Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 24

Trang Chi Điệp lơ mơ loạng quạng về đến nhà thì đã mười một giờ đêm. Ngưu Nguyệt Thanh đi vắng. Liễu Nguyệt oán trách anh, đã nói trước đi đến nhà Tư Mã Cung, cả Mạnh Vân Phòng và Triệu Kinh Ngũ đều đến, cứ chờ anh, chờ mãi không thấy tăm hơi đâu, Ngưu Nguyệt Thanh đành phải thay mặt anh đi cùng hai người. Trước khi đi lại phát hiện không có bức tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên, mới nghĩ ra trưa nay anh ra đi có đem theo một cuốn tranh, đành bảo Triệu Kinh Ngũ đi ra chỗ cửa hàng tranh lấy lại một bức vốn giữ ở đó.
Liễu Nguyệt hỏi:
Anh đi đâu vậy?
Trang Chi Điệp đáp:
Đi tìm A Xán.
Liễu Nguyệt có phần bực bội:
A Xán quan trọng bằng vụ kiện này ư?
Trang Chi Điệp lạnh lùng đáp:
Đương nhiên quan trọng.
Nói xong, đi vào  buồng ngủ, song lại quay ra, tay cầm một cái thảm len ra ngủ trên ghế sa lông ở phòng sách.
Mạnh Vân Phòng, Triệu Kinh Ngũ và Ngưu Nguyệt Thanh đã  đến nhà Tư Mã Cung. Thái độ của Tư Mã Cung hoà nhã, pha trà, mời thuốc, còn giở tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên nhận xét một lúc. Sau đó bảo:
Anh Châu đã nói với tôi mấy lần về chuyện khởi tố của Cảnh Tuyết Ấm. Tôi đã đọc thư khởi tố. Vợ chồng Cảnh Tuyết Ấm cũng đến gặp tôi nói chuyện. Người đàn bà không chỉ là một người có phong thái, mà còn rất cứng rắn mạnh mẽ. Tôi cũng nhận ra ở chỗ sâu thẳm trong trái tim của chị ta còn có phần tình ý với Trang Chi Điệp. Nghe giọng nói thì phần nhiều là không nói rõ trước mặt chồng, hơn nữa là co nem cán bộ cao cấp, luôn luôn thuận lợi, chưa từng bị oan ức cản trở bao giờ. Mà khi sự việc xảy ra, toà soạn tạp chí, tác giả và cả Trang Chi Điệp luôn luôn cư xử không mềm mỏng với người ta, không xuống thang. Cho nên sự việc ngày càng căng thẳng, dẫn tới bước không thể thông cảm tha thứ cho nhau, không thể hoà giải với nhau. Biện pháp tốt nhất là nói với chị ta rút đơn, bây giờ xem ra khó khăn đấy. Tôi cũng từng nghĩ xử lý nguội, không nói lập hồ sơ, cũng không nói không lập hồ sơ, cứ để đấy một thời gian, có lẽ chị ấy nguôi giận đi bình tĩnh lại cũng có khả năng rút đơn kiện. Nhưng chị ta ngày nào cũng đi gặp chánh án, gặp viện trưởng, chất vấn tại sao lập hồ sơ chậm trễ? Chiều nay viện trưởng đến thông báo lập hồ sơ, nên vụ án này đã lập xong hồ sơ.
Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong sợ hãi như sét đánh ngang tai, cũng không nói được câu nào. Mạnh Vân Phòng liền hỏi:
Vệc này không có khả năng lùi một bước được hay sao?
Tư Mã Cung đáp:
Không thể được, trừ phi các anh chị thay đổi được ý định của viện trưởng. Nhưng là viện trưởng, ông ấy cũng không thể lại bác bỏ quyết định lập hồ sơ.
Ngưu Nguyệt Thanh uất ức đè nặng trái tim, nước mắt chảy lã chã, vội vàng đưa tay lau, song mũi cay cay, cứ hít liên tục. Mạnh Vân Phòng liền bảo:
Chị viêm mũi chưa khỏi à? Ti có giấy lau đây.
Ngưu Nguyệt Thanh lập tức biết mình mất thăng bằng, nói:
Tôi có giấy.
Nói rồi chị đi vào nhà vệ sinh, lại khóc nữa, lau xong, bình tĩnh lại bước ra. Tư Mã Cung lấy trong hộp một cái kẹo mời Ngưu Nguyệt Thanh, chị tươi cười nhận kẹo, song giữ trong tay, nói:
Đồng chí Tư Mã, đồng chí nói tiếp đi.
Tư Mã Cung nói:
Đã lập hồ sơ cũng chưa hẳn đã chứng tỏ người khởi tố sẽ thắng. Ai thắng thau kiện, phải sau khi toà án điều tra toàn diện, căn cứ theo điều khoản của luật pháp mới phán quyết kết quả. Trang Chi Điệp không đến, các anh chị về bảo anh ấy chủân bị tâm lý chu đáo sẵn sàng đến thưa kiện, chờ khi nào chuyển tới tay bản sao đơn khởi tố phải viết một bản trả lời và biện hộ thật tử tế. Sự việc cứ thế mà làm nhé, tôi cũng không tiện giữ các anh chị ở lại, hồ sơ đã nhận trong tay, tôi cũng phải tránh tiếp  xúc với hai bên đương sự tại nhà. Các anh chị cũng cầm tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên về nhé!
Nói xong quay vào buồng ngủ xem tivi và nói với con:
Con tiễn các chú và dì ra về nhé!
Ba người đành phải đứng dậy ra cửa, vội vàng trao đổi với nhau tại lối đi nhà gác một lúc, rồi trở lại nhà Bạch Ngọc Châu. Bạch Ngọc Châu hỏi han tình hình, cứ luôn mồm cằn nhằn:
Mấy ngày nay các vị đi đâu cả thế? Trời mưa tầm mưa tã như thế, mà tôi đã hai lần gặp một người đàn bà chặn viện trưởng ở cổng toà án nói chuyện. Tôi hỏi ai vậy. có người bảo đó là Cảnh Tuyết Ấm. Nhưng các vị thì đến quá chậm! Hôm nay ông Điệp cũng nên đến mới phải chứ, trước pháp luật ai nấy đều bình đẳng, đừng câu nệ danh nhân hay không danh nhân. Nếu thua kiện thì đấy chẳng phải tổn thương đến thanh danh của danh nhân hay sao?
