đi. Chàng lẩm bẩm:
- Đàn bà chỉ được cái nuốt lời là giỏi.
Xương thấy hối. Thiếu nữ vội chạy theo Hòa và nắm vai người bạn lại. Nàng cúi đầu đưa cái phong bì ra cho Hòa đọc, và giảng nghĩa:
- Tôi sở dĩ giấu mọi người là vì tôi đương tập viết, sợ Hòa lại cười tôi. Nhưng ở trên Hà Nội, người chủ bút đã khuyến khích tôi và giục viết...
Hòa phá ra cười. Chàng gọi bạn gái của mình là “nữ sĩ”. Rồi chàng lại giật phăng cái phong bì ở tay Xương:
- Để tôi đi bỏ vào thùng thư cho! Như thế, tôi cũng được hân hạnh lây một chút.
Chàng nhìn Xương bằng con mắt ngạc nhiên mừng rỡ của người con trai mới tìm ra ở bạn thiết của mình một cái tài kín đáo. Chàng không phải nghi ngờ gì nữa. Xương thực xứng đáng là bạn chàng. Đây là một thiếu nữ kỳ quặc, nhưng không phải là không đáng phục. Xương không giống một người nào trong mấy chị em nhà. Không hiểu sao Hòa bỗng thấy mình kiêu hãnh vì Xương. Chàng nhìn kỹ lại người bạn gái, và lòng chàng đầy hạnh phúc, đầy há vọng. Hình như chàng vừa tìm ra một người mới lạ trong bạn cũ của mình. Hòa nói:
- Cũng may là Xương cho tôi biết rõ chuyện này. Nếu không tôi đã giận Xương rồi, và tôi không bao giờ kể cho Xương biết một câu chuyện lý thú mà Xương cần biết.
Xương tươi cười đứng sán lại Hòa có vẻ tò mò:
- Chuyện gì thế? Hòa kể ngay đi không tôi sốt ruột. Kể ngay đi! Kể ngay đi!
Hòa nhìn hai hàng cây lá xanh rờn mọc ở hai bên đường, lòng hớn hở. Chàng nói ngập ngừng:
- Tôi vừa bắt gặp anh Phúc và chị Thịnh ở trong vườn, lúc tôi chạy theo Xương đến chỗ này.
Xương nở một nụ cười chân thực. Nàng sốt ruột:
- Họ làm gì thế?
- Chị Thịnh đưa cho anh giáo một cành hoa hồng trắng. Và anh giáo nói rằng anh ấy sẽ giữ suốt đời...
Mặt Xương đương tươi cười bỗng trở nên cau có. Hòa nhìn Xương lo lắng:
- Xương làm sao thế?
- Làm sao? Thế là không tốt chứ làm sao? Tôi rất ghét những chuyện không đứng đắn như vậy. Thực là xấu hổ!
Hòa rất đỗi ngạc nhiên. Chàng thấy đôi môi của Xương hơi run tỏ rằng thiếu nữ cho việc đó là quan hệ. Chàng không hiểu. Nhưng Xương thì sực nhớ ra rằng ít lâu nay chị mình đã có cái gì thay đổi thực. Xương nhận thấy rằng ít lâu nay Thịnh có vẻ làm dáng nhiều hơn trước. Thịnh luôn hỏi khắp mọi người trong nhà xem tóc mình chải có đẹp không, hay ăn mặc có vừa không? Thịnh đi qua cái gương là thể nào cũng phải dừng lại ngắm mình một chút. Có lúc thì Thịnh vui quá, có lúc lại buồn rầu quá... Và có một đêm, Xương thấy Thịnh nói mê lảm nhảm và cười một mình trong giấc ngủ. Nhưng Xương không ngờ cái tên người đàn ông mà Thịnh thường nhắc tới trong giấc mộng thiếu nữ thanh tân lại tên là Phúc. Nàng giậm chân như nói một mình:
- Không thể như thế được! Làm sao chị Thịnh lại phải yêu một người nào khác chị em và bố mẹ!... Thịnh không sung sướng giữa chúng tôi? Tại sao Phúc lại làm siêu lòng Thịnh được? Trước kia, có việc gì Thịnh cũng nói với tôi. Bây giờ Thịnh lại có chuyện riêng tây. Thịnh đã thay đổi lúc nào rồi? Cái nhà anh giáo Phúc kia thực đáng ghét... Có lẽ hạnh phúc của chúng tôi sẽ do bàn tay anh phá vỡ...
Hòa nghe vậy thì tủm tỉm và cho Xương rất đáng buồn cười. Chàng quàng tay Xương âu yếm đáp:
- Ồ có gì là lạ? Trái lại lời Xương nói... một ngày kia đến lượt Xương, rồi Xương sẽ hiểu...
