Chương 7

     a năm sau, Thịnh lấy Phúc, thầy học cũ. Việc đó không phải là dễ như người ta tưởng. Sau trận ốm của Thuần, Xương lại càng thấy cái hạnh phúc yêu quý của gia đình mình là mỏng manh. Xương đã cố hết sức giữ cho Thịnh và Phúc khỏi yêu nhau, Xương đã cố làm cho Thịnh thoát khỏi tay người đàn ông xa lạ đến chia rẽ chị em nhà. Nhưng vô hiệu. Xương không đủ sức thắng. Thịnh bao giờ cũng yêu mến gia đình, và coi đó là cái tổ êm vui nhất đời người, nhưng, vốn là một người con gái khôn ngoan và thiết thực, nàng nghĩ rằng cái tình yêu của Thịnh đối với Phúc không có gì là đáng sợ, không có gì đáng làm phiền lòng cha mẹ, chị em. Thịnh chỉ vâng theo cái luật tự nhiên của trời đất. Nàng đã là thiếu nữ, nàng đã là chị, nàng sẽ thành vợ, và bao giờ có con, nàng sẽ thành một người mẹ, như mẹ nàng. Có gì là trái ngược?
Thế là lâu dần, Xương cũng phải cho là Thịnh có lý hơn mình. Lòng ghen tuông của nàng đối với mối tình tha thiết của chị cũng nhạt dần. Và rồi chẳng mấy chốc mà Xương hiểu rõ được người chị cả. Với lại, Xương cũng không còn là một người con gái nhỏ dại như xưa nữa. Cuộc đời đã mỗi ngày đem lại cho nàng một bài học từng trải và kinh nghiệm. Không muốn trở nên kẻ thù của Thịnh và Phúc, người đàn ông đã chiếm được lòng yêu của chị mình, Xương lại trở nên “đồng đảng” của hai người để bênh vực hai người mỗi khi có chuyện lôi thôi với bà cô. Bởi vì, người ta đã đoán ra, cả phố và gần cả tỉnh, không mấy người là không để ý đến Thịnh, cô con gái lớn nhất của bà Thông, và người thầy giáo bên nhà cụ án. Một vài người đã nói đến tai bà Cả. Và bà Cả cho đó là một điều không thể tha thứ được. Nhà ông Thông, vì vợ con vụng dại nên nghèo, nhưng Thịnh, cháu bà, không có thể lấy một người không danh giá, không tiền của như giáo Phúc được. Cái chức giáo học ở một tư gia đối với bà cô ác nghiệt, chỉ là một cách để “kiếm cơm” tạm bợ thôi. Bà Cả xưa nay vẫn cho rằng Thịnh nhan sắc hơn tất cả nhà, thì ít ra cũng có thể làm dâu một nhà giàu có và danh tiếng nào trong tỉnh để ý tới. Mà nếu vợ chồng ông Thông nghèo, không lo được việc cưới xin cho chu đáo, thì đã có bà ở đấy. Bà sẽ giúp tiền cho cháu gái làm vốn khi xuất giá. Bà sẽ lo liệu hết. Nhưng, nếu đã lấy anh chàng giáo khổ này thì mặc kệ.