Ngưu Nguyệt Thanh liền nói:
Anh Châu phê bình rất đúng, chuyện này đều tại chúng tôi. Cũng do mưa lũ, chủ tịch thành phố cứ kéo Trang Chi Điệp đi theo viết bài, không sao đến sớm được. Tối nay cũng do chủ tịch thành phố điệu đi. Anh ấy làm sao không đi được cơ chứ? Hôm nào đó nhất định nhà tôi sẽ đến thăm anh và thẩm phán Tư Mã Cung. Vừa giờ thẩm phán Tư Mã Cung có thái độ tốt đấy, còn nói thế nào, thì chúng tôi quả tình chưa nắm bắt được.
Bạch Ngọc Châu nói:
Ông ấy nhận cụ thể vụ án này rồi, lời nói cũng chỉ dừng ở mức này thôi, không thể có thái độ rõ rệt với một bên ngay được, ngộ nhỡ nói ra, đối phương phản ánh lên rách việc. Tôi nói một câu không nên nói, pháp luật chỉ là bộ luật, nhưng vẫn do con người thực hiện cơ mà!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
Anh Châu ạ, chúng mình đều là chỗ bạn bè, việc này hoàn toàn dựa vào anh, việc lập hồ sơ thì lập hồ sơ, nhưng xử án thì lại chỉ có anh là có thể nói chuyện với thẩm phán Tư Mã Cung được.
Bạch Ngọc Châu nói:
Điều này chị cứ bảo anh Điệp yên tâm, mặc dù sự việc kết quả thế nào, thì Bạch Ngọc Châu này phải cố gắng hết sức.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
Vậy thì tại sao nói dù cho kết quả thế nào? Điều này tôi thấy lại là một vực sâu thăm thẳm.
Bạch Ngọc Châu thừ ra một lúc rồi đáp:
Thế này nhẹ bây giờ tôi làm mấy đĩa thức ăn nguội, sang mời Tư Mã Cung đến uống rượu. Đương nhiên ông ấy biết mối quan hệ giữa tôi với anh chị. Nếu ông ấy không chịu đến, có nghĩa là sau khi xem thư khởi tố, ông ấy tất sẽ cảm thấy sự việc khó khăn, nếu thế thì không hy vọng lắm. Nếu ông ấy đến, thì việc này có hy vọng ba phần. Sau khi đến, tôi sẽ cho ông ấy tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên, nếu ông ấy không nhận, thì sự việc lại không có hy vọng. Ông ấy sợ nhận vào, sau này xử các anh chị thua kiện thì sẽ e thẹn, nếu nhận thì sự việc lại có hy vọng sáu phần. Nhận tranh chữ, lại uống mấy chén rượu, tất nhiên tôi sẽ hỏi về vụ án này. Nếu ông ấy ngậm miệng không nói, thì việc lại khó khăn. Ông ấy không dám nói đại với tôi, chứng tỏ trong lòng ông ấy chưa có bài bản, hoặc đã có khuynh hướng. Nếu ông ấy vui vẻ nói, thì sẽ chưng cầu ý kiến của tôi, như vậy thì đã có tám chín phần hy vọng.
Ngưu Nguyệt Thanh khen rối rít. Mạnh Vân Phòng nói:
Ái chà anh Châu ơi, trong bụng anh chứa đầy "Thuỷ Hử" rồi đấy, những lời nói vừa rồi sao giống Vương Bá nói thế!
Bạch Ngọc Châu trả lời:
Tôi thích đọc hơn cả vẫn là "Tam quốc diễn nghĩa".
Ngưu Nguyệt Thanh bảo Triệu Kinh Ngũ mau mau ra chợ họp đêm ngoài phố mua mấy món thức an nguội và rượu về. Bạch Ngọc Châu bảo trong nhà sẵn có. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh vẫn đưa tiền bảo Triệu Kinh Ngũ đi mua. Một lúc sau, Triệu Kinh Ngũ xách về ba chai rượu Ngũ hương dịch, một gói dạ dày lợn đã cho sẵn mùi vị, bảy cái móng chân lợn dầm tương, năm quả trứng muối, một con gà quay ngũ vị hương và một gói lưỡi lợn. Bạch Ngọc Châu liền bảo bọn họ nấp ở dưới gác, còn anh ở đây lấy dóng cửa sổ làm tín hiệu. Lần thứ nhất mở cửa sổ là Tư Mã Cung đã đến. Đóng cửa sổ vào là đã nhận tranh chữ. Lần thứ hai mở cửa sổ là chứng tỏ đã nói đến chuyện vụ án. Nếu đóng cửa sổ lần thứ hai thì các anh chị có thể yên tâm ra về.
Ba người liền xuống gác ngồi xổm ở chỗ chân tường đối diện đường cái, bắt đầu theo dõi cánh cửa sổ của gia đình anh Châu. Quả nhiên trước tiên cánh cửa sổ được mở ra, ba người nhìn nhau cười, sau đó sốt ruột mong cửa sổ đóng lại, nhưng lâu lắm không thấy đóng. Người qua lại trên đường cái đã thưa lắm, chỗ đầu ngõ phố xa xa đàng kia là một chợ đêm, nghe rõ có người đang cãi nhau, cãi nhau chán chê, rồi giành nhau. Mạnh Vân Phòng quay đầu nhìn một lúc, cảm thấy vô vị, ngồi xổm xuống chân tường nói:
Kinh Ngũ ơi, cậu còn trẻ, không mỏi cổ. Cậu hãy bám sát cái cửa sổ kia nhé, mình nhắm mắt dưỡng thần một chút.
Nói rồi cởi một bên giày làm đệm ngồi, còn chân không giày gác lên chân kia, vừa gục đầu đã ngáy long sòng sọc. Khoảng hai mươi phút sau có bóng người hiện ra trước cửa sổ, cánh cửa liền khép lại. Triệu Kinh Ngũ lay lay Mạnh Vân Phòng nói:
Thầy Phòng ơi, Tư Mã Cung nhận tranh chữ rồi!
Mạnh Vân Phòng không nói gì, Ngưu Nguyệt Thanh lên tiếng:
Anh ấy mệt rồi, cứ để anh ấy ngủ. Kinh Ngũ này, cậu cũng ngủ gật đi!
Triệu Kinh Ngũ trả lời:
Tôi không buồn ngủ. Thầy Phòng có một con mắt, mở suốt ngày, sự mệt mỏi của hai con mắt dồn cả vào một con gánh chịu. Thầy Phòng nên  chợp mắt.
Nhưng Mạnh Vân Phòng đã cất giọng:
Cậu đánh rắm thối đấy à,Kinh Ngũ!