Xương giật tay ra mà chạy. Hòa tức thì đuổi theo ngay. Hai người chạy trên đường như hai đứa trẻ. Lúc đó không còn ai nghĩ đến chuyện nghiêm trang nữa. Hòa đương đuổi theo một cô bạn xưa nay vẫn chẳng chịu kém mình trong một cuộc chơi đùa nào ở vườn nhà. Hòa không sao đuổi kịp Xương, bởi vì Xương nhẹ nhõm hơn. Vả khi bắt đầu chạy được một quãng thì Xương đã bỏ dép ra cầm ở tay rồi. Hai người tới gần nhà đã thấy Thịnh đương tiễn Phúc ra đường. Tay Phúc còn cầm cành hoa hồng trắng, và chàng có vẻ dùng dằng chưa nỡ dứt ra về. Xương bỗng sa sầm mặt lại, khi trông thấy Thịnh. Nàng nhớ lại tất cả chuyện vừa qua. Sự tức giận ban nãy vùng nổi dậy. Nàng chạy vào quãng giữa Phúc và Thịnh như để chia rẽ hai người ra. Rồi nàng kéo tay Thịnh rất mạnh vào trong cổng.
Nhưng khi cánh cửa cổng ngoài đã khép lại rồi, thì Thịnh òa lên khóc, và xỉa xói Xương như chưa bao giờ thấy thế. Thịnh vừa tức vừa tủi thẹn, nên về đến nhà nàng liền trút tất cả những câu nặng nền cố nén ra ngoài. Mắt Thịnh đỏ hoe và đầy lệ. Mặt nàng xanh xám, tay nàng run lên khiến Xương phát sợ. Xương không ngờ rằng chị mình thường nhật dịu dàng, mà lúc này biến đổi ra đến thế. Nàng chợt hiểu rằng giữa phút này, Thịnh có thể thù ghét được mình. Thiếu nữ không nói lại được câu gì. Nàng cũng òa lên khóc như Thịnh, và, chạy tuốt lên căn gác xép của mình, nàng gục đầu vào tay mà nức nở rất lâu. Đó là lần đầu Xương thấy một đám mây đen đóng trên hạnh phúc của mình... Thịnh bây giờ đã có những mộng riêng nàng, những há vọng khác, một tình yêu khác, ngoài tình quyến luyến gia đình... Một ngày kia Thịnh sẽ rời bỏ hết để ra đi... Rồi dần dần mỗi chị em trong nhà cũng ra đi như vậy. Gian nhà sẽ trống trải chẳng còn ai. Cái tổ chung của mọi người có lẽ rồi cũng sẽ về tay khác. Gian nhà thân yêu sẽ chứng kiến nhiều sự vui buồn khác, không phải sự vui buồn của nhà Xương. Giữa cái phút chua chát trong đó mầm phân lá đương nảy nở, Xương đã cảm thấu được hết nỗi thê lương của lòng u hoài dĩ vãng mà tương lai sẽ lấp đầy cả cuộc đời nàng. Thu mình trong gian gác nhỏ, Xương nhặt nhạnh từng tiếng động, từng hơi thở, từng mùi gỗ mục, như muốn chôn tất cả vào một góc linh hồn, để sau này có thể nhớ lại mỗi lần nghĩ tới. Nàng nghe thấy như từ chốn xa vọng lại, tất cả tiếng cười giọng nói của mọi người yêu quý ở gia đình.
Những tiếng đó, sau này từ nơi dĩ vãng sâu thăm thẳm sẽ còn trở lại tỉ tê bên tai người thiếu nữ chiều nay, nhẹ như những bước đi trên nhung dạ, nhẹ như tiếng nói của những người đã khuất. Tất cả những cái gì sau này có thể trở nên cho nàng là an ủi, là cay đắng, Xương đều thấu rõ ngay tự lúc này, một cách vô cùng thấm thía... Hình như Xương đang cầm trong tay mình một kho báu sắp bị người ta chiếm đoạt: những giờ khắc tưng bừng của tuổi hoa niên, những ngày đầy hạnh phúc của cuộc đời êm lặng mà rồi đây nàng sẽ cố tìm lại, nhưng chỉ thấy hiện ra khoảnh khắc trong tưởng nhớ. Bởi vì, dòng nước chảy qua rồi không trở về nguồn cũ nữa, ta giơ tay hứng, chỉ thấy nước lọt qua kẽ tay thôi. Và lúc ta rút tay về, thì tay ta giá lạnh... Xương khóc suốt cả buổi chiều hôm đó, một buổi chiều mùa hạ đã tàn. Nước mắt chảy ra được rất nhiều cũng khiến lòng nàng dìu dịu. Xương nghe có tiếng Thuần và Ái gọi nàng ở dưới hiên nhà. Nàng lau mặt, lững thững bước xuống thang trong tâm đã rắp chịu theo số mệnh.