Nhà ông Thông còn những ba cô con gái phải gả chồng, không phải là ít ỏi gì. Nếu đứa đầu không lấy được nơi khá giả, thì những đứa sau này thành ra khó lọt. Bà Cả rất lấy làm bực tức. Bà không hiểu sao em mình lại dung túng cho con gái đến như vậy được. Và không hiểu ông Thông có biết gì đến những lời đồn trong tỉnh rồi không? Một buổi trưa, bà nhất định đến để hỏi cho ra chuyện, bởi vì bà nghĩ dù sao mình cũng là chị ông Thông, dù sao mình cũng có một chút quyền hành ở trong gia đình của em mình. Hôm đó ông Thông đương nằm nghỉ ở trên gác. Từ buổi xin về hưu sớm vì sức yếu, ông vẫn ở nhà. Thường thường ông chỉ nằm xem sách ở trên gác một mình. Thịnh ra mở cửa cho cô. Nhìn vẻ mặt người cô hôm đó, nàng đã hiểu là cô mình định đến để làm gì rồi. Bởi thế khi bà Cả hỏi đến ông Thông, thì Thịnh nói ngay là ông Thông đi vắng. Nhưng bà cô nào có tha đâu. Bà thấy chỉ có một mình Thịnh ở trong nhà, thì bà bỗng lại nhớ ngay đến những lời đồn đại về cô cháu gái. Thế là bà phát cáu. Bà không muốn trở về mà chưa nói được câu gì, nên bà nói thẳng ngay với Thịnh:
- Này, tôi hỏi, thế ra bây giờ cô định bêu xấu cả họ hàng, và cô đi chơi ngoài đường với một người đàn ông có phải không? Con gái đời bây giờ thực là hư hỏng quá!
Thịnh đỏ mặt lên hỏi lại:
- Thưa cô, cô muốn nói gì con không hiểu.
- Tôi muốn nói gì, cô không hiểu? Vậy chứ cô đi chơi với ai ở ngoài đường để cho thiên hạ người ta bàn tán, cô có hiểu không?
- Cô định nói đến ông giáo Phúc?
- Hả, ông giáo Phúc... Bố mẹ cô thực là quý hóa! Ai đời lại để cho con gái như vậy bao giờ? ông giáo Phúc hay là một anh khố rách? Cô phải biết là bổn phận cô phải giữ gìn, đứng đắn. Và mặt mũi cô như vậy, thì có thể chọn được nơi sang trọng hơn nhiều.
- Bổn phận?
- Ừ, bổn phận cô là phải làm đẹp mặt đẹp mày cho họ hàng một tý thì hơn. Tôi cũng định cho cô ít tiền làm vốn bao giờ cô lấy chồng. Nhưng đã thế thì đừng hòng. Không có một xu nào cô ạ.
Mặt Thịnh đương đỏ bừng, bỗng trở nên tái mét. Môi nàng run lên, mắt nàng sáng quắc:
- Thưa cô, bao giờ cô cũng nói đến tiền của cô. Nhưng dẫu anh Phúc là một thằng khố rách, dẫu chúng tôi là những kẻ không danh giá, chúng tôi cũng cứ lấy nhau, và không bao giờ cần đến tiền của cô cho mới sung sướng được. Xin cô hiểu thế. Và xin cô cũng đừng khuyên bảo chúng tôi vô ích!
Bà Cả đứng nghẹn ngào như tắc thở. Bà không ngờ Thịnh ngày thường lễ phép là thế, mà bây giờ bỗng nhiên đổ đốn thế. Nhưng Thịnh nói dồn luôn:
- Anh Phúc là một người lương thiện, là một người tốt bụng. Anh ấy không xui giục tôi và cũng không bắt buộc tôi. Anh ấy đối với tôi là một người bạn quý mà tôi chịu nhiều ơn, vì anh biết giúp đỡ tận tâm người khác trong lúc cần phải giúp. Cô xem vậy thì thiên hạ có nói gì cũng vô ích. Vì thưa cô, tôi biết là tôi yêu anh ấy, và anh ấy cũng yêu tôi thành thực. Tôi không bao giờ lấy một người nào khác người tôi đã chọn.
Bà Cả định nổi giận và mắng nàng một chập, nhưng nàng lại nói luôn ngay:
- Bây giờ thì xin cô trở lại nhà nằm nghỉ cho khỏe, để mặc xác người khác lo liệu lấy đời mình. Như vậy còn hơn là cô làm ầm lên vô ích!
Bà Cả uất người lên, vội vã đi về và thề sẽ không bao giờ còn bước chân đến nhà em và cháu nữa.