Triệu Kinh Ngũ bảo:
Thì ra thầy không ngủ ư?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Mình mới thật sự mắt nhắm mắt mở. Hai người có nghe tiếng gì không?
Triệu Kinh Ngũ và Ngưu Nguyệt Thanh liền đáp:
Chợ đêm thôi đánh nhau rồi.
Mạnh Vân Phòng nói:
Các bạn nghe xem, hình như Chu Mẫn lại lên tường thành thổi huyên thì phải.
Hai người lắng nghe, quả nhiên lóang thoáng có tiếng huyên thật. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
Chu Mẫn cũng khổ tâm lắm, đêm nào cũng lên đấy thổi, nhưng cậu ấy thổi huyên gì mà buồn tê buồn tái, càng thổi ngược lại càng xúi quẩy.
Mạnh Vân Phòng nói:
Anh chàng này không phải người yên phận, cậu ấy tâm tính cao, vận không tốt. Mình đã xem tướng cho cậu ấy. Trên sống mũi có một nốt ruồi. Người nào có nốt ruồi trên sống mũi suốt đời sống cô đơn, muốn làm nên sự nghiệp, thì lại trở thành việc lớn chẳng ra sao, không làm nên sự nghiệp, thì đâm ra lẩn thẩn.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
Tôi cũng cảm thấy thế. Cậu ta cuỗm Đường Uyển Nhi bỏ chạy, thì phải bỏ nhà bỏ cửa, vừa đến Tây Kinh thì xảy ra nông nỗi này. Mình không dám nói cậu ta có bụng dạ xấu gì, nhưng sao cứ khuấy nẩy đom đóm mắt lên như thế. Thôi, không nói đến cậu ấy nữa. Uống rượu đến lúc này, Bạch Ngọc Châu đã say khướt mà quên nhắc đến chuyện vụ án chăng?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
Bạch Ngọc Châu không dám đâu. Đáp ứng được người thì việc nhỏ, làm lỡ việc người thì chuyện lớn, thầy giáo Điệp không phải là người thường, hơn nữa, anh ta uống rượu do bọn này bỏ tiền ra mua. Thầy Phòng ơi, thầy xem được tướng cho Chu Mẫn, thì thầy cũng xem cho tôi với chứ!
Mạnh Vân Phòng đáp:
Tôi không xem cho cậu, nhưng tôi chỉ nói một điểm, mấy hôm nay cậu đại tiểu tiện khó khăn đấy!
Triệu Kinh Ngũ hỏi:
Sao thầy biết?
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
Mạnh Vân Phòng giỏi thế cơ à?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Đương nhiên rồi, mình dùng phép "Kỳ môn" đấy. Cậu cứ thử nhìn phương hướng và vị trí cậu ngồi xem. Ba người mình ngồi đây một cách tùy tiện, nhưng cậu lại ngồi dưới cột đèn đường, bóng đèn đường này hình tròn, vậy có giống cái thứ kia của cậu không? Nhưng chụp đèn này bị đứa trẻ con nào đó ném đá làm vỡ một nửa, chứng tỏ chỗ ấy của cậu có vấn đề. Tôi còn có thể nói với cậu, trong ngôi nhà ở bên trái kia chắc chắn có một người độc thân ở! Tại sao ư? Cây hoè trước cổng nhà anh ta trơ trọi, không cành không lá, chỉ là một cái cọc. Lúc vừa đến mình đã cảm giác như thế, không tin cậu thử đi hỏi xem?
Triệu Kinh Ngũ đứng dậy bảo:
Nhà có đèn sáng kia à, tôi đi đến đấy mượn cớ xin lửa xem xem.
Vừa định đi thì kêu lên:
Cửa sổ đã mở rồi!
Ngưu Nguyệt Thanh mừng rỡ nói:
Anh Châu này được đấy, sau đây mình phải cám ơn và đền bù người ta tử tế mới được – lại nói luôn – thôi đừng đi nữa Kinh Ngũ ạ, cậu đi hỏi người ta là kẻ sống độc thân thì thầy Phòng của cậu càng thêm đắc ý. Nếu không phải thì nét mặt già cỗi của thầy Phòng của cậu lại buồn thỉu buồn thiu. Cậu và thầy Phòng của cậu đi ra chợ đêm kia mà ăn cá nướng đi.
Nói rồi dúi vào tay Triệu Kinh Ngũ bốn mươi đồng, cứ đẩy hai người đi bằng được. Bốn mươi phút sau, Ngưu Nguyệt Thanh đi đến chợ đêm, nói với chủ quán rượu gạo:
Cho xin ba bát, mỗi bát thêm cho ba quả trứng gà.
Mạnh Vân Phòng và Triệu Kinh Ngũ hiểu ý của chị mỗi người bước đến ăn một bát. Về đến nhà đã hai giờ đêm. Liễu Nguyệt đọc sách trên ghế sa lông trong phòng khách, song đầu cứ dúi dụi về phía trước. Ngưu Nguyệt Thanh giằng lấy quyển sách cốc vào đầu Liễu Nguyệt hỏi:
Em mơ thấy ai vậy?
Liễu Nguyệt cười rồi đi rót trà, nhưng Ngưu Nguyệt Thanh đã tháo giày cao gót bảo mau mau lấy cái lưỡi dao bào để chị cạo cái bánh liền ở lòng bàn chân. Thế rồi ngửa bàn chân lên, chị cẩn thận cầm lưỡi dao bào khoét chai chân. Liễu Nguyệt nói:
Một cái chai chân to cứng như thế này kia ư?
Rồi cô bảo đưa lưỡi dao bào để cô cắt cho. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
Tại đi giày cao gót đấy, đàn ông chỉ biết đàn bà đi giày cao gót đẹp, chứ đâu có biết chịu tội thế nào? Nó rắn câng câng, cứ đau nhoi nhói tận tim gan.
Cuối cùng thì Liễu Nguyệt cũng đã cắt được một mảng, một mảng to, nhưng không bị chảy máu. Ngưu Nguyệt Thanh bảo không sao, xỏ dép lê vào, giẫm giẫm trên nền nhà, khe khẽ hỏi:
Anh Điệp về chưa?
Liễu Nguyệt đáp:
Về rồi, anh ấy ngủ một mình trong phòng sách.
Ngưu Nguyệt Thanh không khỏi đau lòng thở dài. Chị nói:
Kệ xác anh ấy, chị cũng chả hơi đâu đi lo cho anh ấy, để anh ấy ra oai của anh ấy trên ghế bị cáo của toà án.