Tuy vậy bà vẫn đợi vợ chồng ông Thông sẽ đem con đến xin mình nghĩ lại. Nhưng cả ông Thông và bà Thông cũng lại cho con gái mình không trái. Và sự can đảm của Thịnh đã làm cho Xương thầm kính phục chị dám đương đầu với bà cô ghê gớm để bênh vực cho cái tình yêu của đời mình. Trong hai tháng, không ai đi lại nhà bà Cả nữa. Vậy là, người đàn bà giàu có đành nhượng bộ. Vì bà hiểu là dẫu sao bà cũng vẫn yêu các cháu bà, nếu bà cứ nhất định không đi lại nhà em nữa, thì rồi bà sẽ chết một mình trong ngôi nhà rộng vắng, mà của cải của bà cũng sẽ thuộc về tay kẻ khác. Như vậy thì ai oán quá! Một hôm, bà Cả sai người gọi Xương sang ngay để cho bà nhờ một chút, nói rằng mình ốm. Cả nhà biết là bà Cả nói thác ra thế để gợi lòng thương của mọi người, nên giục Xương phải sang ngay. Khi Xương tới, bà Cả liền lấy ra hai đôi vòng vàng và hai chiếc nhẫn đưa cho nàng mà gắt:
- Đây, tôi biếu cô và cô Thịnh. Chúng mày đều là đồ vô lễ vô phép cả, nhưng con gái nhớn rồi, chẳng lẽ không có một chút đồ nữ trang gì ở trên người, thiên hạ họ cười cho thì đẹp mặt!
Rồi không để cho Xương kịp cám ơn, bà nói ngắt luôn:
- Bây giờ thì cô cầm cuốn truyện này đọc cho tôi nghe vài đoạn... Đừng thấm nước bọt vào tay mà giở thế trông không lịch sự chút nào! To xác bằng này rồi mà ngu lạ!
Vậy là vẫn như xưa, Xương đọc cóc nhảy từng quãng một, khi đã nghe có tiếng ngáy của bà cô. Những nhân vật trong truyện hành động nhanh như chớp, cho đến khi bà cô ngủ rất say, thì Xương lại rón rén ra về...

*

Thịnh và Phúc đã làm lễ ăn hỏi. Nhưng vì Thịnh còn trẻ quá, nên người ta muốn hôn lễ để lâu một chút. Ngày tháng dần qua. Thịnh sửa Soạn gối chăn sống áo để bước sang đời làm vợ. Nàng vui như một con bướm trong nắng mới. Xương thấy chị mình hơi gầy đi một chút. Nhưng nàng hiểu đó là cái gầy của những người thấy hạnh phúc đầy tràn quá trong lòng.
Còn Thuần thì từ ngày khỏi bệnh, da mặt Thuần lại càng xanh hơn trước. Nàng héo lả như một cánh hoa hồng giữa tiết hè thiêu đốt. Thiếu nữ không còn hay đi ra vườn và dự các cuộc vui đùa của chị em như trước nữa. Ái phải thay Thịnh trong việc bếp nước và xếp đặt mọi việc trong nhà. Nàng không phải đi học nữa, và lấy làm kiêu hãnh vì được đóng vai nội trợ. Nhưng thiếu nữ vẫn không quên nghề vẽ. Ái thường sao nhãng cái cán chổi lông gà phủi bụi để cầm những bút chì xanh đỏ và hộp thuốc vẽ còn sót lại. Vì thế, tuy đôi khi nhà cửa không được ngăn nắp lắm, nhưng bù lại, phòng khách đã có được thêm một hai bức vẽ của nàng. Ái vẽ những góc vườn yên tĩnh mà nàng yêu mến, Ái vẽ những con mèo nhỏ của Thuần, Ái vẽ những phong cảnh trên bờ sông Châu... Những bức vẽ của nàng cũng nhiều khi linh động và đầy ý nghĩa, đầy sáng kiến. Chỉ có Xương là thay đổi nhiều hơn hết. Nàng thường xa lánh chỗ đông người. Và người ta thường thấy nàng ngồi viết lách rất lâu trong cái xó gác cũ của nàng. Nàng xóa gạch bao nhiêu hàng chữ. Nàng mất bao nhiêu là trang giấy trắng. Nàng đuổi theo bao nhiêu là câu chuyện do mình tưởng tượng ra, hoặc buồn rầu, bi đát, hoặc khôi hài hay rùng rợn để viết cho những tờ báo có đăng tiểu thuyết.