Nói xong liền đi vào buồng ngủ, khóa trái cửa buồng lại.
Hôm sau Trang Chi Điệp thức dậy tắm gội, biết vợ đã đi làm, hỏi Liễu Nguyệt đêm qua về nói gì. Liễu Nguyệt bảo không nói gì, Trang Chi Điệp liền gọi điện hỏi Mạnh Vân Phòng, sao đó ngồi uống rượu buồn bã trong phòng sách. Khoảng tám giờ sáng, người đưa thư mang đến thông báo của toà án, kèm theo bản sao đơn thư khởi tố ở bên trong, yêu cầu chuẩn bị một  bài trả lời và biện hộ, chờ đợi toà án báo tin điều tra và mở phiên toà xét xử. Trang Chi Điệp đọc ba tờ đơn khởi tố, nét  bút là của Cảnh Tuyết Ấm, giọng điệu hành văn thì rõ ràng là của người khác, biết ngay quả thật có kẻ đứng sau bày mưu tính kế xúi giục, giật dây, liền chửi mẹ kiếp ba tiếng, đọc tiếp, thì người bị khởi tố gồm năm người, đầu tiên là Chu Mẫn rồi lần lượt đến Trang Chi Điệp, Chung Duy Hiền, Lý Hồng Văn và Cẩu Đại Hải. Tuy mình là bị cáo xếp thứ hai, nhưng tội trạng được nhắc đến nhiều nhất, lại ra sức moi móc nói xấu, miêu tả anh thành con người thanh danh to lớn mà linh hồn bẩn thỉu, là một gã đàn ông hèn hạ xấu xa vong ơn bội nghĩa, bán rẻ tình bạn, đã bịa ra những chuyện phong lưu chơi bời của mình làm tổn thương đến người khác, một cách không thương tiếc. Trang Chi Điệp tự thấy sắc mặt mình bỏng rát, biết ngay Cảnh Tuyết Ấm đã hoàn toàn xé tan chút tình bạn còn tơ vương trước đây, trong trái tim của chị ta, mình không đáng một xu. Anh cũng không khỏi cảm thấy tủi thân, oan uổng và tổn thương đến lòng tự tôn. Anh nổi giận đùng đùng, dốc hết nửa chai rượu ừng ực vào bụng, thất tha thất thểu đi ra  cổng. Anh đến nhà Chu Mẫn tìm Chu Mẫn. Chu Mẫn đã nhận được thông báo của toà án, cũng ở nhà uống rượu, hai người cùng ngồi uống tiếp. Chu Mẫn bảo toà soạn tạp chí nhận được bản sao đơn khởi tố của toà án, đã phân tích đây là Vũ Khôn viết thay. Vũ Khôn khéo viết loại bài lời lẽ lên gân nặng nề này. Chu Mẫn bảo có người đã nhìn thấy con mụ họ Cảnh và Vũ Khôn khăng khít tới mức đã làm chuyện gì, chuyện gì đó, mà tay chồng kia thì lại tin hắn ta. Trang Chi Điệp liền đập vỡ chén nói to:
Đừng nói tới chị ta nữa! Đừng nói tới chị ta nữa!
Trang Chi Điệp say lăn quay ra đất. Trận say này kéo dài mãi đến trưa vẫn chưa tỉnh. Đường Uyển Nhi liền đi gọi điện cho Ngưu Nguyệt Thanh. Ngưu Nguyệt Thanh trả lời:
Tôi không quản lý nổi anh ấy nữa!
Chưa dứt lời chị ta bỏ điện thoại xuống. Đường Uyển Nhi lại tỏ ra bực dọc thầm nghĩ, chị không giữ nổi thì cũng đừng bảo tôi đổ rượu cho anh ấy uống say ở nhà.
Về đến nhà, chị ta cùng Chu Mẫn khênh Trang Chi Điệp lên giường. Chu Mẫn lại phải đi đến toà soạn tạp chí theo dõi chiều hướng sự việc sẵn sàng đối phó, liền bảo Đường Uyển Nhi ở nhà trông nom, chú ý đừng để Trang Chi Điệp trong cơn say ngã xuống đất.
Chu Mẫn vừa đi khỏi, Đường Uyển Nhi liền đóng cổng, trở vào thấy Trang Chi Điệp vẫn say li bì không tỉnh, mà mồ hôi thì vã ra như tắm, liền cởi cúc áo sơ mi trắng của anh ra cho mát, còn mình thì cầm quyển "Hồng lâu mộng" ngồi đọc cạnh giường. Đọc mãi, đọc mãi rồi đọc không vào nữa. Chị ta cảm thấy môi trường này tuyệt vời quá. Trên giường anh ấy ngáy đều đều, mình ngồi đây lặng lẽ đọc sách, ngoài cửa sổ gió nhè nhẹ thổi, lá cây lê kêu xào xạc, con chuột kia thập thò ở trên tấm tre dưới trần nhà, giương cặp mắt sáng quắc nhìn bọn họ hồi lâu rồi tụt xuống theo sợi dây giật công tắc điện, nhảy lên chăn ở đầu giưỡng, nhoáng một cái đã  biến mất. Đường Uyển Nhi lập tức rơi vào một cõi khác, chị ta nhận thấy người nằm trên giường là chồng mình thật sự. Giấc ngủ của chồng chị ta hoàn toàn là do nằm nghe chị ta đọc "giấc mộng lâu hồng", rồi tự dưng thiếp đi. Thế là chị bảo:
Anh tệ lắm, em đọc khô cả cổ bỏng cả lưỡi mà anh lại ngủ ư?
Chị ta liền bỏ sách, cúi xuống hôn vào môi anh. Anh vẫn chưa tỉnh. Chị ta liền bày trò nghịch ngợm, cầm chiếc bút lông vẽ lên da bụng anh béo phị. Đường Uyển Nhi vẽ hai cái vú của Trang Chi Điệp thành đôi mắt, vẽ cái rốn kia thành cái miệng, cái miệng vều lên ở góc thành khuôn mặt cười nhìn thẳng vào mình. Chị ta bảo:
Anh cười cái gì? Không cho anh cười em.
Liền vẽ một chuỗi nước mắt ở dưới hai mắt kia, vậy là khuôn mắt kia giống như khóc lại đang cười, giống như cười lại đang khóc. Vẽ xong đâu đấy, Trang Chi Điệp vẫn chưa tỉnh, chị ta bảo:
Anh vẫn chưa tỉnh ư? Anh giả vờ ngủ hả?
Nhưng Trang Chi Điệp không tỉnh thật. Lúc này Đường Uyển Nhi lại mong anh say ngủ mãi mãi, liền cúi đến gần (tác giả cắt bỏ hai mươi sáu chữ).
Ánh sáng ngoài cửa mỗi lúc một tối đi. Trang Chi Điệp nằm lăn ra tại chỗ, thở một hơi rò thật dài, lại thở một hơi nữa, rồi nói:
Trời tối rồi Uyển Nhi ạ.
Đường Uyển Nhi đáp:
Vâng tối rồi, sao ngày lại ngắn thế nhỉ?
Trang Chi Điệp hỏi:
Em bỏ thuốc mê vào rượu hả Uyển Nhi? Xưa nay anh chưa uống say bao giờ. Anh phải về nhà. Bây giờ chân mềm nhũn ra về thế nào được nhỉ?
Đường Uyển Nhi đáp:
Không về là không về nữa. Trời tối rồi, anh cứ ngủ ở đây, ngủ ở đâu thì cũng là ngủ trong đêm mà!
Trang Chi Điệp hỏi:
Em nói gì vậy, em nói lại lần nữa xem nào!
Đường Uyển Nhi nói:
Ngủ ở đâu thì cũng là ngủ trong đêm!
Trang Chi Điệp bảo:
Câu nói hay quá, riêng câu này em có thể làm nhà thơ được rồi đấy Uỷên Nhi ạ.
Đường Uyển Nhi nhảy qua đầu Trang Chi Điệp vừa sửa váy, cuốn tóc, vừa hỏi:
Thế ư? Vậy thì anh là nhà văn, em là nhà thơ. Đêm nay Chu Mẫn về, chúng mình nói chuyện vui vẻ cả đêm, lại còn khăng khăng đòi về ôm ấp bà xã phải không nào?
Trang Chi Điệp trả lời:
Có về thì anh cũng ngủ trong phòng sách của anh. Anh đã không còn tình yêu, người không có tình yêu thì đen tối như hôm nay.
Đường Uyển Nhi liền bảo:
Vậy thì em cho anh ánh sáng!
Chị ta đưa tay giật dây công tắc, tách tách hai tiếng, song đèn không sáng, liền chửi:
Lại mất điện rồi! Trong thành Tây Kinh hai ba hôm lại mất điện. Nếu em là chủ tịch thành phố, thì em sẽ cách chức cục trưởng cục điện lực! Không có điện, thì em bật diêm cho anh.
Xoẹt một cái, một que diêm cháy lên, cả hai người đều cười trong ánh sáng mờ mờ, rồi tắt luôn, lại quẹt một cái nữa, bỗng chốc lại tắt ngấm. Đường Uyển Nhi còn quẹt tiếp. Trang Chi Điệp bảo:
Nói em là nhà thơ, em càng hăng biến thân mình thành thơ hết cả. Thôi đừng lãng phí diêm nữa, Chu Mẫn đâu? Chu Mẫn đi làm ư?
Đường Uyển Nhi đáp:
Đi làm rồi, tối nào cũng đi thổi huyên. Hôm nay tối mịt rồi, không thấy về, có lẽ ở toà soạn tạp chí lạ có chuyện gì chăng? Anh mặc áo đi, em nấu canh mì anh ăn nhé!
Trang Chi Điệp bảo:
Không ăn đâu, chờ đến lúc Chu Mẫn về thấy mất điện, anh và em ở trong nhà tối om om anh ta sẽ đâm nghi.
Đường Uyển Nhi nói:
Anh đi bây giờ, biết đâu vừa ra khỏi cổng đã gặp anh ta trên đường về, anh ta mới sinh nghi. Thế này nhé, anh mặc áo vào, lại nằm ngủ say, em khóa hết cửa vào rồi đi ra phố, cứ bảo đã khóa anh ở trong nhà cả một buổi chiều. Chờ bao giờ anh ta về em mới về.
Chi Điệp chửi một câu, đàn bà ma lanh hơn đàn ông, song đã móc túi lấy ra một cục tiền, bảo:
Em đến cửa hàng ngoài phố mua cho em một bộ thời trang mà mặc. Trước mười hai giờ đêm bách hoá tổng hợp chưa đóng cửa đâu, anh cứ định mua cho em song lại sợ không vừa, em tự mua lấy vậy.
Đường Uyển Nhi không nhận, Trang Chi Điệp không vui vẻ "hừ" một tiếng, chị ta liền cầm tiền đi ra khóa cổng rồi ra phố.
Đêm đó Trang Chi Điệp không về ngủ ở nhà mình. Cho tới lúc Chu Mẫn về mở cổng gọi anh dậy, thì Đường Uyển Nhi mới đem theo một bộ thời trang về, bị Chu Mẫn mắng cho một trận nên thân, Đường Uyển Nhi liền bảo đích thân đi nấu cơm, để xin lỗi đã không phải với Trang Chi Điệp.
Thắp nến ăn cơm xong, Chu Mẫn giữ Trang Chi Điệp ở lại còn gọi cả Mạnh Vân Phòng đến. Bốn người cùng đánh mạt chược. Đường Uyển Nhi nói:
Mấy văn nhân các anh truỵ lạc hết cả rồi, lúc đầu bảo tối nay thảo luận chuyện văn học tử tệ song lại đi đánh mạt chược.
Mạnh Vân Phòng bảo:
Chơi mạt chược mà truỵ lạc à? Ông Hồ Thích đã từng nói, đọc sách có thể quên đánh mạt chược, đánh mạt chược có thể quên đọc sách. Theo tôi đọc sách và đánh mạt chược có thể quên hết nỗi buồn phiền. Nhưng Chi Điệp và Chu Mẫn đều do đọc sách, viết văn mà chuốc lấy một bụng buồn phiền, không đánh mạt chược, thì dựa vào đâu để quên hết buồn phiền?
Và hễ đánh bài là đánh cho đến sáng. Hôm sau Mạnh Vân Phòng lại bảo Trang Chi Điệp đến nhà mình tâm sự nghỉ ngơi. Trang Chi Điệp ở nhà Mạnh Vân Phòng ba ngày, cùng đi đến khách sạn tham dự một cuộc họp của các hoạ sĩ. Giám đốc khách sạn đã chiêu đãi mọi người một bữa sơn hào hải vị, lại gọi mấy ca sĩ bình thường đến hát cho vui. Trang Chi Điệp nghĩ những hoạ sĩ này sống tự do thoải mái thế. Người xưa có cảnh dắt gái lầu xanh rong chơi sông núi, có lẽ giống thế này. Mạnh Vân Phòng liền ghé vào tai anh bảo:
Anh nhìn cô ca sĩ kia kìa, ngon đáo để, khi cười cái lưỡi cứ động đậy giữa hai hàm răng, trông khêu gợi ra phết. 'Nhà cầu khuyết" của mình, nếu có tổ chức hoạt động gì, cũng mời mấy ca sĩ này đến góp vui.