Nhiều khi, Thuần mon men đến với nàng, thì Xương thường đọc cho em nghe vài đoạn văn minh, khiến Thuần phải hoảng sợ vì những cử chỉ quá tàn bạo, quá sỗ sàng của những người trong truyện. Hay là Thuần rưng rưng khóc vì một cảnh buồn thảm quá do Xương bịa đặt trong truyện của mình.
Ngày tháng dần qua... Hòa đã theo học ở một trường lớn trên Hà Nội. Và cụ án cũng đã nhờ người vận động cho Phúc được bổ giáo học ở một miền quê Thanh Hóa. Với cái lương đi dạy học của chàng và chút vốn riêng mà bà Cả đã cho, Thịnh có thể sống với chồng một cách phong lưu được. Không bao lâu, đã đến ngày cưới Thịnh. Nàng mặc một chiếc áo thêu kim tuyến màu hồng. Nàng đẹp như một cô tiên, làm cho chị em nhà ngơ ngác. Đó là một ngày nắng ráo giữa tháng mười. Tia nắng ấm áp chiếu qua các cành cây kẽ lá ngoài vườn. Trời đất cũng như vui mừng mà chia sẻ nỗi hân hoan của lòng người thiếu nữ buổi vu quá. Bà Thông thấy lòng mình thắt lại khi nhìn trộm người con gái đầu sắp sửa về nhà chồng nhẹ nhàng đi lại trong phòng khách. Bà mẹ đã thấy con nhớn lên từng lúc một. Ngày nay Thịnh đã là một người đàn bà hoàn toàn xinh đẹp. Thịnh sắp đến giờ từ giã gia đình. Ái thì mải lúng túng với cái áo mới may cùng màu với cô dâu. Lòng nàng cũng bối rối hơn lòng người thiếu nữ khi xuất giá. Ái nhìn gương đến trăm bận, chỉ lo không được đẹp lúc người bạn học của Hòa cùng ở Hà Nội về ăn cưới Thịnh với Hòa. Hòa mấy hôm trước đã báo tin cho Xương biết là thể nào chàng cũng mời một người bạn học cùng lớp ở trong trường về để đưa dâu cho thêm phần vui vẻ. Tất cả mọi người đều lộ vẻ vui mừng. Chỉ có Xương là thờ thẫn như người mất trí. Nàng đi lại trong vòng rộn rịp của mọi người, nhưng lòng nàng thì vắng ngắt. Nàng nhìn từng thứ đồ vật trong nhà và nàng thấy chúng đều có một bộ mặt lạ lùng khác hẳn trước kia rồi. Cái ngày sung sướng này sẽ thấy Thịnh bước đi xa khỏi chị em... mãi mãi.
Và gia đình chung của bốn người sẽ không giống khi xưa nữa. Xương lại thấy cái đau đớn lầu đầu nghe tin Thịnh có tình cùng kẻ khác bóp chặt trái tim. Nàng đi ra vườn, bước trên bãi cỏ xanh mà bốn chị em vẫn chơi đùa ngày bé. Đến một gốc cây ổi, nàng không quản đến bộ quần áo mới, liền ngồi xuống đó, và lặng người đi. Trong nhà tiếng cười nói ồn ào của họ hàng lọt đến tai nàng từ nơi cửa rộng. Xương thấy quả tim nặng nề như muốn vỡ. Bỗng nàng nghe thấy có bước chân tiến lại gần mình.