Trang Chi Điệp nói:
Mắt anh kém, nên nhắm lại dưỡng thần.
Mạnh Vân Phòng tức quá, đưa tay dưới gầm bàn véo vào đùi Trang Chi Điệp một cái. Các cô ca sĩ lấy giọng bắt điệu hát xong mấy bài, mỗi cô được thưởng hai mươi đồng rồi ra về.
Giám đốc liền kê bàn đặt lên bốn thứ báu vật của phòng văn: giấy, mực, bút, nghiên rồi chụm hai tay lại nói:
Các vị đều là danh gia cao thủ, đến được khách sạn nhỏ bé này là dịp hiếm có. Tôi đây cũng một lòng yêu tranh chữ, xin các vị có thể thưởng cho mấy dòng bút tích quý báu được không?
Trang Chi Điệp liền khẽ hỏi một hoạ sĩ:
Chẳng phải khách sạn cung cấp phương tiện để các họa sĩ họp mặt nói chuyện đó ư? Tại sao lại còn vẽ viết?
Người hoạ sĩ kia đáp:
Nói ra thì hoạ sĩ được hoan nghênh hơn nhà văn các anh, nhưng cho gà ăn là để gà đẻ trứng, quả thật hoạ sĩ rẻ mạt hơn nhà văn.
Các họa sĩ lần lượt lên vẽ, vẽ xong lại móc túi lấy con dấu đóng lên. Trang Chi Điệp lại khẽ hỏi:
Các anh không bằng lòng tại sao ai cũng mang sẵn con dấu đến?
Vị hoạ sĩ kia đáp:
Chỉ cần có người đến mời đi ăn là biết có chuyện gì rồi. Đâu có chuyện không đem theo con dấu.
Trang Chi Điệp ngồi một bên cười, vừa cười xong, thì giám đốc cũng mời anh thưởng cho. Trang Chi Điệp bảo anh không biết vẽ, giám đốc bảo tôi không bắt anh vẽ, anh viết văn hay, chữ bút lông cũng đẹp, tại sao không đề tựa hay bạt gì đó trên tranh chữ của các hoạ sĩ? Trang Chi Điệp đành phải đề từ viết thơ lên từng bức tranh. Anh không mang con dấu, thì đỉêm chỉ vào. Mọi người bảo:
Như thế càng thật, có muốn giả cũng không giả nổi.
Láng cháng với các hoạ sĩ mấy lần, Trang Chi Điệp lại cùng Triệu Kinh Ngũ đến mấy nhà cất giữ đồ cổ văn vật xem đồ cổ, đi vào rạp kịch Tần Xoang nghe hát, pha trò, đi ra phố các quán ăn bình dân nhấm nháp, đi vào chùa Dựng Hoàng xem đại sư Trí Tường dạy khí công. Bất giác hơn mười ngày qua đi. Toà án gửi giấy báo hạn định thời gian mở phiên toà đầu tiên. Trang Chi Điệp tính ngày, chỉ còn non nửa tháng nữa, mới phanh lại về nhà chờ đợi. Chu Mẫn và Chung Duy Hiền cũng đã đến vài lần, bàn bạc nội dung đối đáp tranh cãi, lại mời năm luật sư, mời luật sư nào cũng là cảm thấy dù được hay thua kiện,thì đi kiện cho danh nhân cũng là một việc vinh quang trong cuộc đời luật sư của mình. Trang Chi Điệp đành phải tươi cười đón tiếp, nói chuyện vui vẻ.
Nhưng vấn đề nội dung thống nhất, đã xảy ra mâu thuẫn. Đầu tiên các luật sư phân tích mục đích khởi tố của Cảnh Tuyết Ấm, cho rằng trong trường hợp thông thường một người đàn bà có được chuyện dây mơ rễ má với danh nhân vốn điều vinh hạnh, mà Cảnh Tuyết Ấm làm ầm ĩ lên như vậy có phải là lấy đó để làm cho ai ai cũng biết về mình  không? Trang Chi Điệp liền phủ nhận. Anh bảo Cảnh Tuyết Ấm không phải người đàn bà như thế. Các luật sư cho rằng nếu loại trừ khả năng này, muốn thắng vụ kiện này, thì biện pháp duy nhất là giữ vững quan điểm thực tế đã từng có quan hệ yêu đương, liền chỉ trích Trang Chi Điệp đã viết bức thư rất ngu xuẩn kia, yêu cầu anh trước hết phải trình bày trước toà khi viết bức thư ấy là dẹp chuyện làm yên lòng người mà giấu giếm chân tướng sự thật. Bây giờ đã giải quyết cuộc phong ba bằng biện pháp luật pháp, thì phải nêu lại từng quá trình yêu nhau. Trang Chi Điệp nghe qua, biết ngay lập luận này đều do quan điểm của Chu Mẫn đã ảnh hưởng đến luật sư, mà ngẫm nghĩ sâu hơn logic tư duy này, thì Chu Mẫn có thể giũ sạcch sành sanh trách nhiệm, trước phiên toà tất phải nhận định tài liệu của  bài viết là hoàn toàn do anh cung cấp. Điều làm cho Trang Chi Điệp càng khó xử hơn là chuyện không hề có, thì mở miệng nhe răng trước mặt Cảnh Tuyết Ấm như thế nào, cho dù nói trái với lòng mình, thì chuyện này cũng thuộc về riêng tư cá nhân. Bây giờ hai bên đều đã có gia đình, bản thân đi rêu rao khoe khoang ở khắp nơi, bảo người khác viết ra há chẳng phải là thật sự xâm phạm quyền danh dự của Cảnh Tuyết Ấm đó sao? Hơn nữa, nhiều sự việc viết trong bài báo ấy,nếu toà án truy hỏi thời gian xảy ra, thì lại là thời gian yêu Ngưu Nguyệt Thanh, thậm chí sau khi cưới đi lại với Cảnh Tuyết Ấm. Vậy thì anh chồng của Cảnh Tuyết Ấm sẽ chẳng bao giờ buông tha cho Cảnh Tuyết Ấm.
Trong lòng Ngưu Nguyệt Thanh cũng khó lòng gột sạch như đã nuốt phải con ruồi! Trang Chi Điệp liền kiên quyết không đồng ý tư duy lối đối đáp tranh cãi này, giữ vững ý kiến ban đầu. Chu Mẫn liền cười gằn nói:
Thầy giáo Điệp quả có lòng thiện, định làm ông Đông Quách đấy!
 Trang Chi Điệp không ưa nghe lời nói này, liền bảo:
Nếu cậu làm như thế, thì tôi chẳng giữ việc gì nữa. trước toà án, tôi có thể nói rõ sự việc, trong bài viết đều có cái bóng nhất định, nhưng hoàn toàn không phải các tình tiết to vẽ tùy ý hiện nay. Bài văn không do tôi viết, tôi cũng không được đọc trước, tôi càng không gặp riêng cậu bàn bạc, thậm chí lúc ấy, ngay đến mặt cậu tôi cũng chưa được gặp. Điều tôi cần biện bạch chỉ có thể là tôi không phải là bị cáo. Nếu tôi biện bạch bị bác bỏ, toà xử tôi có tội, tôi sẽ đi ngồi tù là xong!
Hai người đã bất hoà, sắc mặt đều thay đổi. Mạnh Vân Phòng vội vàng can ngăn, hoà giải. Anh bảo cả hai hãy bình tĩnh suy nghĩ, chờ lúc khác lại bàn bạc, liền kéo Trang Chi Điệp đi ra, bảo:
Có chuyện gì ghê gớm lắm đâu, mà đỏ mặt tía tai thế! Cho dù thua kiện, thì làm gì được anh nào? Anh nổi tiếng bằng tác phẩm của anh cơ mà, tác phẩm không đổ, thì thanh danh xấu đi đâu được? Theo tôi thì chỉ là đáng tiếc đã mất đi mối quan hệ tốt đẹp với một người đàn bà vốn quen biết nhiều năm nay! Anh là người không yêu đàn bà, nếu thích, thì tám cô mười cô, tôi cũng cưa kéo cho anh được. mấy hôm vừa rồi, đã đi đến nhiều nơi vui vẻ náo nhiệt, anh cũng đã biết người ta sống vui vẻ sôi nổi thế nào rồi. Anh cũng vui vẻ sôi nổi lên chứ? Hôm nay tôi sẽ dẫn anh đến một nơi chắc là anh chưa đi, để anh mở rộng tầm mắt.
Trang Chi Điệp hỏi:
Chỗ nào tôi chưa đi?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Một vụ kiện đã làm tỉnh hồn anh rồi hả? Anh muốn đi để biết thật chứ?
Trang Chi Điệp nói:
Cái mồm thối của anh ấy, nói ra thì chả có chuyện gì dưới gầm trời này anh không biết, anh có giỏi thì gọi cho tôi một đứa.
Hai người đến nhà Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng bảo Hạ Tiệp gọi Đường Uyển Nhi cùng đến chỗ Ngưu Nguyệt Thanh chơi bài. Hạ Tiệp bảo:
Em đang buồn ở nhà chán quá đây. Nhưng em nói trước cho anh biết, em đi khỏi nhà, anh không được dẫn Mạnh Tẫn vễ đâu đấy!
Hạ Tiệp thay quần áo, bỏ vào túi một cuộn tiền rồi đi. Trang Chi Điệp hỏi:
Hạ Tiệp không cho Mạnh Tẫn bước vào cửa này à?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Bọn tôi cãi nhau nhiều về chuyện này. Con là con của mình, trên đời này có thằng bố nào không yêu con mình cơ chứ? Huống hồ Mạnh Tẫn thông minh hơn người, đứa con thông minh nào chả nghịch ngợm. Mẹ thằng bé, lại không quản lý nổi, sợ ngộ nhỡ ra ngoài chơi bời hư hỏng, đã đến bảo tôi dậy dỗ thêm. Nhưng hễ Mạnh Tần bước chân vào nhà này, thì Hạ Tiệp lại chửi chó đánh mèo, nhìn tôi bằng cặp mắt khó chịu.
Mạnh Vân Phòng nói ra mặt hằm hằm, cúi xuống vòi nước uống một hơi nước mát, anh nói:
Không nói nữa, bảo anh đến chơi cho khuây khỏa lại làm anh buồn phiền.
Mạnh Vân Phòng không đi xe đạp. Anh ngồi xe máy "Mộc lan" của Trang Chi Điệp chỉ đường, đi thẳng tới phía bắc thành phố. Đó là một nơi buôn bán dân gian rất rộng, chủ yếu là buôn bán các loại động vật quý nuôi trong gia đình, chim cá, thuồng luồng, và thức ăn nuôi  chúng. Già trẻ trai gái và những kẻ vô công rồi nghề đi chợ kéo đến nườm nượp, kẻ khoác túi, người xách làn, chen chúc xô đẩy, làm cho cả một bãi dài hàng trăm mét ồn ào nhốn nháo, náo nhiệt sầm uất vô cùng. Trang Chi Điệp thốt lên:
Đây là Đương Tử phải không?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Đừng kêu lên thế người ta sẽ xem thường. Anh cứ chịu khó mà nhìn. Trong Đương Tử này, cao sang, quê mùa, tục tĩu, nhã nhặn, gian trá, xảo quyệt, lẫn lộn, khó phân biệt nhưng phân cấp chia loại thì ước định mà thành. Các trường phái, bọn lưu manh côn đồ, ông chủ, thằng nhỏ, phe phẩy, buôn bán nước bọt…cỡ nào cũng có.
Hai người đi vào, quả nhiên lái buôn, chủ quán, chủ hiệu kéo bè kéo cánh chiếm giữ địa bàn, trong phạm vi hoạt động của mình, kẻ đánh trống người thổi còi, rất ít dây dưa với nhau. Hai người vào chợ cá trước, trước mỗi cửa hàng bày ngang những chậu kính to đùng, chậu nào cũng gắn dải vàng ở góc, có lắp  bơm nước sủi bọt xả hơi, đèn màu nhấp nháy, nước và cỏ cây lấp loáng soi nhau, những con cá nhiệt đới thư thả lượn lờ, vẩy mịn dát bạc, lúc nổi lúc chìm. Trang Chi Điệp đã xem mấy chỗ, vui vẻ nói:
Cá này sướng thật, chúng không buồn phiền!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
Có mua không? Mua một chậu đem về, bản thân anh cũng thành cá.
Trang Chi Điệp cười bảo:
Con người yên tĩnh trong ầm ĩ, ầm ĩ trong yên tĩnh. Xem cá ở đây hâm mộ niềm vui của cá, lúc mua mấy con đem về, nhìn thấy người chẳng bằng cá, lại không có chỗ nào trút bỏ, thì mới ghen ghét càng buồn hơn.
Ra khỏi chợ cá thì vào chợ dế mèn. Trong nhà Trang Chi Điệp có mấy cái âu dế mèn đời trước để lại, anh cũng đã từng bắt mấy con dế ở chân tường thành về chơi. Song chưa bao giờ nhìn thấy những cái âu gốm cầu kỳ như thế này. Cầm một cái âu màu xanh cua đồng lên xem, chung quanh âu khắc hoa trổ nét, gắn những chữ "Đại vương đầu vàng", "Tướng quân vô địch", cứ tấm tắc khen mãi. Chủ hàng tươi cười đón khác, hỏi thẳng:
Lấy một cái chứ?
Hai người chi cười mà không nói sao. Ông chủ liền mặt lạnh như tiền gạt tay nói:
Hai vị tránh ra, không nên để lỡ buôn bán, ảnh hưởng người khác.
Tiếp theo lại cung tay khom người hỏi hai người đàn ông mới đến, lại còn cầm lên một cái âu gốm, miệng nói "Dế thần trời cho". Hai vị kia quả nhiên cui người, mở nắp nhìn dáng, khoái chí tươi cười, hỏi giá bao nhiêu, thì ông chủ bỏ mũ lá xuống, giơ hai tay ra. Anh chàng mặt đen sạm kia ngẩn tò  te, trợn mắt thè lưỡi. Ông chủ hàng liền bảo:
Anh thử xem lại hàng lần nữa!
Rồi bỏ thật chính xác anh hùng võ sĩ vào cái đấu to bằng cái bát. Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng cũng ngoái cổ lại, bỗng chốc đám đông mím môi nín thở, chợt reo to hai tiếng "cố lên!", hai hàm răng chúng cắn vào nhau, tiến công phòng thủ rất bài bản, một con xảo quyệt vô cùng, giả vờ thua, lừa trá hàng, song đã bất ngờ đánh úp sau lưng. Trang Chi Điệp xem tới mức mê mẩn, Mạnh Vân Phòng phải kéo vạt áo anh bảo:
Anh khoái trò này thế cơ à?
Trang Chi Điệp hỏi:
Anh có biết vừa giờ tôi nghĩ gì không?
Mạnh Vân Phòng hỏi lại:
Nghĩ gì thế?
Trang Chi Điệp nói:
Tôi nghĩ nguồn gốc của con người không phải là vượn người mà là dế mèn hoá kiếp, có lẽ con dế mèn ấy là ma của ma người.
Mạnh Vân Phòng bảo:
Vậy sao anh không hỏi xem con dế thắng kia cấp hàm gì.
Hai người lại dạo sang chợ chó. Trang Chi Điệp đã ưng ý một con chó sư tử lông dài. Con chó này đẹp như con báo, thư thái vô cùng, vừa nhìn thấy họ, nó liền ngồi xuống giơ luôn hai chân trước chắp lại chào. Trang Chi Điệp bỗng thốt lên một câu:
Nhìn mắt và lông mày kìa, giống Đường Uyển Nhi đến mấy phần.
Mạnh Vân Phòng cười bảo:
Anh thích Đường Uyển Nhi sao không mua tặng cô ấy. Nhưng theo tôi đàn ông không nuôi mèo, đàn bà không nuôi chó, chẳng thà sang xem chợ hoa, mua một chậu chuối hoa tặng cô ấy. Nhà cô ấy thế quái nào ngay một chậu hoa cũng không có?
Trang Chi Điệp bảo:
Đừng nhắc chuyện hoa nữa, làm tôi lại nhức đầu! trước đây chậu hoa lạ của bọn mình đẹp như thế còn chẳng giữ nổi, lại định mua làm gì. Hoa chuối hay không hoa chuối? Hơn nữa tôi cũng từng hỏi cô ấy sao trong nhà không trồng một ít hoa, cô ấy bảo, hễ em trồng hoa, là hoa sống chẳng được bao lâu, hoa ghen ghét cô ấy, cô ấy cũng đố kỵ hoa.
Mạnh Vân Phòng nói:
Con bé ngứa nghề ấy thích nói thế để khoe bản thân chứ gì? đàn bà ai cũng có cái tật ấy. Hạ Tiệp thường khoe với tôi, tay Mỗ Mỗ nào đó có ý tứ với cô ấy, chàng Mỗ Mỗ nào đó tỏ ra ân cần với cô ta, hoàn toàn để ám chỉ với tôi: anh không yêu em, nhưng có người đã yêu đấy! Tôi liền bảo, tốt thôi, đứa nào châm em một cái lỗ to bằng con mắt, thì em cứ thổi vào hắn ta một cơn gió to bằng cái bát. Cô ta đã tức phát khóc lên.
Trang Chi Điệp cười, rồi quay đầu nhìn bốn phía hỏi:
Ở đây có chợ bồ câu không nhỉ?
Mạnh Vân Phòng hỏi:
Anh nuôi bồ câu à?
Trang Chi Điệp đáp:
Trong các lọai muông thú bay tôi yêu thích bồ câu, định mua một con tặng Đường Uyển Nhi.
Mạnh Vân Phòng cười bảo:
Tôi biết rồi, chắc chắn việc này là ý của cô ấy.
Trang Chi Điệp hỏi:
Thế nào là ý của cô ấy?
Mạnh Vân Phòng đáp:
Nhà cô ấy không có điện thoại, các cậu định dùng bồ câu trao đổi tin tức chứ gì?
Trang Chi Điệp bảo:
Anh ma lanh nó vừa vừa chứ?
Mạnh Vân Phòng liền dẫn Trang Chi Điệp sang chợ chim bồ câu tận đầu phía nam, chọn khá nhiều con, sờ gáy, quết lông cánh, nhìn màu sắc, xem vòng chân. Mạnh Vân Phòng hỏi:
Anh định mua bồ câu cho Đường Uyển Nhi hay là chọn cung phi cho mình?
Cuối cùng đã chọn được một con, hớn hở ra về. Đêm ấy vẫn ngủ ở nhà Mạnh Vân Phòng, không về khu nhà hội văn học nghệ thuật.